Những bàn tay đẹp

Truyện Khánh Trường

Tôi thù những bàn tay đẹp. Suốt đời, tôi thù những bàn tay đẹp.

Mẹ tôi cũng có hai bàn tay đẹp, đẹp lắm. Bà biết điều đó và hãnh diện về điều đó. Riêng tôi, mỗi lần nhớ đến hai bàn tay của mẹ, trong lòng lại dâng lên một cảm giác đắng cay, lờm lợm. Cảm giác này không phải chỉ có với bà, mà hầu như cho tất cả mọi người khác, những người có hai bàn tay đẹp.

Năm tôi mười hai tuổi, một hôm ở trường về, vừa bước chân qua ngưỡng cửa tôi nhìn thấy cha đang ôm đầu ngồi lặng trên salon, hai vai nhô cao, chiếc lưng còng xuống, tôi để ý thấy cả người ông đang run bắn. Nghe tiếng chân, cha ngẩng lên, đôi mắt ngầu đỏ, sũng nước. Cha đang khóc. Ông nhìn tôi lạc giọng,

“Con sang chú Tư chơi với Huân. Chiều hãy về”.

Tôi dạ nhỏ, xuống nhà sau rửa mặt. Khi trở lên, qua cửa buồng mở hé, tôi thấy chiếc áo ngủ của mẹ vất cẩu thả, nửa trên giường, nửa dưới đất, mền gối chăn mùng dồn thành một đống bừa bộn. Tôi đoán mẹ vừa thức dậy và đã ra đi.

Từ bao năm nay tôi đã quá quen với cách sống cũng như giờ giấc của mẹ nên không lấy đó làm ngạc nhiên. Duy có điều, qua hình ảnh cha ngồi ủ rũ ngoài phòng khách, tôi biết, hai người lại vừa “cơm không lành, canh không ngọt”!

Nhà chú Tư cách nhà tôi một quãng đường ngắn. Tôi vẫn thích sang chơi bên chú, vì một lẽ giản dị, bữa ăn của gia đình chú bao giờ cũng tươm tất thịnh soạn hơn (chẳng bù với mâm cơm nguội lạnh tẻ nhạt của hai cha con tôi!). Ngoài ra, Huân, con trai thứ ba của chú tuy lớn hơn tôi hai tuổi nhưng vẫn bị tôi coi như… em. Một phần, do liên hệ gia tộc, phần nữa, tuổi và thân xác có lớn thật, hắn vẫn chỉ là một đứa trẻ ngây khờ, nếu không muốn nói đần độn. Trong số tám anh em con chú Tư, Huân bất hạnh hơn cả, hắn bị bệnh chậm phát triển. Mặt bẹt, hai má phục phịch, đôi mắt ti hí, tay chân ngắn cũn cỡn, đi đứng lạch bạch như vịt, Huân có cái nhân dáng của hầu hết mọi đứa trẻ cùng số phận. Huân học hành rất khó khăn, mười bốn tuổi vẫn chưa qua khỏi tiểu học. Chú Tư, trong những lúc rượu ngà ngà, vẫn thường tức giận chửi trời than đất. Tuy vậy, chú lại rất thương Huân, và tôi, cũng thế, dù phải thú thật, thường thường tôi tỏ ra… ăn hiếp quá đáng cậu em bất toàn.

Ba tôi có bốn anh em. Ba tôi thứ nhì. Bác Hai ở Huế. Tôi nghe cha nói bác có chức vị khá cao trong quân đội. Mỗi năm một lần tôi theo cha ra Huế tham dự ngày giỗ chạp của gia tộc, nhân dịp này tôi được gặp bác. Dù chỉ gặp lưng bữa nửa tiếng nhưng ấn tượng bác để lại bao giờ cũng đậm nét. Bác thường vuốt đầu tôi, cười nghiêm nghị, hỏi han chuyện học hành. Nghe giọng nói của bác, vừa to vừa lạnh, tôi đâm sợ, và phục. Suốt một thời tuổi nhỏ, hình ảnh bác trong đầu tôi, vẫn luôn luôn là hình ảnh của một võ tướng oai phong lẫm lẫm. Tôi đã đồng hóa ông với những nhân vật đọc thấy trong truyện Tàu, mình mặc giáp sắt, tay cầm trường thương, ngạo nghễ trên mình ngựa, tả xung hữu đột giữa mù mịt máu lửa sa trường. Ấn tượng đó vẫn còn đọng mãi trong tôi cho đến ngày khôn lớn, đúng hơn, cho đến hai năm sau biến cố ba mươi tháng tư. Tôi gặp lại bác, còm cõi ngồi bên vệ đường, sau chiếc quầy bán thuốc lá lẻ của bác gái. Mái tóc bác bạc trắng, những nếp nhăn chằng chịt trên trán, cuối đuôi mắt. Bác ngồi, nhìn mà như không thấy gì cảnh phố xá nhộn nhịp kẻ qua người lại; bác ngồi, một chân xỏ trong đôi dép mủ mòn vẹt, chân còn lại, đã cụt, phất phơ ống quần ka ki mềm nhão. Tôi vẫn phân vân không hiểu có phải cái chân cụt – kết quả công tác gỡ mìn lúc bác còn trong trại cải tạo – là một may mắn hay chăng? Bởi theo lời cha và chú Tư, thì với chức vị của bác trong quân đội cũ, thời gian học tập ba năm là điều khó có thể xảy ra. Tôi đứng cách bác không xa, cố liên hệ hình ảnh còn rất rõ nét trong đầu về bác với hình ảnh trước mắt nhưng quả tình không thể nào tìm thấy một điểm nhỏ tương đồng. Sự đổi thay quyết liệt quá, tàn nhẫn quá. Sự đổi thay làm cho lòng dạ tôi quặn thắt.

