Saxophone giữa chiều không (kỳ 9)

Tiểu thuyết của Phong Linh

Thụy Anh choàng tỉnh. Cô vẫn sống. Và mẹ vẫn ở đây. Tại sao? Để làm gì? Tại sao mẹ không buông tha cho cô? Hay vì cô sắp chết nên…, không phải mẹ cô đã chết chứ? Vẫn như những lần trước cô không muốn nghĩ điều gì nữa. Mẹ không còn ở bên mình nữa. Không còn điều gì về mẹ nữa. Không còn bất cứ điều gì nữa.

Bức ảnh thờ của mẹ vẫn ở đó, vẫn nghi ngút hương khói. Người ta vẫn làm giỗ mẹ hàng năm vào cái ngày mà em trai cô sinh ra đời và buổi tối hôm đó khi cô nhìn thấy mẹ ôm em bước ra khỏi cổng bệnh viện. Cho đến bây giờ mẹ sống hay chết cô cũng không thể nào biết được. Nhưng suốt mười lăm năm nay cô chưa bao giờ thắp cho mẹ một nén hương nào vì cô vẫn vẩn vơ tin vào điều gì đó. Đã có lúc cô vẫn chờ và nghĩ rằng nhất định sẽ có một lúc nào đó mẹ quay trở lại tìm cô hay ít ra cũng là cho cô biết một chút tin tức gì của bà. Nhưng rồi suốt mười lăm năm trời cô nhớ thương, chờ đợi và căm hận nhưng mẹ vẫn không bao giờ quay trở lại. Vậy mà sau giấc mơ ấy, cô không còn cảm thấy oán hận mẹ mình nữa. Chính bà vẫn âm thầm cứu rỗi cô trong quá nhiều những mệt nhọc của cuộc sống này. Mỗi khi cô muốn buông tay, muốn cắt đứt sợi dây ràng buộc mình với cuộc đời này thì khi ấy bà lại xuất hiện và dìu đỡ cô. Mẹ vẫn ở đây. Mẹ vẫn nhớ. Mẹ vẫn yêu. Nhưng thực sự tại sao mẹ không trở lại?

Thụy Anh nhìn nụ cười tươi trẻ của mẹ trong ảnh mà thấy xót xa cho khoảng thời gian chảy trôi xa cách. Nếu những gì bố nói không phải là nói dối. Nếu như thực sự mẹ và em trai cô đã chết thật rồi thì cô biết phải nương tựa vào điều gì nữa. Và lần đầu tiên cô tự nguyện thắp cho mẹ mình một nén hương tưởng nhớ vong linh và rồi im lặng nhìn sâu vào bức hình của mẹ. Bức hình như vẫn được chăm chút rất cẩn thận nên không hề có dấu vết của việc úa vàng nhầu nhĩ của thời gian.

– Thụy.

– Bố. Bố làm gì ở đây?

– Đêm nào bố cũng phải lên thắp hương cho mẹ rồi mới có thể ngủ được.

– Con…

– Con muốn nói điều gì phải không?

– Con…, con muốn… hỏi bố về cái chết của mẹ.

– Con nói đi.

– Có thật là mẹ đã chết không bố? Con thực sự muốn biết điều gì đã xảy ra trong khoảng thời gian đó.

– Thụy. Bố không muốn nhắc lại điều gì vào lúc đó nữa. Khoảng thời gian mười lăm năm qua bố đã mệt mỏi lắm rồi.

– Mệt mỏi. Vâng, rất mệt mỏi. (Thụy Anh nhìn bố mình, cười xa xôi). Bố có muốn biết tại sao con chưa bao giờ thắp hương cho mẹ không? Bố có muốn biết tại sao con hận bố đến thế không?

– Thụy. Con đang nói gì vậy?

– Đừng gọi con như thế. Bố đã nói dối con ngay từ khi con mới chỉ là một đứa trẻ bảy tuổi. Tại sao bố phải làm thế? Tại sao bố phải nói rằng mẹ và em đã chết vì mẹ sinh khó. Bố là kẻ đã lừa dối mọi người. Với chính con, bố cũng nhẫn tâm lừa dối. Vì sao bố phải làm như vậy?

– Bố không nói dối. Dù con có căm hận bố đến đâu bố vẫn chỉ có thể nói rằng, con đừng tự hành hạ mình nữa. Cũng đừng dằn vặt bố nữa. Bố quá mệt mỏi rồi. Có lẽ bố cũng không thể sống được bao lâu nữa. Bố muốn nhìn thấy con được hạnh phúc.

– Bố mẹ và người đàn bà kia đã giết chết hanh phúc của con từ khi con mới chỉ là một đứa bé bảy tuổi rồi.

– Thôi. Bố xin con. Con đừng nói gì nữa. Bố không muốn nhớ gì tới khoảng kí ức khổ sở và nhọc nhằn đó nữa. Bố cũng muốn nói với con một điều thôi, dù có hận bố xin hãy mở lòng với dì con. Cô ấy là một người đáng được hưởng những điều hạnh phúc nhất.

– Bao biện và giả dối. Tất cả các người chỉ luôn tìm mọi cách để thỏa mãn cho sự ích kỷ của bản thân mình. Không điều gì là có thật cả. Không một điều gì.

Con đã cố gắng cầu xin bố cho con một lời giải đáp, nhưng rồi đáp lại con, vẫn như mười mấy năm nay, vẫn chỉ là sự giả dối và mơ hồ. Bố thật nhẫn tâm.

