Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha (phần 5A)

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về Kinh Lạy Cha (KLC) qua các dạng ghi nhận trong văn bản từ thời bình minh của chữ quốc ngữ. Phân tách kỹ hơn KLC sẽ tìm ra các dấu ấn của tiếng Việt cổ, sự thay đổi cách dùng trong tiếng Việt và ngay cả ảnh hưởng chính trị và thời cuộc. Cũng vào thời gian soạn phần 5A này, các vị giám mục Pháp đã quyết định đổi một chữ trong KLC “Ne nous soumets pas à la tentation” thành “Ne nous laisse pas entrer en tentation” (so với KLC tiếng Việt 2017 “Xin chớ[2] để chúng con sa chước cám dỗ”, tiếng Anh “lead us not into temptation”). Điều này đức Giáo Hoàng Francis cũng đề cập đến trong một buổi phỏng vấn gần đây (BBC News[3] 8/12/2017). Các động từ soumettre (Pháp) và lead (Anh) đều có thể hàm ý bị dẫn đến (thể thụ động/passive), hay hàm ý chính Thiên Chúa dẫn dụ con người (sa cám dỗ): không đúng theo ý của nguyên bản Hi Lạp. Tiếng Việt không bị trường hợp tối nghĩa như trên vì ảnh hưởng phần nào từ tiếng Bồ-Đào-Nha khi dịch (xem các bản KLC phần dưới). Do đó tùy theo từng giáo hội và ở những thời kỳ khác nhau mà KLC có thể thay đổi, điều này làm quá trình tìm hiểu ý nghĩa KLC trở nên rất thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này. Các tương quan ngữ âm ghi nhận trong bài viết không nhất thiết khẳng định nguồn gốc (Việt, Khmer hay Hán cổ …) của các từ này. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false . Các chữ viết tắt khác là NCT (Nguyễn Cung Thông), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), ĐCT (Đức Chúa Trời), ĐCGS (Đức Chúa Giê Su), TCTGKM (Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông), KNLMPS (Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh), LM (Linh Mục), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), HV (Hán Việt), Bắc Kinh (BK), ĐCT (Đức Chúa Trời), ĐCGS (Đức Chúa Giê Su). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tiếng Trung (Hoa) gọi KLC là Thiên Chúa Kinh 天主經 hay Chúa/Chủ Đảo Văn 主禱文, có lẽ không rõ nghĩa so với các tên gọi kinh này trong tiếng Việt như Kinh Tại Thiên, Kinh Lạy Cha (KLC) … KLC tiếng Anh là “Lord’s Prayer” (Lời cầu của ĐCT) hay “Our Father” (Cha chúng ta) hay có lúc dùng tiếng La Tinh Oratio Dominica (lời cầu của ĐCT, Oraison Dominicale tiếng Pháp) hay Pater Noster[4] (Cha chúng ta, Notre Père tiếng Pháp). Bản La Tinh (Vulgate):”Pater noster, qui es in caelis, sanctificetur nomen tuum, adveniat regnum tuum, fiat voluntas tua, sicut in caelo, et in terra. Panem nostrum supersubstantialem da nobis hodie; et dimitte nobis debita nostra, sicut et nos dimittimus debitoribus nostris; et ne inducas nos in tentationem; sed libera nos a Malo.”. Bản này có 49 chữ và dùng vài chữ[5] (khi dịch từ bản Hi Lạp cổ) đáng chú ý như supersubstantialem (hàng ngày), debita (nợ). Debita/L (< debitum/L) không hẳn chỉ nợ về tiền bạc, còn có thể chỉ tội lỗi/sai trái dựa vào các ngôn ngữ cổ (td. tiếng Aramaic). Tiếng Anh có lúc dùng trespass (vi phạm) so với debt (nợ), tiếng Pháp dùng chữ offense (xúc phạm): bản KLC 1992 dùng “tội/lỗi”, KLC năm 1925/1934 dùng “phạm tội nghịch” so với bản KLC năm 1891 dùng “mếch lòng” với nét nghĩa mở rộng (xem các hình chụp lại ở dưới). Bản La Tinh trên sẽ được dùng để làm bản gốc để so sánh với các bản dịch của bài này (cũng như các ngôn ngữ khác tiếng Việt).

1. KLC dùng làm dụng cụ so sánh ngôn ngữ (đồng đại lịch đại)

Trong quá trình truyền đạo CG, dịch KLC là một trong những công việc chuyển ngữ đầu tiên và cần thiết trước Kinh Thánh rất lâu. Điều này dễ hiểu vì KLC tóm tắt hầu như tất cả nội dung của Kinh Thánh, các yếu tố thần học quan trọng như tin/xin/giữ/chịu/làm[6], cũng như là lời cầu nguyện của chính ĐCGS truyền lại[7]. Từ giữa thế kỷ XVI, KLC đã được xuất bản qua 22 ngôn ngữ trong cuốn (1555) “Mithridates. De differentiis linguarum” của học giả Thụy Sĩ Conrad Gessner (1516-1565). Học giả Đức Hieronymus Megiser (1554-1618) cũng thu lượm các cách dịch KLC từ các ngôn ngữ khác nhau để ra sách. Học giả người Anh Dan Brown (1713) viết cuốn “The Lord’s Prayer in above 100 Languages, Versions and Characters” (KLC dịch ra hơn 100 thứ tiếng – hình bìa chụp lại ở bên dưới), xem trang này chẳng hạn http://www.fromoldbooks.org/oratiodominica/ . Ngay cả đến thời buổi bây giờ, ta có thể tra cứu KLC đã được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ trên mạng (Internet) như http://www.krassotkin.ru/sites/prayer.su/other/all-languages.html, v.v. Do đó, KLC có thể được dùng như một dụng cụ đơn giản và tiện lợi để so sánh các ngôn ngữ cùng thời (đồng đại/synchronic) hay các thay đổi theo thời gian (lịch đại/diachronic). Một thí dụ dùng KLC để khảo sát thay đổi theo thời gian trong tiếng Anh là bài viết (2012) “The Lord’s Prayer through the Centuries: A Case Study” (tạm dịch/NCT: KLC qua bao thế kỷ – trường hợp tiếng Anh). Có thể đọc toàn bài trang này chẳng hạn http://devastashasportfolio.blogspot.com.au/2012/03/lords-prayer-through-centuries-case.html, v.v.

