Phương pháp

(Rút từ facebook của Phapxa Chan)

Bây giờ đây, tôi sẽ nói cho các bạn nghe một số điều trong tư duy chiến lược của tôi liên quan đến cách một phe (có vẻ là) yếu hóa giải áp lực dẫn đến chiến thắng một phe (được cho là) mạnh. Cách tuyệt nhất (thượng sách) để chiến thắng là khiến cho đối thủ không có đối thủ; dưới một chút (trung sách) là khiến đối thủ không thấy được đối thủ; cuối cùng (hạ sách) là khiến cho đối thủ nhanh chóng chiến thắng một đối thủ, sau đó, trong khoảnh khắc không còn mục tiêu chiến đấu, là cuộc phản công bất thần từ một đối thủ tưởng đã thất bại.

Quan sát thời cuộc (chủ yếu qua Facebook), tôi thấy dường như quần chúng đang làm ngược lại; tức là: thấy là đánh (thấy cái gì là đánh cái đó) và đánh là thua. Tại sao thua? Tại mình không ý thức được mình đang đánh cái gì; đánh đúng cái đối phương muốn mình đánh thì rõ ràng là sẽ thua. Đối phương muốn mình đánh cái gì? Đối phương muốn: Nhân dân thì tin tưởng vào “sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để chiến thắng giặc ngoại xâm”; chính phủ thì từ lâu đã là “thần tử” của “thiên triều” (tức là giặc ngoại xâm) và trở thành kẻ thù của nhân dân. Quan sát toàn cục, chỉ thấy dân ta đánh nhau trong quẫn cùng và tuyệt vọng. Đối thủ đang dùng trung sách mà tôi nói ở trên: khiến ta không thấy (hoặc không chạm) được đối thủ vì mải chiến đấu với một con rối, mà con rối đó cũng chính là người của mình. Chúng ta có giỏi lắm thì cũng đi tới được việc khiến đối thủ dùng hạ sách là: cho chúng ta (tưởng là đã) thắng. Và đây là kết quả: Cách mạng thành công, độc lập, tự do, hạnh phúc; chúng ta thắng rồi mà, còn ai mà đánh nữa; bên ta là láng giềng thân hữu mà! Đừng nghĩ đó là chuyện quá khứ, mà phải thấy nó có thể lặp lại trong tương lai. Và vì vậy, hiện tại phải tỉnh táo, hỡi những người yêu nước!

