Miền Hoang Tưởng (kỳ 1) – Tiểu thuyết của Đào Nguyễn

(Nhà xuất bản Đà Nẵng – 1990)

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Phần 1

Những bức thư tình

 

 

Tương dục hấp chi, tất cố trương chi

Trương dục nhược chi, tất cố cường chi

Tương dục phế chi, tất cố hưng chi

Tương dục đoạt chi, tất cố dữ chi

Thị vị vi manh

 

Sắp muốn thu rút lại, tất là sẽ mở ra đấy

Sắp muốn suy yếu đi, tất là sẽ mạnh lên đấy

Sắp muốn vứt bỏ đi, tất là sẽ đầy lên đấy

Sắp muốn cướp đoạt lấy, tất là sẽ cho đấy

Thế gọi là sâu kín sáng sủa.

 LÃO TỬ

Đạo đức kinh

  Em thương yêu,

Anh viết thư cho em trong một tâm trạng vô cùng xúc động. Đời anh đã đến một bước ngoặt. Làm sao người ta lại không xúc động khi phải chuyển hẳn nghề, chuyển hẳn vùng ở, và xa cách người mình yêu thương.

Ngà ạ, mấy hôm nay, sao anh nhớ Tây Bắc đến thế! Đêm nào cũng mơ thấy chúng mình đi giữa cánh đồng Song Quang. Những ngọn núi đã nhấp nhô hình chóp nón… Rừng xuân, hoa ban trắng xóa… những con suối trắng…Tiếng nai kêu và tiếng con vượn hú. Tiếng vượn hú buồn đến thắt tim. Trong thư em bảo: đêm nào nghe tiếng vượn hú em cũng khóc. Nhớ anh phải không?

Anh nghe nói đàn bò của em sinh sôi thêm được chục bê non. Nông trường chắc vui. Khi người ta vui như thế thì anh chuyển sang nghề khác. Nông trường đã có y sĩ mới về thay anh, thế là anh đỡ ân hận. Đội trưởng Mai bảo anh là kẻ đào ngũ. Trái lại, trong cuộc sống bao giờ anh cũng là người lính đững ở hàng đầu. Khi ở bộ đội, anh đã mấy lần bị thương nặng, suýt chết. Ba năm ở nông trường, anh là người thầy thuốc tận tụy, Giờ đây, anh trở về với âm nhạc, đó là một mê say từ thuở nhỏ mà bây giờ anh mới có điều kiện thực hiện. Anh sắp vào trường đại học âm nhạc. Sẽ khó khăn túng thiếu, rồi nhiều ngăn trở khác, nhưng không sao.

Ngà ơi! Em còn nhớ không? Ở Tây Bắc có lúc anh em mình thức suốt đêm nghe tiếng rừng thì thầm ca hát. Nhớ tiếng con suối sau nhà rì rào đối thoại cùng tiếng xào xạc rừng vầu. Nhớ tiếng con nai giác, con hổ gầm, con họa mi thánh thót. Nhớ tiếng gào man rợ của trận bão rừng, và tiếng đá đổ làm rung rinh nhà sàn, làm dựng đứng từng sợi tóc chân lông. Và nhớ nhất là tiếng của em… Ngà ơi! Nhớ cả tiếng em cười mát rượi, nhớ cả tiếng em khóc nao nao, nhớ cả giọng nũng nịu, nhớ cả giọng hát líu lo.

Có lẽ anh là thằng điên? Sao anh lại xa em được nhỉ? Sao anh lại giã từ một công việc ổn định để nhảy sang một lĩnh vực bao la mung lung mà tiền đổ thì chẳng rõ ràng. Mong em hiểu cho, anh là loại người sống vì niềm say mê, sống vì những khát vọng.

