Một cách phê bình đáng lo ngại: Trường hợp Những mảnh đời đen trắng

Hoàng Dũng

clip_image002

Những mảnh đời đen trắng của Nguyễn Quang Lập (Nxb Nghệ Tĩnh, 1989) là một trong những cuốn tiểu thuyết gần đây hứng chịu nhiều phê phán nhất. Cho đến nay, đã có ba bài báo nghiên cứu riêng về Những mảnh đời đen trắng (Nguyễn Khoa Văn), Đọc tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng của Nguyễn Quang Lập (Văn nghệ, số 41, 14-10-1989), Nguyễn Văn Lưu, Đọc tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng (Văn nghệ quân đội, số 2, 1990) và Nguyễn Trúc Linh Những mảnh đời đen trắng – một cuốn sách nhiều sai lệch (Nhân dân, 16-3-1990). Ấy là chưa kể hai bài khác của tiến sĩ mỹ học, phó tiến sĩ văn học Đỗ Văn Khang nhân bàn một vấn đề khái quát, có nhắc đến Những mảnh đời đen trắng: Trong văn học cũng không thể để nền dân chủ bị lợi dụng (Công an nhân dân, số 84, từ 2 đến 8 tháng 5-1990) và Những tham vọng ngoài văn học (Nhân dân chủ nhật, số 29, 15-7-1990). Tất cả những bài trên đều tuyệt đối không dành một lời khen tặng nhỏ nào, trái lại đồng loạt chê trách, mà nếu gọi chính xác là kết tội Những mảnh đời đen trắng.

Sự kết tội ấy dựa vào một số luận điểm đáng ngờ. Nếu Nguyễn Trúc Linh đang còn nói mơ hồ: “Loại bỏ âm hưởng hào hùng, tác giả tìm đến những giai điệu bi ca pha trộn với giọng đùa bỡn bông phèng” thì trước đó, Nguyễn Khoa Văn nói thẳng, đại ý Những mảnh đời đen trắng lấy bối cảnh trước và lúc xảy ra sự kiện vịnh Bắc Bộ, cho nên giọng điệu chủ đạo cần có phải là tráng ca hay bi hùng, chọn giọng điệu giễu cợt như Nguyễn Quang Lập đã làm là “lầm lẫn nghiêm trọng”, là đã đưa vào các thứ “không phải bản chất thiêng liêng nhất của nhân dân”[1].

Quả nhiên, Những mảnh đời đen trắng có bối cảnh là giữa những năm 60, nhưng rõ ràng tác giả không nhằm miêu tả cuộc kháng chiến chống Mỹ hay toàn cảnh xã hội đất nước ta lúc ấy. Điều Nguyễn Quang Lập quan tâm là sự ứng xử giữa người và người, vấn đề thiện ác, sức tàn phá của thành kiến, của dốt nát… Như thế, Những mảnh đời đen trắng nghiêng về đạo đức – thế sự hơn là lịch sử dân tộc. Yêu cầu giọng điệu chủ đạo của Những mảnh đời đen trắng phải là tráng ca hay bi hùng, đấy là yêu cầu chính đáng nếu tác phẩm này thuộc loại sử thi, với ý định lấy những biến cố quyết định vận mệnh dân tộc làm đối tượng miêu tả. Tuy nhiên, đòi hỏi bất cứ tác phẩm văn học nào lấy bối cảnh là giữa những năm 60 (hay nói rộng ra, cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung) đều phải tráng ca hay bi hùng, bất chấp thể tài và ý đồ nghệ thuật của tác giả, là đặt ra những khuôn mẫu vô lý, làm nghèo nàn văn học. Mỗi thể tài hay hẹp hơn, mỗi tác phẩm văn học, là một cách thế nhìn đời, phản ánh chỉ một vài khía cạnh nào đó của cuộc sống đa dạng, phong phú với vô vàn mối quan hệ chằng chịt. Đứng trên yêu cầu của khía cạnh này để phê phán một tác phẩm vốn ở một khía cạnh khác, dù là khía cạnh chủ chốt nhất, là “bản chất thiêng liêng nhất” đi nữa, đó là một lầm lẫn nghiêm trọng về cả lý luận lẫn thực tiễn.

