Về mấy thực thể: “Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam”, “Hội Văn hóa Việt Nam”, “Hội Văn nghệ Việt Nam”

Lại Nguyên Ân

Xung quanh các hoạt động văn hóa văn nghệ giai đoạn 1940s – 1950s, chủ yếu là những gì diễn ra tại miền Bắc Việt Nam, cho đến nay trong sách báo chính thức và trong dư luận xa gần vẫn thường thấy những trình bày và lý giải chênh lệch nhau.

Nếu như các dữ kiện “Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam” và “Hội Văn nghệ Việt Nam” được các diễn ngôn văn học sử nhắc tới khá thường xuyên, thì “Hội Văn hóa Việt Nam” hầu như lại không được ai nhắc tới. “Từ điển văn học” (tập 1, Nxb. KHXH, 1983) và “Từ điển văn học, bộ mới” (Nxb. Thế giới, 2004) có hai mục từ “Hội Văn hóa cứu quốc”, “Hội Văn nghệ Việt Nam”, nhưng không có mục từ “Hội Văn hóa Việt Nam”.

Tất nhiên khi tiếp cận toàn cảnh sinh hoạt văn hóa tư tưởng, văn nghệ Việt Nam những năm 1940s-1950s thì còn cần kể đến rất nhiều thực thể khác, vốn đã tồn tại, hoạt động và có ảnh hưởng đến con người và xã hội đương thời và hậu thế. Ở đây chỉ tạm đề cập mấy thực thể văn hóa văn nghệ ở giai đoạn kể trên vốn gắn trực tiếp với sự chỉ đạo và tổ chức của lực lượng Việt Minh cầm quyền.

1/ Trước hết, Hội văn hóa cứu quốc

(hoặc gọi đầy đủ: Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam) là do trung ương Đảng CS Đông Dương trực tiếp chỉ đạo tổ chức thành lập, sau khi Đảng đưa ra “Đề cương văn hóa” (1943). Hội Văn hóa cứu quốc được cơ cấu như thành viên của Mặt trận Việt Minh (Việt Nam độc lập đồng minh) trong giới văn nghệ sĩ trí thức, tương tự các hội Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, v.v. cho các giới tương ứng.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2.9.1945), Hội Văn hóa cứu quốc hoạt động công khai gần như cơ quan chính thức về văn hóa. Trụ sở ban đầu của Hội đặt tại nhà Khai trí Tiến đức trên phố Hàng Trống, đến cuối tháng 4.1946, hội sở chuyển đến số 40 phố Quang Trung, Hà Nội. Hội xuất bản bán nguyệt san “Tiên phong” và tổ chức biên soạn, in và phát hành nhiều cuốn sách văn học, chính trị, xã hội và một số ấn phẩm khác.

Qua hồi ký của một số thành viên như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, người ta biết đã có những cuộc họp Văn hóa cứu quốc thời kỳ trước 19.8.1945 tại những địa điểm bí mật ở Hà Nội, ở Nghĩa Đô, ở Dục Tú (quê Nguyễn Huy Tưởng), ở Hà Đông, v.v., cũng như tên tuổi những cán bộ đảng được cử sang lãnh đạo văn nghệ như Khuất Duy Tiến, Trần Quốc Hương, Lê Quang Đạo, Trần Độ, v.v., nhưng sự phát triển hội viên trong toàn quốc ra sao, thành phần lãnh đạo của Văn hóa cứu quốc, tính đến trước 19.8.1945 thế nào, thì không thấy tài liệu nào cho thấy rõ rệt, chính xác.

Sự kiện minh xác nhất của Văn hóa cứu quốc là kỳ hội họp được gọi là “đại hội nghị toàn quốc lần thứ hai” của Hội, khai mạc sáng 11.10.1946 tại giảng đường Đại học Việt Nam và họp các phiên sau tại hội sở 40 Quang Trung, Hà Nội, bế mạc vào chiều tối 13.10.1946. Đại hội này đã bầu ra một ban chấp hành nhiệm kỳ 1946-1947 với cơ cấu cụ thể (chủ tịch: Đặng Thai Mai, tổng thư ký: Hoài Thanh, các phó thư ký: Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng; các ủy viên: Văn Cao, Ngô Quang Châu, Nguyễn Đỗ Cung, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Tỵ, Chế Lan Viên; các ủy viên dự khuyết: Trương Chính, Minh Đạo, Lưu Quý Kỳ). (1) Đại hội cũng ra một Tuyên ngôn với chữ ký của 86 thành viên; đây là những thành viên Văn hóa cứu quốc có mặt tại đại hội này (2).

