Que diêm thứ Tám (kỳ 8)

Tiểu thuyết của Văn Biển

25.

CHUYỆN ÔNG TƯ VÀ CÁC CƯ DÂN.

NHỮNG TIẾNG NÓI CHÂN TÌNH

Ông Tư ngồi giữa một đám người. Câu chuyện hình như đang lúc cao trào. Ai đó bỗng nói.

Giá bây giờ có một bầu rượu với ít đồ nhắm, thậm chí trái ớt xanh, trái ổi chát cũng được thì hay hết chỗ nói. Thượng đế một khi đã lấy, Ngài lấy đi tất, chẳng để lại cho linh hồn một thứ gì cả.

Tôi nghĩ Thượng đế làm thế đều có lý của Ngài. Nếu linh hồn mà xài được rượu thì mọi nhu cầu khác sẽ sinh ra. Rồi chẳng mấy hồi trở lại xã hội y chang trên đó. Đã Tửu thì lại sinh Sắc, rồi đẻ ra bao nhiêu tệ nạn khác.

Ừ, cứ nghĩ tới những chuyện trên đó, xuống dưới này rồi nhớ lại mà còn kinh. Cứ như vừa trải qua một cơn ác mộng.

Trước kia có câu “ra ngõ gặp anh hùng”. Thật ra, ra ngõ gặp anh hùng cũng không phải là chuyện hay ho gì. Tôi nhớ nhà viết kịch Becton Brech ở Đức có nói một câu hay: “Đáng thương thay một dân tộc lắm anh hùng”. Bây giờ ra ngõ gặp lưu manh. Xã hội ngày càng xuống cấp, báo động đỏ.

Chủ tịch trên đó có nghe chuyện này không? Nói là chuyện vui cũng được, chuyện buồn cũng được. Con người mới sinh ra đã phải chạy rồi. Chạy chỗ học, chạy trường chạy lớp, chạy điểm, lớn lên chạy bằng, chạy chức, chạy học hàm học vị, chạy vào cấp lãnh đạo, từ Phường xã cho tới Trung ương đều phải chạy hết. Gần đây có vị lãnh đạo cấp cao nói thẳng, không có hàng trăm triệu đừng hòng mơ có chức. Có chỗ phải mất hàng tỷ. Tất nhiên những chỗ đó phải ngon, đẻ nhanh ra tiền tạ, tiền tấn. Toàn dân chạy, lớn bé, già trẻ, trai gái đều chạy. Ta thử nhắm mắt tưởng tượng, cả một xã hội đang nháo nhào chạy như bị ma đuổi. Nhưng tới kỳ thi Olimpic thì kiếm không nổi cái giải chì, giải bạc.

Kể ra nghe như một chuyện tiếu lâm, nhưng cười ra nước mắt.

Trước kia, thời Pháp thuộc cũng có chuyện mua quan bán tước. Nhưng mua bán công khai. Ai có tiền có thể mua được chức Tiên chỉ ở làng, ai muốn làm ông Nghị, ông Hội Đồng cứ bỏ tiền ra là có. Số tiền đó nộp vô ngân khố chi vào công ích. Còn bây giờ tiền mua quan bán tước chạy vô túi kẻ có quyền. Chuyện ông Truyền – Chánh Thanh tra Trung ương ngoài chuyện chiếm đất chiếm nhà còn thêm chuyện khủng này, chỉ trong mấy tháng trước lúc về hưu ký tuyển mấy chục người. Sau đó còn thêm mấy vị nữa, học ông anh nhiệm kỳ trước. “Chữ ký hoàng hôn” ra đời từ đó. Được cái nó làm giàu cho ngôn ngữ Việt Nam. Mọi người cười. Hóa ra sau trăm năm đổ máu ta thua thằng thực dân phong kiến sao? Vậy thử hỏi, đổ máu để làm gì.

Khi người ta thiếu ăn vác rá sang hàng xóm vay hoặc xin gạo về ăn. Đằng này mình cũng vác rá hàng năm đi xin không phải về ăn, nuôi con cái mà để đánh nhau. Thế mà thiên hạ cho. Không có chuyện người ta tốt bụng, không ai cho không cái gì cả. Họ cho khi có lợi… giúp họ đánh kẻ thù. Họ chỉ tốn gạo, tiền, quần áo, vũ khí. Còn mình tốn xương máu. Chắc chắn xương máu không thể rẻ hơn các thứ trên. Mà suy cho cùng cũng phải thôi. Có phải máu xương con cháu của các vị đâu. Xương máu của người dân vô tội. Họ không được chút lợi nào hết ngoài cái chết và để lại đau đớn cho người sống… và cuộc sống người dân theo năm tháng cứ nghèo hơn, khổ hơn. Ừ, tội gì mà không xài. “Dẫu đốt cả dãy Trường Sơn cũng đánh, còn một cái lai quần cũng đánh”. Có vị lãnh đạo còn có sáng kiến: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, “Tìm Mỹ mà diệt…”.

Có người viết: Chính những người lãnh đạo như ông, cùng với người dân anh hùng, đã tạo nên trên chiến trường những câu khẩu hiệu, những phong trào “giết giặc lập công” nổi tiếng… độc nhất vô nhị trên hành tinh này… Ông được “Tiếng” còn người dân được “Miếng”. Tiếc là không phải miếng cơm, manh áo. May lắm được tấm bằng “Tổ Quốc ghi công”, còn các bà mẹ được phong “Bà mẹ anh hùng. Người dân có câu:

Con đi đến đứa cuối cùng

Bơ vơ mẹ hóa anh hùng, thế thôi!”

