Mảnh vỡ của mảnh vỡ – Trích đoạn tiểu thuyết Vĩnh Quyền

Trích đoạn tiểu thuyết của Vĩnh Quyền

unnamed

Nhà văn Vĩnh Quyền

Văn Việt: Vĩnh Quyền sinh năm 1951 tại Huế, tốt nghiệp Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm Huế năm 1974, dạy học tại Đà Nẵng. Từng là Trưởng Văn phòng Miền Trung của báo Lao Động. Đã xuất bản trên 10 tác phẩm văn học, trong đó tiểu thuyết Debris of Debris.

Tiểu thuyết Mảnh vỡ của mảnh vỡ (Debris of Debris) sáng tác bằng Anh ngữ của nhà văn Vĩnh Quyền, đã in lần đầu tại Đại học Saint Benedict – Hoa Kỳ năm 2009. Bản thảo hoàn thiện vừa được NXB Austin Macauley – London phát hành đầu tháng 3/2014.

Văn Việt trích giới thiệu hai chương do chính tác giả chuyển ngữ.

 

 C h ư ơ n g  1 5

Mùa xuân năm chín mươi Kha xuất bản bản dịch cuốn tiểu thuyết Mỹ đề tài chiến tranh Việt Nam. Không lâu sau đó anh gặp tác giả khi ông sang thăm chiến trường xưa. Kha dễ dàng nhận ra nhà văn Mỹ giữa những hành khách phương Tây bởi trong thời gian chuyển ngữ anh đã nhiều lần nhìn ảnh tác giả in trên bìa sau cuốn sách.

Bước vào sảnh tiếp đón của sân bay Đà Nẵng, nhà văn Mỹ thấy tên mình, Tom Keller, được viết trên tấm giấy cứng, giương lên khỏi đầu một người đàn ông Việt cao và hơi gầy, ăn mặc tươm tất, mà ông đoán là Kha, người dịch tiểu thuyết của ông. Hai người vẫy tay chào từ xa, rồi lách đám đông đến bắt tay nhau. Tom lên tiếng trước:

– Xin chào và cám ơn anh đã quảng bá tác phẩm của tôi ở Việt Nam, nơi thôi thúc tôi viết ra nó.

– Tôi phải nói lời xin lỗi vì đã bỏ qua vài chi tiết trong bản tiếng Việt, đó là điều ngoài ý muốn.

Tom xua tay với vẻ thành thật:

– Đừng bận tâm chuyện đó, tôi hiểu anh đã cố hết sức trong điều kiện của mình.

Bỗng có điều gì trong sảnh thu hút sự chú ý của nhà văn Mỹ. Kha nhìn theo và thấy một người đàn ông Việt tầm trung niên đứng giữa một vòng tròn thân quyến và bạn bè, giữa hoa và nước mắt. Hẳn anh ta là Việt kiều ở Mỹ về thăm nhà sau nhiều năm rời bỏ quê xứ.

Tom ngạc nhiên lẫn thích thú khi người đàn ông mở cả hai va-li cỡ lớn và bắt đầu chia quà cho người thân ngay giữa sảnh tiếp đón của sân bay đông đảo. Ông giương máy ảnh ‘chộp’ mấy kiểu mà ông tin là đáng ghi lại trong chuyến đi.

Thật trớ trêu, Tom và Kha, cả hai nhà văn lúc này không thể biết trước: chỉ mười năm sau, trong số những người đang tỏ vẻ biết ơn khi nhận ‘quà Mỹ’ kia, dẫu món quà chỉ là bánh xà-phòng thơm, ống kem đánh răng, sẽ có người trở nên giàu sụ, giàu hơn người đang cho quà. Có thể cái giàu đó là do giỏi làm ăn khi Việt Nam cải cách chính sách kinh tế, cũng có thể do buôn lậu, do tham nhũng… Sau này, Kha phải thú nhận trong một chương sách khi anh viết: chẳng ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra ở một đất nước đang bôn ba làm giàu sau chiến tranh.

Tom rời mắt khỏi anh chàng Việt kiều, nhìn qua mảng tường kính tìm kiếm dấu vết một khu vực rộng lớn dành cho máy bay quân sự Mỹ trước năm bảy ba. Ông thật sự muốn thấy lại những dãy nhà chứa máy bay có mái vòm chống pháo bằng tôn nếp gấp, là hình ảnh ông thấy qua cửa sổ chiếc Dakota hai động cơ khi ông đáp xuống Đà Nẵng lần đầu với tư cách phóng viên một kênh truyền hình quân đội Mỹ, và cũng là ngày đầu tiên của thời hạn hai năm phục vụ ở Việt Nam. Hình ảnh ấn tượng đó đã đi vào cuốn tiểu thuyết của Tom. Tuy nhiên, lúc này ông chẳng thể nào nhận ra bất cứ điều gì về một sân bay quân sự Mỹ còn lưu trong ký ức. Tất cả đã thay đổi trong quá trình mở rộng và nâng cấp sân bay Đà Nẵng thành một sân bay quốc tế.

Trên đường ra bãi đỗ xe, Kha muốn xác nhận chương trình của Tom:

– Trong thư anh bảo muốn đi thẳng ra Huế?

– Đúng, tôi đã sống ở đó gần một năm, cũng là năm dài nhất trong đời.

– Anh trở lại để thu thập tài liệu cho cuốn tiểu thuyết sắp đến?

– Để xem sao, nhưng trước mắt tôi đi tìm một người.

– Một người?

– Phải, một phụ nữ Việt Nam.

Kha đánh hơi một câu chuyện lý thú và anh muốn biết thêm tình tiết nhưng không tỏ ra quá tò mò. Nhà văn Mỹ đáp lại lửng lơ và chuyển sang chuyện khác. Dù vậy, cũng trong ngày hôm đó, sau vài cốc bia ở một nhà hàng nhìn ra sông Hương, Tom đã mở lòng với Kha, kể anh nghe câu chuyện vẫn ám ảnh ông suốt hơn hai mươi năm qua. Và ông đã mở đầu bằng giọng trầm ngâm:

– Không rõ đó là giấc mơ đẹp hay là ác mộng.

*

“Trong đời phóng viên chiến trường tôi hiếm khi quay được cận cảnh một trận giáp lá cà kinh hoàng như vậy. Tất cả đã diễn ra trong thứ ánh sáng đỏ như máu của hoàng hôn núi rừng. Tôi chưa từng nghĩ có lúc phải nghe những tiếng thét man dại, tiếng rú đau chết của con người, giống như nghe bản giao hưởng chết tiệt của tử thần. Điều khủng khiếp hơn, là với máu nghề nghiệp, lúc đó tôi đã sướng run trước cơ hội riêng có của mình.

Nhưng tôi không thể kết thúc được cú máy để đời. Một lưỡi lê chẳng biết từ đâu cắm phập vào vai phải, máy quay phim bay tuột khỏi tay. Nó lập tức bị dẫm đạp dưới cơn điên quần thảo của giày đinh lính Mỹ và dép cao-su Vi-ci, ngập vào một thứ hỗn hợp kinh khủng, bùn nhão và máu nóng, rồi chìm mất. Dẫu sao thì đó cũng là thứ cuối cùng tôi thấy và cảm nhận trước khi ngã vật xuống, ngất đi.

Tiếng vo ve điện pin của chiếc máy thu thanh đang rà đài Việt Nam là thứ tôi nghe được khi hồi tỉnh. Tôi tiếp tục nhắm mắt, cố nghĩ xem mình đang ở đâu dưới địa ngục. Rồi dần hiểu tôi đang nằm trong lán trại của Vi-ci, lạy Chúa, ít ra vẫn còn trên dương thế.

Vết thương ở vai dội lên cơn đau buốt, tôi nghiến chặt răng nén tiếng rên, sợ lính gác nghe thấy. Nhưng sau đó tôi nghe tiếng kêu đau và chửi thề của lính Mỹ bị thương râm ran chung quanh. Thế là tôi không phải làm khổ mình thêm khi phải giả chết.