Có thể nói, lúc này anh vừa sung sướng vừa buồn phiền. Buồn vì phải xa em, xa bao la. Giờ này ở Tây Bắc em làm gì? Sao anh nóng ruột thế! Chắc là em đang nhớ tới anh. Tây Bắc ơi! Cánh hoa ban trong trắng của anh ơi! Chúa đã trừng phạt anh. Đêm qua anh mơ thấy một con người đầy hào quang đến cười và bảo anh:

“Mi sẽ bị trừng phạt. Mi tưởng âm nhạc sẽ đem đến cho mi hạnh phúc sao? Nó sẽ dẫn mi đến những bến bờ xa lạ, ở đó mi sẽ chìm trong những băn khoăn, dày vò…”

Anh là con người không tôn giáo, nhưng dạo này anh đang đọc Kinh thánh với một niềm say mê kỳ lạ. Anh đang cố nhen nhúm lên trong lòng mình nỗi khát vọng của con người. Người xưa và người nay, khát vọng xưa và khát vọng nay. Moi-xe và dân Do Thái đau khổ đã vượt qua sa mạc Si-nai đẫm máu và nước mắt. Chúng ta cũng đang cố vươn lên trong giông tố của thế kỉ hai mươi… Tỉnh dậy bàng hoàng, những giọt mồ hôi đẫm trán. Sao bỗng nhớ em đến thế. Đâu đó một điệu nhạc ngọt ngào; anh sẽ đem về cho em một giai điệu ngọt ngào hơn thế. Đâu đó một thang âm khát khao; anh sẽ đem về cho anh một nét nhạc cuồng dại đam mê bằng ngàn lần hơn thế.

Cánh hoa ban của anh ơi! Anh đang chuẩn bị một khúc hát tặng em.

Hôn em

Đêm Hà Nội, ngày… tháng …. năm ….

Nguyễn Tư

Ngà ơi!

Lá thư anh vừa viết cho em chưa hẳn là sự thật. Những dòng chữ đây mới là sự thật. Cứ mỗi lần viết thư cho em, anh đều viết hai lá, một ngọt ngào đúng như mong ước của chúng ta, một trần trụi đúng như những điều anh đã gặp ở đời. Ôi! Sao mà kinh hoàng! Mai sau, một lúc nào đó, những “dòng chữ không gửi” này nếu đến tay em, hoặc là em sẽ càng yêu anh hơn nữa, hoặc là em sẽ ghê sợ anh, ghét bỏ anh, căm thù anh vì anh đã nói dối em, vì anh đã không giống như những tưởng tượng của em.

Ngà ơi!

Anh chẳng được nhận vào một trường đại học nào hết. Trường âm nhạc không nhận anh mặc dù anh thì đỗ. Người ta không nhận anh vì Tây Bắc không cho anh đi. Đúng như em đã viết, trên đó người ta bảo anh là thằng đào ngũ. Tây Bắc muốn anh phải ở mãi với núi rừng. Còn anh, anh lại chạy theo những mong muốn riêng: làm nghề âm nhạc. Người ta không chịu hiểu anh, cũng đành vậy. Có lẽ một lúc nào đó người ta sẽ hiểu.

Ngà ơi!

Sở dĩ anh không để em biết sự thật, chỉ vì em là con chim nhỏ bé; chỉ vì em là người đàn bà mà đời sống người đàn bà bao giờ cũng gắn liền với cái tổ ấm; trong khi đó anh lại là con chim lạc. Anh không muốn nói sự thật, vì anh không muốn mất em. Bây giờ anh là một thằng lang thang của phố phường Hà Nội. Chẳng ai quản lý anh, anh chẳng làm việc cố định ở đâu, anh không có lương. Anh tình nguyện sống như thế, tình nguyện là con chim lạc, tình nguyện nhận những khó khăn, tình nguyện nhận cảnh no đói…, miễn sao anh thực hiện được ước muốn của đời mình, miễn sao anh học và làm được âm nhạc. Có thể, đó là một bước đời phiêu lưu, vì có thể sẽ chẳng thành tựu được cái gì hết. Nỗi đau khổ lớn nhất là sự ngộ nhận về mình, ngộ nhận về tài năng của mình. Em thử nghĩ xem, anh giã từ êm ấm, thế mà cuối cùng một con số không chờ đón mình ở chân trời thì bị đát biết bao. Còn em, nếu lúc này em rời bỏ anh, mất em anh sống làm sao nổi. Lẽ dĩ nhiên, anh là người yếu đuối. Đáng lẽ anh phải nói toạc ra với em toàn bộ sự thật.