Cuối cùng các mẹ được tấm bằng đóng khung có chữ ký của Thủ tướng hay Chủ tịch nước = mấy mạng đứa con.

Người ta kể chuyện Sáu Thọ – người này cũng ra trận đấy chứ. Nhưng chiếc xe ông ta trên đường ra Trường Sơn bánh xe không được trượt khỏi vết bánh xe của những chiếc xe dẫn đường. Gọi là dẫn đường chứ đúng ra là những chiếc xe dò mìn, rà mìn. Chẳng thế mà có người nói tính mạng của các đồng chí là báu vật của Quốc gia. Còn nghe nói trong chỉ huy sở tiền phương của ông ta đào sâu trong núi. Trong đó không thiếu thứ gì. Từ sâm cao ly loại một cho tới các loại thực phẩm cao cấp, có cả rượu ngoại nữa. Còn gái đẹp văn công thì lúc nào cũng sẵn và lúc nào cũng được thay mới. Nếu đánh giặc kiểu này ai cũng có thể ung dung đánh 50 năm, 100 năm hoặc lâu hơn nữa.

Có người “tức cảnh” làm mấy câu thơ:

Phận ta chỉ góp máu xương

Ngoài ra phí tổn, dẫn đường… “bạn” lo.

Chẳng qua xúc tép nuôi cò

Sinh linh đâu phải bụi tro… hở trời!(1)

Trong suốt 20 năm Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh Giải phóng miền Nam, Mao hô hào khuyến khích Việt Nam đánh nhau. Mao bảo: “Trung Quốc đánh Mỹ cho tới người Việt Nam cuối cùng”. Mao nổi tiếng có những câu nói hay. Câu trên là một trong vô vàn những câu nói hay của Mao. Nhưng khi kẻ tử thù là Nicxơn tới thăm Trung Quốc ông ta hồi hộp dõi theo từng bước chân của “kẻ thù”. Tuy theo lời Mao nói Mỹ chỉ là “con hổ giấy”. Một cuộc đón tiếp thân mật trong khi Việt Nam đang “sống chết” với Mỹ. Trong suốt 20 năm nhân dân Việt Nam ngày đêm quần nhau với Mỹ, còn Mao thì ngày nào cũng ở bên bể bơi, nhảy đầm và ngủ với gái tơ. Hàng trăm cô đã qua tay Mao. Cạnh bể bơi có phòng nghỉ của Mao, lúc nào nhảy mệt Mao dẫn bạn nhảy vào trong phòng. Ai được Mao chiếu cố coi như là một đặc ân lớn trời cho (Theo “Mao Trạch Đông – Ngàn năm công tội” – của Tân Tư Lăng).

Chu Ân Lai từng nói: “Thiên hạ đại loạn…”, Mao nói thêm “thì Trung Quốc được nhờ”. Rõ ràng, Trung Quốc muốn Việt Nam đánh Mỹ thì Trung Quốc được lợi cả đôi bề. Mỹ sa lầy ở Việt Nam thì Trung Quốc có đủ thời gian để xây dựng kinh tế lẫn quân sự. Việt Nam được “tiếng thơm” là đánh thắng ba tên đế quốc lớn nhất thế giới. Đời sống người dân thì khỏi phải nói, rơi xuống đáy sự bần cùng. Còn anh Hai thì dĩ nhiên đạt được những mục tiêu, điều mình mong muốn, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và muốn thay Mỹ làm chúa tể Trái đất.

Anh Cả đã mồ yên mả đẹp rồi, còn chuyện anh Hai nói cả năm không hết. Càng nói càng thấy rõ tâm địa hiểm độc của nó. Hãy trở lại chuyện của chúng ta.

Tôi xin kể chuyện này. Một hôm tôi đi taxi, tay tài xế hỏi tôi, ngày xưa Lê Chiêu Thống đem nước dâng cho Tàu để được trở về làm ông vua nô lệ thì nghìn đời con cháu gọi là tên vua bán nước. Ngày nay các vị bán đất, bán đảo cứ khỏe ru. Tiền khủng đút túi mà chẳng bị làm sao cả.

Cù Tèo đứng lên, cái Hĩm cầm áo cu Tèo kéo xuống, cu Tèo hất tay cái Hĩm: Thưa Chủ tịch, cháu có được phép hỏi không ạ, thấy cái Hĩm cứ một hai kéo ngồi xuống không cho nói, Tèo nói nhỏ với bạn, yên trí, tao không nói tới chuyện làm ngựa làm bò đâu, chuyện này còn quan trọng hơn nhiều.

Ông Tư nói với cái Hĩm: Cô bé cứ để bạn hỏi, điều gì trả lời được bác sẽ trả lời.

Cháu xin hỏi bác Chủ tịch, tỉnh ta hiện nay có còn cầu khỉ không ạ. Nếu còn thì còn bao nhiêu cái.

Bác ấy phải lo những việc lớn. Nếu nói theo chữ nghĩa thì ở tầm vĩ mô, quốc gia đại sự. Những chuyện có bao nhiêu cầu khỉ làm sao bác Chủ tịch biết được.