clip_image002

clip_image003

“The Lord’s Prayer in above 100 Languages, Versions and Characters”

2.1 Kinh Lạy Cha – bản 1632 (trang dưới trích từ “Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội công giáo Việt Nam” Roland Jacques). Vài nhận xét sơ khởi là cách viết ciúm ~ chúng (dùng tám lần trong KLC) cũng giống như cách kí âm trong Bồ Hán Từ Điển 葡漢辭典 (1579) của các LM Michele Ruggieri/‎Matteo Ricci[8] – xem hình chụp một trang bên dưới: động 動 kí âm là tum (so với dòng BK theo pinyin hiện nay) hay dụng (dùng) 用 kí âm là dum, v.v. Do đó, ta có thể giải thích được các tương quan bum ~ vâng (liên hệ b-v vào thời VBL khá rõ nét trong tiếng Việt – xem thêm chữ bẽi ~ vậy), sam ~ sáng, bum ~ vâng (liên hệ b-v), bàm ~ bằng (dùng hai lần), cium ~ chưng (dùng bốn lần), tlom ~ trông, hàm ~ hằng/hàng, dum ~ dùng.

Cách viết cia ~ cha cũng từ thời LM Ruggieri, LM Ricci đổi ci- thành ch-, xem hình chụp bên dưới. VBL hoàn toàn dùng ch- thay vì ci-.

Thời VBL vẫn còn dùng dạng bl- như blời ~ trời (VBL không ghi trời), và cả hai dạng tlêntrên.

Cách dùng chữ ít khá lạ, theo VBL nghĩa là cũng là (etiam/L). Ít có một dạng chữ Nôm là dựa vào âm ất 乙 và chữ thiểu/thiếu 少 biểu ý. Không thấy văn bản nào dùng ít theo nghĩa này sau đó, có thể vì soạn ở Áo Môn và ảnh hưởng của chữ Hán (như dùng các chữ quốc, danh) nên có thể ít là một dạng của diệc[9] HV 亦. Một cách giải thích khác là dựa vào Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh (quyển thứ ba, trang 109-110) qua câu “Tao tha nợ cho mày thì nhiều lắm, mà mày chẳng tha kẻ khác có nợ ít cùng mày làm sao?”; do đó “chúng tôi ít tha nợ” (KLC 1632) có thể là cách nói so sánh[10] hai món nợ (chịu nợ và cho nợ) như đưa lên bàn cân và sự tha nợ của ĐCGS không khác gì sự tha nợ của vị vua cho dân trong câu chuyện trên.

clip_image005

clip_image007

Bồ Hán Từ Điển 葡漢辭典

clip_image009

Bản năm 1632 có 70 chữ. Tuy không thấy LM de Rhodes đề cập trực tiếp đến nội dung KLC trong các tác phẩm của ông, nhưng VBL/PGTN lại ghi tất cả các từ liên hệ đến KLC như cha/chưng/danh/chúng tôi/kẻ/tai/dữ … nhất là các đoạn quan trọng:

a. Ở trên trời (mục trên/tlên VBL 809)

b. Cha chúng tôi ở trên trời, Lạy[11] Cha chúng tôi ở trên trời (BBC trang 19)

c. Danh cha cả sáng (“danh ĐCT cả sáng” PGTN trang 319)

d. Hàng ngày dùng đủ (ghi lại hai lần: mục dùng và mục đủ – VBL)

e. Mà tha nợ chúng tôi (mục nợ VBL trang 564)

f. Ít (nghĩa là cũng như – một cách dùng đặc biệt vào thời LM de Rhodes – VBL trang 352)

Danh dùng thay vì tên trong KLC vì nét nghĩa rộng hàm ý tiếng tăm, cách sống/đạo đức … Chữ danh 名 có các cách đọc (thanh mẫu minh 明 vận mẫu thanh/khai 清開 bình thanh 平聲, khai khẩu tam đẳng 開口三等) theo phiên thiết: 武幷切 vũ tịnh thiết (TVGT, ĐV, QV), 彌成切 di thành thiết (NT, TTTH), 眉兵切,音詺 mi binh thiết, âm danh (CV, TVi) TVi ghi âm minh 音明, 彌幷切 di tịnh thiết (TV, LT), 彌正切 di chánh thiết (TV, LT)

TNAV ghi cùng vận bộ 庚青 canh thanh (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 明 朙 眀 盟 鳴 䳟 名 洺 銘 冥 暝 瞑 覭 螟 蓂 溟 鄍 (minh danh)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 命 鳴 詺 名 暝 冥 瞑 䒌 (mệnh minh/mính *danh)