Cái con người rạng ánh hào quang vẫn hiện về trong giấc ngủ của anh có thể là Giê-su,, có thể là Phật Thích Ca. Chúa bảo ước mơ của anh chỉ là hoang tưởng. Nghĩ cho đến tận cùng thì đời người cái gì chẳng là hư tưởng. Cả bản thân Chúa cũng là một hư tưởng.

Hiện nay anh sống ở nhà chị gái. Chị Trần thương anh vô cùng. Người anh rể xưa kia là một chính ủy trung đoàn, hiện là bí thư Đảng ở một xí nghiệp lớn. Khi anh Trần nghe tin anh bỏ hẳn cơ quan để sống cuộc đời bất an thì ngồi lặng đi và hút thuốc lá liên tục. Cuối cùng anh bảo:

Tuổi trẻ các cậu bây giờ được sống sung sướng quá, dễ dàng quá. Sao cậu lại hành động cuồng dại như vậy?

Anh im lặng, chẳng muốn trả lời.

Ngà ơi! Anh buồn, chao ơi là buồn!

Cây đàn ghita mang đến cho anh một giai điệu đẹp… Nhớ thương.. hoa ban…tiếng nai…con vượn hú-Giê su-con chim lạc-con số không ở chân trời-rồi lại nhớ thương và hy vọng.

Anh ghi lại giai điệu ấy tặng em.

 

 

II

Ngà ơi!

Anh đã viết xong bài hát đầu tiên tặng em. Đó là niềm hy vọng của anh. Đó là mối tình trong trắng của chúng ta. Em có nghe thấy tiếng con nai tìm bạn đang tình tự với mùa xuân ở trong nét nhạc đó không? Con nai hiền và yếu ớt chỉ biết gặm cỏ, chỉ biết âu yếm gọi nhau bên suối. Nó là chủ nhân xứng đáng nhất của núi rừng, vì trong rừng, nó là con vật hiền hòa nhất. Nhưng trong đời thực, điều đó chỉ là ước mong không tưởng. Anh căm thù loài hổ dữ, khinh ghét lũ chó xảo quyệt, lợm giọng khi trông thấy lũ dòi nhung nhúc đông đảo bám vào những mẩu thịt rữa nát cuối cùng; nhưng chính chúng mới là những ông chủ thật sự của núi rừng.

Em có thấy trong tiếng nhạc của anh hình bóng những cánh hoa ban mảnh dẻ mà chỉ một cơn mưa trận nắng cũng đủ phai tàn?

Em có cảm nhận được mùi hương rừng lan tỏa trong bài hát? Mùi dạ phong lan gọi loài bướm đến tình tự khi trời còn chưa tối? Mùi ngọt ngào của cỏ mật mùa xuân gọi bầy hươu tìm về thung lũng? Mùi thơm ngát của rừng và đỏ gọi ngàn vạn con chim bay về quần tụ mở hội nắng hè?

Đó là bài hát “Tiếng rừng”

Những bài hát ấy đâu còn dáng vẻ như anh vừa kể. Khi anh mang đến đài phát thanh, những người biên tập bảo anh phải sửa đổi để biến thành bài hát “Đêm trăng Tây Bắc” – Anh tần ngần, nhưng rồi cũng sửa, cũng thay đổi…, vì chỉ làm như thế bài hát mới được dùng và được chuyển tới tai em. Thôi được, hôm nào lên thăm, anh sẽ hát riêng cho Ngà nghe những lời ban đầu, và giai điệu ban đầu mà anh muốn gửi tới cho em.

Lá thư vừa rồi em báo tin mẹ ốm. Anh gửi biếu mẹ ít thuốc, em đã nhận được chưa? Đàn gà chúng mình nuôi khi xưa, em nên thịt dần để bồi dưỡng cho mẹ.

Một người bạn gửi thư cho anh nói rằng đội trưởng Mai giúp đỡ em rất nhiều. Đó là một người bạn đã cùng chiến đấu với anh ở Trường Sơn.

Dạo này Tây Bắc hay có những cơn mưa bất thình lình. Mưa nắng thất thường, em phải giữ gìn sức khỏe. Nếu em ốm, anh biết làm cách nào chăm sóc em được?