Chú Năm thì tôi vẫn thường nhìn thấy, nhưng chỉ nhìn thấy trên… hình. Niềm hãnh diện tôi dành cho chú Năm có lẽ còn lớn hơn so với bác Hai. Bởi lẽ, chú là một nghệ sĩ. Tên tuổi nhân diện chú hầu như cả nước đều biết. Cầm bất cứ một tạp chí lá cải nào trên tay, cũng dễ dàng tìm ra chú, hoặc ở ngay trang bìa, hoặc đâu đó trang trong. Và qua đài phát thanh, qua đài truyền hình buổi tối, giọng hát chú đã từng làm rúng động bao nhiêu trái tim thiếu nữ. Chú Năm trẻ, rất trẻ, lại đẹp trai và tài hoa, vì vậy cuộc sống chú có buông tuồng quá đáng. Nghe nói chú thay tình nhân như thay áo, thêm hút xách bài bạc đủ món ăn chơi. Từ lúc sinh ra cho đến bây giờ, tôi chưa từng thấy chú về thăm nhà. Cha tôi thường than thở với chú Tư, Cái thằng thiệt đoản hậu, vinh quang làm hắn hư hỏng, giỗ cha giỗ mẹ hắn cũng chỉ qua quít vài lời bằng đường bưu điện, chớ có thấy mặt ngang mũi dọc đâu cả. Riêng tôi, chú “đoản hậu” thế nào không biết, chỉ biết bao giờ chú cũng là niềm kiêu hãnh tôi thường đem ra để “đánh bóng” cho thân thế mình với bè bạn, Chú tao đấy… Em ruột cha tao đấy… Khi nói những lời đó, mặt tôi vác lên, ngực ưỡn ra, vẻ nghiêm trang như một người… lớn.

Chỉ có cha tôi và chú Tư, từ thuở nhỏ cho đến khi có vợ có con, luôn ở cạnh nhau như bóng với hình, cả hai tính tình đều mềm mỏng, thích cuộc sống yên ổn bên vợ bên con. Chỉ buồn một nỗi cha tôi quá nghèo, ngược lại chú Tư thì nhà cao cửa rộng, phú quí mọi bề. Hãng nước đá của chú, từ lúc quân đội Mỹ đổ vào Việt Nam, mỗi ngày mỗi trương nở thêm mãi, tiền của cứ tuôn vào, như suối. Tuy không nói ra, nhưng tôi biết thâm tâm cha tôi rất khổ sở khi phải nhờ vả mãi chú Tư. Anh em ruột thịt không nói làm gì, chú Tư còn vợ, còn con, cha không muốn “thiếm ấy và các cháu” khinh nhờn. Vả lại, chú là em, chẳng lẽ làm anh lại cứ bắt em gánh vác mãi sự khốn khó của mình?

Cha tôi càng khổ tâm hơn khi tự biết mình chẳng phải là một người lười nhác, bất tài. Ông có ăn có học, lại cần cù chăm chỉ. Nhưng bao nhiêu năm đầu tắt mặt tối, vẫn không nuôi nổi gia đình.

Nguyên nhân chỉ tại mẹ tôi.

