Lí luận văn học Nga hậu xô viết (9)

Lã Nguyên

IV. O.M. Freidenberg và tự sự học theo hướng di truyền luận

Khi nhắc tới những học giả có công đầu trong việc xây dựng nền móng tự sự học hiện đại Nga, bên cạnh nhiều tên tuổi lừng lẫy, ví như A.N. Veshelovski. V. Shklovski, Y. Tynhianov, V. Propp, B.V. Tomashevski, M.M. Bakhtin…, những năm gần đây, người ta không thể quên Olga Mikhailovna Freidenberg (1890 – 1955)[1]. Bà chuyên nghiên cứu văn hóa nguyên thủy và văn học cổ đại. Hai chuyên luận lớn nhất của bà dành cho lãnh vực này là Thi pháp truyện kể và thể loại. Thời kì văn học cổ đại (vốn là luận án Tiến sĩ bảo vệ năm 1935, xuất bản lần đầu năm 1936, tái bản năm 1997) và Huyền thoại và văn học thời cổ đại (xuất bản lầm đầu năm 1978, tái bản có bổ sung năm 1998). Vấn đề trung tâm trong các công trình nghiên cứu của O. Freidenberg là thể loại, truyện kểtiểu thuyết. Bà có nhiều công trình trực tiếp phân tích các phạm trù tự sự học, ví như truyện kể, trần thuật, mô tả, bẫy (thuật ngữ do Trần Đình Sử dịch từ chữ “intrigue”). Hệ thống thể loại văn học (1925), Nguồn gốc của mô tả văn học (1939 – 1940), Nguồn gốc của trần thuật (1945 – 1954), Nguồn gốc của bẫy (1945) là những công trình tiểu biểu nhất ở khu vực này. Đối tượng phân tích của bà không phải là bản thân các cấu trúc tự tự, mà là nguồn gốc của các cấu trúc ấy. Bà tiếp cận các cấu trúc tự sự bằng phương pháp “di truyền”. N.V. Braghinskaja, một chuyên gia hàng đầu về O.M. Freidenberg, nhận xét: “Khi phân tích các hiện tượng văn học, Freidenberg thường muốn qua văn học để chuyển thật nhanh tới cơ sở di truyền của giai đoạn tiền văn học”[2]. Hướng tiếp cận này được thể hiện ngay ở nhan đề các công trình, chẳng hạn, ngoài các công trình vừa nhắc tới ở trên, có thể kể thêm: Nguồn gốc của tiểu thuyết Hy Lạp (1920 – 1924), Nguồn gốc của giễu nhại (1925), Nguồn gốc của trữ tình Hy Lạp (1946 – 1947)… Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa O.M. Freidenberg và các nhà hình thức luận Nga.