Vậy thì đáng phê phán không phải bản thân giọng điệu giễu cợt trong Những mảnh đời đen trắng. Nhân vật của Những mảnh đời đen trắng không phải là con người thực như Kutuzov để có thể, như Nguyễn Khoa Văn, viện dẫn lời của L. Tolstoi trách Nguyễn Quang Lập “đem một anh hùng đã xếp hạng vẽ thành một tên đốn mạt”. Cho dù những Trần Hới, những Lê Đức Huy, những đại úy Thìn… chỉ là số rất ít, không tiêu biểu cho nhân dân ta nói chung, nhưng nhìn ở góc độ khác lại rất tiêu biểu cho loại người độc ác, cơ hội hoặc dốt nát. Tại sao không thể giễu cợt, châm biếm loại người đó? Cái ác, cái xấu dù không nhiều vẫn cần được nghệ sĩ báo động bởi vì cái ác, cái xấu bao giờ cũng ít nhưng bao giờ cũng mạnh. Nói như Mác: “Cần phải bắt nhân dân khiếp sợ bản thân mình để tiêm dũng khí vào cho họ” (Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel, Nxb Sự thật Hà Nội, 1977, tr. 16, in nghiêng trong nguyên bản).

Vấn đề Nguyễn Quang Lập có quên mất tính chất khía cạnh của tác phẩm không dừng lại những thói tật có thật, mà đi tới chỗ giễu cợt, châm biếm trùm lấp cả một thời kỳ lịch sử hay không? Nguyễn Khoa Văn khẳng định Những mảnh đời đen trắng đã “đem một thời kỳ vẻ vang của dân tộc xuyên tạc thành một thời kỳ của tấn hề tuồng”, Nguyễn Văn Lưu xác nhận “cuốn sách này đã nhìn một cách méo mó cuộc kháng chiến cao đẹp của chúng ta”. Nguyễn Trúc Linh phê phán cuốn sách “đã dựng nên một thực tại méo mó trên vùng tuyến lửa địa đầu miền Trung vào những năm 1964-1966”.

Chỉ riêng sự khảo sát tính chất các hình tượng được xây dựng trong Những mảnh đời đen trắng đủ cho thấy kết luận trên là không vững chắc. Những nhân vật bị châm biếm giễu cợt phần lớn đều gợi lên một niềm thương cảm xấu xa. Đại úy Thìn là “người lính dũng cảm, đạt đến độ phi thường” (tr. 26), “si mê chủ nghĩa xã hội, lúc nào cũng nói về nó với nỗi khát thèm bốc cháy” (tr. 26) nhưng dốt nát, do đó đẩy người khác, rồi cả những người thân yêu nhất, và vì thế cả chính mình vào tình cảnh bi kịch. Đằng khác, đại úy nhìn sự vật gần như bao giờ và trước hết cũng ở khía cạnh chính trị. Ngay cả sự hối hận của đại úy sau khi đánh đập vợ một cách tàn nhẫn vì tội thông dâm cũng được chính trị hóa: “Mình không xứng đáng là một người cộng sản. Người cộng sản không những biết kiên quyết đấu tranh mà phải biết bao dung độ lượng, biết nhận ra sai lầm và khắc phục sai lầm là bản chất của người đảng viên” (tr. 86). Tuy vậy, đó là sự hối hận rất chân thành và cảm động. Chính Nguyễn Quang Lập đã viết như sự đánh giá tổng kết về đại úy Thìn: “Dưới nấm mồ kia là đại úy Thìn, con người vừa đáng trọng, vừa đáng khinh, vừa đáng thương, vừa đáng ghét…” (tr. 207). Chủ tịch huyện Lanh dốt nát không kém đại úy Thìn, bị đứa con rể dắt mũi đi đấu đá với Bí thư và khi Bí thư bị kỷ luật nặng, ông thật thà thú nhận: “Thú thật tôi đau đầu quá, không hiểu ra sao nữa. Nào tôi có muốn hại ai bao giờ…” (tr. 170). Còn chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy là một nạn nhân hơn là tội nhân: hoàn toàn không có tham vọng quyền chức, ông chỉ nhờ lý lịch nghèo khổ mà được đề bạt hết chức này đến chức khác, bất chấp sự dốt nát của ông… Nói như ông Thanh sau khi thôi chức Bí thư huyện, với ông Lanh: “Tôi không giận anh đâu. Anh làm gì mà tôi giận. Kể cả anh Thìn tôi cũng không giận chút nào. Tôi biết các anh là người tốt, rất tốt, có điều…”. Tác giả bảo ông Thanh định nói “có điều các anh còn hạn chế quá nhiều về nhận thức” (tr. 171). Hay nói như họa sĩ Tư: “Tôi chỉ căm ba thằng ngu bố láo thôi” (tr. 16). Ngu bố láo, đấy chính là Trần Hới, nhân vật duy nhất trong Những mảnh đời đen trắng hoàn toàn không gợi chút gì cảm thông ở người đọc, vì hắn là kẻ cơ hội, lá mặt lá trái, giỏi đóng kịch, lắm thủ đoạn độc ác, tất cả chỉ vì động cơ cá nhân.

