“Kẻ phi thường”

Hoàng Dũng

Trong Lịch sử nước ta, cụ Hồ viết:

Nguyễn Huệ là kẻ phi thường

Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm giặc Tàu

Đó không phải là lần duy nhất cụ Hồ dùng “kẻ phi thường”. Cũng trong tác phẩm trên, cụ còn viết:

Công Uẩn là kẻ phi thường,

Dựng lên nhà Lý cầm quyền nước ta

Như thế, “kẻ phi thường” nhất định không phải là một lỗi viết nhịu của cụ Hồ. Trong một comment trên trang anhbasam, có người cho rằng: “Trong đoạn thơ của Bác có từ “kẻ” (kẻ phi thường). Rất nhiều người dân thắc mắc sao lại dùng đại từ “kẻ” để nói về một bậc đại anh hùng, bởi họ nghĩ từ “kẻ” chỉ được dùng để chỉ kẻ xấu: kẻ thù, kẻ gian, kẻ bán nước…”. Và tuy có nói vớt: “Tất nhiên, thắc mắc này không hợp lý”, họ vẫn không cho biết thắc mắc này “không hợp lý” ở chỗ nào. Nói trắng ra, họ muốn chê cụ Hồ viết dở!

Vậy “kẻ” có nhất thiết xấu nghĩa (pejorative) hay không?

Xưa tác phẩm Les misérables của Victor Hugo được Nguyễn Văn Vĩnh dịch là Những kẻ khốn nạn; ngày nay thì được dịch là Những người khốn khổ. Chữ “khốn nạn” nay thường dùng để bày tỏ sự khinh bỉ, nguyền rủa, chứ không phải chỉ sự khổ sở đến mức thảm hại, như trong cách hiểu ngày xưa, vì thế dễ hiểu tại sao lại được thay bằng “khốn khổ”. Cách dùng “kẻ” của Nguyễn Văn Vĩnh cho thấy thời ông “kẻ” hoàn toàn không có tính chất xấu nghĩa. Quả vậy, Nguyễn Hữu Tiến, trong bản dịch Vũ trung tùy bút, đăng trên Nam Phong năm 1927-1928, từng viết: “Đời nhà Hán có đặt ra khoa hiền lương phương chính, thực là một cách đặc biệt để đãi kẻ phi thường mà cầu lấy người tài”.

Như thế, phải chăng ngày nay “kẻ” đã chuyển từ sắc thái trung hoà sang sắc thái xấu nghĩa? Và như thế, đứng trên quan điểm ngày nay, phải viết “người phi thường”, chứ không thể “kẻ phi thường”?

Không hẳn! Ngày nay, “kẻ” vẫn còn có cách dùng trung hoà: có “kẻ cắp”, “kẻ cướp”, “kẻ thù”, “kẻ trộm”, … nhưng vẫn có “kẻ sĩ”, “kẻ đàn anh”, “kẻ ở người đi”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”,… Và không hiếm người vẫn dùng “kẻ phi thường”: Mộng Bình Sơn trong bản dịch Hán Sở tranh hùng (nhà xuất bản Hương Hoa, 1962) viết: “Lời nói của Ðại vương theo thông thường thì cho là chí lý. Song đây là kẻ phi thường. Kẻ phi thường có thể có những hoàn cảnh phi thường”; Tràng Thiên trong Tiểu thuyết hiện đại (nhà xuất bản Thời mới, 1963) viết: “Nhân vật tiểu thuyết thuở đầu tiên là những kẻ phi thường, hành tung gây nên kinh ngạc”; Hoà thượng Thích Thanh Từ trong Nhặt lá bồ đề (nhà xuất bản Tôn giáo, 2003) viết: “Thật một kẻ phi thường. Việc kiến đạo giải thoát đâu phải chỉ dành cho kẻ trí thức đạo gia. Một tay thợ rèn, khi quăng búa tắt lò thì liền đó bể lửa hóa thanh lương, rảnh tay dạo khúc vô sanh”.

Nói tóm lại, không đủ căn cứ để xác quyết “kẻ phi thường” là cách dùng sai, dù theo cách hiểu xưa hay nay. Và như thế, việc đục bỏ thơ cụ Hồ không phải vì lý do văn chương. Và tôi hoàn toàn tin rằng Anh hùng Lao động, Giáo sư Vũ Khiêu đủ đức khiêm tốn phi thường để, nếu biết văn của ông được khắc vào bia đặt vào chỗ đã đục bỏ văn cụ Hồ, tự thẹn mà yêu cầu chính quyền Nghệ An miễn cho ông cái vinh dự nhường ấy.

H. D.

Comments are closed.