Truyện Nguyễn Đức Tùng
Năm đó anh ngoài hai mươi tuổi. Buổi chiều tháng giêng chạy xe Honda từ Xuân Lộc về Sài Gòn sau khi đi thăm một người em ở đó, gặp mưa mau sấm chớp, mưa trái mùa, xuất hiện khi đã vào mùa khô là do bão xa đâu đó, mỗi cơn bão gây mưa kéo dài hai ba ngày. Đoạn đường miền Đông có nhiều khúc thật đẹp, bạn nhớ không?
– Nhưng anh nói khúc nào mới được chứ?
– Vừa ra khỏi Xuân Lộc dọc theo đường quốc lộ Một, mình gặp rừng đất đỏ bạt ngàn cao su trước khi đổ vào Hố Nai, dọc đường hàng quán núp trong rừng cây mà những cái quán ấy thật thú vị, bán nước trà nước dừa cà phê, hồi ấy buôn cà phê bị bắt nhưng dân bán lẻ đủ sức cung cấp nhu cầu, ai đó sáng kiến chế cà phê vợt, uống cũng được, trộn với bắp rang, cả nước đói khổ có thứ nước màu nâu sẫm bốc mùi thơm đã may lắm, đòi gì nữa? Anh chạy xe một hồi tóc bay mù bụi đỏ thì trời đổ mưa, mưa đột ngột đến nỗi không chạy kịp sẽ ướt từ đầu đến chân. Chớp loằng ngoằng. Anh tấp vội vào lề đường rú ga vọt qua khoảng sân cao, tối, bùn nhão, gần như phóng thẳng vào thềm nhà người ta.
Nhà vắng, không ra quán xá không ra nhà ở, trước hiên rêu lấm tấm nhưng bên trong coi sạch sẽ, một ngọn đèn dầu le lói trên bàn sáng âm u như đom đóm. Tiếng con tắc kè kêu ngoài cửa.
Anh đứng thế một lúc nhìn quanh, hồi hộp tò mò lên tiếng hai lần không có ai trả lời. Lạ, anh tự nhủ, cẩn thận đi ra phía sau nhác thấy ảng nước, cái chạn thức ăn, cái bàn nhỏ, những đồ đạc lặt vặt. Một người từ sau cánh cửa nhẹ nhàng đi đến trước mặt, một cô gái cao khuôn mặt sáng lên trong tối, rõ ràng cô ta nhìn thấy anh từ lâu nhưng kín đáo quan sát. Anh lên tiếng trước, ngỏ lời muốn trú mưa. Nhìn bộ điệu, tóc ướt, chiếc xe, cô gái tỏ ra tin ngay, chỉ hỏi bâng quơ vài chuyện. Cô mời anh ngồi xuống bên chiếc bàn nhỏ, đi lại phía cái bếp đã tắt lửa nhưng than còn đỏ trong tro tàn, cô lấy cái que sắt cời ra một lúc thì lửa lại đỏ rực.
– Tụi em vừa ăn tối xong một lúc. Cô gái nói, có lẽ vì không khí quá im lặng.
– Tôi chưa ăn gì, đợi lát về Sài Gòn, anh cũng vui miệng đáp.
Tụi em? Vậy là nhiều người. Cô gái bảo anh đây là cơ quan của tổng công ty cao su, cô giải thích nhiều chi tiết nhưng sau này anh chỉ nhớ là bộ phận kỹ thuật gì đó của công ty cao su, họ hay di chuyển, thỉnh thoảng mới đến đây, hình như cô là một kỹ thuật viên hay kế toán viên. Những người khác đi đâu cả? Họ ăn xong đều đi chơi đâu đó để mình cô ở lại gọi là trực cơ quan.
