Quá trình hiện đại hóa thơ là quá trình cắt bỏ… “thi tính”

Inrasara

1. Các yếu tố làm nên “thi tính” gần như bất di bất dịch trong thời gian dài. Thế rồi đột ngột, chúng bị cắt bỏ, ngày càng cấp tập, rồi mất hẳn. Đến nỗi các đại thi hào ngày xưa có sống lại cũng không thể nhận ra khuôn mặt thơ hôm nay.

Thơ Mới cắt bỏ niêm luật thơ Đường luật. Từ Nguyễn Khuyến:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Đến Chế Liên Viên không xa mấy mà đã rất khác:

Ai đâu trở lại mùa thu trước

Nhặt lấy cho tôi những lá vàng

Với của hoa tươi muôn cánh rã

Về đây đem chắn nẻo xuân sang.

Tiếp đến là cắt bỏ vần, thơ đánh mất tính cân đối của câu chữ diễn ra ngay sau đó. Nguyễn Đình Thi:

Tháng Tám về rồi đây

Hôm nay / nghìn năm / gió thổi

Trời muôn xưa

Đàn con hè phố

Môi hớn hở

Ngày hẹn đến rồi

Các anh ngậm cười / bãi núi / ven sông

Cùng lúc nhịp điệu êm ái cũng bị loại bỏ luôn. Nhà thơ còn cố ý tạo ra nhịp trúc trắc, nhịp chỏi nữa. Cho lạ tai, và nhất là – cho khác đi. Thanh Tâm Tuyền:

Ở cuối đêm

em rũ tóc nói những lời mê sảng

những ám hiệu

của mặt biển đen không tình yêu tuyệt vọng

anh xé tóc em cùng những cánh lá chết

mùa thu

gây thương tích nơi cườm tay

anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc.

Có chịu ngưng đâu! Các nhà thơ hiện đại cố tình đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ. Trước, người yêu phải là má hồng, tóc mây với đôi mắt long lanh, ai lại như Nguyên Sa ví người yêu hết “vỏ hến”, “cá ươn” đến “chó ốm” bao giờ.

Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm

Như con mèo ngái ngủ trên tay anh

Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình

Ðể anh giận sao chả là nước biển!…

Tại sao Nga ơi, tại sao…

Ðôi mắt em nghẹn như sát từng lần vỏ hến

Hơi thở trùng như sợi chỉ không căng

Bước chân không đều như chiếc thưóc kẻ ai làm cong

Ai dám để ở ngoài mưa, ngoài nắng!

Vậy mà nó cứ hay, mới ác! Chưa hết, thời hậu hiện đại, nhà thơ còn kéo thơ xuống tận đời thường, trộn lẫn thơ với ống cống, hẻm phố, góc chợ, vân vân. Lê Vĩnh Tài:

thơ cũng leo lên sân khấu => xé giấy & trình diễn

ảo giác, nhảy múa, mở nhạc… và lên cơn đấm luôn vào mặt bạn (diễn)

và lần này thơ khóc hu hu

sau đó hắn hiền, nghe nói bài thơ đang đi tu

Bài thơ nghe kể:

“người nông dân 1: cống hiến nhiều nhất

người nông dân 2: hy sinh lớn nhất

người nông dân 3: hưởng thụ ít nhất

người nông dân 4: được giúp đỡ ít nhất

người nông dân 5: đè nén thảm nhất

người nông dân 6: bị tước đoạt nặng nề nhất

người nông dân 7: cam chịu lâu nhất

người nông dân 8, (đến đây bài thơ mệt quá, xin thôi nghe nhưng không được): là người tha thứ cao cả nhất…”

nghe xong bài thơ càng stress thêm. Vì thế sau đó bài thơ cũng ít về làng chơi, mỗi lần muốn xả stress bài thơ đi mát xa đâu đó ở gần nhà, xong xoa tí dầu Con Ó xanh rồi về với vợ

(“Thơ 32”, Thơ hỏi thơ, NXB Thanh Niên, 2008)

Không thể hình dung được bóng dáng thơ đâu nữa! Tất cả yếu tố “thi tính” đã bị cắt đứt toàn triệt. Rồi sẽ ra sao, thơ ngày mai?

2. Bàn riêng về chữ, Thơ Mới chẳng hạn, đó là loại thơ nói, rất gần với văn xuôi. Một văn xuôi đẹp. Người đọc chỉ cần ghép các câu thơ lại là thành một đoạn văn xuôi có vần điệu.