O. Freidenberg, V. Shklovski, Y. Tynhianov, B. Eikhenbaum, V. Propp là những học giả cùng một thế hệ. Y. Tynhianov và O. Freidenberg còn là bạn đồng khóa, thậm chí, cùng lớp, cùng thầy. Sau khi tốt nghiệp đại học, trở thành giảng viên, O. Freidenberg, B. Eikhenbaum, L.P. Jakubinski, E.D. Polivanov, V.M. Zirmunski cùng đứng trên một giảng đường, đọc bài giảng trước một cử tọa như nhau. Họ hít thở chung một bầu không khí khoa học. Họ cùng bàn luận về những vấn đề mà cả thời ấy ai cũng quan tâm: sự phát triển của văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đọc các công trình nghiên cứu của họ, có thể bắt gặp sự lặp đi lặp lại một hệ thống thuật ngữ như nhau, ví nhự “tụ” và “tán” (“converge” và “diverge”), “nhân tố” và “thực tế” (“factor” và “fact”), “động lực” và “ngữ nghĩa” (“dynamic” và “semantic”)”, “nguyên cớ” và “nguồn gốc” (“motivation” và “genesis”). Tuy nhiên, họ rất khác nhau. Điểm khác nhau cơ bản giữa họ là phương pháp nghiên cứu sự phát triển của văn hóa, văn học. Phương pháp “di truyền” của Freidenberg hoàn toàn đối lập với phương pháp “tiến hóa” của Y. Tynhianov, V. Shklovski và các nhà hình thức luận. Các nhà hình thức luận tránh xa triết học. Lí thuyết “di truyền” của Freidenberg tựa chắc trên nền tảng tư tưởng của nhiều triết gia, nhất là triết học lịch sử của Oswald Spengler (1880 – 1936), lí thuyết ngôn ngữ và phương pháp phân tích “cổ sinh học” của N.Ja. Marr, trên thành tựu nhân chủng học của trường phái Cambridge với những tên tuổi như Hermann Carl Usener (1834 – 1905), Ernst Cassirer (1874 – 1945), Lucien Lévy- Bruhl (1857 – 1939). Các nhà hình thức luận nhìn thấy phía sau những ẩn dụ nghệ thuật là sự tiến hóa của những hiện tượng cùng một bản chất. Họ quan tâm tới sự hoàn thiện của một loại thủ pháp từ thấp đến cao, từ sáng tác dân gian đến văn học học hiện đại (V. Shklovski), hoặc khảo sát sự thay đổi, đột biến của các nguyên tắc cấu trúc, các hình thức và chức năng của các hệ thống văn học (Y. Tynhianov). Freidenberg nghiên cứu sự xuất hiện của văn học từ trạng thái phi văn học. Bà chọn văn học cổ đại Hy Lạp cổ đại làm đối tượng nghiên cứu, vì ở đây, tất cả đều mới xuất hiện lần đầu, bi kịch lúc ấy là thể loại mới, không kế thừa bất kì thể kịch nào trước đó, tụng ca và bi ca lúc ấy cũng là thể mới không thừa kế thể loại trữ tình nào cả. Vì thế, các khái niệm, phạm trù mà ta cùng bắt gặp trong các công trình nghiên cứu của Freidenberg và các nhà hình thức luận có nội hàm hết sức khác nhau. Không chú ý tới điều này sẽ không hiểu được lí thuyết tự sự từ quan điểm “di truyền” của O. Freidenberg.

Lí thuyết tự sự và sự phát triển của văn hóa được O. Freidenberg xây dựng trên nền tảng của cặp phạm trù đối lập “nhân tố” (“factor”) và “thực tế” (“fact”). Công trình Hệ thống truyện kể văn học còn có một nhan đề khác là Lí thuyết truyện kể. Đúng như cái nhan đề của nó, suốt 6 chương đầu, O. Freidenberg chưa nói gì đến truyện kể và văn học, chúng được dành hẳn để nói chuyện lí thuyết, bàn luận về tòa nhà thế giới, về bản chất và hình thức, về qui luật nhân quả và nói về sự khác biệt giữa hai phương pháp “tiến hóa” và phương pháp “di truyền”, về nội hàm của các phạm trù “nhân tố”, “thực tế”, “tiến hóa”, “di truyền”…

Trong quan niệm của Freidenberg, sự vận động của văn hóa không phải là quá trình phát triển tiệm tiến từ thấp đến cao, mà là tiến trình chuyển hóa thường xuyên, liên tục giữa “nhân tố” và “thực tế”. “Nhân tố” là khả năng tiềm ẩn của mọi hiện tượng văn hóa, “thực tế” là sự biểu hiện của khả năng ấy trong sự cụ thể hóa của nó. Bà nói: “Sự tạo sinh bao giờ cũng diễn ra trước sự sinh thành. Nhân tố luôn nằm bên ngoài thực tế. Bản chất nào cũng được nhận thức qua tự nhiên. Thực tế là chỉ số của kết quả đã hoàn bị. Nó quan trọng chỉ như một phương tiện gạt bỏ nó. Thực tế hoàn toàn lệ thuộc vào nhân tố. Nhưng không đời nào nhân tố phụ thuộc vào thực tế”. Theo bà, khi “nhân tố” chuyền vào “thực tế’, cái chung sẽ bị suy yếu, cái đặc thù sẽ được tích tụ. Ngược lại, khi chuyển vào hiện tượng mới, khi “thực tế” lại trở thành “nhân tố”, thì cái đặc thù mang tính cá thể kia sẽ thành chất liệu của nó và lại tồn tại dưới hình thức của cái chung. Bà nhấn mạnh: “Phương pháp tiến hóa nghiên cứu cơ cấu của thực tế. Phương pháp di truyền nghiên cứu bản chất của nhân tố”[3].