Mẹ tôi, người đàn bà có đôi bàn tay đẹp, rất đẹp. Đôi bàn tay với những ngón thon nhỏ, trắng muốt, đầu ngón vươn dài mười chiếc móng màu hồng nhạt óng ánh kim nhũ. Đôi bàn tay tôi vẫn thường thấy mẹ tỉa gọt mài giũa hàng giờ và ngâm trong chiếc ca nhựa đựng sữa tươi. Dĩ nhiên với đôi bàn tay như thế, thật hết sức bất công nếu bắt mẹ phải chu toàn những công việc chẳng mấy nhẹ nhàng như giặt giũ, nấu nướng, thu vén dọp dẹp nhà cửa… Trước kia, khi vật chất chưa đến nỗi nào, chúng tôi đã có người “chị Hai” lo toan tất cả. Đến lúc gia cảnh suy sụp, cha tôi vui vẻ kiêm nhiệm luôn trách vụ đó, bên cạnh cái trách vụ đương nhiên từ bao nhiêu năm nay, là làm việc quần quật để kiếm tiền.

Một lần tôi nghe bác Hai mắng cha, “Người ta đồn chú sợ vợ lắm phải không? Tại sao lại như thế? Tôi không khuyên chú nặng tay nặng chân với thiếm ấy, nhưng mà phải dạy chứ, phải tỏ ra cương cường một chút chứ. Rồi chú xem, sẽ có ngày chú ân hận cho mà coi”.

“Anh hơi đâu tin lời thiên hạ. Cái bọn lắm mồm… Vợ chồng em vẫn hạnh phúc…”.

“Không có lửa sao có khói? Chú đừng chối. Là anh em, tôi còn lạ gì tính tình chú”.

“Sự thật em cũng có chiều cô ấy… Nghĩ cho cùng cô ấy đáng thương hơn đáng trách”.

“Nghĩa là thế nào?”.

“Thì anh cũng biết, vợ em từ nhỏ đã bọc điều. Anh thay một đôi giày mới đã thấy đau chân, huống hồ buộc người ta thay cả một nếp nghĩ, những thói quen… Chuyện đâu có dễ dàng, tức khắc được…”.

Cha dừng lại, cúi xuống một lúc rồi ngẩng lên, vẻ mặt ông tỏ ra quyết liệt, “Anh Hai, em có đời sống riêng của em. Vấn đề là tự em, cảm thấy bằng lòng hay không cái đời sống em đang sống đó. Chúng ta ai cũng có một gia đình, và em đã trên nửa đời người… Chuyện riêng của vợ chồng em, để em lo…”.

“À… À… Nếu chú đã nói thế thì tôi… không ý kiến nữa. Tùy chú…”.

Chỉ vì cái cha tôi gọi là “đời sống riêng” đó mà hai anh em giận nhau đến gần ba năm.

Mẹ tôi, ngoài hai bàn tay đẹp, nhan sắc bà còn thuộc hàng giai nhân. Công bình mà nói, cha lấy được mẹ một phần lớn cũng nhờ vào vị thế của bác Hai, sự giàu có của chú Tư và tiếng tăm của chú Năm. Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, mẹ là con gái duy nhất, vì vậy được cưng chiều rất mực. Từ nhỏ đến lúc theo chồng, chưa bao giờ mẹ động tay đến bếp núc, giặt giũ, cái ăn, cái mặc… Nhất nhất mọi chuyện đều có người lo. Cha nói đúng, khó mà trách mẹ được. Mẹ sinh ra đã bọc điều, lớn lên trong nhung lụa, cá tính bà được hun đúc uốn nắn để trở thành như thế, và bà như thế. Một con búp bê bày trong tủ kính để xem chơi! Đâu phải lỗi ở bà? Cha đã yêu mẹ, đã nỗ lực tranh đấu để lấy mẹ. Cha chấp nhận cái hình ảnh “để xem chơi” đó một cách hân hoan.

Nhưng nếu mẹ chỉ dừng lại ở vị thế “đồ vật” này thì mọi chuyện chắc không đến nỗi nào. Buồn thay bà đã đi quá cái giới hạn có thể chấp nhận, trở thành một tác hại đến mọi người liên hệ. Thảm kịch từ đó mà ra… Mối bất hòa giữa cha mẹ ban đầu chỉ thỉnh thoảng, nhưng dần dần trở nên thường xuyên, đến một lúc gần như không ngày nào không xảy ra. Nhất là từ khi cha làm ăn yếu đi, không đủ tiền để rót vào cái túi thủng đáy của mẹ. Khổ một nỗi, càng thấy cha nhịn, mẹ càng lộng hành. Được đàng chân lân đàng đầu. Nhiều lúc nhìn cha khổ sở luống cuống trước những lời chì chiết cay đắng, có khi rất hỗn hào, tôi không thể không giận mẹ. Thường, để tránh tình trạng bẽ bàng dở khóc dở cười đó, cha bảo tôi sang chơi nhà chú, hoặc tự tôi tìm sang.

Vừa thấy tôi bước lên mấy bậc cấp đầu thềm, chú Tư đã vui vẻ, “Trung đấy à? Ăn cơm chưa?”.

