Lang Shaojun (Lương Thiệu Quân)
Hà Vũ Trọng dịch
Thời kì giữa và cuối Dân Quốc, 1927—1949
Năm 1927, cuộc chiến tranh giữa Trung Hoa Dân Quốc do Tôn Dật Tiên sáng lập chống phong kiến quân phiệt đại thể sắp kết thúc và mặt trận hợp tác lần thứ nhất giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản đã rạn vỡ. Một chính phủ quốc dân được thành lập tại Nam Kinh. Cùng năm, Ngô Xương Thạc qua đời tại Thượng Hải và Tề Bạch Thạch tại Bắc Kinh đã hoàn thành chương trình ông gọi là “suy niên biến pháp” (cuộc cách tân ở tuổi đã cao). Hội hoạ Trung Quốc đang bước vào giai đoạn mới.
Tề Bạch Thạch và những hoạ gia Bắc Kinh
Tề Bạch Thạch 齊白石(1864–1957), tên Hoàng, hiệu Bạch Thạch Sơn Nhân, gọi tắt Bạch Thạch. Ông có nhiều biệt hiệu: khi xưng là “Mộc Nhân” đề nhắc đến thuở từng làm nghề mộc; khi xưng “Kí Bình” để miêu tả thân phận li hương, phiêu bạt như cánh bèo trên sông nước. Biệt danh “Tam Bách Thạch Ấn Phú Ông” chỉ việc sở hữu ba trăm cái ấn triện mà ông đã khắc, cho nên là “phú ông” về tinh thần và đức hạnh. Với hiệu “Hạnh Tử Ổ Lão Dân” miêu tả mình là một lão nông sống ở cố hương, một thôn nhỏ tên là Hạnh Tử. Ở tuổi trung niên, Tề Bạch Thạch vẫn còn sống thuê nhà ở vùng núi, vì vậy xưng mình là “Tá Sơn Ông” (ông lão mượn núi). Ông còn nhiều danh hiệu khác để thể hiện những giai đoạn nhất định về thân thế, cảm xúc, hay thái độ của ông về nhân sinh.
Không như nhiều hoạ sĩ danh tiếng của Trung Quốc xuất thân từ những gia đình học vấn hoặc giàu có, Tề Bạch Thạch là con một nông phu nghèo sống ở một làng nhỏ miền núi, huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam. Gia cảnh nghèo đến nỗi, học chưa đầy một năm ở trường làng do ông ngoại dạy, Tề Bạch Thạch đã phải bỏ trường để chăn bò. Sau đó làm nghề mộc, rồi đi khắp làng này sang làng khác để làm đồ gia cụ. Mãi cho đến khi 27 tuổi ông mới tìm thầy học vẽ. Trước tiên ông học vẽ tranh dân gian các vị thần tượng, rồi học vẽ chân dung, sau đó học sơn thuỷ, hoa điểu, và nhân vật. Trước tuổi 40, ông không ra khỏi khu vực Tương Đàm (Hồ Nam), sau tuổi 40, ông đã làm sáu cuộc du lịch tới các danh địa nam bắc và đã học tập những tác phẩm của Từ Vị, Bát Đại Sơn Nhân, Kim Nông, và những hoạ gia khác đời Minh, Thanh ở khu vực Dương Châu. Sau khi nhà Thanh sụp đổ, để tránh nạn lính thổ phỉ hoành hành ở nông thôn, năm 1918, ông tị nạn ở Bắc Kinh rồi định cư ở đó. Ở thành phố, ông thường bị những người “có giáo dục” chế giễu vì cung cách nông dân của ông. Phong cách hoạ tự nhiên và duyên dáng của ông một phần học từ Bát Đại Sơn Nhân đã không được giới giám thưởng nghệ thuật ở Bắc Kinh hoan nghênh. Tuy thế, chỉ có Trần Sư Tăng trong số hoạ gia Bắc Kinh là thưởng thức được tài hoa của ông nhưng lại không tán thành sự mô phỏng cổ nhân của ông, và đã khuyên ông tự tạo ra phong cách riêng. Nhờ sự khuyến khích ấy, Tề Bạch Thạch đã bắt đầu chương trình “chuyển hoá” và ông đã rút lui khỏi xã hội. Năm 1927, sau mười năm tập trung nỗ lực, ông đã đạt được một phong cách độc đáo, và tự gọi chương trình của mình là “suy niên biến pháp” (cuộc cách tân ở tuổi đã cao).