Freidenberg cho rằng “quá khứ” đã sáng tạo ra “hiện tại”. Hoạt động sáng tạo này diễn ra trong mâu thuẫn, xung đột, trong sự đấu tranh quyết liệt giữa nội dung tư tưởng hệ và các hình thức của nó. Bà gọi cuộc đấu tranh sáng tạo ấy là sự “tái nhận thức”. Theo bà, nền tảng “phi vật chất” mang tính phổ quát của bất kì nền văn hóa nào là “hệ thống ngữ nghĩa”. Hệ thống ngữ nghĩa này có thể được mô tả như một kiểu ý thức, hoặc tổng hòa các quan niệm về thế giới. Nó là “cơ sở di truyền” tạo nên toàn bộ sự đa dạng của các hình thức văn hóa, không sinh ra một cách trực tiếp theo kiểu“tự nhiên nhi nhiên”. Sự vận động của văn hóa là quá trình “phản tư”, “tái nhận thức”các “hệ thống ngữ nghĩa” ấy. Tư duy huyền thoại có nguồn cội từ thời nguyên thủy là hình thức lịch sử đầu tiên của “hệ thống ngữ nghĩa” được Freidenberg xếp vào thời “tiền sử”. Nó được lưu giữ dưới dạng phôi thai toàn bộ hình thức khả thể của ngữ nghĩa để đến các giai đoạn phát triển sau này của văn hóa sẽ hiển lộ. Thời “cổ đại” được bà coi là “bước chuyển” quan trọng trong lịch sử văn hóa nhân loại.

O.M. Freidenberg hình dung sự tái nhận thức hệ thống ngữ nghĩa trước nhu cầu lịch sử diễn ra ở các thời đại như một chuỗi văn hóa. Nó được bà mô tả bằng các thuật ngữ: “sinh hạ – viên mãn – tiêu vong”. Theo Freidenberg, chuỗi vận động nói trên không mang tính khép kín. Bà nhấn mạnh, sự kết thúc của một chuỗi chính là sự khởi đầu của một chuỗi mới, “thực tế” (fact) sẽ chuyển sang vị thế của “nhân tố” (factor). Vì thế, “cơ sở di truyền” của văn hóa không biến mất hoàn toàn, cả các định dạng “ngữ nghĩa” của huyền thoại lẫn các nội dung và ý nghĩa nguyên thủy của nó vẫn tiếp tục tồn tại ở các nền văn hóa tiếp nối sau đó. Ngoài ra, mọi hoạt động văn hóa, bao gồm cả văn hóa hiện đại là sự giải thích một cách độc đáo, không lặp lại tất cả các truyện kể và hình tượng cổ xưa. Văn hóa cổ đại là “tiền đề” của lịch sử nhân loại, từ đó hiện rõ những con đường phát triển trong tương lai của ý thức văn hóa.