彌延切,音綿 di diên thiết, âm miên (TVi, KH) TVi ghi âm miên 音眠, 莫陽切 mạc dương thiết (TVi) 音厖 âm mang – CTT ghi âm mãng 音莽, 眉病切 mi bịnh/bệnh thiết (TVi), 忙經切 mang kinh thiết (LT), 必仞切,音儐 tất nhận thiết, âm tân/tấn (TVi, KH) – CTT chỉ ghi cách đọc khác là 音儐 âm tấn/tân, 眉平切, 音明 mi bình thiết, âm minh (CTT), v.v. Giọng BK bây giờ là míng so với giọng Quảng Đông ming4 meng4 meng2 và các giọng Mân Nam 客家话: [沙头角腔] miang2 [海陆丰腔] miang2 [梅县腔] miang2 [东莞腔] miang2 [客英字典] miang2 [台湾四县腔] miang2 [客语拼音字汇] miang2 [陆丰腔] miang3 [宝安腔] miang2, giọng Mân Nam/Đài Loan beng5, tiếng Nhật mei myou và tiếng Hàn myeng. Dạng *minh của danh còn vết tích trong cách đọc mính 茗 (trà hái muộn) và là cây dành dành (loài trà) hay minh 銘 (ghi nhớ). Cách đọc *tân/tấn của chữ danh còn có thể là *tiên, đây cũng chính là một cách kí âm bằng chữ Nôm của tên: dùng chữ tiên 先 hay tiên hợp với danh cho rõ nghĩa hơn, tiếng Việt không thấy dùng dạng *tến. Hỗ trợ cho tương quan danh-tân/tấn-*tiên-tên là liên hệ giữa âm tiễn 箭 (đọc là 作殿切/TVi tác điện thiết, một biến âm của điện là là đền) – tiếng Việt còn duy trì dạng tên. Cả hai dạng danhtên đều hiện diện vào thời VBL: ‘tên xấu’ và ‘xấu danh ~ xấu tiếng’ (VBL trang 158, 730): “Vấn danh là tiệc hỏi tên” Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa, 44a, “Đặt tên mới gọi ả Điêu Thuyền” Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập 18a.

Chưng xuất hiện bốn lần trong KLC 1632: VBL giải thích là một phụ từ làm cho câu thêm đầy đủ (particula expletiva/L), cũng như giải thích của LM Béhaine/Taberd (particula auxiliaris/L ~ phụ từ). Chưng có một dạng chữ Nôm là trưng 徵 hay 烝 蒸 (một trong nhiều nét nghĩa của chưng là cất, hấp/chưng):”Bằng tôi nào thửa ích chưng dân” Nguyễn Trãi, Ức Trai Thi Tập 15b, “Tôi bỗng một mình lạc đến chưng đây” Thiên Nam Ngữ Lục 63b … Kí ức tập thể của dân gian qua câu ca dao sau đây cho thấy chưng đã từng được dùng thường:

Tôi đi tìm bạn tôi đây

Bạn thấy tôi khó chưng nay chẳng chào

Một từ khác đáng chú ý là quốc (cuốc/VBL) nghĩa là nước (quốc gia) trong cách dùng “Quốc cha trị đến”: cả hai chữ nước và quốc HV 國 đều hiện diện vào thời VBL, nhưng nước dùng nhiều hơn như nước Ngô (PGTN trang 12, 111), nước Đại Minh (PGTN trang 104, 112,126), nước Judaea (PGTN trang 164, 144, 125, 173 …), nước Israel (PGTN trang 271). Một số từ HV có thể được dùng khá tự do như quốc, tiểu, trở, thậm, vô, cùng … “giảng tin lành sự quốc trên trời” PGTN trang 182, “quốc trên trời đã đến gần” PGTN trang 177, “mà chẳng có khi nào làm việc tiểu gì lành” PGTN trang 254, “Thiên Trúc quốc” PGTN trang 105, 108, 109, 110 … Nước India (PGTN trang 105, tức là nước Thiên Trúc 天竺, Ấn Độ – NCT), LM de Rhodes và cộng sự viên có khuynh hướng giữ nguyên dạng tiếng gốc thay vì kí âm gần đúng bằng tiếng Việt (chữ quốc ngữ): LM Maiorica thì dùng nhiều tiếng Việt kí âm hơn. Lại có lúc dùng nước và quốc trong cùng một đoạn văn như “nước Thiên Trúc” PGTN trang 110, so với các bản Nôm của Maiorica “phần ở miệng kẻ còn ở nước Thiên Trúc” CTTr trang 109, 112, 114 … “Quốc (Cuốc) cha trị đến ” TCTGKM trang 98, 99 – có khi hai cách dùng quốc và nước đều hiện diện trong cùng một đoạn văn (trang 99). Từ thời vua Trần Nhân Tông (1208-1358), quốc 國 (quốc gia) đã hiện diện so với nước 渃 (chất lỏng):” Chơi nước biếc, ẩn non xanh … Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãn cong quê Hà hữu. Kinh xem ba bận, ngồi ngơi mái quốc Tân La[12]” Cư Trần Lạc Đạo hội thứ nhất và thứ năm. Quân quốc (exercitus/L) là quân lính/quân đội của nước, thường gặp trong các văn bản chữ Nôm/Quốc Ngữ thời LM de Rhodes: “có đại thần cả và nước và quân quốc đều cùng thiên hạ đi cùng” PGTN trang 21, “liền sai những quân quốc giết các trẻ” CTTr trang 149, “vua và quân quốc nước I Chi Tô” KNLMPS trang 15. Lại có lúc dùng làm ẩn dụ:”làm dấu Câu-Rút trên mình cho thiên hạ được biết ta là quân quốc về vua cả trên hết các vua” TCTGKM trang 23. Quân quốc là cách dùng Việt hóa của quốc quân HV 國軍, một cụm từ đã có từ đời Đường và trước đó, như trong Bắc Sử (soạn năm 659) quyển thập cửu, Ngụy hiến văn lục vương truyện, Bành Thành vương hiệp truyện:”tích văn quốc quân hoạch thắng, mỗi phùng vân vũ, kim phá tân dã, Nam Dương, cập tồi thử tặc, quả hàng thì nhuận, thành tai tư ngôn” 北史, 卷十九, 魏獻文六王傳, 彭城王勰傳 :”昔聞國軍獲勝, 每逢雲雨, 今破新野, 南陽, 及摧此賊, 果降時潤,誠哉斯言”.