Tề Bạch Thạch vốn thông minh lại chuyên cần khắc khổ. Lúc ấu thời, ưa quan sát thiên nhiên, và vẽ những đề tài thường ngày. Ông đặc biệt có con mắt sắc sảo khác thường cùng với trí nhớ tốt về người và sinh hoạt nông thôn. Tài năng của ông được tăng cường với hàng chục năm kinh nghiệm làm nghệ nhân ngành mộc, chạm trổ gỗ và vẽ chân dung. Ông đã vẽ hàng vạn bức tranh từ đời sống, những bức mô phỏng theo cổ nhân, và vẽ lại những bức tranh từ trí nhớ. Thời gian suốt 40 năm sống ở Bắc Kinh, không thấy ông quan tâm đối với các sự kiện thay đổi về chính trị, xã hội và những khuynh hướng văn hoá. Ngày ngày ông ngồi trong sân nhà giữa bốn bức tường, lom khom trước hoạ án, ngâm thơ, khắc ấn, và vẽ tranh. Như ông nói,“Nhà ba gian rào sắt, bút chộn rộn như nông cụ” (Thiết sách tam gian thất, Bút gia nông khí mang) – hình dáng ông như người nông dân lao nhọc, dùng bút mực cày trên thửa ruộng giấy.
Tranh hoa điểu của Tề Bạch Thạch rất được mến mộ. Ông có thể vẽ đề tài cây cỏ và côn trùng với bút pháp hết sức tinh tế tỉ mỉ, nhưng lại cũng thuần thục trong những sáng tác mang bút pháp giản dị tả ý. Ông đã hoà nhập cả hai phương pháp công bút (vẽ công phu, tỉ mỉ) và tả ý (vẽ ý tưởng) để tạo nên những bức tranh đẹp kì diệu vẽ côn trùng và thảo hoa. Tranh sơn thuỷ của ông đa số là cảnh sắc từ ngôi làng quê hương ông và phong cảnh Quế Lâm ở vùng tự trị của dân tộc Tráng (Chuang) tỉnh Quảng Tây. Dùng mực đặc và nét bút linh hoạt, ông vẽ những quả núi xa xa, sông chảy, cánh thuyền buồm, thôn làng, rặng trúc, bờ liễu, vịt lội, v.v. là những hình ảnh sinh hoạt thân thiết ở sơn thôn rất được yêu thích. Phần lớn đề tài nhân vật của ông thuộc lịch sử hoặc truyền thuyết như Chung Quỳ, Lí Thiết Quài, các sĩ nhân cổ đại. Ông thường miêu tả sinh hoạt hồn nhiên của trẻ con và của người nông dân chất phác, khiến tô điểm cho nhiều tác phẩm của ông một vẻ khôi hài dân dã.
Mặc dù sống định cư ở Bắc Kinh, Tề Bạch Thạch vẫn thuỷ chung duy trì cung cách suy nghĩ và sinh hoạt tập quán nông dân. Ông ghét những quan hệ nhân sự phức tạp của dân thành thị, và luyến tiếc đời sống nhàn hạ và yên tĩnh của hương thôn. Trong một bức tranh vào những năm đầu ở Bắc Kinh vẽ ngọn đèn dầu lẻ loi trong đêm lạnh bên nghiên mực, ông bày tỏ nỗi cô độc neo đơn và sự mất mát, với câu thơ đề: “Độc vi bắc địa phong lưu khách, Hàn dạ cô đăng nghiên nhất phương” (Thân sống lưu lạc đất bắc, đêm lạnh trước ngọn đèn lẻ bên nghiên mực). Một câu thơ khác của ông trong bài “Thái viên tiểu phó” (Thợ nhỏ vườn rau): “Bão am trần thế vị, Vưu giác thái căn hương” (Chán chường mùi thế sự, càng yêu thích hương vị rễ rau tươi). Tề Bạch Thạch cũng thường đem hoài niệm hương thôn điền viên vào trong tranh. Những đề tài thân thiết và yêu thích của ông – như trúc, cọ, ao, chuối, sen, cá, tôm (như bức Tôm, hình 5), thảo trùng, chim, trâu bò, heo, chó, gà, vịt, mèo, chuột, những cậu bé lượm củi, những mái nhà cũ dưới chân núi.