“Dạ chưa, con mới học về”.

“Cha làm gì bển?”.

“Dạ… dạ…”.

Thấy tôi ngập ngừng, vẻ mặt ỉu xìu, lúng túng, chú Tư thở dài, “Lại có chuyện rồi phải không?”.

Tôi cúi đầu không trả lời. Chú rời chiếc ghế mây bước đến gần tôi, vỗ vỗ bàn tay lên vai tôi, nhỏ nhẹ, “Vào nhà trong ăn cơm với mấy em. Cứ ở đây chơi, tối hẵng về. Để chú qua bển xem sao”.

Chú Tư bước ra cổng. Tôi nhìn theo, bỗng nhiên tôi ứa nước mắt. Tình trạng giữa cha mẹ tôi thật không biết phải giải quyết cách nào. Cha quần quật suốt ngày, mẹ cũng… quần quật suốt ngày, thường khi sáng đêm, nhưng lại quần quật trên chiếu… bạc! Tôi chưa đủ lớn để dám thù ghét mẹ, nhưng thương bà thì chắc không. Chẳng phải vì bà là nguyên nhân làm cho gia cảnh nghèo túng (tôi đâu đã hiểu nổi điều đó!), mà vì bà quá ít gần gũi tôi. Ngay từ lúc còn nằm ngửa, tôi đã được giao cho người làm chăm sóc. Mẹ luôn vắng nhà, thỉnh thoảng ghé về vài tiếng đồng hồ, liếc mắt nhìn sơ đứa con ruột thịt, rồi lại vội vã ra đi sau khi đã moi được ít tiền. Tôi lớn lên trong vòng tay bảo bọc của cha và người “chị Hai”, làm sao tôi có được niềm thương yêu với mẹ? Tôi cũng chưa đủ lớn để dám xem thường cha, người đàn ông đã mê vợ đến độ mù quáng, nhu nhược.

Trời ơi, chị đẹp quá, nhất là hai bàn tay, coi kìa, tôi chưa thấy ai có hai bàn tay đẹp như chị. Hoặc, Nghe nói ở ngoại quốc, mấy cô người mẫu quảng cáo nữ trang bảo hiểm hai bàn tay có khi đến bạc triệu. Với hai bàn tay cùa chị, nếu được, ra nước ngoài thì phải biết, tha hồ lượm tiền! Mỗi khi có người trầm trồ như thế, mẹ cười khanh khách thích thú đã đành, cha cũng rạng rỡ không kém. Tôi thấy ông nhìn bà với một tia nhìn, tôi nghĩ, chỉ có ở những tín đồ khi ngước mặt chiêm ngưỡng dung nhan Chúa, Phật!

Chú Tư trở về khi chiều đã sâm sẫm. Tôi và Huân đang đánh cờ ca rô ngoài phòng khách thì chú Tư lặng lẽ bước vào. Qua nét mặt chú, tôi biết tình trạng giữa cha mẹ lần này rất căng thẳng. Ông ngồi xuống salon, đôi chân mày nhíu lại, chậm chạp ngước mặt nhìn lên bàn thờ, nơi có bài vị chân dung của ông bà nội tôi lồng trong chiếc khung có giá đỡ phủ nhiễu điều. Chú Tư không nói một lời nào, rất lâu. Tôi hồi hộp chờ đợi. Linh tính báo cho tôi biết sắp có điều chẳng lành xảy đến cho cuộc đời tôi. Quả thế. Sau một tiếng thở dài, chú Tư cất tiếng, “Trung à. Bắt đầu từ ngày mai con qua đây ở với Huân và các em, bằng lòng không?”.

Tôi ngạc nhiên, “Sao vậy chú?”.

“Lẽ ra chú không nên nói vội với con chuyện này, nhưng trước sau gì rồi con cũng biết, thôi thì biết sớm vẫn hơn…”.

Chú Tư dừng lại một lúc, nhìn tôi ngập ngừng, “Cha mẹ con không… ở với nhau nữa”.

Và như sợ không còn đủ can đảm để nói tiếp, chú vội vàng, “Mẹ con đã bỏ đi…”.

Tôi đứng phắt dậy, cắm đầu chạy ra cửa. Sau lưng tiếng chú Tư gọi theo hốt hoảng, “Trung… Trung…”.

Nhưng tôi không dừng lại. Tôi chạy một mạch về đến nhà.

Dưới ánh sáng vàng cạch của ngọn đèn tròn treo lơ lửng trên trần, tôi thấy cha vẫn còn ngồi trên chiếc ghế cũ, bất động như một pho tượng, hai mắt ông mở trừng nhìn trân trối vào bóng đêm bên ngoài. Ông không nghe không thấy gì hết, kể cả đứa con duy nhất của ông đang đứng trước mặt. Tôi hỏi cha, “Mẹ đâu… Mẹ đâu cha…”.