Một điểm nên nhắc ở đây là vào thời VBL/PGTN và TCTGKM chưa thấy dùng tên Kinh Lạy Cha, nhưng có những cách gọi khác như

a. Kinh Chúa (per Orationem Dominicam/L – PGTN trang 306):”mà quỳ gối nguyện một kinh Chúa. Lại nguyện một kinh Ave, xin cùng rất thánh đồng thân Maria” PGTN trang 306. Xem cách dùng Chúa/Chủ Kinh 主經 của bản chữ Hán năm 1713 bên dưới (hình chụp).

b. Kinh ĐCGS (est Orationis Dominica/L – PGTN trang 133):”Vì vậy thì nên trao kinh ĐCGS và kinh đức Chúa Bà Maria, cùng kinh mười hai đầy tớ cả, cho học thuộc lòng” PGTN trang 133

c. Kinh Tại Thiên dùng 7 lần trong TCTGKM:”Khi ấy dạy tôi Kinh Tại Thiên, A-Ve cùng Kinh Tin Đức Yếu Đoan” trang 18.

2.2 KLC từ cuốn “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”/TCTGKM

LM Maiorica dành một số trang để giải thích căn kẽ từng câu và chữ quan trọng trong KLC: từ trang 96 đến trang 107 trong TCTGKM. Từ các phần này, KLC thời LM Maiorica có thể được phục hồi như sau (dịch từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ hiện đại/NCT). Các chữ in đậm (55 chữ) là trích trực tiếp từ TCTGKM, các chữ khác là thêm vào cho rõ nghĩa dựa vào bản 1632 (NCT).

Cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng. Quốc cha trị đến, ý Cha vâng dưới đất bằng chưng trời vậy. Chúng tôi trông Cha rày cho hàng ngày dùng đủ, mà tha nợ chúng tôi bằng chúng tôi cùng tha nợ (kẻ có nợ chúng tôi vậy). Lại chớ để chúng tôi sa chưng cám dỗ, bèn chữa chưng sự dữ. A-men.

Trong văn bản Nôm, LM Maiorica thường viết là Kinh Tại Thiên 經在天, có thể do ảnh hưởng tài liệu của các giáo sĩ dòng Tên tiên phong như LM Matteo Ricci (1552-1610) chẳng hạn. KLC được LM Ricci dịch ra như sau

在天我等父者 Tại thiên ngã đẳng phụ giả

我等願爾名見聖 Ngã đẳng nguyện nhĩ danh kiến thánh

Thành ra, khi đọc kinh này, ta thường nhớ mấy chữ đầu[13] (tại thiên ~ ở trên trời) và kết quả là gọi tên kinh này là Kinh Tại Thiên (nghĩa đen là kinh ở trên trời). Hai câu trên của KLC theo tiếng Trung (Hoa) thời này là

我們的天父 Ngã môn đích thiên phụ

願祢的名受顯揚 Nguyện nể đích danh thụ hiển dương…

2.3 KLC vào khoảng 1700-1750 (có tất cả 79 chữ)

Chúng tôi lậy thiên địa chân chúa ở trên blời là cha chúng tôi. Chúng tôi nguyện danh [cha] cả sáng. Cuốc cha trị đến. Vâng ý Cha [làm] dưới đất bằng trên blời vậy. Chúng tôi xin cha rày [cho] chúng tôi hằng ngày dùng đủ. Mà tha nợ chúng tôi bằng chúng tôi cũ tha kẻ có nợ chúng tôi vậy. Xin chớ để chúng tôi sa chưng cám dỗ. Bèn chữa chúng tôi chưng sự dữ.

clip_image011

Bản KLC bằng chữ Hán (1713) trích từ cuốn “The Lord’s Prayer in above 100 Languages, Versions and Characters” của Dan Brown. Để ý cách dùng “Chúa Kinh” (主經 ~ Kinh Chúa/Chủ như trong PGTN) và các chữ 在天我等父者 tại thiên ngã đẳng phụ giả (chép lại rất đơn giản/thiếu nét), v.v.