Những nhân vật có học, nhân cách cũng không toàn vẹn. Bí thư Thanh “có khả năng phân tích rành mạch và chính xác các sự kiện lịch sử trong nước và thế giới”, có thể giảng giải “các giai đoạn của văn học Pháp, Anh, Nga và các trường phái nghệ thuật đang diễn ra trên thế giới” (tr. 119). Nhưng cuối cùng, ông tự đánh giá: “Tôi cũng là một thằng cơ hội vì tôi im lặng” (tr. 115). Họa sĩ Tư tài hoa mà bất hạnh, nhưng “chưa một lần anh nghi ngờ cách mạng và xã hội mà mình đang sống” (tr. 95). Họa sĩ bộc bạch: “Tôi yêu chủ nghĩa xã hội, yêu thật sự, thậm chí có thể chết vì nó chứ không phải yêu để mà chơi. Có điều tôi không thể chịu được thứ chủ nghĩa xã hội qua mồm tay Thìn và những thằng ngu dốt khác. Đó là thứ chủ nghĩa ảo tưởng vì ngu dốt” (tr. 55). Tuy vậy, họa sĩ cho mình chỉ là kẻ “bám váy cách mạng”, là “kẻ ăn hại” (tr. 95). Cái vẻ “dương dương tự đắc” (tr. 41,43), “trâng tráo hết sức” (tr. 65) của họa sĩ trong sâu xa là một cái gì đáng thương. Quan hệ của họa sĩ với thím Hoa, chị dâu nay và là người yêu xưa quả “vừa đáng khâm phục vừa đáng ghê tởm” như một nhân vật phát biểu (tr. 125,126). Lời khấn của họa sĩ trước mộ đại úy Thìn là một sự tự đánh giá: “Em cũng vậy thôi anh Thìn, vừa đáng trọng vừa đáng khinh, vừa đáng thương vừa đáng ghét” (tr. 207).

Như vậy, nhân vật của Những mảnh đời đen trắng là phức tạp: trừ một trường hợp ngoại lệ, không người nào là hoàn toàn đen, ngược lại, ngay cả những nhân vật học thức, được Nguyễn Quang Lập miêu tả với nhiều thiện cảm, vẫn không phải hoàn toàn trắng. Điều này một mặt cho thấy khẳng định của Nguyễn Văn Lưu: “Cách nhìn cuộc sống chỉ có trắng đen hai phần đối lập nhau là nguồn gốc những cảm hứng thiên lệch, giận hờn bực bõ của tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng là không có cơ sở. Mặt khác, nó bộc lộ đằng sau sự giễu cợt là thương cảm, đằng sau sự thiện cảm là chê trách, nhưng thương cảm và chê trách của những người trong cuộc với nhau về những thói tật không phải của ai khác mà của chính mình. Trong chiều hướng đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường có lý khi bảo Nguyễn Quang Lập đã “làm thương tổn lương tâm trở nên hoàn thiện hơn” (Lời giới thiệu, tr. 7). Với tính chất các hình tượng như đã phân tích, Những mảnh đời đen trắng biết giới hạn ở khía cạnh của tác phẩm, của thể tài và do đó vẫn là chân thực lịch sử.

Sự phê phán của các tác giả trên đối với Những mảnh đời đen trắng thiếu sức thuyết phục không phải chỉ do xuất phát từ một số luận điểm bấp bênh, mà đáng nói hơn, còn do một cách đọc hay một cách phê phán không nghiêm túc.

