Văn Hải ngoại sau 1975 (217): Mùa biển động (kỳ 18)

Tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác

Image result for "Mùa biển động"

MÙA BIỂN ĐỘNG TẬP 2: BÃO NỔI

Chương 34

Trong lúc Nam và Quế xuống bếp lo làm cơm tối, bà Văn vào buồng nói chuyện với chồng. Không biết hai ông bà bàn chuyện gì với nhau, mà từ dưới bếp, hai chị em nghe mẹ hơi to tiếng. Hình như ông Văn phân trần điều gì đó, giọng nói nghe không rõ nhưng đều đều, lâu lâu chen vào vài tiếng ho. Giọng bà Văn có vẻ bực dọc, xẳng và nhanh. Nam đưa mắt thầm hỏi dò Quế. Quế lắc đầu, bảo chị:

– Má lại bị mấy bà bạn ngoài chợ Ðông ba “rỉ tai” rồi!

Nam hỏi nhanh:

– Họ nói gì với má thế?

– Ôi chao đủ thứ chuyện. Nào là Mỹ sẽ cho ông Kỳ mượn trực thăng để chở quân trong Đà nẵng ra đây đánh úp Huế. Nào là sẽ đóng hết cửa các chùa, Phật tử chỉ được lên chùa hai ngày rằm và mồng một. Rồi ai dính dấp tới chuyện tranh đấu tranh điết cũng bị trừng phạt, nhẹ thì sa thải, nặng thì bỏ tù, học sinh sinh viên thì đuổi không cho học nữa. Em đã nói với má đừng nghe mấy cái tin nhảm ấy cho mệt. Nhung má cứ lo ra. Má sợ cho chị với anh Tường.

Nam ngạc nhiên hỏi:

– Sao lúc nãy tao nói sắp lên đài trở lại, má không nói gì cả?

– Má sợ nói trước mặt em, em lại cãi. Chắc má vào buồng kể chuyện đó với ba.

Lúc đó, từ buồng ông Văn, vang ra giọng nói giận dữ của bà Văn:

– Sao ông lại để cho nó đi?

Ông Văn đáp rì rầm những gì không rõ, rồi bà Văn gắt:

– Ông nói thế mà nói được à? Làm cha mà con nó muốn đi đâu thì đi, làm gì mặc kệ, không nói lấy một tiếng. Tôi chạy đôn chạy đáo khổ cực, ít ra ông cũng phải để mắt đến tụi nó chứ.

Nam cúi gằm mặt xuống, không muốn cho Quế thấy mình đang bậm môi vì giận mẹ. Nàng thấy thương cha vô cùng. Trước đây khi đời sống còn bình thường, tuy ông phải bán cháo phổi bốn mươi giờ mỗi tuần để vất vả nuôi cả gia đình, nhưng vợ con kính trọng ông, chiều chuộng ông. Ông chấm bài soạn bài trong phòng, vợ con đi lại rón rén, nói không dám nói lớn tiếng. Bà Văn luôn miệng nhắc nhở mấy đứa con: “Ðừng làm ồn để cho ba mày chấm bài”. “Đừng bật đèn sáng ngoài hành lang, để cho ba mày ngủ bù một chút”. “Lon sữa này để cho ba mày uống”. “Chanh với đường má mua về tụi bay đừng động tới. Ðể cho ba mày làm nước chanh uống cho khoẻ”. Lúc ấy ông Văn là thần tượng của gia đình.

Nhưng từ lúc việc dạy dỗ thất bát bữa có bữa không, từ lúc nguồn tài chánh của gia đình do Lãng, Quế và bà Văn kiếm ra, rõ ràng ông Văn kém thớ hẳn. Cách ăn nói, cách cư xử của bà Văn đối với chồng cũng đổi. Trước đây, không bao giờ bà Văn dám to tiếng với ông Văn như hôm nay.

Nam buồn rầu đến bần thần cả người, đến nỗi ngồi thái thịt nấu canh mà vô ý làm đứt cả tay. Quế thấy chị xuýt xoa kêu đau, chạy lại chỗ chái bếp vơ một màng bồ hóng đến đắp lên ngón tay trỏ bên trái của chị. Nam lí nhí cảm ơn, rồi tiếp tục làm bếp. Quế thấy chị đổi thái độ, lấy làm lạ hỏi:

– Sao chị buồn vậy?

Nam hạ thấp giọng hỏi em:

– Lâu nay má có gắt gỏng với ba như thế không?

Quế cười, giải thích một cách đơn giản:

– Ôi chao, hơi đâu để tâm chuyện đó. Me thấy tiền vô không có mà chỉ có tiền ra, nên sốt ruột đấy thôi. Hồi trưa em cũng bị má làm cho một trận.

– Vì sao vậy?

Quế cười:

– Vì nửa ký thịt bò chị đang thái đấy. Em thấy họ gánh thịt bán dạo, thịt bò non vừa rẻ lại vừa mềm, nên chụp mua ngay. Má hỏi giá, nghe em nói, má la hoảng lên. Má chê đắt, rồi càm ràm với em từ trưa cho tới hồi đi chợ!

Quế ngưng bặt làm như chăm chú kho nấu, khi thấy bà Văn từ nhà trên đi xuống bếp. Nét mặt bà Văn hầm hầm. Bà đi thẳng lại chỗ Nam ngồi, hỏi con:

– Nam, có phải thằng Tường cử thằng Lãng vô Lăng cô không? Nam ngửng lên nhìn mẹ. Ánh mắt bà Văn còn đầy giận dữ. Nàng e dè đáp:

– Thưa… con nghĩ không phải thế đâu. Chắc là bên Ban Chỉ huy Đoàn Thanh niên Quyết tử.