Lí thuyết tự sự của O. Freidenberg không vượt ra ngoài quan niệm chung của bà về sự phát triển của văn hóa. Lấy ngay phạm trù truyện kể làm thí dụ. Các nhà hình thức luận phân biệt “truyện kể” (“sujet”) với “cốt truyện” (“fabula”). Trong quan niệm của V. Shklovski, B. Tomashevski, “cốt truyện” là “tổng thể các motif trong trình tự thời gian – nhân quả”, “truyện kể” là “tổng thể các motif ấy trong trình tự trình bày”. Với ý nghĩa như thế, “cốt truyện” là chất liệu, “truyện kể” là cấu trúc nghệ thuật. O. Freidenberg không quan tâm tới sự khác biệt giữa truyện kể và cốt truyện như thế. Với bà, truyện kể là hình thức thể hiện thế giới quan. Mối quan tâm lớn nhất, thu hút sự chú ý suốt đời bà là quá trình chuyển hóa từ bình diện nội dung vào phương diện hình thức, từ thế giới quan vào truyện kể. Bà phân biệt “truyện kể khởi thủy” (tiếng Nga: “первоначальный сюжет”) với “câu chuyện thực tế” (tiếng Nga “реальный рассказ”). Bà gọi “truyện kể khởi thủy” là “sơ đồ truyện kể”. Theo bà, “sơ đồ truyện kể” là nội dung “toát yếu dưới dạng nén chặt của ý niệm huyền thoại”. Được thể hiện bằng hình tượng, rồi được diễn giải, truyền bá dưới dạng hình tượng như thế giống như những ẩn dụ tương đương với các hiện tượng đời sống, “sơ đồ truyện kể” sẽ thành “câu chuyện thực tế”, thành truyện kể bằng ngôn từ. Với ý nghĩa như thế, “sơ đồ truyện kể” là “factor”, “câu chuyện thực tế” là “fact”; lịch sử truyện kể là lịch sử suy thoái của ý niệm: nó chuyển từ vị thế độc lập, tự do vào vị thế phụ thuộc, được “hấp thụ, chiếm lĩnh trong một hoàn cảnh khác”. Bà viết: “Khả năng đổi thay, trở thành cái linh hoạt, biến dị, có thể giải thích, dễ chế biến dần dần phá rỗng truyện kể. Sơ đồ của nó chuyển vào motif, motif chuyển vào hình tượng, hình tượng biến thành sự thi vị hóa <…> Khi truyện kể đánh mất khả năng tạo nên sự khác biệt, khi các motif của nó không còn khả năng biến đổi và vai trò trẻ hóa của nó đã chuyển từ sự diễn giải mang tính lệ thuộc, từ căn nguyên bất động sang sự thi vị hóa một cách linh hoạt, theo kiểu sáng tác, thì một phương diện trong bản chất truyện kể đã biến mất, phương diện ấy chỉ để lại cho nó mỗi khả năng trơ lì, khuôn sáo, trần trụi. Sự tích tụ các thuộc tính của cái chung giờ đây đã biến khả năng thụ động thành thực tế; chính sơ đồ truyện kể – tiềm năng cũ – đã hứa hẹn sự tuân phục trong sáng tác. Ngược lại, sự tích tụ các đặc tính, nhân tố cá thể, những nét dị biệt, độc đáo, – tất cả những gì trước kia chỉ là thứ yếu, – giờ đây lại lại đóng vai trò tích cực của nhân tố”[4].

