(Rút từ facebook của Lưu Trọng Văn)
Đang ngồi bên đê sông Hồng, ngày gió đông về u và ám, nhận tin từ Đà Lạt kiến trúc sư Lữ Trúc Phương đã ra đi.
Lặng. Buồn.
Gã từng ngủ nhiều đêm ở nhà Trăm mái trên đồi Cù mà Lữ Trúc Phương rị mọ suốt nhiều năm tháng để sáng tạo từ ngôi nhà hai mái của mình. Cảm giác được như con chim trong tổ của đại ngàn. Cảm giác như mỗi sớm thức dậy cất được tiếng hót.
Thương quá anh Phương người được gã gọi là Gã Khùng của Đà Lạt, ơi!
Gã nhớ anh cùng gã chiến đấu như thế nào để bảo vệ công trình kiến trúc sáng tạo trăm mái kì lạ mà được nhiều báo chí thế giới ngợi ca này trước những kẻ muốn chiếm đoạt nó và bắt nó trở về… hai mái vì nó dám khác thường.
Vì chính sự khác thường ấy đã dám hút hết khách Tây đến du lịch Đà Lạt thời đó.
Gã đã viết nhiều bài báo trên Lao Động chủ nhật để bảo vệ ngôi nhà Trăm mái của anh.
Gã đã dẫn một đoàn nhà báo lên Đà Lạt phản đối lãnh đạo Lâm Đồng bức tử ngôi nhà dựa theo truyền thuyết Trăm trứng của dân tộc.
Gã ghi nhận nhà báo Trương Văn Khôi đã dũng cảm từ bỏ báo Nhân Dân vì Báo không cho đăng bài báo chống việc phá nhà Trăm mái của mình.
Nhưng tất cả bất lực vì đồng tiền đâm toạc các giá trị văn hoá sáng tạo.
Gã nhớ mãi cái đêm gã cùng anh đi đấu tranh tận Hà Nội về, ghé Đà Nẵng, ngủ chung phản gỗ trong ngôi nhà tượng của Phạm Văn Hạng. Nửa đêm trở mình gã đột nghe tiếng anh thầm khóc.
Gã hiểu anh khóc vì tủi thân thấy bạn mình là Phạm Văn Hạng tự do sáng tạo trong ngôi nhà mình còn anh thì bị phá đổ và tước đoạt cả ngôi nhà rất đẹp trên đồi Cù, vị trí vàng của Đà Lạt, đẩy vợ con anh cảnh không nhà …
Bao lần anh ước mơ được làm lại ngôi nhà trăm mái ấy … Nhưng hôm nay giấc mơ ấy vĩnh viễn chấm dứt rồi.
Giờ đây trên mộ anh chỉ vĩnh viễn một mái thôi – mái cỏ theo mưa nắng úa và xanh …