Phan Thúy Hà – Tôi là con gái của cha tôi

Trần Vương Thuấn

CHO NGƯỜI RỜI CUỘC CHIẾN

Phan Thúy Hà, với riêng tôi, đã là một tác giả quan trọng, từ cuốn “Đừng kể tên tôi” nói về người lính Bắc Việt đến cuốn này “Tôi là con gái của ba tôi”. Cả 2 cuốn sách đều ở thể loại phi hư cấu. Sự quan trọng của sách Phan Thúy Hà không đến từ khả năng văn chương, sự tài hoa ngôn ngữ như cách nghĩ về những người kể chuyện, mà đến từ đề tài và sự kiên trì theo đuổi của chị.

Chị đi và viết như một công nhân, một công chức. Chị tận dụng các ngày nghỉ cuối tuần, các dịp đi chơi để phỏng vấn, để gặp gỡ, để tạo các mối liên kết thành sức mạnh khơi thông các câu chuyện giấu kín, các câu chuyện bị ngăn bởi sợ hãi và tuyệt vọng. Chị đối mặt với nỗi sợ hãi của chính mình, nỗi sợ hãi của nhân vật, những phản ứng tệ nhất từ người thân nhân vật hay sự nghi kỵ vẫn còn chất đống sau 44 năm.

71338476_10156603702181439_2863589077179957248_n

Trong sự cần mẫn ấy, chị bám theo đúng một điều: số phận của những người lính tham chiến, những người ở cấp bậc thấp nhất, chịu thương vong trước nhất và bị bỏ quên lâu nhất, ở cả 2 phía, trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nếu “đừng kể tên tôi” là những người tham chiến đã đi đến chiến thắng chung cuộc thì “Tôi là con gái của ba tôi” là hình dung về những người phe thua cuộc, những người bỗng dưng thành giả trá, thành tội đồ, thành nỗi buồn vất vưởng. Câu chuyện về những thân phận chảy từ trong và sau cuộc chiến, nỗi buồn phân hủy ùn lên từ trong và kết tinh sau cuộc chiến. Người đọc không thể tìm các yếu tố bác học, nghiên cứu về trận liệt, chi tiết so sánh ngồn ngộn con số về các trận đánh của chiến tranh Việt Nam, tác giả không phải là nhà nghiên cứu, và sách ấy đã có nhiều rồi. Chiến tranh ở đây, hậu chiến ở đây, hiện ra ở cấp độ vi mô nhất, tàn tạ nhất, bi đát nhất… những người lính đã mất tên từ một ngày tàn cuộc.

Tôi không muốn tiết lộ chi tiết cuốn sách, nhưng có cách nào nói về bi đát nếu không kể. Sau 42 năm lấy chồng, người chồng là một lính dù, một người vợ vẫn còn là trinh nữ. Người chồng ấy, đã rời quân y viện trở về với cái ống thông tiểu quấn quanh bụng trong ngày kết thúc cuộc chiến. Anh lết bộ gần 200km về nhà, sau 2 năm, cái ống ấy đã thành 1 phần của cơ thể anh, không thể tháo gỡ. Rồi mai mối, anh gặp cô, quyết định đến với nhau, anh chỉ cho cô thấy cái ống thay thế cho bộ phận đàn ông, cô khóc lúc ấy nhưng vẫn lấy anh, cô khóc nhiều lần nữa nhưng vẫn đi cùng anh, đi cùng chiếc ống 42 năm trời. “Chiến tranh kết thúc chậm 1 tháng nữa, thì anh ấy đã lành”, ý nghĩ về chiến tranh chỉ còn lại nhiêu đó, nơi chốn bưng biền tít tắp, cô sống với chiến tranh từng giờ, từng đêm.

Rồi người lính địa phương quân, lương không đủ bỏ mồm, cả gia đình nội, ngoại, ba, mẹ lần lượt vướng mìn, vướng trái phá của 2 bên mà chết, anh cụt chân, ngày đi cải tạo về dắt díu vợ con tìm nơi mưu sinh. Đứa con sốt, chỉ có nước cơm đi xin bón, đứa con chết trên đôi tay bất lực. Người bất lực khác đã van xin anh phụ xe đò đá anh xuống đường cho chết đi, đời sống đáng sợ quá. Những gia đình xôi đậu, người em biệt động quân, người anh nhảy núi, cả 2 phe không giữ nổi gia đình tồn tại, ba mẹ 2 anh em chết thảm. Cuốn sách đầy những ám sát, những cái chết khủng khiếp, những phản trắc và vô luân. Một người liệt 48 năm, đã chết từ khi cuộc chiến còn diễn ra vẫn phải kéo lê đời mình đến gần đây, trong địa ngục đày đọa. Tuồng như mỗi người tác giả gặp, là một kho đau khổ, là một núi nỗi buồn, là một rừng mâu thuẫn.

Nhưng sách vẫn còn chuyện để tin, một chuyên gia nhảy toán thám sát, mất một chân vào những ngày gần tàn cuộc, với cái chân lặc lìa anh bám dây của trực thăng bốc toán, súng từ dưới suối dội lên như mưa ngược, anh thoát chết thần kỳ. Nhiều năm sau, một hàng xóm của anh, trong cuộc rượu nhắc chuyện, đã nói gọn hơ “chính tôi là chỉ huy đại đội dưới suối bắn lên ngày hôm ấy”, rồi hai ông chạm cóc, uống cái ực, chứ biết làm gì nữa. Rồi một Đại úy mũ đỏ giờ đang chạy xe ôm ở Sài Gòn, nói tiếng Anh tốt, vẫn nhớ đến chiến tranh qua gương mặt người vợ không thành, người vợ đã chết sau một tan vỡ, trong nỗi đợi chờ người chồng sắp cưới cải tạo về.

Có rất nhiều lý do để thù hận, để oán trách, mỗi sự căm ghét đều cần một lý do, sự hòa giải thì không thế, sự hòa giải chỉ có khi nối tấm lòng thông hiểu với tấm lòng thông hiểu, sự hòa giải đến từ từng cá nhân. Những người lính 2 bên, những người đàn bà mắc kẹt trong gia đình rối rắm ý thức hệ… trong sách, đã gỡ tất cả, yêu quý những cá nhân từng là đối địch.

Sách có đủ những nhân vật lính trốn lính, những người tìm cách sống sót trong mọi hoàn cảnh, những người lính tin tuyệt đối vào vị trí và sứ mệnh của mình, những người tâng công với bên chiến thắng, những người lạnh lùng quay đi, những người hãnh tiến hài lòng với cuộc sống mới, những người chìm trong u uất khôn nguôi… Sự đa diện của nhân vật, đa dạng các hoàn cảnh ấy, có thể sẽ không làm hài lòng cả 2 bên ý thức hệ, những người đã lỡ tin mình duy nhất đúng. Như tôi, với một số trang, tôi cũng đã cau mày khó chịu.

Nhưng không sao, những cuốn sách, sự thật và cuộc sống này, vốn dĩ không có nhiệm vụ làm hài lòng ai cả.

Trần Vương Thuấn

Nguồn: FB Trần Vương Thuấn

Comments are closed.