Cũng cần có nhau: Bản-lề Hoàng Xuân Sơn

Trangđài Glasssey-Trầnguyễn

clip_image002

 

Hoàng Xuân Sơn. Một cái tên vững chãi, thanh nhàn, tươi thắm. Âm thanh trong trẻo.

Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trước một ngọn núi vào Xuân, hoa vàng phun trào. Hãy mang theo hình ảnh đó khi bạn bước vào Cũng cần có nhau, phóng bút của Hoàng Xuân Sơn. Bước vào một tâm thức ‘bên-lề’, như tác giả nói. Ông đã chiếm cho mình sự tự do hoàn toàn: không chọn hồi ký, không đứng giữa dòng. Chỉ phóng bút, kể chuyện bên lề (tr. 13). Tuy khiêm cung tự coi mình là “một kẻ làm thơ lưng chừng ở sự lười biếng” (tr. 11) nhưng Hoàng Xuân Sơn đã nhuộm thi tính vào từng trang trong tập sách Cũng cần có nhau.

Tôi không vội vàng ‘tin’ ông, dù ông nói với độc giả, “Bạn ạ! Xin bạn đừng mong mỏi bắt gặp được gì hay ho văn vẻ từ đây. Người ghi chép chỉ mong bạn tình cờ gặp lại, sống lại một vài giây phút thân quen mà năm tháng đã làm cho phôi pha. Tất cả sự kiện được ghi chép lại, hi vọng cũng có thể mới mẻ đối với một vài bạn khác. Chúc bạn khám phá một vài ngạc nhiên thích thú và chiêm nghiệm rằng chúng ta đã có một thời như thế. Một thời để yêu và để sống. Những gì có tính cách riêng tư nếu làm phiền lòng bạn, cũng xin hoan clip_image004hỉ bỏ qua (tr. 12).

 

Nhưng tôi đi theo ông. À, thì thử đứng bên lề với tác giả xem sao! Đứng bên lề, Hoàng Xuân Sơn sẽ thấy nhiều điều mà người đang ở giữa dòng không thấy được. Như một phó nhòm muốn thu toàn cảnh, ông lùi lại, bước qua một bên, để thấy mình đang đi giữa dòng với mọi người. Mà vẫn đứng bên lề. Một sự phân tâm và phân thân nhất quán.

Cũng cần có nhau dắt tôi đi qua những cuộn phim chiếu chậm có bình luận về một giai đoạn lịch sử nhiều sóng gió. Hoàng Xuân Sơn là người cầm máy quay, dùng góc nhìn kiểu phim tài liệu Châu Âu – đi thụt lùi phía trước, đối diện với người trên màn ảnh, bấm máy, và quay. Có lúc, ông lãng mạn, rừng rực sức sống thanh niên, bừng dậy những ước mơ, manh nha những hy vọng. Có lúc, ông chĩa ống kính vào sự yếu vía, ghi lại những rùng rợn của người bị ma nhát. Lắm lúc ông nhảy tưng tưng, lang bạt theo sức căng tràn tuổi trẻ, và ở đoạn này, cuốn phim chạy mau hơn bình thường. Có lúc ông chùn chân, chậm chạp đứng nhìn những hoang tàn, tan vỡ. Nhưng lúc nào cũng có hai Hoàng Xuân Sơn: một người trong cuộc, một người bên lề.

Hoàng Xuân Sơn đối với tôi là một khoảng cách nhiều giai tầng. Ông thuộc vài thế hệ trước, sống trong một giai đoạn lịch sử hoàn toàn khác, được thừa hưởng di sản văn chương từ người thân là Học giả Hoàng Xuân Hãn (Ba tôi yêu và có khiếu văn chương, nhưng là một quân nhân, không cầm bút), và là một người nam. Sinh hoạt thanh niên của ông đầy tự do và sinh khí, không như tuổi trẻ tù-tại-gia của chúng tôi sau 1975, bị cấm nghệ thuật văn hoá, bị cấm họp mặt, trừcác buổi họp đoàn và đội ở trường. Nếp sống thanh niên tự do của ông xa xôi lắm so với nếp sống mà Mẹ tôi, lúc đó một nách năm con dại nuôi chồng cải tạo, đã cho phép chúng tôi. Có lẽ vì Mẹ tôi là nhà giáo. Cũng có thể vì Mẹ tôi phải bảo vệ các con giữa hoàn cảnh đổi đời lúc đó, không muốn con cái tự chuốc hoạ vào thân. Lúc đó, chạy gạo cho con thì Mẹ cũng đủ tiêu điều. Mẹ tôi không dám để con mình khổ. Sau này, khi Ba tôi đã đi vượt biên và định cư ở Mỹ, Mẹ có tài chánh để mời Thầy về dạy nhạc cho Chị cả của tôi, nhưng đều là những âm thầm lén lút. Chúng tôi lớn lên trong sự bảo bọc và giáo huấn kỹ càng của mẹ.