Mưa mỗi lúc một to, anh nhìn trước nhìn sau chẳng có gì khác, thấy ngại liền ra nhà trước chơi với chiếc xe, chiếc xe ướt đầy bùn đất đỏ, anh mượn cô gái cái giẻ lau, cô đưa cái khăn cũ nhưng lành lặn, thấy anh ngần ngại cô bảo cứ lau em sẽ giặt. Khi cô quay đi, anh thấy đó là một thiếu nữ mặn mòi, tóc cô quấn lên thành búi có cây bút chì xuyên qua, lông mày dài, mặt lấm tấm mụn tàn nhang, lưng đầy đặn. Anh cắm cúi lau chiếc xe của mình, nhìn ngắm nó một cách âu yếm.
Không phải dân chơi xe, anh chỉ thương xe cộ từ xe đạp hồi nhỏ đến xe gắn máy rồi xe hơi sau này, coi chúng không chỉ là phương tiện đi lại mà như người bạn đường trường. Càng lau, chiếc xe Honda đen 67 càng bóng lộn lên, ra vẻ mỹ miều duyên dáng. Anh thích hình dạng chiếc xe này lắm, cứng cáp mà vẫn thanh nhã, máy chạy bền, do gài số chân nên vượt dốc mạnh không bị trượt bánh trên đường lầy.
Đang đứng ngẩn ngơ thì cô gái tới gần ra dấu mời anh xuống nhà dưới. Thì ra cô đã dọn sẵn trên bàn nhỏ một bữa ăn tối giản dị, một nồi cơm nguội hâm lại trên bếp lửa, dĩa cá kho, bát canh mướp lơ thơ. Đang đói bụng, anh chẳng khách sáo gì, ngồi ngay vào bàn sau khi cảm ơn qua loa. Anh ăn một mạch, thấy ngon đáo để, chẳng biết vì thức ăn ngon hay vì đói bụng. Ăn xong, vì thức ăn chỉ có bấy nhiêu chứ thực ra anh có thể ăn nhiều hơn nữa, anh mới bắt đầu ngạc nhiên, càng suy nghĩ càng ngạc nhiên. Ở đâu ra một bữa ăn thế này? Mà cô ta chẳng hỏi ý mình gì cả, biết đâu mình từ chối. Từ chối? Có họa thằng điên. Phụ nữ hay do dự có những lúc ngập ngừng e thẹn, nhưng một khi đã quả quyết vì một nguyên nhân gì đó thì họ quả quyết hơn nam giới. Bạn có nghĩ thế?
Trời bắt đầu tạnh mưa, hai người trò chuyện thêm một lúc. Anh mang chén bát ra bến rửa nhưng cô gái giành lấy, để em rửa cho, về nhà kẻo tối, anh để ý cô tự xưng là em nhưng tránh gọi anh. Rồi cô quay đi. Thì vừa lúc ấy anh nghe thấy chúng.
Tiếng líu lo khiến cho hồn người ta lâng lâng, chúng bay ra từ mái hiên núp mưa, bay dáo dác đảo mắt nghiêng ngó một hồi. Mới đầu một vài con rồi chặp sau cả đàn én bay ra, đuôi chẻ đôi hình mũi tên chao tới chao lui như giục giã như mời mọc. Ôi chao, những con chim én đã về trên những nhành cây đâm chồi nẩy lộc, dưới những mái ngói rêu cũ, xập xòe liệng qua liệng lại khiến cho người nào có chút tâm sự đều đâm ra bồi hồi. Ai người một cảnh hai quê mà không tưởng chúng bay về từ Nhạn môn quan?
Chim én trống bay về trước làm tổ dưới mái hiên vắng vẻ, làm tổ xong mới líu lo hót mời bạn tình. Con mái chọn bạn bằng cách nhìn đường bay lượn của con trống và nhìn lông đuôi của chúng, lông đuôi càng dài thì càng được yêu thích. Nghe nói én có mười hai lông đuôi tất cả, chỉ có mười hai cái lông vũ mà tạo ra biết bao kiểu lượn bay huyền ảo.
