Thơ Khế Iêm

KHẾ IÊM VỚI CON ĐƯỜNG THƠ

Khe Iem_DoVinh_sua

Những ai từng đọc thơ Khế Iêm, từng dõi theo hành trình thơ của ông, hẳn sẽ “đồng thuận” với các nhà phê bình Trần Hoài Anh, Văn Giá, Đỗ Quyên, Nguyễn Vy Khanh.

Nếu như Trần Hoài Anh cho rằng Khế Iêm “khao khát cách mạng trong tư duy thơ” thì, Văn Giá gọi ông là “tín đồ tận tụy của tôn giáo thơ”.

Nếu như Đỗ Quyên đánh giá Khế Iêm là “một nhà lập thuyết thi ca Việt Nam đặc sắc giữa thế giới” thì với Nguyễn Vy Khanh, đọc Khế Iêm là “chứng giám cho cuộc dấn thân vào thi ca”.

Và, thật tự nhiên, khi Frederick Feirstein đặt hy vọng vào nhà thơ này: “Tôi trông chờ ở Khế Iêm, như một nhà thơ đầy tính sáng tạo độc đáo, sẽ có thể tìm ra một phương thức biểu đạt mới, và có lẽ sẽ mở rộng những gì mà ông và những người đi theo ông đang thể hiện”.

Khế Iêm đã kết thúc một chặng đường thơ dài dặc, đầy thách thức, đầy biến cố với Con đường thơ được in song ngữ, do Nhà xuất bản Đà Nẵng và Domino ấn hành vào mùa thu năm 2021 này.

Văn Việt xin giới thiệu cùng bạn đọc hai bài phê bình thơ Khế Iêm của Nguyễn Vy Khanh, Frederick Feirstein và một số bài thơ của ông trong ba phần Thanh xuân, Dấu quêThơ khác.

Xin chúc mừng nhà thơ Khế Iêm.

VĂN VIỆT

 

image

 

CON ĐƯỜNG THƠ

__________________

 

Nguyễn Vy Khanh

 

  

 

Con Đường Thơ là toàn tập thơ của Khế Iêm như chứng giám cho cuộc dấn thân vào thi-ca, của nhà thơ. Vẫn những con chữ tiếng Việt thân thương ấy, nhưng từ Thanh Xuân (1992) tới Dấu Quê (1996) rồi Thơ Khác (2011) đã là một hành-trình nội-tại không ngừng và mang nhiều ý nghĩa của trung-thành và cách-tân.

 

Nếu Thanh Xuân vang lên tiếng thơ có vần có điệu, nhà thơ đứng ở tuổi mình, thân mình, ngày còn ở quê nhà, thì Dấu Quê đã thênh thang đường thơ tự do rộng mở với nhiều thử nghiệm cấu trúc lẫn nội dung, gồm ba phân bộ Cấu trúc, Dấu quê Ngục biếc. Hãy thưởng thức cái tự-do của Khoảnh Khắc:

 

              “Đã thở

              (Giọng tiếng bát vỡ)

              Đã rợn người gọi

              Trăng kiêu binh

 

              Giữa ngóc ngách của biển đời mọc

              Rực đồng xẫm

              Mảnh gió môi, bình minh

 

              (…)

 

              Tảng lờ

              Im. Thật im. Rực rỡ

              Tóc bật chiều run cắn

              Vết thương xa

 

              Ôi giấc mơ, và mơ

              Hoa điềm nhiên, từ độ

              Tro ngàn

              Đằng hắng

              Cho đỡ nhớ rừng mật xanh”.

 

Cuối tập nhà thơ cho biết đây là những “nét vẽ nguệch ngoạc một nẻo đường, mang ý nghĩa chúng ta thúc đẩy phải ra đi bởi vì vẫn ám ảnh có một chỗ quay về”. Thật vậy, thơ Tự-do cách tân từng được Khế Iêm xem như một giả dụ, một “đi tìm cấu trúc mới” có thể thất bại, nhưng đã làm phận người sáng tạo là phải lên tiếng thử nghiệm.

 

Có thể giả dụ không đi đến đâu, ông chuyển qua Tân hình thức từ những năm 2000 và xuất bản Thơ Khác theo khuynh hướng Mỹ-quốc, kết hợp giữa hình thức có thể cũ nhưng mang trong lòng thơ tự do và nhịp điệu của thế giới hôm nay ở chỗ không nhất thiết phải vần.