Từ phòng sát vách, loại vách ngăn thô sơ đan bằng tre nứa, vẳng sang tai tôi vài giọng nói. Một đàn ông Việt nói gì đó bằng giọng trầm và thô. Vừa dứt, một phụ nữ chen vào, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Lạy Chúa, giọng này tôi thề là đã nghe đâu đó. Tiếp nữa là giọng một lính Mỹ còn non choẹt. Tất cả hợp lại nghe giống cuộc lấy cung tù binh Mỹ. Và tôi biết không sớm thì muộn tôi sẽ đứng vào chỗ lúc này của cậu tân binh ú ớ kia.

Đúng là hôm sau thì đến lượt tôi.

Lính gác dẫn tôi vào căn phòng trống trải nếu không kể mấy chiếc ghể đẩu. Ở đó có hai đàn ông ra dáng sĩ quan và một cô gái mảnh dẻ đang chờ. Tôi bất ngờ nhận ra cô là Hiền, mà không hiểu sao lại ở đây và mặc quân phục miền Bắc.

Hiền không chào tôi, vì vậy tôi đã không làm điều gì chứng tỏ tôi biết cô. Nhưng thú thật đầu tôi lúc ấy nóng bừng với một sự thật khủng khiếp: hóa ra cô ấy là một gián điệp của Cộng sản. Thay vì lo sợ, tâm trí tôi dâng trào cảm xúc nghề nghiệp. Tôi đang chạm vào khoảng tối, vào bí mật của cuộc chiến.

Tôi đã gặp Hiền khi cô làm thông dịch cho một trung đoàn Mỹ đóng ở Phú Bài, và chỉ cách đây vài tháng cô còn giúp tôi phỏng vấn tù binh Bắc Việt.

Rồi chuyện phải đến cũng đã đến, một sĩ quan cao cấp bước vào phòng và cuộc lấy cung bắt đầu. Những câu hỏi và trả lời được Hiền thông dịch. Đột nhiên viên chỉ huy hỏi thẳng tôi bằng tiếng Anh, liên quan đến lĩnh vực hành nghề báo chí của tôi.

– Tư nhân hay quân đội?

– Quân đội.

Nét lo lắng thoảng qua gương mặt Hiền, nhưng ngay lập tức cô lấy lại vẻ bình thản. Về sau, tôi viết về tình huống này trong tiểu thuyết: Tôi hiểu Hiền muốn tôi được đối xử như một nhà báo độc lập, cũng công bằng thôi, vì trong thời gian làm việc với nhau, cô biết tôi ghét bỏ cuộc chiến này như thế nào, cũng như tôi từng tâm sự với cô rằng tôi làm phóng viên chiến trường chỉ để tiếp cận sự thật, chuẩn bị cho những cuốn sách sau này. Nhưng tôi không thể phủ nhận nghề nghiệp của mình.

Cuộc lấy cung kéo dài hơn tôi tưởng. Các câu hỏi như những con sóng bất tận va đập vào trí não tôi, trong khi vết thương ở vai cũng không ngừng hành hạ. Cuối cùng, khi nhận ra tôi đang sốt cao, Hiền đề nghị viên chỉ huy cho hoãn việc lấy cung tôi sang hôm khác. Tôi khẽ gật đầu thể hiện lòng biết ơn trước khi được giải về lán.

Nửa đêm hôm ấy Hiền cùng một cán bộ trên đường tuần tra đã ghé qua chỗ tôi. Tuy còn sốt nhưng tôi có thể nhận biết những gì diễn ra chung quanh. Nhân lúc anh cán bộ nói chuyện với lính gác ngoài hiên, Hiền lẳng lặng đặt một đôi dép cao-su dưới chân giường tôi. Có lẽ ban sáng cô đã để ý hai bàn chân trần của tôi sưng múp và tươm máu. Tù binh bị thu giày để hạn chế khả năng chạy trốn. Tôi chờ Hiền nói điều gì hay ít ra một cái nhìn. Nhưng cô đã rời đi rất nhanh, và lẳng lặng như khi xuất hiện.

Tôi nằm ngửa trong bóng tối, nghĩ mãi vẫn không trả lời được câu hỏi tại sao cô ấy làm chuyện mạo hiểm như thế vì tôi. Rồi tôi thiếp đi, mơ thấy mình bay trên một chiếc trực thăng quân sự đang rơi xuống những cánh rừng nhiệt đới xanh nghít, sâu hun hút, để lại trên bầu trời vệt khói đen ngoằn ngoèo, càng lúc càng dài ra. Tôi dường như không thấy sợ, chỉ là chờ đợi, nhưng chiếc trực thăng chết tiệt chẳng bao giờ rơi tới mặt đất. Điều đó làm tôi ngộp thở, vùng vẫy để rồi thoát khỏi cơn ác mộng với tiếng thét.

Dẫu sao, khi mở mắt ra được, tôi thấy mình còn ở trong nhà giam, nằm trên sạp gỗ xô xảm. Chống tay trái lên mặt giường, tôi từ từ ngồi dậy, tựa lưng vào vách tre, rồi thận trọng nhìn quanh. Những tia sáng của trăng xuyên qua kẽ hở mái lá tạo nên nhiều hình tròn trứng màu trắng ngà trên sàn trước mặt tôi, và trên cả thân mình tôi. Tôi chăm chú nhìn những trứng ánh sáng như thể vừa bắt gặp điều gì mới mẻ. Bất giác tôi nhận ra chúng gợi nhớ một bàn cờ tướng, mà nó đã giúp tôi hiểu thêm về cuộc chiến ở xứ sở này.

*

Hôm ấy tôi chở Hiền trên chiếc jeep màu ô-liu chạy vào ngôi làng nhỏ ở bìa rừng, nơi trận đánh vừa kết thúc đêm trước. Chừng hơn chục chiếc tăng hư hỏng hoặc cháy đen bị bỏ lại, đỗ ngổn ngang cả hai bên đường đất nhớp nháp những ổ bùn và phân trâu. Tôi dừng xe giữa làng, nói với Hiền tôi muốn quay cận cảnh khu dân cư. Nhưng những gì tôi chứng kiến khi đến gần không giống như tôi hình dung. Người dân lầm lì tiếp tục các sinh hoạt của họ bên những ngôi nhà cháy đổ, bên những xác chết chờ chôn.

– Họ trải qua hàng chục lần thế này rồi.

Hiền giải thích trước khi tôi kịp hỏi. Và như để chứng minh sự dạn dày chai sạn con người có được để tồn tại trong chiến tranh, tôi bắp gặp hai người đàn ông đứng tuổi đang chơi cờ dưới một gốc cây, thêm mấy người chầu rìa xúm quanh, như không hề có trận đánh chết chóc vừa xảy ra.

Tôi hỏi Hiền:

– Giống cờ vua?

– Không.

– Tôi muốn xem qua.

Tôi nói với Hiền trong khi mắt không rời đám người quanh bàn cờ và bước về phía họ. Nhưng họ đã dừng lại các thứ đang làm khi tôi đến gần, và nhìn tôi bằng ánh mắt đố kỵ. Dễ hiểu thôi vì tôi là người Mỹ mặc quân phục, và dù không phù hiệu, quân hàm nhưng chẳng phải tôi vẫn đeo khẩu súng ngắn bên hông đó sao?

Thái độ không thân thiện hiển nhiên đó không đủ làm tôi khó chịu và tôi tiếp tục bước về phía họ với ý muốn quan sát, thậm chí sẽ ghi hình cái bàn cờ. Nhưng rồi tôi giật nảy mình, đặt tay vào báng súng như một phản xạ. Lạy Chúa, bàn tay mềm mại của Hiền đã kịp giữ lại. Cô thì thầm trong khi vẫn đặt tay lên tay tôi:

– Bình tĩnh, chuyện gì xảy ra với ông vậy?

Tôi vừa thở hổn hển vừa nói:

– Cái bàn cờ, cô thấy không?

– Bàn cờ?

– Nó được làm bằng cẩm thạch đen, mẹ kiếp!