Cái Hĩm bỗng đứng lên cạnh Tèo: Thưa các bác, chúng cháu quan tâm tới các chiếc cầu khỉ vì nó có quan hệ tới hàng chục, hàng trăm trẻ em nghèo khó. Mùa lũ có bao nhiêu bạn học sinh, chăn trâu cắt cỏ hàng ngày phải qua lại những chiếc cầu khỉ như những chiếc răng rụng. Chính bọn cháu đã rơi từ chiếc cầu khỉ trên đường đi học về, và từ đó không còn trở về nhà được nữa. Cháu và bạn cháu ra đi tới hôm nay là gần năm năm rồi, vừa nói vừa thút thít khóc.

Bác có lỗi lớn đối với cháu và các bạn của cháu. Đúng, điều các cháu hỏi là lớn. Dẫu vĩ mô hay vi mô cũng là vấn đề quốc kế dân sinh, mang lại hạnh phúc, bình yên cho dân, không ai dám nói những chiếc cầu khỉ là vấn đề nhỏ. Rất tiếc và thật là đáng xấu hổ cho người lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện tới nay vẫn còn để những cái bẫy làm chết trẻ em, người lớn. Cả những chiếc đò ngang cũng vậy. Hàng năm tới mùa lũ lụt cũng có bao nhiêu chiếc đò, chiếc bè ngang bị chìm. Bây giờ bác có hối cũng không kịp, không có điều kiện để sửa sai nữa.

Cảm thấy không khí có vẻ nặng nề, hai bố con người kể chuyện vội đứng lên.

Cha con tôi xin được kể vài câu chuyện vui. Bà con có đồng ý không?

Mọi người vỗ tay.

Tôi xin kể câu chuyện cười có chút thời sự. “Tại sao anh đòi ly dị”. Một buổi sáng tại ủy ban Phường, một bà cán bộ Hội Phụ nữ chuyên trách hòa giải các vụ ly hôn, tiếp một người đàn ông tới nộp đơn xin ly dị vợ. Bà cán bộ hỏi người đàn ông.

Tại sao anh đòi ly dị vợ?

Bà không biết chứ, tôi sống với bà ấy tới nay là cố gắng hết mức rồi. Một người đàn bà lắm điều, chuyện gì cũng nói to, nói ngược nói xuôi đều được, đêm ngủ thì ngáy vang như sấm. Nếu sống thêm một ngày với bà ấy tôi hóa điên mất.

Bà cán bộ tủm tỉm cười:

Thế anh có biết đập thủy điện Sông Tranh 2 không?

Báo chí nói nhiều. Lúc nào cũng có nguy cơ bị vỡ đập. Mà đập vỡ thì… Thế mà các chuyên gia bảo đảm nó an toàn, nhưng…

Thế anh có nghe tin động đất liên tục ở khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 không?

Sao không, chỉ trong bốn ngày mà có tới cả chục vụ động đất ở huyện Bắc Trà My. Khiến dân tình vô cùng lo sợ, nhưng…

Bà cán bộ lại tủm tỉm cười: Thế người dân ở đó có được di dời không?

– Nghe nói những người trong hội đồng nghiệm thu công trình vẫn khẳng định một cách quả quyết: Động đất là bình thường, thủy điện vẫn an toàn, nên dân không cần di tản, nhưng…

Bây giờ thì bà cán bộ không còn tủm tỉm cười nữa mà đập tay xuống bàn cái rầm làm cốc ly trên bàn đổ nghiêng đổ ngửa, rồi chỉ tay vô mặt gã đàn ông một hai đòi bỏ vợ:

Hả, anh còn nhưng, nhưng cái gì nữa. Anh là thằng đàn ông khốn nạn, vô lương tâm, ích kỷ, suốt đời chỉ bo bo biết mỗi tấm thân mình.

Anh chồng xây xẩm mặt mày, chưa kịp chống chế thì bị bà cán bộ bồi thêm một đòn chí tử.

Anh có biết là chung quanh mình lâu nay biết bao nhiêu người phải sống chung với lũ lụt, sống chung với lũ cướp đêm, cướp ngày, sống chung với tham ô, tham nhũng… Giờ thậm chí có nơi còn phải tập sống chung với… động đất với chuyện vỡ đê, vỡ đập. Trong khi đó, có mỗi bà vợ chỉ có điều ăn to, nói lớn, ngáy to mà anh cảm thấy không thể nào sống chung được là sao? Là sao? Vậy nghĩ xem anh là cái giống người gì. Có còn là người Việt Nam vốn chịu thương chịu khó không?

Chẳng nói thì ai cũng biết gã đàn ông ích kỷ lập tức ngộ ra, lí nhí: Dạ, em biết lỗi em rồi. Cho em rút đơn lại ạ.

Các bạn nghĩ xem, cái vụ động đất, lo đập vỡ ở Sông Tranh 2 cũng được việc đấy chứ. Ít ra trước mắt cũng cứu được một gia đình khỏi đổ vỡ. Nếu ta biết khéo léo vận dụng.

Cả cuộc họp hoan hô vỗ tay ầm ỹ.

Người con bước tới thế chỗ cha: Bây giờ tới lượt tôi. Truyện vui có tên là “Đả đảo đế quốc Mỹ”.

