Nói zậy mà không phải zậy

Hà Nhật

Tháng 8 năm 1975, từ Quảng Bình, tôi được “chi viện” miền Nam ngay trong chuyến thứ nhất. Tôi muốn đi mà họ cũng muốn tống tôi đi, hai bên đều có lợi! Dù dạy cho học trò thế nào, tôi cũng chỉ là một thứ “u thừa” lành tính, giữ cũng được, không giữ cũng chẳng sao. Bởi mỗi cuối kỳ, cuối năm, lúc “pình pầu lao động tiền tuyến”, tôi cũng bị cho ra ngoài. Có một ông đồng nghiệp, mỗi giờ dạy văn cứ như cho học trò ăn cơm thiu nhưng lúc nào cũng đạt, bởi ông ấy là người “trong đoàn thể”. Tất nhiên ông ấy phải gạt tôi đi thì cái danh hiệu của ông ta mới có giá trị chứ! Thê thảm cho một thời!

Tôi vào miền Nam, về một trường cấp ba, được gọi là “giáo viên cách mạng”, có phần bị xa lánh và hoài nghi. Một câu nói của dân mà tôi thường nghe: “Nói zậy mà không phải zậy”.

Đây thật sự là một câu nói vừa rất trí tuệ vừa rất khôn ngoan, lại cũng rất độ lượng.

– Nói zậy mà không phải zậy, anh đang nghĩ một đằng nhưng anh nói một nẻo.

– Nói zậy mà không phải zậy, anh nói thế nhưng sự thật cuộc đời không phải thế đâu!

– Anh nói zậy mà không phải zậy, anh nói thế nhưng anh làm thì ngược hẳn.

– Nói zậy mà không phải zậy, tôi hiểu mà, không ghét giận anh đâu.

Chao ôi, hơn năm chục năm rồi, tôi đã thành dân miền Nam, con trai con gái rồi đến cháu nội tôi, khi làm căn cước đều đã mang mã số Sài Gòn, nhưng tôi thì vẫn nhớ một miền quê cha đất tổ thiêng liêng.

“Nói zậy mà không phải zậy”!

Cuộc đời trước mắt tôi đang là thế đấy!

Nói zậy mà không phải zậy!

Comments are closed.