Tản mạn về sự cần thiết của văn chương thử nghiệm

Nguyễn Hàn Chung

Có thể nói rằng văn chương thử nghiệm nói chung và thơ ca nói riêng là điều kiện tối cần thiết để dẫn nhập thơ đi vào xu hướng thẩm mỹ mới trong trường thưởng thức nghệ thuật. Không một nhà thơ thành danh nào có thể bỏ qua con đường này mà trở thành chói sáng trong lịch sử văn học trong lúc đại bộ phận độc giả cả người sáng tác đều bị chi phối bởi xu hướng thẩm mỹ quen thuộc của văn chương truyền thống. Đi ra khỏi môi trường này chẳng những không được hưởng ứng mà còn bị cho là sai lạc thậm chí tâm thần, hoang tưởng. Vì thế những thử nghiệm ban đầu thường bị đả phá, như muốn tiêu diệt từ trong trứng nước.

I. Thử nghiệm của các nhà thơ trẻ
Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ đi vào những đặc trưng của thử nghiệm thơ để chúng ta cùng bàn luận bước đi không mấy dễ dàng của các cây bút trẻ dấn thân vào trường thử nghiệm. Các nhà thơ đi trước thẳng tay bài xích tiêu hủy sự hưng phấn của các bạn trẻ với lý do là có biểu hiện cực đoan phủ định các hình thức nghệ thuật, các nguyên tắc thẩm mỹ cơ bản của văn chương truyền thống.
Đọc thơ thử nghiệm đòi hỏi độc giả phải có sự thấu tỏ lòng yêu thích sự phôi thai hình thành của sáng tạo. Các nhà thơ thử nghiệm rất sợ rằng mình thực nghiệm một điều đã cũ mà tưởng rằng mới mẻ, nên đôi lúc lắp ráp các từ ngữ, hình ảnh, chi tiết, tưởng chừng như rối rắm, vô nghĩa. Trong thơ họ cấu trúc câu, nhịp vận âm sắc có vẻ như mơ hồ khó hiểu, đòi hỏi người đọc phải kiên nhẫn theo dõi đọc đi đọc lại nhiều lần. Một điều thường tạo phản cảm cho người đọc thơ thử nghiệm là ngôn ngữ thơ dường như không diễn đạt chính xác, không làm cho người đọc cảm thấy thú vị bởi vần điệu du dương. Nhưng khi đã tiếp nhận quan điểm thẩm mỹ của thơ thử nghiệm, họ sẽ bị thuyết phục bởi tính sáng tạo nghịch dị, sự miêu tả thế giới một cách hàm súc trong cái mớ ngỡ như hỗn độn kia.

Ngôn ngữ trong thơ thử nghiệm phức tạp đa dạng, quái chiêu chứ không như ngôn ngữ trong thơ truyền thống, vì vậy tác giả viết thơ thử nghiệm đã phải chọn ngay từ đầu sự hướng tới một đối tượng hầu như chuyên biệt của tác phẩm mình. Đối tượng thưởng thức bị thu hẹp bởi thơ thử nghiệm tách ra khỏi ngôn ngữ thông thường, mỗi từ ngữ, câu đều có tính độc lập nội tại, chuyển tải một thông điệp riêng khác nhau, nhưng tất cả đều tập trung hướng tới một đối tượng nhất định.
Các nhà phê bình văn học hãy cho thơ thử nghiệm một mảnh đất sống, nhưng các nhà thơ thử nghiệm thơ phải rành rẽ kỹ thuật của văn chương truyền thống, làm thế nào để vừa sáng tạo cái mới vừa thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của số bạn đọc đông đảo hơn. Hy vọng rằng lúc ban đầu thơ của các nhà thơ thử nghiệm có thể gây ít nhiều bực bội, phản cảm, nhưng khi đọc sâu đọc nhiều hơn, ta sẽ khám phá ra trong đó những điều không ngờ tới. Ở Hoa Kỳ, có nhiều cơ hội hơn cho các tác giả theo khuynh hướng văn học này, qua việc thử nghiệm ở một nhóm sáng tác nhỏ, nếu khả quan họ sẽ đưa ra cộng đồng lớn hơn, tránh sự đối chọi quyết liệt đào thải lẫn nhau giữa cũ và mới.