Đó là cách đọc dễ dãi, dừng lại ở sự đồng nhất, sự gần gũi bề mặt, mà không đi sâu phân tích thực chất của sự vật, theo kiểu “vọng văn sinh nghĩa”. Chẳng hạn, Nguyễn Khoa Văn, Nguyễn Trúc Linh và Đỗ Văn Khang đều kết tội Những mảnh đời đen trắng là hiện sinh chủ nghĩa. Trừ Đỗ Văn Khang không có một dòng nào chứng minh cho những lời lẽ nặng nề của mình: “Họ lợi dụng hoàn cảnh để truyền bá thứ văn chương rất đắc dụng trong bộ máy “tâm lý chiến” thời Mỹ ngụy. Đó là sự trắng trợn truyền bá chủ nghĩa hiện sinh trong cuốn Những mảnh đời đen trắng của Nguyễn Quang Lập” (Trong văn học không thể để nền dân chủ bị lợi dụng, bài đã dẫn), Nguyễn Khoa Văn và Nguyễn Trúc Linh đều dựa vào chỗ ở Những mảnh đời đen trắng có xuất hiện “phi lý” với “buồn nôn”. Sự thực chủ nghĩa hiện sinh quan niệm phi lý như là yếu tính của thế giới và con người chỉ có thể chấp nhận phi lý chứ không thể đấu tranh để cải tạo thế giới từ phi lý đến hợp lý. Trong quan điểm đó, buồn nôn là một trầm tư triết học trước cái phi lý của hiện sinh, là một tình cảm ngạt thở gây nên do sự phát hiện hiện sinh. Sự dấn thân, nếu có, chống lại cái ác không phải vì một thế giới tốt đẹp hơn, mà chỉ vì một thứ tự do tự chọn siêu hình cho một tồn tại siêu hình. Như thế, chỉ với tính chất các hình tượng của Những mảnh đời đen trắng như đã phân tích ở trên đủ khẳng định thực chất Những mảnh đời đen trắng không thể là một tác phẩm hiện sinh chủ nghĩa. Sự giễu cợt hay thương cảm, sự thiện cảm hay chê trách của Nguyễn Quang Lập không phải vô mục đích, mà là để xua bớt đi những mảng tối đè nặng lên con người. Nếu chủ nghĩa hiện sinh trong thực chất phủ nhận khả năng nhận thức và cải tạo của con người và do đó là một triết học bi quan, thì Nguyễn Quang Lập tin xã hội sẽ tốt đẹp lên. Ta hiểu vì sao Nguyễn Quang Lập cho nhân vật họa sĩ Tư “chùi mép trừng mắt nhìn Bỉ” khi Bỉ bảo cái ao ước “tôi chỉ mong chính quyền ta rũ sạch những thằng ngu” của họa sĩ Tư là ảo tưởng (tr. 55). Quả thật, nếu chỉ căn cứ vào từ ngữ thì Nguyễn Quang Lập có viết mấy chữ “phi lý” và “buồn nôn”. Nhưng trong tác phẩm, phi lý được hiểu như là bất bình thường – lời của thím Hoa nói với họa sĩ Tư: “Anh Thìn và chúng ta bất bình thường, đã tự phi lý trước cuộc sống, thế mà anh Thìn và chúng ta mỗi bên đều cho mình có lý. Em nghĩ chán ra rồi, cần phải trở lại đời sống bình thường như mọi người đang sống” (tr. 207). Còn buồn nôn được hiểu là tình cảm ghê gớm trước sự xấu xa (tr. 41, 61, 184, 196) hay có khi chỉ là cảm giác sinh lý khi ngửi phải mùi rượu, thức ăn thừa của bữa tiệc đã tàn, chưa kịp dọn (tr. 120). Buồn nôn, phi lý như vậy là hiện sinh chủ nghĩa ư? Hay phi lý, buồn nôn đã được các tác giả xếp vào hàng kỵ húy, dù với bất cứ nội dung gì?[2]

