Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 27): Ninh Kiều

NinhKieu-2016Ninh Kiều (tên thật Trần Thị Châu Hoàn), sinh năm 1946 tại Cần Thơ, trưởng nữ nhà văn Hợp Phố. Định cư ở Paris (Pháp) từ năm 1964. Tiến sĩ Toán học (Đại học Paris 6). Kĩ sư Toán Tin ứng dụng tại Ủy Ban về Năng Lượng Nguyên Tử CEA-Saclay (ngoại ô Paris). Bắt đầu viết và dịch sách năm 2006. Đồng dịch giả Chữ Số hay Lịch sử một phát minh vĩ đại Lược sử vật lí (nxb Tri Thức), dịch giả Khám phá rừng (nxb Kim Đồng). Tác giả tập truyện ngắn Bún chả (nxb Phụ nữ).

Chiếc đũa gẫy

Đã ngoài bốn mươi, tôi vẫn chưa chịu cưới vợ, làm Mẹ phức tâm. Tôi nói đùa “Con chịu đựng mình còn không nổi, cô nào sống được với con” mà Mẹ tưởng thật “Chớ sao Mẹ sống được với Bố?”. Ra đời và lớn lên tại Sài gòn, tôi quen không có ý kiến về chuyện của bậc cha chú. Còn em trai tôi sinh bên Tây, nghe vậy, nó thẳng thừng “Đó là một bí ẩn”, bằng tiếng Pháp, vì tiếng Việt nó không mấy gì rành. Gần ba mươi tuổi, độc thân, song trường hợp của nó chưa có gì đáng lo.

Ngoài Bố Mẹ và em trai, tôi còn có gia đình Chú Thím. Bố và Chú đều là người nghiêm túc trong khi tôi lông bông. Tôi có nhiều bồ nhưng không dính với ai lâu dài. Cô nào không phải Việt, Bố Mẹ không ưa. Cô nào Việt, Bố Mẹ ưa thì tôi lại thiếu nhiệt tình.

Được Mẹ ủ từ bé, tôi không quen bị phụ nữ rầy rà và phê bình. Mấy cô bồ của tôi, mới đầu họ coi tôi là thần tượng, yêu tôi tha thiết nhưng sau một thời gian, họ bỏ đi để lại cho tôi mấy chữ bằng tiếng Pháp trên mẩu post-it (1) màu vàng dán lên bàn làm việc để khỏi bay… Dịch ra tiếng Việt “Thế là hết”, “Mình không hợp với nhau”. Sau mỗi lần như vậy, chỉ nghe tiếng tôi trong điện thoại “Nhà có gì ăn không?” là Mẹ hiểu ngay. Chờ tôi nguôi ngoai, Mẹ đặt lại vấn đề lấy vợ Việt. Và giải pháp cuối cùng của Mẹ bao giờ cũng là “Để Mẹ kiếm một con bé giống như Thím mày”. Mẹ nói riết, tôi nhập tâm.

Khi tôi nói với Mẹ nội dung của mẩu post-it thứ nhất, Mẹ bảo “Đừng lo”. Đến mẩu thứ hai, “Con gái đời nay được voi đòi tiên”. Mẹ lúc nào cũng bênh tôi. Đời nào con trai của Mẹ làm khổ ai. Con gái làm khổ con trai của Mẹ thì có.

Tôi còn trẻ nên quên tương đối dễ dàng mấy mẩu post-it, trừ cái cuối cùng, gần đây. Chỉ vỏn vẹn có một chữ: “macho” (2).

