Dạ Ngân
Một gã tài xế taxi một hãng lớn của Sài Gòn trao cho tôi danh thiếp để gọi thẳng cho cậu ta khi cần. Là vì “Cô ơi ba tháng nay công ty nợ lương, bọn cháu vẫn phải ôm xe để họ tiếp tục nợ”. Là sao? “Là vì ế khách nhưng bỏ việc thì phải nộp lại xe mà mất trắng 3 tháng lương bị nợ, rồi đầu quân hãng nào bây giờ?”
Bắt đầu hành trình hỏi han. Có lẽ người Việt mình mới có kiểu trò chuyện như vậy. “Cháu quê ở Sài Gòn đây nhưng ba má có tới 5 đứa con, ba mất rồi má ở với em út trên đất của cha mẹ trị giá chừng 5 tỷ. Má đang khỏe, các con để yên má được ở như vậy, nếu chia ra theo thừa kế thì má phải vô chung cư mà 5 đứa con chẳng được bao nhiêu, chẳng giải quyết được gì”. “Ờ, các cháu còn biết nghĩ, không như các đứa con trời đánh khi mẹ không bán đất hay chia đất, chúng đốt mẹ hoặc chém mẹ".
Trong lúc chờ ở nút Hàng Xanh ngốt xe giờ cao điểm, gã tài xế tiếp tục tâm tư. “Cháu hai con, vợ ở nhà bán hàng online mỗi tháng kiếm đủ tiền nhà, cháu lo hết tiền ăn uống với học hành của con. Mỗi tháng không có nổi chục triệu là chết đói ở đất Sài Gòn nầy đó cô”. “Vậy nhà thuê mấy triệu?”. “Gọi là chỗ tạm bợ thôi cô, 2 triệu mỗi tháng”. “Hai triệu? Chỗ 2 triệu cho 4 người? Có toa-let không?”. “Làm gì có, toa-let chung ở ngoài”. “Có gác xép không?”. “Không cô, diện có gác xép thì phải nhà vệ sinh trong, chắc chắn phải 4 triệu một tháng! Mà cô biết không, tháng 11 nầy cháu vướng ba đám, một đám cưới của thằng bạn taxi đã giải nghệ sống ở Bình Dương, một đám mừng sinh nhật thằng bạn, một đám đầy tháng con của thằng bạn khác. Cô đi ăn cưới ở Sài Gòn cô bỏ phong bì một triệu đúng không, cháu đi Bình Dương ngoài xăng xe phải mừng năm trăm ngàn, hai đám kia mỗi đám năm trăm ngàn nữa. Nghèo thì khổ đúng không cô?”
Người gọi là phong lưu không phải không có nỗi khổ mà gã taxi vừa nêu. Đám cưới ở Sài Gòn và chắc là ở Hà Nội cũng vậy, không còn là “cơm bụi giá cao”. Thực khách phải tham gia vào trò hoành tráng đua nhau mà các tay khánh tiết ở những chỗ kinh doanh các loại tiệc cưới bày vẽ. Phong bì ít nhất 1 triệu đồng – gã taxi nhẩm tính thay tôi “Ăn gì mà trên năm trăm ngàn mỗi suất, tiền còn lại là để ngửi hoa, để chụp ảnh khoe tùm lum mà còn phải chịu đựng tiếng nhạc tra tấn. Cân bằng chi phí rồi cầm chắc cho đôi trẻ kiếm chút chút nên phải mời ít nhất 300 suất, 500 suất, có nhà còn chơi 700, thậm chí 900 thiếp mời cơ”. Tôi ngồi chua xót, biết nói sao, đành khái quát “Ấy là thuế làm người cháu ơi”.
Câu chuyện bỗng nhảy sang việc ăn. Tôi trách cậu ta việc gì phải sinh nhật bạn, như cô đây, bảy mươi tuổi chưa một lần sinh nhật mình. Do đâu? Do văn hóa người Việt mình là kỷ niệm ngày mất, tức là ngày giỗ, mỗi năm cô có mười lăm đám giỗ mà cô không thể không trực tiếp hoặc vắng mặt được. Còn thôi nôi và đầy tháng, ấy là việc riêng của gia đình, sao mời mọc tá lả, để hạch toán ư? Cậu ta nhại cách nói của tôi khi nãy Thuế làm người mà cô. Rồi bắt đầu tổng kết các thứ ăn của người Việt: Ăn cưới, Ăn giỗ (đã đành), Ăn khai trương, Ăn họp mặt, Ăn kỷ niệm, Ăn sinh nhật, Ăn tân gia, Ăn đầy tháng Ăn thôi nôi, Ăn liên hoan (lên chức, lên học hàm học vị, lên lão…). Đám ma cũng ăn, ăn mấy ngày trời, rồi sau đó là ăn Hai mốt ngày, ăn Bốn chín ngày, ăn Một trăm ngày, ăn Giỗ đầu. Vân vân và vân vân.
Tôi về quê mình. Tưởng thôn quê thì tránh được hàng chục thứ Ăn mà gã taxi Sài thành tổng kết. Không, y nguyên. Rượu đế ngập tràn, nhà nào kỹ đặt rượu có địa chỉ, nhà nào cẩu thả, rượu hàng tạp hóa gần nhất để có thể mua chịu thứ rượu trôi nổi trời ơi đất hỡi. Đám cưới cũng thuê dàn nhạc sống kích động đến mức sui gia hai bên cùng lên lắc hông và ngoáy mông; đám ma cũng dàn nhạc để cải lương mùi mẫn và đêm khuya, bấy giờ mới là karaoke có giới thiệu “các loại giọng ca vàng” cây nhà lá vườn. Heo thịt mỗi ngày một con, ba ngày ba đêm ròng, người ta gọi Ăn cỗ đám ma.
Tôi ra Bắc, có chuyện Ăn sang cát (tức cải táng người thân, gia chủ có tiệc cho bà con họ hàng lối xóm), có Ăn khánh thành các khu mộ đua nhau khu của gia tộc làm sau phải hoành tráng hơn một chút so với gia tộc gần bên. Và có một thứ ăn nữa, Ăn khánh thành các nhà thờ Họ cũng đua nhau mọc lên như nấm sau mưa.
Đi du lịch, vào một quán ăn bất kỳ, lập tức các em chân không dài nhanh tay bê tới một két bia. Nhìn đâu cũng thấy ăn nhậu, rợp trời. Bỗng dưng lên đẳng ngất ngây, bây giờ thì không cần nổ cũng đã được phong là quốc gia Ăn nhậu nhất thế giới! Phải nhất, khao khát vô địch thì nhất đây, Ăn và Nhậu, đẹp mặt thật.
Nguồn: FB Dạ Ngân