Nên khi Hoàng Xuân Sơn căng tràn tiếng hát, vùng vẫy trời mơ, thì tôi thật sự ‘nhập vai’ của kẻ bên lề. Những cảm xúc mơ mộng của Hoàng Xuân Sơn về một “Nữ hoàng chân đất” hay bất cứ một người nữ nào khác cũng rất xa xôi đối với tôi. Trong nhiều điều ông viết, tôi thật sự là người-đọc ‘bên-lề’, nghĩa là – tôi đứng bên lề đến hai lần: khi theo ông nhìn từ góc độ ‘bên lề’ trong Cũng cần có nhau, và với tư cách một độc giả nữ.

Tuy vậy, những câu chuyện và nhân vật trong Cũng cần có nhau không quá ‘xa lạ’ đối với tôi, vì tôi đã đi tìm những mảng đời này trong nghiên cứu về người Việt hải ngoại từ thập niên 1990 qua những Dự án tôi đã sáng lập như Dự án Việt Mỹ VAP tại Đại học Cal State Fullerton. Tôi đã thực hiện những cuộc phỏng vấn kéo dài nhiều giờ các vị Phạm Phú Minh, Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Đức Quang bằng phương pháp lịch sử truyền khẩu từ mười lăm năm về trước. Sau này, tôi được quen nhà thơ Bắc Phong qua sự giới thiệu của Nhà báo Phan Tấn Hải, và thích những bài thơ như vườn cây bonsai của vị quản thủ Thư viện Sáng Tạo. Qua Bắc Phong, tôi gặp Nhà văn Hồ Đình Nghiêm, có dịp đọc thêm truyện họ Hồ, cùng đi những chuyến xe đò Huế liên Gò Công do ông lái, chọc phá ông trong những lần liên lạc điện thư, tra hỏi ông về những “Tảng Mạng” ông treo trên Gió O. Nên những câu chuyện trong Cũng cần có nhau bổ sung cho những tài liệu tôi đã thu thập được, và cung cấp những khung cửa mới cho căn nhà quá khứ mà tôi vẫn đang lần mò tìm hiểu. Chỉ khác ở chỗ, Hoàng Xuân Sơn tự mình ngồi viết, viết tự do, và có lẽ đối tượng của ông là những người đã cùng ông đi qua dòng sông quá khứ. Còn các vị Phạm Phú Minh, Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Đức Quang trả lời những câu hỏi mà tôi đặt ra từ vị thế của một người làm nghiên cứu, cũng như từ tâm tư của một thế hệ đi sau.

Trong quyển Brain Rules for Baby của Tiến sĩ John Medina, một nhà sinh học phân tử về phát triển (a developmental molecular biologist), tác giả đã xác nhận, bạn bè là yếu tố quan trọng cho hạnh phúc cá nhân. Vậy thì, Hoàng Xuân Sơn là một người rất hạnh phúc, vì ông có rất nhiều bạn tâm giao. Người đọc nào bao dung cũng sẽ hạnh phúc chung với ông.

Một trong những người bạn thân đó là Trịnh Công Sơn. Nếu Hoàng Xuân Sơn nói Trịnh Công Sơn có ảnh hưởng lớn trên nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam và về sau, thì cái ảnh hưởng đó, phải chăng, lộ rõ nhất ở Hoàng Xuân Sơn? Cả tập sách là một trường thiên để tôn vinh chữ và nhạc họ Trịnh. Tình bạn với Trịnh Công Sơn vượt trên những phân chia chiến tuyến, dù ngày 30 tháng Tư, khi được Trịnh Công Sơn kéo đi hát ‘Nối Vòng Tay Lớn’, ông chỉ buông một tiếng “Thôi”. Chỉ vậy. Rồi vẫn là bạn, dù có những lấn cấn ngoại cảnh. Bạn, ngay cả khi Trịnh Công Sơn đã về tháp cổ.

