Trương Thu Hiền
Tôi thường nghe các anh các chị từng học Trường cấp III Đồng Hới, Trường cấp III Lệ Thuỷ những năm giữa thập kỷ 60 thế kỷ XX nhắc về những người thầy của mình với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc qua câu: “Học văn thầy Cán, học toán thầy Trình / Học sinh trung bình cũng thành tiên tiến”. Đó là thầy Lương Duy Cán và thầy Đoàn Văn Trình – hai niềm tự hào của ngành giáo dục Quảng Bình những năm 60, 70 thế kỷ trước.
Lại từng nghe các văn nghệ sĩ nhắc mãi về nhà thơ Hà Nhật (Mai Liêm) và tác phẩm Hai bài thơ tình của người thuỷ thủ làm xao xuyến trái tim nhiều độc giả. Sau này, bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Vân chắp cánh thành ca khúc Tình ca người thuỷ thủ.
Thầy giáo Lương Duy Cán chính là nhà thơ Hà Nhật. Năm 2022, tôi mới được gặp ông tại Quảng Bình, trong một chuyến ông về thăm quê.
Thầy giáo Lương Duy Cán sinh năm 1937. Quê hương ông ở làng Lệ Sơn, xã Văn Hoá, huyện Tuyên Hoá – một miền quê nổi tiếng với nghề dạy học. Nhưng ông được sinh ra và lớn lên ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới. Bút danh Hà Nhật của ông được ghép từ tên thôn Hà Thôn và tên dòng sông Nhật Lệ. Thực ra, thầy Lương Duy Cán làm nhà thơ trước khi làm nhà giáo. Vì ngay từ năm 16 tuổi, khi vào Huế học tại trường Quốc Học ông đã bắt đầu viết những bài thơ đầu tiên trên trang vở học trò: “Mưa rơi trên ngọn dừa/ Mưa rơi vào cành lá/ Buông vào lòng khách lạ/ Một nỗi nhớ bâng quơ” (bài Mưa đêm Vỹ Dạ, năm 1953). Sau Hiệp định Genève, ông ra Hà Nội học tiếp cấp III.
Lạ lùng là Lương Duy Cán học giỏi toán nhưng lại làm thơ hay nên ông thi vào Khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đây là những năm tháng đẹp của chàng sinh viên văn khoa người Quảng Bình: “Sao lại yêu cả tên đường phố/ Thấy cuộc đời ai ai cũng vui/ Không biết vì sao vô cớ mỉm cười/ Nói chuyện với cả cầu thang gác/ Sáng Chủ nhật cùng em gặp mặt/ Chiều trở về / Thấy em khắp nơi” (bài Khắp nơi, năm 1958). Thời kỳ này, chàng trai Lương Duy Cán có cơ hội gần gũi với nhiều nhà thơ nổi tiếng như nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Bính, Trần Dần, Lê Đạt, Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi, Trinh Đường.
Tài năng, nhân cách và quan điểm sáng tác của họ có ít nhiều ảnh hưởng đến con đường thơ ca của ông. Năm 1959, tốt nghiệp đại học, thầy giáo trẻ Lương Duy Cán vào giảng dạy tại Trường cấp II Diễn Châu – Nghệ An. Sau ba năm thì ông được về công tác trên quê hương Quảng Bình, thời gian đầu dạy ở Trường cấp III Đồng Hới, sau thì chuyển vào Trường cấp III Lệ Thuỷ. Câu truyền tụng trong các thế hệ học trò “Học văn thầy Cán, học toán thầy Trình / Học sinh trung bình cũng thành tiên tiến” bắt đầu từ Đồng Hới sau lan vào Lệ Thuỷ. Hồi đó, thầy Cán, thầy Trình là những giáo viên trẻ trung và giàu nhiệt huyết. Bây giờ, các ông đều đã qua tuổi 80.