Xuân Diệu: “Khách ngồi lại cùng em trong chốc lát. Vội vàng chi, trăng sáng quá khách ơi. Đêm nay rằm, yến tiệc sáng trên trời. Khách không ở, lòng em cô độc quá. Khách ngồi lại cùng em, đây gối lả. Tay em đây, mời khách ngả đầu say…”. Hay Chế Lan Viên: “Một ngày biếc, thị thành ta rời bỏ, quay về xem non nước giống dân Chàm…”

Còn thơ hiện đại thì khác. Nguyễn Bình Phương ở cuối thế kỉ XX:

Nhìn thật kĩ hàng cây thành đỏ

Màu đỏ giăng trập trùng ngang trời

Sáng trong bóng tối

Một đôi mắt mèo

Một ngày không ai

Con đường vắng hồn hoa đi lảo đảo

(“Đêm ngà ngà”, trong Nguyễn Việt Chiến, Thơ Việt Nam, tìm tòi & cách tân, NXB Hội Nhà văn & Công ty Văn hóa trí tuệ Việt, 2007)

Khó có thể ghép chúng thành một đoạn văn xuôi, nếu ta không thêm thắt hư từ hay một đoạn văn khác vào. Sự đứt quãng của ý nghĩ, hình ảnh nhảy cóc bất chợt, như thể chúng không ăn nhập gì với nhau. Chỉ còn lại nhịp điệu nội tại, hay nói khác đi, hơi thơ-hơi thở có mặt ở đó, tạo thành thể thống nhất để ta gọi: nó là thơ.

Đó là một trong những cái đẹp của thơ hiện đại. Một cái đẹp hơi… khó hiểu đôi chút. Khác hẳn với truyền thống thơ ca từng được biết đến trước đó.

Một cái đẹp khác, là sự thiếu và thừa chữ trong thơ hiện đại. Xét trường hợp của hai nhà thơ Thơ Mới trên, ta thấy không có từ thiếu hay thừa (có, nhưng rất ít, và không tiêu biểu) để làm chúng thành đoạn văn xuôi có nghĩa. Nhà thơ hiện đại thì khác. Có thể “thiếu từ” như Trúc Thông:

buổi sáng nguyên

tâm hồn nguyên

bạn hiền in nét

lúc

không giọt cà phê đậm

làu khói thuốc

sáng – tâm hồn con gái sắp lên hai

xuyên bức tường vô tận nhất – thời gian

một mũi tên bay mãi

hôm qua nó xâu táo quả tim ba chúng ta

giữa ngày tôi gặp nạn

lẳng lặng mũi tên xuyên

ba chàng trai đã sống trên đời

nửa thế kỉ

ba phương trời

(“Gởi bạn”, Ma-ra-tông, NXB Văn học, H., 1993)

Muốn thành một đoạn văn xuôi, ta cần thêm vài hư từ với những diễn giải cần thiết, độc giả mới nắm bắt được thông tin của văn bản. “Thiếu” này tạo nên chông chênh, dễ đổ của nhịp thơ Trúc Thông. Có thể nói, cái hay của thơ Trúc Thông là cái hay “thiếu”, Nguyễn Quang Thiều thì ngược lại, cái hay của sự “thừa”.

Những cái tên đều đều vang lên trên mặt đá hoa cương rồi đời đời im lặng

Tôi nhìn thấy hàng cây mới trồng trên bến bờ của thế gian

Một ngôi sao bay về đậu lên trên trán

Ánh sáng chan hoà chảy trong máu xương tôi.

Đêm rền vang tiếng thở hơi của những cây kèn

Tôi là nhạc công sót lại cuối cùng bước dần ra phía sáng

Trong nghi lễ của đất đai, của bầu trời, tôi nâng kèn, ngước mắt

Tất cả những cánh đồng loa kèn bùng nổ – Bình Minh.

(Trong Bài ca những con chim đêm, NXB Hội Nhà văn, H., 1999)

Khá nhiều từ có thể lược bớt cho tươm tất hơn, mà đoạn thơ vẫn trọn vẹn ý nghĩa. Nhưng sự thừa này góp sức không nhỏ tạo nên nhịp điệu của riêng Nguyễn Quang Thiều, không thể lẫn. Mà thơ hiện đại, nhịp điệu (rhythm) nội tại mang tính quyết định, chứ không phải vần. Bởi, nói như Charles Hartman: “Nhịp điệu đóng góp toàn bộ ý nghĩa của bài thơ, và phép làm thơ là chuyển nó trở thành ý nghĩa”.

Nữa, thơ hiện đại quyết phơi lộ toàn triệt con người, từ đời sống tình cảm cho đến lí trí, từ bản năng cho đến tâm linh. Cho nên, nó cần thứ ngôn ngữ khác, lạ lẫm so với ngôn ngữ thường ngày dù đẹp đến mấy của thơ lãng mạn, hay chính xác hơn – của Thơ Mới.

Mưa thu phay phay

Ngã tư năm ngoái

Biết tôi khờ dại

Em đi không sao chống cự nổi

Em dài man dại

Em dài quên che đậy

Em dài tê tái

Em dài quên cân đối

Em dài bối rối

Em dài vô tội

Em dài – khổ tâm

(Trần Dần, Tập thơ 63-64)

Thốt tỉnh. Bây giờ là mấy giờ đêm?

Oi ả quá. Sóng không buồn vỗ.