Đó là cách đọc chủ quan và đầy thiên kiến, người ta chăm chăm nhìn những cứ liệu ủng hộ giả định của mình, mà không lưu tâm đến những cứ liệu phản bác. Chẳng hạn, Nguyễn Quang Lập viết về trận chiến đấu đầu tiên giữa người dân Linh Giang với máy bay Mỹ: “Chiến tranh diễn ra ở đây chưa đầy hai mươi phút và kết thúc khá vui vẻ: ta không sao, địch cũng chẳng việc gì. Nhưng đấy chỉ là tấn hề tuồng nhẹ nhàng giáo đầu cho một vở kịch lớn lao sắp mở màn”, và “ồ, cái điều mà người đời thì thầm với các bộ mặt nghiêm trọng gần một năm nay chỉ là hai mươi phút đầy tính hoạt kê này thôi ư? Nếu vậy, thì chẳng có gì phải bàn, chiến tranh cũng chỉ là trò chơi ú tìm của thâm thù và cay cú, có vậy thôi” (tr. 134). Căn cứ vào đó, các tác giả kết án: “Nguyễn Quang Lập không phân biệt tính chất của cuộc chiến tranh, hàm hồ nhận xét “chỉ là trò chơi ú tìm của thâm thù và cay cú” ” (Nguyễn Trúc Linh), “tác giả coi cái thời chống Mỹ là cái thời “chơi trò ú tìm”” (Nguyễn Khoa Văn), Ôi! Cái sự “kiểm nhận lại quá khứ sao mà nhem nhuốc đến làm vậy. Nếu cái điệu này chiến tranh chống giặc của cả một dân tộc, được cả thế giới của những con người chân chính ca ngợi mà lại chỉ là một vở kịch và “những anh hùng chân đất” chỉ là những chú hề thì cái “kiểm nhận” của Nguyễn Quang Lập trở thành “chân thật” quá sao?” (Nguyễn Khoa Văn), “cuộc kháng chiến chống Mỹ mà các anh, các chị cho là vĩ đại của dân tộc chẳng qua chỉ là một “tấn hề tuồng”” (Đỗ Văn Khang, Những tham vọng ngoài văn học, bài đã dẫn). Trước hết, cần phải thấy mấy câu văn bị phê phán ở trên không phải là phát biểu trực tiếp của tác giả hay người trần thuật, mà chỉ là nhận thức ngây thơ lệch lạc của nhân vật Hoàng, một cậu học sinh lớp 10 phổ thông. Đằng khác, hai mươi mấy trang sau, chính tác giả đã phê phán nhận thức sai lệch ấy: “Việc chạy đuổi theo đít máy bay để bắn, hoặc leo lên các ngọn cây, các mái nhà để bắn đặng hy vọng tiếp cận máy bay được gần hơn trở nên vô lý và ngô nghê (…). Dân quân tập luyện suốt ngày đêm, dần dà đã nhận ra cái lần họ tham chiến trong cuộc “chiến tranh hai mươi phút” thật là đần độn (…). Bây giờ cuộc chiến tranh ấy đang trở lại, nó đã được chuẩn bị kỹ càng, chẳng còn đần độn ngây ngô như trước nữa. Nghĩa là nó không còn là trò đùa hay trò giễu cợt nhau như một số người nhầm tưởng” (tr. 160).

Đó là cách đọc quy chụp, suy diễn chứ không dựa vào văn bản. Chẳng hạn Nguyễn Trúc Linh cho rằng với hình tượng họa sĩ Tư thì “có gì biện bạch được cho thâm ý kích động đòi quyền đối trọng?”! Nguyễn Văn Lưu bất bình với câu nói của một nhân vật: “Nước ta có đến 90% là nông dân, 10% còn lại là công nhân, tiểu tư sản và các tầng lớp khác. Vậy mà chúng ta luôn luôn lo sợ bọn tư sản sẽ phá hoại xã hội ta. Nghĩ cũng buồn cười. Chính tư tưởng nông dân đang là căn bệnh nguy hiểm tràn lan trong toàn xã hội” (tr. 172). Từ đó, Nguyễn Văn Lưu luận tội: “Sẽ là rất mơ hồ nếu nghĩ rằng tất cả tội vạ đều do tư tưởng nông dân mà ra cả. Đừng có trăm dâu đem đổ đầu tằm, trút tất cả những gì xấu xa bảo thủ trì trệ cho tư tưởng nông dân, người nông dân, để rồi từ đó mà nghĩ rằng cuộc cách mạng ở Việt Nam vừa qua là theo tư tưởng nông dân, do tư tưởng nông dân chi phối tất cả (…)”. Câu nói của nhân vật vừa trích chỉ có nghĩa là, theo nhân vật này đánh giá, đối với nước ta tư tưởng nông dân là nguy hiểm hơn tư tưởng tư sản. Có thể đồng tình hay không đồng tình với nhận định ấy, nhưng Nguyễn Văn Lưu lấy đâu ra trong văn bản, và ngay cả trong tinh thần văn bản, mấy chữ “tất cả tội vạ đều do tư tưởng nông dân mà ra cả”, “trút tất cả những gì xấu xa bảo thủ trì trệ cho tư tưởng nông dân, người nông dân”?

