Cho một ngày báo chí: LÒNG DŨNG CẢM VÀ TỰ DO NGÔN LUẬN

Timothy Garton Ash

(Rút từ facebook của Phạm Xuân Nguyên)

Timothy Garton Ash là nhà sử học và nhà văn. Ông là giáo sư nghiên cứu châu Âu tại Đại học Oxford, đồng thời là giám đốc chương trình Tranh biện Tự Do Ngôn luận. Cuốn sách mới nhất của ông là Free Speech: Ten Principles for a Connected World (2016). Bài dưới đây trích từ sách này.

*
“Không gì khó khăn hơn”, nhà báo chính trị Đức Kurt Tucholsky viết năm 1921, “và không gì đòi hỏi nghị lực hơn việc tự biết mình công khai đối lập với thời mình và dám nói to: Không”. Trước hết đó là cái khó về mặt trí tuệ và tâm lý dám bước ra ngoài cái sự khôn ngoan đã được thừa nhận của thời mình và ra ngoài chỗ đứng của mình. Cái gọi là “sức mạnh chuẩn mực của cái được thừa nhận” đã buộc chúng ta tin rằng những cái ta thấy quanh mình, những cái mọi người khác coi như là bình thường thì trong chừng mực nào đấy cũng là một quy phạm đạo đức.

Nhiều nghiên cứu trong tâm lý học hành vi đã chỉ ra rằng những xác tín cá nhân của chúng ta về cái gì là thật hay đúng đã bị nao núng trước sức ép của hàng loạt những người như ta. Chúng ta là “bầy cừu khôn ngoan” như Mark Twain đã nói. Đây là điều John Stuart Mill đã nêu lên khi ông viết trong cuốn Về tự do (1859); đó cũng chính là những nguyên nhân đã làm cho một người thành linh mục ở London sẽ lại biến hắn thành một nhà sư hay một nhà nho ở Bắc Kinh. Chính sự thật này đã được nói đến rất hay trong bài ca hài hước “Kẻ ăn thịt người bất đắc dĩ” (1960) của Michael Flanders và Donald Swann kể chuyện một chàng ăn thịt người đã nổi dậy chống lại tập tục của các bậc trưởng lão và tuyên bố “ăn thịt người là sai”. Đến cuối bài hát, một bậc trưởng lão đứng lên vỗ vào cái bụng to cười nói với mọi người xung quanh: “Sao, anh chỉ việc đi quanh nói đi “Đừng đánh mọi người” xem nào”. Rồi ông và những người khác đồng thanh kêu lên “Thật buồn cười!”.

Nhưng các chuẩn mực thường xuyên thay đổi ngay trong một đời người, nhất là khi hiện nay chúng ta sống lâu hơn. Giống như những người già giới thiệu đĩa hát bị bắt giam vì quấy rối hay lạm dụng tình dục vào thập niên 1960, chúng ta sẽ khó chịu thấy rằng một số hoạt động mà bây giờ mọi người coi là bình thường thì nửa thế kỷ trước đây lại có thể bị coi là khác thường và đáng ghê tởm.

Bước ra ngoài những chuẩn mực đã được xác lập của thời gian và nơi chốn mình sống là một việc khó khăn; công khai chống lại chúng còn đòi hỏi nhiều hơn nữa. Trong sách Freedom for the Thought that We Hate (2007), một cuốn sách hay về Tu chính án thứ nhất của Mỹ, tác giả Anthony Lewis đã trích dẫn một ý kiến phát biểu năm 1927 của thẩm phán Tối cao Pháp viện Louis Brandeis mà theo Lewis “nhiều người coi đó là tuyên ngôn pháp lý vĩ đại nhất về tự do ngôn luận”.
Đoạn trích Lewis dẫn ra mở đầu thế này: “Những người giành được nền độc lập của chúng ta tin rằng tự do là tiền đề của hạnh phúc và dũng cảm là tiền đề của tự do”. Điều này thật tuyệt vời, dù nó cũng có phần tự quy về và thậm chí tự đề cao cho Tu chính án thứ nhất.