5. Tề Bạch Thạch, Tôm, tranh cuốn trục, mực trên giấy, 1949. 138 x 41.5cm. Bảo tàng Mĩ thuật Trung Quốc, Bắc Kinh
Cá, tôm, cua, ếch là những đề tài rất phổ biến của Tề Bạch Thạch. Thuở nhỏ ở quê nhà, Tề ưa câu cá bắt tôm trong ao hồ, vậy, khi ông vẽ những loài thuỷ tộc này như để gợi lại những kỉ niệm đẹp vui sướng thời thơ ấu. Qua thử nghiệm một bút cọ thuỷ mặc với những sắc độ hoạt bát khác nhau cùng việc bổ sung nước vào mặt tranh, ông có thể mô tả được độ trong suốt của loài vật với một thần thái mới mẻ và sống động.
Bức Sen và chẫu chàng (hình 6), Tề Bạch Thạch vẽ ở tuổi 94, là cảnh trời thu. Lá sen xanh lục đã đổi sang màu đỏ nâu, một số gương sen đã chín như đang toả thanh hương. Tuy vậy vẫn còn những đoá sen hồng nở trọn vẹn. Ở dưới những đoá sen, có ba con chẫu chàng, hai con màu sẫm và một con màu xám như đang trò chuyện gì đó. Con xám có vẻ nghịch ngợm, chân đạp về phía sau. Trời mùa thu đẹp và trong vắt, lũ chẫu chàng sống động và dễ thương.
6. Tề Bạch Thạch, Sen và chẫu chàng, tranh trục cuốn, mực và màu trên giấy, 1954. Vinh Bảo Trai, Bắc Kinh
Trong bức Sau cơn mưa (hình 7) miêu tả cơn mưa chợt đến chợt tạnh, vài con se sẻ nhỏ đậu trên một bẹ chuối. Tàn chuối che hầu như xanh rợp bầu trời được vẽ bằng lượng nước và mực dồi dào, đậm đặc. Tuy vẽ bằng thuỷ mặc đơn sắc nhưng lại thể hiện một thế giới cảm giác đầy màu sắc. Trên tranh đề thơ: “An bình hoa thảo yếu thương lượng, Khả khẳng di căn bạng đoản tường; Tâm tịnh nhàn trước vật diệc tịnh, Ba tiêu quá vũ lục sinh lương.”(Chọn chỗ an bình, hoa cỏ cần trao đổi, nếu chúng muốn dời gốc xuống nương chốn tường thấp; mọi vật cũng tĩnh khi nhìn bằng tâm an tĩnh, cây chuối sau cơn mưa xanh mướt và mát dịu).
7. Tề Bạch Thạch, Sau cơn mưa, tranh trục cuốn, mực trên giấy, 1940. 137 x 61.5cm. Bảo tàng Nghệ thuật Thiên Tân
Như hoạ gia chỉ ra trong hai dòng thơ đầu, khi ông muốn dời cây chuối vào trong bốn vách tường nhà, ông đã xin phép xem nó có đồng ý không. Ở đây, ông đã nhân cách hoá cây chuối hay hoa cỏ. Hai câu cuối mang tính triết lí hơn: bởi tâm ông an tĩnh, ông đã tạọ được tri giác sâu xa hơn về mọi vật. Ở quê nhà, Tề Bạch Thạch đã từng trồng chuối quanh nhà, vì vậy cây chuối thường xuất hiện trong cả tranh và thơ của ông, và cũng là để kí gửi tâm trạng nhớ quê hương. Trong bài thơ “Vũ trung ba tiêu” (Cây chuối trong mưa), ông viết, “Danh hoa điêu tận nhân xuân khứ, Do hỉ ba tiêu lục thượng giai. Lão dư phát suy vô khả bạch, Bất phương liên dạ vũ thanh lai” (Hoa tàn khi xuân ra đi, vẫn thích cây chuối xanh trên bậc thềm. Lão hói không còn tóc để bạc, chẳng ngại nghe tiếng mưa thâu đêm).