 

Đất nước Việt-Nam thường trực nạn nhân-mãn phía nhà thơ. Phần Khế Iêm sáng tác đều đặn nhưng không thật sự nhiều, có thể vì ông đến với thi-ca với chân tình của một người làm thơ trước hết cho mình nhưng cuối hành trình đã mở ra với nhân-quần. Hành trình đó là một cuộc đi tìm thi-ca với con chữ qua những dạng thức và cung cách khả thi. Khế Iêm đã rời quê hương với nỗi lòng và đã trút tâm sự qua thơ, nhưng ông vẫn muốn quay trở về sau khi đã nhiều năm hội nhập đời và thơ nơi xứ người. Cuối cùng thì thơ ông mang nặng bản-ngã nhị-trùng khi đến với Tân hình-thức Việt. Vừa sáng tác theo cảm hứng và khuôn mới, xuất bản tuyển tập thơ của “giai đoạn khởi đầu” Thơ Khác (2011), ông còn cật lực với thể-loại Tân hình-thức và đã soạn tập lý thuyết và thực hành Vũ Điệu Không Vần: Tân hình-thức, Tứ Khúc và Những Tiểu Luận Khác (2003), Bước Ra: tiểu luận thơ Việt / Stepping out: essays on Vietnamese poetry (2012), Nghĩ Về Cách Làm Thơ (2016) và Vũ Điệu Không Vần Toàn Tập (2019).

 

Khế Iêm qua hai thập niên vẫn kiên trì sáng tác và đa dạng hóa thơ Tân hình-thức cũng như phổ biến, vận động khuynh hướng thơ này. Thơ ông dùng Tân hình-thức và sự vật, sự việc nào đó để bộc tỏ tâm tình, tư duy của con người hôm nay, như khuynh hướng “tiểu-thuyết mới” bên văn xuôi từ thập niên 1960.

 

Hai mươi năm đó đã là Ảnh Ảo:

 

              "Người đàn ông hai mươi năm sau nói

              với người đàn ông hai mươi năm trước

              rằng, trên băng ghế này, dưới bầu trời

              này, đã hai mươi năm, mà vở tuồng …".

 

Có thể nói Khế Iêm đến với Tân hình-thức như đã tìm ra lối thoát nào đó cho thi hứng của ông và vô tình đồng điệu với những tâm hồn bị bủa vây bởi thời đại vô hồn, kỹ thuật. Như bài Bậc Thang:

 

              “Những bậc thang nối với nhiều tầng

              lầu, những bậc thang dẫn tới nhiều

              đường tầu, những bậc thang và những

              bước chân; những bước chân trong tôi

 

              có ngón giao chỉ, từ phố phường

              đi ra biển đông; những bước chân

              trong tôi rướm đời du mục, dù

              rằng tôi chưa bao giờ sống đời

 

              du mục; điều này ám chỉ rằng

              tôi là mảnh vỡ tí ti của

              quá khứ, bị cánh bướm đập, văng

              ra thành kẻ lưu cư nơi miền

 

              đất lạ; không khác nào những bậc

              thang và những bước chân, tái hiện

              rồi tái hiện, rơi trong hỗn mang;

              bởi chẳng phải là những bậc thang

 

              vẫn nối với nhiều tầng lầu, những

              bậc thang vẫn dẫn tới nhiều đường

              tầu, và những bước chân trong tôi

              vẫn còn đang vang lên thanh âm

 

              quyến rũ dị kỳ; thật ra, tôi

              không muốn nói hơn một ly những

              gì tôi nói — những bước chân và

              những bậc thang đến đây là hết”

 

Toronto, 20-3-2021

 

 

THƠ KHẾ IÊM

 

1. Từ tập thơ Thanh xuân

 

MONG

 

Chống gậy trông đồi hoa

Hỏi thăm về quê nhà

Áng mây màu cước bạc

Cảnh trời muôn dặm xa.

 

 

GỬI LÃO TỬ

 

Thong dong về non xanh

Ngày hư hơi gió lành

Quán không lòng mong tưởng

Một chòm mây mai danh.

 

 

 

 

TỪ BIỆT

 

Có dòng sông

Ngủ mãi

Trong hầm mộ

Có biển rộng

Tắt

Nơi khe sâu

 

Con sư tử

Nằm vuốt

Sắc

Gió

Để ngày xanh rơi vào miệng vực

 

Một cành non

Mọc

Giữa rừng độc

Ta tàn hơi …

 

 

 

MÙA ĐÔNG QUÊ HƯƠNG

 

                                           Cho gia đình

 

Gói nụ cười, áo tơi

Co ro ngàn, khói ngất

Bước xẩm. Há hốc mỏ

Da khô cành, mưa khô

 

Ta trói chân, rừng dữ

Mây thổi, lời thu trôi

Gió lệ ráo mi biếc

Cỏ non già. Hanh môi

 

Đau đáu đời sông đục

Mộng tiếp trán nhăn nhúm

Tiếng lạ, ngồi ngẩn ngơ

Bãi năn sầu. Đất mặn

 

Nhà trống. Mẹ trông ngóng

Con không tình, tù nhục

Chiều chưa lên bếp tro

Ngày chưa qua. Nắng mục.

 

 

 

 

TRƯA

 

Dốc

Nhà

Râu tóc

Xóm quê

Phố người tứ xứ

 

Lầm lũi nhớ mùa sóng hương nếp

Sông

Ơi chèo

Bến …

 

Nheo mắt trưa

Lòng mây.