Theo dõi các bài tường thuật sẽ thấy, đại hội VHCQTQ lần hai này đã mời khá nhiều khách là văn nghệ sĩ, trí thức, họ cũng tham dự các phiên thảo luận, nhưng không thấy tên họ ký trong Tuyên ngôn. Đó là những khách mời, không phải (hoặc ở thời điểm tháng 10.1946 chưa phải) là thành viên Văn hóa cứu quốc. Ví dụ: Nguyễn Văn Tố, Dương Quảng Hàm, Khái Hưng, Trương Tửu, Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyễn Tuân, Chu Ngọc, Ngô Tất Tố, bà Phan Thanh (Lê Thị Xuyến), Vũ Hoàng Chương, Lê Văn Siêu, v.v.

2/ Về Hội Văn hóa Việt Nam.

Thực thể này manh nha từ sự kiện hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Hà Nội, 24.11.1946, và được thành lập chính thức tại hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, Việt Bắc, 20.7.1948.

Theo một văn bản ký tên hội Văn hóa cứu quốc đăng bán nguyệt san “Tiên phong” ngay trước thềm hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, thì, để có thể triệu tập hội nghị, một Ủy ban vận động Hội nghị văn hóa toàn quốc đã được lập ra và nỗ lực vận động suốt hơn một năm, tức từ khoảng tháng 10.1945.(3) Giấy triệu tập hội nghị là do Bộ Nội vụ của Chính phủ lâm thời gửi tới các nhà hoạt động văn hóa. Ví dụ giấy mời nhà văn Phan Khôi tại xã Hoàng Diệu huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam là do Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng ký, trong đó cho biết hội nghị dự kiến khai mạc tại Hà Nội ngày 1.8.1946. Phan Khôi và Nhật Tỉnh (Lê Khắc Thuật) từ Quảng Nam đi bằng nhiều phương tiện, ô tô, tàu hỏa, có chặng đi bộ, ra đến Hà Nội ngày 6.7.1946.(4)

Được dự kiến họp vào đầu tháng 8, trên thực tế đến gần cuối tháng 11 mới tổ chức được hội nghị, đã là một thiệt thòi đáng kể. Trước ngày hội nghị khai mạc, một chương trình nghị sự dài rộng được công bố: hội nghị sẽ diễn ra trong một tuần lễ, với khá nhiều bản thuyết trình và các cuộc thảo luận. (5) Tuy nhiên, theo những thông tin được công bố, vì tình hình chiến sự khẩn cấp tại nhiều nơi như Lạng Sơn, Hải Phòng, hội nghị đã chỉ diễn ra duy nhất trong một ngày, 24.11.1946.(6)

Hai sự việc đạt được tại đây: bài diễn văn dài 40 phút của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và hội nghị bầu ra được một Ủy ban văn hóa toàn quốc “để tiếp tục công việc vận động văn hóa và chờ dịp triệu tập một hội nghị thứ hai”.(7) Bài diễn văn của cụ Hồ cho thấy, việc triệu tập hội nghị văn hóa toàn quốc là học theo kinh nghiệm của giới văn hóa nước Pháp sau thế chiến hai, mà người được mời tham dự nhưng không tiện nhận lời, nhưng cũng đã có tiếp xúc với các giới văn hóa Pháp. (8)

Ủy ban văn hóa toàn quốc được bầu bằng bỏ phiếu kín gồm 15 thành viên chính thức: Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh (bốn vị nhiều phiếu nhất), Nguyễn Đình Thi, Hồ Hữu Tường, Bùi Công Trừng, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Thiệu Lâu, Trương Tửu, Khái Hưng, Thế Lữ, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Huyên, và 5 vị dự khuyết là các ông Lưu Hữu Phước, Hoàng Tích Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn.(9)

Trước và sau ngày bùng nổ cuộc kháng chiến (19.12.1946), các cơ quan, đoàn thể và cá nhân các nhà hoạt động văn hóa, hầu hết đều tản cư ra các vùng xa chiến sự, các vùng do chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát, như các tỉnh thuộc khu Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, tại đây các lực lượng văn hóa văn nghệ được tổ chức lại.

