TUÂN

Song Thao

Mỗi khi Valentine tới, tôi thường lặng lẽ cười khi nhìn thấy những trái tim mang đủ sắc đỏ lung linh khắp nơi. Tình yêu lúc nào cũng có bộ mặt đỏ ké vậy sao? Cười thầm nhưng tôi lại muốn viết chút gì đó vào ngày lễ mà tất cả bàn dân thiên hạ đua nhau yêu. Năm nay cũng vậy, viết tí chút về chuyện tình cho vui, tôi nghĩ vậy và chọn vài chuyện tình để viết chơi. Chọn được một vài chuyện khá hấp dẫn, tôi định viết. Nhưng tình cờ tôi vào đọc trên internet một bài viết của nhà văn Tưởng Năng Tiến viết vào năm 2010 về một người mang tên Tuân Nguyễn, tôi bỗng thấy những chuyện tình tôi đã chọn chẳng ra sao cả. Chuyện tình của Tuân Nguyễn mới… ra sao!

Tuân Nguyễn thì tôi biết, khá quen thuộc, nhưng chỉ biết bề ngoài. Bề ngoài anh chàng này thì chán chết. Anh gầy yếu đến không thể gầy yếu hơn được, cặp kính cận dày cộm uể oải rớt xuống tới chóp mũi, quần áo xốc xếch hình như anh mặc cho có, dáng đi lanh chanh lúc nào cũng như vội vàng, giọng nói lắp bắp. Cái gầy của Tuân Nguyễn không phải loại gầy khơi khơi mà có tên đàng hoàng. Anh bị chứng giun móc ankylostome. Anh không phiền hà chi những con ký sinh trùng ăn bám vào anh. Anh thường khoe là bao giờ anh cũng cố gắng ăn nhiều để còn “chia phần” cho bọn ankylostome ấy, nếu không, chúng nó sẽ ăn vào thịt anh!

Nhà văn Cao Xuân Hạo tả Tuân Nguyễn như thế này: “Tuân Nguyễn sinh ra ở đời là để đóng cái vai trò này: khi có ai đó muốn kêu lên ‘Trời ơi, sao mà tôi khổ thế?’, thì nhìn vào Tuân Nguyễn, sẽ thấy mình chưa phải là người khổ”. Khổ đến như thế, anh không phải là mẫu người tình.

Anh đúng là người ở cõi khác, thân xác ở nơi ta bà này nhưng tâm hồn anh đậu tuốt trên những đám mây. Chúng ta có những tính từ: cả quỷnh, gàn bát sách, cả đẫn, ngố… Gán cho anh chữ nào cũng đúng hết. Mà anh cũng sẵn sàng nhận hết. Anh ôm tất cả những thiệt thòi của mọi người vào mình. Ngay cái tên của anh cũng đã là sự thiệt thòi rồi. Cái tên Tuân Nguyễn làm chúng ta tưởng đó là cái tên lộn đầu lộn đuôi của những người sống ở ngoại quốc như chúng ta. Trật lấc! Tên khai sanh của anh là Nguyễn Tuân, nhưng nếu giữ nguyên tên cúng cơm anh sợ mọi người hiểu lầm anh muốn đánh lận với cái tên của nhà văn Nguyễn Tuân nên anh chịu phần thiệt, lộn ngược cái tên như làm xiếc. Hồi anh sanh ra với cái tên Nguyễn Tuân là vào năm 1933, lúc đó Nguyễn Tuân chưa nổi danh. Nhưng anh vẫn nhận phần thiệt.

Nhưng bảo anh thông minh xuất chúng cũng không sai. Hồi nhỏ anh theo học trường dòng Pellerin ở Huế. Anh đã lấy được Tú Tài Toàn Phần ban Toán, thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, lại biết cả chữ Hán. Sau này, khi ở tù, anh còn học được cả tiếng Nga tới mức dịch được tiểu thuyết Nga. Năm 1949, mới 16 tuổi, anh bỏ học tham gia vào Đoàn Học Sinh Kháng Chiến Huế và tiện chân đi luôn vào chiến khu tham gia Vệ Quốc Đoàn. Tại đây anh là lính mới tò te của tiểu đội do nhà thơ Phùng Quán cầm đầu. Dĩ nhiên anh là tân binh trẻ tuổi nhất. Mơ mộng, thích nghe nhạc cổ điển Tây phương, khi nghe bài Danube Bleu của Strauss, Tuân Nguyễn đã viết bốn câu thơ:

Sóng sông Hồng bỗng xanh màu Danube

Nhạc bồng bềnh trôi tới các vì sao

Trời lung linh khẽ chao mình theo nhịp

Những người nước lạ phải lòng nhau.

