Việt Nam phải vượt lên chính mình

Tô Văn Trường

Thịnh-suy là luật của Trời

Chung giống như người, riêng mới của ta

Thời thế đến rồi lại qua

Học hỏi hơn nữa để ta bằng người

Chằng gì vĩnh cửu đời

Đổi mới, đổi mới, thuận Trời, đừng lo.

Bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển bền vững phải dựa trên nền tảng thể chế được lòng dân. Phải bao nhiêu thiên niên kỷ con người dù nhận thấy là cần tự do tư tưởng, ít nhất là từ 800 năm trước Thiên chúa giáng sinh, từ thời Socrates, Aristotle, rồi lý thuyết khai phóng của Rousseau, Montesquieu mới có thể đặt nền tảng cho thể chế mới mà quyền con người là nền tảng và đồng thời nhà nước phải tách khỏi nhà thờ.

Phải đến lúc lập quốc Mỹ thì tư tưởng của các nhà tư tưởng khai phóng Pháp mới được thực hiện thông qua Hiến pháp Mỹ, “mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”. Nói thế nhưng các nhà lập quốc Mỹ vẫn có nô lệ, vẫn cho rằng người da đen không thể có quyền gì với con cái mà con cái thuộc về ông bà chủ có thể đem bán cho người khác như đồ vật mà không cần hỏi ai. Phải qua nội chiến Bắc-Nam, nhất là phải qua cuộc đấu tranh của Luther King với phong trào tiến bộ của người da trắng thì người dân da đen mới có quyền đi bầu cử. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa thật sự bình đẳng và họ tiếp tục tranh đấu. Thế giới nhìn Mỹ như một nước lãnh đạo là vì thế. Nếu thể chế Mỹ dựa vào đàn áp và vì đồng tiền thì coi như nó tự khai tử.

Thể chế của Mỹ vẫn còn những bất cập nhưng ngay cả Lưu Á Châu cũng phải thừa nhận đại ý như sau: “Thể chế của Mỹ là thể chế của những thiên tài tạo lập ra, để những kẻ ngu đần cũng có thể vận hành được”.

Thực tiễn nước Mỹ gần 250 năm qua đúng là như vậy. Các nhà lập quốc của Mỹ, tại Hội nghị Hiến pháp ở Philadelphia (từ 25/5 đến 17/9/1787) quả thực đã lường định đến nguy cơ nghiêm trọng bậc nhất trong hình thức chính thể liên bang, đó chính là tranh giành quyền lực, nên họ đã chế định chặt chẽ sự phân công quyền lực, kiểm soát quyền lực trong Hiến pháp, đặc biệt là thủ tục thông qua và sửa đổi Hiến pháp. Ở phương diện này, thực tiễn nước Mỹ là một bằng chứng thuyết phục nhất về sức mạnh của thể chế. Và, thể chế ấy không phải do Thượng đế ban phát, mà chính là các bậc hiền nhân, anh tài bậc nhất của đất nước họ tạo lập ra vậy.

Thể chế Việt Nam có đặc điểm:

1. Đảng (Nhà thờ của chủ nghĩa) là trên hết, quyền con người, khoa học là thứ cấp.

2. Tài năng sẽ không được sử dụng nếu Nhà thờ Đảng không chấp nhận.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Nhật Bản và nhất là Hàn Quốc vươn lên trong một thời gian ngắn vào được câu lạc bộ các nước phát triển cao còn Trung Quốc dù vẫn còn xa mới vào được câu lạc bộ này, nhưng ý chí vươn lên để bắt kịp Mỹ thì rất rõ, còn Việt Nam thì lại rất an phận, nhưng lại rất hãnh diện bảo vệ được “nhà thờ” bằng bất cứ giá nào?

Thể chế hiện tại của chúng ta quả thực có nhiều bất cập phải bàn, nhưng bất cập lớn nhất chính là sự giáo điều và không trung thực ngay trong thể chế. Biết là nền tảng lý luận đã quá lạc hậu, nhưng vẫn coi là “Kinh Thánh”. Mà thôi, cứ cho là cần kiên định cái bảo thủ, thì ít nhất cũng phải thể hiện bằng hành động thực tế để chứng tỏ sự kiên định tử tế.