Trong các ngày từ 16 đến 20.7.1948, tại Đào Giã (thuộc huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) đã diễn ra hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai. Lần này, tuy không tới dự nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có một bức thư ngắn gửi tới hội nghị, trong đó lưu ý, để phục vụ đắc lực sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, “các nhà văn hóa cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng”.(10)

Trong 5 ngày hội nghị, những người tham dự đã được nghe nhiều bản thuyết trình về nhiều ngành khoa học, không chỉ các thuyết trình về văn chương, ngôn ngữ, mà còn đề cập chuyện phương án ghi tiếng nói các tộc người, các vấn đề của giáo dục, của khoa học xã hội. Ngành y có những thuyết trình (của bs. Hoàng Tích Trí) về loại muỗi anophel gây bệnh sốt rét cơn và các biện pháp phòng trừ, về tiến triển trong chữ bệnh lao (bs. Phạm Ngọc Thạch), những bước tiến của ngành giải phẫu trong mấy năm đầu kháng chiến (bs. Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng). Tại đây còn có những thông tin về thành tựu của các tác giả Việt Nam trong khoa học tự nhiên, như bản thuyết trình của ông Nguyễn Xiển về cuốn “Toán pháp cương yếu” của Tạ Quang Bửu và luận án tiến sĩ của Lê Văn Thiêm tại Thụy Sĩ, v.v. Chính tại hội nghị này, ông Trường Chinh, được giới thiệu như đại diện của hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác, đọc bản thuyết trình “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”.

Đến phiên họp bàn về tổ chức, — theo biên bản hội nghị — “Sau một cuộc thảo luận sôi nổi, nhất là vấn đề nên gọi tổ chức Văn hóa toàn quốc là hội hay là liên đoàn, Hội nghị tán thành việc thành lập Hội Văn Hóa Việt Nam, đặt ra những nguyên tắc đại cương và giao cho Ban chấp hành căn cứ vào đó mà thảo điều lệ. [….] Tiểu ban tổ chức đề cử 30 vị vào Ban chấp hành trung ương, hội nghị đề cử thêm 16 vị nữa. Hội nghị bỏ phiếu kín. […..] Kết quả các vị sau này được cử vào ban chấp hành: Ban khoa học tự nhiên: ông Trần Đại Nghĩa, bs. Tôn Thất Tùng, các ông Phạm Đình Ái, Đặng Phúc Thông. Ban khoa học xã hội: các ông Nguyễn Khánh Toàn, Trần Công Tường, Trần Văn Giáp. Ban giáo dục: ông Ngụy Như Kontum, bà Nguyễn Thị Thục Viên, các ông Nguyễn Công Mỹ, Phạm Thiều. Ban văn học, báo chí: các ông Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Nhị, Đỗ Đức Dục, Trần Huy Liệu, Hoài Thanh, Đoàn Phú Tứ. Ban nghệ thuật: các ông Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Nguyễn Cao Luyện. Hội nghị đề cử ông Đặng Thai Mai làm hội trưởng. Ông Mai cảm ơn và nhận lời”.[…] “Liền sau hội nghị bế mạc, Ban chấp hành trung ương họp phiên đầu tiên và cử ra một ban thường vụ gồm: Hội trưởng ông Đặng Thai Mai, bí thư ban thường vụ: ông Hoài Thanh, ủy viên: các ông Trần Huy Liệu, Đoàn Phú Tứ, Tô Ngọc Vân, Ngụy Như Kontum, Trần Văn Giáp”. (11)

Như vậy, Hội Văn hóa Việt Nam được thành lập chính thức ngày 20.7.1948. Theo dõi báo chí kháng chiến đương thời, có thể thấy hội có cơ quan, có hoạt động (xuất bản sách, mở hội nghị về xây dựng văn nghệ nhân dân), ít nhất là đến cuối năm 1950.

3/ Về Hội văn nghệ Việt Nam.

Cơ sở của hội này chính là Hội Văn hóa cứu quốc. Những năm 1945-46 hội hoạt động mạnh xung quanh tờ bán nguyệt san “Tiên phong” và bộ phận biên tập xuất bản sách của Văn hóa cứu quốc, trụ sở ở 40 Quang Trung, Hà Nội.