Và ông viết trong “Đề hoạ ba tiêu”: “Lưu đắc song tiền phá diệp, Phong quang kỉ thị tàn thu. Tiêu tiêu nhất dạ lãnh vũ, Bạch liễu đa thiểu nhân đầu” (Lá chuối rách còn nấn ná ngoài song, cảnh tượng đã tàn thu. Mưa lạnh ào ào một đêm, có bao nhiêu kẻ bạc đầu?)
Tiếng gió tiếng mưa, cảnh mùa xuân mùa thu, những đắp đổi liên tục của cảnh quan thiên nhiên khiến mang lại những cảm thán về cuộc đời – tất cả những điều này tiết lộ tình cảm và những ý nghĩ của hoạ gia.
Trong bức Lá bồ đề và côn trùng (hình 8), Tề Bạch Thạch kết hợp cả hai bút pháp công bút và tả ý; dùng công bút để vẽ trùng, và bút pháp tả ý để vẽ lá. Mùa thu, lá bồ đề biến từ màu lục thành nâu đỏ, sang hồng nhạt rồi bắt đầu rụng. Lá bồ đề mất hết chất nước, lộ ra gân mạch mịn dầy kín và tinh xảo như lụa dệt. Ở đây trên mặt đất ngập nắng, một con bươm bướm và con chuồn chuồn bay qua, trong khi đó một con ve phơi nắng trên nhánh cây và con châu chấu đậu dưới đất. Trong cùng một không gian và một khoảnh khắc, hoạ gia đã nắm bắt được tính thanh thản và nồng nhiệt của mùa thu. Tuy những chiếc lá bồ đề và côn trùng được vẽ rất chi tiết, nhưng nhánh cây lại được vẽ với bút pháp tả ý bằng mực nhạt. Tác phẩm có tính khai phá này điển hình cho sự tổng hợp hài hoà cả hai hoạ pháp của Tề Bạch Thạch.
8. Tề Bạch Thạch, Lá bồ đề và côn trùng, tranh cuốn dọc, mực và màu trên giấy, khoảng 1940. 90 x 41cm. Vinh Bảo Trai, Bắc Kinh
“Bất đảo ông” (Ông già không ngã) hay con lật đật là một loại đồ chơi của trẻ con làm bằng đất sét rỗng ruột, và được sơn phết giống hình đứa bé béo tròn. Bên trong đã được đổ chì hoặc để vật đè nặng dưới đáy, nhờ vậy nó đu đưa mỗi khi ấn vào, nhưng không bao giờ bị ngã. Nhiều nghệ nhân Trung Quốc nắn những con lật đật này dựa theo hình dáng những ông quan hề như họ thấy trên sân khấu tuồng; theo cách này, họ chế giễu sự kém cỏi và dốt nát của một số quan lại. Qua truyền thống dân gian này, Tề Bạch Thạch đã vẽ bức Bất đảo ông (hình 9) vào tuổi đã 92. Vị quan hề được vẽ tư thế sau lưng và mặt nhìn nghiêng, đội chiếc mũ lệch và tay cầm quạt. Trên tròng mắt điểm màu trắng (tượng trưng cho vai hề trong tuồng). Trên tranh đề: “Năng cung nhi hí thử ông thừa, Đả đáo thể phù tái khởi lai. Đầu thượng tế mày diệu mạo hắc, Tuy vô can đảm hữu quan giai” (Ông già này có thể làm đồ chơi của trẻ con, khi lộn nhào y sẽ đảo trở lại. Cái mũ đen đội đầu ngang chân mày; tuy không gan mật nhưng lại có chức quan).