Nghe đến hai tiếng “quyết tử”, bà Văn giận thêm:

– Quyết tử! Quyết tử! Chúng nó muốn chết sao không tự dẫn xác vào Lăng cô cho họ giết, mà xúi thằng Lãng đi làm bia thay cho chúng nó. Sao mày không can?

Nam đã lấy lại bình tĩnh, nên đáp thẳng:

– Con có gặp nó đâu mà can… Vả lại…

– Vả lại cái gì?

Nam thấy tình thế găng quá, nói trệch sang chuyện khác:

– Ý con muốn nói Lãng nó lanh lắm, má đừng quá lo cho nó. Tánh nó ham vui nên xung phong xin vào Lăng cô, nhưng khi có gì nguy hiểm, nó lánh ngay.

Bà Văn nhận thấy Nam nói có lý. Bà bớt lo lắng, nhưng cũng cố nói vớt:

– Ở chỗ hòn tên mũi đạn, có lanh thức mấy cũng không kịp đâu! Mày lên Viện Đại học coi thử nó đi chưa. Nếu còn lẩn quẩn trên đó, thì bảo nó về đây tao bảo!

Nam nghĩ ngay tới chuyện trở lại đài phát thanh để làm nốt vài công việc chưa xong, nên hăng hái đáp:

– Dạ! Con ăn vội vài chén cơm, rồi đi ngay.

Nam do dự một chút, rồi tiếp:

– Nếu con không về, tức là nó đi rồi. Nếu vậy, con sẽ nhờ anh Tường can thiệp để cho người vào đó gọi Lãng nó về.

Bà Văn gật đầu, bảo Nam:

– Thôi nấu nướng qua loa cũng được. Tình thế này, bụng dạ đâu mà ăn với uống.

Nam hơi tủi thân, khi thấy mẹ không lo lắng gì cho mình cả.

Chẳng hiểu sao bà Văn cứ đinh ninh Nam ở vào cái thế, cái chỗ an toàn. Cả Tường nữa, cũng vậy. Nam muốn được nói chuyện thêm với cha, nhưng nàng biết có bà Văn và Quế ở nhà, hai cha con không thể tâm sự thoải mái với nhau được. Vì vậy, ăn cơm xong, Nam vội đạp xe lên đài.

***

Tường không có mặt ở đài phát thanh như đã hẹn trước với Nam. Tin tức về cuộc tranh đấu chống lại vụ tấn công Đà nẵng từ các nơi gửi về tấp nập: tin Sài gòn biểu tình đập phá các cơ sở Mỹ, tin sư sãi ở Nha trang tuyệt thực, tin Qui nhơn, tin Quảng ngãi… đó là chưa kể những băng thu thanh được các tin và bình luận về vụ này của đài VOA, BBC, đài Úc, đài Nhật . Nam phải làm một bản tóm tắt các tin nói trên, và viết thêm một bài bình luận cho giờ phát thanh tối. Đó là chưa kể bài tường thuật về cuộc tuyệt thực của hơn một trăm sư sãi trước Tòa Lãnh sự Huế, và vụ đốt phá Trung tâm Văn hóa Mỹ ở đường Lê Thánh Tôn.

Trên bàn làm việc của Nam, có mảnh giấy nhỏ ghi vài dòng nguệch ngoạc của Tường:

“Chờ em mãi không được. Chờ anh về hãy viết tin về Huế”.

Nét chữ của Tường làm cho Nam xúc động. Nàng ngồi lặng thật lâu, nhắm mắt lại để nghĩ cho trọn về Tường. Rõ ràng cả nàng và Tường đang ở vào một thế nguy hiểm, gần như một mất một còn với chính quyền quân nhân ở Trung ương. Đà nẵng, nơi mà các quân nhân Phật tử hăng hái, quá khích hơn quân nhân Phật tử ở Huế nhiều, cuối cùng vẫn không chống lại được quân thủy quân lục chiến, nhảy dù và thiết giáp của đại tá Loan. Liệu Huế có chống cự nổi không? Hôm qua Tường có cho Nam biết là sư đoàn Một có vẻ núng, có thể vào phút chót họ trở cớ để khỏi phải đối đầu với quân Sài gòn. Tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng thì tìm cớ lánh mặt khi phe tranh đấu tới tiếp xúc, chứ không niềm nỡ như trước. Tường bảo nếu Huế bị tấn công, chỉ còn trông cậy vào Đoàn Thanh niên Quyết tử và các Phật tử quyết tâm. Và Tường cho rằng mặc dù không thể cầm cự được lâu dài, nhưng nếu tạo áp lực được dư luận thế giới, nhất là dư luận Mỹ, thì phe quân nhân Sài gòn không đám liều lĩnh đánh vào cái nôi tranh đấu là Huế.

Nhưng nếu đại tá Loan tiếp tục đưa quân ra Huế thì sao? Tường sẽ thế nào? Nàng sẽ thế nào?

Nam nóng bừng cả đầu vì không tìm được câu trả lời!