Theo hồi ức của ông Nguyễn Văn Mãi, (12) trước ngày 19.12.1946, cơ quan Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam (lúc này cơ quan chỉ có Nguyễn Huy Tưởng, Thành Thế Vỹ và ông Mãi) chuyển từ nội thành Hà Nội về làng Phụ Chính huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông. Giữa năm 1947, được lệnh chuyển lên Tuyên Quang rồi sang Đại Từ (Thái Nguyên).

Ngày 3.10.1947, một số văn nghệ sĩ họp tại Đại Từ (Thái Nguyên) bàn việc thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam và bầu ra một ban chấp hành lâm thời để xúc tiến công việc. (13)

Khi quân Pháp mở chiến dịch tiên công lên Việt Bắc (thu đông 1947), cơ quan Hội (từ lúc này gọi là hội Văn nghệ) đang ở Bắc Cạn chuyển đi Yên Thế (Bắc Giang), sau đó từ Yên Thế đi Vĩnh Tường (Vĩnh Yên), từ đây lại vượt sông Lô trở lại Phú Thọ, đóng cơ quan ở Gia Điền, huyện Hạ Hòa.

Tháng 3.1948, tạp chí “Văn nghệ” của Hội Văn nghệ Việt Nam ra mắt số đầu tiên tại Việt Bắc, thư ký tòa soạn là Tố Hữu. Ngày 6.4.1948 ban chấp hành lâm thời triệu tập tại Việt Bắc một hội nghị thứ hai, duyệt y điều lệ hội, bầu thêm người vào ban chấp hành, cử thêm người vào tòa soạn tạp chí “Văn nghệ”.

Ngay sau hội nghị văn hóa toàn quốc thứ hai ở Đào Giã, từ 23 đến 25.7.1948, 80 đại biểu các ngành văn chương, âm nhạc, sân khấu, hội họa, kiến trúc, nhiếp ảnh đã họp hội nghị văn nghệ toàn quốc, chính thức thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam. Hội nghị bầu Ban chấp hành gồm 17 người, trực tiếp bầu Nguyễn Tuân làm tổng thư ký.(14) Thường vụ gồm: tổng thư ký Nguyễn Tuân, phó thư ký Tố Hữu, ủy viên kinh tế: Võ Đức Diên, ủy viên quản trị: Ngô Quang Châu, ủy viên tổ chức-kiểm tra: Xuân Diệu. Các ủy viên ban chấp hành: mỹ thuật: Trần Văn Cẩn, sân khấu Thế Lữ, âm nhạc Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, khu I: Ngô Tất Tố, khu III: Lê Hữu Kiều, khu IV: Trương Tửu, Lưu Trọng Lư, khu X: Tạ Mỹ Duật, nam phần Trung Bộ: Nguyễn Đỗ Cung, Nam Bộ: Hoàng Xuân Nhị, Huỳnh Văn Gấm.(15) Ngay sau khi thành lập, Hội Văn nghệ Việt Nam tuyên bố “tự nguyện đứng trong tổ chức văn hóa chung của toàn quốc là Hội Văn hóa Việt Nam đã thành lập ngày 20.7.1948” (16)

4/ Đầu năm 1951, ở căn cứ địa Việt Bắc diễn ra một sự kiện có ý nghĩa xác lập chế độ chính trị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: ngày 3 tháng 3/1951, đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh với Hội Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt, đồng thời đảng Lao động Việt Nam ra hoạt động công khai, tuyên bố giữ vai trò lãnh đạo công cuộc kháng chiến kiến quốc.(17) Sự kiện này có ảnh hưởng ngay đến hoạt động của Hội Văn nghệ Việt Nam: Ban chấp hành hội tổ chức hội nghị thuyết phục các thành viên về việc giới văn nghệ sĩ trong Hội thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng, đặt hoạt động văn nghệ trong sự thống nhất với hoạt động chính trị của Đảng.(18) Tính chất của tổ chức hội và vị trí hội viên được xác định lại: “Hội sẽ bao gồm những cá nhân và tổ chức lấy công tác văn nghệ làm công tác chủ yếu, đứng trên lập trường dân tộc dân chủ nhân dân, nhằm mục đích phụng sự kháng chiến kiến quốc. Hội dựa vào chính quyền và các đoàn thể để tiến hành xây dựng văn nghệ nhân dân, giúp đỡ sáng tác, săn sõ quyền lợi của những người công tác văn nghệ” (19).