 

 

 

GÓC TRỌ

 

Nơi gác vắng tiếng trăng nhạt

Cô độc gọi

Hiểm hóc nhớ

Lăn lóc cười mắt thâm quầng trôi

 

Khỏa thân đồng xanh

Khỏa thân lời

Khói ám

 

Ném mũi lao vào thinh không

Để nghe mùa đông đập cánh thở

Gieo quẻ bói

Tình yêu chói chan

 

Mặt trời hom hem trên môi ta

Chiếc ghế nói bằng ngôn ngữ điếc

Thuở hạt thóc nẩy mầm trong bọt mây

Ta thẩy đời theo con xúc xắc

 

Rực rỡ tóc chanh em ngày qua xưa

Quá khứ nở thành xương rồng

(Kẻ du mục không về lúc rạng đông

Để làm hề trên sàn tập

Em hóa trang chưa?)

 

Ta mở ngỏ trái tim

Những mối tình ương dở

Đóa hoa khóc

(Chim chóc chẳng bao giờ còn cất tiếng hót

Hay cứ cất tiếng hót

Hãy trồng lại giấc mơ, chứ em?)

 

Giọt nước mắt truyền ra mật ngôn tím

Những chiếc lá đi rong

Cắn miếng mưa

Ôi vì sao vì sao

Ta không thể nói với em về nụ hôn

Đã mất.

 

                                            Bataan, June 23-89

 

 

 

PHIÊU KHÚC

 

Con chim biến hình

Ngoài gianh mưa

Tiếng hót

Xẩm đêm

Bẫy u mặc

Mở ra con đò xuôi mênh mang trôi

 

Ngủ

Khúc khích thở

Huyễn hoặc

Tha hương

Bão thân thế

Ngực biếc bát ngát lửa phiêu dạt

Tắt đi. Hoàng hôn trăng phế hưng

 

Thảng thốt

Cội rễ lời

 

Ta nghe dâu ngàn hóa bụi

Vô ngôn tự thuở nằm nôi

Có không chăng đời quỉ mị

Sao khuê vụt tắt đồi non

 

Trở dậy

Thấy lòng mình là đá

Thấy hồn mình là chỗ không may

Chân sa hố sinh biệt

 

Ngày nổi chìm

Trong

Đáy nắng xôn xao.

 

 

 

 

 

2. Từ tập thơ Dấu quê

 

NÍU LẠI

 

trút hơi               thở

                   và ngồi duỗi ra

vào một nơi tưởng là đã tay trắng

              khom

 

              lưng      bất động như thế cho đến khi        giọt

              chuông chiều kia làm tan đi người và         vật

              kiến tạo im ắng mà lâu nay                                  bị

              che lấp bởi cánh liếp của                          lời kinh

 

rảo bước ngoài mặt

đất và nhận ra có tiếng kêu

 

níu lại ở đầu ghềnh

 

 

 

NGẪM RA

 

con gió trắng

trói buộc

 

đừng tưởng rằng mọi chuyện đều êm đẹp

 

nỗi buồn gắt

hẳn nhiên

 

đánh rơi mất bực bội

khi đi rong

 

ngẫm ra là

chỉ tại cơn hắt hơi lúc rạng đông

 

 

 

ĐÊM

 

lang thang

đầu ghềnh cuối bãi

 

lảm nhảm

hôm qua hay hôm nay

cũng chẳng làm ai phiền hà gì

 

khi nào gió lên thì bảo

 

đi hái ít nụ hoa về

cho thơm đêm

 

 

 

VỚI GIÓ

 

trợt chân      té sấp        không gượng dậy nổi

 

bằng cách hối lộ với nhân gian

đừng để bị trời đầy

 

thở nhẹ

ngồi lênh đênh trên đồi tranh          cởi nắng

buộc vào cành non

 

ngậm trắng một đò lời

với gió

 

 

NGỌN NGUỒN

 

vỗ sóng

làm nhịp chèo

 

gieo quẻ bói

về ngày đời sau

 

có rảnh rang thì nhớ

 

nói chõ

vào khoảng không

nghe vọng âm

 

hóa ra là chẳng tìm đâu thấy ngọn nguồn

 

 

 

LỜI

 

đốt cháy lời

để mai kia mốt nọ

 

không truyền rao

không sách sử

 

nhưng ở bên kia chốn không lời

đóa hoa nở

 

lúc khởi sinh

ngôn từ đã bắt đầu gầy mối hiểm nguy

 

lên núi hay xuống biển thì cũng chỉ là chuyện của nước non

 

 

 

HỎI

 

chân đất

lạ nhỉ

 

hút thuốc mãi

phà vào buổi chiều

 

cứ làm kẻ hát rong nghêu ngao cho đến bao giờ

chết đứng

 

quá lắm

 

phải chi đừng vẩn vơ về nụ hôn

trong bóng tối

hồi chưa sinh ra

vào lúc còn ở ngoài bầu trời

 

 

 

CHỐN KHÁC

                                                        

Hạt mầm

Nẩy trên cánh đồng gió ám

Vàng vọt nỗi nhớ mong, chim muông gõ vào cánh chiều buồn

 

