Thảo luận mùa hè 2022 (5): Lê Minh Hà – “Nghệ thuật có rục rịch được chút nào phụ thuộc vào người làm ra nó. Họ ở đâu và họ là ai? Tôi biết rằng họ không cô đơn, nhưng họ thường cô độc, họ cần cô độc, có khi còn cần không ai biết mình”

Vào tháng sáu, Văn Việt đã bắt đầu thực hiện cuộc Thảo luận mùa hè 2022.

Thời điểm đó, cả nước (và nhứt là Sài Gòn), đã lựng chựng những bước đi đầu tiên, cố “bình thường trở lại” sau những tháng ngày kiệt quệ vì phong tỏa. Những nội dung chia sẻ trong thảo luận là từ trạng thái đó:

”Đang là thập niên thứ ba của thế kỷ 21, và nhân loại vừa ra khỏi một thảm họa cực kỳ khốc liệt khiến mỗi người phải nhìn lại mình và trả lời câu hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ sống thế nào?

Còn các nhà văn thì hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ viết thế nào?

Phải chăng nhà văn đã “chậm chân”, đã bị “bỏ-lại” so với sự phát triển của khoa học và công nghệ, những thứ đã giúp cho một người bình thường, chỉ với bàn phím và mạng xã hội, có thể nối kết cùng cộng đồng và được đón nhận một cách hiệu quả hơn so với trang viết của nhà văn?

Phải chăng sự thiếu vắng những nhà văn tên tuổi mà tư tưởng đủ sức gây ảnh hưởng lên toàn nhân loại khiến những tác phẩm hư cấu giờ trở nên “nhẹ-cân-hơn” ngay cả với thể loại văn chương phi-hư-cấu?

Và anh/chị có thể trả lời các câu hỏi sau hoặc mở rộng vô giới hạn theo ý của anh/chị”.

Xin giới thiệu bài của nhà văn Lê Minh Hà.

VĂN VIỆT

LE MINH HA

* Có phải cuộc sống lệ thuộc vào công nghệ đã khiến con người bớt quan tâm tới những vấn đề trước đây là “trọng điểm” của văn chương? Những vấn nạn về triết lý sống/chiến tranh-hòa bình/tình yêu nam nữ… có phải đã thay đổi?

– Vấn đề chiến tranh và hòa bình hay tình yêu vẫn luôn là vấn đề miên viễn với con người, và thời nào thì cũng mang những form dáng, màu sắc riêng, do nó vận hành theo triết lý sống của thời, mà cũng có thể thời thay đổi theo sự thay đổi của triết lý sống. Tôi hình dung nó như bát nước chấm ấy, có mặn, có ngọt, có chua cay, nhưng bát nước chấm vừa pha sẽ có vị nông hơn bát nước chấm pha rồi cho nó thời gian để ngấu.

Câu chuyện về những nan đề của loài người chắc cũng vậy thôi. Sau tất cả vẫn là tình thương yêu, nỗi khổ, là hạnh phúc được sống bình thường theo nghĩa giản dị nhất, cơ bản nhất, mà trong đó công nghệ chỉ đóng vai trò làm tăng giảm chất lượng đời sống.

Tôi tin điều đó, khi nhìn dân tộc Ukraine một sớm một chiều bị chặt đứt đời sống bình thường rất văn minh, rất hiện đại, khá là đủ đầy, trân mình chịu đựng chiến tranh – một cuộc chiến tranh man rợ theo nghĩa cổ sơ nhất, hiện đại theo nghĩa trước nay chưa từng hình dung nổi.

* Người đọc đang trông chờ gì ở các nhà văn?

– Tôi không quan tâm lắm tới điều này. Vấn đề của văn chương là nhà văn muốn gì nhất ở mình, chuẩn bị mình như thế nào để đạt tới sự muốn ấy. Nhà văn là tác giả của những gì mình viết và được gật gù thừa nhận, nhưng cũng là người đọc có thể gật gù trước chữ của tác giả này hay lắc đầu ngán ngẩm trước chữ của tác giả khác. Trong nghĩa nào thì người đọc cũng có quyền rất lớn để vồ vập hay hờ hững với văn chương. Nhà văn chỉ nên nghĩ về đời sống, về văn chương thôi, đừng mất công băn khoăn về sự người sẽ đọc mình hay không đọc mình, theo tôi.

* Nhà văn có thể làm gì để “cập nhật” mình, để không bị “bỏ lại”?

– Sống! Và đọc, không chỉ văn chương!

* Liệu nhà văn Việt Nam có đủ tài năng và bản lĩnh văn hóa/nghề nghiệp để “chuyển tải/chuyển hóa” những thực tại nhức nhối trong cuộc sống hiện tại vào tác phẩm?

Tôi không dám tiên đoán. Điều này phụ thuộc vào căn cốt tài năng của từng người chứ có lẽ quốc tịch, nơi sống, môi trường cảm xúc cụ thể của người viết không phải là điều quyết định.

Không tiên đoán, nhưng tôi nhìn thấy khả năng báo chí hóa, chính trị hóa, đạo đức hoá văn chương khi nhăm nhăm “‘chuyển tải/chuyển hóa’ những thực tại nhức nhối trong cuộc sống hiện tại vào tác phẩm?”. Với nghệ thuật, khả năng ấy là một nguy cơ.

* Anh/chị có tin rằng văn chương tiếng Việt sẽ khởi sắc, bởi cuộc sống đang đầy xáo trộn cũng đồng thời tạo ra nhiều gợi ý và cảm hứng/thách thức cho nhà văn?

– Hiện trong trường chữ nghĩa Việt có rất nhiều người tự xưng hoặc được tôn xưng là nhà văn, và tôi luôn bất an, thiếu tự tin để bước chân vào môi trường đó, đến nỗi toàn tự đùa xác lập vị thế xã hội của mình là osin không lương tức hầu tước phu nhân.

Rất cần phải thống nhất lại với nhau nội hàm hai chữ nhà văn. Một người vật vã với mình có thể cả chục năm, với kinh nghiệm nghệ thuật, kinh nghiệm sống một đời để viết một tác phẩm vài ba trăm trang, tạo ra một hiện thực nghệ thuật của riêng mình trong cố gắng thấu suốt bản chất của hiện thực đời sống, của một khoảnh khắc lịch sử với một người chỉ cần dăm ba tháng ghi chép lại không thêm (nhưng có thể bớt) câu chuyện của một ai đó, không kèm một thao tác tham chiếu thẩm định nào, ai mới thực sự là nhà văn? Tôi tin là người thứ hai sẽ được công chúng biết đến nhiều hơn trong điều kiện hiện nay.

Nhưng chẳng sao.

Có thể có rất nhiều đầu sách nhưng không hề có tác phẩm. Có thể có rất nhiều tác giả nhưng chưa chắc có nhà văn.

Nói thật lòng, tôi không cho rằng một nền văn chương sẽ được khởi sắc chỉ bởi cuộc sống đầy xáo trộn có thể gợi ý hay tạo cảm hứng cho người viết. Thời nào và ở đâu cuộc sống chẳng là như thế với nghệ thuật.

Nhưng nghệ thuật có rục rịch được chút nào lại phụ thuộc vào người làm ra nó.

Họ ở đâu và họ là ai?

Tôi biết rằng họ không cô đơn, nhưng họ thường cô độc, họ cần cô độc, có khi còn cần không ai biết mình.

Để nghĩ!

Comments are closed.