Thụy Anh loạng choạng bước về phòng mình bỏ mặc người cha tóc đang dần bạc trắng của mình ở lại phía sau. Trong căn phòng thờ ấy ông Minh vẫn còn lặng đi vì phản ứng của Thụy Anh. Đã bao nhiêu lâu rồi con gái ông hé răng nửa lời cũng không hề nhắc đến một từ mẹ. Nó phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại dù là nhỏ nhất của mẹ trong gia đình này, vậy mà tại sao hôm nay nó lại nhắc đến tất cả những chuyện mà ông cũng đã cố gắng để quên trong suốt khoảng thời gian ấy. Làm sao ông có thể nói với Thụy Anh rằng chính mẹ cô đã cầu xin ông làm việc đó. Chỉ có cái chết mới có thể xóa hết dấu vết và suy nghĩ của mọi người về bà trong cuộc đời này. Cái vở kịch đau đớn mà ông đã phải diễn sao cho ngọt cảnh khóc thương vợ trong đám tang. Nhưng giá như vợ và con trai ông chết thật có lẽ ông còn không đau đớn đến mức ấy. Nếu người đàn bà ấy chết thật rồi có thể ông đã quên và sống thanh thản trong khoảng thời gian sống tiếp theo của mình. Nhưng ông không thể nào quên được người đàn bà đã khiến ông say đắm, yêu thương và rồi lại cầu xin ông cứu rỗi tâm hồn. Số phận nghiệt ngã đến mức ông không đủ sức để chống đỡ lại. Ông chỉ còn biết làm theo tất cả những gì trong kịch bản mà vợ ông đã viết nên. Đến tận bây giờ ánh mắt cầu xin và sự ra đi lạnh lùng của con người ấy vẫn không thể nào nguôi ngoai trong tâm trí ông. Nhưng ông hận người đàn bà của mình. Vì bà ta mà ông đã mất tất cả những hạnh phúc nhỏ nhoi và bình yên của đời mình. Vì bà ta mà đứa con gái ông yêu thương rất mực đã sống như một cái xác không hồn xuất bao nhiêu năm qua. “Nếu bà ta còn sống? Phải, có lẽ bà ta đang sống yên ổn trong một ngôi nhà nhỏ xinh đẹp nào đó ở mảnh đất Đà Lạt ngàn hoa với người nghệ sĩ mà bà ta đã phải đánh đổi tất cả để có thể có được. Chỉ có những người ở lại là không bao giờ nguôi ngoai sự khổ đau và nhung nhớ. Chỉ còn một kẻ đáng thương như mình đã vì một lời hứa mà ngay đến người con gái gần gụi nhất của trở nên xa cách. Nỗi chua xót và bất hạnh là cái mà suốt nửa cuộc đời đã qua mình không sao có thể thoát ra được. Tại sao? Mình không muốn nhớ về bất kì điều gì có liên quan đến người đàn bà đó nữa”.

– Alô, bác sĩ à?

– Vâng. Có chuyện gì không anh?

– Tối nay bác sĩ có rảnh thì đi uống với tôi cốc café nhé.

– Tối nay à? Để tôi xem lại lịch. Tôi sợ là không thể đi được. Vì dạo này bênh nhân càng ngày càng đông. Cũng vất vả lắm. À, anh có chuyện gì mà tự nhiên lại cần gặp tôi vậy?

– Lâu quá không gặp bác sĩ rồi, tự dưng tối nay lại trốn được cái hội họp của viện nên tiện thì mời bác sĩ café. Mình gặp nhau nói chuyện cũng tiện.

– Vậy đành làm mất hứng rồi. Chắc phải vài ngày nữa tôi mới giãn việc đấy.

Đã ngần này tuổi rồi vậy mà trong lúc này ông cũng cảm thấy mình thật sự cần một chỗ dựa từ một người nào đó thật sự biết lắng nghe và chia sẻ. Người đầu tiên mà ông nghĩ đến chính là bác sĩ Huy, người đã chứng kiến rất nhiều những biến cố trong cuộc sống của gia đình ông từ ngày người vợ của ông bỏ nhà ra đi. Và cũng chính ông Huy đã trông nom Thụy giúp ông, để con gái ông có thể sống được đến tận giây phút này. Từ lúc mẹ ra đi cho đến khi Phương tự tử chết, Thụy Anh như người đã bị cái chết làm cho chai lỳ, sợ hãi nhưng rồi khoảng thời gian cô bắt đầu yêu Quân là khoảng thời gian mà ông cảm thấy mọi thứ khá yên ổn. Cô bắt đầu cười nói với ông, và dì hai. Bắt đầu chăm chỉ về nhà hơn. Nhưng chính những ngày gần đây ông không thể biết tại sao Thụy Anh lại như bị rơi vào những trạng thái điên loạn còn nặng nề hơn cả khoảng thời gian trước. Đêm nào cũng nghe những âm thanh đến quái dị của thứ Rock nặng trịch mà ông không thể nào nuốt trôi nổi phát ra từ phòng con gái, và tiếp theo đó là những tiếng la hét vì bị bóng đè hay gặp ác mộng. Tình hình đó khiến ông sợ hãi đến mức phải lén đặt một con dao bên dưới đệm của cô nhưng rồi ngay sáng hôm sau khi tỉnh dậy ông đã nhìn thấy con dao ấy vứt chỏng trơ trên mặt bàn với dòng chữ nhắn lại “Con không bị điên”. Sau đó dù cố gắng thế nào ông cũng không thể nói chuyện với cô được nữa. Cô cố tình lẩn tránh ánh mắt của ông, và mọi câu chuyện mà ông định nói, cô luôn tìm mọi cách để gạt phăng nó đi. Cho đến đêm hôm nay, ông thật sự thấy sợ hãi khi nhìn thấy đôi mắt trắng dã và toàn thân mướt mát mồ hôi của Thụy Anh trong phòng thờ vợ ở tầng ba. Ông thật sự cần phải tìm hiểu điều gì đang diễn ra trong đầu đứa con gái của mình. Điều gì đã diễn ra để rồi nó không thể nào quay trở lại là một Thụy Anh mà trước kia vẫn gần gũi vui vẻ. Ông Minh đã muốn tìm đến bác sĩ nhưng ông thật sự không biết phải giãi bày thế nào nên ông đành chờ đợi và theo dõi cô con gái của mình thường xuyên hơn trong những đêm cô vật vã chập chờn.