Đó là cách đọc bịa đặt, xuyên tạc văn bản. Chẳng hạn Nguyễn Quang Lập tả cái chết của đại úy Thìn, bằng những câu văn rất đẹp: “Một khối lửa trùm lên người ông, sau một giây ông bị đẩy lên trời. Ông thấy mát, mát rượi. Chao ôi là sung sướng. Hình như máy bay đã cháy rồi, cháy thật rồi. Hoan hô! Chao ôi là mát, Chao ôi là hòa bình. Ông bay vật vờ trên không trung, trên từng đám mây trắng xốp, trời xanh quá. Miền nam kia kìa, bao nhiêu là cờ đỏ bay phấp phới. Hòa bình rồi! Chao ôi là mát…” (tr. 201). Ấy thế mà khi kể lại, Nguyễn Khoa Văn bảo đại úy Thìn bị bom “hất tung lên như một cái giẻ rách”!!!

Đó là một cách đọc cực kỳ cẩu thả, đến mức sai lầm cả những chỗ không thể sai. Chẳng hạn Nguyễn Văn Lưu viết rằng Trần Hới “sẵn sàng lấy cô vợ xấu xí là con gái của phó chủ tịch huyện”, trong lúc thực ra cô gái xấu xí ấy là con của chủ tịch huyện kiêm phó bí thư huyện ủy! Hoặc cũng chính Nguyễn Văn Lưu xếp chung bí thư Thanh vào cùng một loại người “ngu đần dốt nát” như đại úy Thìn, chủ tịch thị trấn Huy… trong lúc tác giả xây dựng nhân vật này là một người có học thức cao!

Toàn bộ những tranh biện của người viết bài này không có nghĩa là Những mảnh đời đen trắng không có nhược điểm. Đấy là một cuốn tiểu thuyết có kết cấu khá lỏng lẻo[3]. Một số nhân vật, ví dụ Hoàng và Linh, mờ nhạt về tính cách. Câu văn đôi lúc thiếu trau chuốt. Cái chất đùa giễu kiểu dân gian nhìn chung đang dừng lại ở mức hề (farce) chứ chưa vươn lên được cái hài (comedy) (ví dụ đoạn chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy tập đi xe đạp (tr. 13-14, 56-57)… Trong khi hăng say phê phán những lệch lạc không có thật về quan điểm, lập trường, tư tưởng, người ta không còn đủ tỉnh táo cần thiết của lý tính để vạch ra những nhược điểm có thật của nhà văn. Mác nói: “Sự phê phán không phải là sự hăng say của lý tính, mà là lý tính của sự hăng say” (Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel, sđd, tr. 14). Trường hợp những bài báo chung quanh Những mảnh đời đen trắng là tiêu biểu cho một cách đọc, một cách phê bình đáng lo ngại gần đây xuất hiện khá nhiều trên báo chí.

Nguồn: Cửa Việt, Quảng Trị, số 4 (tháng 10-1990)


[1] Tác giả viết khá dài, không tiện trích nguyên văn. Bạn đọc có thể kiểm tra tóm tắt của chúng tôi chính xác hay không.

[2] Một chỗ dựa khác để kết tội hiện sinh chủ nghĩa đối với Những mảnh đời đen trắng có thể là đoạn trả lời phỏng vấn sau đây của Nguyễn Quang Lập:

Hỏi: “Trong rất nhiều trường phái nghệ thuật trên thế giới hiện nay anh thích trường phái nào?”, Đáp: “Hiện sinh. Tôi thích vì nó gần gũi với con người hơn cả. Tất nhiên mọi trường phái đều có sự quá đà của nó, cần phải thông cảm” (Văn nghệ Nha Trang, số 19, 1/1989, tr. 121). Cần lưu ý Nguyễn Quang Lập thích chủ nghĩa hiện sinh là trên quan điểm “vì nó gần gũi với con người” và không phải không thấy “sự quá đà” của nó. Có thể tranh cãi với phát biểu này của Nguyễn Quang Lập, nhưng từ đó không thể kết tội hiện sinh chủ nghĩa cho Những mảnh đời đen trắng, vì dù sao chăng nữa, không thể thay thế được sự phân tích trực tiếp tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng.

[3] Những mảnh đời đen trắng: thực ra chỉ là tập 1 của bộ tiểu thuyết hai tập có tên chung là: Mùa hạ cay đắng. Tập 1: Những mảnh đời đen trắng, tập 2: Mùa hạ cay đắng. Tập 2 chưa xuất bản nhưng phần cốt lõi của nó đã được tác giả dựng thành kịch: Mùa hạ cay đắng – giải thưởng Bộ Quốc phòng (1983-1989).

Comments are closed.