Trời sắp tối, mưa tạnh nhưng mây đen dày đặc có lẽ sẽ mưa trở lại. Dạo này xe cam nhông đường trường chạy nhiều, xe chở gỗ lậu từ Định Quán về, chở trà từ Bảo Lộc, chở vải từ miền trung qua Lao Bảo, chúng chạy ẩu, có xe hất trúng người vẫn chạy thẳng nên anh phải ra đường sớm. Cuộc trò chuyện không ngắn ngủi lắm nhưng cũng không lâu, trên đường về anh ngẫm nghĩ thấy cái nhà không ra cơ quan không ra nhà dân, là lạ. Đội công tác kỹ thuật của công ty cao su chỉ để lại một người, bữa ăn tối đạm bạc nhưng gọn gàng. Cô bé có cái mũi thanh tú nụ cười hồn nhiên nhưng mắt nhìn ý tứ, cởi mở mà nghiêm. Chắc chắn trong câu chuyện anh đã kịp hỏi tên cô, và trên đường về hôm ấy chạy giữa hai hàng cây cao su anh đã nghĩ đến cái tên ấy vài lần.
Thế sao anh lại quên?
Tệ thật. Không phải khi nào người ta cũng nghĩ tới một người khác. Anh quá bận việc và thuở ấy mới vào đời có bao nhiêu là dịp làm quen, mà mình thì cứ tưởng trên đời có bao nhiêu là người đang chờ mình ở sau khúc đường kia, rồi bạn thấy nó kéo dài mãi mà thực ra chẳng có khúc đường nào cả, hay có khi sau một khúc quanh anh chỉ gặp mỗi cái cột đèn khô không khốc. Rồi anh không nhớ gì về nó nữa, cái khúc đường kia.
Nhiều tháng sau có dịp đi qua Xuân Lộc anh để ý coi, lượt đi không nhận ra đâu cả, khi về thì thấy được nó từ xa. Té ra đó là một cái nhà gạch khá lớn, có lẽ người chủ đã đi đâu vắng, ra nước ngoài chẳng hạn, con cháu không còn ai, thấy hoang phế tiêu điều. Lần ấy chàng đi luôn vì trời sắp tối mặc dù không mưa. Một lần nọ có dịp thong thả hơn, anh lái xe vào hẳn trong đó, nhưng gặp những người khác cả nam lẫn nữ, làm một thứ công việc gì khác mặc dù cùng công ty cao su, mặt mày lạnh nhạt vẻ nghi ngờ, hỏi cũng có người biết cô gái nhưng không biết rõ lắm. Có một người nhớ rõ hơn, nói rằng cô ấy đã chuyển đơn vị, làm việc đâu đó gần Sài Gòn. Vào lúc ấy có lẽ anh vẫn nhớ tên cô, mới hỏi cặn kẽ vậy.
Anh thấy tiêng tiếc. Bỏ lỡ cơ hội. Rồi thôi.
Có lần anh thoáng thấy trong chợ An Đông một cô gái đứng sau lưng người đàn bà bán vải mập mạp có lẽ mẹ cô ta. Cô gái gầy và cao, tóc vấn lên sau gáy, từ xa anh chắc chắn đó là người mình đã gặp, hấp tấp chạy lại. Hóa ra không phải, cô này bụng bầu đã năm sáu tháng, người cũng cao nhưng mũi hơi to, da trắng nhưng gò má không lấm tấm tàn nhang. Đặc biệt là giọng nói, giọng nói như thế thì chỉ một người mới nói được, không thể bắt chước, anh quên rằng chẳng có giọng nói của ai mà người khác bắt chước được. Tóc cô này cũng vấn cao nhưng không có cây bút chì gài ngang ngẫu hứng như thế. Lại cây bút chì, nó làm phiền anh khá là lâu.
Một năm sau, lần đầu tiên anh nhận ra rằng mình nghĩ về cô gái, không phải như người nhân viên cao su ấy, mà nghĩ về cô ta như là Nàng. Nàng như Thu trong Đôi bạn của Nhất Linh. Anh mỉm cười với ý nghĩ ngồ ngộ của mình.
