T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2022)
Gió Trăng Ngàn – Sáng tác: Hoàng Nguyên
Trình bày: Phương Dung (Pre 75)
ĐỌC THÊM:
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên – Cuộc đời đầy trắc ẩn
Nhạc sĩ được coi là người đội vương miện nhan sắc cho Đà Lạt qua ca khúc "Ai lên xứ hoa đào" này có cuộc đời với nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, kể cả cái chết của ông
Trong lứa nhạc sĩ đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn sau Hiệp định Genève, với giai điệu mang tiết điệu boléro, người ta thường nhắc tới Hoàng Nguyên. Không chỉ viết theo tiết điệu boléro, ca khúc Hoàng Nguyên thời bấy giờ được ưa chuộng vì ông là người đã sử dụng tiết điệu này để viết về xứ Đà Lạt mộng mơ. Đó là "Ai lên xứ hoa đào" và "Bài thơ hoa đào" nổi tiếng. Ông được coi là người đội vương miện nhan sắc cho Đà Lạt.
Sớm mê nhạc – họa
Nghe ca khúc Hoàng Nguyên viết về Đà Lạt, ai cũng nghĩ tác giả hẳn là người sinh ra và lớn lên ở đấy nhưng hoàn toàn không phải vậy.
Vào một dịp đại hội nhạc sĩ Việt Nam ở Hà Nội, nhạc sĩ Huỳnh Anh Kiệt ở Vĩnh Long ra dự. Lúc giải lao, ông kéo tôi ra một góc và thầm thì: "Em phải bỏ thời gian nghiên cứu về cuộc đời Hoàng Nguyên. Ông ấy là người tham gia cách mạng. Đấy là một cuộc đời đầy trắc ẩn". Nghe ông Kiệt nhắc nhở, tôi bắt đầu để tâm đến Hoàng Nguyên.
Hoàng Nguyên tên khai sinh là Cao Cự Phúc, sinh năm 1930 tại xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Dòng họ Cao Cự ở Diễn Bình là một chi của họ Cao Đại Tôn ở Nho Lâm – Diễn Thọ. Ngày 12-8 vừa qua, Chi hội Văn học – Nghệ thuật huyện Diễn Châu đã tổ chức tọa đàm xác định quê hương gốc của Hoàng Nguyên là đây chứ không phải Quảng Trị như từng ghi trong một số tài liệu viết về ông lâu nay. Ông nội Hoàng Nguyên có hai vợ. Cha của Hoàng Nguyên, ông Cao Cự Bành, là con bà cả. Hiện nay, con hai bà vẫn còn vài người đang sống tại xóm 2, xã Diễn Bình. Căn nhà nơi Hoàng Nguyên sinh ra hiện vẫn còn dấu tích.
Hoàng Nguyên mê nhạc và họa từ nhỏ. Ông học trường huyện (nay là Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn), lúc ấy Nghệ An thuộc vùng tự do Khu Bốn. Bởi thế, ông từng được học nhạc của thầy Nguyễn Văn Thương từ Huế ra tham gia Toàn quốc kháng chiến. Hoàng Nguyên còn đem kiến thức nhạc họa dạy cho lớp ít tuổi hơn ở làng. Trong số những người đó có giáo sư Cao Cự Bội (giáo sư đầu ngành của Ngân hàng Việt Nam) – về vai vế trong họ, ông là chú của Hoàng Nguyên nhưng về tuổi tác thì thua 6 tuổi.
Năm 1948, Hoàng Nguyên nhập ngũ và tham gia Văn Công quân đội ở Khu Bốn. Năm 1950, trong số những người "dinh tê" vẫn có những người được ta bí mật đưa vào địch hậu để nhận những nhiệm vụ đặc biệt khác nhau, cài vào cơ quan địch theo nhiều cách thức. Hoàng Nguyên cũng được lãnh trách nhiệm như thế khi theo cha vào Quảng Trị. Từ Quảng Trị, ông vào học tại Trường Quốc học Huế. Để đủ tuổi đi học, lý lịch Hoàng Nguyên đã thay ngày tháng năm sinh là 3-1-1932 và nơi sinh là Quảng Trị. Sau Trường Quốc học Huế, ông vào Đại học Huế được thời gian ngắn rồi bỏ học.
Số phận nổi trôi
Sau Hiệp định Genève, Hoàng Nguyên lên Đà Lạt, dạy học tại Trường Tư thục Tuệ Quang thuộc chùa Linh Quang ở khu số 4 do Thượng tọa Thích Thiện Tấn làm hiệu trưởng. Hoàng Nguyên dạy môn Việt văn và nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là học trò của Hoàng Nguyên lúc đó.
Những năm tháng ở Đà Lạt, Hoàng Nguyên đã viết "Ai lên xứ hoa đào" và "Bài thơ hoa đào". Hai nhạc phẩm này đã ngay lập tức đi vào kinh điển và trở thành 2 trong 3 ca khúc hay nhất về Đà Lạt thời ấy (nhạc phẩm thứ ba là "Thành phố buồn" của Lam Phương). Năm 1956, trong một đợt truy lùng của chính quyền Sài Gòn, Hoàng Nguyên bị nghi vấn có hoạt động chống chính phủ quốc gia vì khi tư gia bị khám xét, cảnh sát tìm được bản "Tiến quân ca" của Văn Cao. Bởi vậy, ông bị bắt và đày ra Côn Đảo.