Lewis dẫn Brandeis người đã vay mượn tư tưởng này từ các nhà lập quốc Mỹ tk18. Nhưng các nhà lập quốc này cũng lại biết rõ là họ lấy nó trực tiếp từ bài điếu văn của Pericles trong cuộc chiến tranh Peloponnesian vào tk5 trước công nguyên mà Thucydides nếu không phải là người soạn thảo thì ít nhất cũng là người hoàn chỉnh nó. “Đối với chúng ta bây giờ”, Pericles của Thucydides nói với công chúng Athen cũ của mình sau khi ca ngợi sự hy sinh dũng cảm của các chiến binh, “phải lấy họ làm tấm gương, phải coi tự do là hạnh phúc và hạnh phúc là lòng dũng cảm, không được ngu ngốc trốn chạy sự tấn công của kẻ thù”.

Trực tiếp hơn, truyền thống dũng cảm bảo vệ tự do ngôn luận của Mỹ là dựa trên di sản Anh tk17. Những người như John Lilburne chẳng hạn. Năm 1638 khi mới 20 tuổi, Lilburne đã bị tòa án Star Chamber buộc tội đã tìm cách đưa vào Anh Quốc một cuốn sách chống lại các giám mục được in ở các nước Vùng Hạ. Anh bị trói vào sau một chiếc xe ngựa trong một ngày hè nóng nực và bị đánh vào tấm lưng trần suốt dọc đường từ điểm cuối phía Tây phố Fleet đến sân Điện Westminster. Một nhân chứng kể lại là anh đã bị 500 cú đánh và vì tên đánh đập dùng chiếc roi da chập ba nên lưng anh in hằn 1500 vết roi.

Lilburne với đôi vai bầm dập còn phải đứng tựa cột thêm hai tiếng nữa ở sân Cung điện. Tại đây, bất chấp những vết thương nhức nhối và ánh mặt trời thiêu đốt, anh bắt đầu lớn tiếng kể chuyện mình và tiếp tục buộc tội các giám mục. Đám đông tụ lại nghe một cách chăm chú. Nửa giờ sau có một “luật sư to béo” đi đến bảo anh im lặng. Chàng trai mà người dân London gọi là “John Tự do Bẩm sinh” không chịu. Anh liền bị bịt miệng tới mức máu miệng trào ra. Không nao núng, anh cho tay vào túi lấy ra bài viết ly khai ném cho đám đông. Không có phương tiện diễn đạt nào khác, John Tự do Bẩm sinh đã liên tục giậm chân mình cho đến khi hai giờ tra khảo kết thúc.

Là một người Anh tôi đặc biệt cảm kích trước tấm gương của John Tự do Bẩm sinh và của tất cả những John Tự Do Bẩm sinh khác của chúng ta: John Milton, John Wilkes, John Stuart Mill (và cả George Orwell, cũng một John Tự do Bẩm sinh, trừ cái tên). Rộng ra, không có lý do gì để nói giảm đi hay phủ nhận một truyền thống đặc biệt của phương Tây dũng cảm thúc đẩy tự do ngôn luận mà có thể thấy ngọn nguồn từ Athens cổ đại, qua Anh, Pháp và nhiều nước châu Âu khác, đến Mỹ, Canada và tất cả các nước dân chủ tự do rộng lớn ở phương Tây hiện nay. Nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng thói quen này của con tim chỉ có ở phương Tây. Thực tế, thời gian gần đây ở Anh những thí dụ về sự bất khuất kiên cường này ít thấy, trong khi chúng ta có thể thấy chúng ở nhiều đất nước và nhiều nền văn hóa khác.

Lấy thí dụ nhà ly khai Trung Quốc Lưu Hiểu Ba. Năm 2009 Lưu bị kết án 11 năm tù vì “âm mưu lật đổ chính quyền”. Cả bài viết chống lại việc kết tội ông và bài phát biểu cuối cùng tại tòa, giống như các bài viết trước đó của ông, đều khẳng định một cách rõ ràng và dũng cảm tầm quan trọng then chốt của tự do ngôn luận. Ông không chỉ nói đến truyền thống phương Tây. Chẳng hạn, trong cuốn sách Không kẻ thù, không thù hận (2012) ông đã dẫn ra một huấn thị gồm 24 chữ tượng hình trong truyền thống Trung Quốc: “Hãy nói tất cả những gì ngươi biết, nói thật chi tiết; người nói không có tội, vì người nghe biết suy nghĩ; nếu lời lẽ đúng thì hãy sửa mình; nếu chúng sai hãy sửa chữa”.