Nàng lan man suy nghĩ về mối quan hệ giữa mình với Tường, về tính chất tình yêu giữa hai người. Nàng đọc sách nhiều, hiểu biết và mơ ước nhiều về tình yêu, kể cả những mẫu phức tạp quyến rũ như tình yêu giữa Jérôme và Alissa trong Khung Cửa Hẹp, tình yêu giữa Heathcliff và Katherine trong Đỉnh Gió Hú. Tình yêu của nàng đối với Tường, xét cho cùng, không có gì phức tạp sóng gió. Nàng yêu Tường như yêu hiện thân của những điều trừu tượng như là khát vọng lý tưởng, sự xem thường những ràng buộc của vật chất, niềm đam mê đi đến tận cùng những mơ ước… Quả tình ban đầu Nam nghĩ về Tường như vậy. Tường sừng sững cao lớn trong trí Nam. Những cái người thân trong gia đình thiếu thốn, Tường lại thừa thãi: sự cay đắng bất lực của ông Văn tương phản với sự quyết tâm tin tưởng của Tường, thái độ lãng đãng hồ nghi của Ngữ tương phản với sự hăng hái nhập cuộc của Tường. Nàng thấy mình nhỏ bé, yếu ớt trước Tường. Cho nên Nam vụng dại lúng túng, không dám nói với Tường lấy một câu mỗi khi lên cửa hiệu Thanh Tuyến thăm Quỳnh Trang.

Vụ Tường bị hành hung trọng thương ở Ðà nẵng đột ngột biến đổi tình thế. Tường nằm một chỗ, xanh xao, yếu ớt, ăn uống đi lại phải có người giúp đỡ, dìu dắt. Nam cảm thấy mình đủ mạnh để bao dung che chở cho Tường. Nàng săn sóc Tường, thăm nom Tường như một người mẹ săn sóc thăm nom một đứa con bất hạnh. Và từ đó, Tường không thăng hoa trở lại vị trí cũ trong tâm tưởng Nam được nữa. Mặc dù khi đã lành mạnh, Tường vẫn tiếp tục những công việc cũ, vẫn được khắp thành phố Huế xem là một khuôn mặt tranh đấu sáng chói, vẫn được các phóng viên báo chí và truyền thanh truyền hình ngoại quốc nhắc đến như một lãnh tụ sinh viên, nhưng Nam vẫn âm thầm xem người yêu như một kẻ bất túc. Nam không quên được thân thể ốm o của Tường, những trái chứng của Tường mỗi lúc gặp chuyện không vừa ý, kể cả cái tật đưa tay đẩy gọng kính khi bối rối, thiếu tự tin.

Và Nam thường bắt gặp Tường đưa tay đẩy gọng kính nhiều lần, trong rất nhiều trường hợp. Nam ngờ vực những điều Tường xác quyết, thấy rõ cái yếu đuối của Tường núp đằng sau thái độ cứng cỏi! Nàng nhủ thầm “May còn có mình bên cạnh anh ấy! Nếu không… “ Có lẽ vì vậy mà Nam không có những xúc động thường tình khi giao tiếp với Tường. Khi Tường dùng chiếc Vespa chở Nam đi công tác chỗ này chỗ nọ, nàng quàng tay ôm lấy người Tường mà không có những xúc cảm bối rối hoặc e lệ. Vào quán, nàng thản nhiên kéo ghế để ngồi chứ không kiểu cách chờ Tường kéo ghế cho mình như những người tình đang thời kỳ yêu nhau. Không có những ngượng ngùng làm dáng hay những lời dịu dàng ba hoa.

Nhưng cuộc ân ái đêm qua đã thay đổi hết!

Tường không thấp xuống thêm, dù Nam không quên được khuôn mặt cau có xơ xác của Tường lúc gặp khó khăn đêm trước. Nhược điểm ấy của Tường, Nam biết quá rõ. Nam cũng không quên được sự thất vọng của mình về kinh nghiệm nhục cảm đầu đời. Ðoạn cuối của tình yêu, bắt đầu của cuộc sống vợ chồng, chỉ có thế thôi sao? Bao nhiêu hoa bướm trời trang đã vẽ vời cho phút giây đau buốt đó? Tuy nhiên kinh nghiệm đầu đời đánh thức trong Nam những khao khát âm thầm mà từ trước tới nay, lâu lâu nghĩ tới, Nam cố xua đi như xua những ám ảnh dung tục tầm thường. Một đêm nữa đã tới. Ngồi nhắm mắt để lắng lòng thành thực, Nam đỏ mặt khi biết mình muốn được ôm Tường trong tay, muốn được để mặc cho Tường điên dại hôn lên khắp người, muốn được hiến dâng trọn vẹn thân thể cho Tường. Muốn được quên hết, vất hết, để sống như loài thú hoang. Muốn được cùng với Tường tắm khỏa thân trên dòng sông quê hương, nô giỡn, rồi làm tình dưới nước. Và thấp thoáng khi rõ khi mờ giữa mớ khao khát cuồng nhiệt ấy, Nam bắt gặp ở hồn mình một niềm tự hào mới mẻ: niềm tự hào được chiếm hữu, trọn cả xác thịt lẫn tâm hồn, một người đàn ông!

***

Mãi tới mười một giờ đêm Tường mới ghé lại đài. Thấy Nam lúng túng một cách bất thường, Tường kinh ngạc hỏi:

– Cớ chuyện gì thế?

Nam muốn giấu những điều đang nghĩ, vội nói tránh đi:

-Em… em ngồi mãi mà không viết tin được. Vả lại… Vả lại còn phải chờ hỏi anh xem nên tường thuật vụ Trung tâm Văn hóa ra sao.