Sà sà mảng núi ngang đầu

Trắng bệch màu mây mệt mỏi.

Vụt đứng dậy. Bồn chồn kinh hãi.

Sáng mau đi! Đá sập đến nơi rồi!

(Hoàng Hưng, "Thức giấc ở Hòn Gia")

Từ đó, chúng gây khó hiểu. “Đặc tính của thơ hiện đại được bàn cãi nhiều nhất là tính khó hiểu tối nghĩa của nó”, Delmore Schwartz nhận xét vào năm 1941. Bất kì bài thơ nào, tập thơ nào của tác giả nào, cứ là khó hiểu với tối nghĩa. Nhất là ở ngôn từ. Vậy, thơ để làm gì? Lẽ nào thơ mãi tự nhốt mình trong lồng kính, để nhà thơ đọc nhau hay chỉ dành riêng cho độc giả đặc tuyển. Hậu hiện đại và tân hình thức ra đời đặt lại quan hệ giữa thơ và người đọc, kéo người đọc trở lại với thơ. "Tân hình thức như một thời lãng mạn mới, một trật tự mới hay một nền ca dao mới trong một xã hội bình đẳng và dân chủ, lôi cuốn người đọc, làm phong phú đời sống và ngôn ngữ tự nhiên” – như Khế Iêm tái mơ mộng. Từ tân hình thức:

Mẹ dắt anh chị em tôi đi trốn

năm sáu ba. Không đâu xa mẹ dắt

qua nhà bà cô cách ba ngõ, mẹ

nói ngủ lại bà cô côi cút. Tôi

biết mẹ dắt anh em tôi chạy dịch.

Cha kể ngày xưa ông ngoại cõng cha

chạy xa rất xa. Thời buổi này ấp

chiến lược không đi đâu cả. Tôi nhớ…

(Inrasara, Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức, NXB Hội Nhà văn, 2006)

Cho đến hậu hiện đại:

thơ mang khuôn mặt buồn của người

nông dân bỏ quê ra phố

… thơ ngất xỉu khi ngang qua cây cầu sập

còng lưng chảy máu mẹ nghèo

(Lê Vĩnh Tài, Đêm và những khúc rời của Vũ, Nxb Hội Nhà văn, 2008)

Ngôn ngữ thơ đã gần gũi với đời thường hơn. Thơ tìm cái đẹp ngay trong chính cuộc sống thường nhật.

3. Ở Trung Quốc, từ thơ Cổ phong đến luật thơ thời Sơ Đường sang Thịnh Đường là một quá trình, quá trình làm cho thơ thành một cấu trúc hoàn chỉnh. Hoàn chỉnh để thành “luật” đến ai không sành luật sẽ bị cho yếu kém, không sạch nước cản. Nói chi xa, ngay Việt Nam thôi, Lục bát là một chỉnh thể: cân đối, bằng trắc vần điệu êm tai. Ca dao:

Mình nói với anh mình hãy còn son

Anh đi qua ngõ anh thấy con mình bò

Con mình những trấu cùng tro

Anh đi xách nước tắm cho con mình.

Nguyễn Du:

Làn thu thủy, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

Một hai nghiêng nước, nghiêng thành

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai

Nguyễn Bính:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ, mười mong một người

Gió mưa là bệnh của trời

Tương tư là bện của tôi thương nàng

Nhưng rồi sau đó, tất cả bị phá bỏ dần dần để không còn manh mún nào nữa. Bùi Giáng biến nhịp điệu lục bát từ chẵn đến lẻ:

– Chạy quanh cồn cụm lá già

Rách như bươm / suốt / ruộng / sa mạc / đồng

– Nửa người xa lạ người yêu

Nửa thân thể / náo động / liều lĩnh/ xương

Du Tử Lê cắt và chia nát lục bát Việt:

– Nằm nghe – chăn gối rơi. Cùng

tháng năm bằn bặt.- Phật còn ở không

Tôi nhìn – tôi rất chon von

núi non âm bản. – rừng son vẽ.- Buồn

– chiều lên chiều lên tù mù

vàng tâm cổ thụ lá khu trục cành

lon bia lon bia chia buồn

nhớ, quên, một lũ chết bầm tương tranh.

Sau này, liệu lịch sử có quay trở lại không: “Tự do” tự phát chuyển thành ổn định, ổn định để bị làm cho bất ổn rồi cuối cùng trở về ổn định, thì không ai biết được.

Dẫu sao khi xem thơ như là một tiến trình, ta sẽ thôi ngạc nhiên về thay đổi của nó. Thời đại khác, thơ cũng phải khác. Khác từ cảm thức cho đến cách viết, khác cả cách tiếp nhận. Thơ thời đại nào đòi hỏi nhà phê bình thời đại nấy, đánh giá và ghi nhận để chinh phục lớp độc giả cùng thời. Chính tiến trình kích thích kẻ sáng tạo tìm tòi khai phá, thúc đẩy sự phát triển của tinh thần nhân loại.

Comments are closed.