Chuyện xảy ra ở Quảng Bình thời chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Hôm đó dân quân bắn hạ được một máy bay. Một tên phi công nhảy dù xuống, không hiểu gió cố ý hay vô tình đưa tên phi công rơi trúng vào tổ phục kích của chị em. Chị em tóm được tên phi công Mỹ cao lớn đẹp trai. Trời vừa tối không thể đưa hắn lên Huyện nộp được bèn tạm giữ lại một đêm ở chỗ chị em. Đêm đó lại nhằm đêm trực của chị X. Chị X thuộc loại chân dài nhất Huyện. Thời đó chị em chân dài chưa được ưa chuộng như bây giờ. Chị X lớn tuổi vẫn chưa lấy được chồng chỉ vì đôi chân dài khốn khổ khốn nạn đó. Biết thằng Tây không thể trốn đi đâu được. Chị X bèn cởi trói và cho nó ăn uống. Chuyện này thì không cần phải biết tiếng Anh, ai cũng làm được. Chị lấy chiếu trải dưới đất cho nó nằm một góc. Tới tối chẳng biết thế nào thằng Mỹ mò tới giường chị. Sau đó hắn làm gì may ra chỉ có trời biết. Bỗng nhiên người đi đường nghe trong nhà có tiếng chị X kêu to: Đả đảo đế quốc Mỹ, đả đảo đế quốc Mỹ… nhưng rồi sau cùng người ta chỉ còn nghe mỗi tiếng… đã… đã.

Có người lo không biết trong đó chuyện gì đã xảy ra, nhưng có người lại tủm tỉm cười… Còn một đoạn vĩ thanh xin kể thêm. Mươi năm sau tên phi công Mỹ tìm tới quê chị X, hắn làm thủ tục đưa chị X về Mỹ với tư cách là phu nhân ngài… Trung tướng…

Mọi người vỗ tay hoan hô ầm ỹ.

Cảm ơn bà con. Tôi xin gửi những tràng vỗ tay đó cho Bọ Lập, tác giả của hai câu chuyện vui này.

Trên đồi, chỉ còn vợ chồng ông Tư, ông Nam và vài người nữa ngồi nán lại.

Chiều đã xuống. Nhìn xuống chân đồi các ngã đường xa xa chập chờn những đám đuốc đủ màu. Hệt như những dòng sông đuốc, rẽ ra các ngã.

Ông Tư chỉ các đám đuốc: Người ta đi soi gì dưới đó. Ở đây còn có ai ăn cá, ăn ếch nữa đâu.

Ông Nam: Cũng may mà linh hồn không còn ăn uống. Những nhu cầu cho thân xác không còn nữa. Đó là sự xếp đặt khôn khéo của tạo hóa. Nếu có còn thì chỉ còn những buồn vui nhân thế. Đó là mối liên hệ nghìn đời không thể dứt với cõi dương.

Thế người ta đi tìm gì?

Họ đi tìm những cái đã đánh mất trên dương thế. Kẻ thì tự mình đánh mất, kẻ thì bị cướp giật. Tuổi trẻ, tình yêu, hy vọng, tiền của, đất đai, nhà cửa… Ôi cơ man thứ bị mất, bị cướp. Dẫu sách 1000 trang cũng không ghi hết. Có cả một kho bổi lớn đủ cho mọi người dùng. Kể ra Ngọc Hoàng chu đáo thật. Người không quên một thứ gì, từ cõi dương cho tới cõi âm. Có điều trên kia ta không biết giữ, hoặc giữ không được, bị cướp đi. Tôi tưởng từ hôm xuống dưới này bà đã dẫn ông đi tìm rồi.

Mấy hôm mới xuống thấy ông còn mệt. Và tôi nghĩ, có dẫn ông đi xem hay đi tìm cũng chỉ làm ông thêm mệt thêm khổ thôi.

Anh thấy đó, xuống dưới này bà ấy vẫn lo cho tôi như ngày còn trên đó. Tôi còn nợ với cuộc đời nhiều. Kiếp vừa rồi chưa trả được nợ, may ra nếu có kiếp sau sẽ xin làm thân trâu ngựa trả nốt.

Bà Tư cười: Ông tính chuyện làm thân trâu ngựa đi cày kéo xe thì trả sao hết nợ. Ví dụ như đối với hai cháu này, ôm Tèo và cái Hĩm vào lòng. Sao các cháu không tới kho lấy đuốc nhập vào các đoàn. May ra tìm lại được cái gì.

Cu Tèo: Các cháu chết ở tuổi 11, 12 thì chưa có gì mất mát để xuống dưới này phải đi tìm cả, ngoài cha mẹ, anh em và bạn bè. Thỉnh thoảng tụi cháu có về thăm nhà, nhưng ít thôi vì mỗi lần về là buồn.

Ông Nam: Nào, chúng ta xuống dưới đường đi, hôm nay không đi tìm thì xem thiên hạ đi tìm vậy.

Mọi người kéo xuống đồi trong bóng hoàng hôn, giữa bao la những dòng sông đuốc chập chờn…

26.

CÁI CHẾT LÀ SỰ CÔNG BẰNG CỦA THƯỢNG ĐẾ

NGƯỜI GIÀU CHẾT CŨNG KHÓC

Có tiếng vồ gõ cửa, cụ Thường trực kéo tấm cửa lên. Thần Chết và hai người vào. Một người đàn ông gầy guộc trạc 50 tuổi, người cháy đen, khoác tấm áo cũ. Người kia, mặc bộ complet sang trọng.

Cụ làm thủ tục cho hai người này. Với người đàn ông cháy đen. Ông tới làm thủ tục với cụ Thường trực. Quay sang nói với người đàn ông quý phái, người này xong rồi tới lượt ông.

Người đàn ông quý phái nhìn chung quanh phòng Thường trực rồi lắc đầu: Chỉ sơ sài thế này à.

Vâng, chỉ có thế này thôi. Mấy ngàn năm nay rồi.