Gặp thầy giáo Lương Duy Cán – nhà thơ Hà Nhật, tôi hỏi về bài thơ đi cùng năm tháng của ông Hai bài thơ tình của người thuỷ thủ. Ông kể, khi chuyển từ Nghệ An vào Quảng Bình ông rất mừng vì được về quê nhưng cũng mang theo một nỗi buồn lớn. Hồi đó, thầy có yêu một cô giáo dạy ở xã Nghĩa Đàn nhưng gia đình cô ấy không cho phép. Về Quảng Bình, ông vẫn không thể nguôi ngoai nỗi buồn nhớ về người con gái ấy. Nhân dịp có thuyền ngư dân Bảo Ninh đi đánh cá ở Nghệ An, ông xin đi cùng để về thăm chốn cũ. Ba ngày, ba đêm chao đảo trên biển đã nhấn chìm ông vào những cơn say sóng vô tiền khoáng hậu, xuống không được, lên cũng chẳng xong. Nhưng sau đó thì ra đời bài thơ tuyệt vời Hai bài thơ tình của người thủy thủ. Ông đọc cho tôi nghe bài thơ bằng giọng trầm đục run run của người già nhưng mang tình nồng của người trẻ. Cứ ngỡ ông đang trở về với lứa tuổi 24 phơi phới thanh xuân: “Em hỏi tôi nước biển màu gì?/ Tôi người thủy thủ từng lênh đênh năm tháng/ Tôi sẽ nói cùng em/ Nước biển dịu dàng, bí mật và cuồng nộ/ Cũng như màu đôi mắt của em” (bài 1), “Nếu ở cuối trời có đảo trân châu/ Hay ở đảo xa có nụ hoa thần tìm ra hạnh phúc/ Hay có người gái đẹp/ Môi hồng như san hô/ Cũng không thể khiến anh xa được em yêu/ Nhưng hỡi em/ Nếu có người trai chưa từng qua bão tố/ Chưa từng qua thử thách gian lao/ Lẽ nào có thể xứng với tình em?” (bài 2). Thầy bảo: “Hồi đó, tôi không dám đứng tên vào bài thơ đâu. Khi gửi đăng báo tôi viết tác giả là Mai Liêm và lấy địa chỉ của một người bà con. Bài thơ được đăng báo, nhạc sĩ Hoàng Vân đọc được rồi phổ nhạc thành ca khúc Tình ca người thuỷ thủ. Chẳng ai biết Mai Liêm là ai. Vả lại có người cho rằng bài thơ và ca khúc có vấn đề về tư tưởng nên tôi cũng im hơi lặng tiếng. Rất may là cho đến hôm nay, sau những hơn 50 năm mà vẫn còn nhiều người nhớ bài thơ của tôi và hát ca khúc do nhạc sỹ Hoàng Vân phổ nhạc. Ông hát một đoạn: “Nhổ neo ra khơi, đêm nay khi trăng mọc, thuyền anh sẽ nhổ neo ra khơi…”.
Dấu ấn đậm nét nhất trong đời làm nhà giáo của thầy Lương Duy Cán được ghi vào những tháng năm ông dạy học ở Trường cấp III Lệ Thuỷ từ năm 1964. Trong những lớp học bán âm bán dương thời chiến tranh, những tiết học văn của thầy Cán luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Thầy trò đọc thơ, bình văn bằng tất cả niềm say mê của mình. Thông qua những tiết giảng bài, ông đã truyền ngọn lửa tình yêu văn chương cho một thế hệ học trò. Sau này, nhiều người trong số đó trở thành nhà thơ, nhà văn của đất nước: nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, nhà thơ Ngô Minh, nhà thơ Hải Kỳ, nhà thơ Đỗ Hoàng… Có phải vì thời kỳ ấy thầy Lương Duy Cán – nhà thơ Hà Nhật đã mang đến cho họ những tư tưởng mới mẻ trong thi ca với các tác phẩm phá cách, không vần, tự do hay không, mà lứa học trò ông giảng dạy đều là các tác giả thơ có cá tính sáng tác khác biệt và tư tưởng hiện đại.