Phạm trù cốt lõi của tự sự học là tự sự/ trần thuật cũng được O. Freidenberg phân tích bằng phương pháp “di truyền” như vậy. Theo bà, tự sự cổ đại đánh dấu bước chuyển từ tư duy huyền thoại sang tư duy khái niệm. Bước chuyển này được bà hình dung như quá trình tái cấu trúc, tái nhận thức “câu chuyện huyền thoại” và các hình tượng của nó. Bà gọi câu chuyện huyền thoại là “bức tranh bằng lời”. Bà nói: “Thật ra, khi chưa có khái niệm, câu chuyện là “bức tranh” bằng lời bị tước bỏ thời gian, là cái “tương tự” như hiện thực, là sự phô bày một cái gì đó thấy được bằng mắt”[5]. Bà cho rằng, câu chuyện huyền thoại có những “đặc điểm cố định của nó”. Bà nói, “tính chất thị giác thuần túy” là bản chất của những câu chuyện như thế; “nó chứng tỏ nguồn gốc của câu chuyện là sự phô bày trực quan”. Đặc điểm này gắn với tư duy hình tượng của ý thức huyền thoại. Ở đây, thời gian bị đồng nhất với không gian, quá khứ bị nhập vào hiện tại, câu chuyện không phải là sự khái quát, mà là cái “giống như thật” chỉ xẩy ra một lần, là hình ảnh cụ thể được truyền đạt trực tiếp bằng hình thức thị giác. Bà chỉ ra: “Chừng nào chưa có cảm giác về độ dài <…>, chưa có cảm giác về sự thay đổi của thời gian, những cảm giác ấy chưa hắt ánh sáng – tối lên sự kiện, thì chưa thể có trần thuật”. Cho nên, trong câu chuyện huyền thoại, “phô bày” (tiếng Nga: “показ”), mô tả có vị trí đặc biệt quan trọng. Chính nó có chức năng trần thuật, thay thế cho trần thuật. O. Freidenberg thường dùng khái niệm “tôi – câu chuyện” (tiếng Nga: “я – рассказ”) để chỉ một đặc điểm khác của câu chuyện huyền thoại: ở đây, chủ thể hành động bị đồng nhất với khách thể hành động. Cuối cùng, theo bà, “lời nói là hình thức đầu tiên của câu chuyện”. Nhờ thế, chuyện kể huyền thoại đã có đủ những yếu tố đầu tiên để kiến tạo tự sự: sự “phô bày” và “lời nói” (tiếng Nga: “речь”). Nhưng câu chuyện huyền thoại được truyền bá dưới hình thức lĩnh xướng. Ở hình thức diễn xướng, người kể chuyện chưa tách khỏi dàn đồng ca, lời gián tiếp chưa hình thành, lời trực tiếp chưa đại diện cho ý thức cá nhân của chủ thể. Cho nên, tuy đã có sự “phô bày” và“hình thức đầu tiên” là “lời nói”, câu chuyện huyền thoại vẫn “tồn tại rất lâu bên ngoài trần thuật”.

Tóm lại, câu chuyện huyền thoại là câu chuyện phi trần thuật, tồn tại ngoài trần thuật. O. Freidenberg cho rằng, tự sự chỉ bắt đầu xuất hiện với các điểu kiện sau đây. Thứ nhất: “Nó từ giã hình tượng để trở thành khái niệm”. Thứ hai: Nó phải chia tách chủ thể và khách thể, tách quá khứ ra khỏi hiện tại, tạo ra nhiều lớp, hoặc chí ít là hai lớp thời gian. Bà nói: “Trần thuật xuất hiện đúng vào vào lúc quá khứ được tách khỏi hiện tại, thế giới này được tách khỏi thế giới kia. Nó trở thành sự mô phỏng – thị giác cái đang diễn ra trên trần thế, thành cái giống hệt về hình thức, có không gian đặc thù và thời gian đặc thù nằm rất xa, vượt ra ngoài giới hạn trần thế”[6]. Thứ ba: Người kể chuyện phải tách khỏi dàn đồng ca, ngôn ngữ gián tiếp phải tách khỏi ngôn ngữ trực tiếp. Trong công trình Hình tượng và khái niệm, O. Freidenberg đưa ra giả định: tư duy khái niệm và lời nói gián tiếp kết nối các “bức tranh” trong cách kể chuyện cổ xưa đã tạo nên tự sự. Bà viết: “Tư duy khái niệm tạo ra trần thuật. Nó sinh ra mệnh đề mục đích, nguyên nhân, điều kiện, đó là những yếu tố làm cho truyện kể vận động và làm đầy truyện kể bằng các mối liên hệ với nhiều tiến trình hiện thực, tạo ra sự phụ thuộc và dẫn tới những kết quả cụ thể. “Bức tranh” không thể chuyển tải các đoản ngữ “nếu”, “khi”, “để”, “vì” v.v…, trong khi đó, chính những đoản ngữ như thế tạo ra câu chuyện mở rộng, có đầu, có đuôi”[7].