Quần chúng, nói theo cách của Hegel, giống như con sóng, khi nổi giận thì cuốn sạch cả hoa thơm và cỏ dại. Nói cách khác, quần chúng có sức mạnh thật đấy, nhưng không phân biệt được giá trị. Vì vậy, nếu quần chúng tự làm cách mạng thì có thể thắng tạm thời, nhưng thua chiến lược.

Một lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo xã hội có thể xảy ra hai thái cực: hoặc là độc đoán, chuyên quyền, rồi thoái hoá theo vòng xoáy đi xuống và tự diệt vong; hoặc luôn tự đổi mới mình để thích nghi với quá trình tự tha hoá và cũng chính là tự thích nghi với các biến đổi mang tính tự nhiên. Xem trong lịch sử, thì thái cực thứ nhất là phổ biến hơn cả.

Các hiện tượng chính trị – pháp lý cũng như các hiện tượng xã hội khác đều có quá trình sinh – diệt và được chia làm ba kỳ: (1) Phôi thai và lớn dậy; (2) Trưởng thành và phát triển; (3) Tha hoá và diệt vong. Theo chu kỳ tiến hoá hay phủ định cách mạng, thì sau diệt vong là sự lặp lại quá trình sinh – diệt mới ở cảnh giới cao hơn, hoặc thấp hơn. Trong Phật giáo, quá trình ấy được gọi là “luân hồi”.

Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là một hiện tượng chính trị – pháp lý. Sinh thời, Hồ Chí Minh đã tiên lượng rõ quá trình tha hoá quyền lực của Đảng và đã cảnh báo trong nhiều tác phẩm, mà tập trung nhất là bản Di chúc của Người.

Tiếc rằng, hậu sinh bất khả uý. Trí huệ của lớp sau tụt dần cho đến mức báo động đỏ rồi! Ai cũng biết, nguyên nhân gốc rễ là từ thể chế và công tác nhân sự. Nhưng, chẳng ai đủ quyền năng để thay đổi điều đó được trong thời buổi mà trí tuệ không được tôn trọng, đúng ra là bị bạc đãi. Vì thế, việc giải quyết hàng loạt vấn đề nhức nhối của quốc gia, dân tộc chỉ là niềm trăn trở của những ai đau đáu nỗi lòng “cuốc cuốc” như Bà huyện Thanh Quan, hay chỉ là tâm sự uất nghẹn trong “cảm hoài/thuật hoài” của Đặng Dung mà thôi!

Những người còn kiên trì, nặng lòng với sự phát triển của Việt Nam, đều mong muốn những người có trách nhiệm quản lý điều hành đất nước hãy nghiên cứu cho kỹ, thấm nhuần học thuyết Mác-Lê nin và chí ít cũng cứ làm cho đúng cũng là tốt lắm rồi (cho dù sau hơn một thế kỷ thế giới đã biến đổi hoàn toàn so với thời của Mác), đằng này nghiên cứu không đến nơi đến chốn lại vận dụng “sáng tạo” đến mức trái với học thuyết gốc mà vẫn nói là “kiên định” và “trung thành”! Hoặc suốt ngày nói việc học tập và làm theo Hồ Chí Minh nhưng thực tế chưa ai dám tự kiểm điểm và nói công khai chính mình học tập được gì và làm theo được gì?