Sau khi gọi Mẹ để hỏi nhà có gì ăn không, tôi bỏ ra cả buổi tối để tra cứu macho. Trên Internet, trong từ điển Pháp-Việt, Việt-Pháp, Việt-Việt. Gia trưởng. Macho là người có thói gia trưởng. Nghe nhẹ tênh. Như một cái tật. Ai cũng có tật, ít nhiều. Vào Google, tôi gõ dấu cẩn thận “thói gia trưởng” để chỉ tìm thấy lèo tèo mấy bài đề cập đến vài trường hợp cá biệt, như có thằng chồng bắt nạt vợ vì quá yêu vợ. Nếu chỉ có vậy thì Mẹ làm sao hiểu nổi tâm trạng của tôi hiện nay. Macho của cô bồ A Rập gửi cho tôi, có nghĩa gấp trăm lần, nghìn lần nghĩa macho trong từ điển. Một người con gái xứ macho, trốn chạy macho, bảo tôi là macho. Đâu phải chuyện đùa. Tôi nằm bẹp dí trên giường để nhắm mắt phiên dịch macho trong đầu suốt đêm. Sáng ra, tôi về nhà dịch macho cho Mẹ nghe theo nghĩa trong một bộ từ điển bách khoa toàn thư của Pháp. Tôi còn chịu khó dịch thêm một từ đồng nghĩa, gốc Hy Lạp, phát sinh từ… cái “ấy” của đàn ông. Tôi lúng túng không tiện nói tên cái “ấy” với Mẹ nhưng Mẹ hiểu ngay. Từ thời xa xưa, nó đã là biểu tượng của con số một. Người có nó là nhất. Giữa chốn ba quân, giết chóc, máu me, nhưng có dịp là nó dựng đứng lên, không biết nể nang ai. Như gươm. Chưa hết, vũ khí chế tạo càng sắc bén, chiến tranh càng khốc liệt, đàn ông càng khắc luật trên bia đá để thống trị lâu dài kẻ thù và đàn bà (chắc vì trong nhà bếp có dụng cụ bén nhọn?). Macho phát triển. Lan tràn. Mỗi nơi mỗi kiểu. Không đồng đều. Giải thích macho với bất cứ ai đã khó, với Mẹ càng khó hơn vì chẳng những Mẹ chả chịu tìm hiểu thêm mà còn không thấm. Tôi muốn cho Mẹ biết là không chỉ có “người macho” mà còn có “câu nói macho”, “chuyện đùa macho”, “lời dẫn macho”, “tục ngữ macho”, “u-mua macho”. Rồi còn có macho ngu dốt (mà không hề hay biết) và macho trí thức (để lại tác phẩm macho cho đời sau), v.v. Tôi nói ráo nước miếng, Mẹ ừ ừ cho tôi bớt nói chứ thật bụng Mẹ vẫn hiểu theo nghĩa trong từ điển Pháp-Việt vì cuối cùng Mẹ thở ra “Tây rắc rối”.

Mẹ bảo đàn ông Việt Nam nào mà không gia trưởng. Được một thằng chồng gia trưởng cho ra hồn, là có phước. Mẹ còn phân biệt nhiều loại gia trưởng, gia trưởng về già hiền lành như Bố, gia trưởng đặc biệt như Chú… Mẹ còn kể chuyện bảy gia trưởng của bảy bà dì phía Bố, đa số là “bún thiu” không đáng mặt gia trưởng, đó là chưa kể gia trưởng Mỹ và gia trưởng Pháp… gốc Việt. Đã vô trong máu rồi, khí hậu, phong thổ không ăn thua gì. Nghe Mẹ, tôi hoang mang không biết Mẹ chê hay khen. Đả kích hay tán dương. Có lẽ cả hai. Tôi rã rượi cả ngày hôm ấy. Vậy mà sáng hôm sau, khi Bố vào tận giường kêu tôi thức dậy để Bố nhờ đến nhà Chú lấy thư của Cô có cái toa thuốc gửi từ Sài gòn, chẳng hiểu sao tôi hăng hái nhận lời và không thể ngờ những gì sắp xảy đến cho mình.

Trong lúc tôi ăn hai cái trứng tự tay Bố chiên, Mẹ kể thêm chuyện thằng em tôi ghé nhà Chú lấy thư hôm kia nhưng ra về tay không. Tôi hỏi “Tại sao?” thì Bố trả lời “Cứ tới nhà Chú rồi sẽ biết”.