Tường cau mày, rồi dịu ngay nét mặt, an ủi:

– Thôi, chốc nữa lo viết cho xong đi để kịp loan tin sáng. À này, anh có hỏi lại vụ tự thiêu, bên chùa bảo không có đâu!

Nam nói không do dự:

– Họ giấu anh. Chính em hồi chiều hôm qua…

Nói tới đó, Nam ngưng lại vì chợt nhớ lời dặn của sư cô. Tường đăm đăm nhìn Nam, chờ đợi nàng nói tiếp. Nam nhận thấy giấu Tường lúc này là vô lý, nàng với Tường bây giờ đã là một, hai cuộc đời đã hòa nhập thành một cuộc đời. Cho nên Nam đem kể hết chuyện chiều hôm qua ở chùa sư nữ cho Tường nghe. Tường ngồi lặng một lúc, mới buồn rầu nói:

– Sao họ lại giấu anh!

Nam đáp ngay:

– Em thấy các thầy không hoàn toàn tin anh.

Tường cau mặt hỏi:

– Như vậy tại sao lại nhờ em dịch lá thư?

Nam e dè giải thích:

– Có thể… có thể họ cũng ngại anh phản ứng, nên chọn lối lập lờ. Cứ nhờ em, để nếu em kín đáo thì càng tốt, nếu không, họ xem đó là một cách thông báo cho bên sinh viên.

Giọng Tường giận dữ hơn:

– Đến lúc này mà còn cư xử như vậy, đâu có được. Mấy ông sư bao giờ cũng muốn mọi người cúi đầu vâng lời, cái gì cũng “Bạch thượng tọa, vâng ạ. Bạch thượng tọa, đúng lắm! ”. Tự thiêu! Tự thiêu! Sao lại chọn giải pháp ấy? Dẫn quân ra bắn nhau cả trăm người chết như trong Ðà nẵng mà dư luận chưa động tâm, huống chi là đem thân ra thiêu sống! Chẳng biết các ông ấy nghĩ thế nào! Vả lại có tổ chúc tự thiêu thì cũng phối hợp chuẩn bị để phóng viên báo chí truyền hình ngoại quốc họ chụp ảnh, quay phim như hồi hòa thượng Thích Quảng Đức, may ra! Sao lại dấm dúi thế?

Nam không muốn Tường bực dọc thêm, hỏi qua chuyện khác:

– Bây giờ em phải làm tin sao đây?

– Tin gì?

– Tin về vụ đốt sách ở thư viện Mỹ.

– Cứ tường thuật y như đã xảy ra. Không còn gì phải ké né nữa. Tụi Mỹ đã công khai đứng về phe kẻ thù, điều này đã rõ. Chúng đã rút hết ra khỏi Huế, để biến đây thành vùng oanh kích tự do. Em không nghe tin đài VOA tối nay à?

Nam trố mắt hỏi:

– Họ loan rồi sao?

– Chúng chỉ chờ có thế. Ðây là cái cớ cho chúng rêu rao khắp thế giới là lâu nay chúng ủng hô Thiệu Kỳ là đúng. Không biết chừng tòa đại sứ Mỹ ở Sài gòn đã cho các hãng thông tấn biết tin trước cả lúc thư viện bị đốt kia!

Nam thấy Tường mất cả bình tĩnh vì tức giận, nên không nói gì thêm.

Tường nhìn quanh khắp phòng, hỏi Nam:

– Không ai trực đài cả à?

– Có đấy. Họ vừa đi tìm cái gì ăn, sau khi cho phát cái băng thu thanh buổi tối.

– Em định ở lại đêm không?

Nam e dè dò ý Tường:

– Tùy công việc. Vả lại, cũng khuya quá rồi. Anh biết anh Ngô và thằng Lãng vào Lăng cô chua? Má em lo quá!

Tường đáp:

– Không biết. Nhưng làm thế là phải. Cả Ngữ nữa.

Nam không hiểu, hỏi lại:

– Anh nói sao ạ?

Tường cười, nụ cười đầu tiên từ khi ghé lại đài phát thanh:

– Cả Ngữ nữa, bây giờ cũng chịu nhập cuộc. Anh vừa gặp Ngữ bên Viện Đại học. Ngữ đã chịu gia nhập vào Thanh niên Quyết tử.

Nam ngờ ngợ không tin, hỏi lại:

– Chính anh Ngữ nói với anh như thế à?

Tường cười khinh bạc, đáp gọn:

– Chính Ngữ.

Nam thắc mắc:

– Cái gì làm cho anh ấy thay đổi?

Tường lại nói gọn:

– Chân lý cách mạng!

Nam chưa tin lời Tường. Nhưng nàng không muốn hỏi kỹ, vì nguyên nhân sâu xa thúc đẩy Ngữ thay đổi thái độ, chỉ có anh nàng mới rõ. Tường chỉ nhìn một chiều đơn giản. Nam hỏi:

– Anh ở lại đây đêm nay không?

Hỏi xong, nàng mới thấy câu hỏi ẩn chứa một cách mời mọc. Nàng cúi xuống không dám nhìn mặt Tường. Giọng Tường tự nhiên, gần như vô tình:

– Anh phải lo nhiều chuyện nữa, anh phải đi gặp vài anh em.

Nam bậm môi lại để che giấu thất vọng. Tường hỏi:

– Em cần gì thêm không?

Nam đáp cọc lốc:

– Không.