Con vượn đen ở dẫy núi đá hình chóp nón trước nhà hàng ngày vẫn kêu buồn hả em? Giống vượn, tình thương thật bền. Anh vẫn nhớ như in cái buổi sáng đội trưởng Mai đã bắn chết chú vượn con. Con vượn nhỏ rơi từ cây hoa ban sau nhà xuống đất. Nó sóng soài, chân tay thẳng dẳng, miệng ứa máu.Trông như đứa trẻ con nằm chết. Trông xác con vật mà rùng mình. Còn đội trưởng Mai thì vẫn bình thản lạnh lùng. Anh ta vặt lông rồi đem hầm con vượn nhỏ. Hầm cả con để nấu cao vượn toàn tính. Con vượn trắng hếu nằm co trong thùng nước… Anh rùng mình, còn em thì chạy biến. Người Thái nói rằng cao vượn rất bổ, nhưng anh chẳng dám ăn.

Anh đã cùng ở với Mai mấy năm nên hiểu anh ấy. Mai đi bộ đội từ hồi đánh Pháp, lúc ở Trường Sơn là đại đội trưởng của anh. Một con người hiền như bụt, nhưng cứng rắn như thép. Hôm Mai bắn con vượn nhỏ, anh rất giận, anh nói:

– Một người đi săn thông minh… thì đừng bao giờ giết những con thú non.

– Này, ông bạn! Đừng lẩm cẩm! Hoài công mà thương súc vật.

– Giết một con vật còn bé bỏng như thế… Anh không thấy run tay sao?

Mai cười hiền lành:

–         Mình chưa bao giờ run tay khi bắn.

–         Em có nhớ không? Cái đêm bão rừng, đội trưởng Mai lồng lộn thâu đêm tìm đàn bò lạc. Sao hôm ấy anh mến Mai đến thế. Hồi ở bộ đội cũng vậy, có bạn anh và Mai đã mò mẫm cõng xác đồng đội bị thương trong vòng vây Mỹ. Mai đã cõng bạn trên lưng trốn lủi suốt một đêm ròng. Con người Mai thật lạ: khỏ như voi, vụng như gấu và ác như sói lang, có những lúc hung hăng như con hổ dữ, có lúc lại hiền khô như đứa trẻ thơ. Tình cảm của anh thật lẫn lộn. Anh vừa yêu, vừa ghét, lại vừa thương Mai. Nói chung anh chưa hiểu hết con người ấy. Người nông dân cường tráng ấy nghe đâu đang được đề nghị bổ sung vào Ban giám đôc nông trường.

Sao mà anh thương em đến thế!

Ngà ơi! Con nai nhỏ bé của anh ơi! Em đang ở rừng, rừng lại đầy bí hiểm; còn vũ khí của loài nai có đôi chân dài để chạy.

Ngà ơi, ước gì anh được bay đến bên em!

Anh Tư

         

  Em thương mến,

  Anh lại viết cho Ngà bức thư không gửi nữa đây. Anh vừa mua được chiếc đàn piano cũ rích. Còn chiếc nhẫn kỷ niệm mẹ vẫn gửi chị Trần, và cả chiếc xe đạp tàng cũng đem bán mà vẫn chưa đủ tiền, chị Trần lại phải giấu giếm chồng giúi cho mấy trăm. Đêm về, anh đánh đàn, buổi sáng đi học nhạc, buổi chiều đi vác gạo ở kho trung chuyển kiếm cơm. Dạo này anh trở nên ít nói, con chim lạc thì líu lo làm gì. Hôm anh đưa bản nhạc rừng đến Đài phát thanh, anh đặt tên nó là “Niềm hy vọng”, anh biên tập viên cười mỉm, đó là một con người tốt bụng rất quý anh. Trong cái quý mến anh có pha chút thương xót đối với một con người số phận hẩm hiu. Anh ta không biểu lộ ra tình cảm ấy, nhưng anh hiểu và cảm thấy ngay; người bần hàn, kẻ lép vế bao giờ cũng có một tài cảm nhận rất sắc bén, chỉ một biến sắc, một ánh mắt, một cử chỉ của bàn tay là đủ để con người lỡ cơ đó nhận ra ngay. Anh biên tập viên nói nhẹ:

–         Sao Tư lại đặt tên là “ Niềm hy vọng”

–         Con người bao giờ chả hy vọng.