Trong khi ở Hội Văn nghệ có nhiều hoạt động như vậy thì lại không thấy các báo ở vùng kháng chiến nói gì về Hội Văn hóa Việt Nam.

Còn nhớ, tại một kỳ họp như “cuộc họp mặt văn hóa văn nghệ 1950” diễn ra ngày 26 – 27.7.1950, theo ghi nhận của Nguyễn Đình Thi, “đại diện Ban chấp hành Hội Văn hóa có anh Trần Huy Liệu, anh Hoài Thanh. Cụ Phan Khôi tạm rời tập tài liệu văn hóa Trung Quốc chất cao ở bàn làm việc để tới họp.” (20) Nhưng sang năm 1951, trong khi ở Hội Văn nghệ có hàng loạt hoạt động như vừa kể trên, thì lại không thấy có hoạt động gì ở Hội Văn hóa.

Trên thực tế là từ năm 1951, không thấy báo chí vùng kháng chiến nói gì đến hoạt động của Hội Văn hóa Việt Nam nữa. Cũng không thấy các bài nói hay phát biểu của các cá nhân từng hoạt động trong Hội Văn hóa Việt Nam, có nhắc gì đến lý do ngừng hoạt động của thực thể này. Trong khi đó, những nhà hoạt động văn hóa từng có mặt trong thành phần Ban chấp hành Hội Văn hóa Việt Nam (được bầu tháng 7.1948) lại xuất hiện trong những vị trí mới, kể từ cuối 1950 đầu 1951. Ví dụ, hội trưởng Đặng Thai Mai vào khu IV làm Giám đốc Trường dự bị đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV; bí thư thường vụ Hoài Thanh từ 1950 làm trưởng tiểu ban văn nghệ trung ương (trực thuộc Ban tuyên truyền trung ương), v.v.

Có thể tạm dự đoán rằng, việc để cho Hội Văn hóa Việt Nam ngừng hoạt động, là liên quan đến chủ trương của trung ương Đảng LĐVN về các đoàn thể văn hóa văn nghệ do Đảng tổ chức và chỉ đạo. Hội Văn nghệ Việt Nam vẫn tiếp tục hoạt động kể từ đầu năm 1951, có thể do hội này tập hợp thành viên các ngành văn nghệ đã có (văn học, sân khấu, nhiếp ảnh, hội họa, kiến trúc). Còn đối với một số ngành văn hóa khác, dạng thức tổ chức sẽ được đề xuất và chỉnh sửa dần dần.

Cuối năm 1953, Ban nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn học (Ban Văn Sử Địa) được thành lập như một cơ quan trực thuộc trung ương Đảng LĐVN (sau đó chuyển sang trực thuộc Bộ Giáo dục). Đây là cơ sở để sau này, ngày 4.3.1959, Chủ tịch nước VNDCCH ký sắc lệnh thành lập Ủy ban khoa học nhà nước, trong đó có Ban khoa học xã hội. Năm 1965, Ủy ban thường vụ quốc hội ra quyết định tách Ủy ban khoa học nhà nước thành hai cơ quan độc lập: Ủy ban khoa học kỹ thuật nhà nước và Viện khoa học xã hội. Hai cơ quan này sẽ còn trải qua nhiều bước tiến triển nữa để hình thành Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (từ 26.12.2012) và Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (từ 25.12.2012). Tương ứng với hai cơ quan nhà nước này, Đảng thiết kế hai đoàn thể của giới khoa học: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (từ 29.7.1983) và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (từ 1957).

5/ Để kết luận, xin nêu ý kiến riêng. Thiển nghĩ, Hội Văn hóa Việt Nam, được thành lập tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai (16 – 20.7.1948) là một thực thể có thật: một đoàn thể của những người hoạt động văn hóa (bao gồm hầu hết các ngành văn học nghệ thuật, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và kỹ thuật). Quá trình đi tới việc thành lập Hội Văn hóa Việt Nam có thể nói không nằm ngoài việc đảng cầm quyền tổ chức các đoàn thể cho các giới trí thức văn hóa trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Việc các cơ quan tham mưu của đảng hoạch định lại hệ thống tổ chức, chọn mô hình tổ chức này thay cho mô hình tổ chức trước, — ở đây là việc thành lập Ban Văn Sử Địa và lặng lẽ giải thể Hội Văn hóa, — không ảnh hưởng đến vai trò và ý nghĩa lịch sử của tổ chức tiền thân kia, tức là Hội Văn hóa Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà giới nghiên cứu lịch sử văn hóa lâu nay đã bỏ qua thực thể Hội Văn hóa Việt Nam, vốn tồn tại về mặt lịch sử chỉ trong mấy năm 1948 – 1951. Theo tôi, ta không nên có sự lãng quên lịch sử này.