Cụ Hồ làm Cách mạng Tháng Tám đã dẫn tới đất nước đổi đời. Nhưng hôm nay ở nước ta mà làm cách mạng thì đất nước ta sẽ lâm vào một cuộc bể dâu mới nếu như cuộc cách mạng này không bị quyền lực hiện tại bóp chết ngay từ lúc còn trứng nước! Vả lại nếu xảy ra cuộc bể dâu như thế, ngay lập tức “kền kền” bên ngoài sẽ bâu lại tranh giành xác thối! Nước ta không cần một cuộc cách mạng lúc này – dù là cách mạng kiểu gì – trừ khi xảy ra tình hình bất khả kháng. Nước ta rất cần lúc này là một quá trình phát triển để từng bước giải phóng nguồn lực con người và mọi tiềm năng của đất nước – đòi hỏi này nằm trong tầm tay của Đảng Cộng sản Việt Nam nếu Đảng thực sự vì nước và ý thức được nhiệm vụ này và chủ động giành lấy cho mình và cho đất nước – và đây chính là con đường Đảng Cộng sản Việt Nam và cả nước phải cùng nhau lựa chọn cho sự sống còn của mình trong thế giới hôm nay.

Suy nghĩ theo hướng này, Đảng và cả nước cùng nhau sẽ có lối ra. Suy nghĩ theo hướng này, cái mà Đảng sẽ mất sẽ là những bệnh tật tha hóa đang đục ruỗng Đảng, cái sẽ được là đổi đời thành nhân tố lãnh đạo và mở đường cho đất nước đi vào một thời kì phát triển mới. Kẻ thù đầu tiên trong cuộc chiến mới này Đảng phải chiến thắng đó là sự tha hóa của chính mình, để trở thành đảng của dân tộc và dân chủ phục vụ đất nước – đây là con đường thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam!

Cần xác định nguy cơ lớn nhất của nước Việt Nam là mất chủ quyền lãnh thổ chứ không phải bị các nước tư bản xâm lược. Chế độ nào bảo vệ đất nước khỏi nguy cơ nói trên mới là chân chính, Ngược lại sẽ mất tính chính danh cho dù có nói gì đi nữa. Lịch sử sẽ ghi nhận, nguyền rủa như là nhà Mạc quì gối đầu hàng, cắt đất dâng cho địch để rồi cũng tiêu vong vì mất lòng dân. Do đó, cải cách cơ chế theo hướng dân chủ hoá (thật sự), trước hết là trong đảng là rất cần thiết. Tất cả các định chế đều phải trung thành với hiến pháp, không phải với cá nhân, tổ chức nào. Cải cách tư pháp để đảm bảo luật pháp nghiêm minh. Cải cách giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển (khắc phục tình trạng dân số vàng nhưng chỉ đi làm lao động giản đơn). Nên học kinh nghiệm của Nhật Bản 200 năm trước. Đổi mới doanh nghiệp: giảm doanh nghiệp quốc doanh nhưng phải minh bạch để tránh hình thành “tư bản đỏ”, chuyển tài sản công vô túi cá nhân, v.v.

Phải nói, trên thế giới này, không có một đảng chính trị nào đang nắm quyền có đầy đủ mọi điều kiện và thời cơ thuận lợi như Đảng Cộng sản Việt Nam. Cái mà Đảng thực sự đang thiếu là trí tuệ và bản lĩnh để nhìn thấy được tất cả những gì đất nước đang có và cái gia tài vinh quang của đất nước do xương máu của nhân dân và các thế hệ đảng viên đã ngã xuống để giành lấy trên suốt chặng đường từ cách mạng Tháng Tám đến nay! Cái nguy cơ lớn nhất không phải là sự can thiệp và uy hiếp của bành trướng bá quyền Trung Quốc mà là sự nô lệ do quyền lực và ý thức hệ đang trói Đảng và thủ tiêu sức chiến đấu và tầm nhìn của Đảng, qua đó kìm hãm đất nước.

Đừng bao giờ nghĩ Việt Nam phải theo Mỹ hay theo Tàu, mà nên nghĩ: Việt Nam phải vượt lên chính mình! Xin nhấn mạnh: Trí tuệ Việt Nam và bối cảnh thế giới hôm nay hoàn toàn đủ sức giải quyết được bài toán phát triển này cho đất nước Việt Nam – nó đang cần duy nhất sự khởi xướng có ý thức trách nhiệm cao nhất của Đảng. Trong hoàn cảnh của Việt Nam chỉ có Đảng Cộng sản mới làm được sứ mệnh cao cả này.

Comments are closed.