Cha tôi lặp lại, như trong cơn đồng nhập, “Mẹ đâu… Mẹ đâu…”.

Bỗng ông vùng đứng lên, hai nắm tay nắm chặt, quai hàm bạnh ra. Ông nghiến răng, “Tao sẽ giết… Giết hết…”.

Tôi hoảng sợ lùi lại, bật khóc. Tiếng khóc của tôi giúp cha hồi tỉnh. Nét mặt cha dịu lại, ông từ từ bước đến ôm tôi vào lòng. Và ông cũng khóc. Nước mắt nhỏ xuống tóc tôi mái tóc còn xanh mướt nhưng đã bắt đầu nhuốm màu bất hạnh…

Cha không giết ai cả!

Dù ông biết mẹ đã bỏ hai cha con tôi đi theo một tên cờ gian bạc lận. Tên này nổi tiếng khắp tỉnh nhờ cái dáng vẻ bề ngoài bảnh bao và hai bàn tay – cũng hai bàn tay – biến ảo khôn lường khi đụng đến những con bài.

Hắn sinh ra ở đây, nhưng “làm ăn” mãi tận trong Nam. Hắn nói,“Đất này nghèo xác xơ, làm gì có tay chơi xứng đáng!”.

Rồi nhún vai khinh mạn, tiếp, “Trong Nam đất rộng người đông, tiền rừng bạc bể… Cá lớn phải vẫy vùng ở biển Đông, mới xứng”.

Hắn chấm dứt câu nói bằng cách cung hai tay, mở một vòng rộng trước mặt, ý hắn muốn mô tả cái “biển Đông” đang hiển hiện trong đầu, rồi nâng ly bia đầy vun uống một hơi cạn sạch.

Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy hắn, tại quán nhậu Huynh Đệ. Cái quán nằm ngay trên trục lộ giao thông chính của tỉnh, cách trường tôi không đầy năm trăm thước. Hôm ấy tôi gặp cả mẹ. Bà ngồi bên cạnh gã cờ gian bạc lận, đắm đuối nhìn hắn ba hoa, tia nhìn không khác bao nhiêu với đôi mắt cha khi nghe người ta tán tụng hai bàn tay mẹ, tia nhìn chỉ có ở những tín đồ ngước lên chiêm ngưỡng dung nhan Chúa, Phật!

Với trí óc non nớt của một đứa nhỏ mười hai tuổi, làm sao tôi có thể hiểu được chỉ vì những tia nhìn như thế, mà bao nhiêu thảm kịch đã xảy ra trên trần gian này. Lớn lên, đọc sách, tôi tìm thấy hàng triệu người bị giết chóc, hàng nghìn thành phố bị san bằng, hàng tỉ kiếp đời bị lầm than, cũng chỉ vì những tia nhìn, hoặc nhân danh tín ngưỡng, hoặc, nhân danh tự do, no ấm, công bằng… Những tia nhìn, như cha, cho mẹ. Như mẹ, cho tên cờ gian bạc lận. Những tia nhìn cuồng tín!

Người ta không chết vì điều bình thường, người ta chết vì sự cuồng tín, dù sự cuồng tín khởi nguồn từ yêu thương.

Cha không giết ai cả! Bản chất ông yếu mềm, làm sao dám giết ai. Tuy nhiên cũng làm sao ông chịu đựng được mất mát quá đỗi to lớn kia. Cha giao tôi lại cho chú Tư nhờ nuôi nấng giùm. Ông nói muốn vào Nam làm ăn, bao giờ yên ổn sẽ về đón tôi. Chú Tư đã quyết liệt can ngăn nhưng cha không nghe. Ông phân trần, “Anh muốn quên, mà ở đây thì có bao nhiêu điều gợi nhớ… Chú phải để anh đi. Chú yên trí, anh đủ nghị lực vượt qua mà”.

“Anh không vào Nam tìm chị chứ, anh Ba?”.

“Không, anh đi làm ăn”.

Chú Tư nhìn thẳng vào mắt cha, lắc đầu, “Đàn bà, khi đã thay lòng thì không có gì lay chuyển được họ đâu. Anh Ba, nghe em đi. Ở đây anh em có nhau. Anh gắng tĩnh dưỡng một thời gian sẽ nguôi ngoai. Đời còn dài, thiếu gì cơ hội để làm lại”.

“Anh đi làm ăn, thật mà… Anh hiểu chứ, tìm bà ấy làm gì nữa! Ly nước đã đổ, hốt lại được đâu”.