Thụy Anh tìm đến bác sĩ thật.

– Bác sĩ.

– Thụy.

– Đêm nay con ngủ ở ghế này nhé.

Nhìn cô gái xanh xao trước mặt mình ông không thể không hốt hoảng vì sự sa sút của cô gái mà ông vẫn coi là con trong suốt bao nhiêu năm qua. Ánh mắt cô cứ nhìn xung quanh như một kẻ mất hồn và không còn đủ sức để định hình lại bất cứ điều gì nữa.

– Đêm nay con hãy ngủ thật ngon. Con lại đây nào, ta muốn ôm con vào lòng, để xem con gái ta đã lớn thế nào rồi.

Bác sĩ Huy nói rồi lại gần ôm Thụy Anh vào lòng. Ông nhẹ nhàng đưa bàn tay lên vuốt mái tóc xõa rối bời của cô.

– Con gầy quá.

– Con mệt. Con muốn ngủ.

Cô nói rồi nằm xuống chiếc ghế sôpha mà lần đầu tiên khi tới đây cô đã ngủ một giấc ngon lành ở đấy. Ông Huy lấy chiếc chăn mỏng đắp lên người cho cô và chăm chú nhìn cô ngủ. “Mười lăm năm trước trong khuôn mặt của con cái nét buồn đã thấm sâu giống hệt như lúc này rồi. Có lẽ con cần phải có lời giải cho tất cả những điều này. Chỉ có như thế con mới được thanh thản. Nhưng ta sợ, nếu thanh thản rồi liệu con còn có thể ở lại cuộc sống này không hay rồi con sẽ tự nhiên lìa bỏ nó. Ta thật sự không thể chịu đựng được khi nhìn thấy con mỗi lần đến đây lại hao gầy đi thêm nhiều phần. Con quá già và khổ sở so với cái tuổi hai hai của mình. Ta cũng không biết điều gì sẽ có thể cứu vớt những day dứt của con. Nhưng ta nhất định sẽ tìm mọi cách để cứu con, con gái ạ”

Những ngày qua đêm nào nhắm mắt lại cô cũng cảm thấy những mặt người đang nhìn vào mình, lôi kéo mình như muốn dồn mình đến cái chết. Cô như đi trong một cơn mộng du với những hình ảnh người rệu rã tìm kiếm rồi giày vò nhau. Mái đầu đã bạc trắng của bố từ mười lăm năm trước. Những giọt nước mắt của mẹ khi lén lút bước ra khỏi bệnh viện rồi leo lên một chiếc xe ôm lao vút đi. Đó là nụ cười hồn nhiên của Dũng giữa những con phố bé nhỏ của Hà Nội. Có một Hải Hoa rạng ngời. Và còn lại tất cả là cái dáng lưng thẳng đứng rắn rỏi của Phong khi bước đi trên bờ biển Hải Phòng vào cái buổi chiều buồn buồn ấy. Tất cả hiện hữu nhập nhòa vừa xa vừa gần. Những bóng người ấy vây tròn lấy cô, ùa vào túm tay, túm chân rồi bóp cổ cô khiến cô không thể nào động đậy được. Cô nằm bất động như một cái xác đã bị đè bẹp cho đến chết. Cái xác khô héo, câm lặng. Cô van khóc, cầu xin nhưng không ai nghe thấy điều gì cả. Tất cả đều xa lánh cô, đều cười cợt sự sợ hãi, yếu đuối của cô. Những mặt người gớm ghiếc. Cô vùng vẫy. Cố dồn mọi sức lực để vùng vậy nhưng chút sức lực cuối cùng không thể giúp ích được gì cho cô để thoát khỏi cái chết đã được sắp đặt sẵn. Cô nghĩ đến Quân, cố nhẩm tên anh để mong anh sẽ đến cứu mình thoát khỏi cảnh này nhưng bất lực. Quân không bao giờ xuất hiện. Cô chỉ còn nhìn thấy Phương đang dang tay đón đợi mình ở phía cuối dòng sông Hồng. Chỉ cần nhắm mắt lại cô sẽ nhìn thấy rõ tất cả những hình ảnh đấy. Nỗi ám ảnh sợ hãi đến nỗi cô không còn dám ngủ nữa. Cô đã cố đi, đi bên ngoài đường cho đôi chân mệt rã rời, cho thân thể khô đi để có thể thôi thúc một giấc ngủ nhưng rồi không có điều gì có thể thay đổi được. Cô không còn biết mình có thể đi đâu nữa. Những con đường cũng đã làm cô quá mòn mỏi rồi. Và rồi, sau tất cả, bỏ lại tất cả những phố xá òn ào, những mặt người đáng sợ, cô lại đến bên người bác sĩ gần gụi của mình.