2.4 KLC vào khoảng giữa thế kỷ XVIII

KLC vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, NCT chép lại theo nguyên bản chữ La Tinh – Nôm – quốc ngữ (xuất hiện 2 lần trong Sách Các Phép – LM Halario de Jesu). Trong bản văn dưới, dấu hiệu ($) sau chữ khỏi nghĩa là có lúc không ghi chữ khỏi này (Sách Các Phép – trang 58),

có tất cả 79 chữ.

image

clip_image014

2.5 KLC vào năm 1787

Hình bên dưới là kinh Lạy Cha trích từ tác phẩm (1787) “Saggio practicco delle Lingue con prolegomeni e una raccolta di orazioni dominicali in più di trecento lingue e dialetti” (Giới thiệu kinh Lạy Cha qua hơn 300 các ngôn ngữ và phương ngữ trên thế giới – NCT): trang 134 ghi lại phần tiếng Việt và các tiếng TQ vào khoảng giữa thế kỷ 18. Để ý hai chữ đầu của bản phiên âm bằng tiếng TQ là cai tien (Tại Thiên). Tác giả là LM dòng Tên Lorenzo Hervás y Panduro (1735-1809), một nhà ngôn ngữ nổi tiếng với nhiều tác phẩm có giá trị. Bản này rất giống bản KLC 1870 (xem phần dưới) và có tất cả 77 chữ.

clip_image016

2.6 KLC vào khoảng cuối thế kỷ XVIII

Trích từ cuốn “Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ”/TGYLQN của LM Pigneau de Béhaine (Bá- Đa-Lộc), xuất bản năm 1774 (Quảng Đông) và tái bản (Đàng Trong, 1837): có 70 chữ kể cả 2 chữ A men ở cuối kinh.

Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến, vâng ý Cha làm dưới đất bằng trên trời vậy chúng tôi xin rày hằng ngày dùng đủ, và tha nợ chúng tôi như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi, lại chớ để chúng tôi phải sa cám dỗ, bèn chữa chúng tôi cho khỏi sự dữ. A-men.

LM Philiphê Bỉnh cũng đề cập đến “kinh thiên Chúa” trong “Sách Sổ Sang chép các việc” (1822) cho thấy cách gọi Kinh Lạy Cha không phổ thông vào đầu thế kỷ XIX. Đây có thể cách dùng đặc biệt ở Đàng Ngoài – xem định nghĩa Oraison Domicale của tác giả P. G. Vallot (Hà Nội, 1898). Ở Đàng Trong, LM Béhaine đã ghi Kinh Lạy Cha trong văn bản (Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ, 1774 à 1837).

clip_image018

clip_image020

P.G. Vallot (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré”

Trong cuốn “Petit dictionnaire annamite-francais” (1904). LM Vallot lại ghi thêm Kinh Tại Thiên

clip_image022

2.7 KLC năm 1855

Đây là bản chữ Nôm trong bài viết “Notice sur le langue annamique”, tác giả Léon de Rosny (1855), chuyển qua chữ quốc ngữ hiện đại/NCT. Chữ hay dấu hiệu o chỉ cách ngắt câu vào thời bấy giờ. Để ý là có tất cả 49 chữ trong bài KLC này. Năm xuất bản KLC này (1855) là thời kỳ bang giao giữa Pháp và Đại Nam rất căng thẳng. Từ “Thập Điều Giáo Huấn” (1834) của vua Minh Mạng (1820-1841), trong đó bàn về CG:”Trai gái chung đụng hỗn tạp, việc làm này giống như cầm thú … Đó là làm cho bại hoại luân lý, hư hỏng giáo hóa, không thể tin được. Nếu người nào đó bị dỗ dành thì nên mau chóng bỏ đi. Phần các việc quan, hôn, tang, tế đều phải theo lễ tục nước nhà …” trích “Mục lục Châu bản triều Nguyễn” Triều Minh Mạng, bản thảo viết tay, Tập 68, tờ 152-154. Thời vua Thiệu Trị (1841-1847), việc cấm đạo giảm đi nhưng triều đình vẫn không có cảm tình gì với CG, cho đến thời vua Tự Đức (1847-1883) thì các dụ cấm đạo CG càng ngày càng khắc khe hơn với nhiều giáo sĩ và giáo dân bị hành quyết. Đến năm 1856 khi chiến thuyền Catinat vào Đà Nẵng đem thư chánh phủ Pháp trách cứ triều đình về việc cấm và ngược đãi CG, cũng bắt đầu những hoạt động quân sự xâm chiếm Đại Nam về sau. Trong bối cảnh cấm đạo nghiêm ngặt[14] như vậy, KLC đã phải thu gọn lại và đoạn rất nhạy cảm “quốc Cha trị đến” có lẽ đã bị cắt bỏ chăng? Số chữ KLC đã giảm đi khoảng 30% (chỉ còn 49 chữ).

Lạy cha chúng tôi ở trên trời o danh cha cả sáng o ý cha làm dưới đất bằng trời vậy o xin hàng ngày dùng đủ o cùng tha nợ chúng tôi như chúng tôi tha kẻ có nợ chúng tôi chớ để sa cám dỗ bèn cứu cho khỏi sự dữ o

clip_image024

Kinh Lạy Cha (chữ Nôm 1855)

Quá trình cắt bỏ câu “Quốc Cha trị đến” trong KLC còn có thể giải thích như theo kinh của giáo hội Mormon (the Book of Mormon) bên Mỹ. Trong kinh sách trên[15] (1829), tác giả Joseph Smith thuật lại chuyện nhà tiên tri Lehi đóng tàu ở Bountiful trước khi cả đoàn lên đường sang Mỹ châu. Cũng theo kinh sách trên thì sau khi sống lại, ĐCGS đã đến nhà thờ ở Bountiful để gặp và truyền dạy dân chúng địa phương về giáo lý CG, thành ra không cần phải nhắc lại chuyện “Quốc Cha trị đến”.