Chú Tư biết có nói thêm cũng vô ích, đành để mặc cha tự quyết định.

Ngay khi đặt chân đến miền Nam, cha lập tức truy tầm tung tích mẹ và gã cờ gian bạc lận. Nhờ chú Năm nhẵn mặt những chốn ăn chơi, cha dễ dàng tìm ra chỗ họ cư ngụ. Ông van lạy mẹ trở về, bao nhiêu lỗi lầm của mẹ ông hứa sẽ xóa sạch hết. Nhưng mẹ, như con thiêu thân say đắm ánh đèn, nào sá gì lời kêu gào của người chồng khốn khổ. Bà tàn nhẫn đuổi ông ra khỏi nhà. Cha năm lần mười lượt tới lui, mẹ chẳng mảy may động tâm. Tuyệt vọng, cha điên cuồng tìm đến bọn đâm thuê chém mướn nhờ chúng loại giùm tình địch, số tiền tương đối khá lớn chú Tư đưa cho cha để làm lộ phí và vốn làm ăn, cha đã vét hết giao cho chúng. Nhưng thay vì tìm giết tên bất lương, chúng quay ra giết cha để diệt khẩu, cướp số tiền oan nghiệt!

Đó là nội dung lá thư chú Năm gởi về gia đình sau một tháng cha bỏ quê vào Nam.

Cha không giết ai cả!

Ngược lại, cha chết vì tia nhìn sùng bái của ông dành cho mẹ.

Cha chết tôi không nhìn thấy mặt.

Tôi theo chú Tư vào Nam để cùng phụ với chú Năm lo việc tang ma. Đường sá xa xôi, chú Tư lại quá bề bộn công việc làm ăn, nên khi hai chú cháu vào đến nơi thì xác cha đã thối rữa, người ta vừa mang chôn trước đó một ngày. Chú Tư an ủi tôi, “Tạm thời thôi. Vài năm nữa chú sẽ đưa hài cốt cha cháu về quê”.

Tôi nhớ đến lời bác Hai: “Rồi sẽ có ngày chú ân hận…”.

Không, cha tôi chẳng còn có mặt trên cõi đời này để mà ân hận. Đối với mọi người còn sống thì cha đã trả một giá quá đắt cho mối đam mê mù quáng của mình, nhưng với ông, trước khi nhắm mắt vĩnh viễn, biết đâu đã rất vừa lòng? Lưỡi thép bén xuyên ngọt qua trái tim, chấm dứt những nhịp đập quằn quại, sẽ tốt hơn hay kéo dài mãi những nhịp đập đó suốt đời? Chỉ có cha tôi mới trả lời được câu hỏi này. Còn tôi, tôi sẽ thế nào đây sao thảm kịch? Ngồi trên máy bay trong chuyến trở về, nhìn ra lớp lớp mây trắng chập chùng bên ngoài khung kính, lần đầu tiên tôi cảm nhận một cách thật rõ cái lẽ vô thường của số phận con người!

Nỗi đau tuy lớn nhưng rồi cũng nhạt dần. Tôi trưởng thành trong sự đùm bọc của chú Tư. Mẹ, thỉnh thoảng lắm mới gởi cho tôi ít chữ, kèm theo vài nghìn đồng “để con tiêu vặt”. Tình nghĩa mẹ con cũng mong manh như những đồng bạc mẹ được trong chiếu bài. Tôi không biết mẹ còn giữ được bao lâu, và bao lâu nó sẽ qua tay người khác!

Biến cố tháng tư bảy lăm trả lời giùm tôi câu hỏi đó. Mẹ, có lẽ đã theo gã bất lương đào thoát ra khỏi nước. Tôi không nhận được chút tin tức nào của bà kể từ ngày ấy. Trong nhiều lá thư chú Năm gởi về cũng nói chẳng còn gặp mẹ tại các nơi ăn chơi quen thuộc. Như vậy, tôi lại thực sự mất thêm một người thân. Thôi thế cũng đành. Tình cảm tôi dành cho mẹ vốn quá nhẹ nên cũng không thấy buồn bã bao nhiêu.

Bốn năm sau tôi theo gia đình chú Tư xuống tàu vượt biển.

Tài sản của chú bị thất tán chẳng còn bao nhiêu nên không thể bảo bọc cho cả dòng họ, vì vậy trong chuyến đi này chỉ có thêm một mình bác Hai. Khi chia tay bác đã hứa với gia đình – một cách rất lạc quan – rằng bác sẽ trở về trong một tương lai không xa, mọi người hãy cố gắng đùm bọc nâng đỡ nhau vượt qua nghịch cảnh, và chờ đợi.