Đêm nay cô đã ngủ ngon. Mọi hình ảnh chỉ còn lại chập chờn mờ nhòa và xa xăm, nó không đủ sức làm cô sợ nữa. Cô tin tưởng cô đang ở một nơi yên ổn nhất mà không có điều gì đau đớn có thể chạm vào được. Cô đã thả lỏng tất cả tâm hồn để vùi mình vào trong những yên ổn nhất mà cô đã phải khổ sở mới có thể tìm kiếm được.

Sáng hôm sau khi Thụy Anh ngủ dậy thì bác sĩ Huy đã đi rồi. Ông chỉ để lại cho cô một phong bì thư. Thụy Anh từ từ mở ra rồi lặng im khi đọc được những điều ông viết.

“Thụy yêu dấu

Đêm qua ta đã rất hạnh phúc khi con đến gặp ta nhưng rồi điều đó lại khiến ta vô cùng lo lắng bởi ta biết chỉ khi nào con không thể chịu đựng được nữa con mới đến gặp ta. Đêm qua nhìn con gầy và xác xơ đi nhiều quá khiến cho ta cảm thấy đau xót vô cùng. Ta không biết nên làm gì và có thể làm gì để giúp được con. Ta chỉ có thể ngồi trông cho con được một giấc ngủ yên lành nhất.

Con gái yêu quý!

Ngay từ lần đầu tiên gặp con khi con còn là một đứa trẻ tám tuổi ta đã biết con sẽ không bao giờ thoát khỏi được sự ám ảnh về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Nhưng chính bản thân ta cũng không thể nghĩ rằng nó lại có thể tàn phá con đến chừng ấy. Hơn bất kì ai khác ta cũng đã mong con có thể tìm thấy một tình yêu cho cuộc đời mình bởi chính tình yêu chứ không phải điều gì khác sẽ xoa dịu những vết xước trong tâm hồn. vậy mà đến bây giờ ta cũng đành bất lực nhìn con mơ hồ trong chính cuộc sống của mình. Thụy con, đêm qua ta đã nghĩ rất nhiều và thực sự ta nghĩ con nên đi tìm lời đáp cho chính những điều đang diễn ra trong suy nghĩ của mình. Đừng để sự trốn tránh mơ hồ đó giết chết con từng ngày. Con hãy đối diện với chính sự thật để cho nỗi đau của mình có lời giải đáp. Nếu thực sự nghĩ mẹ vẫn ở đâu đó, con hay đi tìm mẹ của mình đi. Hãy tìm bà ấy để có thể biết tất cả những điều cần phải biết. Hãy can đảm lên con. Ta sẽ trông chờ ở con.

Bác sĩ Huy”

Sự thật? Có những thứ không bao giờ có thể tìm được một điều gì rõ ràng và cụ thể cả. Con chẳng muốn tìm thứ gì nữa. Con muốn sống cuộc sống của con, nghĩ những gì con nên nghĩ và làm những gì con nên làm. Cuộc sống cũng không biết còn có thể kéo dài được bao lâu nữa. Biết đâu đấy. Có thể ngay ngày mai con sẽ không còn tồn tại ở đây nữa. Lúc ấy tìm kiếm điều gì cũng trở nên vô nghĩa mà thôi.

Thụy Anh đang cố phủ nhận những gì cô đang nghĩ nhưng cô vẫn không thể thoát khỏi được những dòng chữ mà bác sĩ đã viết. Có lẽ vậy, có lẽ cô cần phải một lần đối diện với người mẹ đã bỏ rơi cô khi cô mới chỉ là đứa trẻ bảy tuổi quá ngây ngô.

Không cần phải để vài hôm nữa, bác sĩ Huy đã đến tìm bố Thụy Anh ngay trong ngày hôm sau khi ông còn đang trong giờ làm việc.

– Bác sĩ.

– Tôi đến đây vì có chuyện cần phải nói, càng sớm càng tốt. – Vừa gặp bố Thụy Anh, bác sĩ Huy đã vội vã nói ngay mọi chuyện.

– Phải tìm cách để Thụy ổn định lại tâm lý. Mười mấy năm qua con bé chới với như vậy là quá đủ rồi. Tôi không muốn nhìn thấy nó khổ sở suy nghĩ dằn vặt quá nhiều về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ nữa. Cả hai chúng ta cần phải làm một điều gì đó. Tôi muốn chính ông nói cho tôi nghe sự thật.

– Bác sĩ muốn nói gì?

– Thụy biết rằng đám tang mà ông đã làm cho mẹ nó là giả. Và cái lọ tro đang thờ trên bàn thờ tầng ba của giáo sư chỉ là thứ để che mắt mọi người.

Ông Minh không thể bình tĩnh được nữa đã đánh rơi chiếc cốc xuống sàn.

– Bác sĩ đang nói gì?