Ai, không ai trong ta, thấy được chỗ cuồng nước mắt

Ai, không ai trong ta, đi ngược lại đời người

Soi, từng vết bạc thời gian nơi mái rơm

 

Có bao giờ nụ hôn khát một mặt trời

Cho môi khô sương thành trái đắng

 

Hỏi ở ngoài đầu hôm sớm mai

(Nước, đã chiến trường từ muôn trước

Mãn ngày

Ai quang gánh cơn điên rồ kia)

 

Nghe rất nhẹ, rất xa ngực rừng thớ đất

Ai, bao lâu nay đứng ở ghềnh sông

Gọi mãi, theo về nắm sừng hư thực

Gọi mãi, trôi vèo cuốc nhẵn bình minh

 

Thà nói nhỏ cho xong, ta người không thực

Thì với lấy nghi tình quay tìm chốn khác

Ta chẳng đợi người, ta chẳng đợi ai.

 

 

 

KHOẢNH KHẮC

                                  

Đã thở

(Giọng tiếng bát vỡ)

Đã rợn người gọi

Trăng kiêu binh

 

Giữa ngóc ngách của biển đời mọc

Rực đồng xẫm

Mảnh gió môi, bình minh

 

Ướt áo tát

Mắt đẫm lấp lú

Sương khói lỏng

Cửa bước ngất

Hát hỏng, mùa chim ca

 

Tảng lờ

Im. Thật im. Rực rỡ

Tóc bật chiều run cắn

Vết thương xa

 

Ôi giấc mơ, và mơ

Hoa điềm nhiên, từ độ

Tro ngàn

Đằng hắng

Cho đỡ nhớ rừng mật xanh.

 

 

 

GIẢ TẢNG

 

Dẫm lên quá khứ

Dìu dịu nghe trái tim ngàn năm rong sương

 

Ở biên kia đường hầm đốm lửa xanh hắt hiu

Ở bên kia rừng đồi lũ chim chóc kháo nhau về

                                                      chiều nghìn trùng

Trên ngực biếc mênh mông, giấc mơ

 

Ai hát ca nhanh, phiếm du mãi lời hong phơi

Cuồng môi, tóc bay

Lăn lóc đời ngày, hỏi quê đâu

Man mác dòng sông

 

Đội cho khoảnh khắc vòng kẽm gai

Ngồi chờ nỗi đổ vỡ, im sững

Lẩn lút trong cõi bến, tang thương sao

 

Đốt cháy bao nhiêu cánh gió buốt

Mắt hoen, góc núi ngun ngút quên

Như xa, những hồn nước và đất

Đã qua phân tranh, mộng và kịch

 

Giả tảng

Là bão tố cuốn đi

Mật đắng của thời ngổn ngang trăm mối.

 

 

 

 

GIỚI THIỆU

TUYỂN TẬP THƠ KHẾ IÊM

________________________

 

Frederick Feirstein 

 

 

Robert Frost có nói rằng đọc một bài thơ dịch giống như hôn một cô gái qua lớp vải của chiếc khăn tay. Điều khó khăn nhất, là không thể nghe được bài thơ bằng tiếng nước ngoài. Nhưng với bản dịch thì chúng ta có thể có được cấu trúc, hình tượng và vần luật của bài thơ, và tất cả những thứ này sẽ ban cho chúng ta một cảm nhận về điều mà nhà thơ đang nỗ lực để truyền đạt về mặt cảm xúc.

 

Đây chính là trường hợp của tác phẩm thơ của Khế Iêm. Thông qua Internet tôi đã nghe được vài bài thơ tiếng Việt của ông, khiến tôi cảm nhận được rằng thật đẹp làm sao những giai điệu gồm bảy âm của chúng. Điều thú vị là vần luật thơ ông gợi cho tôi nhớ lại những bài Kenneth Rexroth dịch thơ Trung quốc trong đó ông sử dụng những dòng thơ gồm bảy âm tiết với việc lặp lại của kĩ thuật gọi là trùng âm mà ông học hỏi được từ người Pháp. Tương tự vậy, Khế Iêm cũng sử dụng những dòng thơ gồm 5, 7, 8 âm tiết có lặp lại những từ khóa đồng thời còn sử dụng kĩ thuật láy phụ âm (alliteration) cũng để lặp lại, vốn là những phương thức rất hữu hiệu trong thơ tiếng Anh Cổ đại (cũng là loại ngôn ngữ một âm tiết như tiếng Việt).

 

Những dòng thơ được giới hạn trong khoảng 5 tới 8 từ đơn tiết, mỗi khổ thơ gồm bốn dòng, có hoặc không có vắt dòng, điều này đôi khi tạo ra một đối âm giữa những mô hình đối xứng và không đối xứng. Việc sử dụng kĩ thuật vắt dòng cũng cho phép Khế Iêm viết nên những bài thơ tự sự ngắn vốn phụ thuộc vào tính liên tục của tư duy và cảm nghĩ. Dòng chảy này được tuôn trào dễ dàng hơn nhờ cách diễn đạt thẳng thắn của ông, là cách diễn đạt mà Trường phái Tân Hình thức Mĩ coi là yếu tố quan trọng.

