Một nén nhang cho Hạ Đình Nguyên

(Đọc tập tản văn Hãy ngồi xuống đây của Hạ Đình Nguyên)

Ngô Thị Kim Cúc

51408288_2292211207457358_7687685086937874432_n

Hãy ngồi xuống đây là tập sách lưu hành nội bộ của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Tập tản văn dày 324 trang, gồm 48 bài viết, từ 2011 tới 2018. Tác giả là một trí thức tiêu biểu của phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn: Hạ Đình Nguyên. Anh từng là Chủ tịch Ban đại diện Sinh viên Đại học Văn Khoa Sài Gòn, Phó Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Chủ tịch Ủy ban Hành động Đấu tranh Sinh viên Sài Gòn. Bị bắt và ở tù Côn đảo, được trao trả sau Hiệp định Paris. Sau 1975, anh làm việc ở Công ty Savimex, ở Làng Bình Minh – một trung tâm tư nhân cai nghiện ma túy tại Thanh Đa- Sài Gòn, với vai trò giám đốc. Là thành viên sáng lập Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng.
image

Những bài viết của Hạ Đình Nguyên đăng rải rác trên các trang mạng trong nhiều năm, và khi anh đang ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư, những đồng đội, bằng hữu thân thiết đã tập hợp và tự in ấn để anh có thể trông thấy quyển sách duy nhứt của đời mình, khi anh không còn có thể thực hiện nhiều việc ý nghĩa khác mà anh từng ấp ủ.

Đọc Hãy ngồi xuống đây, người ta có thể hiểu sâu về những sự kiện chính trị xã hội nổi cộm của Việt Nam, bởi trong từng bài, tác giả luôn tổng hợp nhiều thông tin liên quan, đồng thời với việc phân tích, diễn giải, mở rộng suy nghĩ cho người đọc.

Qua tiêu đề, người đọc đã có thể thấy rõ nội dung: Quan hệ giữa nhân quyền và ổn định chính trị; Quan hệ Việt – Trung không có lớn hay nhỏ; Nguyễn Phương Uyên, tôi có thể làm gì cho em; Quỹ đất, quỷ đất và 7 phát súng colt của Đặng Ngọc Viết; “Cảm ơn em!”: Một nhà nước u minh đẻ ra nhiều ma quái (Gửi thư cho gió và anh Dương Chí Dũng),; Ông Lê Trương Hải Hiếu hãy giải thích cho nhân dân thành phố rõ: Bà Lê Thị Tuyết Mai tự thiêu do “bế tắc về cuộc sống?”; Những cái nhìn về tác phẩm “Đèn Cù”; Một cụm từ hay: “Phản Bội Một Cách Có Phương Pháp”…

Trực diện nhưng không thô thiển, quyết liệt nhưng không hung hăng, luận chiến tới cùng nhưng không bao giờ xúc phạm, đôi khi hài hước để giảm phần căng thẳng… là cách đối thoại của Hạ Đình Nguyên. Với chiều sâu kiến thức và tài sử dụng ngôn từ, bài viết của Hạ Đình Nguyên luôn chinh phục người đọc nhờ những biện luận khó lòng bài bác. Chúng sắc sảo, đẹp đẽ, và rõ ràng xuất phát từ trái tim nồng nhiệt của một người hết lòng yêu nước thương dân.

Với tiêu đề rất khô khan Các Mác và Việt Nam hôm nay, Hạ Đình Nguyên đã dùng một đoạn trích: “Thật đáng thán phục vừa là kinh ngạc, khi đọc kỹ một đoạn văn sau đây của ông, giống như ông vừa mới nói hôm qua ở một vài xứ sở: “Các chế độ chính trị lỗi thời đã trải qua một lịch sử đầy thảm trạng bởi vì cơ chế quyền lực của nó đã biến ước vọng tự do của con người thành ảo vọng. Sở dĩ chế độ này mang bản chất bi thảm là vì nó tự buộc cho mình một nội dung hãnh tiến vô vọng. Hễ cái chế độ này vẫn ngoan cố chống lại nguyên tắc và lý lẽ mới của thời đại, thì chính tự bản chất của nó là một lỗi lầm lịch sử… “Chế độ này là vở hài kịch to lớn của thế giới mà tất cả những anh hùng của nó đều đã bị khai tử. Lịch sử tiến bước và sẽ không bỏ sót một ai. Nó sẽ đi qua những sân khấu mà chung cuộc sẽ vất bỏ những chế độ lạc hậu vào nghĩa trang. Sân khấu cuối cùng mà lịch sử vừa mới bước qua là cả một vở bi hài kịch khủng khiếp”.