– Đã đến lúc chấm hết chuyện này đi. Cô con gái bảy tuổi của ông đã nhìn thấy mẹ mình bế đứa em bỏ đi trong cái đêm tháng mười một gió mùa về thành phố ấy. Chính vì thế mà nó câm lặng, nó không hiểu điều gì đang diễn ra. Bao nhiêu năm đã qua đi rồi nhưng vì tất cả vẫn còn tồn tại trong sự mơ hồ nên nó không thể nào quên được. – Bác sĩ Huy nhấp một ngụm café, trầm ngâm một lát rồi nói tiếp. – Vợ của ông thực sự như là sự sống của con bé vậy. Tôi cảm nhận sâu sắc được điều đó. Nó không bao giờ còn nhắc lại một lần nào với tôi về mẹ nhưng tôi biết, càng cố gắng để phủ nhận điều gì đó thì con người ta lại càng bị ràng buộc một cách chặt chẽ đến nỗi không thể nào tự mình thoát ra được.

Bác sĩ nói tiếp.

– Chúng ta đã già rồi. Đã đủ trưởng thành để trải qua tất cả mọi chuyện nhưng con bé còn trẻ quá. Khi nó vấp phải sự mất mát đầu tiên nó mới chỉ là đứa trẻ bảy tuổi. Vậy thì thử hỏi làm sao nó có thể tự mình vượt qua để bình tĩnh lại. Minh, tôi biết ông rất yêu nó, nhưng ông cũng đã không thể nào cứu vớt nó kịp thời khiến cho trái tim con bé đã bị quần nát rồi.

Im lặng kéo dài. Ngay cả hơi thở cũng trở nên quá chậm chạp. Họ nhìn nhau, cố nhìn sâu vào ánh mắt nhau.

– Tôi cũng đã rất sợ hãi. Mệt mỏi. Tôi không có cách nào khác. Bà ấy đã cầu xin tôi.

Một khoảng dài im lặng và chờ đợi.

– Bác sĩ có biết không, tôi đã thề sẽ mang bí mật này xuống mồ khi tôi chết. Tôi đã hứa với cô ấy. Mười lăm năm trước, tôi đã rất hạnh phúc khi biết rằng vợ mình đã sinh được một cậu con trai kháu khỉnh và xinh xắn. Đang đứng đợi ngoài hành lang, tôi đã chạy như bay vào ôm đứa con bé nhỏ của mình vào lòng ngay sau đó. Nhưng rồi nhìn khuôn mặt như muốn khóc của cô ấy, tôi đã cảm thấy lo lắng như sắp có điều gì đó không ổn xảy ra. Và nó xảy ra thật, người phụ nữ mà tôi đã yêu thương bằng tất cả những gì cuộc đời này giành cho tôi đã quỳ gối trước mặt tôi và cầu xin tha thứ. Chao ôi! Như vậy đấy, cô ấy nói với tôi rằng hãy xem như tôi đã chết và thông báo với những người thân rằng đã làm lễ hỏa táng ngay cho cô ấy. Hãy để mọi người nghĩ rằng cô ấy đã chết thật sự, vì chỉ có như vậy mới không ai đi tìm hay nhung nhớ gì về cô ấy nữa. Người chết mà. Chết là hết. Còn những người sống lại sẽ rất nhanh quên nên cô ấy sẽ dần trở thành một ký ức trong đầu óc họ. Lúc đó tôi cảm thấy đầu óc mình quay cuồng, điên đảo. Tai tôi ù đặc đi và mắt hoa lên. Tôi không còn nhìn và nghe thấy bất kì điều gì nữa. Tôi cứ nghĩ rằng tất cả chỉ như một cơn ác mộng và tôi đang cố gắng để bắt buộc mình tỉnh lại. Nhưng, khi tôi đã kịp định hình lại thì tôi đã biết cô ấy ra đi rồi. Những năm sống cùng nhau, tình yêu của tôi cũng không thể nào có giết chết được mối tình tuyệt vọng của cô ấy với chính người thầy dạy saxophone của mình. Tôi đã chứng kiến mối tình ấy, đã cứu vớt cô ấy khi anh ta bỏ cô ấy mà ra đi nhưng rồi khi anh ta quay lại, cô ấy vẫn sẵn sàng vứt bỏ tôi cùng với đứa con gái thơ dại bảy tuổi. Cô ấy không thể kìm chế được tâm hồn mình. Cô ấy không thể nhẫn tâm giết chết tâm hồn ấy nhưng cô ấy đã nhẫn tâm giết chết cuộc sống của tôi và đứa con gái tôi. Mỗi lần nghe thấy tiếng saxophone, mọi thứ từ quá khứ ùa về như một cơn lốc biển không dừng lại được. Nhưng bác sĩ nói đúng, tôi đã già rồi, trong người tôi có nhiều chất kháng sinh hơn con gái tôi. Nó không thể trụ được. Có lẽ nó cũng giống tôi, cũng thầm cầu mong giá như mẹ nó chết rồi có lẽ nó còn cảm thấy bình thản mà sống hơn.

Ông Minh cảm thấy cơ thể mình mệt rã rời khi phải nói ra tất cả những điều này. Ông ngồi bất động như không còn biết đến điều gì nữa.

– Tôi rất tiếc.