–         Bây giờ không cần phải hy vọng nữa, vì mọi thứ đã là hiện thực. Hết đau khổ rồi, còn gì mà phải băn khoăn. Âm nhạc bây giờ là vỗ cánh… Tư hãy nói về những cánh đại bàng, về những bầu trời cao, về ánh trăng… về những mơ màng hạnh phúc.

–         Thế là… phải đổi lại tất cả?

–         Chứ sao?… nếu như anh muốn bài hát được dùng.

  Anh lặng lẽ…hồi lâu mới nói:

–         Hay gọi là “Đêm trăng Tây Bắc”

–         Chứ sao!

–         Sẽ có tiếng nai hạnh phúc…sẽ có con suối hát… sẽ có thảo nguyên và những đàn bò tắm ánh trăng và những con người phơi phới dời núi lấp sông…

–         Chứ sao!…Nếu như anh còn muốn đi xa hơn nữa.

Anh trở về, lòng ngậm ngùi…

Cái con số không khổng lồ ở chân trời xa lại ló ra. Chúa Giê-su với ánh hào quang rực rõ trên đầu lại hiện về trong giấc chiêm bao. Tôi cáu kỉnh:

– Sao Đức chúa trời lại chỉ cho loài nai đôi chân cao? Sao Người chỉ ban phát cho loài nai sự chạy trốn tài tình?

– Ta dã chẳng ban cho con nai, con hươu bộ sừng đẹp nhất trần gian?

– Sừng ấy mà làm gì? Cần một cặp sừng khỏe như sừng trâu, cần một bộ răng nhọn đủ sức cắn thủng một tấm da voi dày nhất.

– Ha ha! Chúa cười – ngươi hãy nghĩ kỹ, nai như thế là đồ quỷ – nai chứ đâu còn là con nai thực sự – và sau đó, nai lại lập tức đi bắt nạt giống khác. Và con hổ lại theo gương, đòi ta một bộ nanh to hơn, khỏe hơn,

–         Vụ kiện ấy ta sẽ giải quyết ra sao? Thôi thì… con nhớn ăn thịt con bé, xưa nay vẫn thế.

Tôi nhìn Giê-su, nghiêm khắc:

–         Phải chăng, đã có một lần Ngài nói rằng nếu ai tát má trái, thì ta phải chìa má phải?…

–         Có lẽ khoảng hai ngàn năm trước tra đã nói như vậy. Nhưng giờ đây có người nối tiếp ta lại nói rằng: “loài người gần hai ngàn năm nay đã xài phí tình thương mà vô hiệu. Vậy phải tiêu diệt sự đau khổ bằng sức mạnh!”

Tôi giật mình, chằm chằm nhìn Chúa. Lạ chưa! Giê-su trông khác hẳn con người gầy gò khổ nạn trên cây thánh giá. Thấy phảng phất trên mặt Người nét dáng con người thé kỷ hai mươi. Còn vầng hòa quang… cũng rực rỡ hơn. Oai nghiêm hơn. Tôi hoảng sợ lắp bắp. Người như đoán được ý tôi nên dịu dàng.

– Ta là Đức Chúa trời của thế kỷ hai mươi. Đúng như vậy. Tôi nức nở khóc… và chợt choàng tỉnh giấc.

Ông anh rể, từ hôm tôi đến ở, vẫn in lặng Cái im lặng lịch sự, song nặng nề. Anh Trần, từ xưa đến nay vẫn là người anh quý trọng. Anh Trần tham gia cách mạng từ năm 1945 đã bị thương nhiều lần. Có thể nói, từ lúc bé tôi vẫn quấn quýt bên anh, coi anh như một ông thánh, một thần tượng để noi theo. Những chuyện dũng cảm phi thường hồi đáng Pháp của anh, tôi coi là những huyền thoại. Tôi xung phong đi bộ đội cũng do ảnh hưởng của anh Trần. Tôi rời Hà Nội, lên Tây Bắc cũng vì chính anh thuyết phục. Dần dần, khái quát lại, tôi thấy toàn bộ lý thuyết ứng xử của anh Trần chỉ gồm trong hai chữ “Hy sinh” và “căm thù”. Phát hiện ra điều ấy, tôi suy nghĩ rất nhiều. Và bỗng nhiên cảm thấy một khoảng cách, một khác biệt giữa anh và tôi. Có lẽ anh Trần thuộc một thế hệ khác, một thế hệ ngây thơ và đẹp đẽ. Có lẽ cái tư duy ấu thơ về những ông bụt tôi đã chuyển đi đem đặt cả vào cho anh.