Bốn câu thơ nhỏ bé này đã vang danh thời đó, các cô các cậu choai choai thường chép tặng nhau. Nghe thơ Tuân Nguyễn, nhà thơ Phùng Quán liền hỏi nhận xét của Tuân Nguyễn về thơ của mình. Anh chàng tân binh quạt luôn: “Thơ của cậu, hai mươi câu đầu để giữ gìn trật tự, hai mươi câu cuối chuẩn bị cho người nghe vỗ tay, còn đoạn giữa là vè!”. Phùng Quán kể lại trong bài “Người Bạn Lính Cùng Tiểu Đội”: “Tôi không ngờ thơ của mình bị ông bạn mới “mạt sát” đến thế. Tôi đau quá, nổi sùng, chỉ muốn đạp cho hắn một đạp. Nhưng tôi đã ghìm được, vì nhớ đến chức danh Tiểu đội trưởng của mình. Tiểu đội trưởng mà đạp đội viên vì thơ bị chê thì ê quá. Nhưng Tuân hình như không để ý gì đến thái độ giận dỗi của tôi. Cậu ta đọc cho tôi nghe những bài thơ cậu ta làm, đủ các thể loại: tứ tuyệt, ngũ ngôn, thất ngôn bát cú, lục bát, những bài thơ mỗi đoạn bốn câu ba vần… Mặc dầu tự ái một cây, tôi phải cay đắng nhận rằng bên cạnh những bài thơ ý tứ hàm súc đầy nhạc điệu của Tuân, thơ tôi đúng là những bài vè tràng giang đại hải, không chối vào đâu được. Từ đó đến nay đã hơn bốn mươi năm trôi qua, mỗi lần tôi đặt bút định viết một bài thơ, lời nhận xét vừa nghiêm khắc, vừa giễu cợt của Tuân lại vang vọng bên tai tôi, làm tôi chùn bút”.

Đừng mong chi Tuân Nguyễn có được những xử thế đời thường. Anh là người từ trên trời bước xuống trần gian, chưa nhả hết tính nhà trời. Sau 1975, vợ chồng anh dọn nhà vào Sài Gòn theo lời khuyên của bạn bè và học trò, anh bán căn phòng nhỏ bé ở Hà Nội. Căn phòng này anh mua trước đó với giá 600 đồng, thời giá khi anh bán, khoảng từ 800 đồng đến 1000 đồng. Vậy mà anh nhất định chỉ bán 600 đồng. Anh lý luận như thế này: “Mình mua của người ta sáu trăm, mình có quyền gì được bán lại một ngàn?”.

Con người sống ngu ngơ giữa đời như vậy có chăng những mối tình? Một người bạn, ông Hà Nhật, nghĩ rằng không. Trong bài “Tuân Nguyễn, Kẻ Mơ Mộng”, Hà Nhật viết: Hầu như cả đời, Tuân chưa được yêu một cô gái nào. Thỉnh thoảng Tuân cũng có kể chuyện cô này cô nọ, nhưng tôi biết tất cả đều do Tuân tưởng tượng ra. Có thể coi câu chuyện tình này như một chuyện tiêu biểu của anh. Hồi đó, qua bạn bè, anh quen gia đình một cô gái Hà Nội. Cô khá đẹp nhưng mắc bệnh tim, khuôn mặt lúc nào cũng phảng phất buồn. Chao ôi, đây đúng là vẻ đẹp lí tưởng của Tuân Nguyễn rồi! Une beauté pâle et maladive! Một nhan sắc xanh xao và đau ốm! Tuân yêu đến say mê, yêu và làm thơ, lấy cả tên cô gái để đảo lại thành bút danh kí dưới các bài thơ của mình. Trước mối tình ấy, cô gái vẫn từ chối cho đến trước khi qua đời. Sợ phiền lòng người đã khuất, tôi xin không nhắc tên người con gái ấy”.