Hai người đàn ông đã sống quá nửa đời người nhưng vẩn cảm thấy trái tim không mạnh mẽ lên được. Mọi điều đã diễn ra vẫn còn cụ thể và sáng rõ như mới đây thôi. Họ ngồi im lặng với nhau. Không còn lắng nghe bất kỳ điều gì bên ngoài nữa. Tất cả đều chìm đi, câm lặng hẳn giữa thành phố đang ồn ào sôi động này.

– Hãy cho Thụy biết tất cả những điều đó. – Bác sĩ Huy nói.

– Nó sẽ không thể nào chịu được.

– Không. Bắt buộc.

– Đừng, chưa phải. Hãy cho tôi thời gian. Tôi cần thêm thời gian.

– Tôi hiểu điều ông đang lo lắng nhưng mười lăm năm là quá đủ rồi. Đã đến lúc chính ông cũng phải đối diện với điều đó. Rất ít người có thể tự can đảm một mình mình. Tất cả mọi người đều cần phải có ai đó ở bên để có thể sống cho can đảm và mạnh mẽ. Chính ông chứ không phải ai khác cần phải làm chỗ dựa cho Thụy để nó có thể biết nó nên sống tiếp như thế nào. Đừng bỏ rơi nó.

– ……….

Chưa đến giờ cao điểm mà đường phố Hà Nội đã nhộn nhạo như một tổ kiến chen nhau vội vã trên đường phố chật hẹp. Tất cả là bởi vì một cơn mưa bất chợt đổ xuống thành phố. Cơn mưa đầu tiên, báo hiệu mùa hè ngột ngạt lại sắp trở về. Chỉ mưa chưa đầy ba mươi phút mà nhiều con phố đã ngập ngụa trong nước và rác. Những khuôn mặt mệt mỏi, nhếch nhác và ướt nhẹp thỉnh thoảng lại quay sang nhìn nhau lạnh tanh, chán nản rồi vượt đi. Chẳng có ai kịp nhận ra ai. Chẳng còn ai có thể nghĩ tới thành phố đang oằn mình lên vì lạnh. Đứng nhìn sân trường ngập đầy nước và xác lá rơi ngổn ngang rã rời, Thụy Anh muốn lao ra khỏi đây, vì nhìn vào những chiếc lá ấy cô cảm giác như mình giống chúng quá. Những chiếc lá xác xơ và những cánh bằng lăng chỉ còn như những chiếc lá đã bị giết chết chỉ còn một màu máu tàn phai tan trong nước.

Đêm đó Thụy Anh lại một mình phóng xe qua cầu Long Biên. Sau cơn mưa sông Hồng đầy nước và đỏ ngầu như màu máu của biết bao nhiêu người đã tự chôn mình dưới dòng nước xoáy này. Có cả máu của Phương. Cô đã tự nói với mình trong khi lao xe thẳng về phía cây cầu “Những người đã đi qua cuộc đời cuộc đời mình đều đã bỏ lại mình. Người thì chết, kẻ đã chạy trốn đến một nơi khác. Tất cả chỉ vì không ai có thể chịu đựng nổi bản thân họ chứ không phải không chịu đựng được cuộc sống. Đáng ra họ nên làm giống như mình. Cứ để lẫn bản thân của mình đi, để ngay chính mình cũng không thể nhận ra nổi ai là Thụy Anh nữa. Chỉ có như vậy mình mới không phải cố sức chịu đựng bản thân mình và rồi từ bỏ khi không thể nào chịu đựng được nữa. Thật ngớ ngẩn. Cần gì phải biết mình là ai. Biết để làm gì. Biết để rồi không thể chấp nhận được à, hay để nhận lấy sự chạy trốn và cái chết. Phong ơi, liệu cậu đã còn đi tìm nữa không?, liệu rằng thành phố xa xôi ấy có làm chân cậu cảm giác được sự tồn tại của cậu không? Tôi đã quên hết mọi thứ rồi. Tôi còn quên cả chính bản thân tôi nữa. Không biết ở đâu. Không biết đi đâu. Không nơi nào thuộc về tôi cả. Ngay cả cái thành phố nhỏ bé này. Tất cả đều đã có nơi để thuộc về. Chỉ có tôi ở đây cùng những cơn gió đang gào thét bên cạnh tôi. Phong, khi nào thì cậu trở về? Cậu sẽ trở về đúng không? Mùa hè đến rồi. Đã ba tháng rồi, cậu sẽ đi đến bao giờ nữa. Đến khi nào đây. Tôi cần cậu giải thoát cho tôi. Đúng, giải thoát”. Thụy Anh không thể nào ngừng nghĩ, cô cảm nhận cái chết đến rất gần. Những suy nghĩ về người đang còn sống trên thế gian này cũng không thể nào làm cô gạt khỏi nỗi ám ảnh của thần chết bên cạnh mình, và những âm thanh đến điên cuồng của bài hát “To live is to die” vang lên mạnh mẽ đến nỗi cô tin rằng cái chết đang lôi kéo mình đi.

Cô vẫn lao đi như một con gió đi hoang trong không gian và thời gian đậm đặc bóng đêm nhưng trống rỗng tâm hồn. Chỉ còn lại những ngọn đèn phố xá vẫn im lìm thắp sáng cho thành phố này. Những ngọn đèn mờ ảo lại chính là chứng nhân cho biết bao nhiêu kẻ không nhà không cửa đi lang thang trong đời này. Biết bao nhiêu những linh hồn đi lạc trong lòng phố và rồi có khi lại nằm vất vưởng đâu đó cạnh một cột đèn sáng rồi ngủ lăn lóc, quên ngày quên tháng, quên trời quên đất.