– Ừ, thì cẩm thạch, nhưng tại sao nó khiến ông phát điên?

– Smith!

– Smith là ai, liên quan gì đến bàn cờ mấy người này?

– Là bạn tôi, phi công, bị bắn rơi xuống khu rừng gần đây đã một năm. Không tìm được xác, bọn tôi làm tấm bia này cho Smith. Trong một chuyến bay qua nơi cậu ấy bị rơi, bọn tôi thả tấm bia xuống. Vậy mà bây giờ nó nằm đây như một bàn cờ!

Tôi nói rin rít qua răng, cố kềm cơn điên muốn bắn bỏ hai người chơi cờ trước mặt.

– Ồ, thật đáng tiếc.

Hiền chia sẻ với tôi nhưng vẻ như cô chưa thấy được hết tâm trạng khủng khiếp của tôi lúc đó. Đột nhiên, vượt khỏi tầm kiểm soát của bản thân, tôi chỉ vào hai người chơi cờ, kêu lên:

– Vi-ci!

– Không, họ không phải Vi-ci.

Hiền lắc đầu nói và nhìn quanh vẻ lo lắng. Hai người chơi cờ, và cả mấy người chầu rìa nữa, theo dõi cuộc trao đổi căng thẳng giữa tôi và Hiền. Dù không hiểu tiếng Anh, nhưng họ nghe ra mấy tiếng ‘Vi-ci’ trong lời qua tiếng lại, và họ đoán được vẻ thù địch khó hiểu của người Mỹ là tôi nhắm vào họ.

– No Vi-ci! No Việt Cộng!

Một người trong số họ đứng vụt lên phân bua, xua cả hai tay trước mặt.

Hiền nói với tôi giọng nài nỉ:

– Chờ một lát, tôi sẽ hỏi mọi người, xem đã có chuyện hiểu lầm nào mà chúng ta chưa rõ, okay?

Tôi hậm hực gật đầu.

Hiền ngồi xổm xuống cạnh hai người chơi cờ, hỏi bằng tiếng Việt:

– Xin lỗi hai bác, bàn cờ này của ai?

– Tôi.

Một trong hai người lên tiếng, rồi không bỏ lỡ dịp giải tỏa mối băn khoăn:

– Mà có chuyện gì ghê gớm với thằng Mỹ này vậy cô?

Thay vì trả lời, Hiền chỉ tay vào bàn cờ:

– Cháu xem qua được không?

Người đàn ông gật đầu và đưa nó cho Hiền:

– Có chi phải giấu đâu cô.

Hiền lật sang mặt sau bàn cờ, mọi người nhìn thấy hình chiếc thánh giá và dòng chữ tiếng Anh được khắc trên đó. Cô nhìn quanh và giải thích:

– Bà con ạ, đây là tấm bia tưởng niệm một lính Mỹ tử trận năm ngoái, bạn thân của ông nhà báo đây.

Bọn họ ‘ồ’ lên vỡ lẽ và hối tiếc về việc đã sử dụng bia người chết vào việc giải trí.

Trên đường về, Hiền kể tôi nghe chuyện của ‘chủ nhân’ bàn cờ. Ba tháng trước, trên đường vào rừng đốn củi, ông ta tình cờ lượm được phiến đá đẹp bên bờ suối nhưng không thể biết là cái gì. Quá khó để một người ở nông thôn nhận ra đó là tấm bia, bởi nó hoàn toàn khác với bia mộ người Việt. Dẫu sao, ông ta nghĩ có thể dùng nó để làm bàn cờ. Còn bây giờ đã biết đó là tấm bia, ông ta vui lòng giao nó lại cho chủ nhân đích thực.

Suốt đường về tôi ôm phiến đá cẩm thạch, chặt đến nỗi các khớp ngón tay tê dại, như thể tôi sợ nó thất lạc lần nữa. Tôi nói với Hiền:

– Cám ơn, suýt nữa tôi đã có hành động sai lầm khủng khiếp.

– Chỉ là hiểu lầm thôi, chúng ta đến từ hai nền văn hóa khác biệt, từ đó gây ra đủ thứ rắc rối cho cả đôi bên.

Hiền đáp với nụ cười mệt mỏi.

*

 Hồi ức không lấy gì làm vui của tôi bị cắt ngang bởi tiếng gầm rú điếc tai của bầy trực thăng bất ngờ xuất hiện và gần như bay sát trên đọt những ngọn cây. Khu rừng nảy bần bật dưới trận mưa rốc-két. Vài giây sau, phía mặt đất đáp trả, vẽ lên bầu trời lưới đạn đỏ rực. Lúc đó tôi không nghĩ được thứ gì khác ngoài ngày tận thế đã đến.

Hầu hết tù binh Mỹ, kể cả những người bị thương như tôi, nhân cơ hội rối loạn tìm cách đào thoát nhà giam. Nhưng rõ ràng mấy ông bạn Mỹ trên trực thăng đã không thể phân biệt ai ra ai, chẳng thèm biết đồng đội đang mắc kẹt dưới địa ngục trần gian và giữa hai làn đạn. Dường như họ chỉ có mục đích duy nhất là thổi bay toàn bộ những gì tồn tại trên mặt đất. Lạy Chúa, không trách bọn họ được, nếu tôi ngồi trên đó, chắc cũng vậy thôi. Đang triết lý thì ầm, hai trong nhóm tù binh trúng rốc-két, thân xác tung lên cao, rơi biến đâu đó trong đổ nát trên mặt đất. Nhưng những người còn lại vẫn tiếp tục cuộc đào thoát.

– Đứng lại!

Tiếng thét đanh gọn bằng tiếng Anh khiến chúng tôi đứng sững. Một bóng đen thận trọng hiện ra sau màn khói nghi ngút với mũi súng AK-47 đen ngòm chĩa vào chúng tôi.

Và thế là, như số phận đưa đẩy, Hiền và tôi đối đầu một lần nữa.

– Ai nhúc nhích, tôi bắn!

Hiền quát lớn, và tôi tin là cô nói thật. Thì đó, một anh chàng da đen khốn khổ đã phát điên thật sự trong bước đường cùng, bất chấp lời cảnh báo, xông thẳng vào Hiền. Một phát súng nổ. Anh chàng tội nghiệp đổ vật xuống chân cô, khiến cô lảo đảo. Số còn lại nhân cơ hội chạy tán loạn, trừ tôi. Tôi thấy mình đứng đó, trước khẩu AK-47 của Hiền, nòng của nó còn bốc khói.

Đúng lúc tôi nghe tiếng nói lao xao của bộ đội Việt Nam, mỗi lúc một gần.

Hiền và tôi nhìn vào mắt nhau.

Thời gian như ngừng trôi.

Rồi cô thì thầm:

– Ông chỉ là nhà báo, đi đi!

Đêm đó tôi đã chạy xuyên qua cánh rừng khốn khiếp với đôi dép cao-su của Hiền.”

*

– Nghe giống giấc mơ ngọt ngào hơn là ác mộng.

Kha lên tiếng khi Tom kể xong câu chuyện. Nhà văn cựu binh Mỹ nâng cốc nói với Kha:

– Vì đôi dép cao-su của Hiền!

Kha đáp:

– Vì giấc mơ của Tom!

Trong hai ngày sau đó, Kha đưa Tom đi gặp và phỏng vấn những cán bộ cao cấp từng chỉ huy các trận đánh trên chiến trường Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên không ai có thể nhớ một cô gái tên Hiền như Tom mô tả.

– Có thể cô ấy thuộc một đơn vị bí mật và không ai trong đơn vị sống sót.

Một cán bộ đặt ra tình huống, rồi tiếp:

– Chuyện đó không hiếm trong chiến tranh.

Một người khác có cách nghĩ khác:

Hiền chỉ là bí danh trong hoạt động công khai, chỉ dùng trong vùng địch hậu, còn bây giờ, có thể cô ấy đang sống đâu đó với tên khác – tên thật.

Lời phỏng đoán đã gieo hy vọng cho nhà văn cựu binh Mỹ.

