Nguyễn Thị Tịnh Thy
TRUYỀN LẠI KÝ ỨC CHO THẾ HỆ TƯƠNG LAI
Ở đoạn cuối của tiểu thuyết Báu vật của đời (Mạc Ngôn), sau khi chôn người mẹ già của mình, Thượng Quan Kim Đồng cảm thấy đói. Anh đưa tay ngắt một bông hoa màu đỏ mọc ở phía sau mộ mẹ rồi đưa vào miệng. “Cánh hoa rất giòn, như thịt tôm sống, nhưng khi nhai thì xộc lên mũi toàn mùi máu. Vì sao hoa có mùi máu? Vì trên mảnh đất này thấm đẫm máu người”. Máu đã đổ xuống quá nhiều, đặc biệt là máu của thời hoà bình. Dù chưa một lần được chính thức giải mật, nhưng nhiều người khẳng định, “số người chết đói dưới thời Mao còn nhiều hơn tổng số người chết đói trong hơn 2.000 năm dưới mọi triều đại” (Tân Tử Lăng, 2009: 226).
Lịch sử hiện đại có quá nhiều biến động, điên rồ, cuồng bạo và tàn nhẫn ngoài sức tưởng tượng của những đầu óc hoang tưởng nhất. Không ai có thể tưởng tượng được vào thập niên 60 – 70 của thế kỷ XX, dân tộc Hoa Hạ lừng lẫy lại có thể đày ải trí thức như những nô lệ khổ sai thời cổ đại, chỉ vì họ mang tội là trí thức; có thể đốt hết sách vở của thánh hiền Trung Hoa và sách vở kinh điển của nhân loại để chỉ đọc mỗi “huấn ngữ”, “ngữ lục” của lãnh tụ. Không thể tưởng tượng được xứ sở của “tứ đại phát minh” lại để người dân chết vì đói và phải ăn thịt người để chống đói trong các “phong trào” và “cách mạng”. Không thể tưởng tượng được chính quyền lại vận động, bức ép người dân bán máu tập thể để thu ngoại tệ, tăng nhanh ngân sách bằng “kinh tế huyết tương” dẫn đến hậu quả là bệnh AIDS lan tràn vào thập niên 90 và bùng nổ vào đầu thế kỷ XXI. Không thể tưởng tượng được những nhố nhăng kệch cỡm của thời đại kinh tế thị trường sau Đổi mới, khi mà tất cả các lĩnh vực của xã hội đều bộc lộ sự dối trá và lừa lọc. Không thể tưởng tượng được những người dân vì sự phát triển mà bị ép phải dỡ nhà, không có chỗ nào cầu cứu nên phải đến đầu phố Bắc Kinh uống thuốc tự sát tập thể, sau khi được cứu sống, họ bị công an bắt đi vì tội “gây rối”; rốt cuộc sự tự sát của họ bị cho là “kế hoạch tinh vi”, họ trở thành kẻ phá hoại, bị mọi người xa lánh, lạnh nhạt rồi bị lãng quên rất nhanh… Có lẽ không cần huy động sức tưởng tượng và hư cấu, chỉ cần có trái tim ưu tư về dân tộc và “dám ngoái đầu nhìn lại” là các nhà văn đã không thiếu đề tài để sáng tác.
Trong số những nhà văn “dám ngoái đầu nhìn lại” hiện thực đầy kinh hãi của dân tộc, Cao Hành Kiện, Lý Nhuệ, Mạc Ngôn, Diêm Liên Khoa và Dư Hoa như là “ngũ hổ tướng” của tiểu thuyết Trung Quốc đương đại. Họ đều là những người tiên phong, tài năng, dũng mãnh, quyết liệt và triệt để đến mức cực đoan khi tái hiện lịch sử và sinh mệnh con người. “Viết dưới giá treo cổ”, có người phải đốt mấy ngàn trang bản thảo và chịu thân phận lưu vong; có người phải rời khỏi ngành quân đội, kiểm sát; có người phải viết đi viết lại các bản kiểm điểm và chịu kiểm thảo vì sáng tác của mình. Nhưng tất cả những trở ngại và nguy nan đó không khiến họ chùn tay khi viết về hiện thực khốc liệt của Trung Quốc hiện đại. Hơn hai mươi tiểu thuyết của họ, hầu như không có nhân vật nào được hạnh phúc, không có sự kiện lịch sử nào là đúng đắn và nhân nghĩa, là “cốt ở yên dân”. Hơn hai mươi tiểu thuyết đó, lịch sử đã biến con người thành hai loại: “ác” hoặc “điên”, hoặc vừa ác vừa điên; hay nói cách khác, suốt nửa cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI này, lịch sử vần xoay bởi những kẻ “ác” và “điên”. Hơn hai mươi tiểu thuyết đó, có nhiều tác phẩm bị thu hồi, bị xếp vào hàng sách cấm. Tác giả lưu vong, tác phẩm cũng lưu vong, đó là thành quả của sáng tác, nhưng là thất bại của tự do. Trong sự thất bại của tự do, ta càng nhận ra tinh thần dấn thân của những người cầm bút dám nuôi dưỡng và đánh thức ký ức.