  II. Về thơ Vũ Lập Nhật
Vũ Lập Nhật viết theo phong cách thơ thử nghiệm: Thế giới trong thơ là thế giới tâm thức, những gì nhìn thấy bề ngoài mà không mang ý nghĩa bề ngoài, hình tượng ngôn từ thuần tưởng tượng nên không thể giải mã theo lối thông thường mà phải cảm bằng tâm cảm của một người đồng điệu, từ chối không tuân phục những khắc nghiệt của đời sống thực tại, sự phân mảnh giữa ánh sáng và bóng tối:

“thơ không thể vận hành bằng sự phô diễn
anh phải chờ nó biến mất
để rồi tìm lại đâu đó trong ký ức
về những bước chân anh đã không bước”
(Một tối xem tranh của Van Gogh)
Cô còn khá trẻ mà viết được những câu thơ như thế này là không dễ dàng, trong thơ cô ẩn dụ và biến hóa đan xen vào nhau, cô đọng mà phát tán:

“người lao công nói về điều hợp lí
khi những chiếc đũa tre trong hộp cơm trưa ai đó vứt đi được cắm vào bình hoa
tôi đốt những chiếc đũa ấy và cầu nguyện
tựa như thể đũa là danh từ mở rộng của nhang và bình hoa là danh từ thay thế của lư hương”

tôi hứng những giọt nước mắt của mình vào một chiếc cốc thuỷ tinh”

(at right place)

Sự độc đáo của thơ Vũ Lập Nhật tập trung vào văn phong truyền đạt mang tính ma mị huyền ảo, dính dáng đến siêu hình nhưng không siêu hình, mà là cảm thức thực tại diễn ra trong đời sống thường nhật, xáo trộn và hòa tan ảo và thực tạo nên những chấn động tâm lý hỗn độn phi lý nhưng vẫn hiển lộ ý đồ sáng tác của tác giả.
Trong thơ Vũ Lập Nhật cô thường đưa ra những ký hiệu thẩm mỹ phức tạp, tham dự vào trò chơi giao tiếp thường được lặp lại và tăng cấp:

“tôi sẽ không thể cất lên bất cứ tiếng nói nào
hoặc chỉ ú ớ vài từ vô nghĩa
người ta sẽ không phán xét tôi như trong mọi cuộc phán xét về cách sử dụng ngôn ngữ
im lặng và tôi
sẽ chết theo cách của tôi…

tôi không phải là tôi
tôi là tóc của tôi
mỗi sáng sớm khi nhớ ra điều gì về thế giới này thì thấy mình xoăn tít trong đám đồng loại”
(Tôi không phải là tôi)
Toàn bộ những thủ pháp được dùng có chủ đích nhằm đạt được một hiệu quả nghệ thuật theo khái niệm lạ hóa mà Brecht đưa vào mỹ học, tạo nên sự ngạc nhiên hiếu kỳ phá vỡ khuôn đúc, khiến độc giả phải nỗ lực nắm bắt thâu nhận, sự xuyên thấm giữa tác giả và người đọc tùy cấp độ thẩm thấu.

Vũ Lập Nhật trong mớ hỗn độn mà mình tạo ra vẫn có phân mảnh rõ các nhóm nghệ thuật miêu tả, biểu hiện, có cả diễn xướng, có nghĩa là miêu tả và biểu cảm không tách rời nhau, tạo nên một diện mạo chung có thể tri nhận bằng một giác quan thơ.

“như con kiến nhẫn nại
tôi bò quanh
thành cốc nước
vừa chờ đợi
vừa tiến hành cái chết của mình
bằng nghi thức bức tử sự lãng mạn
trong cái nóng khủng khiếp từ những khung cửa sổ bị tra tấn bằng nhiệt độ
mà hơi thở là đồng loã của nỗi buồn
và khoảng giữa chỉ là khái niệm
như con cá tung mình trên mặt biển hoàng hôn
có lẽ nó không thấy đường chân trời nằm giữa đâu cả
và trong tiếng lắc cắc…
những hòn đá lạnh cuối cùng còn sót lại
tôi quyết định
nhảy
xuống
một bài thơ khác”
(Những suy nghĩ trước khi kết thúc một hư cấu)
Tôi bỏ phiếu cho Vũ Lập Nhật và hai nhà thơ trẻ khác vào chung kết trong Giải thơ Văn Việt lần thứ tư trong tâm thế thán phục sự bén nhạy mẫn cảm của các bạn mà lứa tuổi của tôi dù khát khao cháy bỏng vẫn không làm được.

Hãy kiên nhẫn đọc văn chương thử nghiệm của các nhà thơ trẻ, tính toàn cầu, sự nỗ lực cách tân, sự tìm kiếm khám phá thế giới không mệt mỏi của họ. Họ có thể thành công hay thất bại nhưng họ hơn tôi ở chỗ họ dám bất chấp, dám đi tìm. Thời trẻ tôi đã từng như vậy nhưng tôi thất bại. Tôi chúc họ may mắn và thành công. Tôi nhủ tôi như vậy.

Sugar Hill Houston TX

Comments are closed.