Đó là mối tình một chiều, nhiều mộng mơ và hình như chỉ toàn mơ hão. Tình yêu kiểu Tuân Nguyễn như vậy không có chi đáng ngạc nhiên vì chẳng có người con gái nào muốn mình là một cái bóng yêu cho người khác vẽ vời. Đây là một mối tình khác do chính Tuân Nguyễn kể lại: “Hôm qua, mình đi tàu điện từ Hà Đông về, ngay chuyến tàu đầu tiên. Trong toa gần như không có ai ngoài mình ở cuối toa và một người khác ở đầu toa. Lúc tầu gần đến chỗ dừng, mình bỗng nhận ra rằng đó là một cô gái đẹp vô cùng. Cái dáng ngồi, cái khuôn mặt của cô gái trong ánh sáng mờ mờ trước buổi bình minh, đẹp một cách kì lạ. Cô gái xuống tàu. Đến lúc mình chợt nghĩ ra là phải xuống tàu để đi theo cô ta, thì cô gái đã đi mất hút, tàu lại đang chạy nhanh…”. Chỉ có vậy mà trong suốt một tuần liền sau đó, Tuân Nguyễn lại cứ đúng chuyến tàu đó mà đi, mong gặp lại được người đẹp. Tình yêu vô vọng như vậy đúng là thứ tình của một người mộng mơ thiếu thực tế.

Tác giả Hà Nhật còn kể thêm một mối tình nữa của anh chàng gàn bát sách này. “Thêm một chuyện nữa cũng đầy chất Tuân Nguyễn. Trong khoảng thời gian còn lại trước khi tôi vào xứ Nghệ, đến bây giờ tôi không còn nhớ là trong trường hợp nào, Tuân và tôi quen một cô gái Hà Nội. Cô không đẹp nhưng có duyên, dáng người khá thanh thoát, nói năng nhỏ nhẹ. Sáng nào cô cũng đến thăm chúng tôi ở 10 Hàng Gà, chuyện trò một lúc rồi ra về, cả đến và về đều đi bộ.. Chúng tôi chỉ thấy cảm động khi nhìn những bước chân khoan thai của cô gái trên hè phố và cái bóng nhỏ của cô khuất dần mỗi khi cô từ nhà chúng tôi ra về. Có một cái gì đó thật đáng yêu. Có lần chúng tôi định đi theo cô đến thăm nhà cô thì cô khéo léo từ chối. Cô cũng khéo léo không cho biết nhà ở đâu, chỉ nói là ở mạn phố Nguyễn Thái Học. Mà phố Nguyễn Thái Học thì dài dằng dặc. Thế mà có một buổi sáng cả hai thằng lững thững đi dọc con phố đến hai lần, thử đoán xem cái nhà nào có thể là nhà của cô. Sau khi tôi rời Hà Nội, cô gái vẫn chăm chỉ đến thăm Tuân. Và tôi, trong mỗi bức thư gửi từ xứ Nghệ cho Tuân, đều có một câu tái bút nhờ chuyển cho cô. Tôi vẫn mong có một chuyện tình, tuy không lãng mạn li kỳ nhưng đẹp giản dị như một chuyện tình Thạch Lam giữa Tuân và cô gái Hà Nội ấy. Cuối cùng thì mọi chuyện chẳng ra sao cả. Nguyên nhân thì thật cũng chẳng ra làm sao cả. Đại khái là có một lần, vì không thể từ chối, cô gái đành cho Tuân biết nhà. Và Tuân tìm đến. Đến rồi thì Tuân mới vỡ lẽ ra là cô gái không muốn chúng tôi biết nhà chỉ vì mặc cảm là nhà cô ấy nghèo. Điều ấy khiến anh chàng Tuân cảm thấy bị xúc phạm. Trong một bức thư khá dài cho tôi, Tuân viết rằng: ‘Việc gì mà cô ấy phải làm như vậy? Mình đến nhà cô ấy, thấy bên hàng rào có giàn mướp, có cây đu đủ, xinh xắn và thơ mộng. Mẹ cô ấy là một bà cụ hiền từ, gợi mình nhớ đến mẹ mình. Lẽ ra cô ấy phải tự hào…’ Tuân còn viết nhiều nữa, khá là gay gắt”.