Tường không chú ý vẻ bất mãn của Nam, ra cửa đài phát thanh lấy Vespa chạy đi. Nam còn lại một mình trong phòng, không đủ bình tĩnh tóm tắt đống tin nhiều xuất xứ. Gần khuya, nàng phải nhờ hai người bạn sinh viên cũng làm ở đài viết hộ. Còn nàng thì tìm một xó tối ngả lưng trên ghế bố, thao thức.

Chương 35

Việc Ngô cũng với tám thanh niên khác trong Ðoàn Thanh niên Quyết tử mỗi người một khẩu carbine vào Lăng cô đóng chốt để lập phòng tuyến chống “quân thù” cuối cùng cũng tới tai ông Bỗng.

Ông lồng lộn tức giận, nếu không có bà Bỗng can ngăn ông đã tát thêm cho Diễm một bạt tai nữa. Ông đánh con, vì nghi Diễm biết hết mọi chuyện mà không mách với ông. Thật oan cho Diễm! Nàng không biết gì hết, nên khi bị cha tát tai, nàng ngạc nhiên quá, không kịp chuẩn bị để phản ứng hay biện hộ gì cả. Ông Bỗng bị vợ can, càng giận hơn, gạt phăng cả bình trà lẫn ba cái tách xuống đất, chỉ mặt Diễm, thét lên:

– Mày đi tìm nó về đây cho tao. Qua bên thằng Tường hỏi cho rõ nó ở đâu, rồi vào đó lôi về đây. Bảo nó nếu không về thì từ nay đừng nhìn mặt tao nữa!

Diễm hoàn hồn bắt đầu thấy uất ức, định lên tiếng cãi lại, thì bà Bỗng đã mếu máo van con:

– Con nghe mạ, con đi tìm thằng Ngô cho ba. Diễm, nghe mạ nói không? Con chạy đi hỏi thăm thử anh con đi đâu…

Diễm đành phải vừa thút thít khóc, vừa đạp xe đi tìm anh. Nàng không biết tìm Tường ở đâu. Ðịa chỉ dễ tìm nhất là cửa hiệu radio Thanh Tuyến. Nàng biết chắc không thể gặp Tường ở nhà, nhưng ít ra cũng gặp được Quỳnh Như, hoặc chị Quỳnh Trang.

Nàng đạp xe qua phố. Cửa hiệu Thanh Tuyến đóng im ỉm. Diễm gõ nhiều lần vào cửa sắt vẫn không ai trả lời. Nàng phải lấy tay đập mạnh vào tấm cửa. Có tiếng chân bước vội bên trong, tiếng động mỗi lúc một rõ hơn. Rồi im lặng trở lại. Diễm nóng ruột, đập cửa lần nữa. Bên trong có giọng đàn bà thì thào hỏi qua khe cửa:

– Ai đó?

Diễm không phân biệt được giọng nói là của Quỳnh Như, Quỳnh Trang, hay của bà Thanh Tuyến, nên lúng túng không biết xưng hô thế nào cho đúng. Cuối cùng, Diễm hỏi lơ lửng:

– Dạ có Quỳnh Như ở nhà không?

Bên trong, giọng Quỳnh Như reo lên:

– Diễm hả? Cái con quỉ làm tao hết hồn. Ủa, tao quên lấy chìa khóa rồi. Chờ tao chút nghe. Một chút thôi, tao xuống liền!

Tiếng chân trần của Quỳnh Như chạy vào. Chưa đầy một phút, Quỳnh Như đã trở xuống, lần này chân mang dép đàng hoàng. Diễm dắt xe đạp vào bên trong, Quỳnh Như vội khóa cửa sắt lại như cũ. Diễm đột ngột bị ở trong bóng tối nên không thấy gì cả. Nàng hỏi Quỳnh Như:

– Sao mày khóa cửa cẩn thận vậy? Đèn đóm đâu mà tối om thế này?

Quỳnh Như thì thào:

– Hôm qua có ai nhét thư rơi vào cửa hăm dọa thanh toán anh Tường. Còn đe thầy me tao là nếu không dạy con, để con hoạt động cho cộng sản, thì sẽ lãnh đủ hậu quả. Me tao sợ quá, hôm qua nay khóa kín cửa lại. Không cho hai chị em tao đi đâu cả.

Diễm cũng hạ thấp giọng hỏi:

– Anh Tường biết chuyện này chưa?

– Biết rồi.

– Anh ấy nói gì không?

– Anh ấy cười, bảo “Thách tụi nó đấy!” Tao về không dám kể lại cho thầy me nghe nữa! Mày theo tao lên lầu tao kể cho nghe nhiều chuyện hay lắm. Coi chừng vấp cái xe đạp. Điện chạm mà tao với chị Trang không biết sửa thế nào hết. À, mày biết xe đạp của ai không?

Diễm ngoái cổ lại nhìn cái xe đạp, nhưng bóng tối không cho phép nàng nhận rõ hình dáng chiếc xe, Quỳnh Như cười, bảo:

– Của chàng đấy!

Diễm dừng lại hỏi:

– Của ai?

Quỳnh Như cười phá lên:

– Thôi mà, Diễm! Mày làm bộ hoài!

Diễm hiểu Quỳnh Như nói đến Ngữ. Nàng khựng lại, rụt rè nói:

– Nhà có khách, thôi tao về. Tao chỉ qua đây hỏi anh Tường xem anh Ngô đi đâu. Ba tao bảo đi tìm. Mày biết không?