Nếu biết thế này tôi bảo các cháu nhà tôi đầu tư vào đây. Mấy tỷ là cùng. Sẽ có ngay phòng làm việc hoành tráng.

Đây chỉ là phòng chờ thôi.

Nhưng ít ra có bộ bàn ghế cho ra hồn… Cầm chiếc máy điện thoại bàn lên xem, của này mà cụ còn dùng được! Nhìn quanh tìm một chỗ ngồi.

Cụ Thường trực nói với người cháy đen: Ông bị tai nạn gì phải không?

Cái lão thiên lôi thiên lủng đó chứ ai. Tôi đang cày ruộng tự dưng lão đi ngang qua cho một búa. Thật chẳng ra làm sao cả. Lão chơi một búa cháy đâu năm sáu mạng người và chín con trâu cứ như mấy mạng ruồi muỗi không bằng.

Chắc là trên cao quá ông ta đánh nhầm.

Cứ nhầm thế thì chết hết dân đen. Với cụ Thường trực. Cụ có hỏi gì không ạ?

Trông ông còn mệt. Ông đi nghỉ chờ lúc khác vậy.

Cảm ơn cụ. Lúc nào cần cụ cứ gọi.

Cụ Thường trực nói với người đàn ông quý phái: Mời ông tới làm thủ tục nhập cảnh.

Xuống dưới này chuyện ăn ở đi lại ra sao. Tôi hỏi thế vì ông cụ Thần Chết chở tôi với người này, chỉ người đàn ông cháy đen, trên cùng một chiếc xe cà khổ, hình như cả triệu năm chưa qua một lần trung tu, đại tu. Trên kia chỉ bần cùng lắm người ta mới đi xe công cộng.

Ông không biết chứ có vị Thủ tướng của một nước giàu có đi làm bằng xe bus đấy ạ. Vừa đỡ tốn tiền xăng của dân, vừa bảo vệ môi trường, vừa sâu sát dân.

Đó là do ý thích mỗi người. Trên kia chúng tôi mỗi người một xe. Không có cái kiểu ngồi nhét chung thế này. Nói thật với ông cái người lúc nãy toát ra mùi cháy khét lẹt đến ói mửa.

Ông ạ, cái chết là sự bình đẳng cho tất cả mọi người.

Người giàu người nghèo sống khác nhau, lúc chết không thể giống nhau. Ông hỏi cụ Thần Chết. Ông ta đón tôi từ cỗ quan tài bạc tỷ. May ra cả nước chỉ có vài cái. Vậy mà xuống dưới này xa mấy vạn dặm ngồi trên chiếc xe lắc lư như thằng say rượu. Trên kia chúng tôi đi xe Rolls – Royce. Lên xe xuống xe có người mang găng tay mở cửa. Bây giờ xuống đây cá mè một lứa.

Ai đó: Thưa ông, đó là ân huệ cuối cùng của Ngọc Hoàng đối với kẻ khốn khổ. Tất cả, kể cả vua chúa ngày xưa và tổng thống ngày nay đều bình đẳng với kẻ nghèo trước cái chết. Cụ cho biết tên tuổi.

Nguyễn Phú Quý.

Chức vụ ạ.

Bố của Đại gia.

Tôi muốn hỏi chức vụ của ông.

Đẻ một đứa con, nuôi cho nó ăn học phấn đấu trở thành Đại gia hỏi còn chức danh nào lớn hơn nữa.

Một người ngồi ở dãy ghế chờ: Ông nói thế chứ, đại gia cũng có năm bảy thứ. Khi người ta có tiền, có quyền thì có thể tạo cho mình một vỏ bọc… tùy thích. Nhiều lúc quên mất mình là ai.

Từ phía ngoài có hai tên Quỷ sứ cầm tờ giấy vào.

Quỷ sứ 1 với cụ Thường trực: Thưa cụ. Diêm vương cho dán cáo thị mời cư dân xuống địa ngục dự phiên tòa xử cô chân dài bán…

Quỷ sứ 2: Bán ma túy hay thuốc phiện gì đó.

Mọi người cười ồ: Họ chỉ bán… dâm thôi.

Mời bà con xuống dự. Diêm vương ngồi ghế chủ tọa. Vừa nói vừa dán mấy tờ giấy vô tường, mọi người xúm lại đọc.

“Ngày mai đúng 8 giờ sáng, Diêm vương có mở phiên tòa hình sự xử cô gái chân dài bán dâm, Diêm vương có lời mời cư dân…”.

Bà con đi chứ? Chắc là vui lắm. Có xa mấy tôi cũng đi.

Người đàn ông quý phái nhìn bốn chung quanh chưa biết đi đâu thì thấy từ xa nhà báo đi tới. Ông ta cảm thấy vui vì có người để trò chuyện.

Họ vào chuyện ngay: Thưa, có phải cụ vừa ở trong cỗ quan tài bạc tỷ xuống đây không ạ.

Các vị ở dưới này cũng biết chuyện đó à?

Thưa ông, chuyện khủng mà. Bỏ ra hàng tỷ bạc chôn dưới đất có phải chuyện đùa đâu. Trừ vua chúa, xưa nay chưa có mấy người. Xin được hỏi thật, ngài nằm trong đó có cảm giác gì lạ so với cỗ quan tài dăm ba chục hoặc vài trăm ngàn không ạ?

Tôi chưa được hân hạnh nằm trong mấy chiếc quan tài rách đó nên khó so sánh. Nhưng ông là nhà báo chắc ông biết. Chẳng qua là các con tôi được dịp gọi là báo hiếu, chứ tôi nghĩ chẳng khác nhau lắm đâu. Chỗ này tôi nói thật.