Thiết nghĩ, Liên hiệp các hội Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, và có lẽ cả Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nên thừa nhận Hội Văn hóa Việt Nam (1948-1951) như tổ chức tiền thân của mình. Như thế sẽ hợp lẽ hơn.

Tháng Bảy 2019

LẠI NGUYÊN ÂN

Chú thích:

(1) Ban chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam 1946-1947 // Tiên phong, H., s. 22 (1.11.1946), dẫn theo “Sưu tập trọn bộ TIÊN PHONG 1945-1946”, tập 2, Lại Nguyên Ân và Hữu Nhuận sưu tầm, Nxb. Hội Nhà văn, 1997, tr. 868.

(2) Danh sách thành viên HVHCQ (ký Tuyên ngôn của Đại hội nghị Văn hóa cứu quốc toàn quốc, 13.10.1946): Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Văn Bổng, Huy Cận, Nam Cao, Văn Cao, Ngô Quang Châu, Trương Chính, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Cư, Đoàn Văn Cừ, Đào Duy Dếnh, Xuân Diệu, Đỗ Đức Dục, Phạm Duy, Vân Đài, Nguyễn Hữu Đang, Minh Đạo, Nguyễn Thượng Đạt, Vi Huyền Đắc, Hồ Mậu Đường, Phạm Văn Đôn, Lưu Động, Bùi Hiển, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nguyễn Anh Hồng, Vĩnh Huyên, Nguyễn Trọng Hứa, Nam Hương, Tố Hữu, Hoàng Công Khanh, Phạm Văn Khoa, Nguyễn Thị Kim, Lê Hữu Kiều, Đào Duy Kỳ, Lưu Quý Kỳ, Lê Tư Lành, Nguyễn Thành Lê, Trần Huy Liệu, Dương Lĩnh, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Văn Luân, Lưu Trọng Lư, Đặng Thai Mai, Nguyễn Công Mỹ, Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Xuân Ngọc, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Đức Nùng, Bùi Xuân Phái, Vũ Ngọc Phan, Học Phi, Như Phong, Lưu Hữu Phước, Hằng Phương, Vũ Minh Phương, Ngô Huy Quỳnh, Xuân Sanh, Lan Sơn, Linh Sơn, Thâm Tâm, Trần Văn Tấn, Hoài Thanh, Lê Đại Thanh, Đặng Trần Thi, Nguyễn Đình Thi, Ca Văn Thỉnh, Trần Đình Thọ, Lưu Quang Thuận, Thanh Thủy, Xuân Thủy, Hà Văn Thư, Minh Tranh, Trần Huyền Trân, Phạm Đăng Trí, Bùi Công Trừng, Hải Triều, Lê Vĩnh Tuy, Mạnh Phú Tư, Trần Công Tường, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Thế Văn, Chế Lan Viên, Thành Thế Vỹ.

(3) Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam: “Hoan nghênh hội nghị văn hóa toàn quốc” // Tiên phong, H., s. 23 (15.11.1946), tr. 1; dẫn theo “Sưu tập trọn bộ TIÊN PHONG 1945-1946”, tập 2, Lại Nguyên Ân và Hữu Nhuận sưu tầm, Nxb. Hội Nhà văn, 1997, tr. 889.

(4) Theo: Phan An Sa, Nắng được thì cứ nắng. Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn, Nxb. Tri thức, H., 2013, tr. 294-301.

(5) “Dự án chương trình nghị sự Hội nghị văn hóa toàn quốc” // Cứu quốc, H., s. s. 414 (thứ bảy, 23. 11. 1946), tr. 1; s. 415 (chủ nhật, 24. 11. 1946), tr. 2.