Rồi vài năm sau nữa, lúc anh làm thông dịch viên trong trại tị nạn, công việc của anh còn là giúp việc chuẩn bị hồ sơ của Cao uỷ Liên Hiệp Quốc cho các phái đoàn xem xét. Một số phái đoàn phỏng vấn thuyền nhân trực tiếp, một số chịu làm việc chung với cao ủy. Công việc của nhóm lúc bấy giờ là thuyết phục các nước nhận người.
Đất nước xa mù khơi nhưng người vượt biển vẫn tới tấp vào trại. Thế mà trong một lần phỏng vấn anh gặp lại đúng người đàn bà ấy. Lạ thật. Anh nhận ra cô ngay, trước khi cúi xuống đọc kỹ cái tên trên giấy. Lần này thì anh biết cả họ và tên cô và chữ lót. Cô không còn là thiếu nữ. Vì trên tay cô đã bồng một đứa con trai nhỏ lên hai hay ba tuổi, một đứa bé kháu khỉnh miệng mỉm cười với bất cứ ai nhìn nó. Thì ra cô đã lập gia đình, có con, hôn nhân tan vỡ, và bồng con lên đường vượt biển, để trôi xuôi cuộc đời trong dòng người ào ạt tìm đường ra đi hồi đó.
Anh đột nhiên nhớ lại cảm giác nửa hưng phấn nửa cay đắng mà hồi trước không nhận ra, tình cảm ấm áp đối với một thiếu nữ tử tế đã cho mình ăn một bữa tối trong góc nhà kín đáo, khi mưa đổ như thác sau hè, cái chu đáo và tinh tế của nàng, cảm giác nghi ngại hồi đó của anh đối với những cơ quan có vẻ bí ẩn, có lẽ vì thế mà anh không có hứng quay trở lại chốn cũ nữa. Không đi đến cùng cuộc tìm kiếm, anh nghĩ.
Ngồi trong phòng chờ phỏng vấn, người phụ nữ tỏ ra bồn chồn sợ sệt, cũng như tất cả những người mới đến khác. Anh đọc qua tiểu sử tự khai của nàng, người phụ nữ rõ ràng không để ý đến anh, không nhớ gì cả, có lẽ vì cô quá lo lắng. Trước mặt phái đoàn, anh lặng lẽ làm công việc của người thông dịch, chuẩn bị giấy tờ trong căn phòng tù mù ánh điện chạy bằng máy phát điện nhỏ, ngoài trời lại mưa làm anh nhớ ngọn đèn trong căn nhà gạch lọt thỏm trong rừng cao su Xuân Lộc.
Ngọn đèn ấy, đôi mắt ấy. Anh kín đáo để ý xem có thể giúp đỡ được gì cho người phụ nữ với đứa con mọn. Anh biết Mỹ và một số phái đoàn phương Tây hỏi rất khó đối với người làm công chức. Hôm ấy nhóm của anh may mắn vì gặp Tân Tây Lan, dễ hơn. Họ cố thuyết phục các đệ tam quốc gia nhận người, không chú ý nhiều đến yếu tố chính trị mà chỉ cứu vớt nhân đạo.
Cuộc phỏng vấn hỗn hợp trôi qua khá êm ả, trừ một lúc được hỏi về thời gian làm việc nhà nước, cô không biết tả công việc của mình ra sao, lúng túng đưa mắt nhìn anh, tia mắt ấy đối với anh không có gì đặc biệt, chỉ là sự xin giúp đỡ. Nhân viên phái đoàn, một người đàn ông da trắng râu quai nón rậm nói tiếng Anh giọng rất khó nghe, bắt anh dịch đi dịch lại mấy chữ cán bộ kỹ thuật của cô nhiều lần. Mãi đến khi xong, Tân Tây Lan đã đóng dấu tiếp nhận vào hồ sơ, khi mọi người đã ra khỏi phòng đến giữa sân, còn anh thì đứng dừng lại ở cửa, kín đáo thở phào, thì cô mới quay người lại. Một tay bồng con bước hẳn qua cái khoảng sân nhỏ trở lại trước mặt anh, cảm ơn. Anh khẽ gật đầu, mỉm cười.