Khi bước ra khỏi nhà, tôi mới nhận thấy tuyết chưa tan, đông cứng lại trên lề đường. Ngoại ô Paris mặc áo choàng trắng trông sạch sẽ, vui tươi. Tôi vỗ nhẹ lên cánh tay em mình đang sang số xe để cảm ơn nó đã chịu khó thức sớm đưa tôi đi.

Không rõ thằng em vô tình hay cố ý mà nó để xe trờ qua khỏi nhà Chú rồi nó mới thắng. Tôi hơi chúi mũi và vội vàng bước xuống vì xe sau bóp còi. “Tạm biệt. Em không vào. Thông cảm”, em tôi nói bằng tiếng Pháp trong lúc tôi đóng cửa vội vàng.

Len giữa hai chiếc xe đậu bên đường, tôi bước lên lề. Ông hàng xóm của Chú đang cầm xẻng cào tuyết. Nhà Chú có hai cổng. Cổng lớn nằm chính giữa mặt tiền, trước cửa nhà xe. Cổng nhỏ nằm sát cạnh nhà ông hàng xóm mà tôi vừa chào. Mới tới đã nghe tiếng Thím từ ban công cho biết cửa không khoá, chuông hết kêu, chắc bị vô nước. Tôi bước vào con đường nhỏ trong sân trước nhà Chú và nhớ nước có đặc tính dẫn điện.

Khi đến trước cầu thang đá cẩm thạch ướt át, tôi còn do dự chưa dám bước lên thì thấy Thím mở cửa nhà liệng xuống hai miếng giẻ và hướng dẫn: bước lên miếng giẻ, bước tiếp lên miếng kia… Tôi thận trọng tiến lên cầu thang bằng kỹ thuật của Thím, đồng thời nghe thông tin: Mẹ vừa báo hai anh em mày ghé, nhắc mày đưa liền cái bánh khoai mì nướng kẻo quên. Để hai miếng giẻ ướt nằm lại trên bậc thang, tôi bước vào sảnh. Chú đang ngồi trong nhà bếp ngó ra. “Thưa chú, cháu mới đến”. Sợ Chú lộn, tôi còn nói thêm “Cháu là thằng anh đây”.

Chú vẫn nhìn đăm đăm ra cửa không trả lời. Tôi moi ổ bánh khoai mì nướng từ ba-lô để Thím có chuyện nói và cảm thấy xốn xang như mình phạm lỗi. Lỗi gì? Tôi không rõ song vẫn thấy có! Tại tôi là con của Bố? Tại Bố là anh của Cô? Tại Cô là chị của Chú? Tại Cô gửi toa thuốc cho Bố mà đề nhầm địa chỉ của Chú? Tại tôi vô tình nhắc Chú những phiền não dây chuyền sáng chúa nhật?

Tự nhiên tôi liên tưởng tới phim kiếm hiệp Tàu thường có màn hạ địch thủ bằng đòn tâm lý. Thủ thuật cao tay ấn nhất là coi địch không ra gì. Không ngó tới mặt. Không nói tới tên. Bị sỉ nhục, có khi không cần đấu đá mà địch hộc máu tươi chết tức tưởi.

Song Chú không có vẻ xem tôi là địch. Tuy chẳng buồn đáp lời Thím mời ăn miếng bánh khoai mì nướng nhưng Chú lại lên tiếng với tôi “Cháu đừng hiểu lầm Chú!”. Bốn mắt mở to. Chăm chú nghe lý giải. Khi Chú dứt lời, Thím và tôi nhìn nhau gật gù đồng ý với phân tích và phê phán của Chú về việc dùng bừa bãi thuốc Tây. Không những vậy, Thím còn lên tiếng ủng hộ Chú “Ba mày nói đúng, uống thuốc giảm đau riết mục xương, lủng bao tử. Nhưng chỉ quen thuốc rồi, bây giờ không cho chỉ uống, chỉ đau mình tội nghiệp! Hơn nữa…”. Chú ngắt lời Thím, cụt ngủn “Nói vậy thì tốt hơn đừng nói ”. Tôi tự biết thân, làm thinh. Vì không khí trở lại nặng nề nên Thím nhắc tới lá thư. Chú đứng dậy lặng lẽ lên lầu. “Cháu chờ chút”, Chú nói. Thím bảo tôi ngồi yên đó rồi Thím cầm mấy miếng giẻ ra hì hục ngoài ban công. Tưởng Chú lên lầu lấy lá thư nhưng không phải vậy. Tôi đành lặng lẽ theo Chú bước xuống các bậc thang khô ráo, Chú nói “Cần gì phải lau” song chỉ có yên lặng trả lời.