Cái khoảng cách ấy, từ khi tôi nhận ra, bỗng dưng làm tôi ngần ngại không muốn gần anh, thậm chí lảng tránh anh. Còn anh, thì cứ đinh ninh về cái vị trí ông bụt bất khả chuyển mình. Ông bụt thì cái gì chả đúng, Ông bụt thì cái gì chả đẹp. Ông bụt thì cái gì thay thế nổi…

Từ khi tôi đến ở, anh Trần chăm sóc tôi rất chu đáo Áo quần anh cũng cho. Mua piano thiếu tiền, anh Trần cũng đưa thêm… Nhưng dần dà, càng ở cạnh anh Trần, cái hố ngăn cách lại càng thấy sâu thêm. Cảm thức ấy, có lẽ cả hai bên đều thấy. Tôi chăm chú quan sát anh Trần kỹ hơn, tỉ mỉ hơn, rồi bỗng dưng, con người thực của anh hiện rõ nét. Có thể con người thực bây giờ khác con người thực khi xưa mà ảo tưởng ngộ nhận về con người thực bây giờ.

Còn anh Trần, anh im lặng, không đả động gì đến công việc của tôi, nhưng tôi hiểu anh đã căn cứ vào một bảng giá trị của anh để đánh giá tôi, anh đã liệt tôi nằm ở một vị trí nào đó trong bậc thang giá trị của anh. Lẽ tất nhiên thôi.

Nói chung cả hai chúng tôi đều im lặng nghiền ngẫm. Cái im lặng thành lũy và ngăn cách.

Những buổi tối, cả nhà thường quây quần trong phòng khách. Nhà có bốn người: anh Trần, Chị Trần, cháu Lê và tôi. Chúng tôi uống trà, anh Trần nói chuyện gia đình và đôi khi giảng giải thời cuộc cho chúng tôi nghe. Sau đây là vài câu nói của anh:

– Lần này đánh Quảng Trị, chúng ta dùng đến những vũ khí mới, đặc biệt: tên lửa cầm tay tự động tìm mục tiêu xe tăng, pháo tầm xa có đạn đặc biệt có thể làm nóng chảy những lô cốt thép kiên cố, súng phun lửa, vũ khí hóa học.

– Mỹ sắp hết máy bay rồi.

– Lê ơi, con chuẩn bị, kỳ này con sẽ sang Đức học. Các anh ấy đã hứa rồi.

– Cách mạng Việt Nam hiện nay là một thời điểm của lịch sử loài người. Vĩ đại chẳng kém gì cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 và cuộc cách mạng tháng Mười Nga.

– Bọn họ láo thật! Đáng lẽ ra anh phải được bìa B rồi mới đúng. Đằng này họ cứ hãm minh mãi ở cái sổ C Vân Hồ. Kỳ này anh sẽ thắc mắc lên tận Ban tổ chức trung ương.

– Chủ nhật này, vợ chồng mình sẽ về Bưởi xem cái đất trên ấy. Có ba cây hồng xiêm, mười cây dừa và một vườn táo. Nếu em thích, ta sẽ mua miếng đất ấy.

Chao ơi! Cái khát vọng lấp biển dời non của con người hóa ra bây giờ cũng chỉ biết tận cùng bằng cách như thế thôi ư? Tôi im lặng! Tôi im lặng! Tôi là con chim lạc! Trong cái mớ âm thanh hỗn độn, một tiếng chích chòe chứ chưa phải là tiếng họa mi cũng đủ được liệt vào loại âm thanh thù địch.

Ngà ơi!

Sao anh nhớ em đến thế?

Comments are closed.