Còn nghe nói cái lăng của cụ các bác ấy làm to lắm.

Nằm trong khu công viên nghĩa trang đẹp nhất nước.

Ông có nghĩ sống và chết như ông vào loại… sướng không?

Ông là nhà báo chắc ông biết. Không ai gọi chết là sướng cả. Dẫu chết bằng cách nào. Còn sống thì… cố giữ vài giọt lệ ở mi mắt.

Hình như ông có chuyện gì không nói được.

Tôi chưa nói chuyện này với bất cứ ai. Đúng là chuyện cười ra nước mắt, lúc chết mới được sướng.

Nhà báo ngạc nhiên: Ông nói vậy là sao?

Phải nói cái chết của tôi vào loại sang nhất huyện, nhất tỉnh. Nhất nước thì không dám nói. Hàng trăm chiếc xe sang của các đại gia, các quan đầu tỉnh, đầu huyện rồng rắn kéo nhau đi theo chiếc xe tang. Ăn uống linh đình suốt mấy ngày đêm bên quan tài. Đứng ngoài nhìn xác mình mà vừa cười vừa khóc. Cười cho cái sự đời, khóc cho cái thân xác mình. Lúc sống chẳng được chúng quan tâm, lui tới thăm hỏi. Hóa ra đây là dịp chúng nó khoe của, khoe mẽ với bà con làng xóm và được dịp có tiếng báo hiếu.

Thưa cụ, nhưng lúc ở phòng Thường trực, trông cụ có vẻ mãn nguyện lắm mà.

Tôi tự giỡn với mình một tí đấy mà. Đã nhắm mắt rồi thì ngộ ra nhiều thứ, còn gì mà vênh vang. Hóa ra tôi đóng kịch cũng loại khá. Cái chết là một phép màu, nó làm cho con người ta ngộ ra nhiều điều.

Tôi kể nhà báo nghe chuyện này: Những ngày xác nằm trong quan tài, mình đứng ngay cạnh quan tài, bên cái xác chưa chôn được chứng kiến bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười. Tôi ngộ ra rằng người ta tới đây vì người sống, chứ thiên hạ ai nào biết tôi là thằng cha căng chú kiết nào đâu. Tôi đứng bên xác mình cứ nuối tiếc, giá được sống trở lại, nhập lại vô xác của mình, ngồi dậy rồi bật nắp quan tài đi ra. Cứ nghĩ được sống lại mà ăn chơi cho hết cái của sắp chôn xuống đất, hưởng cho hết cái người ta tới viếng, với cả cái ngôi mộ vài tỷ sắp tới mình được nằm, thì những ngày cuối đời mình được lên tiên. Lúc đó tôi tiếc quá bật khóc. Cũng may trong đám ma sự khóc là chuyện bình thường nên cũng chẳng ai để ý. Có mấy lần tôi bật cười cái trớ trêu hoàn cảnh của mình, thì từ chủ lẫn khách hoảng hốt kêu lên: “Trời ơi, ma, ma”. Sao lại có tiếng cười trong đám ma. Lúc đó lại toàn những quan khách quan trọng. Ngày xưa lúc còn đi học tôi có đọc “Tấn trò đời” của Balzac. Nếu so ra thì các tấn trò ngày nay còn hay hơn nhiều. Bảo không khóc không cười sao được.

Bác đùa ác quá. Người yếu tim cũng đến chết mất.

Tôi khóc thật, cười thật. Thế anh bảo số phận tôi không đáng khóc đáng cười sao?

Nếu Balzac mà sống ở ta, vào thời đại này, còn khối cái để viết, hay hơn thời ông ấy nhiều. Thời ông ấy không phải chỉ ở nước Pháp mà trên khắp thế giới làm gì có chuyện cười ra nước mắt như thời đại đồ đểu ở ta. Cháu xin lỗi quấy rầy bác nhiều, vừa mới xuống lẽ ra cần được nghỉ ngơi.

May gặp nhà báo mới có chỗ trút bầu tâm sự. Bây giờ trên đó bà con lối xóm đều bàn tán xôn xao: “Được chết như bác ấy cũng sướng một đời. Mình chỉ mong được chết một lần như thế”.

Hai người, một già một trẻ ôm nhau cười.

Người đàn ông cháy đen đứng nhìn hai người đang cười: Ôi, chết mà vui được như ông ấy kể cũng sướng. Nhìn lên Trời. Đúng là ông Trời không có mắt.

27.

KHÁCH MỜI CỦA NGỌC HOÀNG

Có tiếng gõ cửa. Thần Chết và người đàn ông ăn vận lịch sự dáng còn khỏe mạnh bước vào.

Thần Chết nói với cụ Thường trực: Ông ta đây. Tôi tin là đạt yêu cầu của Ngọc Hoàng.

Cụ Thường trực mừng rỡ: Ồ, xin chào nhà… lý luận. Tôi đang mong.

Nhà lý luận: Chắc chắn các ông bắt nhầm. Tôi đang ăn khỏe, ngủ khỏe, đọc khỏe, viết khỏe. Tự dưng ông ta tới một hai lôi tôi đi.

Tôi mời hẳn hoi. Chỉ thiếu thiệp mời của Ngọc Hoàng.

Ông xuống thật đúng lúc. Cụ Thường trực nói.