Hai Chú cháu ra khỏi cổng nhỏ để đi đến cổng lớn. Không rõ lý do tại sao phải đi vòng. Thím đứng trên ban công ngó xuống căn dặn “Coi chừng té” trong lúc tôi thấy hai chân mình trườn ra phía trước và đít rơi xuống đất. Không có cách nào cưỡng lại, chẳng bám víu vào đâu được. Chú quay lại, thương hại “Có sao không?”. Tôi níu hàng rào đứng dậy. Lề đường chừng mươi lăm thước trước nhà Chú trắng xoá tuyết và láng bóng như thoa mỡ.

Chú đã đứng trước cổng lớn. Không biết Chú đi bằng cách nào? Thím rối rít trên ban công “Thôi đừng theo, để Chú lấy thư một mình được rồi” nhưng tôi không thể thoái lui. Tôi nghĩ thầm trong bụng, hoá ra là vậy. Tôi men theo hàng rào và cuối cùng đến được bên hộp thư gắn trên cột cổng. Chú đang loay hoay kiếm cái gì. Hồi lâu Chú ngẩng đầu hỏi Thím vẫn còn đứng trên ban công “Chiếc đũa để đây đâu mất rồi?”. Thím mau mắn “Nó nằm chỗ cũ, trên hộp thư ”. Chú gắt gỏng “Không phải chiếc này, chiếc kia kìa”. Thím dả lả “Thôi mà, chiếc nào cũng được, chiếc kia gẫy rồi”. Chú bực dọc “Trời đất ! Làm sao đến nỗi gẫy? Hai mươi năm nay không sao bây giờ lại gẫy. Ai làm? ”. Ban công không trả lời. Chú không buông tha “Chiếc đũa gẫy không được vứt, để nó đó cho tui, tui dán nó lại!”. Ban công vẫn không lên tiếng.

Bây giờ tôi mới hiểu tại sao sáng nay Bố lại nói “Cứ đến nhà Chú rồi sẽ biết” và em tôi lúc nãy không chịu vào nhà. Hoá ra Thím đồng loã với thủ phạm đã làm gẫy chiếc đũa của Chú.

Tôi nhìn Chú đứng trước hộp thư đầy nhóc giấy bên trong, tay lăm le chiếc đũa. Nhiều tờ quảng cáo trồi ra ở cái lỗ trên nắp hộp. Rồi Chú tiến hành việc khều thư, trịnh trọng. Chú móc hết giấy má có thể lấy ra để đưa cho tôi cầm và bắt đầu thăm dò những gì bên trong. Một gói bọc nylon nằm chận ngang cái lỗ gần đáy hộp. Chú lấy chiếc đũa đẩy đẩy nó vô sâu nhưng nó không nhúc nhích. Chú đứng án hộp thư nên tôi không thấy gì. Hồi lâu Chú quay lại đưa cho tôi cái gói bọc nylon.

Xong Chú đưa luôn cho tôi chiếc đũa “Giả sử cháu làm mất chìa khoá, làm sao cháu lấy thư? Đâu cháu thử cho chú coi”. Chú còn khuyến khích “Ráng suy nghĩ đi?”. Tôi không biết phải làm gì với chiếc đũa, thọt nó vào trong lỗ thì sợ nó gẫy. Tôi bèn thò hai ngón trái vô cái lỗ trên nắp, chạm được một lá nhưng không thể móc nó ra được. Hai ngón bị mép lỗ cứa muốn rướm máu. Tôi tiu nghỉu.