Tuân Nguyễn say mê văn của văn hào Nga Fyodor Dostoyevsky. Ông đã đọc hầu như toàn bộ văn nghiệp bề bộn của “Đốt”. Ông say mê “Đốt” đến độ có thể nói về “Đốt” không ngừng nghỉ. Bạn bè ai cũng biết sự tôn sùng Đốt” của ông. Họ đặt cho ông biệt danh là “Cụ Đốt”. Giữa những mỹ nữ và Đốt, có lẽ Tuân Nguyễn chọn Đốt. Phùng Quán kể lại: Một lần tôi đến chơi, đúng vào chiều ngày mồng ba… Bước vào buồng, tôi thấy Tuân đang tiếp ba cô gái, nữ sinh hay sinh viên gì đó. Cửa buồng mở rộng cả hai cánh, và ngọn đèn trên trần bật sáng chói. Tôi đứng khựng lại một chút ở ngưỡng cửa, liếc nhìn ba cô. Cô nào cũng đẹp ngời ngời. Tôi định chào xin lỗi bước ra, nhưng hai chân cứ như bị trói, không bước ra nổi. Tôi chưa bao giờ được nói chuyện với một, chứ đừng nói đến ba cô gái đẹp đến thế. Một ý nghĩ ganh tỵ chợt ập đến trong đầu: “Hắn với mình cùng lứa mà mình sao kém thế, còn hắn sao mà ngon thế!”.
Tuân Nguyễn thì hình như chẳng chú ý gì đến sắc đẹp ba cô gái. Cậu ta mời ba cô ăn bánh, chuối, kẹo, và… rao giảng Đốt. Bao giờ “bập” vào Đốt – mà bập thường xuyên – gương mặt Tuân cũng sáng lên một cách khác thường. Đó là gương mặt của những nhà truyền giáo lớn – tôi nghĩ. Cậu ta rao giảng Đốt như các nhà truyền giáo rao giảng Thánh Kinh. Có một khác biệt là Tuân rao giảng Đốt, không cần quan tâm người nghe có nghe và có hiểu hay không. Tôi thường nói đùa: “Tuân Nguyễn đang nhập đồng Đốt”… Để khỏi quấy rầy “cụ Đốt”, tôi ngồi nép mình ở góc buồng, chốc chốc lại ngước mắt nhìn những cái miệng xinh đẹp như bông hồng hàm tiếu, những hàng răng trắng như ngọc trai nhỏ nhẻ cắn bánh, nhai kẹo… những cặp mắt long lanh như mắt trẻ nít chăm chú nhìn “cụ Đốt” nhập đồng…Tôi thì hầu như chẳng nghe thấy gì. Đốt điếc với tôi lúc này trở thành vô nghĩa. Tôi chỉ thèm rộn rực được hôn lên một trong ba cái miệng hé hé mở có mùi thơm trái chín cây kia, chỉ một lần thôi, rồi nằm lăn ra chết thẳng cẳng cũng đáng đời! “Các cô ăn chuối, ăn bánh đi…”. Tuân đưa tay lịch sự mời, cốt để lấy hơi rao giảng tiếp. Cô ngồi cạnh liền đặt miếng bánh xuống,góp: “Theo mình thì tác phẩm “Chiếc khuy Đồng” còn hay hơn. Đọc mà tim cứ giật thon thót!” Mặt Tuân Nguyễn tự nhiên nghệch ra. Miệng hơi hé mở mà không nói được, như bị cấm khẩu. Cậu ta đỏ bừng mặt, nhìn ba cô như những sinh vật kỳ dị lạc vào buồng mình. Tôi thì sướng tỉnh cả người, nhảy vào chuyện luôn:“Các cô đã đọc “Chiến Dịch Phượng Hoàng” chưa? Sách vừa xuất bản, mới toanh. “Nam Tước Phôn Gôn Rinh” và “Chiếc Khuy Đồng” còn phải gọi bằng cụ!”.