Còn các cụ gọi tôi đi thật chẳng đúng lúc. Tôi đang viết dở cuốn sách bàn về sự cách tân các loại hình nghệ thuật truyền thống. Tháng tới phải nộp bản thảo. Dày mấy nghìn trang. Gáy phải nói gần một tấc. Thấy mọi người có vẻ không hiểu. Ông ta bèn giải thích. Trên kia có người bảo sách không gáy bất thành sách. Thơ không phải trường ca bất thành thơ. Thơ dăm ba câu, sách vài chục trang dành cho người mù chữ.

Thần Chết cười vẻ đắc ý: Chính vì vậy mà chúng tôi không nhầm khi tiến cử bác với Ngọc Hoàng.

Nhà lý luận ngạc nhiên: Việc nghiên cứu lý luận nghệ thuật cổ của tôi thì có quan hệ gì tới chuyện trên trời của các cụ. Chắc Ngọc Hoàng muốn có sự cách tân các điệu Nghê thường. Nếu vậy phải tìm tới các nhà biên đạo múa mới trúng chỗ. Tôi sẽ mách cho. Họ học bên Tây bên Tàu kinh nghiệm đầy mình.

Cụ Thường trực với nhà văn: Hình như không phải vậy. Nhờ ông giải thích cho bác ấy nghe. Tôi không quen nói những chuyện này. Cứ như vịt nghe sấm.

Chuyện đơn giản thôi ông bạn ạ. Chả lâu nay Ngọc Hoàng và Diêm vương xích mích nhau. Chuyện các cụ trên trời dưới âm phủ cãi nhau thì biết bao giờ cho hết. Gần đây lại xảy ra vụ tranh cãi lớn. Lúc vào cuộc Ngọc Hoàng tin chắc mười mươi phen này mình sẽ thắng. Một là lẽ phải thuộc về ngài, hai là danh sĩ các thời đều tập trung quanh bệ rồng. Ngờ đâu tới phút chót. Ngọc Hoàng và cả triều đình ngã ngửa ra. Thiên đình sắp thua cuộc. Tất cả đều ngơ ngác. Diêm vương là cái lão quái quỷ gì mà ghê gớm vậy? Xưa nay dưới cõi âm u đó lão ta chỉ nổi tiếng về khoản chó ngao vạc dầu và lũ cô hồn đầu trâu mặt ngựa, một số tội phạm từ cõi trần bị đày xuống. Vậy làm sao lão ta đào đâu ra được lắm mưu ma chước quỷ tới thế. Mãi cuối cùng Thiên triều mới vỡ lẽ: Thì ra dưới đó Diêm vương có nhiều phê bình gia, lý luận gia. Vậy là điều bí mật đã được sáng tỏ. Ngọc Hoàng ngó quanh mình và ngài không khỏi giật mình kinh hãi. Chết thật, mình thua lão ấy là phải. Ngoài các cô tiên nữ yểu điệu ra thì toàn là bọn quan văn võ, sách vở đầy bụng, gươm giáo đầy người, nhưng chẳng có một ai có lấy được nửa xu lý luận ngõ hầu giúp ngài đủ lý lẽ chọi nhau với Diêm vương. Vì vậy gần đây mới có mật chỉ tối khẩn…

Nhà lý luận: Vậy là tôi hiểu rồi. Có điều khó hiểu tại sao dưới cõi âm ty địa ngục lại có quá nhiều nhà phê bình lý luận tới thế, chẳng lẽ Diêm vương lại cao tay chịu khó chiêu hiền đãi sĩ.

Cụ Thường trực chỉ Thần chết: Điều đó ông phải hỏi cụ này.

Lỗi tại tôi. Chả lâu nay tôi có thành kiến các nhà nghiên cứu lý luận phê bình, hết cãi nhau bằng bút lại cãi nhau bằng mồm, mà phần nhiều cãi lấy được lắm lúc còn văng tục. Hễ ai tới số, tôi bèn đưa thẳng xuống Địa ngục. Không dè kết quả ngược lại. Diêm vương tận dụng cái mình bỏ đi. Chỗ này phải nhận lão ấy cao tay, biết nhìn xa trông rộng và lúc cần thì có ngay.

Cụ Thường trực nói với nhà lý luận: Bác thấy đấy nhiệm vụ của bác nặng nề nhưng rất vinh quang.

Ngọc Hoàng đã có lệnh thì tôi đi. Chỉ lo là mình không quen cãi nhau những chuyện trên trời dưới đất.

Thần Chết: Thì trên kia các ngài chẳng cãi nhau vì những chuyện dưới đất trên trời đó sao?

Và đã cãi nhau thì cần phải có lý lẽ và nhất là phải biết… cái gì… biện đó. Cụ Thường trực nhìn nhà văn như cầu cứu.

Nhà văn: Ngụy biện hoặc phản biện ạ.

Đúng rồi, ôi chữ nghĩa trần gian khó mà nhớ cho hết. Lại thêm chữ nghĩa cứ như ngày một nhiều ra. Tỷ dụ như gần đây rộ lên “chữ ký hoàng hôn, nhiệm kỳ hoàng hôn”. Tôi cóc hiểu, chẳng lẽ công văn, giấy tờ khẩn cứ phải đợi trời về chiều các cụ mới đặt bút ký à? Mọi người ôm bụng cười.

Nhà lý luận: Bao giờ tôi đi ạ?

Ngọc Hoàng đang mong quân cứu viện như cứu hỏa. Ông đi ngay bây giờ. Có xe tứ mã đang chờ ngoài kia. Phen này lão Diêm vương chỉ có mà thua đậm.