Chú nhứ nhứ cái hộp thư với ngón tay trỏ và nói “Hồi mới mất chìa khoá, Thím mày đòi mua hộp mới. Thay cái khác, đâu có gì khó”. Ngừng mất giây, Chú tiếp “Không dám đương đầu với thử thách thì không thể lớn khôn được”. Bất giác tôi đưa mắt nhìn bao quát giang sơn nhà Chú và nhớ cách Mẹ chỉ đường “Nhà nào trước cửa có hai con voi, một con sứt vòi, một con sứt tai, là chính hắn”. Hai con voi như Mẹ tả, còn đó. Mỗi con mang trên lưng một thùng rác, một cái mất nắp, một cái còn nắp tòn ten. Mỗi thùng ló ra cây kiểng tuyết bám cành khô như có hoa trắng.

Tôi nhớ có lúc Chú nổi hứng bàn vô chuyện tân trang Sài gòn trong khi Bố bàn ra “Thôi mày ơi, tao xin mày…”. Làm như Bố sợ Chú tân trang Sài gòn giống như tân trang giang sơn của Chú.

Chú tiếp tục khều mấy lá thư còn lại. Bằng chiếc đũa, Chú nâng từng cái một lên gần sát miệng hộp và thò tay nhẹ nhàng rút nó ra, trừ lá thư cuối cùng còn sót lại, nằm bẹp tận đáy. Chú phải lật nghiêng, lật đứng rồi dựng nó ngay ngắn trên chiếc đũa để biến nó thành người làm xiếc đi trên dây và từ từ nâng nó lên cao để móc nó ra bằng hai ngón tay. Xong Chú kê mắt nhìn trong hộp để chắc chắn không còn sót lá thư nào trước khi thận trọng để chiếc đũa vào khe hỡ giữa nắp hộp và cột cổng. Cử chỉ Chú khéo léo, nhẹ nhàng và giờ thì Chú mang dáng vẻ của một người thoả mãn vì vừa mới vượt qua một thử thách.

Thím vẫn nhẫn nại đứng trên ban công để tiếp đón hai chú cháu như những kẻ chiến thắng.

Người ngoài nhìn vào tưởng chừng bụng dạ Thím như tấm lá sen, buồn bực không có chỗ bám víu. Nếu tôi là Thím, cả buổi sáng, tôi giận Chú từ đầu đến cuối.

Ráng cưới vợ cho Mẹ mày mừng!”. Thím dặn dò tôi, chân tình.

Trên đường về, tôi có ý nghĩ điên rồ là dẫn cô bồ A Rập đến thăm Chú Thím với hy vọng cô sẽ chấp nhận xóa dùm chữ macho ghi trên post-it màu vàng đang định cư trong đầu tôi.

Chú đặc biệt thật! Tôi mới tiếp xúc với Chú hơn tiếng đồng hồ mà mặc cảm tội lỗi đầy mình. Vì tôi đã vứt vô tội vạ không biết bao nhiêu thứ. Vì trong hai mươi năm, Chú giữ gìn cái hộp thư mất chìa khóa, Chú còn dùng một chiếc đũa và chỉ một mà thôi. Trên con đường trơn trợt, Chú vượt qua không thắc mắc trong khi tôi tự hỏi sao chú không cào tuyết, rải muối. Đòi hỏi tiện nghi. Trốn tránh thử thách. Chú phê phán. Đầy thuyết phục. Tôi hoang mang. Hiện lên trước mắt tôi, môi trường thế giới ô nhiễm. Mà tôi có một phần trách nhiệm trong đó! Nhưng nếu có mặt, Bố sẽ nói với Chú “Tiêu xài như mày thì làm sao kinh tế phát triển!”.

Tôi lại còn nghĩ, không chừng giống Chú vậy mà sướng. Tôi sẽ xây dựng giang sơn của mình như ý mình muốn, không bị rầy rà mà còn được ủng hộ. Mẹ hay nhắc “Nói đụng tới Chú không được nghen, Thím bênh liền”. Một lãnh tụ đạt tới tuyệt đỉnh quyền lực, trong một nước dù chỉ còn có… hai người, tại sao không?