 

Khế Iêm thường đề cập tới tính khả tín và tính bất xác của người tường thuật, và tính khả tín của điều được tường thuật. Tỉ dụ ông kết thúc bài “Những Cái Hộp” theo cách này: “… Nhưng / tôi sắp nói những điều tôi đã / nói, mặc dù, thà có hơn không, đó / chẳng phải là những điều tôi muốn nói.”

 

Trong bài “Những Chiếc Ghế”, nhà thơ kể ra cho chúng ta biết rằng những chiếc ghế không là những gì, và là những gì, cho tới khi chúng ta làm mất đi cái từ “Những Chiếc Ghế” qua một nỗ lực nhằm tìm lại được cái thực tại cụ thể của từ đó. Khế Iêm đã thành tựu được điều này ở cuối bài thơ sau một cơn lốc những từ về những chiếc ghế: “… những / chiếc ghế không ở đâu xa, những / chiếc ghế ở ngoài mọi điều; những / chiếc ghế chỉ là chiếc ghế.”

 

Tôi là một nhà phân tâm học và cũng là một nhà thơ, và tôi hiện đang chữa trị cho một nhà thơ trẻ, anh ta cố gắng biểu đạt cho tôi biết điều mà anh ta không thể biểu đạt bằng lời lẽ. Anh ta muốn biết liệu tôi có hiểu được loại trải nghiệm không lời lẽ của anh ta là như thế nào. Tôi đọc bài thơ “Những Chiếc Ghế”của Khế Iêm cho anh ta nghe, và anh ta nói ngay, “Đó chính là điều mà tôi cảm nhận.” Sau đó chính anh ta bắt đầu mô phỏng bài thơ theo nhiều cách khác nhau.

 

Ba bài trong số những bài thơ hay nhất mà Khế Iêm sử dụng sự tương phản khả tín/vô khả tín (trong một tập thơ được chuẩn bị rất kĩ lưỡng) là “Bộ Bàn Ăn”, “Trang Sách”, và “Chuyện Đời Kể”. Dù ông thăm dò tính không xác thực của thực tại, nơi mà ranh giới của thời gian và không gian bị xóa nhòa, nhưng ông trả lại cho chúng ta cái thực tại theo một cung cách gần như là Thiền, ở phần cuối những bài thơ này.

 

Một trong những bài thơ cảm động nhất trong tuyển tập thơ này là bài tự sự “Cái Chết Trên Truyền Hình” trong đó “… Người đàn bà nhận ra cái chết của / con mình trên màn hình nhưng không tin / con mình đã chết, và dù rằng một / tin báo tiếp theo như cơn bão tiếp / theo về cái chết của đứa con, bà / vẫn không tin điều mình đã thấy.”

 

Điều này là một trải nghiệm rất thường thấy nơi những người sống sót sau những cơn tâm chấn (chấn thương về tâm lí, tinh thần). Leon Klinghoffer, một người bạn của gia đình tôi, là một trong những nạn nhân người phương Tây đầu tiên của phong trào khủng bố đương đại, được dư luận biết tới khá rộng khắp. Ông đã bị bắn bỏ khi đang ngồi trên xe lăn và xác bị ném qua mạn tàu, chiếc tàu du lịch Achille Lauro [*]. Khi người ta phỏng vấn vợ ông, bà Marilyn, về sự cố này, bà đã trả lời rằng bà có cảm giác đó là chuyện không có thực khi bà chứng kiến sự việc trên truyền hình, rằng trong một thoáng bà cảm thấy là mình vừa coi một sô diễn trên màn ảnh truyền hình.

 

Trải nghiệm này một phần do kết quả của sự xóa nhòa những ranh giới [giữa hư và thực] trong thời đại bị bão hòa về những phương tiện thông tin đại chúng của chúng ta. Đây là chủ đề trung tâm trong tác phẩm của Khế Iêm, được thể hiện nghiêm túc và đôi khi thậm chí còn là hài hước như trong bài thơ của ông về lon bia Budweiser sặc mùi thương mại, nhằm minh họa những nỗ lực của những nhà quảng cáo muốn bước hẳn vào cõi vô thức của chúng ta.