Trước khi đi, ngừng một lát nữa, cô nói thêm, giọng nhỏ như hơi thở nhưng điềm tĩnh.
– Em nhớ anh.
Cô nói thế. Chỉ ba chữ đó thôi. Anh giật mình. Mà nhớ là nhớ thế nào? Trong tiếng Việt nhớ nghĩa là nhớ lại, như bạn nhớ lại một sự kiện. Tôi nhớ ngày xưa cô là người bán xôi cho tôi trước thương xá Tax. Em nhớ tuổi của ông, song tử hay song ngư, tuổi con cọp hay con khỉ. Đó là ký ức.
Nhưng cón có một thứ nhớ khác, không phải sự kiện, không khô khan như vậy, nó dằng dặc, nằm vắt vẻo từ bên này qua bên kia cuộc đời của bạn.
Bây giờ anh ngồi đây trong cái quán cà phê bún mộc nhỏ xíu này, trong một ngôi nhà gạch cũ ở ngã ba, một đường về Sài Gòn một về Biên Hòa một về Xuân Lộc, ngọn đèn lơ lửng trên trần nhà. Cơn mưa lớn ấy mùi đất xông lên, ánh sáng cuối cùng của một ngày, cái bàn ăn xếp gọn gàng một góc.
Khung cảnh ấy bỗng làm anh nhớ lại, nhớ một ngày anh đã để trôi tuột đi, cánh rừng tuổi trẻ đã mịt mờ lăng lắc. Bỗng nhiên trong một khe hở thời gian rất nhỏ, ở đó anh không có một trách nhiệm gì với ai, trong cái chớp sáng đó anh nhớ lại họ của cô nhưng lại quên tên, quên chữ lót, một người đã nhớ mình mà mình không nhớ, hay khi mình nhớ lại thì người ta đã quên. Có lẽ những lần gặp ấy nội dung của chúng lớn quá, át mất tên gọi chăng, cũng như một đời sống quá phong phú, bạn mê làm việc bận vui chơi mãi dan díu khiến cho bạn quên, cái chết sắp đến nơi rồi mà bạn không biết. Khi nó tới, bạn ngẩn người: ủa, ông bạn tới rồi sao?
Được gặp ngoài đời như thế hình như người nào trong chúng ta cũng có một đôi lần, có người giữa rừng cao su chiều mưa lớn, nhưng nhiều khi không có rừng có mưa có cao su gì ráo trọi, ngay giữa chợ cá Cầu Muối nóng bức, chợ trời Tây Lộc bụi bặm, trên hè đường Tự Do ở Sài Gòn, bên bờ Hồ Tây, trên bến đò cũ hay có khi chẳng lãng mạn thế, một cái cầm tay qua hàng rào dâm bụt đỏ lưa thưa, cái va chạm vô tình lúc bạn mười lăm tuổi ở bên giếng nước phông-tên đầu phố đầy người nhộn nhạo, một kẻ nhoẻn miệng cười, rồi thì trăng lên chiếu sáng, làm mấy con én giật mình kêu ríu rít, rồi một bầy chim vù ra chao qua liệng lại như trêu cợt, rồi lát sau bay biệt dạng.
Anh nhớ cái họ của cô, chỉ thế thôi, sau bao nhiêu năm, tên và chữ lót thì chịu. Như loài chim kia, hay đùa cợt lượn qua lượn lại trước mặt mà không cách gì anh bắt được chúng một lần để đếm xem ở cái đuôi cong vút kia có phải có mười hai chiếc lông vũ không, hay mười một.
Mà biết đâu loài chim én mùa xuân, trống và mái bay tưng bừng đuổi nhau ngoài mái hiên ngày nọ mới thực là ký ức của anh, một chốn quê hương đã xa mới là nỗi u hoài thực sự, chứ đâu phải các nhân vật đi lại nói cười trong ấy.