Sau khi dành những lời cảm động cho vợ mình (“Được vũ trang bởi tình yêu của em, em yêu, anh sẽ đối mặt được với án phạt mà anh sẽ tiếp nhận với con tim bình thản”), Lưu đã nhìn tới cái ngày “đất nước chúng ta sẽ là xứ sở của tự do ngôn luận: một đất nước ở đó lời nói của mỗi công dân sẽ được tôn trọng như nhau, một đất nước nơi các giá trị, tư tưởng, đức tin và quan điểm chính trị khác nhau có thể cạnh tranh với nhau, thậm chí chung sống hòa bình”. Tòa đã cắt ngang lời ông khi ông chưa nói hết, nhưng Lưu Hiểu Ba Tự do Bẩm sinh, giống như John Tự do Bẩm sinh, vẫn tiếp tục bài nói của mình. Ở đoạn kết Lưu nói: “Tôi hy vọng tôi sẽ là nạn nhân cuối cùng của một quá trình dài ở đất nước Trung Quốc coi ngôn luận là tội ác. Tự do ngôn luận là nền tảng của nhân quyền, là gốc rễ của bản tính con người và là mẹ của sự thật. Giết chết tự do ngôn luận là xúc phạm nhân quyền, là bóp chết bản tính con người và đàn áp sự thật.”

Khi đó Lưu đã là người nổi tiếng, sau bài nói này ông càng nổi tiếng hơn. Năm 2010 ông đã được trao giải Nobel Hòa Bình. Nhưng có lẽ những thí dụ đầy cảm hứng nhất lại là từ những con người không có gì nổi tiếng: những người bình thường làm nên những điều phi thường. Những người như anh công nhân đóng tàu ở Hamburg tại buổi lễ hạ thủy con tàu luyện tập năm 1936 đã từ chối nhập hội những người quanh mình đang làm cử chỉ giơ tay chào Hitler. Khi đó anh đứng giữa một rừng cánh tay giơ ra với hai tay khoanh trước ngực, một bức chân dung về sự kiêu hãnh ngoan cường của người công nhân. Tên anh là August Landmesser. Anh vốn là đảng viên đảng Quốc Xã nhưng sau đó đã bị khai trừ vì cưới một phụ nữ Do Thái và rồi bị tống giam vì đã “vấy bẩn giống nòi”. Sau khi được thả, anh bị đẩy ra mặt trận Thế chiến hai và không bao giờ quay về nữa.

Đây nữa, những thời khắc không theo đúng khuôn khổ phương Tây. Trong phong trào mùa xuân Ả Rập năm 2011 do những người ly khai ở Saudi Arabia khởi xướng. Khi biết có một lực lượng lớn cảnh sát tập trung ở địa điểm đã định tại thủ đô Riyadh thì hầu như không có ai xuất hiện. Nhưng có một người, một thầy giáo tóc đen, thân thể chắc đậm tên là Khaled al-Johani, đã bất ngờ đến gần một nhóm nhà báo nước ngoài. “Chúng tôi cần được nói một cách tự do”, anh hét lên với tất cả nhiệt huyết tích tụ bao lâu bùng nổ. “Không ai có quyền ngăn chặn quyền tự do ngôn luận của chúng tôi”. Trên đoạn clip của hãng BBC quay hôm ấy (có thể xem trên YouTube) thấy có một cảnh sát mật cao to mặc đồ trắng, chùm đầu và đeo kính đen đang len vào đám nhà báo để nghe xem Johani nói gì. Xa hơn một chút, các cảnh sát vũ trang đang thì thào gì đó với nhau. “Bây giờ chuyện gì sẽ xảy đến với anh?” một phóng viên hỏi khi họ hộ tống người giáo viên về xe của anh. “Họ sẽ tống tôi vào tù” al-Johani nói và tiếp thêm một cách mỉa mai: “Và tôi sẽ hạnh phúc”.

Về sau anh đã bị kết án 18 tháng tù.

Ở nhiều nơi chúng ta thấy có những tượng đài “Chiến Sĩ Vô Danh”, nhưng có lẽ chúng ta cũng cần phải có những bức tượng cho “Người Nói Vô Danh”.

(Ngân Xuyên dịch từ tiếng Anh)
Nguồn: «Courage and free speech» / Aeon
Trong hình ảnh có thể có: 2 người, đám đông và ngoài trời

Trong hình ảnh có thể có: 17 ngườiBức ảnh chụp August Landmesser một mình khoanh tay giữa đám đông giơ tay chào kiểu Hitler.

Comments are closed.