2.8 KLC năm 1870

clip_image026

Trích từ cuốn “The Lord’s Prayer in 250 Languages and 180 Forms of Writing” Chủ biên Pietro Marietti, Wendell Jordan S. Krieg – NXB Brain Books (1870). Có tất cả 77 chữ.

2.9 KLC năm 1891 (có tất cả 63 chữ)

clip_image028

KLC in năm 1891 trong cuốn “The Lord’S Prayer in Five Hundred Languages” (KLC dịch ra 500 ngôn ngữ/NCT) của nhà Đông phương học Reinhold Rost (1822-1896).

2.10 KLC vào năm 1905

Trích từ trang https://antontruongthang.com/suy-ni%E1%BB%87m/abba-b%E1%BB%91-%C6%A1i-kinh-l%E1%BA%A1y-cha-pater-noster/ có tất cả 70 chữ (không có 2 chữ A men).

Lạy cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Vâng ý Cha làm dưới đất bằng trên trời vậy. Xin Cha cho chúng tôi rày hằng ngày dùng đủ. Và tha nợ chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi. Lại chớ để chúng tôi phải sa cám dỗ, bèn chữa chúng tôi cho khỏi sự dữ.

So với bản năm 1905/1908 (chép lại từ bản 1891 – xem phần trên) trích từ trang này https://archive.org/stream/lordsprayerinfiv00rost#page/10/mode/2up.

2.11 KLC (từ Ma-Thi-Ơ 6:9) năm 1925 và năm 1934

Trích từ trang[16] http://bibleglot.com/read/Viet/ , có tất cả 67 chữ.

Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời! Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày; Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi; Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác!


2.12 KLC năm 1992[17] (có tất cả 78 chữ)

Lạy cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến. Ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.


2.13 Kinh Lạy Cha – tiếng Việt hiện đại (2017)

Có tất cả 71 chữ hay 72 chữ nếu kể chữ mọi (không có 2 chữ A men).

image

Tóm lại, Kinh Lạy Cha là cánh cửa sổ hé mở cho ta xem lại quá trình hình thành của chữ quốc ngữ, từ cách viết thời sơ khai cho đến bây giờ, cũng như cách dùng (phạm trù nghĩa) của tiếng Việt theo trục thời gian và không gian (tiếng địa phương). Trước đây ba thế kỷ, không ai hiểu Kinh Lạy Cha là kinh gì, cũng như không ai dùng phụ từ chưng trong tiếng Việt hiện đại. Tuy vỏn vẹn chỉ có vài chục chữ, mà một số lại là lặp lại (như cách dùng chúng tôi, chưng), nhưng KLC không thiếu chiều sâu lịch sử cũng như tư tưởng. Ngoài ra, các bản KLC khác nhau còn cho ta những thông tin về thời cuộc, không những chỉ giới hạn ở nước Việt Nam. Bài này (phần 5A) trong loạt bài “Tiếng Việt vào thế kỷ XVII”, là những bước đầu xem lại các tín hiệu/thông tin tàng ẩn trong văn bản KLC còn lưu truyền đến ngày nay.

3. Tài liệu tham khảo chính và ghi chú thêm

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

clip_image030 (1774/Quảng Đông à Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) “Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ” 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).

2) Đỗ Quang Chính (1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).

3) Nguyễn Hồng (1959) “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam – Quyển 1 – Các Thừa Sai dòng Tên 1615 – 1665” NXB Hiện Tại (Sài Gòn).

4) Roland Jacques (2004) « Les missionnaires portugais et les débuts de l’Église catholique au Viêt-nam » (Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam) – NXB Đinh Hướng Tùng Thư (Pháp). Có thể đọc các bài viết của LM Roland Jacques trên mạng như http://www.dunglac.info/index.php?m=home&v=detail&ia=11502 . Các bài viết như “Chứng tích hình thành và phát triển chữ quốc ngữ từ năm 1632 đến nay: tiến trình của Kinh Lạy Cha” của Roland Jacques (người dịch Nguyễn Đăng Trúc) trên mạng này http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18656, v.v.

5) Halario de Jesu (thế kỷ XVIII) “Sách Các Phép” bằng 3 thứ chữ Nôm, La Tinh và quốc ngữ. Sách lưu hành nội bộ (1997).

6) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) “Mùa Ăn Chay Cả”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển trung”, “Đức Chúa Giê-Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, “Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba”, “Các Thánh Truyện”. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003).

7) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

clip_image031 (1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

clip_image032 “Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

clip_image033 “Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

8) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale).