9. Tề Bạch Thạch, Bất đảo ông, tranh cuốn dọc, mực và màu trên giấy, 1953. 116 x 41.5cm. Bảo tàng Mĩ thuật Trung Quốc, Bắc Kinh
Trong ngữ cảnh này, “vô can đảm” (không gan mật: hèn nhát) cũng có nghĩa là rỗng, vô tâm hay thiếu nhân tính, vì vậy đây là một hạng thiếu nhân tính nhưng lại giữ một chức quan, chẳng đáng khinh hoặc chế giễu sao? Thi hoạ đã tương phối nhau tạo nên một sáng tác có tính u mặc và trào phúng.
Tề Bạch Thạch đã dành trọn đời để tán tụng thiên nhiên, đời sống, hoà bình và đánh thức lương tri nhân loại. Năm 1955, ông được Giải thưởng Hoà bình Quốc tế, và năm 1962 ông được nêu danh là một trong Mười người Vĩ đại về Văn hoá của Thế giới.
Một số tác phẩm của Tề Bạch Thạch
Nhiều hoạ gia trứ danh khác cũng làm việc ở Bắc Kinh trong thập niên 1930 và 1940, gồm Trần Bán Đinh (1876-1970), Tiêu Khiêm Trung (1883-1944), Phổ Tâm Dư (1896-1963), Vu Phi Ám (1889-1959), Hồ Bội Hành (1891-1962), Tần Trọng Văn (1896-1974), Từ Yến Tôn (1898-1961). Trong nhóm này, Phổ Tâm Dư 溥心畬, còn gọi là Phổ Nho 溥儒, hiệu Tây Sơn Dật Sĩ mà thành tựu được công nhận là kiệt xuất nhất. Ông là người Bắc Kinh, xuất thân từ gia đình thuộc hậu duệ một thân vương nhà Thanh. Hồi trẻ học luật, chính trị, và văn học sử phương Tây. Sau đó sống ẩn cư ở Giới Đài Tự tại vùng núi phía tây Bắc Kinh, tại đây ông đã học thư hoạ và kinh sử. Trong thập niên 1930 và 40, danh tiếng ông ngang hàng với Trương Đại Thiên, được gọi là “nam Trương bắc Phổ”. Sau 1949, Phổ Tâm Dư di cư sang Đài Loan, từng dạy học trong phân khoa mĩ thuật của Đại học Sư phạm Đài Bắc, và dành phần lớn thời gian để nghiên cứu các bức danh hoạ tàng chứa trong Viện Bảo tàng Cố Cung ở Đài Bắc. Ông vẽ tranh sơn thuỷ, nhân vật, hoa điểu, động vật, và thư pháp. Tranh sơn thuỷ của ông (xem hình 10) có nét đặc trưng tú lệ và hàm súc của Nam Phái từ Đổng Kì Xương, lại cũng có khí thế cuồn cuộn bao quát của Bắc Phái. Phổ Tâm Dư đã kết hợp thi, thư, hoạ thành một, như nhiều hoạ gia văn nhân Nam Phái, vì vậy đã thêm vào bút mặc của ông một khí vị nho nhã. Vào những năm cuối đời, Phổ Tâm Dư đã ảnh hưởng lớn tới những hoạ gia Đài Loan.
10. Phổ Tâm Dư, Sơn thuỷ
Một số tác phẩm của Phổ Tâm Dư
Nguyên văn: Three Thousand Years of Chinese Painting (Ba ngàn năm hội hoạ Trung Quốc). Richard M. Barnhart, James Cahill, Wu Hung, Yang Xin, Nie Chongzheng, Lang Shaojun. Yale University Press, New Haven & London 1997; xuất bản đồng thời với bản Trung văn: Trung Quốc hội hoạ tam thiên niên, Ngoại văn Xuất bản xã, Bắc Kinh; dịch trọn chương cuối, từ trang 299–354.