Vậy là tan hàng cụ Đốt của Tuân Nguyễn. “Tuân Nguyễn tiễn các cô về với vẻ lạnh nhạt cố ý. Còn tôi thì xăng xái theo các cô xuống hết các bậc cầu thang, tranh thủ ngắm các cô đàng sau. Eo, lưng, mông – lưng mềm như ngọn lửa – mông tròn như trứng chim – và những cặp đùi, nói theo kiểu trường ca Tây Nguyên – nếu gió thổi tung váy sẽ sáng chói như tia chớp!… Lúc tôi trở lên, Tuân Nguyễn quạu cọ nói: ‘Những chuyện bá láp như thế mà cậu cũng rỗi hơi bàn luận!”. Tôi cười tràn:’Cậu vẫn rao giảng cho mình điều rao giảng của Đốt: ‘Cái đẹp sẽ cứu chuộc nhân loại!’. Theo mình thì chỉ với ba cô này thôi cũng đủ cứu chuộc cho cả nhân loại rồi!”.

Rồi, vào cuối năm 1974, Tuân Nguyễn cưới vợ. Đây mới đúng là chuyện tình của chàng. Lúc đó Tuân Nguyễn đi tù gần chục năm vừa về, xác xơ, không có chi, tương lai như một khoảng tối mù tối mịt. Anh được tha từ trại tù Cẩm Thủy. Tại sao con người ngơ ngơ đó lại sa chân vào chốn tù tội trong khi đang là một cán bộ tại đài phát thanh? Phùng Quán cho biết: “Trong đợt học tập Nghị quyết 9, cậu ta xin bảo lưu ý kiến, bị cơ quan đưa ra kiểm điểm vì những luận điệu ủng hộ chủ nghĩa xét lại Liên Xô, cậu ta làm thơ ca ngợi Nikita Khrushchev. Vào thời gian ấy, những chuyện như thế là chuyện chết người cả”. Muốn bắt, họ cần chút chứng cớ. Cuốn nhật ký của Tuân Nguyễn để tại ngăn kéo có khóa rất kỹ trong cơ quan đã bị một người trong cơ quan ăn cắp và mang trình làm chứng cớ. Trong nhật ký, Tuân Nguyễn ghi lại bằng cả tiếng Pháp và tiếng Việt những chuyện riêng tư và những nhận định về thời cuộc của đất nước. Và dĩ nhiên là có những bài thơ anh làm. Nhưng họ chẳng buộc được cho anh tội chi. Điều nực cười chắc chỉ xảy ra trong chế độ Cộng sản là sau này, khi khai lại lý lịch để vào Sài Gòn dạy học, tổ chức bảo anh khai thời gian 9 năm 7 tháng đi tù là thời gian “nghỉ chữa bệnh”!

Khoác ba lô từ nhà tù về, loanh quanh tới mấy tháng trời, anh không biết đi đâu, về đâu, làm gì. Buồn chán, anh lại khoác ba lô trở về trại giam Cẩm Thủy xin được ở tù tiếp. Mọi người trong trại khuyên anh nên trở về xã hội để đi tiếp đoạn đường bảo vệ cái đẹp của cuộc đời, anh nghe theo. Anh túng thế phải đi đổ thùng tại ga Hàng Cỏ để lất lây sống. Vậy mà anh được người thuận theo về làm vợ!