Phố nhộn nhạo và ngọ nguậy đầy những con người đang gồng mình lên để sống trong bóng đêm. Sự tĩnh lặng hoàn toàn chỉ là sự giả tạo bề ngoài của một khoảng không gian đã chìm ngỉm. Tận sâu trong lòng đêm khuấy lên những âm thanh ghê rợn. Tiếng đạp phá mạnh mẽ trong những căn phòng tối. Tiếng gào thét của những con người không thể tìm thấy mình trong giấc ngủ. Những mặt người nham nhở, ảo ảnh khuất lẩn trốn trong những giấc mơ. Mọi thứ đều đang tỉnh thức. Đêm càng trở nên trống rỗng. Thụy Anh cố lao đi trên phố vì không muốn có ánh mắt nào bắt gặp sự ngổn ngang trong chính cuộc sống của mình. Đi mãi cô cũng đến được chợ hoa mà đêm nào cô cùng Phong ngồi uống rượu. Thụy Anh chào bà chủ quán rồi gọi ra một chai rượu trắng và một bao thuốc.

– Lâu lắm không thấy cô lên đây nhỉ?

Thụy Anh nhìn bà cụ bán hàng rồi mỉm cười.

Bà cụ bán hàng ở đây đã già lắm rồi nhưng vẫn không muốn bỏ nghề. Bà già nên chỉ bán mấy chai rượu, nước rồi vài bao thuốc cùng mấy thứ quà lặt vặt khác như kẹo lạc, bim bim… Con cái nói cụ nghỉ đi nhưng cụ nhất quyết không nghỉ. Hồi Thụy Anh còn hay lên đây cụ vẫn tâm sự rằng “Giờ mình nghỉ khách lỡ đường như cô thì biết đi đâu, mà tôi thì quen khách rồi, quen thức đêm với cái chợ hoa này và những người khách lang thang ở đây mất rồi. Nghỉ lại nhớ. Nghĩ cũng lạ thật. Nhớ cả đến những lúc các cô các cậu say khướt, rồi gây chuyện, rồi đánh nhau, rồi có người khóc, có người cười. Tôi thì chẳng biết ở ngoài đời kia các cô các cậu sống ra sao, nhưng nhìn những lúc như thế mà sao thấy thương quá. Trông ai cũng khắc khổ, dằn vặt thế nào ấy. Đến già như tôi mà cũng không thể nào hiểu được điều gì đang diễn ra, thế là chỉ im lặng ngồi nhìn. Những lần ấy cũng nhiều bực dọc, vậy mà nếu có nghỉ không bán hang một hôm là lại nhớ ra trò đấy. Tôi cũng quen mất rồi cô ạ, như cái số trời đã định bắt mình phải làm cái thân cò lặn lội đêm như thế này nên giờ mà có cho nghỉ, rồi bảo cái giờ này cụ hãy giành ra mà đi ngủ, hay xem ti vi, hay làm gì khác, chắc tôi cũng chẳng chịu nổi”.

Có vẻ như thấy Thụy Anh im lặng nên bà cụ lại tiếp lời:

– Mấy hôm nay quán vắng quá cô ạ. – Bà cụ nói rồi đôi mắt lại quay ra phía chợ hoa.

Chợ hoa cũng vắng, mới ra tết nên mọi thứ có vẻ như lắng hẳn. Người ta dồn hết tâm sức cho cái tết vừa rồi nên những gì bây giờ còn lại chỉ là một đống hoang tàn, và cạn kiệt.

Thụy Anh uống tiếp một cốc rượu rồi nói:

– Gần đến hè rồi mà trời vẫn lạnh quá bà nhỉ. Có lẽ vì vậy mà người ta vẫn ngại ra đường, nên cháu trông phố cũng vắng, quán nào cũng vằng, xác xơ thật. Ngay cả bản thân cháu cũng thấy sự vắng vẻ trong mình.

– Cô lại có chuyện gì sao?

– Không, lâu lắm rồi mới ra đây, tự nhiên cháu lại nhớ lại nhiều cảm giác. Mà bà này, chắc dạo này cái nhóm suốt ngày rock, rap cũng không qua đây nữa, đúng không?

– Mấy cậu hay ngồi uống rượu với cô ấy hả? Lần cuối cùng họ lên đây cũng phải trước tết, bây giờ thì hình như họ ra trường nên đi đâu đó làm ăn. Có người còn nói vào Sài Gòn hay Đà Nẵng gì đó, phải khoảng năm hơn năm mới về cô ạ. Nói thật là sau cái đợt ấy, quán tôi cũng buồn hắn. Còn lại chỉ là những người xe ôm, lái taxi hoặc những người buôn hoa ở đây ghé qua một lát là đi thôi. Đấy, cũng cùng lúc với cô đấy… bây giờ cái nhóm đấy có thấy ai qua đây nữa đâu.

– Chắc họ trưởng thành cả rồi.