Quỳnh Như đứng ở bậc trên cầu thang, bĩu môi cười chế giễu người bạn gái đang dừng bước ở bậc dưới:

– Con này “điệu” vừa thôi chứ! Hãy lên đây đã, làm như sợ cọp không bằng. Biết đâu mày hỏi anh Ngữ, anh ấy cũng biết anh Ngô ở đâu! Anh Tường tao lâu nay ít về nhà!

Diễm không còn cớ nào để thối lui, đành hồi hộp bước theo Quỳnh Như. Lên khỏi cầu thang là gặp ngay phòng khách. Ngữ không ngồi ở đó. Biết bạn đưa mắt hỏi mình câu gì, Quỳnh Như nói:

– Lâu nay anh Ngữ thường lên thăm thầy tao. Anh ấy ở trong phòng. Để tao vào gọi ra cho mày nhé?

Diễm không dám trả lời thẳng là đồng ý hay không, chỉ hỏi:

– Me mày không có nhà à?

– Không, me tao ngủ. Khi hôm me tao lo quá, không ngủ được, nói chuyện rì rầm với chị Trang cả đêm.

– Vậy chị Trang đâu?

– Chị ấy lén me tao đi chợ! Nhà hết sạch không còn một chút đồ ăn nào. Tao vào gọi anh Ngữ cho mày nhé?

Diễm đỏ mặt ngăn lại:

– Thôi để anh ấy nói chuyện với bác trai. Tao ngồi với mày một chút rồi còn về! Này, mày biết tin chưa?

– Tin gì? Vụ đốt sách Mỹ à?

– Ôi chao, tin đó cũ rồi! Tin mới nóng hôi hổi sáng nay kia!

Diễm định chần chờ cho Quỳnh Như nóng ruột, nhưng chính Diễm nóng ruột trước. Nàng không dằn được, tiếp luôn:

– Sáng nay có một ni cô tự thiêu trên chùa Từ Hiếu đấy!

Quỳnh Như giật mình, mắt sáng lên vì tò mò:

– Thật à? Sao mày biết?

– Ở xóm tao người ta chạy rần rật lên chùa để xem, chỉ có tao sợ ba tao la phải nằm nhà thôi.

Quỳnh Như thắc mắc:

– Tao chẳng hiểu tại sao ba mày ghét tranh đấu đến thế. Xin lỗi mày nhé, hình như ba mày không ưa ai cả. Mỗi lần lên nhà mày, tao…

Diễm bị chạm đến điểm tế nhị nhất của lòng mình, bị chạm đến mặc cảm thua sút về gia thế so với gia thế bạn bè, nên nói lảng sang chuyện khác:

– Tính ba tao chỉ thích yên ổn. Này, mày có biết anh Ngô tao đi đâu không?

– Không.

– Ba tao nghe nói anh ấy bị gửi vào tận Lăng cô để chống với quân ông Loan. Này, tao ở chơi với mày ở đây cả ngày, có tiện không?

Quỳnh Như đoán bạn có điều gì buồn, hạ thấp giọng thân ái hỏi:

– Mày bị vạ lây phải không? Ðừng buồn nghe Diễm. Huế bây giờ như cái rọ không biết bị đánh lúc nào. Nhà nào cũng lo. Nhất là người lớn. Phải hiểu cho “người lớn”, Diễm!

Diễm chớp mắt cảm động, cố cười bảo Quỳnh Như:

– Mày làm như tụi mình không phải là người lớn vậy! Gần hai mươi cả rồi. Đôi lúc tao chỉ muốn nghỉ học quách, để kiếm việc gì làm. Mày biết việc gì không?

– Việc gì bây giờ!

– Nhà mày độ này ra sao? Bác trai nằm một chỗ, chắc me mày vất vả hơn.

Quỳnh Như buồn rầu đáp:

– Ừ, kẹt lắm. Me tao độ này lo quá, gầy xọp hẳn người. May có chị Quỳnh Trang ở nhà đỡ cho me tao một tay. Nhưng bây giờ nhà tao lại lo chuyện khác.

Diễm đoán chuyện gì rồi, quay lại an ủi bạn:

– Tao nghĩ rồi đâu lại vào đó. Không ai việc gì đâu!

Quỳnh Như nói:

– Bây giờ hai bên gầm ghè nhau, hai bên đều súng đạn đầy người, tao ngại quá. Chẳng bù hồi trước, đi biểu tình tranh đấu khơi khơi, nghĩ lại vui thật!

Diễm sáng mắt lên, gật gù:

– Ừ, hồi đó vui hơn bây giờ! Lâu nay mày vẫn… mày vẫn phụ với anh Tường chứ hả?

Quỳnh Như lắc đầu, hơi hối tiếc:

– Không. Từ ngày thầy tao bị nằm một chỗ, tao đâm nản. Với lại, với lại tao không chịu được những lời nói cạnh nói khóe.

Diễm vội hỏi:

– Họ nói gì mày vậy?

Hỏi xong, Diễm mới biết mình hớ. Nàng lái sang chuyện hỏi thăm sức khỏe của ông Thanh Tuyến. Quỳnh Như đáp:

– Miệng thầy tao đã bớt méo, nhưng tay chân chưa cử động được. Anh Tường thường vắng nhà. Nhà không có đàn ông, mỗi lần… mỗi lần thầy tao cần đi cầu đi tiểu, thấy mà tội nghiệp cho me tao. Thằng Bá yếu quá, đỡ ba tao không nổi.

rồi Quỳnh Như thở dài, trước khi tiếp:

– Không hiểu nếu có chuyện gì, mấy mẹ con tao xoay xở thế nào. Tao lo lắm!

