Lê Tất Điều
Bạn trẻ,
Bạn là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, tài tử, tay mơ… hay chỉ tò mò tìm hiểu cho vui thôi, không sao, xin mời bạn gia nhập đoàn thám hiểm vũ trụ của tôi.
Tôi khởi hành từ mười bốn năm trước, có thể bây giờ bạn mới tà tà cất bước! Đừng ngại, không trễ giây phút nào đâu. Bởi vì phải đến bây giờ khoa học mới cho ta đủ hành trang, dụng cụ, kiến thức để khỏi lạc đường, để nhắm thẳng mục tiêu, tiến tới.
Chỉ đến thời đại này, khoa học mới cho phép nhân loại khai thác và sử dụng được nhiều khả năng tiềm ẩn trong trời đất, phát minh được những sản phẩm kỳ diệu tới mức mà bất cứ lúc nào, bất cứ ai cũng có thể bật ra những câu hỏi tuyệt vời – những câu hỏi dẫn thẳng tới trước cánh cửa cần mở để nhìn thấu cấu trúc của vũ trụ.
Một phần – coi như phân nửa – câu hỏi quý giá đó đã đến với tôi không biết bao nhiêu lần. Nhưng đến rồi biến ngay. Đã gạt phắt đi, như phủi bụi, không cho phép nó làm bận tâm quá năm mười giây.
Cho đến một buổi chiều…
Hôm ấy, câu hỏi – đầy đủ, toàn vẹn – đến rồi ở lì luôn, đòi phải được thù tiếp như khách quý, vĩnh viễn. Chỉ khi gia chủ tìm được câu trả lời nghe lọt tai dâng lên, nó mới chịu tha Tào.
Hôm đó, ông bạn học cũ đến chơi. Đang cùng nhau thơ thẩn trong vườn thì Chung bị bà xã gọi. Bà ấy đi hành hương bên Ấn Độ. Tôi vội tế nhị lảng xa bạn, trở lại bàn cà phê.
Chiều cuối thu, không cỏ, không hoa, cây cành xác xơ, chán ngắt. Không có gì để ngắm, tôi lẩn thẩn ngắm bạn, xem anh chàng bây giờ già xấu cỡ nào. Hồi xưa, hắn đẹp trai dễ sợ. Mấy thằng bạn đã lăm le đi tu mà đôi lúc còn phải sinh lòng ghen tức.
Nhưng chưa kịp thực hiện dã tâm soi tìm, moi móc những vết thương lão thời gian giáng lên dung nhan anh bạn tốt số để triết lý vặt về cõi nhân sinh thì bàng hoàng, choáng người, vì một “dung nhan”, một hình ảnh khác:
“Cảnh tượng huyền bí của vùng không gian bao quanh bạn tôi”.
Chung đứng nói cười bên gốc cây lê trụi lá. Chút nắng chiều cuối thu lọt qua mây, làm hình ảnh bạn sáng lên, và đặc biệt, làm óng ánh, khi ẩn khi hiện, những sợi tơ giăng từ vai lên đầu.
Ha! Anh chàng vướng mạng nhện!
Có vài sợi còn căng thẳng, như đang nối vai và đầu chàng vào cõi mênh mông.
Mấy sợi tơ đột ngột làm liên tưởng đến một sợi tơ khác, vô hình: sợi sóng âm thanh nối điện thoại ông Chung đến điện thoại bà Chung ở bên kia bán cầu.
Đâu phải chỉ có một sợi sóng ấy!
Hàng triệu, hàng tỷ làn sóng âm thanh đang cùng lúc xô tới cái điện thoại, lướt qua thân thể Chung. Điệp điệp trùng trùng, liên tu bất tận…
Mà đâu phải chỉ có sóng truyền âm thanh.
Sóng ánh sáng, sóng truyền thanh, truyền hình và còn vô lượng sóng của những vi phân tử không tên lan tỏa khắp vũ trụ nữa. Chúng đang vây kín ông bạn. Chúng lướt qua tường, mái nhà, trần xe… Xô tới, lướt qua ào ào, vun vút, nhanh bằng hoặc gần bằng tốc độ ánh sáng.
Như thế, quanh Chung không là “khoảng trống” như mắt thấy, mà chi chít, dày đặc một khối chứa đựng hằng hà sa số những sợi nhỏ hơn tơ. Những sợi kết nối vô lượng hạt vi phân tử bay đầy cõi vô cùng. Tất cả bao kín quanh Chung. Không một kẽ hở.
Đâu phải chỉ một mình Chung bị nhốt trong khối không gian kỳ lạ ấy.
Bà Chung ở một ngôi chùa nào đó bên Ấn Độ cũng đang bị “vây kín” y chang. Và tôi, ngồi cách Chung mấy chục thước, cũng chịu chung số phận, cũng bị nhận không thiếu một “sợi” sóng nào. Chỉ khác là làn sóng nối cuộc điện đàm của họ không tác động lên cái chip điện thoại của tôi, thế thôi.
Lại đâu phải chỉ riêng ba chúng tôi.
Khắp mặt địa cầu, toàn thể nhân loại, ai cũng ngụp lặn trong biển sóng. Suốt ngày đêm, lúc thức như lúc ngủ! Miên man bất tận. Chỉ những người sống nơi hoang dã, xa thế giới văn minh, ngoài tầm với của khoa học, chưa bị “phủ sóng” thì mới bớt được một mớ sóng phát thanh, truyền hình, điện thoại. Bớt một mớ thôi. Không bao nhiêu. Vẫn bị điệp điệp trùng trùng sóng từ trời bao phủ. Vô lượng sóng, chi chít, đặc kín không gian.