     

C h ư ơ n g  1 6

Sau khi chia tay Tom, Kha nghĩ đến lúc anh khởi động tập truyện ngắn về phụ nữ trong chiến tranh, mà chuyện Hiền là truyện anh sẽ viết đầu tiên. Hành tung của cô sinh viên khoa Anh ngữ làm gián điệp và tâm trạng của nhà văn cựu binh Mỹ cho Kha nhiều cảm xúc lịch sử và cảm hứng sáng tác.

Truyện thứ hai là chuyện về một người mẹ vô danh ở ngôi làng nhỏ thuộc vùng ven phía Nam tỉnh Quảng Trị. Kha không có cơ hội gặp nhân vật chính của mình lúc bà còn sống, chỉ thu thập được tài liệu trong lần gặp tình cờ nhân vật dẫn chuyện, là con trai bà, khi anh và Thùy dừng chân trên Quốc lộ 1A vùng ngoại ô Quảng Trị.

Hôm đó, trên đường ra Hà Nội bằng ô-tô nhà xuất bản, hai người ăn trưa ở một quán nhỏ ven đường. Trong mùa gió lào khô khốc của bắc miền Trung, quán thu hút khách vãng lai nhờ cây mít cổ tỏa bóng râm mát giữa sân.

Trong khi chờ phục vụ Thùy nhìn quanh và để ý một cây bon-sai đặt dưới mái hiên. Điều lạ là chỉ một cây quýt chứ không phải cây kiểng hiếm quý nhưng nó được trồng trong chậu sứ cổ và chưng bày trên đôn gỗ khảm xà-cừ. Thùy đến gần để xem rõ hơn. Hình thù cây bon-sai có vẻ đẹp của sự tương phản giữa phần gốc già lão sần sùi với cành lá gầy mảnh xanh nõn. Một chùm trái quýt chín trông hấp dẫn đến mức Thùy không cưỡng được ý muốn chạm tay vào.

Một người đàn ông cởi trần từ trong nhà chạy vụt ra cửa chính, giọng hốt hoảng và tức giận:

– Không, không được!

Rồi ông thụt vào trong tức thì, nhanh cũng như khi xuất hiện. Thùy giật mình và ngượng khi bị phản ứng bất ngờ, cũng vội quay lại bàn. Từ phía sau quầy, một người đàn bà có vẻ là chủ quán đến gần Thùy với vẻ ái ngại.

– Xin quý khách thứ lỗi, chẳng qua nhà tôi quá cưng cái cây, ảnh đối xử với nó như đứa em của ảnh vậy đó…

Nói xong bà quay về sau quầy, để lại một thông tin bí ẩn.

Kha hỏi Thùy:

– Em hiểu gì không?

Thùy lắc đầu, còn bối rối với điều vừa gặp phải.

Lát sau, người đàn ông ban nãy lại xuất hiện ở cửa, lần này trông tươm tất trong bộ âu phục. Ông ngập ngừng vài giây trước khi đi thẳng đến bàn của hai người, hơi cúi thấp đầu khi nói với Thùy:

– Xin lỗi, tôi đã làm cô giật mình.

Thùy đứng lên:

– Không cần xin lỗi đâu, đó là do tôi.

Kha kéo ghế mời người đàn ông:

– Quên chuyện vừa rồi đi và uống bia với tụi tôi!

Người đàn ông ngồi vào bàn, vẻ nhẹ nhõm sau khi nhận được phản ứng nhẹ nhàng và hiểu biết của Thùy và Kha, cất giọng hào sảng:

– Cám ơn, nhưng phải cho tôi đãi quý vị bữa này!

Kha mỉm cười:

– Chuyện đó tính sau, giờ uống mừng có thêm bạn! Đây là Thùy, còn tôi Kha.

– Tên tôi là Cam.

Người đàn ông tự giới thiệu với cái cúi đầu khẽ rất trang trọng.

Sau một lượt bia, Thùy rụt rè hỏi ông Cam:

– Xin lỗi, lúc nãy chị có cho tụi tôi biết anh đối xử với cây quýt đó như với đứa em. Nói thật là nghe xong tụi tôi không hiểu chi hết.

Ông Cam gật đầu:

– Phải, tôi biết là khó để hiểu cách đối xử như vậy. Nhưng nếu biết chuyện gia đình tôi, hẳn anh và chị sẽ đồng ý rằng cái cây đó nhất định tôi phải chăm như chăm đứa em.

Kha hăng hái đề nghị:

– Cho tụi tôi nghe chuyện của ông anh đi!

Ông Cam gọi thêm bia, rồi bắt đầu.

*

 “Làng quê tôi nằm trong một vùng chuyên canh cam và quýt. Dân làng có cái ăn cái mặc, con cái được học hành đều trông vào hai loại cây cho trái này. Từ chỗ dân làng biết ơn cây, bọn trẻ chúng tôi nhiều đứa trùng tên, Cam-Cam, Quýt-Quýt. Nhà tôi có hai con trai, nên tôi là Cam, còn em tôi là Quýt.

Từ năm sáu lăm máy bay Mỹ bắt đầu rải chất độc khai quang vùng quê tôi, những vườn cây mất mùa liên tiếp, cả làng lâm vào cảnh nghèo đói. Hơn một nửa trẻ con phải nghỉ học. Phần tôi gặp may. Chú ruột tôi, một trung sĩ quân đội Sài Gòn, đã đưa tôi vào Huế nuôi ăn học. Hai năm sau, chú chết trong trận Mậu Thân. Lúc đó làng tôi đã thuộc quyền kiểm soát của quân giải phóng, còn tôi học năm cuối bậc trung học. Tôi không muốn quay về nhà trước khi thi tú tài, nhưng ở lại Huế thì biết nương tựa vào ai. Trong rủi có may, một sĩ quan chỉ huy của chú tôi trước đó, đã giúp tôi bằng cách thuê làm gia sư cho con gái, mà tôi vinh dự giới thiệu là bà xã tôi bây giờ. Nhờ vậy, tôi có thể tiếp tục việc học và thi đỗ. Gần như ngay sau đó tôi bị động viên, đeo lon chuẩn úy, rồi được điều đến một tiểu đoàn đóng ở phía Nam tỉnh Quảng Trị.

Thời gian đó quân đội Sài Gòn đã chiếm lại khu vực có làng tôi, nhưng chỉ kiểm soát được vào ban ngày, từ hoàng hôn đến sáng hôm sau xem như thuộc về quân giải phóng. Dầu sao, tôi đã có thể về nhà vào ngày giỗ cha. Những lần như thế, tôi thường đưa vài chiến hữu cùng về, súng ống kè kè bên người suốt chuyến đi. Và lần nào cũng thế, sau lễ giỗ, mẹ tôi chia con gà cúng làm đôi, một nửa dọn cho bọn tôi, nửa kia đặt lại trên bàn thờ.

Có lần mấy người bạn muốn ăn thêm, tôi nhìn đồng hồ nói muộn rồi, bọn mình phải về đơn vị trước khi Việt Cộng xuất hiện, tới chợ Đông Hà muốn nhậu mấy con gà tôi cũng ô-kê. Thật ra tôi muốn giấu chuyện mẹ tôi luôn để dành nửa con gà cúng kia cho em tôi, thằng Quýt, chỉ huy du kích xã, và tôi tôn trọng luật không thành văn của mẹ. Nhưng với mọi người thì đó là một bí mật, bởi nó có thể hủy hoại tương lai của tôi. Trong hồ sơ cá nhân, tôi khai Quýt đã chết hồi mới mười ba tuổi bởi bệnh đậu mùa.

Hàng đêm, trước khi đi ngủ mẹ tôi thắp hương bàn thờ cha tôi, lâm râm khấn cầu ông phù hộ cho thằng Cam được bình an vô sự, xong, cầu ông phù hộ cho thằng Quýt cũng bình an vô sự. Một lần tôi đùa: – Mẹ ơi, đừng đặt cha tụi con vô thế khó xử như vậy!