Hai người bạn ngồi lặng người buồn rầu!

Ngữ ở trong phòng ông Thanh Tuyến đi ra, tưởng hai người là hai pho tượng.

***

Trong những lần lên thăm ông Thanh Tuyến, đây là lần đầu tiên Ngữ kể chuyện thời sự cho ông nghe. Những lần trước, họ chỉ nói với nhau những chuyện bao quát có vẻ như không dính liền với mặt đất, như là ý nghĩa đích thực của sự sống và cái chết, luận về sự thành bại của một đời, hạnh phúc đích thực là gì, có hay không có một dạng sống khác bên kia cái chết… .Một người trẻ tuổi lúc nào cũng cảm thấy lơ láo bất an trước mọi hoàn cảnh tìm đến một người già chịu nằm yên lắng nghe những ý tưởng phức tạp mông lung của mình, một người trải qua nhiều kinh nghiệm ở đời gặp nạn nên tĩnh tâm để trở thành đứa trẻ thơ hồn nhiên, hai người bất ngờ “gặp” nhau, tâm sự hết giờ này tới giờ khác trước sự ngạc nhiên thích thú của người quen thân. Quỳnh Trang ban đầu rất lấy làm lạ, về sau nghĩ đơn giản là Ngữ có hảo tâm thay Tường đến an ủi cha mình, xem đó là nghĩa vụ thiêng liêng của tình bạn. Nàng nhìn Ngữ với đôi mắt kính phục biết ơn. Nàng bớt xem thường Ngữ, như đã từng xem thường chàng do cách học hành dở dang và chức vụ thấp của Ngữ trong quân đội. Nàng không thể quan niệm được do đâu Ngữ bỏ học, ngoài lối giải thích thông thường: Ngữ học kém hơn Tường, và thái độ bất mãn khinh bạc của Ngữ chỉ là một cách gồng mình lên để che giấu bớt mặc cảm. Trước đây Quỳnh Trang nghĩ vậy. Bây giờ nàng khám phá thêm được một nét đáng quí của Ngữ. Nàng nể Ngữ hơn, chứ không cư xử vừa phải chỉ vì Ngữ là anh trai của người bạn thân.

Cách biểu lộ niềm kính trọng Ngữ của Quỳnh Trang cũng trầm lặng như tính tình của nàng. Mỗi lần Ngữ tới, Quỳnh Trang sai thằng Bá đi mua một bao thuốc Ruby Quân tiếp vụ đặt vào cái đĩa nhỏ bảo đem lên cho Ngữ. Kèm theo đó, một hộp diêm. Chỉ có thế . Sáng nay trước khi đi chợ, biết có Ngữ tới, nàng cũng sai thằng Bá làm y như vậy.

Ngữ nghĩ có lẽ Quỳnh Như mau mắn biết mình hút thuốc liên miên mỗi khi nói chuyện với ai nên đã mua thêm thuốc lá cho chàng. Ngữ hút tự nhiên, không cần cảm ơn, vì nghĩ với tính tình hồn nhiên của Quỳnh Như, khách sáo là thừa.

Chàng vừa đến thì ông Thanh Tuyến hỏi ngay chuyện thời sự. Chàng ngỡ ngàng nhìn ông Thanh Tuyến, tưởng mình nghe lầm. Nhưng ông Thanh Tuyến nhắc lại câu hỏi rõ ràng hơn:

– Liệu ông Kỳ có cho đánh ra Huế không?

Ngữ đáp là điều đó không thể tránh khỏi. Ông Thanh Tuyến hỏi phản ứng của chỉ huy sư đoàn Một. Ngữ bảo người Mỹ rõ ràng đã ủng hộ phe quân nhân Sài gòn, nên sư đoàn Một không dại gì dàn quân đánh nhau với quân đại tá Loan như ở Đà nẵng. Ông Thanh Tuyến hỏi về thái độ của Tiểu khu trưởng Huế-Thừa Thiên. Bấy giờ Ngữ mới bị đà xúc động cuốn hút trọn vẹn. Vì trực tiếp liên quan đến chàng. Vì chỉ với một người đối thoại hoàn toàn tín nhiệm chàng vô điều kiện như ông Thanh Tuyến, chàng mới thổ lộ hết tâm tình. Ngữ đi lại trong phòng, nói thật lâu với ông:

– Dĩ nhiên ai cũng có quyền thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh, nhất là thay đổi để sinh tồn qua những biến chuyển phức tạp của lịch sử, như thời kỳ chúng ta đang sống đây. Bác đã sống qua nhiều chế độ, chắc bác đồng ý với con. Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Thay đổi thế nào cũng được, tuy nhiên bao nhiêu thay đổi cũng phải, à không, cũng chỉ được phép giới hạn trong một cái vòng vô hình, để con người khỏi trở thành hòn bi ve lăn đi đâu cũng lọt. Con người còn đứng được trên nền giá trị nào đó là nhờ nó có vài góc cạnh, nhờ nó không tròn trịa nhẵn thín. Bác biết không, con kinh tởm thái độ trở cờ của những hòn bi lăn lóc quanh con. Không, con so họ với những hòn bi, chưa chỉnh lắm. Họ như thứ gì nào? Như những con lươn trơn tuột chịu lấm đầu để chỗ nào có lợi là chui vào. Họ không thể ngóc đầu lên để nhìn cái gì xa hơn điều lợi của mình. Tại sao bác nhìn con thế? Con quá khích lắm chăng? Không đâu! Nếu bác nhìn những bộ mặt trâng tráo trở cờ trong tiểu khu, chỗ con làm việc, chắc bác phải lộn ruột! Ngày nào họ một điều “bạch thầy” hai điều “bạch thầy”. Ngày nào họ láo liêng nhìn quanh để tìm cho ra kẻ có ý bênh vực ông Thiệu ông Kỳ, thậm chí người tự trọng dè dặt, họ cũng xì xầm nói xấu. Thế mà bây giờ họ phủi tay hết, coi như chưa có gì xảy ra. Họ tìm mọi cớ để lánh khỏi chỗ nguy hiểm.

