Hội thảo giới thiệu sách NHỮNG QUY TẮC CỦA NGHỆ THUẬT

clip_image002clip_image004 clip_image006

Hội thảo giới thiệu sách

NHỮNG QUY TẮC CỦA NGHỆ THUẬT

18:00, thứ Ba, ngày 27/02/2018, Thư viện l’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội

Pierre Bourdieu được coi là một trong những gương mặt lớn nhất của giới nghiên cứu khoa học xã hội Pháp, và có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới trong nửa sau thế kỷ XX. Dưới những ảnh hưởng trực tiếp từ Marx, Weber, Mauss, Durkheim, Cassirer, Althusser, Bacherlard, …, các nghiên cứu của ông xuất phát từ nhân học đã nhanh chóng chuyển sang xã hội học và được triển khai trên một quy mộ rất rộng bao trùm nhiều ngành và lĩnh vực của khoa học nhân văn. Tiếp cận các vấn đề xã hội dựa trên việc phân tích các cơ chế tái sản xuất/sáng tạo (reproduction) những sự phân tầng trong không gian xã hội, Bourdieu đã phát triển các công cụ nghiên cứu quan trọng có thể được dùng trong nhiều lĩnh vực nhân văn như trường lực, tập tính, ý nghĩa thực hành, vốn liếng… Luôn nỗ lực đi tới tận cùng, dù các nghiên cứu của ông là đối tượng tranh cãi thường xuyên ở nhiều cấp độ (phương pháp, kết quả, định hướng…), Bourdieu thể hiện năng lực suy tư sâu sắc và thấu triệt, không chấp nhận những sự nửa vời và quy giản. Hơn thế, ông còn là một nhà khoa học nhập cuộc khi tham gia ủng hộ những hoạt động xã hội của giới công nhân, của những người đồng tính từ những năm tám mươi và phê phán chính sách tân tự do. Những công trình tiêu biểu của ông không dễ xếp vào một chuyên ngành cụ thể, tại nhà xuất bản Minuit có thể kể đến: La Distinction. Critique sociale du jugement, 1979; Le Sens pratique, 1980; Homo academicus, 1984; La noblesse d’État: grandes écoles et esprit de corps, 1989; tại nhà xuất bản Seuil: Les Règles de l’art: genèse et structure du champ littéraire, 1992; La Domination masculine, 1998

Trong số này, có thể kể đến Quy tắc nghệ thuật: sự sinh thành và cấu trúc của trường văn học như là một trong những thành quả được kế thừa phát triển từ những nghiên cứu xã hội học văn hóa rải rác của ông gần ba mươi năm bắt đầu từ Tình yêu nghệ thuật. Bảo tàng và công chúng (1966) cho tới công trình kinh điển Sự khác biệt. Phê phán xã hội về sự phán đoán (1979) cùng nhiều nghiên cứu sau đó nữa. Trở thành một trong những công trình nền tảng cho xu hướng nghiên cứu xã hội học văn hóa và nghệ thuật nói chung và xã hội học văn học nói riêng, cuốn sách này là cơ sở cho những nhà nghiên cứu khác như P. Casanova, G. Sapiro… trong một hình dung khác ở thế kỷ XXI về không gian văn học quốc gia cũng như thế giới.

Diễn giả:

TS. Phùng Ngọc Kiên – Viện Văn học.

PGS. TS. Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Dẫn chương trình: Mrs. Nguyễn Thị Bích Thủy – PGĐ Nhà xuất bản Tri thức.

Comments are closed.