Thuở đó bác nghe người ta đồn nước Mỹ sẽ dành cho bác, những người như bác, nhiều đặc quyền từ vật chất lẫn tinh thần. Đồng thời những chiến hữu xưa kia của bác ở hải ngoại đang hăng say hoạt động để chuẩn bị cho một ngày về… Bác nghe và tin điều đó, bác không muốn mình trở thành một kẻ đứng bên lề, bác mong được tham dự, tiếp tay. Dù tật nguyền, nhưng với kinh nghiệm và khả năng chỉ huy, bác nghĩ mình sẽ giúp ích rất nhiều cho đại cuộc. Niềm tin của bác về nước Mỹ, về quân đội, về lý tưởng… buồn thay, cũng không khác gì hơn những sợi tóc trên đầu bác, mỗi ngày mỗi bạc trắng để rồi rụng dần, rụng dần. Và chắc hẳn ở quê nhà, vợ con bác chẳng thể nuôi mãi một niềm hy vọng càng lúc càng trở nên mơ hồ, khác chi tấm bạt nhà binh bác gái căng chỗ sàn nước để che mưa che nắng ngày nào, đã theo tháng năm dần dần rệu rã.

Bây giờ, mỗi lần nhìn bác ngồi co ro trong góc nhà, chiếc áo lạnh to sụ phủ kín từ cổ đến gót chân tôi tự hỏi, phía sau vầng trán chằng chịt nếp nhăn kia, điều gì đang lềnh bềnh trong đó? Tuổi già, bóng xế, vợ con nghìn trùng chia biệt, liệu bác sẽ còn chịu đựng thêm được bao năm nỗi cô đơn mỗi ngày mỗi đùn cao như mối. Tôi lại thấy ruột gan mình quặn thắt. Hình ảnh người đàn ông cụt chân ngồi lặng sau tủ thuốc lá bên vệ đường với hình ảnh ông già co ro giữa căn phòng vắng lạnh, trên một xứ sở xa lạ chẳng phải quê hương. Hình ảnh nào đáng thương hơn?

Chỉ trong vòng mười mấy năm, tôi đã chứng kiến bao nhiêu đổi thay. Những người đại biểu cho một thế hệ dần dần tàn lụi, tan rã. Cha chết, bác Hai như một phế tích buồn thảm. Chú Năm sau biến cố tháng tư trở thành kẻ bỏ đi. Chú tưởng với tài năng của mình, chắc chắn chú sẽ được trọng dụng. Chú lầm. Mỗi chế độ, mỗi khuynh hướng chính trị, mỗi thời điểm đã có sẵn cho nó những đường hướng văn nghệ riêng, những nghệ sĩ riêng. Tài năng! Ở đâu, lúc nào mà chả có. Loại nghệ sĩ thường thường như chú thực sự chẳng hữu dụng gì hết, nếu không muốn nói nó sẽ làm tắt nghẽn dòng chảy của lịch sử. Chú Năm không chịu hiểu điều đó, hay hiểu, nhưng cố bám lấy cái ảo tưởng về tài ba của mình, về một thời vang bóng. Vì vậy chú bị đẩy sang bên lề, trở thành kẻ bất mãn, căm thù. Với tâm trạng đó, chỉ còn hai con đường cho chú chọn: Hoặc phản kháng để bị nghiền nát, hoặc trầm luân trong trụy lạc để trở thành một cọng rác nhỏ nhoi trong đống rác lớn lịch sử. Do bản chất yếu mềm, chú Năm chọn con đường thứ hai. Bây giờ, nghe đâu chú đã trở thành một tay nghiện nặng. Bao nhiêu tiền chú Tư gởi về đều bị cậu em mang đốt sạch vào ngọn lửa phù dung. Chú tìm thấy dư ảnh nào trong lớp khói đục của ma túy? Chú đang đẩy định mệnh mình đến cõi bờ nào giữa một bối cảnh quá đỗi lầm than?

Tôi nghĩ, một cách nào đó, chú Năm đang chết. Buồn thay, cái chết của chú làm ô nhiễm môi trường sống, làm phương hại dài lâu cho nhiều người khác.

Hình như trong bốn anh em của cha, chỉ có chú Tư là người may mắn nhất. Xét cho cùng, chú may mắn cũng không phải điều vô lý. Đời sống chú phẳng lặng, chừng mực, vừa phải. Chú không có cái đam mê lớn của cha. Chú không thích cái buông tuồng phóng đãng của chú Năm, chú cũng không hợp với cái cực đoan quyết liệt của bác Hai. Nói chung, chú Tư là một đại biểu rõ nét nhất cho đám đông được gọi là quần chúng. Cái đám đông làm nên xã hội, cái đám đông thầm lặng nhưng có khả năng chi phối hướng đi của lịch sử. Cái đám đông đó, như lưu đạo của một dòng sông, chảy bình thản ra biển, cuốn phăng theo trên bề mặt những rác rến cặn bã. Có thể nhiều người đang lên án, nguyền rủa thái độ thỏa hiệp của chú Tư đối với đời sống. Nhưng cái đích cuối cùng của chú Tư, cũng như cái đích cuối cùng của một dân tộc, là sự tồn tại, sống còn để vươn tới thì hầu như những người đó đã quên mất. Rốt cuộc họ sẽ thế nào? Như cha? Như chú Năm? Như bác Hai? Hay thảm thương hơn, như mẹ? Như mẹ?