Nhưng vấn đề đặt ra là tôi dửng dưng trước nhiều người đẹp mà tính tình giống Mẹ, giống Thím để đi yêu các cô mang tiềm năng khi cần thì giải quyết dứt điểm. Như ba mẩu post-it. Mỗi cái tiết lộ một vấn đề điển hình của thời đại trong cuộc chung sống hai người.

Mẩu thứ nhất trách móc “Em không là người phải chịu trách nhiệm cái bộ mặt chầm dầm của anh, mỗi chiều” trong khi tôi chỉ lặng lẽ cởi giày. Thực ra, tôi không khác gì người đàn ông tiền sử đi săn, ngồi suốt ngày trên cây rình con nai, kế bị cọp rượt, sau đó sa lầy, rồi vượt suối, băng rừng trở về còn bị… bồ rầy. Đừng quên bây giờ đàn bà cũng đi săn. Đồng ý. Nhưng cái gì cũng từ từ. Thiên nhiên còn bỏ ra hàng triệu năm để tiến hoá huống chi… macho.

Mẩu thứ hai khẳng định “Em không phải là nô lệ của anh”. Cuối tuần, tôi được giao một lúc ít nhất năm việc, phải thực hiện đồng thời trong khoảnh khắc nhất định. Ví dụ như rửa mấy cái ly, bắc nồi súp lên bếp, bỏ quần áo dơ vào máy giặt, canh con gà trong lò và gọi điện thoại nhà băng… Trong mấy thiên niên kỷ, đàn ông chỉ có khả năng làm một việc duy nhất, mỗi lần. Rình hang rắn thì chỉ có tập trung nhìn cái lỗ, ngứa cũng không dám gãi! Khoa học gần đây đã chứng thực khả năng tiềm tàng này tuy chưa tìm ra ADN của nó.

Mẩu thứ ba nhận xét “Anh chẳng khác gì ông nội của em”. Tôi, macho? Nhưng thôi, có duyên mà không có nợ, cứ tin như thế, cho nhẹ lòng như lời Mẹ an ủi. Chỉ có một chữ macho mà tôi thấy xáo trộn cả cuộc đời, chả như Bố, vững như bàn thạch. Bằng cớ là duyên nợ kiếp này chưa đủ, Bố còn muốn tiếp tục duyên nợ với Mẹ kiếp sau.

Số là có lần trước mặt đông đủ bà con cô bác, Bố âu yếm nhìn Mẹ “Kiếp sau anh vẫn lấy em làm vợ” và chêm thêm một câu lẽ ra không bao giờ nên phát biểu “Em chịu không?”. Mẹ làm thinh trong mấy giây. Theo tôi đó là im lặng của sự thật: một kiếp người đủ rồi. Nhưng Mẹ chẳng bao giờ biết nói không với Bố nên sau đó Mẹ ừ, “Cho Bố mày vui”. Tuy chỉ có bấy nhiêu thôi mà Bố thay đổi tính tình như người tỉnh ngộ. Nhờ vậy tôi mới được Bố chiên cho hai cái trứng.

Mẹ đã lẽo đẽo theo Bố suốt cả cuộc đời. Mẹ chịu đựng phẫn nộ của Bố không phân biệt nó đúng hay sai, từ lúc Bố còn sức hét ra lửa cho đến khi Bố chuyển qua hờn mát vì mất sức như bây giờ. Mẹ chịu đựng mệnh lệnh của Bố không phân biệt nó có phù hợp với mình hay không, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Song Mẹ rất hãnh diện vì Mẹ hay nói “Chỉ có Mẹ mới sống nổi với Bố”.

Mẹ đã theo Bố đến cùng trời cuối đất nhưng tới ngưỡng cửa phải chia tay nhau, chỗ phân cách giữa sống và chết, Mẹ ngần ngừ, mấy giây. Thêm một kiếp như thế này à? Có cuộc sống nào khác hơn, vui hơn không? Vậy mà Mẹ vẫn ừ. Tôi bần thần luôn mấy ngày.