Khế Iêm là một trong những người lãnh đạo phong trào văn học của chính ông, trong phong trào đó có một số nhà thơ có tác phẩm được ông tuyển tập [**] đã đi theo phong cách của ông và tuân thủ những phương thức qua đó ông nhận thức về sự tương phản giữa thực tại và phi thực tại. Phong trào có tên là Thơ Tân Hình Thức Việt,  tính tân kì một phần do việc sử dụng cách diễn đạt thông tục phối hợp với kĩ thuật vắt dòng hoặc dứt dòng của thơ không vần. Ông nêu dẫn nguồn gốc của thuật ngữ này từ một tên gọi được dùng để chỉ một khía cạnh của loại Thơ Chan Hòa (Expansive Poetry), là phong trào mà Frederick Turner và tôi khởi xướng nhằm mở lối thoát cho thơ Mĩ thuở đó bị hạn chế trong khuôn khổ thơ tự do trữ tình nặng tính chất tự thú. Như tôi đã chỉ ra trong bài tiểu luận của tôi, “After The Revisionists” (Sau Những Nhà Thơ Xét Lại), rằng Thơ Tân Hình Thức chẳng có gì là mới mẻ, rằng nó chỉ là sự trở về với một truyền thống đã bị chối bỏ bởi một số những nhà Hiện đại và Hậu hiện đại. Khế Iêm cũng đã nhìn rõ điểm này. Tôi đã không chỉ từ bỏ những gì mà những nhà mô phỏng của chúng ta đã thể hiện khá kì quặc về mặt hình thức, mà còn nhấn mạnh rằng Thơ Chan Hòa (Expansive Poetry) chỉ là một phong trào văn học có sử tính, như những phong trào Hiện đại và Hậu hiện đại. Tôi trông chờ ở Khế Iêm, như một nhà thơ đầy tính sáng tạo độc đáo, sẽ có thể tìm ra một phương thức biểu đạt mới, và có lẽ sẽ mở rộng những gì mà ông và những người đi theo ông đang thể hiện. Về phần tôi, tôi mong mỏi được thấy, nếu như điều tôi muốn thấy thì chưa từng hiện hữu, là sẽ có nhiều bài thơ tự sự rất dài mà thể loại này cho phép thể hiện. Xin đơn cử một tỉ dụ, là Turner đã hoàn tất ba bài thơ tự sự có độ dài của một cuốn sách.

 

Tôi rất quan tâm tới những gì mà phong trào của Khế Iêm thực hiện, không chỉ trong thơ ông, mà còn được minh thị trong văn xuôi. Trong bài tiểu luận của ông, “Giới Thiệu Thơ Tân Hình Thức Việt”, ông đã xác định rõ ràng những đặc tính chủ yếu của phong trào của ông. Ông cũng đã nhấn mạnh vào một trong những mục tiêu rộng lớn hơn của phong trào khi nói rằng  “Mục đích của thơ Tân Hình Thức là muốn đưa thơ Việt bước ra ngoài thế giới, nên mới chú tâm vào dịch thuật, để tìm kiếm người đọc khác ngôn ngữ và văn hoá.”

 

Từ những gì tôi đọc được nơi Khế Iêm và nơi bản dịch những tác phẩm của những người liên kết với ông, thì với tôi, chừng như Khế Iêm đã thành tựu được điều vừa nói trên. Ông có tờ tạp chí Thơ của chính ông và ông có dịch một số tác phẩm của chúng tôi sang tiếng Việt. Ông đã trích dẫn câu sau đây trong một bức thư đăng trên trang web www.thotanhinhthuc.org : “Hãy đến với chúng tôi, nơi chốn nhỏ bé và ấm cúng này của thơ, để nâng ly rượu mừng trong ngày họp mặt.”  Và thế là tôi đã nâng cao chiếc li của tôi, và tôi xin có lời chúc mừng tác phẩm tuyệt vời của ông, cùng những tuyển tập và những tiểu luận của ông.

 

Phạm Kiều Tùng chuyển dịch

 

CHÚ THÍCH

 

[*] Leon Klinghoffer [1916-1985] một thương gia Mĩ về hưu, phải ngồi xe lăn. Năm 1985 ông cùng bà vợ đi trên chiếc tàu du lịch Achille Lauro để kỉ niệm lễ kết hôn lần thứ 36 của hai vợ chồng. Không may cho họ, là chiếc tàu này bị nhóm khủng bố của Mặt trận Giải phóng Palestine PLF khống chế, đưa yêu sách đòi nhà nước Israel phải trả tự do cho 50 người Palestine đang bị nhà nước Israel cầm tù. Yêu sách không được đáp ứng, lập tức nhóm khủng bố lựa ra một người gốc Do Thái, là Leon Klinghoffer, bắn vào trán và vào ngực ông, khi ông đang ngồi trên xe lăn, rồi ném xác ông qua mạn tàu.

 

[**] “Thơ Không Vần”, Blank Verse, Tan Hinh Thuc Publishing club, 2006, gồm 64 tác giả. Và “Thơ Kể”, Poetry Narrates, Nxb Lao Động, Việt Nam và Tan Hinh Thuc Publishing club, 2010, gồm 21 tác giả.