Cụ có biết chế độ chính sách của Ngọc Hoàng đối với những người như chúng tôi thế nào không? Chỉ sợ ở đâu rồi cũng vậy. Trên kia viết như trâu cày mà không đủ sống.

Chuyện này thì ông khỏi lo. Thiên đình không thiếu thứ gì. Kể cả cung tần mỹ nữ. Chỉ lo ông không đủ sức. Với lại Ngọc Hoàng vốn biết người biết của.

Một người ở dãy ghế chờ: Số ông gặp may đấy.

Vậy mà trên kia vợ tôi cứ một hai ân hận lấy phải ông chồng dở dở ương ương, sách đầy bụng nhưng không kiếm nổi tiền nuôi vợ con. Thỉnh thoảng cáu lên bà ấy lại viện câu nói của Gớt, chẳng biết bà ấy moi đâu ra “Lý thuyết thì xám xịt”… Lúc đó tôi bèn bảo: vâng, chỉ có cây tiền của bà mới tươi roi rói thôi. Biết ngon thế này tôi kéo bà ấy đi luôn cho được nhìn tận mắt.

Nhà văn cười: bà ấy nói thế còn nhẹ. Tôi kể chuyện này. Có nhà văn mấy năm liền không đẻ được nổi một cuốn sách, hoặc sách in ra rồi không bán được, phải đem bán cân. Mọi chi tiêu trong nhà cậy mỗi vào bàn tay vợ. May nhà nuôi được con bò cái, mỗi năm đẻ được hai lần. Tiền chợ búa, tiền thuê nhà, tiền bọn nhỏ ăn học, thuốc men, trăm khoản bà rằn lớn nhỏ đều trông cậy vào tiền bán bê và bán phân… Bạn bè, hàng xóm đến chơi thấy con cái, nhà cửa tuy không giàu nhưng cũng khang trang, khen chị may mắn có ông chồng làm nghề viết văn hái ra tiền. Chị chủ nhà bĩu môi. Ông bà nhầm cả đấy. Chỗ này tôi nói thật, cái đầu ông nhà văn nhà này không bằng cái đít con bò cái. Không có nó cả nhà chết đói.

Cả phòng cười ầm.

Mụ béo vào từ lúc nào không ai chú ý. Hình như mụ hóng nghe hết câu chuyện từ đầu. Mụ lân la tới cạnh nhà lý luận: Thì bác cứ lấy em đi. Lên trên ấy em có thể giúp bác được đấy. Chẳng lẽ bác không có tiêu chuẩn thư ký sao. Em đọc thông viết thạo còn tính nhẩm thì phải nói là tuyệt vời. Tụi nhỏ trên kia bảo em mà tính chuyện làm ăn lỗ lãi còn ngon hơn cả máy tính. Chỉ cần liếc mắt em biết đánh quả này có vào cầu được không, thắng được bao nhiêu điểm. Nếu được, em xin đi ngay với bác. Chẳng cần lương lậu. Phục vụ Ngọc Hoàng là chính. Cũng như trên một dạo kia người ta thường nói: Vui là chính.

Bà tưởng trên ấy ai muốn lên là được à. Cụ Thường trực nói.

Thưa cụ, con tưởng trên đó cũng phải có nữ chứ? Nhiều là khác. Nếu không thì làm sao các cụ sống được, có khác gì cá nằm trên cạn.

Nhưng…, trên đó toàn là tiên cả.

Con nghĩ phải có người nọ người kia chứ cụ. Của lạ còn hơn tạ đường phèn. Mà càng ngồi trên cao thì bệnh hám của lạ càng nặng hơn.

Cụ Thường trực bực bội: Bà nên nhớ chúng tôi đang nói chuyện trên thiên đình đó.

Thì con chẳng bảo đàn ông đàn ang ở đâu cũng một ruột cả. Thiên đình cũng vậy thôi à. Trừ phi các vị trên ấy không có cái của nợ đó.

Mọi người ở dãy ghế chờ lại được dịp cười vang.

Cụ Thường trực: Thôi ông đi nhanh cho được việc. Kìa! Ông không mang theo sách vở gì à?

Nhà lý luận chỉ cái bụng: Tất cả trong này cụ ạ. Vừa cãi vừa lật sách có mà ăn cám.

Nhưng mà… dưới đó.

Cụ không lo, tôi có thể giúp Ngọc Hoàng cãi nhau vài chục năm không hết chữ. Chào mọi người rồi ra cửa, bước lên chiếc xe tứ mã đang chờ.

Mụ béo lân la tới chỗ cụ Thường trực: Cụ cho con hỏi. Theo cụ liệu các vị còn cãi nhau lâu không.

Có trời biết được. Nhưng sao bà lại quan tâm tới chuyện đó.

Ôi, nếu biết trước có chuyện này thì tôi đã học lý luận ngay từ thuở còn trong bụng mẹ. Bác nhà văn, bác bảo giúp em, học lý luận có khó không, bác có thể giúp em học được không, trông thế chứ em không tối dạ đâu.

Bà nhờ không trúng chỗ rồi, bà không biết chứ, trên kia không bao giờ người ta chôn nhà văn và nhà lý luận phê bình chung một chỗ cả. Họ sẽ bật nắp quan tài ngồi dậy cãi nhau suốt ngày.

Mụ béo nói một mình: Chán quá số mình không may. Hễ đụng chỗ nào cứ y như húc đầu vào tường.

V.B.

(Xem tiếp kỳ sau)


(1) Tú Sóc.

Comments are closed.