Thầy Lương Duy Cán – nhà giáo mẫu mực. Nhà thơ Hà Nhật – người hào hoa và lãng tử. Ông thích xê dịch, thích gặp gỡ bạn bè. Những bài thơ của ông thường ra đời rất nhanh từ những mối tình bè bạn và yêu đương. Ở đâu đó, từ Bắc chí Nam, luôn có những người thuộc thơ Hà Nhật, không dài thì cũng đôi câu yêu thích. Có nhiều bài thơ của ông, bạn bè nhớ nhưng ông không nhớ. Vậy nên mới có câu chuyện “Người đi sưu tầm thơ mình” của nhà thơ Hà Nhật. Thơ Hà Nhật sống âm thầm, lặng lẽ nhưng đầy sức sống trong công chúng.
Năm 2022, nhà thơ Hà Nhật xuất bản tập thơ Gió Lào đi ra biển. Tập thơ in 55 bài sáng tác từ năm 1973 đến nay cùng 12 bài khác được nhiều người yêu thích đã in trong tập Đá sỏi trên đường xuất bản năm 2011. Điều dễ nhận thấy là dù năm dù tháng đưa ông đi qua bao dâu bể cuộc đời nhưng hơn 60 năm qua nhà thơ Hà Nhật vẫn vẹn nguyên tình yêu tha thiết của mình dành cho thơ, vẫn sáng tác bình thường như lâu nay vẫn thế. Không cần ồn ào. Không cần ca tụng. Nhưng lặng lẽ bền bỉ trong đắm say. Hai bài thơ của ông cách nhau hơn nửa thế kỷ vẫn một cá tính ấy – cá tính Hà Nhật. Bài thơ mùa hè viết khi ông 19 tuổi phơi phới thanh xuân: “Muộn rồi/ Bốn mắt nhìn nhau/ Sao không nói những ngày xưa cũ/ Mười tháng bên nhau sao không hỏi thử/ Sao không ngỏ lời nhau từ thưở ban đầu/ Cho đau lòng giữa lúc xa nhau”. Bài thơ Cảm ơn quê hương, cảm ơn em viết khi ông đã vào tuổi 80: “Buồn biết bao nhiêu/ Cay đắng biết bao nhiêu/ Nếu thức dậy một ban mai/ Đôi mắt nhìn vào anh/ Không phải là mắt em”. Nỗi buồn chia ly được viết ra ở hai thời điểm cách xa nhau, trong hai cảnh huống khác nhau nhưng giọng thơ, điệu thơ vẫn vậy, tha thiết và nhiều thổn thức.
Những bài thơ cũ không bao giờ cũ bởi ông đã mới mẻ ngay từ lần đầu tiên chạm vào thơ. Nhà thơ Hà Nhật chưa bao giờ nói về xu hướng hay phong cách trong sáng tác thơ, cách tân, đổi mới hay gì khác, ông chỉ bày tỏ tất cả qua tác phẩm của mình bằng tiếng của trái tim. Giản đơn vậy mà sâu sắc. Bình thường vậy mà giàu triết lý. Nhà thơ Hà Nhật tham gia cuộc chơi với thơ sớm rồi lãng du cùng thơ trọn cả cuộc đời. Ông nghiêm túc và chung tình với thơ. Đúng như lời nhà điêu khắc Phan Đình Tiến đã nói: “Đọc thơ Hà Nhật như được uống một dòng sữa nguyên chất chưa bị pha chế, bởi nghệ thuật đích thực luôn chảy tươi nguyên trong huyết quản của ông ấy”. Tôi nghĩ đó là điều rất hiếm hoi nhưng may là vẫn còn có ông.
Thầy giáo Lương Duy Cán, nhà thơ Hà Nhật – cốt cách nhà giáo, phong cách nhà thơ của ông tự nhiên rạng rỡ trong lòng bao thế hệ học trò và độc giả. Bởi với nghề dạy học hay với thơ, ông đều đến một lần và để lại trái tim./.