 

 

 

 

 

3. Từ tập Thơ Khác

 

TÂN HÌNH THỨC

VÀ CÂU CHUYỆN KỂ

                            

Khi tôi ngồi uống cà phê ngoài lề

đường và kể lại câu chuyện đã được

kể lại, từ nhiều đời mà đời nào

cũng giống đời nào, mà lời nào cũng

 

giống lời nào, về người đàn bà và

đàn con nheo nhóc (nơi góc phố được

gọi là chỗ chết, nơi góc phố được

gọi là chỗ sống), kẻ những đường kẻ

 

bằng than đen; gãy góc, xấu xí như

cái bóng trong tấm hình cũ, như dĩ

nhiên hôm nay ngày mai ngày mốt, như

thế thôi thì thế thôi, biết đâu chừng

 

nhưng người đàn bà và đàn con nheo

nhóc, vẫn kể lại câu chuyện đã được

kể lại, như người khác đã từng kể

lại, dù chẳng để lại gì ngoài câu

 

chuyện đã kể, bởi câu chuyện đang tự

kể lại, và không ai, ngay cả người

đàn bà và đàn con nheo nhóc, bước

ra ngoài câu chuyện đã được kể lại.

 

 

 

BẬC THANG

 

Những bậc thang nối với nhiều tầng

lầu, những bậc thang dẫn tới nhiều

đường tầu, những bậc thang và những

bước chân; những bước chân trong tôi

 

có ngón giao chỉ, từ phố phường

đi ra biển đông; những bước chân

trong tôi rướm đời du mục, dù

rằng tôi chưa bao giờ sống đời

 

du mục;  điều này ám chỉ rằng

tôi là mảnh vỡ tí ti của

quá khứ, bị cánh bướm đập, văng

ra thành kẻ lưu cư nơi miền

 

đất lạ;  không khác nào những bậc

thang và những  bước chân, tái hiện

rồi tái hiện, rơi trong hỗn mang;

bởi chẳng phải là những bậc thang

 

vẫn nối với nhiều tầng lầu, những

bậc thang vẫn dẫn tới nhiều đường

tầu, và những bước chân trong tôi

vẫn còn đang vang lên thanh âm

 

quyến rũ dị kỳ; thật ra, tôi

không muốn nói hơn một ly những

gì tôi nói –  những bước chân và 

những bậc thang đến đây là hết.

 

 

CHIẾC GHẾ

 

Gửi các nhà phê bình & nghiên cứu Văn Giá, Đỗ Minh Tuấn, Bửu Ý, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Vy Khanh

 

Những chiếc ghế không cùng một màu,

những chiếc ghế không dùng để ngồi,

những chữ ghế, không phải là ghế;

những chiếc ghế có thể sờ được,

 

những chiếc ghế có thể gọi tên,

những chiếc ghế đúng ghế, không phải

là ghế; những chiếc ghế không bao

giờ vẽ được, những chiếc ghế không

 

bao giờ nói được, những chiếc ghế

không bao giờ có được, bởi những

chiếc ghế không bao giờ biến dạng,

những chiếc ghế không bao giờ mất

 

đi, những chiếc ghế không hiện diện;

những chiếc ghế, ôi chao, chỉ là

nó đó; những chiếc ghế, ôi chao,

không cùng một màu, những chiếc ghế,

 

ôi chao, không dùng để ngồi; những

chiếc ghế không ở đâu xa, những

chiếc ghế ở ngoài mọi điều; những

chiếc ghế chỉ là chiếc ghế.

 

 

 

 

BÀI THƠ KHÔNG VẦN

 

                  Để tưởng nhớ nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn (1947-2005)

 

Anh đến với tôi mỗi ngày thứ sáu,

như mỗi ngày đều là ngày thứ sáu,

còn những ngày khác anh đến với các

bạn khác, như mỗi bạn khác mỗi ngày

 

là mỗi ngày khác, cho đến một ngày

bất ngờ tôi biến mất, như mỗi ngày

thứ sáu biến mất vào mỗi ngày khác,

như mỗi đời người biến mất vào chỗ

 

đời khác, tôi biến mất khỏi anh, anh

biến mất khỏi tôi, vì tôi bị cuốn

theo cuộc đời lưu lạc, còn anh mãi

mãi đơn độc, mãi mãi không nhà, mãi

 

mãi ở lại, và tôi không biết nơi

nào anh trú ngụ vào mỗi ngày thứ

sáu, cho đến hôm nay bất ngờ anh

biến mất, anh biến mất khỏi anh, anh

 

biến mất khỏi tôi như mỗi chúng ta

là một tình cờ, như mỗi con đường

là một ngõ qua, tạm thời là thế,

có gì hay ho, có gì đáng nói

 

nơi cái chỗ ở là trần gian này,

chỉ có điều đáng nói là những gì

anh còn để lại, “Cô bé treo mùng”,

“Hình như là tình yêu”, “Thư về đường

 

Sơn cúc”… giống như những bài thơ không

vần, vì ngay cuộc đời anh cũng là

cuộc đời không vần, không vần gì cả

với những cuộc đời chung quanh, nên anh

 

cứ mãi lãng du, cuộc lãng du bất

tận kéo dài về nơi gió cát, còn

tôi thì cũng cứ mãi lãng du, nhưng

là cuộc lãng du giữa cuộc đời bình

 

thường và rất đỗi tầm thường, chưa biết

đến bao giờ mới xong, chưa biết đến

bao giờ mới hết. Nhưng bây giờ chúng

ta có thể nói câu giã từ thứ

 

sáu, và giã từ nhau, vì từ lâu

lắm rồi chẳng còn ngày nào là ngày

thứ sáu, của anh và tôi, và từ

đó đến nay anh và tôi cũng chưa

 

một lần gặp lại. Thôi, chúc anh an

giấc.