Nàng là Nguyễn Phương Thúy, con của Hoài Chân, đồng tác giả cuốn “Thi Nhân Việt Nam” cùng với Hoài Thanh. Chị Thúy làm thơ, dạy đàn tam thập lục ở Nhạc Viện Hà Nội. Chuyện lạ là chị đã có chồng được mười năm. Chồng chị là một Tiến Sĩ Vật Lý lừng danh. Bỏ ông chồng khoa bảng danh giá để lấy một anh chàng nghèo vừa từ nhà tù ra sau gần 10 năm bị giam cầm. Dĩ nhiên gia đình Phương Thúy phản đối cuộc hôn nhân không tương lai này. Nhưng chị vẫn về với anh trong cảnh cùng quẫn. Lúc đầu hai người phải ở nhờ nhà bạn bè, sau mua được một căn phòng chỉ có 6 thước vuông ở gần Ga Hàng Cỏ. Bạn bè xúm vào tặng đồ dùng trong nhà. Vậy là họ tổ chức đám cưới ngay tại căn phòng nhỏ tí tẹo này.

Thiệp mời là một bài thơ của Tuân Nguyễn được chính anh chép tay gửi tới từng bạn bè. Bài thơ mang tên “Thơ Mời Bạn Bè Ngày Cưới”.

Quá nghèo nên tạm thế này thôi

Đâu dám làm cho khác mọi người

Thiếu rượu, vì tin tình nghĩa bạn

Không hoa, mong hiểu vợ chồng tôi

Bao năm ngoảnh lại hoàn tay trắng

Một sáng nhìn lên miệng hé cười

Thiếp báo là thơ – giờ gửi tới

Xin mời có dịp đến nhà chơi.

Sau 1975, hai vợ chồng vào Sài Gòn. Sau những ngày lận đận nơi thành phố mới, anh được nhận vào dạy tại trường Cấp 3 Thanh Đa, ngay trong cư xá Thanh Đa cũ. Tại đây, tôi gặp Tuân Nguyễn. Việc xin được vào dạy tại trường cũng là điều khá vất vả với anh. Một cô làm công việc tổ chức, thấy tên của anh, đã phán: “Cho cái tên phản động ấy dạy Văn sao được!”. Người nói câu đó là một học sinh cũ của anh tại trường dành cho con em miền Nam tập kết ra Bắc mà anh ở trong ban giảng huấn! Tôi không hiểu diễn tiến sự việc ra sao mà anh vẫn dạy môn Văn tại trường. Anh được học trò rất yêu mến. Vợ anh biết vậy, rất mừng. Chị nói: “Thấy anh Tuân được các cô học trò yêu, em rất vui. Em biết em xấu. Anh Tuân phải được yêu người đẹp!”.

Tôi dạy Anh Văn, anh dạy Văn, không cùng chung “tổ” nên chúng tôi chỉ gặp nhau giữa giờ dạy tại phòng giáo viên. Tuân Nguyễn rất hòa đồng với mọi người trừ một vài cán bộ trong trường. Trường có một bà Hiệu Trưởng, một bà Hiệu Phó, một bà tổ trưởng tổ Văn là dân tập kết trở về. Bà Hiệu trường rất… cơ bản, cứ như một bà nhà quê ra tỉnh. Bà Hiệu Phó và bà Tổ Trưởng rất thoải mái chạy theo cái đẹp của miền Nam. Hai người luôn xúm xít hỏi han các cô giáo mua vải ở đâu, may áo ở đâu, và rất chịu khó ăn diện theo. Ngoài ra còn có một Hiệu Phó là một anh nằm vùng rất khó khăn và nguyên tắc. Khi đó, tôi hoàn toàn không biết quá khứ của Tuân Nguyễn. Nếu biết, chắc các cuộc chuyện trò của chúng tôi đã khác đi. Chúng tôi chỉ nói chuyện chung chung vô thưởng vô phạt. Dù sao anh cũng là người ngoài Bắc vào và tôi vừa đi tù cải tạo về. Anh là nhà giáo chuyên nghiệp có bằng sư phạm đàng hoàng, tôi là giáo… gian đi dạy học chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc khi phường khóm làm khó dễ bắt đi kinh tế mới.