Câu trả lời của Thụy Anh bị đứt gãy bởi một nhóm người trẻ tuổi từ trên dốc lao xuống, gọi vội vài cốc trà nóng vì lạnh quá. Nhìn những khuôn mặt cười tươi xấc xược của mấy đứa con trai, cùng với cái vẻ lả lới, nũng nịu của hai đứa con gái đi cùng, Thụy Anh thấy buồn nôn. Cô cũng không biết có phải vì mình bị dị ứng cái vẻ giả tạo vờ vĩnh của bọn này hay tại vì bây giờ mới là lúc mấy cốc rượu sĩ quan khi nãy ngấm vào người khiến cô chuếnh choáng, buồn nôn. Nhưng cô không kìm được nữa. Cô không biết phải loay hoay thế nào. Cô cảm giác khuôn mặt mình đang đỏ dần lên, nóng hừng hực rồi lại tái đi trong gió. Mấy đứa vừa đến quay ra nhìn cô ái ngại rồi lại thì thầm điều gì đó. Một thằng trong nhóm buông ra một câu nửa vời trong gió “Đêm nay lại có em thất tình, mượn rượu giải sầu đây”, rồi quay sang hôn chụt vào má cô gái ngồi sát bên cạnh hắn một cái rõ kêu. Thụy Anh khựng lại. Một cảm giác ghê tởm lại một lần nữa ùa về. Đâu đó có tiếng nói của những người bạn cũ từng ngồi uống rượu với cô. Bây giờ họ đã đi đâu rồi. Phải rồi, tất cả đã rời nơi này mà bước đi về nơi khác, lại không quen biết ai, hệt như cái cách lần đầu tiên họ gặp gỡ và quen nhau ở đây. Cô nhớ họ, và nhớ Phong. Phong cũng đã bỏ Hà Nội mà đi, vì muốn trốn tránh nỗi đau khổ ở nơi đây. Còn cô nữa, giờ đây chỉ còn lại cô trơ trọi ở mảnh đất này. Cô không thể níu tay được vào điều gì nữa. Ngay lúc này, cô cũng không thể làm gì khác ngoài việc ngồi bất động trong cái quán cóc lụp xụp ấy. Năm phút, mười phút sau cảm giác ấy cũng không thể nào mất đi. Cô đứng lên nói với bà cụ:

– U cho con gửi chiếc xe ở đây, lát con quay ra trả tiền.

– Cô cứ để đấy tôi trông cho.

Thụy Anh loạng choạng bước đi, cũng không kịp nghe thấy những tiếng nói từ phía sau nữa. Còn lại chỉ là những thứ âm thanh rời rạc hoặc một tiếng cười nào đó bị đứt quãng bởi tiếng gió lùa và nằm lại ở phía sau. Cô chạy nhanh qua những khoảng ánh sáng của khu chợ hoa để băng qua một con đường chạy thẳng vào làng, không điện. Con đường đất, tối om và sợ sệt, Dọc con đường chỉ là những cánh đồng đã cắt trụi những bông hoa để phục vụ cho tết và chưa kịp mọc ra một lứa khác, và tiếp đó là những cành tre gầy guộc, những ngôi mộ sắp xếp một cách thẳng hàng nhưng hiện lên một cách đáng sợ trong thứ ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn cũ kĩ canh phòng nghĩa trang. Thụy Anh dừng lại thở hổn hết, và bắt đầu đổ gục xuống nôn thốc, nôn tháo trên cái nền cỏ đầy sương đêm nõn nà ấy. Cô không thể chịu đựng được nữa. Và cô đổ gục xuống ngôi mộ sát ngay cạnh mình, giọt nước mắt đã tràn ra cùng với biết bao nhiêu giá buốt lạnh ngắt và sự hoang mang đến cực độ ở một nơi bóng tối đã ghi dấu biết bao nhiêu kỉ niệm. Đến lúc này cô mới biết rằng mình nhớ Phong đến bao nhiêu, mới nhận ra rằng Phong chính là người gần gụi với tâm hồn cô nhất từ trước đến nay. Không có anh, cô lại mất đi hoàn toàn khả năng chống trọi lại với quá khứ và những nỗi sợ hãi không tên từng đêm vẫn hiện về trong những cơn ác mộng chập chùng, đứt gãy, và mơ hồ. Phong là sự đối diện gần nhất mà cô có thể làm được trong tất cả mọi khoảnh khắc. Không phải ai khác mà chính là anh, nhưng rồi cũng chính cô là người đã đẩy anh vào những nỗi bơ vơ và tuyệt vọng tàn nhẫn khác. Và rồi bây giờ cô chỉ còn lại một mình, xung quanh những người đã chết, những người đã chấm dứt cuộc sống ở nơi này để bắt đầu một cuộc sống khác, có thể ở một nơi khác, hoặc cũng có thể ở ngay chính nơi này. Khi mà họ vẫn sống vật vờ như những oan hồn không bao giờ được siêu thoát, cũng như bóng đêm luôn luôn tồn tại mà không một thứ ánh sáng nào có thể làm chúng tan ra hay biến mất. Thụy Anh từ từ nhắm mắt lại, thả lỏng cơ thể và rồi chìm trong một giấc ngủ mơ hồn nào đó, cùng những hồn ma mà cô cảm nhận được rõ rằng, chúng đang luẩn quẩn ở ngay bên cạnh mình, đang cười nói một cách vui vể, và dùng những câu bông đùa đáng yêu nhất để chế nhạo cô.

Trời lúc ấy đã gần sáng, nhưng Thụy Anh chìm nghỉm vào trong giấc ngủ như thể bóng đêm còn tồn tại đến cả nghìn năm sau…

P.L.

(Còn tiếp)

Comments are closed.