Mới đây, đại dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán hủy diệt hàng triệu sinh mệnh của nhân loại, chính quyền Trung Quốc cố bưng bít thông tin, bóp méo sự thật; bác sĩ Lý Văn Lượng bị bắt vì đã tiết lộ thông tin về dịch bệnh; nhà văn Phương Phương bị nhạo báng và đe doạ vì đã kêu cứu từ tâm dịch qua những dòng nhật ký trên mạng xã hội; khi “xác người còn chưa lạnh và nhân dân vẫn còn than khóc” thì các ca khúc khải hoàn đã được cất lên và người ta bắt đầu tán dương: “Ôi thật sáng suốt và vĩ đại làm sao!”. Ngay chính khi ấy, nhà văn Diêm Liên Khoa đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc nuôi dưỡng ký ức đối với người sáng tạo: “…Nếu chính chúng ta cũng bỏ rơi ký ức về máu đổ và sự sống, thì ý nghĩa của việc viết là gì? Giá trị của văn chương là gì? Tại sao xã hội lại cần những người viết? […] Nếu phóng viên không tường thuật lại những gì họ chứng kiến, và tác giả không viết về những ký ức và cảm xúc; nếu những người còn được lên tiếng trong xã hội, và biết cách để nói ra luôn kể lại đọc lại và công bố mọi thứ trên tinh thần đúng đắn về mặt chính trị, thì ai có thể nói cho chúng ta rằng việc sống như máu thịt trên đời này còn ý nghĩa gì nữa chăng?”
“Dẫu ký ức có thể không mang cho ta sức mạnh thay đổi thực tại, ít nhất là nó cũng có thể làm lòng ta dấy lên câu hỏi khi ta phải đối diện với dối trá. Nếu như có một ngày, một cuộc “Đại nhảy vọt” nữa lại tới, và người ta lại đắp lò nung ở sân nhà, ít nhất ký ức cũng cho ta biết rằng cát không thể biến thành sắt, và một mẫu ruộng không cho ta trăm nghìn cân lương thực. Ít nhất ta cũng biết rằng đây là lẽ thường cơ bản nhất, và không phải là sức mạnh ý thức tạo ra vật chất, từ không khí biến ra đồ ăn. Nếu có một cuộc Cách mạng văn hóa nữa diễn ra, ta ít nhất cũng có thể đảm bảo rằng mình sẽ không phải là kẻ đưa cha mẹ ta vào tù hay ra pháp trường”. Nhà văn hãy là “những người ghi nhớ và một ngày nào đó có thể truyền lại ký ức cho thế hệ tương lai” (Diêm Liên Khoa, 2020).
Đúng vậy, cần ghi nhớ và “dám ngoái đầu nhìn lại”. Vì ký ức không thể thay đổi thế giới, nhưng nó cho chúng ta một tấm lòng chân thật; vì trên mảnh đất Trung Hoa “thấm đẫm máu người” này, “xác người còn chưa lạnh và nhân dân vẫn còn than khóc”, mà con người vẫn rất cần văn chương để biết sợ hãi và tránh xa cái ác.