Rồi một năm tôi về làng giỗ cha, vẫn với các chiến hữu tháp tùng yểm trợ. Lần này mẹ tôi đã dọn cho bọn tôi nguyên con gà cúng. Tôi bật khóc biết em mình đã bị giết. Nhưng tôi phải lu loa trước mặt mọi người là tự nhiên thấy nhớ ông già. Sau đó một lúc, tôi tìm gặp riêng mẹ:

– Lúc nào vậy?

– Đêm qua.

– Xác đâu?

Mẹ tôi không trả lời, đưa mắt kín đáo nhìn ra cửa sổ. Tôi nhìn theo: vườn nhà tôi vẫn là bãi tha ma của loài cây cam-quýt chết trắng, nhưng tôi bất ngờ bắt gặp ngoài đó một cây quýt non lá xanh nõn.

Mẹ tôi thì thầm:

– Mẹ lén chôn em con trong vườn nhà, không dám đắp mộ cho nó, sợ bị phác giác. Mẹ nghĩ, em con tên Quýt, thì trồng cây quýt lên chỗ nó nằm để làm dấu. Vậy là mẹ vô tới Huế xin được một cây, không biết sau ngần ấy năm thuốc khai quang có còn làm chết cây không nữa.

Mẹ tôi không bao giờ biết Quýt rồi sẽ được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang và hài cốt của nó được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ của xã sau năm bảy lăm, bởi bà đã mất trước đó.

Khi tổ chức bốc hài cốt Quýt ở vườn nhà, người ta đã đào bật gốc quýt, xô dạt sang một bên. Sau năm năm ở trại học tập dành cho sĩ quan chế độ cũ, tôi trở về thấy cây quýt dẫu nằm nghiêng gần sát mặt đất vẫn sống như một phép mầu. Nghĩ nó là một phần máu thịt của đứa em tôi, tôi đã đưa về đây, tạo dáng bon-sai để được gần gũi, chăm sóc, gần hai mươi năm rồi đó.

Chào tạm biệt vợ chồng ông Cam, Kha và Thùy lên xe tiếp tục hành trình. Khi quán ăn bên đường đã khuất tầm nhìn, Kha nói với Thùy:

– Nếu dựa vào câu chuyện vừa nghe để viết truyện ngắn, thì theo anh, nhân vật chính sẽ phải là người mẹ, em nghĩ sao?

Thùy ngẫm ngợi một lúc mới gật đầu bảo với câu chuyện như vậy không phải ai cũng nghĩ theo hướng đó. Rồi cô mỉm cười:

– Em chờ đọc truyện của anh.

*

Truyện thứ ba cũng lấy cảm hứng từ một phụ nữ vô danh. Truyện này Kha viết theo chuyện kể của một bác sĩ quân y quân đội Sài Gòn:

“Cuối tháng ba năm bảy lăm ở Đà Nẵng, bệnh viện tôi phục vụ quá tải. Suốt ngày đêm chúng tôi tiếp nhận thương binh chuyển về từ các mặt trận vùng ven. Gần một phần ba trong số họ đã chết trên đường di chuyển bởi. Nhà xác bệnh viện không đủ chỗ cho tất cả, những tử thi đến sau đành phải xếp trên các hành lang. Chẳng mấy chốc chúng tôi không còn thấy buồn nôn hay khó thở bởi những vũng máu ứa ra từ xác chết, đọng thành vũng tanh tưởi dưới chân.

Ngày trước ngày thành phố thất thủ, giám đốc bệnh viện ra thông báo kêu gọi thân nhân của tử sĩ đến bệnh viện nhận xác, tự đưa về chôn cất, một việc chưa từng xảy ra trước đó. Bởi ông giám đốc biết quân giải phóng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, không còn thời gian cho thủ tục hành chính hay nghi thức truyền thống.

Những người vợ, những bà mẹ lính nghe được thông báo trên sóng phát thanh, truyền hình hoặc tin đồn liền đổ đến bệnh viện. Người tìm thấy xác chồng xác con, khóc than ký nhận đưa về. Người không tìm thấy xác, khóc trong hy vọng mong manh. Lính bị thương nhìn cảnh tượng chung quanh, cũng khóc theo. Hỗn loạn và tang tóc chưa từng thấy. Mải đến chín giờ tối, khi mọi người giải tán, bệnh viện mới trở lại yên ắng.

Đêm đó tôi trực nhà xác, từ mười giờ đến hai giờ sáng. Rốc-két rít trên đầu và nổ đâu đó phía xa, cả âm thanh dễ nhận của tiểu liên AK-47 cũng đã vẳng đến tai. Có thể đoán là quân giải phóng càng lúc càng tiến sâu vào nội thành. Vậy mà tôi không mở mắt nổi, cứ chực ngủ gật. Sau gần một tuần liên tục phẫu thuật tôi hoàn toàn kiệt sức, không nhớ mình đã ăn lúc nào, ngủ lúc nào.

Thế rồi tôi bị kéo ra khỏi cơn ngủ gật bởi một tiếng thở dài. Hình như nó phát ra từ phía góc xa của nhà xác. Tôi cố mở to hai mắt nặng như chì để nhìn về hướng đó, nhưng chỉ thấy những xác chết chưa được thân nhân nhận về nằm bất động dưới khăn liệm trắng.

Giờ thì đến lượt tôi thở dài nhẹ nhõm, như vừa nuốt trôi cục nghẹn trong cổ. Sau đó cơn buồn ngủ mất hẳn, tôi nhặt tờ báo ai bỏ lại trên bàn trực, đọc vu vơ trang này trang khác chỉ để giết thời gian. Tin chiến sự nào vừa lên báo thì cũng đã lạc hậu so với những gì đang diễn ra ngoài mặt trận. Nhưng tôi tiếp tục đọc, kiên nhẫn chờ ngày mới đang đến gần. Đêm thật là dài nếu phải ngồi canh những xác chết còn rỉ máu. Nhưng rồi tôi tự hỏi tại sao mình lại ngồi chờ ngày mai khi mọi chuyện đã quá tệ hại. Có lẽ tôi tin là điều tệ hại nhất vẫn chưa xảy ra.

Tiếng thở dài lại vẳng vào tai tôi, lần này rõ hơn, và không thể là nghe nhầm. Tôi rời mắt khỏi tờ báo, nhìn về góc xa của nhà xác, nơi phát ra tiếng thở dài. Một xác chết đội tấm khăn liệm đang từ từ ngồi dậy. Tôi dụi mắt, hy vọng các thứ quỷ quái đó chỉ là ảo ảnh, là hậu quả của những đêm thức trắng bên bàn mổ. Nhưng không có gì phủ nhận được sự thực là trước mắt tôi xác chết đã đứng lên. Vẫn trùm khăn liệm, hắn cất những bước chậm, nặng nhọc đi về phía tôi. Tôi đứng lên, bước lùi ra phía cửa. Bàn tay phải tôi đặt lên khẩu súng ngắn đeo bên hông, nhưng tôi không còn chút khí lực để rút nó ra khỏi bao. Hai chân tôi bắt đầu run, không đỡ nổi sức nặng của tôi nữa. Nỗi khiếp sợ đã hoàn toàn đánh sập ý chí của tôi.

– Quỷ nhập tràng! Quỷ nhập tràng!…

Tôi bất ngờ bật lên được tiếng kêu báo động. Sự kết nối thành công với thế giới người sống giúp tôi hồi phục phần nào sinh lực. Tôi lao ra cửa, chạy vào sân lớn của bệnh viện. ‘Hắn’ lập tức đuổi theo sau lưng tôi, cho đến khi tôi trượt té nằm chỏng gọng trên sân thì ‘hắn’ dừng lại.

– Cứu tôi! Có ai cứu tôi với!…

Tiếng kêu của tôi đánh thức cả bệnh viện. Đèn ngoài sân, đèn trong phòng bật sáng gần như cùng lúc và có vài người chạy về phía ‘chúng tôi’.

– Ôi trời đất! Quỷ nhập tràng!