 

_______________________

 

CHÚ THÍCH

 

Nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn sinh năm 1947 tại Thừa Thiên – Huế, mất lúc 2 giờ 50 ngày 9 tháng 7-2005 tại Sài Gòn, tác giả các tập truyện ngắn dành cho tuổi mới lớn: “Hình như là tình yêu”, “Cô bé treo mùng”, “Ở một nơi ai cũng quen nhau”, “Hôn lễ”, “Thư về đường Sơn cúc”.

 

 

 

 

CÂU NÓI

                           

“Tôi bước ra cửa lúc năm giờ” nhưng

bước ra cửa là ra cửa nào và

lúc năm giờ là lúc nào cùng hàng

loạt những câu hỏi không bao giờ có

 

câu trả lời cho rốt ráo bởi câu

nói “Tôi bước ra cửa lúc năm giờ”

là câu nói rơi ra từ một câu

chuyện kể nào đó đã tan biến trong

 

mớ âm thanh hỗn độn ngoài đường phố

giữa cuộc đời thường và không ai lần

ra được dấu vết mặc dù ai cũng

có thể nhét nó vào bất cứ câu

 

chuyện nào khác và dĩ nhiên bất cứ

câu chuyện nào khác không hẳn là câu

chuyện đúng thực của câu nói “Tôi bước

ra cửa lúc năm giờ” vậy thì câu

 

chuyện đằng sau cái câu nói tầm thường

như bao nhiêu câu nói tầm thường khác

ấy mãi mãi là điều bí mật dù

rằng câu nói vẫn truyền từ người này

 

qua người khác trong đám đông vô danh

mang theo câu chuyện không bao giờ đúng

thực của câu nói “Tôi bước ra cửa

lúc năm giờ”. Thôi, tôi đi nhé! Chào.

 

 

ẢNH ẢO

 

Người đàn ông hai mươi năm sau nói

với người đàn ông hai mươi năm trước

rằng, trên băng ghế này, dưới bầu trời

này, đã hai mươi năm, mà vở tuồng

 

vẫn chưa được viết, và đêm kịch vẫn

chưa mở ra, những thùng rác vẫn chứa

rác và không chứa gì khác, những bước

chân lê trên lề đường, giấc ngủ trên

 

hè phố, những khớp xương đau, những khớp

xương đau, đã hai mươi năm; người đàn

ông hai mươi năm sau, kéo áo che

cái rét của đất ẩm, đo bằng gang

 

tay giữa đôi mắt cú vọ và lồng

ngực đồi trụy, vớ lấy mớ bản thảo

xé nát rồi ráp lại, để tìm nơi

kẽ rách, lũ ký ức ôn dịch; nhưng

 

người đàn ông hai mươi năm trước, không

nghe, không thấy được gì từ người đàn

ông hai mươi năm sau, cứ lầm lũi,

lầm lũi, lầm lũi, tựa bóng ma, và

 

chẳng hề hay biết, người đàn ông hai

mươi năm trước cũng là người đàn ông

hai mươi năm sau,  đang đợi nhau đợi

nhau, đợi nhau, như  cái sống đợi cái

 

chết, ròng rã, đã hai mươi năm, dù

vở tuồng vẫn chưa được viết, và đêm

kịch vẫn chưa mở ra, những thùng rác

vẫn chứa rác và không chứa gì khác.

 

 

 

 

CON MÈO ĐEN

 

                             Cho các cháu Brielle & Riley

 

Con mèo đen có linh hồn và chiếc

xương sườn của tôi, mỗi buổi sáng thức

dậy không bao giờ rửa mặt, mỗi buổi

sáng thức dậy không bao giờ đánh răng;

 

con mèo đen có đôi mắt bằng đất

sét, mở ra và nhắm lại, hay cứ

mở ra và không bao giờ nhắm lại,

trong lúc lên thang xuống thang, mang theo

 

linh hồn và chiếc xương sườn của tôi,

mà quên rằng, tôi đã sống những ngày

hôn ám biết bao, tự thuở nào và

tại sao thì tôi đành chôn kín, trong

 

cái túi đựng đầy những đoạn chú thích,

được lượm lặt từ rất nhiều mẩu chuyện,

để cấu thành câu chuyện về con mèo

đen, mang linh hồn và chiếc xương sườn

 

của tôi; dĩ nhiên, đó là con mèo

đen có đôi mắt bằng đất sét, chứ

không phải bất cứ đôi mắt nào khác;

mù đặc, trong lúc lên thang xuống thang.

__________________

 

CHÚ THÍCH

“Con Mèo Đen” là một trong ba bài thơ hay nhất trong tháng 12-2007 của Diễn đàn thơ Mỹ Poetry.about (http://poetry.about.com)

Comments are closed.