Con bão nổi lên rồi. Họ lo núp. Chẳng bão tố là gì nữa, thưa bác, dấu hiệu bão thiếu gì. Xa thì những lời tuyên bố lập lờ của Hoa Thịnh Đốn, của tòa đại sứ Mỹ trong Sài gòn. Gần nhất là những người Mỹ đã rút khỏi Huế. Mỹ đi khỏi chẳng khác nào mất con tin. Họ cuống lên, ngủ một đêm sáng hôm sau họ đổi mặt nạ. Mấy ông tướng ông tá bên sư đoàn với ông Tiểu khu trưởng của con cũng cùng một giuộc như nhau! Bác biết không, Tiểu khu đã cho lệnh tất cả quân nhân trong tiểu khu rút khỏi Huế. Cớ gì ư? Lý do thơm lắm: Hành quân vùng ven biên đề phòng Việt cộng lợi dụng tình thế xáo trộn để đánh Huế. Nghe kêu lắm! Hào nhoáng lắm! Thực ra họ chỉ muốn chạy làng trước, để còn gỡ tội sau này mà giữ lon.

Ông Thanh Tuyến phều phào hỏi vì không điều khiển được đôi môi:

– Rồi anh đi với họ không?

– Bác biết rồi! Vì thế sáng nay con mới đến đây với bác. Con đã thành kẻ đào ngũ. Thà như vậy. Con không thể xếp hàng chung với họ. Đêm qua Tường nó tưởng là con “giác ngộ” nên quyết định ở lại. Không đâu! Con ở lại chỉ vì con muốn là con! Huế bị bỏ ngỏ hoàn toàn rồi! Người Mỹ đã rút. Quân đội đã rút. Tình hình thực sự hiện nay như vậy. Bác lo không?

Ông Thanh Tuyến lắc đầu. Ông nhắm mắt nằm yên một lúc, rồi thì thào nói:

– Tôi chỉ lo cho những người như anh! Và Tường! Nhưng lần lượt ai cũng phải qua cầu, anh ạ!

***

Ngữ cảm thấy như vừa trút được một gánh nặng khi rời khỏi phòng ông Thanh Tuyến. Gặp Diễm và Quỳnh Như ở phòng khách, chàng càng hân hoan hơn. Dáng ngồi lặng lẽ bất động của hai cô gái tự nhiên trở thành những pho tượng an lạc vĩnh cửu đối với Ngữ. Chàng nhìn sững Diễm, trong khi Diễm vội vã thay lại thế ngồi cho nghiễm túc hơn. Tay Diễm bất giác đưa lên vén lại mái tóc trên trán rồi kéo thẳng vạt áo trước. Quỳnh Như nhanh miệng nói:

– À, có anh Ngữ đây. Mày muốn hỏi gì thì hỏi đi, Diễm.

Diễm lúng túng chối:

– Có gì đâu?

Quỳnh Như vui thích vì gài được bạn vào thế khó xử, càng trêu:

– Chứ sao lúc nãy mày bảo đi tìm anh Ngữ?

Ngữ phải can thiệp cứu Diễm:

– Diễm cần “tôi” việc gì vậy?

Diễm lấy hơi, cố nói chậm cho bớt xúc động:

– Ba em sai đi tìm anh Ngô. Ba em…

Ngữ đáp ngay:

– Ngô vào trong Lăng cô rồi.

Diễm cố bi thảm hóa nỗi khổ tâm của mình, xịu mặt ngồi buồn rầu cho Ngữ thấy. Ngữ lo lắng hỏi:

– Có việc gì vậy? Bác sợ phải không?

Diễm vùng vằng, hơi nũng nịu:

– Sợ còn đỡ. Ba em giận, gắt ầm lên. Chỉ có em hứng chịu hết mọi điều.

rồi giọng nói của Diễm yếu hẳn đi, thật lâm ly tuyệt vọng:

-Làm sao bây giờ? Ba em dọa nếu không tìm được anh Ngô về thì….

Ngữ mau mắn nói:

– Thôi được. Để “tôi” tìm nó cho. Luôn tiện tìm gặp cho được thằng Lãng nhà tôi. Dưới nhà, ba má cũng gắt ầm lên vì thằng Lãng.

Quỳnh Như từ nãy tới giờ ngồi ngắm cảnh hai người đối đáp với đôi mắt tinh nghịch lém lỉnh. Đến lúc đó, nàng mới cười giòn, nói:

– Tao phục mày quá Diễm ơi! Mày thật là nhất!

Cả Diễm lẫn Ngữ đều đỏ mặt vì ngượng. Nhưng lòng họ nở hoa!

Comments are closed.