Cũng cần có nhau, phải chăng, là một sự vinh danh chân thành nhất dành cho Trịnh Công Sơn, vì mỗi trang đều long lanh âm nhạc và ngôn từ Trịnh. Năm 2011, Nghệ sĩ ballet Thắng Đào đã đưa Vết Lăn Trầm về Quận Cam, dùng 10 bài hát Trịnh và tiếng hát Khánh Ly trực tiếp trên sân khấu trong một chương trình ballet. Những bài hát Trịnh thôi miên người xem, dồn họ vào giữa bốn bức tường khói lửa, xô họ đến bờ vực để đối diện với cái chết, căng tai họ ra để nghe bom rơi giữa ngực trần. Cả buổi trình diễn giật lùi, giậm chân trong cái hoảng loạn của chiến tranh, giậm chân mãi cho đến nỗi đất lún sâu hơn, và người đang giậm chân ấy dần dần đứng giữa huyệt mộ, cái huyệt mộ vô vọng của chiến tranh. Hoàng Xuân Sơn không giậm chân. Ông đi tiếp. Ông theo nhạc Trịnh đi qua chiến tranh, và đi khỏi chiến tranh.

Khi được may mắn đọc Cũng cần có nhau trước khi sách được in, tôi rất thích, và nghĩ là sẽ viết ngay được vài dòng về tác phẩm. Nhưng tôi đọc, rồi viết, rồi viết, rồi đọc, mà vẫn không viết xong được. Tôi hơi bực chính mình, không hiểu vì sao cứ viết hoài mà không xong. Một trong những lý do chính có lẽ là vì cái mênh mông bàng bạc tản mác của tác phẩm. Nó không phải là một hồi ký đơn thuần, không phải sách lịch sử dù có nội dung mang đậm sử liệu, không phải sách phê bình dù đưa ra nhiều nhận định. Cũng cần có nhau là tất cả những thể loại trên.

Cũng cần có nhau là một bức thư tình mà Hoàng Xuân Sơn gửi cho những người bạn đã từng ông sống qua những chặng đường của đất nước và của thế hệ ông. Tự nhận là người bên-lề, nhưng tác phẩm của ông là một bản-lề. Cũng cần có nhau là bản-lề, giữ cánh cửa hiện tại vào ngôi nhà quá khứ, và Hoàng Xuân Sơn là người mở cửa, mời chúng ta vào thăm vùng quá khứ phía bên trong. Ông là cái bản-lề, nối cánh cửa riêng tư của CPS và Quán Văn với độc giả.

Hoàng Xuân Sơn trần tình, “Với tôi, bằng hữu là nguồn cảm hứng vô tận cho dòng bút mực viết nên. Nhiều người chỉ trích và né tránh con đường làm văn nghệ dẫn qua ngỏ thù tạc. Tôi: Tôi không làm văn chương. Tôi thèm viết ra những tâm tình từ bạn bè và cho bạn bè. Có thế. Mặc ai nói gì thì nói. Ừ! Vui biết mấy khi đời về chiều gom được tất cả những gì viết cho bạn in chung một tập dưới tựa đề THÙ TẠC nhỉ? (tr. 161-162).

Thù tạc. Cái chữ rặt đàn ông. Tôi là nữ, không cảm hết hai chữ này. Nhưng tôi cảm nhận được Cũng cần có nhau là một tập THÙ TẠC đúng nghĩa: những gì viết cho bạn, từ bao năm tháng tử sinh vui buồn bên nhau, không bị cản trở của một hình thức văn chương hay định kiến xã hội nào. Nếu vái thụng thích vái nhau, cứ vái. Nhớ, thương, quý bạn ư? Ừ, thì cứ viết cho đã thèm! Để hoa vàng phun ngập núi Xuân.

Và như vậy, kẻ bên lề có chủ đích riêng của mình. Không viết hồi ký, mà ghi lại hồi ức. Chỉ phóng bút, mà có một tâm nguyện: “Vết mực này. Mong vết mực này ghi lại được một chút thân thương, dù mỏng manh, giữa người còn sống và kẻ đã khuất” (tr. 163). Giữa những thế hệ hôm nay và những thế hệ hôm qua, giữa mảng ký ức đã úa vàng và những ngày mai phơi phới. Vì chính người viết cũng cần có người đọc, chính Hoàng Xuân Sơn cũng cần có người đồng thanh.

Kẻ bên lề Hoàng Xuân Sơn đã không còn đứng bên lề, mà chính là một bản-lề cần thiết, từ mọi góc độ. Ông đã mở ra cuộc chơi ký ức để đưa chúng ta lên núi xuân vàng.

Bạn có dám leo núi với ông già “lơ mơ đứng bên lề” này không?

Comments are closed.