Ai đó kêu lên khi trông thấy ‘hắn’ khiến những người khác dừng lại. Thay vì đến cứu tôi, cả bọn chạy trở lui, miệng la bai bãi.

– Quỷ nhập tràng!

– Quỷ nhập tràng tấn công!

Tất tật, từ bác sĩ đến thương binh, người trông thấy quỷ nhập tràng cũng như người chẳng thấy gì, đều chạy tán loạn, thậm chí người bị cưa chân cũng bò lết tìm đường sống.

Tiếng người la hét cuống cuồng, tiếng sập cửa phòng rầm rầm bỗng như một đòn giáng mạnh vào đầu tôi, kéo tôi khỏi trạng thái khiếp nhược. Cuối cùng tôi cũng rút được súng ra khỏi bao, giương thẳng vào đầu con quỷ nhập tràng lúc này chỉ còn cách tôi vài bước chân. Ngay trước khi tôi bóp cò, một cơn gió mồ côi cuốn tấm khăn liệm bay lên, phơi lộ một thiếu phụ đứng sững trên mặt đất. Tôi nhận ra đó là vợ của một anh lính tử trận.

Về sau, tôi có thêm thông tin về người đàn bà bất hạnh. Một ngày trước khi có thông báo của bệnh viện, nhà chị đã thành tro bụi trong một trận pháo kích. Chẳng còn gì để lo hậu sự cho chồng, điều duy nhất chị có thể làm là trốn dưới khăn liệm để được ôm ấp anh ấy đêm cuối trên dương thế.”

*

 Nhân vật trong truyện thứ tư là Lan, một phụ nữ Kha đã gặp, dẫu có phần muộn, vì cô đã đãng trí từ mấy năm trước, không còn khả năng giao tiếp. Nhân vật chính thứ hai trong truyện, Trung, đóng vai người dẫn chuyện. Trong thực tế cũng vậy, Trung là người biết rõ về Lan và đang chăm nuôi cô như một người chị bất hạnh.

Dạo ấy, nhà xuất bản có kế hoạch in một đầu sách về những doanh nhân trẻ thành đạt, đánh dấu thành tựu của kinh tế Việt Nam trong năm năm đầu tiên thực hiện chính sách cải tổ và mở cửa. Kha tham gia dự án, theo đó anh sẽ viết bút ký về một nhân vật được chọn đọc báo cáo tại hội nghị doanh nhân trẻ toàn quốc.

Trước khi đến hội nghị, Kha lướt qua tập kỷ yếu, và anh thấy thú vị với những dòng giới thiệu về Trung, một anh chàng ba mươi hai tuổi, thành công trong dự án phủ xanh đất trống đồi trọc, trồng mới hàng chục nghìn hecta rừng cây công nghiệp. Nhưng khi hội nghị khai mạc Kha mới biết nhân vật của mình vắng mặt. Trung đã đến hội nghị nhưng phải quay về trang trại ngay bởi nhận được tin chị của anh đi lạc vào rừng. Dù vậy, Kha quyết định đi tìm Trung thay vì chọn một ‘điển hình’ khác. Hơn nữa, Kha nghĩ hẳn sẽ thú vị hơn nếu phỏng vấn Trung ngay giữa những cánh rừng trồng của anh ta.

Kha mất gần hai giờ ô-tô từ Đà Nẵng lên trang trại của Trung ở vùng bán sơn địa huyện Hòa Vang. Nhận được cuộc hẹn trước đó qua điện thoại, Trung đích thân đánh xe ra đón nhà văn tại cửa rừng.

Vừa gặp nhau, Kha hỏi thăm tình hình bà chị đi lạc.

– Cám ơn anh, tìm được rồi, may chưa xảy ra điều gì đáng tiếc.

Trung đáp rồi đề nghị:

– Sao anh em mình không uống với nhau một ly vì tin vui?

Trung đưa Kha ngang qua văn phòng dự án, đi về phía hồ cá sát bìa rừng. Trên đường, Kha thấy một phụ nữ trung niên ngồi dưới gốc phượng, không quan tâm đến những cánh hoa đang rụng rơi trên tóc, trên vai và cũng không phản ứng gì rõ rệt trước cái gật đầu chào của Kha, mắt nhìn anh nhưng cái nhìn như gửi đến một nơi nào phía sau anh. Trung nói:

– Đừng bận tâm, chị Lan tôi đã như vậy mười năm nay rồi.

– Vậy đó là người vừa đi lạc vào rừng?

Trung gật đầu.

Bên lò than tỏa khói trắng, cô công nhân đang nướng cá vừa vợt lên từ hồ, mùi thơm tỏa khắp. Gần đó, bàn nhậu đang được bày ra với một chai whisky. Kha nghĩ thầm: rượu gạo bắt đầu được thay thế bởi rượu nhập khẩu, ít ra là trong giới doanh nhân. Kha bắt đầu vào việc sau khi hai người cụng ly:

– Ông bạn quá trẻ để làm một doanh nhân thành đạt.

Trung lắc đầu:

– May mắn thôi anh ơi.

– Trước khi quyết định viết về anh tôi đã tìm hiểu chút đỉnh, theo đó, có thể nói anh đã bắt đầu từ thất bại để đến thành công.

– Anh biết chuyện tôi bị khai trừ Đảng?

– Có, anh đã làm giả một bộ hồ sơ vợ liệt sĩ.

– Đúng, hồi tôi làm trưởng phòng thương binh xã hội của huyện.

– Tôi không có chi tiết về vụ đó, anh làm hồ sơ cho bà cụ?

– Bản thân mẹ tôi là liệt sĩ, giả gì nữa?

– Chị Lan?

– Đúng, nhưng chị ấy thật ra không phải chị ruột tôi.

– Vậy thì chuyện không đơn giản như tôi nghĩ. Anh có thể nói rõ hơn không?

*

“Chị Lan hơn tôi mười lăm tuổi, vì thế từ bé tôi đã xem như chị của mình. Nhà chị cách nhà tôi mỗi hàng chè tàu. Tôi sống với bà nội, còn chị thui thủi một mình. Bà tôi quý chị lắm. Cả hai người cưng chìu tôi, trừ một chuyện, lại là chuyện tôi ưa thích nhất trong thời thơ ấu: đưa tôi đi xem văn nghệ. Tôi đang nói đến những đêm có đoàn ‘văn nghệ tâm lý chiến’ trước bảy lăm ghé đến xã tôi biểu diễn, mỗi tháng một lần.

Nhà chúng tôi gần như tách biệt khỏi cộng đồng, ở xa khu trung tâm xã. Những đêm đi xem văn nghệ tôi phải một mình vượt qua cánh đồng mênh mông vắng để đến sân bóng đá, nơi có một sân khấu ngoài trời bằng bê-tông dành cho các hoạt động văn hóa của xã. Tôi chạy băng qua cánh đồng, lòng ngập tràn nỗi sợ yêu ma, và căm ghét lũ ệnh oạng nối nhau kêu ồm ộp như muốn chỉ điểm từng vị trí bước chân tôi trong đêm tối. Nhưng nỗi háo hức luôn thắng sợ hãi. ‘Văn nghệ tâm lý chiến’ là hoạt động giải trí hấp dẫn và gần như duy nhất ở vùng nông thôn thời bấy giờ.

Chẳng cần nghe thông báo từ cái loa sắt rè rè tôi cũng biết chính xác khi nào đoàn văn nghệ đến xã. Là vì lần nào trở lại gã trưởng đoàn cũng tạt qua nhà chị Lan trước tiên. Hắn chòng ghẹo, làm khó dễ đủ điều, rồi mượn chị cái mũ cối đồng phục thời Việt Minh làm đạo cụ sân khấu. Ai cũng biết dù căm ghét gã tâm lý chiến thì chị Lan cũng phải giao cái mũ cho hắn, bởi đó là ‘lệnh’, là một lối đối xử ngầm ý răn đe dành cho người có liên hệ với Cộng sản.