Cảnh tượng không thấy bằng mắt, chỉ bằng nhận thức, làm choáng ngợp, bàng hoàng, và kích động dữ dội trí tò mò, làm tức khắc bật ra, vang dội, câu hỏi chưa từng gặp trong đời:
“Vùng không gian bao quanh Chung, quanh mặt địa cầu, được kiến trúc như thế nào để cho phép vô lượng sóng cùng lan tỏa bên nhau, chằng chịt, chi chít, mà không hề bị trộn lẫn, vướng mắc, rối mù? Cứ đường ai nấy đi, rất thênh thang?”
(Cho tới nay, các khoa học gia đoán là tại… số, tần số. Cùng lan tỏa với tần số khác nhau thì không đụng nhau. Cũng đúng, nhưng thiếu sót, mơ hồ. Cái gì tạo ra tần số? Sao các vi phân tử “bay” trong không gian, không bay thẳng cho nhanh mà cả lũ cùng bị gợn sóng khiến đường trường thêm dài vô ích? Mà cũng chỉ đúng trong phạm vi nhỏ hẹp, thế giới siêu vi của nguyên tử, phân tử, electron thôi. Trên mặt hồ, hai chiếc thuyền lớn nhỏ tạo hai làn sóng cao thấp – tần số – khác nhau. Chúng lan tỏa rồi gặp gỡ, cùng chiều thì hợp lực, ngược chiều thì hủy lực của nhau. Tần số cũ tiêu tan, chúng biến dạng thành sóng mới, tần số mới).
Như đã nói, một câu hỏi nhỏ hơn đã từng thoáng đến rồi đi hàng trăm lần: sao cái điện thoại thông minh tài thế nhỉ? Và thường lười biếng, tóm ngay một câu trả lời có liền: nhờ ông Steve Jobs và các thiên tài quanh ông ấy. Đinh ninh rằng nếu còn tò mò nữa thì mai mốt chịu khó tìm hiểu thêm về cách chế tạo Iphone, Smartphone… là xong.
Nói nó nhỏ vì câu hỏi ấy thiếu sót, hời hợt, chỉ nhắm vào sự kỳ diệu của điện thoại mà bỏ quên sự diệu kỳ của cuộc điện đàm.
Điện thoại phát sóng, nhận sóng là sản phẩm của con người. Cung cấp hệ thống giao thông trong không gian cho phép vô lượng sóng an toàn lan tỏa cùng lúc, với tốc độ khủng khiếp, là công trình của Tạo hóa.
Vô lượng đợt sóng cùng chui lọt một không gian nhỏ như cái chip, chuyện ấy hiểu được, vì “sợi” sóng cực nhỏ. Với hệ thống dây điện thoại cũ, vấn đề “giao thông” cũng giản dị, không có gì phải thắc mắc. Sợi nào cũng được bao bọc kỹ càng. Gom cả triệu, cả tỷ sợi lại thành một bó, không sao. Không chen lấn, chèn ép, đụng độ… mỗi sợi có “đường” riêng, cứ thong dong đường ai nấy đi.
Nhưng sóng điện thoại hôm nay tuyệt đối khác: hoàn toàn trần trụi. Không có gì bao bọc, hướng dẫn. Được phóng ra từ điện thoại ông Chung, nó lan tỏa khắp trời, chen chúc giữa muôn triệu sợi trần trụi y hệt như nó. Điểm khởi hành khác biệt, nhưng tất cả cùng phóng tới với tốc độ tối đa, cùng chui vào điện thoại của bà Chung, dù bà đứng bất cứ nơi nào trên mặt địa cầu, trong vùng sóng phủ.
Con người tạo sóng, tung vào không gian, và phó mặc cho… Trời.
Vậy mà (bầu) trời cũng chiều người. Không gian cung cấp một lộ trình an toàn cho từng sợi sóng trần trụi. Giữa một “rừng” sóng, mỗi sợi – không vỏ bọc, không “đường rầy” riêng – vượt ngàn dặm trong chớp mắt, chẳng hề bị biến dạng, tổn thương.
Câu hỏi mới, nêu thắc mắc về hiện tượng ấy, là câu hỏi lớn, không bỏ sót phần đóng góp của thiên nhiên, nghĩa là bao gồm đầy đủ các chi tiết huyền bí liên quan đến sự kỳ diệu của một cuộc điện đàm.
Vũ trụ cũng không đợi tới lúc con người chế ra điện thoại di động mới vội vàng làm đường sá, cầu cống cho sóng di hành. Toàn thể hệ thống giao thông kỳ diệu ấy đã có sẵn trong không gian, từ thuở khai thiên lập địa. Do đó, tìm được câu trả lời cho câu hỏi lớn ấy là biết rõ từng chi tiết cấu trúc và sự vận hành của vũ trụ.
Bạn thấy chưa? Chúng ta cực kỳ may mắn. Sinh trưởng trong thời đại này, chúng ta nẩy ra được câu hỏi dẫn thẳng đến kho tàng chứa đựng những bí ẩn của vũ trụ, càn khôn. Các khoa học gia tiền bối lẫy lừng, kể cả Einstein, không thể nào gặp được một câu hỏi tuyệt vời đến thế. Vì thời các cụ, đâu có cái món điện thoại di động nằm trong túi mỗi người.
Hưởng sự may mắn ấy, tôi đã đến trước cánh cửa và lần mò tìm được chìa khóa. Cánh cửa đã mở.
Mời bạn theo tôi. Ta cùng đứng trên vai ông khổng lồ khoa học, vươn tầm nhận thức đến những vùng sâu thẳm, xa tắp mịt mù, của hai cõi vô cùng.
Mục tiêu đầu tiên: cõi vô cùng nhỏ, nơi chứa đựng những vi phân tử, đơn vị căn bản kết thành nền tảng của Vũ trụ.
(15/2/2021)