O. Freidenberg không chỉ xác định nguồn gốc, mà bà còn chỉ ra đặc trưng loại hình của tự sự cổ đại. Theo bà, đặc trưng loại hình của trần thuật cổ đại có nguồn cội ở tình trạng thiếu hoàn chỉnh của nghệ thuật cổ đại và tư duy cổ đại nói chung. Bà viết: “Ở Hy Lạp, hệ thống nghệ thuật vừa mới hình thành, hoàn toàn chưa có những hình thức hoàn chỉnh như sau này người ta gán cho nó”[8]. Tuy khái niệm đã hình thành, nhưng thời ấy chưa hề có các khái niệm hoàn chỉnh: “Khái niệm được xây dựng bằng phương tiện hình tượng. Khái niệm không phải là một giai đoạn của hình tượng, kế tiếp sau hình tượng. Khái niệm là hình thức của chính hình tượng”[9]. Lại nữa, “trong ngữ cảnh của tư duy hình tượng, ẩn dụ nhất thời giữa chức năng của khái niệm”.

Trong quan niệm của Freidenberg, bản chất ẩn dụ của các khái niệm cổ đại trực tiếp làm nên đặc điểm của tự sự cổ đại. Đặc điểm rõ nét nhất của nó là vai trò to lớn của mô tả và sự dư thừa chi tiết. Bà viết: “Trong sự trần thuật, vẫn chưa có sự khái quát. Muốn khái quát, người Hy Lạp phải xếp vào một dẫy một cái gì đó cụ thể và một cái khác cũng cụ thể, một cái gì đã tồn tại ở đâu đó, xẩy ra với ai đó, lúc nào đó. Truyện cổ đại chỉ cung cấp trường hợp diễn ra một lần; để tạo ra sự khái quát, nó phải dùng lời nói bóng gió toát lên từ những hiện tượng đơn nhất, hoàn toàn cụ thể, muộn hơn một chút, nó dùng thành phần giáo huấn bổ trợ đơn lẻ (dụ ngôn)… Qua cái lặp lại, nó tiến tới cái thường xuyên, bất biến, qua cái đơn nhất cụ thể, nó tiến tới sự khái quát”[10]. Trong công trình Về nguồn gốc của sự mô tả văn học, phân tích đặc điểm của mô tả trong sử thi, Freidenberg tiếp tục phát triển tư tưởng trên. Ở đây, bà nhấn mạnh sự vụng về của Homere trong việc ứng phó với một khối lượng của đối tượng cảm tính mà ông mô tả. Theo bà, sở dĩ có chuyện như thế, vì “Homere chưa thạo mô tả, ông chưa làm chủ được chất liệu và không quên được những đặc điểm riêng lẻ của nó, ông không thể chế ngự và không thể cải tạo được các ấn tượng từ đối tượng mô tả. Là một chứng nhân, ông hào hứng chỉ ra những gì mình nhìn thấy, ông đem vô khối chi tiết cụ thể cảm tính lấp đầy khoảng trống của sự lựa chọn các đặc điểm cốt lõi”. Ở công trình trên, Freidenberg nói thẳng ra rằng, “Mô tả có trước trần thuật, trần thuật được sinh ra từ mô tả ở thời kì rất muộn sau này. Thoạt đầu nó có chức năng hoàn toàn độc lập, nó thay thế, đứng vào chỗ của truyện kể. Sau này, các bộ phận của nó nhập vào từng tác phẩm cổ đại, vượt trội hơn hẳn mọi sự mô tả ở châu Âu về mặt kích cỡ và giá trị. Trong văn học cổ đại, truyện kể không sao đồng hoá được nó, trong đa số các trường hợp, nó khống chế truyện kể và đột ngột phá vỡ truyện kể. Chẳng hạn, một trong số những cảnh xúc động từ Prometheus bị xiềng của Eschyle bỗng đột ngột bị ngắt quãng rất lâu và chúng ta bị tra tấn mệt mỏi vì đoạn mô tả cảnh lang thang sau này của Io”.