Chiếc mũ ấy là kỷ vật mà người chồng chưa cưới của chị Lan để lại cho chị trước khi lên đường tập kết ra Bắc năm năm tư, là năm chị tròn mười chín tuổi. Kể từ đó chị âm thầm chờ đợi ngày trở lại của anh, mà theo Hiệp định Genève sẽ xảy ra hai năm sau. Nhưng hiệp định đã không được thực thi. Miền Bắc và miền Nam chỉ có thể thống nhất vào mùa xuân bảy lăm, khi chị trở thành người phụ nữ ở tuổi bốn mươi. Trong hơn hai mươi năm đó chị Lan, người đàn bà xinh đẹp nhất huyện, đã từ chối mọi lời cầu hôn, sống lặng lẽ với chiếc mũ để lại của người chồng chưa cưới.

Một đạo cụ không thể thiếu trong các đêm ‘văn nghệ tâm lý chiến’ chính là chiếc mũ cối. Chương trình biểu diễn luôn được khép lại bằng tiết mục kịch ngắn, mà phần kết của nó bao giờ cũng có cảnh nhân vật ‘phản diện’ Cộng sản bị lính Quốc gia bắn gục, chiếc mũ cối của anh ta rơi xuống, lăn lông lốc gây thêm ấn tượng dữ dội.

Trước khi lên đường lưu diễn địa phương khác, gã trưởng đoàn trở lại nhà chị Lan trả ‘đạo cụ’. Khi còn lại một mình, chị lặng lẽ ôm chiếc mũ vào lòng, nước mắt rơi thầm, rồi cũng lặng lẽ, chị treo mũ trở lại trên vách, ngay đầu giường chị.

Như mọi đứa trẻ, tôi chưa đủ nhận thức để hiểu thấu những đòn roi tâm lý hay tuyên truyền chính trị. Chỉ là đứa nhỏ mê kịch, tôi không muốn bỏ lỡ đêm văn nghệ nào, cho đến một đêm.

Như thường lệ, cuối vở kịch, nhân vật Cộng sản bị giết, chiếc mũ cối rơi xuống, lăn lông lốc. Khi tôi vỗ tay tán thưởng như nhiều khán giả khác thì nghe lọt câu chuyện thầm thì của hai người đàn ông ngồi phía sau.

– Cảnh này làm tôi nhớ cha thằng Trung quá à!

– Ừ, ảnh cũng bị bọn Quốc gia bắn chết ngoài bờ sông.

– Mới đó đã mười năm.

Những lời qua lại đó như một đòn chí tử giáng vào tim óc, tôi choáng váng suýt ngất. Khi thoát khỏi trạng thái tê dại, tôi vùng dậy chạy về nhà. Vừa khóc tôi vừa hỏi bà chuyện tôi nghe có đúng với sự thật về cha tôi hay không. Thay vì trả lời, bà ôm chặt tôi vào lòng, cùng khóc. Nước mắt bà tôi, người từ lâu không còn khóc, đã chứa đựng đầy đủ sự thật mà tôi nôn nóng tìm kiếm.

Chị Lan từ nhà bên nghe tiếng khóc vội chạy sang. Đoán được chuyện gì xảy ra khi thấy tôi vừa trở về từ buổi xem kịch, chị ôm hai bà cháu, khóc theo.

Từ đó, những đêm có ‘văn nghệ tâm lý chiến’, hai bà cháu và chị Lan ngồi xúm bên nhau dưới mái hiên nhà tôi hoặc nhà chị, vừa chuyện trò trong bóng tối vừa ăn khoai luộc hay bắp nướng tùy mùa vụ. Tuy nhiên, lần nào cũng vậy, tiếng súng chết chóc kết thúc vở kịch sẽ bay suốt cánh đồng hoang và trúng vào tim óc chúng tôi, làm cả ba khựng lại, nghẹn ngào hồi lâu. Chính những phát súng đó thúc bách tôi trở thành một Việt Cộng nhỏ tuổi nhất huyện này.

Rồi mùa xuân năm bảy lăm đến, mùa mà nhiều nhà thơ nhà văn xưng tụng là mùa xuân đoàn tụ, thì chị Lan vẫn không nhận được tin tức nào về người chồng chưa cưới. Lời hẹn ‘hai năm nữa anh về’ từ năm năm tư của người ra đi đã bị lịch sử kéo dài tới hai mươi năm, và không ai biết liệu ảnh còn sống hay đã chết. Chiếc mũ cối treo đầu giường chị Lan vẫn chưa có chủ. Chị tôi cũng vậy. Vẻ đẹp, và cả niềm hy vọng đoàn tụ của chị lụi tàn theo năm tháng. Chị trở thành người đãng trí, rồi mất khả năng lao động, lâm vào cảnh túng thiếu trong đời sống hàng ngày.

Lợi dụng vị trí trưởng phòng thương binh xã hội của huyện, tôi đã làm giả một bộ hồ sơ vợ liệt sĩ để giúp chị Lan sống bằng tiền trợ cấp chính sách. Chẳng bao lâu, việc làm của tôi bị phát hiện và tôi bị kỷ luật như anh đã biết. Sau vụ đó tôi rời bỏ công tác chính trị, trở thành doanh nhân…”

Kha để ý giọng của Trung bình thản đáng ngạc nhiên khi kể những đắng cay đời mình. Có lẽ anh ta đã vượt qua được những rào chắn buồn của quá khứ.

Trung gợi ý:

– Ly nữa?

Kha gật đầu nhưng vẫn chưa thoát khỏi câu chuyện:

– Vậy là anh đưa chị Lan về nhà chăm sóc?

Sau một lúc im lặng và với vẻ chiêm nghiệm cuộc đời, Trung trả lời Kha bằng giọng hùng biện, như thể một lần nữa khẳng định với chính mình về những gì đã làm cho chị Lan là đúng đắn:

– Phải, và đó cũng là điều tôi muốn làm. Nhà nước có chính sách cho vợ liệt sĩ, còn tôi chỉ lo được cho một người vợ chưa cưới chung thủy bị lãng quên, có đáng gì đâu anh?

*

Chất liệu truyện thứ năm Kha có được từ Cường, người bạn định cư ở Mỹ. Năm tám lăm Cường trở lại Việt Nam với tư cách nhân viên kỹ thuật chương trình tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh. Dịp này, Cường tìm thăm Kha và tâm sự về chuyến đi.

“Mình trở về Quảng Trị giữa mùa khô, làm mình nhớ mùa khô năm bảy hai, thời điểm quân đội Sài Gòn bị đánh bật khỏi thành cổ Quảng Trị. Hôm ngồi trên xe đoàn MIA chạy qua cầu Mỹ Chánh đi Khe Sanh, mình bồi hồi nghĩ về ba, một thượng sĩ già liều mạng dưới hai làn đạn chạy về nhà gần cầu, đưa vợ con tản cư vào Huế, nơi mình đang theo học đại học sư phạm. Thật khó tả tâm trạng khi đi trên cây cầu tuổi thơ mà nhiều năm rồi mình không dám tin sẽ có ngày trở lại.

Khi còn sống ba mình thường bảo đã làm người thì phải cố quên đi một vài góc tối trong ký ức để tiếp tục sống. Mình đã làm như vậy, nhưng rồi nghiệm ra con người không thể kiểm soát được ký ức, còn quá khứ thì không hoàn toàn mất đi mà có thể hồi sinh vào lúc bất ngờ nhất. Ký ức chiến tranh cũng vậy. Những người sống sót qua cuộc chiến thường trào nước mắt mỗi khi nhớ nghĩ về quá khứ. Lần đầu nhìn thấy cầu Mỹ Chánh sau chừng ấy năm và sau bao vần xoay con tạo nước mắt mình đã chảy.

Đó là nước mắt thật sự. Nói vậy vì mình đã hỏng mắt trái trong một tai nạn giao thông bên Mỹ, từ đó, mỗi sáng tối nước mắt mình lại chảy khi mang vào tháo ra con mắt giả. Nhưng mình không gọi đó là nước mắt, bởi nó không chảy ra từ hạnh phúc hay khổ đau. Còn lúc gặp lại cây cầu gần mái nhà xưa, dù nay không còn dấu vết, thì nước mắt mình là một hỗn hợp cảm xúc của niềm vui lẫn cay đắng. Như mạch mồi mùa khô hạn, nước mắt mình ráo nhanh đến mức khó tin là nó đã chảy ra.

