Diễn từ nhận giải thưởng thơ Văn Việt 2018

Vũ Lập Nhật

clip_image002

Kính thưa các anh chị,

Kính thưa Ban Giám khảo giải thưởng Văn Việt,

Tôi rất hạnh phúc khi nhận được giải thưởng Thơ của Văn Việt năm nay. Đó là điều đến thời điểm này tôi chưa bao giờ tưởng tượng, bởi tôi luôn tự nhủ mình vẫn chưa thực sự hiểu gì về thơ. Thỉnh thoảng, tôi lại tự hỏi mình: “Thơ là gì?”, và không có lần nào câu trả lời đưa ra hoàn toàn giống nhau. Có lẽ vì thơ luôn bí ẩn với tôi nên tôi đã viết thơ để hiểu về thơ.

Nghệ thuật vốn là hoạt động tinh thần nhưng vẫn có những “vật chất” đặc trưng: nhân vật, câu chuyện trong tiểu thuyết; màu sắc, hình khối trong hội họa; âm thanh, giai điệu trong âm nhạc… Thơ cũng có vần điệu, hình ảnh, tự sự nhưng nó giống như phép trừ hơn phép cộng, nó lược bỏ những đặc tính có thể chứa đựng đến mức tối đa: có vần điệu nhưng không thành giai điệu rõ ràng như âm nhạc; có hình ảnh nhưng chỉ vẽ lên mơ hồ trong tâm trí mà không hiện ra thành đường nét như hội họa; có tự sự nhưng về cơ bản không có diễn biến, xung đột như tiểu thuyết… Nếu điện ảnh là phép cộng những nghệ thuật tương cận với nó thì tôi cho rằng thơ là phép trừ tất cả những gì cũng tương cận với nó. Vì vậy, thơ nhất thiết phải thanh mảnh. Nhưng trong sự mỏng, nó gợi cho ta thấy độ dày nằm đâu đó ngoài nó, thứ đã bị nó cắt ra.

Khi làm việc trong ngành xuất bản, tôi mới ý thức được rằng thể loại văn học nào càng sử dụng ít chữ để biểu đạt nội dung thì càng có ít người đọc. Theo đó, tiểu thuyết là thể loại được ưa chuộng nhất, rồi đến truyện ngắn, thơ có vẻ như ở vị trí cuối cùng. Tôi cứ băn khoăn rằng đọc một tập thơ hẳn là mất ít thời gian hơn đọc một tiểu thuyết rất nhiều nhưng vì sao phần đông lại chọn tiểu thuyết. Rồi đến một lúc, tôi tìm được câu trả lời cho mình. Người ta có thể dễ dàng thông báo với bạn bè: “Tôi vừa đọc xong một cuốn tiểu thuyết dày,” nhưng có lẽ hiếm ai lại hớn hở nói: “Tôi vừa đọc xong một bài thơ ngắn.” So với tiểu thuyết, thơ khiến người ta khó cảm thấy mình đạt được thành tựu gì đó sau khi đọc xong. Tôi nghĩ tâm trạng này không chỉ đơn giản xuất phát từ việc thời gian đọc thơ thường diễn ra quá nhanh, nguyên nhân có lẽ vì thơ luôn giữ sự mơ hồ và khó nắm bắt, nó thường khước từ thỏa mãn cảm giác của ta về sự trọn vẹn. Thơ là một dòng chảy kết nối những thứ rời rạc, tưởng chừng không liên quan lại với nhau nhưng không phải theo phương pháp cơ học cắt ghép như một môn thủ công. Và khả thể mới do thơ tạo ra từ những mảnh vụn cũng không có tham vọng vững chãi. Nó chờ đợi để tiếp tục được phân mảnh và tạo ra những mối liên kết khác: như cách những hạt mưa rơi độc lập nhưng hòa quyện vào nhau, như những chiếc ghế tuy có vẻ là cố định nhưng vị trí của chúng chỉ là tạm bợ, người ta có thể dễ dàng dịch chuyển chúng đến bất cứ nơi đâu, kết hợp chúng với bất cứ thứ gì để tạo ra những ngữ cảnh mới, những cách hiểu mới cho một cái ghế. Thơ cũng giống như thế. Nó ở đó nhưng không ở đó. Chính sự nửa vời ấy là vẻ đẹp của thơ. Vẻ đẹp của nỗi mơ hồ mênh mông xa vắng.

Nhận được giải thưởng vinh dự ngày hôm nay, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến một người bạn đã giúp tôi nhận ra vẻ đẹp của thơ. Một ngày mùa hè năm 2011, bạn đã gửi cho tôi đọc những bài thơ của Wislawa Szymborska. Và tôi đã bị rung động bởi những dòng thơ của bà. Tôi nghĩ đó chính là khởi điểm của mình với thơ.

Tôi xin chân thành cảm ơn Văn Việt đã trao giải thưởng Thơ năm nay cho tôi. Đây là một sự khích lệ rất lớn đối với tôi về mặt tinh thần trên con đường văn chương. Tôi hy vọng Văn Việt sẽ ngày càng phát triển để những trái tim yêu văn chương nghệ thuật luôn có nơi tự do cất lên tiếng nói của mình. Và chúng ta sẽ cùng nhau giữ được những ước mơ dành cho văn chương.

Comments are closed.