(6) “Vì tình thế, Hội nghị văn hóa toàn quốc đã bế mạc sau một ngày thảo luận. Hồ Chủ tịch đã đọc một diễn văn khai mạc trong 40 phút; Đã bầu xong một Uỷ ban văn hoá toàn quốc để tiến hành công việc” // Cứu quốc, H., s. s. 416 (thứ hai, 25. 11. 1946), tr. 1, 4.

(7) Phóng viên: “Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, 24.11.1946” // Tiên phong, H., s. 24 (1.12.1946), tr. 7; dẫn theo “Sưu tập trọn bộ TIÊN PHONG 1945-1946”, tập 2, Lại Nguyên Ân và Hữu Nhuận sưu tầm, Nxb. Hội Nhà văn, 1997, tr. 913.

(8) Bài diễn văn được lược thuật khá chi tiết trong bản tin của phóng viên báo Cưu quốc. Xem chú thích 6.

(9) Như chú thích (6); phóng viên ghi thiếu tên vị ủy viên dự khuyết thứ 5.

(10) Hồ Chí Minh: “Gửi Hội nghị văn hóa toàn quốc”, 15.7.1948, trong cuốn: Kỷ yếu Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, 16 – 20.7.1948. Hội Văn hóa Việt Nam xb., [Việt Bắc], 1948, tr. 6.

(11) “Lược thuật hội nghị. Ghi theo biên bản của Thư ký đoàn”, trong cuốn: Kỷ yếu Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, 16 – 20.7.1948. Hội Văn hóa Việt Nam xb., [Việt Bắc], 1948, tr. 7-11.

(12) Xem: Đức Lân: “Chuyện cũ ghi lại”, / ghi theo lời kể của ông Nguyễn Văn Mãi/; trong sách: “50 năm nhà xuất bản Văn học”, Nxb. Văn học, H., 1998, tr. 31-46.

(13) Tin văn hóa: Hội Văn nghệ Việt Nam thành lập // Văn nghệ, [Việt Bắc], s. 2 (tháng 4&5. 1948); trích theo “Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954”, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn, t. 1: 1948. Nxb. Hội Nhà văn, H., 1998, tr. 158.

(14) Xuân Diệu: Đại hội Văn nghệ, (23, 24, 25.7.1948) [tường thuật] // Văn nghệ, [Việt Bắc], s. 4 (tháng 8.1948); trích theo “Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954”, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn, t. 1: 1948. Nxb. Hội Nhà văn, H., 1998, tr. 245-251.

(15) Hội Văn nghệ Việt Nam. Ủy ban chấp hành [danh sách] // Văn nghệ, [Việt Bắc], s. 4 (tháng 8.1948); trích theo “Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954”, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn, t. 1: 1948. Nxb. Hội Nhà văn, H., 1998, tr. 240.

(16) Hội Văn nghệ Việt Nam: Thông đạt về Hội nghị văn nghệ toàn quốc // Văn nghệ, [Việt Bắc], s. 4 (tháng 8.1948); trích theo “Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954”, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn, t. 1: 1948. Nxb. Hội Nhà văn, H., 1998, tr. 239.

(17) Nguyễn Huy Tưởng: Đảng, Mặt trận, hòa bình // Văn nghệ, [Việt Bắc], s. 29 (15. 8.1951); trích theo “Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954”, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn, t. 4: 1951. Nxb. Hội Nhà văn, H., 2003, tr. 14-16.

(18) Chế Lan Viên: Tại hội nghị chấp hành mở rộng lần thứ năm, 18, 19, 20.3.1951: Văn nghệ chào mừng Đảng Lao động Việt Nam // Văn nghệ, [Việt Bắc], s. 29 (15. 8.1951); trích theo “Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954”, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn, t. 4: 1951. Nxb. Hội Nhà văn, H., 2003, tr. 17-20.

(19) Nguyễn Xuân Sanh: Hướng công tác năm nay // Văn nghệ, [Việt Bắc], s. 29 (15. 8.1951); trích theo “Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954”, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn, t. 4: 1951. Nxb. Hội Nhà văn, H., 2003, tr. 21-23.

(20) Nguyễn Đình Thi: Những cuộc họp văn hóa, văn nghệ ở Việt Bắc đầu tháng 8.1950 // Văn nghệ [Việt Bắc], s. 25 (tháng 8/1950); trích theo “Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954”, tập 3: 1950, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn, Hà Nội: Nxb. Hội Nhà Văn, 1999, tr. 603-607.

Comments are closed.