Sau chuyến ghé thăm Chú Thím, có hai vấn đề được sáng tỏ hơn trong đầu tôi. Một là không thể kiếm được cô nào tính tình giống như Thím ở thế kỷ hai mươi mốt này. Hai là tôi không thể đạt tới trình độ macho đặc biệt của Chú vì muốn đặc biệt như thế, ngoài macho, phải có thêm cái gì khác nữa mà chắc chỉ có Freud mới soi rọi được.

Nhưng tôi lại nghĩ không đào sâu tâm lý cũng có cái lợi giống như người bị chích thuốc tê: tuy vẫn tỉnh táo mà chẳng cảm thấy nhức nhối vết thương.

Khi giãi bày với Mẹ về macho, tôi muốn nói thêm về cô em bà con chú bác ruột đi biền biệt của tôi nhưng lại ngại phản ứng của Mẹ tương tự như của Chú. Tôi chưa vợ thì không phải lỗi tôi. Em chưa chồng thì tại lỗi Em. Nói ra e Em sợ tội nghiệp chứ Em ơi, Em đang thách thức mấy nghìn năm lịch sử nhân loại, từ lúc đàn ông nghĩ ra dựng bia đá để ghi luật macho trên đó cho đến bây giờ. Luật macho khắc trên đá còn có thể bôi xoá chứ một khi macho đã nằm trong ADN thì… làm sao sửa? Đã vậy nó còn được lòng người, nếu không sao nó tồn tại và di truyền? Người bảo quản nó, hun đúc nó, không ai khác hơn là người bị nó làm khổ. Nếu không lý giải như thế thì tôi không thể nào hiểu được tại sao tôi bị liệt vào hàng ngũ macho.

Nếu Em sinh vào những thế kỷ trước, chắc Em đi tu, chứ không đi theo ONG (3) biền biệt như bây giờ. Có lúc tôi nhớ Em đến nao lòng.

Sau chuyện chiếc đũa gẫy, nhiều đêm tôi thao thức nghĩ đến những người thân.

Bố là macho hiền lành, muộn màng tỉnh ngộ để tiếp tục làm macho phục thiện.

Mẹ thì vẫn trước sau như một là “Tây rắc rối”.

Chú thì đặc biệt, đã được Bố tổng kết “Trời sinh Chú mày như vậy”. Không có gì phải bàn.

Thím thì một khi sống với Chú rồi, sống với ai mà chả được.

Còn Em, Em biết nói không. Rõ ràng, dứt khoát. Thà vô rừng săn thú một mình còn hơn là hai mình mà không hợp.

Riêng tôi, tôi khám phá ra một việc là ba mẩu post-it màu vàng có cùng mẫu số chung: lương cao. Không những biết đi săn mà còn săn giỏi. Hơn tôi. Ôi! Tội nghiệp “cái Ngã”. Sự trỗi dậy và phát triển tiềm năng macho trong người tôi cũng chỉ là phản ứng tự nhiên trên đà đi xuống của… nó. Nghĩ đến đó, tôi có cảm tưởng nhìn thấy đít con đom đóm ở cuối đường hầm. Thích ứng. Để hạnh phúc.

Về phần em trai tôi, nó thuộc về “Tây rắc rối”. Chuyện này lọt vào tai nó, nó mà phân tích… thì tanh bành.

Paris 25 tháng mười một 2011

N.K.

(1) mẩu giấy nhỏ có dính keo để ghi tin ngắn hay nhắc công việc.

(2) từ mượn tiếng Tây Ban Nha (gốc Latin masculus “giống đực”) có nghĩa là người đàn ông quen thói hành xử theo quan điểm chỉ nam giới mới có giá trị.

(3) ONG = Organisation Non Gouvernementale (tổ chức phi chính phủ).

Nguồn: https://www.diendan.org/sang-tac/chiec-111ua-gay

Comments are closed.