Hôm sau, khi kết thúc phiên trực, mình đi bộ từ điểm khai quật tìm hài cốt ra Đường Chín, là nơi có thể đón xe xuống Đông Hà uống bia lạnh và vui vẻ với mấy em. Trước chuyến đi mình không thể hình dung có gái mại dâm hoạt động gần như công khai trong một thị xã bé nhỏ tại một đất nước xã hội chủ nghĩa như nước mình.

Đứng chờ đến lúc mặt trời sắp lặn vẫn không đón được xe, mình đành bước vào cái quán lụp xụp bên kia đường.

Khi vào, mình thấy ba người đàn bà đang ngồi dưới mái hiên. Mình đoán người lớn tuổi nhất, khoảng năm mươi, là chủ quán vì chị này đặc sệt giọng Quảng Trị. Hai người còn lại, tuy ngoài ba mươi, trông còn duyên và ra vẻ thị dân. Mình đoán hẳn họ là khách qua đường. Rồi nghe họ nói, mình biết một người từ ngoài Bắc vào, còn người kia ở Nam bộ ra. Nhưng mình không thể nghĩ được điều gì đã đưa họ đến nơi xa xôi heo hút này để ngồi bên nhau. Trong khi đó, ba người đàn bà không giấu được vẻ ngạc nhiên khi mình xuất hiện, như thể cái quán không dành cho loại khách như mình. Tuy nhiên, mình đã được phục vụ theo một cách không nhà hàng nào trên thế giới có được: cả ba chị đàn bà xúm lại, người quạt lò, người nướng khô mực, người lấy bia bỏ đá lạnh cho khách.

Xong việc, họ lại ngồi bên nhau, nhưng chuyển vào chỏng tre nhỏ phía sau, nhường cái bàn duy nhất ngoài hiên cho mình. Quay lưng về phía họ, mình ngắm phong cảnh bên ngoài và thưởng thức bia. Dẫu không cố tình dõi theo, chuyện của họ cứ lọt vào tai mình, và mình dần dần biết được đôi phần về đời họ.

Khoảng mười năm trước, hai người đàn bà mà mình đoán là khách vãng lai, một từ thị xã Thái Bình một từ thành phố Cần Thơ, tình cờ gặp nhau ở ga Quảng Trị. Cả hai đều trên đường tìm kiếm hài cốt thất lạc của chồng, hai người lính tử trận tại chiến trường Quảng Trị năm bảy hai. Một người là bộ đội miền Bắc và một người là lính miền Nam, cả hai nằm lại đâu đó trên Đường Chín. Sau những lần tình cờ gặp nhau, hai góa phụ thành hai người bạn, bởi họ có chung nỗi đau quá khứ cũng như có chung mục đích khi đến chiến trường xưa Quảng Trị. Và họ rủ nhau trọ ở quán này vào mỗi mùa khô, mùa họ dành cho việc đi tìm hài cốt chồng.

Mình bỗng giật mình bởi nghe tình huống mới trong câu chuyện. Người đàn bà giọng Bắc buồn bã nói rằng kể từ năm sau cô không thể tiếp tục vào Quảng Trị nữa. Tình hình kinh tế gia đình mỗi năm mỗi sa sút, cô phải chắt chiu từng đồng cho con vào đại học. Quan trọng hơn, cô gần như mất hết hy vọng trong tìm kiếm. Chính quyền địa phương đã nhiệt tình giúp đỡ trong bao năm nhưng vẫn không có kết quả. Tình cảnh người đàn bà giọng Nam còn phức tạp hơn. Trên đất nước này chẳng có tổ chức nào lưu giữ thông tin tử sĩ của quân đội Sài Gòn, như trường hợp chồng cô. Và người chồng sắp cưới đang sống bên Mỹ vừa hoàn tất thủ tục định cư cho cô, nên không biết khi nào cô mới có thể quay về đây tiếp tục tìm kiếm hài cốt người xưa.

Người đàn bà giọng Nam đột ngột cắt đứt câu chuyện đang vào hồi bế tắc, nói với người đàn bà giọng Bắc:

– Chị ơi, lấy chồng đi.

– Ôi dào, quá lứa để làm chuyện đó rồi.

– Để em xem… Ôi, săng dầy như vầy thiếu gì đàn ông mê!

– Nhột, bỏ tay ra nào!

Người đàn bà giọng Bắc cười nắc nẻ. Bà chủ quán cũng cười theo nhưng nhắc nhở:

– Này, hai đứa bây, có đàn ông đàn ang trước mặt tề, dị òm!

Ba người đàn bà ôm nhau cười rúc rích sau lưng mình. Tiếng cười phá vỡ tĩnh lặng hoàng hôn Đường Chín, nhưng nghe ra không hẳn là vui. Bà chủ quán bỗng nói:

– Tao đi nấu cơm.

Mình nghe tiếng bước chân đi xuống bếp, chỉ một lát sau đã nghe tất tả quay lên.

– Coi nè, hai đứa bây!

Mình quay lại, thấy trên tay bà chủ quán một mẩu báo cũ dùng gói hàng, nhưng giọng bà đầy phấn khích:

– Đọc đi, có tin cho hai đứa bây đó!

Người đàn bà giọng Bắc đón mẩu báo và đọc lên, những người còn lại lắng nghe, kể cả người ngoài cuộc là mình. Bản tin viết về một nhà ngoại cảm ở Quảng Nam có khả năng tìm được hài cốt thất lạc dưới mặt đất, và đã thành công với một số trường hợp liệt sĩ cũng như nạn nhân chiến tranh.

Mọi người lặng đi trong chốc lát.

Mình xúc động kỳ lạ bởi bản tin đang nhen nhúm lại hy vọng cho hai góa phụ. Trong khoảnh khắc ấy mình hoàn toàn quên mất mình là một kỹ thuật viên đoàn MIA đang tìm hài cốt lính Mỹ bằng những thiết bị điện tử hiện đại.

Bà chủ quán gợi ý:

– Hai đứa bây thử một phen cuối cùng?

Im lặng kéo dài trong quán nhỏ. Mình cũng nín thở chờ câu trả lời. Rồi người đàn bà giọng Bắc lên tiếng trước, câu trả lời đi kèm nấc nghẹn gần như không nghe được, nhưng ai cũng hiểu.

– Dạ có…

Người đàn bà giọng Nam tiếp lời:

– Em cũng vậy.

Hai góa phụ ôm lấy nhau, nương vào nhau mà khóc.

Mình không phân biệt được đâu là giọng Bắc, đâu là giọng Nam trong tiếng khóc của họ, chỉ biết là mình nghe đâu đó trong tiếng khóc kia có lẫn niềm hy vọng dựa vào một khả năng ngoại cảm mong manh.

Bà chủ vui lây, đưa ra một đề nghị mang màu mê tín:

– Nè, sao hai đứa bây không thắp hương tạ ơn trên mang lại tin lành?

Hai góa phụ ngoan ngoãn nghe lời, ngừng khóc và đi ra khỏi quán. Khi lướt qua mình họ để vương mùi thơm của trầm hương và của đàn bà.

Chưa biết hài cốt của chồng nằm ở đâu, hai người vợ đốt hương cắm ngẫu nhiên hai bên Đường Chín, là chiến trường xưa và cũng là nơi họ nghe tin chồng lần cuối.

Một điều hiếm hoi đã xảy ra với mình lúc đó. Nước mắt mình ứa ra lần thứ hai trong ngày. Và mình có thể nói chắc chắn rằng mình chảy nước mắt không vì khói hương.”

*

Đã có những lúc Kha muốn nói với Thùy anh có ý định viết một truyện ngắn về cô. Nhưng rồi anh đã không bao giờ mở lời.

 

Tác giả gửi Văn Việt

 

Comments are closed.