Bỗng một ngày kia, không biết anh nghe ai nói, biết tôi có giấy bảo lãnh đi Canada, anh kéo tôi ra một chỗ vắng, hỏi tôi: “Anh sắp đi Canada phải không?”. Tôi không chối. Anh nói nhỏ với tôi: “Bữa nào anh lại nhà tôi, tôi sẽ kể anh nghe chuyện thâm cung bí sử ngoài Bắc, sang bên đó anh viết cho mọi người biết”. Tôi phân vân không biết anh có biết trước đây tôi có làm báo hay không mà anh nói với tôi như vậy. Nghe anh nói, tôi tìm cách hoãn binh. Thực ra tôi rét! Chuyện đi Canada với tôi là chuyện sống chết. Lúc đó không ai tin ai được. Nhất là anh từ Bắc vào. Tôi cho qua chuyện luôn. Sau đó tôi xin nghỉ dạy khi đã có sổ thông hành.

Ngày 25 tháng 4 năm 1983, anh gặp nạn khi đạp xe đi lấy báo về cho vợ bán. Anh cao lêu nghêu nhưng chiếc xe đạp của anh là xe mini! Một chiếc xe vận tải to đùng đang lùi đã tông phải anh lúc đó vừa đạp xe tới phía sau xe. Anh thấy trán mình bị va vào một vật gì, chiếc kính cận văng ra xa. Người lái xe vội xuống xe hỏi: “Ông có sao không?”. Anh trả lời: “Không sao, chỉ thấy đầu hơi váng vất”. Người tài xế hỏi tiếp: “Tôi bóp còi liên tục mà sao ông không nghe thấy?”. Tuân ấp úng: “Xin lỗi anh, tại tôi đãng trí… Tất cả là lỗi tại tôi”. Anh tài xế ngạc nhiên khi nạn nhân của mình lại nhận lỗi như vậy. Anh hỏi tiếp: “Ông công tác gì?”. Tuân lau cặp kính: “Tôi chẳng công tác gì cả. Tôi làm…thơ! May quá, cặp kính văng xa thế mà không vỡ”. Người tài xế đề nghị đưa về nhưng Tuân không chịu. Anh đạp xe về nhà, kể chuyện tai nạn với vợ. Khi ngồi xuống mâm cơm, anh bỗng thấy buồn nôn. Bỏ bữa, anh lên giường nằm, cơn sốt bắt đầu. Cả đêm anh mê sảng. Sáng hôm sau, Phương Thúy đưa anh vào cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy. Anh bị xuất huyết não. Suốt một tuần sau đó, anh lúc mê lúc tỉnh. Người tài xế xin các bác sĩ mổ cho anh, phí tổn ông chịu hết, nhưng đã quá muộn. Trước khi chết, anh chỉ trăn trối lại có một câu: “Đừng bắt tội người lái xe. Cái kết cục buồn thảm này là lỗi tại tôi. Tôi là người có lỗi!”.

Phùng Quán viết sau đó: “Nghe Phương Thúy và bạn hữu kể lại phút cuối cùng của Tuân, tôi bàng hoàng chợt nhớ lại hôm Tuân về chơi với tôi ở Nghi Tàm. Hôm đó Tuân ở lại với tôi suốt ngày. Tuân nói: ‘Mình định viết một bài thơ dài, nhan đề “Tôi Có Lỗi”. Tuân nói rõ thêm: ‘Chữ “Tôi” ở đây phải viết hoa. Vì “Tôi” ở đây là nghệ sĩ và trí thức chân chính của đất nước. “Tôi” có trách nhiệm với tất cả những lỗi lầm, những oan uổng, đớn đau, những xấu xa, hèn mạt đáng lăng nhục và xúc phạm con người. Trong mọi chuyện, chính “Tôi” là người có lỗi. Vì “Tôi” chưa đem hết sức mình thực hiện sứ mệnh cao cả mà Thượng Đế đã đặc trao cho người nghệ sĩ”.

Cho tới bây giờ tôi vẫn ân hận vì ngày đó đã không nhìn thấy tầm vóc lớn lao của Tuân Nguyễn trong cái dáng gầy guộc như gánh hết cái gầy của con người trên thế gian này. Tưởng anh chẳng bao giờ là một tình nhân, nhưng thực ra anh có một mối tình lớn: tình người!

02/2015

Nguồn: Website: www.songthao.com

clip_image001

Nhà thơ Tuân Nguyễn (1933-1983)

clip_image003

clip_image004

clip_image005

Nhà thơ Phùng Quán

Comments are closed.