Tôi sẽ không sòng phẳng với lòng mình nếu chưa đi đến tận cùng tấm thảm kịch của gia đình. Dù tôi biết, như thế, người đàn bà có đôi bàn tay đẹp là mẹ tôi, bây giờ đang ở một nơi nào đó bên ngoài thế gian này, sẽ rất buồn khi thấy tôi đem thân thế bà rêu rao cho mọi người cùng biết.

Cách đây không lâu, tình cờ tôi đọc thấy mẩu tin ngắn ở trang trong một tờ nhật báo. Bản tin viết, “Chúng tỏi có lần đưa tin một người đàn bà Á châu bị bắt tại tiệm kim hoàn H… Vì bà ta đã dùng hột xoàn giả đánh tráo hột xoàn thật. Qua điều tra của cảnh sát, được biết người đàn bà này không phải lần đầu phạm tội. Nhiều tiệm kim hoàn khắp tiểu bang từng “được” bà ta “thăm viếng”. Các chủ tiệm họp nhau theo dõi và báo cảnh sát gài bắt quả tang.

Tối hôm qua (Ngày… Tháng… Năm…), tại khám đường… Người đàn bà đã cắt gân máu tự tử. Khi giám thị phát hiện thì bà ta đã chết.

Cảnh sát đã tiết lộ danh tính cùng nhiều chi tiết liên quan đến lý lịch khá mù mờ của người đàn bà. Họ tên: Trần Thị Bạch Vân. Tuổi: 52. Không thân nhân và nghề nghiệp nhất định. Thường xuất hiện trong các sòng bạc ở Las Vegas. Đến Mỹ sau tháng tư năm 1975…”.

Trong giấy khai sinh của tôi, chỗ tên mẹ, cũng ghi: Trần Thị Bạch Vân, 52 tuổi.

Tôi nhờ luật sư đến khám đường làm thủ tục nhận xác mẹ về chôn.

Gần hai mươi năm kể từ ngày mẹ bỏ đi, không ngờ tôi lại gặp bà trong hoàn cảnh như thế. Tôi không buồn lắm. Tình cảm tôi dành cho bà, như đã nói, quá đỗi mờ nhạt. Nhưng ấn tượng về hai bàn tay của bà, hai bàn tay cho đến khi chết, dù tuổi tác đã trên năm mươi, còn đẹp một cách não lòng, vẫn khiến tôi lờm lợm mỗi lần hồi tưởng!

Phần tôi… Chín năm trên đất Mỹ đã biến đứa bé mười hai tuổi ngày nào trở thành một kỹ sư. Trong vị thế của một thanh niên trẻ tuổi, độc thân, có học, có đời sống vật chất tương đối ổn cố, dĩ nhiên không khó khăn lắm nếu tôi muốn tìm cho mình một người vợ. Nhưng thảm kịch gia đình, ấn tượng mẹ gieo trong đầu tôi về lòng dạ của đàn bà, đã khiến tôi trở nên một người khó tính, có khuynh hướng thích cô đơn. Ngoài thời giờ ở sở, thú vui duy nhất của tôi là đọc sách. Rất ít khi tôi bước ra khỏi nhà. Tôi sống xa lạ với mọi người, và ngay cả với chính bản thân.

Nhưng tôi biết, cuối cùng rồi mọi chuyện sẽ dần lắng xuống. Tôi cũng sẽ thích nghi với cuộc đời, sẽ lấy vợ sinh con, sẽ là một người cha người chồng gương mẫu (hay hư hỏng! Làm sao biết được).

Và vài mươi năm nữa, các con tôi lớn lên, có lẽ chúng sẽ nói với nhau, về tôi, về chúng ta, như tôi đã nói về thế hệ cha chú của mình: Thêm một trang sách cũ đã lật qua. Tôi mong rằng chúng sẽ nói lời ấy với một thái độ thản nhiên, thân ái. Chứ đừng như tôi, cũng vừa nói xong lời ấy, nhưng trong lòng không thể không cảm thấy dâng lên một cảm giác đắng cay, lờm lợm.

Comments are closed.