9) Nguyễn Cung Thông (2011) “A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật?” – có thể xem toàn bài trên các trang http://www.daophatngaynay.com/vn/tap-chi-dao-phat-ngay-nay/Bai-viet-chon-loc/9925-A-Di-Da-Phat-hay-A-Mi-Da-Phat.html, v.v.

clip_image034 (2016) “Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài … thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)” có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachDungXuongThuyenTrenTroiVaRaDoiP1.pdf

clip_image035 (2016) “Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min … Tiếng Việt thời LM de Rhodes” – có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachNoiToiTaTaoToP2.pdf

clip_image036 (2016) “Huyền Tráng, Huyền Tảng hay Huyền Trang? Hiện tượng đồng hóa âm thanh (phần 2)” – có thể tham khảo hai bài viết này trên các trang mạng như http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-qt/con-nguoi-qt/21409-huyen-trang-huyen-tang-hay-huyen-trang-hien-tuong-dong-hoa-am-thanh-phan-2.html

clip_image037 (2015) “Sinh thì là chết?” – có thể tham khảo ba bài viết này (đánh số 11.1 đến 11.3) trên các trang mạng như http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=21612

clip_image038 (2013) “Tản mạn về từ Hán Việt thời-thì” có thể xem toàn bài trang này https://khoahocnet.com/2013/06/15/nguyen-cung-thong-tan-man-ve-tu-han-viet-thoi-thi-phan-6-2/

clip_image037[1] (2012) “Những đợt sóng giao lưu ngôn ngữ Việt-Trung qua con đường tôn giáo – vài vết tích sau thời nhà Nguyên trong từ điển Việt Bồ La (phần 1.3)” – có thể xem toàn bài trang này http://pgvn.vn/nghien-cuu/201508/Nhung-dot-song-giao-luu-ngon-ngu-Viet-Trung-qua-con-duong-ton-giao-vai-vet-tich-sau-thoi-nha-Nguyen-trong-tu-dien-Viet-Bo-La-phan-1-3-49809/

– Nguyễn Cung Thông/Phan Anh Dũng (2016) “Tản mạn về nghĩa của mực tàu (phần 1)” – có thể xem toàn bài trang này chẳng hạn http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/ngon-ngu-hoc/5947-t%E1%BA%A3n-m%E1%BA%A1n-v%E1%BB%81-ngh%C4%A9a-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B1c-t%C3%A0u-%E5%A2%A8%E8%89%9A-qua-t%E1%BB%AB-%C4%91i%E1%BB%83n-vi%E1%BB%87t-b%E1%BB%93-la-ph%E1%BA%A7n-1.html hay trang http://chimviet.free.fr/ngonngu/nguyencungthong/ncthong_TanManVeMucTau1_a.htm


[1] Nghiên cứu tiếng Việt độc lập ở Melbourne (Úc) – địa chỉ nguyencungthong@yahoo.com

[2] Có tác giả dịch cách mới là “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”, thí dụ như xem bài viết (10/2017) này http://www.sudiepchuaden.com/2017/10/su-iep-ung-nghiem-kinh-lay-cha-moi-se.html, v.v.

[3] Xem bản tin BBC News trang này http://www.bbc.com/news/world-europe-42279427 hay các ý kiến khác nhau từ lăng kính Thần Học và Ngữ Học trang này https://www.crisismagazine.com/2017/pope-francis-half-wrong-half-right-lords-prayer, v.v. Đức Giáo Hoàng Francis (Phanxicô) giải thích thêm trong buổi phỏng vấn của đài truyền hình TV2000 “Chính tôi, con người sa vào chước cám dỗ chứ không phải Thiên Chúa đẩy con người vào chước cám dỗ”.

[4] Tên KLC “Pater Noster” còn là tên nhà thờ CG (church of the Pater Noster) nổi tiếng ở phía đông vùng đất Jerusalem, do vua Contantinus (272-337) xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ thứ 4 và đặt tên là “Nhà Thờ các Tông Đồ” (Church of the Disciples).

[5] So với bản dịch tiếng Anh thường dùng (khoảng 55 chữ), tiếng Pháp (khoảng 58 chữ), tiếng Bồ-Đào-Nha (khoảng 59 chữ), tiếng Hán (khoảng 55 chữ vào thời LM Matteo Ricci so với khoảng 80 chữ hiện nay) không kể A-men hay đoạn kinh vinh danh ĐCT thêm vào sau này (Doxology).

[6] làm: hàm ý người đọc KLC phải thi hành, phải chủ động tha thứ hay bỏ qua các lỗi lầm (sai trái, tội hay “nợ”) của người khác gây ra cho mình. So sánh với khái niệm Tha lực 他力 và Tự lực 自力 của Phật giáo, đây là một điều không dễ thực hành nhất là trong cuộc sống hàng ngày với bao nhiêu sự việc có thể xẩy ra! Nhà chính trị/Công tước người Anh Arthur Wellesley (1769-1852) từng nói rằng “The Lord’s prayer contains the sum total of religion and morals” tạm dịch/NCT “Kinh Lạy Cha là tổng số (bao gồm cả) của tôn giáo và đạo đức”.

[7] Kinh Thánh Matthew 6:9-13 ghi nhận KLC, Luke 11:2-4 cũng ghi KLC đơn giản hơn (short form).

[8] Dù hai nhà truyền đạo dòng Tên tiên phong ở TQ là Michele Ruggieri (1543-1607) và Matteo Ricci (1552-1610) đều là người Ý. Điều này cho thấy ảnh hưởng quan trọng của tiếng Bồ-Đào-Nha trong giai đoạn đầu của quá trình truyền đạo ở Đông Á (-m dùng cho -ng). Bồ Hán Từ Điển 葡漢辭典 là cuốn tự điển đầu tiên dùng chữ La Tinh một cách có hệ thống để phiên âm chữ Hán. Các tài liệu về Bồ Hán Từ Điển là từ Viện Ricci, Đại Học San Francisco “Courtesy of the Ricci Institute, University of San Francisco”.