(Góp phần phê phán triết học pháp quyền- Hegel).

Và bằng cách phân tích từng phần một, anh chỉ ra Mác có thể đang nói về cái gì và về ai, vào chính thời điểm này.

Trong bài “Kinh Kha tráng sĩ” của Tàu và tư duy của người Việt, Hạ Đình Nguyên ném ra một sự thật phũ phàng: nhiều thi nhân/trí thức Việt Nam vẫn có thói quen mặc định hình ảnh Kinh Kha như một thần tượng đầy dũng khí. Họ quên mất việc sau: “Trong lần chiêu đãi cuối cùng trước khi Kinh Kha bơi qua sông Dịch tiến hành cuộc mưu sát, Kinh Kha đã thốt lên lời ca ngợi bất ngờ về “bàn tay đẹp” của một người đẹp đang phục vụ cuộc chiêu đãi. Lập tức, bàn tay ấy được chặt đi, gói lại, làm quà tặng cho Kinh Kha. Kinh Kha vô cùng cảm kích Thái tử Đan về hành vi được y cho là cao cả và hết lòng của thái tử Đan đối với hắn…”.

Hạ Đình Nguyên nhắc nhở: “Tại sao cả dòng văn học Việt lại ca ngợi Kinh Kha? Cái dũng của Kha có tính chất gì? Bên trong cái dũng ấy là gì, có phải cái dũng của Dịch Nha? Cái chữ “trung” ấy có phản nhân tính hay không? Và đặc biệt, trí tuệ trong tư duy sáng tạo ở đâu? Trong bối cảnh quan hệ Việt – Trung, ai là Kinh Kha, ai là thái tử Đan trong gần 100 năm qua?”.

Trong bài Có một buổi sáng như thế viết ngày 21/2/2017, Hạ Đình Nguyên không thể hình dung là hai năm sau, ngày 17/2/2019, chiếc lư hương ở Tượng đài Trần Hưng Đạo đã bị cẩu đi chỗ khác. Sẽ không thể có ngay cả nén nhang duy nhứt mà một cựu tù nhân Côn Đảo đã thắp lên để tưởng niệm…

Ở Sài Gòn, thành phố lớn nhất nước với hơn mười triệu dân, ngày 17/2, có một cây nhang và một bó hoa nhỏ được đặt tại Tượng đài Trần Hưng Đạo.

Một thiếu nữ mặc chiếc áo khoác, thong thả và lặng lẽ bước đến tượng đài. Không quan tâm đến một số nhân dạng đứng quanh quẩn, cô cởi áo khoác ngoài, lấy ra một bó hoa nhỏ giấu bên trong, rồi trân trọng đặt bó hoa lên nền chân tượng, trước chiếc lư hương đồng, quỳ xuống, và mặc niệm. Sau mấy phút, cô đứng lên, khoác lại áo và lặng lẽ đi.

Trong chiếc lư đồng có duy nhất một cây nhang đang tỏa ra một làn khói mong manh.

“Và cây nhang kia”. Đó là cây duy nhất của một người cựu tù Côn Đảo năm xưa. Anh đã từng là người lính chiến đấu chống ngoại xâm, những tưởng hôm nay… anh có thể bình yên đến tượng đài tham dự Lễ tưởng niệm mà Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng kêu gọi. Thế rồi, anh thấy lố nhố những nhân viên an ninh, mặc sắc phục và không sắc phục, đang bủa vây một nhóm người đang đến Tượng đài, và họ bị bắt lên xe đưa đi. Anh đảo một vòng xe, rồi chờ đợi, rồi quanh lại Tượng đài quan sát. Trên đường đi, anh xin một cây nhang từ một xe tạp hóa nào đó của người dân, anh đốt và cắm lên chiếc lư hương đồng hoành tráng. Đấy là cây nhang duy nhất sáng hôm ấy, để kỷ niệm một sự kiện lớn đã đi vào Lịch sử của dân tộc. Ở đây không phải là một nghĩa trang hoang lạnh đâu đó trong non ngàn phía Bắc, mà là ở một thành phố nhộn nhịp hào hoa với dòng xe cộ ngồn ngộn qua lại không ngừng”.

Trong buổi phát giải Văn Việt lần III với rất nhiều khó khăn trở ngại năm ngoái, anh Hạ Đình Nguyên vẫn có mặt bên cạnh nhiều bạn bè đồng đội. Năm nay, anh đã không thể…

Ở một cõi xa xăm nào đó, hẳn anh vẫn đang hướng về, vẫn kiên trì đồng hành cùng tất cả mọi người, vì một Việt-Nam-trong-tương-lai-phải-thay-đổi…

Comments are closed.