Ở Côn Đảo, Hoàng Nguyên được chúa đảo mến mộ, đưa về tư gia dạy nhạc và Việt văn cho con gái. Không ngờ, lửa tình giữa chàng nhạc sĩ và ái nữ chúa đảo (19 tuổi) bùng cháy mãnh liệt. Cuộc tình ấy đã cho kết quả là ái nữ chúa đảo mang thai. Chúa đảo đã buộc Hoàng Nguyên phải hợp thức hóa chuyện tình thành chuyện trăm năm và hứa trả tự do cho ông. Như lời hứa của chúa đảo, nhạc sĩ được trả tự do về lại Sài Gòn, vừa dạy học ở Trường Tư thục Quốc Anh vừa sáng tác. Cũng có ý kiến cho rằng rất có thể Hoàng Nguyên vẫn thực hiện nhiệm vụ của tổ chức cách mạng giao vì thực tế, ông chưa bị lộ.
Năm 1961, Hoàng Nguyên theo học tại Đại học Sư phạm Sài Gòn, ban Anh văn. Trong thời gian học đại học, do sớm nổi tiếng, Hoàng Nguyên quen biết Thị trưởng TP Phan Thiết tên là Phạm Ngọc Thìn. Vợ thị trưởng này là nữ diễn viên Huỳnh Khanh, vì mến mộ tài năng Hoàng Nguyên nên nhận ông là em nuôi và nhờ ông dạy kèm cô con gái Phạm Thị Ngọc Thuần. Lại thêm một lần thầy trò yêu nhau. Lần này thì Hoàng Nguyên trở thành con rể của thị trưởng Phan Thiết. Ca khúc "Thuở ấy yêu nhau" ra đời vào năm tháng ấy.
Bên cạnh ca khúc về Đà Lạt, Hoàng Nguyên còn có ca khúc "Tà áo tím" viết về Huế cũng rất nổi tiếng.
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Ảnh: TƯ LIỆU
Câu hỏi lớn chưa lời đáp
Năm 1965, Hoàng Nguyên bị động viên vào quân đội Sài Gòn và được nhạc sĩ Anh Việt giao chủ trì ban nhạc "Hương thời gian" thu hút khá nhiều khán giả. Mặc áo lính nhưng Hoàng Nguyên thường viết tình ca. Ông có cống hiến gì cho cách mạng thì chắc phải đến lúc nào đó, chúng ta mới có thể biết rõ. Nhưng sự ra đi vĩnh viễn của ông vào ngày 21-8-1973 ở Vũng Tàu, dư luận lúc đó cho là tai nạn xe hơi, thì còn đầy nghi vấn. Có ý kiến cho rằng có thể ông đã bị phát hiện và thủ tiêu.
Tương truyền, khi sống, Hoàng Nguyên là người mô phạm và đức độ. Nhưng vì nhiệm vụ, ông đã phải có những mối quan hệ với nhiều người, trong đó có những nữ ca sĩ, khiến bà Hoàng Nguyên nhiều khi rầu lòng. Song, làm sao ông có thể giải thích rõ cho bà hiểu được. Riêng về âm nhạc, ông và bạn bè cùng trang lứa đã đóng góp trong việc phát triển dân nhạc, do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ khởi xướng, thông qua việc "Việt hóa" tiết điệu boléro.
Hoàng Nguyên ra đi quá sớm, ở tuổi 43, khi đang sáng tác sung sức, để lại vợ và 3 người con. Những người bạn thân thiết là các nhạc sĩ Anh Việt, Nguyễn Hiền, Nguyễn Lan Đài và Nguyễn Ánh 9 đã xuất bản một tuyển tập nhạc của nhóm nhằm góp tiền xây bia mộ cho ông. Trong bài viết "Một cung đàn tài hoa bạc mệnh", nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bày tỏ rất tha thiết về thầy mình: "Hoàng Nguyên vĩnh viễn ra đi đã gần nửa thế kỷ, gửi lại cho đời không ít những tác phẩm đáng trân trọng bởi nét nhạc tài hoa và ca từ thấm đậm".
Hoàng Nguyên là một số phận đầy trắc ẩn sau những giai điệu dìu dặt du dương mà ông để lại cho đời. Có lẽ trong lòng những người yêu nhạc sẽ mãi mãi vang vọng những giai điệu kỷ niệm của một thời. Dù Hoàng Nguyên đã ra đi từ 45 năm trước nhưng tôi tin tài hoa của ông đã và sẽ đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam chúng ta nhiều thế hệ nữa.
Di sản âm nhạc đáng tự hào
Nhạc phẩm của Hoàng Nguyên được hát trên các sàn diễn nhiều năm qua, nhất là từ thời mở cửa, đổi mới: "Ai lên xứ hoa đào", "Bài tango cho riêng em", "Bài thơ hoa đào", "Cho người tình lỡ", "Đà Lạt mưa bay", "Đàn ơi xa rồi", "Đi giữa quê hương", "Đừng trách gì nhau", "Đường nào em đi", "Đường nào lên Thiên Thai", "Duyên nước tình trăng", "Em chờ anh trở lại", "Gió trăng ngàn", "Hương thu về", "Lá rụng ven sông", "Nước mắt đêm xuân", "Sao em không đến", "Tà áo tím", "Thuở ấy yêu nhau"… Trong chương trình "Giai điệu tự hào" Xuân 2018, ca khúc "Ai lên xứ hoa đào" của ông được vang lên da diết. Trong buổi tọa đàm về nhạc sĩ Hoàng Nguyên nhân kỷ niệm 45 năm mất của ông, anh em nghệ sĩ và lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã tôn vinh ông với niềm tự hào dành cho người con Diễn Châu nói riêng, Nghệ An nói chung về di sản âm nhạc mà ông đã để lại cho đời.
"Người về thiên cổ vương Đà Lạt/ Tà áo tím chiều Huế mộng mơ/ Châu Diễn cố hương không phai nhạt/ Hồn phách bay về trong nắng mưa".
Nguyễn Thụy Kha
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/nhac-si-hoang-nguyen-cuoc-doi-day-trac-an-20180825210355653.htm