Trong hành trình “dám ngoái đầu nhìn lại”, nhiều nhà văn đã tự cởi trói, tự đi tìm con đường tự do trong sáng tác của riêng mình, cho dù phải bước chân trần trên than đỏ. Họ tự do giễu nhại, giễu cợt, châm biếm và tố cáo những điều hư nguỵ đã từng lừa dối họ và đang lừa gạt lòng tin của dân chúng Trung Hoa. Họ dám ai điếu cho chính mình, ai điếu cho linh hồn dân tộc; dám nói ngược với chính quyền bằng những hình tượng văn học bạo liệt nhất và những ngôn từ khiêu khích nhất để bày tỏ nỗi âu lo lớn nhất cho sự tồn vong của dân tộc. Họ dám moi tim gan của Đảng, của nhà nước Trung Quốc với bao nhiêu sai lầm, tội ác từ giữa thế kỷ XX đến nay để ném lên trang viết. Họ “cảm tạ tổ quốc máu thịt thiêng liêng” theo cách của riêng mình, đầy táo bạo và dữ dội, phẫn nộ và lạnh lùng, thẳng thừng và dấn thân, tha thiết và đớn đau.
Năm nhà văn Cao Hành Kiện, Lý Nhuệ, Mạc Ngôn, Diêm Liên Khoa và Dư Hoa chỉ là những người tiêu biểu trong số rất nhiều nhà văn “phẫn nộ và lạnh lùng” khi ngoái nhìn quá khứ và đối mặt với hiện thực. Dĩ nhiên là họ viết được những tuyệt tác, tạo nên được thành tựu mới làm thay đổi diện mạo văn chương Trung Quốc và có ảnh hưởng nhiều đến văn chương Việt Nam đương đại, nhưng điều đáng lưu ý trước hết không phải là viết được mà là dám viết. Thiết nghĩ, một nền văn học có nhiều thành tựu là nền văn học có nhiều nhà văn dám viết; dám tin rằng đối với người nghệ sĩ, để tái hiện chân tướng của lịch sử và chân diện của sự thật, không có giới hạn hay rào cản nào là tuyệt đối, quyền sáng tạo và sức tưởng tượng là vô biên. Phải thừa nhận rằng, muốn thực sự ai điếu cho một nền “văn học minh hoạ” và “bước qua lời nguyền”, nhà văn phải dám “viết dưới giá treo cổ”, dám làm “phản đồ của sáng tác”, dám “ăn cháo đá bát” khi phát hiện cái bát được cho ăn nhuốm đầy máu tanh của lịch sử. Nếu nhà văn chỉ quẩn quanh với các giải thưởng chia phần và những lời bình luận phải đạo, hoặc chỉ phản tư và phê phán ở mức độ phải đạo, thì vẫn mãi chưa thực sự bước ra khỏi quỹ đạo của nền “văn học phải đạo”. Và nếu như thế, ký ức của họ vẫn là thứ ký ức phải đạo của kẻ “ăn mày dĩ vãng”, họ không thể và không nên truyền lại ký ức cho thế hệ tương lai.
DÁM NGOÁI ĐẦU NHÌN LẠI
NGUYỄN THỊ TỊNH THY
NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN
65 Nguyễn Du – Hà Nội
Tel & fax: 024.38222135
E-mail: nxbhoinhavan65@gmail.com
Chi nhánh miền Nam
371/16 Hai Bà Trưng – Q3 -TP.HCM
Tel & fax: 028.38297915
Email: nxbhnv.saigon@gmail.com
Chi nhánh miền Trung và Tây Nguyên
277 – Trần Hưng Đạo – thành phố Đà Nẵng
Tel: 0236.3849516
Email: nxbhnv.mientrungtaynguyen@gmail.com
Chịu trách nhiệm xuất bản:
Giám đốc – Tổng biên tập
NGUYỄN QUANG THIỀU
Biên tập: Đào Bá Đoàn
Trình bày bìa: Lê Minh Phong
Tranh bìa: Lê Minh Phong
Sửa bản in: Diệu Hiền – Hữu Minh
In 500 cuốn, khổ 14,5 x 20,5 cm, tại Công ty TNHH In Huế
Địa chỉ cơ sở in: 51A Minh Mạng, TP. Huế
Số xác nhận ĐKXB: 2039 – 2021/CXBIPH/01 – 51/HNV
Số quyết định xuất bản: 651/QĐ-NXBHNV; ký ngày: 16 tháng 06 năm 2021.
In xong và nộp lưu chiểu tháng 7 năm 2021.
Mã số sách tiêu chuẩn quốc tế – ISBN: 978-604-333-386-2.