Trong công trình Thi pháp truyện kể và thể loại, phân tích vận động chuyển đổi từ câu chuyện thần thoại sang truyện kể văn học, O. Freidenberg còn chỉ ra một đặc điểm khác của tự sự cổ đại. Trong ngữ cảnh của tư duy hình tượng và “ẩn dụ nhất thời giữa chức năng của khái niệm”, các motif “tiền ẩn dụ” của thần thoại không mất đi mà có một “cuộc sống khác” trong những “ẩn dụ” của các thể loại tự sự cổ đại nói riêng và văn học cổ đại nói chung. Chẳng hạn, bà cho rằng truyện kể của các thể loại tự sự đầu tiên được kiến tạo trên nền tảng của nhân vật vốn là “hình tượng hành động”. Thực chất, đó là truyện kể xoay quanh môtif “phục sinh từ cõi chết”, “chuyển từ bất động sang hành động tích cực”, “từ đau khổ sang chiến công”. Sau này, những mô hình truyện kể “thử thách ý chí”, “thử thách lòng chung thủy”, “ra đi – trở về”, “chia ly – gặp lại”… xuất hiện trong các thể loại tự sự đều xoay quanh motif nói trên và là các kiểu tái nhận thức câu chuyện thần thoại theo nhu cầu của mỗi thời đại mới.

Lí thuyết “ngữ nghĩa” huyền thoại và sự di truyền của các hình thức văn hóa là sáng tạo độc đáo của O.M. Freidenberg. Lí thuyết ấy góp phần xác định sự hình thành của loại hình tự sự trong hệ hình tri thức văn hóa cổ đại, đặt nền móng cho sự phát triển của “tự sự học lịch sử” hiện đại. Đồng thời, các công trình của bà đã tiên lượng sự xuất hiện của hướng nghiên cứu văn hóa theo phương pháp cấu trúc – kí hiệu học; chúng không chỉ phản ánh sự nghiên cứu cấu trúc tạo nghĩa thể hiện đặc trưng của tư duy huyền thoại, mà còn nêu lên vấn đề về ngữ cảnh lịch sử – xã hội của sự sản sinh ý nghĩa.


[1] Xem: Valeri Tiupa – Khái lược tự sự học hiện đại. “Phê bình và kí hiệu học”, Q.5, 2002. Tr.5; Andrei Oleinhikov – Lí thuyết trần thuật của O.M. Freidenberg và tự sự học hiện đại: Thử phân tích so sánh// Lí thuyết Nga: 1920 – 1930. Nxb “RGGU”, M., 2004. Tr. 124 – 146.

[2] N.V. Braghinskaja – Về công trình “Hệ thống truyện kể” của O.M. Freidenberg// Tuyển tập Tynhianov (Đọc Tynhianov lần thứ 2). Riga, “Zinatnhe”. 1986. Tr. 277.

[3] O.M. Freidenberg – Hệ thống truyện kể văn học//Tuyển tập: Montage. Văn học, Nghệ thuật, Nhà hát, Điện ảnh. M., 1988, tr. 216.

[4] O.M. Freidenberg – Hệ thống truyện kể văn học//Tuyển tập: Montage. Văn học, Nghệ thuật, Nhà hát, Điện ảnh. M., 1988, tr. 234.

[5] O.M. Freidenberg – Huyền thoại và văn học thời cổ đại (In lần thứ 2). Hãng xuất bản “Văn học phương Đông”, Viện Hàn Lâm Khoa học Nga. M., 1998, tr. 269.

[6] O.M. Freidenberg – Huyền thoại và văn học thời cổ đại (In lần thứ 2). Hãng xuất bản “Văn học phương Đông”, Viện Hàn Lâm Khoa học Nga. M., 1998. Tr. 247.

[7] O.M. Freidenberg – Tlđd, tr. 282.

[8] O.M. Freidenberg – Tlđd, tr. 232.

[9] O.M. Freidenberg – Tlđd, tr. 272.

[10] O.M. Freidenberg – Tlđd, tr. 281.

Comments are closed.