[9] Các giọng ở nam TQ như Mân Nam đọc ất là rit/jit cũng gần giống như diệc. Thời VBL còn ghi nhận chữ nhĩ (mày) 爾 và qua 我 là các giọng nam TQ (td. Triều Châu) so với cách dùng nịngọ (giọng Quảng Đông) trong khẩu ngữ tiếng Việt cận đại. Ngoài ra, đoạn liên hệ trong KLC (soạn bởi LM dòng Tên Matteo Ricci) cũng viết là 爾免我債如我亦免負我債者 nhĩ miễn ngã trái như ngã diệc miễn phụ ngã trái giả – cho thấy diệc từng được dùng trong văn cảnh này.

[10] Cũng như cách viết trong Sách Sổ Sang Chép Các Việc (Philiphê Bỉnh/1822) trang 226:”làm các việc trọng trong nước, ít là làm chúa nhà mà cai quản cửa nhà mình”.

[11] VBL giải thích lạy dùng để chỉ sự tôn kính và ghi các cách dùng như “lạy ông, lạy ơn ĐCT, lạy ơn đức Chúa”. BBC trang 19 ghi “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời” là một cách nói khá so với “Cha chúng tôi ở trên trời”, và bình luận là thói quen sẽ chỉ cho (khẩu ngữ). Điều này cho thấy cách dùng “Lạy Cha” đã xuất hiện trong lời nói dân gian vào thời VBL, tuy không trở thành ‘chính thức’ như cách nói Kinh Lạy Cha hiện nay.

[12] nước Tân La 新羅 (< Silla) là tên nước Cao Li vào thời Trung cổ (à Hàn Quốc sau này)

[13] Cũng như tên các bài ca hay thơ, ta thường nhớ tên bài là XYZXYZ là các chữ đầu tiên của bài – thay vì tên

đặt ‘chính thức’ của chúng.

[14] Tham khảo thêm cuốn “The persecutions of Annam; a history of Christianity in Cochin China and Tonking” NXB Burns and Oates (London, 1872) – tác giả là LM John Rutherford Shortland (1814-1889) dựa vào các thư từ tài liệu của Giáo Hội La Mã đồng thời. Một giáo sĩ kể lại vài điều dụ từ triều đình như (1) Người theo đạo CG như đàn ông/đàn bà/trẻ em hay người già phải sống lẫn lộn ở trong các làng ngoại đạo (pagan village) (2) Cứ 5 người ngoại đạo phải coi một người theo đạo CG trong làng (3) Tất cả các làng CG phải bị triệt phá (4) Tất cả đất đai của làng CG phải chia cho các làng ngoại đạo bên canh (5) Người theo CG phải bị khắc trên má hai chữ “Tả Đạo” và “nơi ở/quê quán” bên má còn lại – trang 414-415 sđd. Các điều khoản thuật lại bên trên phù hợp với “Sắc lệnh phân sáp toàn diện” (1861, vua Tự Đức) ghi lại trong các bài viết liên hệ (phần 4) trên trang mạng như http://catechesis.net/index.php/su-giao-hoi/lich-su-giao-hoi-vn/781-cac-van-kien-cam-dao-1, v.v. Vấn đề cấm đạo và bắt bớ nghiêm trọng đến nỗi trong “Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ”, LM Béhaine phải thêm vào phần cuối sách “Kinh Dốc Lòng Giữ Đạo Chúa Cho Trọn”; bắt đầu bằng câu “Hễ khi bắt đạo thì hằng ngày ban hôm phải đọc kinh sau này: Lạy Chúa tôi …từ này về sau dù tôi phải chịu bắt bớ gông cùm tù rạc lưu giam, dù phải đầy đọa bỏ cha mẹ vợ con của cải, dù phải gia hình kềm khảo chết dữ dằn độc ác thể nào vì đạo …”.

[15] Xem thêm chi tiết trong bài viết (7/2016) https://knowhy.bookofmormoncentral.org/content/why-is-the-lords-prayer-different-in-3-nephi hay https://www.youtube.com/watch?v=Avadf4c_x94, v.v.

[16] Vì dựa hoàn toàn vào Kinh Thánh (Sola Scriptura), bản KLC năm 1925/1934 thường được dùng trong đạo Tin Lành – không tuân theo các sắc lệnh từ Tòa Thánh La Mã và có tính cách độc lập và tự trị. Các Mục Sư Tin Lành (có thể lập gia đình) không có quyền đại diện Thiên Chúa ban phước hay tha tội cho tín đồ, không phải là bước trung gian giữa Thiên Chúa và tín đồ theo cơ cấu CG truyền thống, v.v. Đạo Tin Lành truyền vào VN khá trễ (khoảng đầu thế kỷ XX) so với CG trước đó 300 năm nên cách dùng chữ cũng khác biệt trong KLC; thí dụ: được thánh, được nên là theo thể thụ động/Passive voice trong các bản La Tinh/Anh/Pháp …

[17] Bản KLC vào năm 1992 (Ủy Ban phiên dịch Sách Lễ Rô-Ma):

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,

xin làm cho danh Cha hiển thánh,

vương quyền Cha mau đến,

ý Cha thành tựu dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực cần dùng,

xin tha tội cho chúng con

như chúng con cũng tha

cho những người có lỗi với chúng con,

xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,

nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”

Comments are closed.