Tiếp theo, tôi xin trình bày tri kiến của tôi về việc hóa giải cục diện nhìn như là không lối thoát trên. Trong binh cơ, không gì hay bằng lấy “gậy ông đập lưng ông”. Nếu đối phương đang dùng trung sách tôi kể trên, thao túng chính phủ để người dân trút toàn bộ sức lực thể chất và tinh thần để chống lại… chính mình thì chúng ta cũng dùng chính trung sách đó để đáp đòn thôi. Nói ra hơi táo bạo, hãy mở trí tưởng tượng giùm tôi trước luận điểm này nhé: Chúng ta hãy để họ lấy những gì họ muốn lấy; cùng lúc, chúng ta hãy nhận diện và phát huy những gì thực sự là của ta mà họ không thể lấy. Câu chuyện sẽ được diễn giải bằng một ẩn dụ thế này: Chúng ta đang sở hữu một thanh bảo kiếm vô cùng quý giá được truyền lại từ tổ tiên nhưng buồn thay, ta lại không chịu học võ để trở thành một kiếm sĩ. Đến ngày có thế lực phát hiện được và muốn tước đoạt nó khỏi tay ta, ta vô cùng khiếp hãi vì sợ mất, ta đem kiếm ra dùng và… chắc đến đây các bạn đã đoán được, ta không biết dùng và vì vậy ta không thể giữ! Đối diện với thảm cảnh đó, ta phải làm sao để xứng là một trí giả? Bảo kiếm là vô giá trị trong tay kẻ không biết dùng, kẻ lười biếng, kẻ chỉ biết tự hào về một dĩ vãng không liên quan đến giá trị thực của mình ngày hôm nay; đó không phải ý muốn của tổ tiên. Không có kiếm sĩ thì cũng không có bảo kiếm! Là kiếm sĩ thì tay không cũng là bảo kiếm! Chuyện thực tiễn là đất đai của chúng ta đang mất dần mất mòn. Chuyện thật đau và thật buồn nhưng lớn rồi, ta không được khóc. Ta phải hỏi nhau tại sao ta lại bị mất dù ta đã ra sức giữ? Tại vì chúng ta không biết dùng. Không biết dùng vì ta không tập dùng. Chung quy cũng tại vì chúng ta lười. Thực ra, nếu xét kỹ, lười cũng không hẳn hoàn toàn là lỗi của chúng ta. Có thể những thế lực muốn xâm chiếm tài sản của một gia đình đông trẻ con và vắng người lớn, đầu tiên, chúng phải dạy hư cho lũ trẻ để chúng không còn ý thức rèn luyện siêng năng nữa. Sự siêng năng tối quan trọng phải đến từ việc tư duy, suy nghiệm, biết đặt những câu hỏi về bản chất. Ở đâu ta tìm được sự rèn luyện tư duy đó, chẳng phải là ở trong triết học ư? Nhưng lẽ nào đó chính là sự thiếu vắng lớn nhất trong khúc quanh lịch sử của dân tộc ta thời đoạn này? Chúng ta đã làm gì để đại bộ phận giới trẻ sợ triết học, thờ ơ trước triết học, bĩu môi với triết học, thấy đó là cái gì xa nhất với đời sống của họ? Trong khi đó, nó hẳn là bộ môn tối quan trọng để rèn luyện tính chịu khó suy ngẫm về bản chất của mọi thứ. Chúng ta đã ưa bỏ qua bản chất để đổ xô, vồ chộp những thứ ngoại vi rồi. Chúng ta đã lười thật rồi! Lười suy tư, lười thực hành, lười phân biện thì chăm chỉ đấu tranh để làm cái gì? Lấy bảo kiếm về lại để thờ và lải nhải bài ca tự hào dân tộc à? Nước mất không bởi giặc ngoài tàn bạo (chính chúng ta cũng từng là kẻ xâm lăng tàn bạo) mà bởi dân trong nước… (các bạn tự điền vào hộ tôi với, nhớ dùng từ ngữ ôn hòa và có học nhé!)

Trở lại với chiến pháp. Hãy để cho đối phương không chạm được vào đối thủ. Việt Nam không phải và không nên chỉ là đất đai, cương thổ; Việt Nam phải là một tinh thần, là một nội hàm bất khả xâm phạm. Chúng ta đã tìm ra được dân tộc tính hiện hữu như một tinh thần chưa? Để tóm tắt, tôi chỉ xin nói một câu về dân tộc của chúng ta: Dân tộc Việt Nam giỏi cởi mở và tiếp thu nhưng kém tinh lọc và phát triển. Chữ quốc ngữ là một ví dụ điển hình; chúng ta cởi mở tiếp thu để có một hệ thống chữ viết rất tiện việc đọc và viết khiến nhiều nước phải ghen tị (như Trung Quốc nhiều lần cố gắng để alphabet hóa chữ viết của họ mà không thể) nhưng không phải vì vậy mà Việt Nam phát triển được một nền văn học đáng tự hào. Nếu có một số phận nào gian nan và đầy phi lý thì có lẽ số phận đó sinh ra liền với đất nước chúng ta. Và nếu tất cả những gì đã qua chỉ là một cơn ác mộng thì bây giờ chúng ta đã tỉnh dậy chưa và chúng ta sẽ làm gì tiếp trong buổi sáng điêu tàn này? Tôi đề xuất chúng ta hãy ngưng dạy con cháu chúng ta khẩu hiệu “Tự hào dân tộc” mà hãy trao cho chúng câu hỏi: “Làm sao để chúng ta tự hào về con?” Nếu con không có gì đáng tự hào thì xin con cũng đừng tự hào gì về tổ tiên của con. Quá khứ của con là vô nghĩa nếu hiện tại con không định nghĩa được giá trị của mình. Bây giờ là cuộc chiến giữa một đối thủ to kềnh và ta. Ta đang hãi hùng vì ngoài một tài sản kế thừa, ta chẳng có gì để định nghĩa về chủ quyền của mình với giá trị hiện hữu của mình. Đất đai của tổ tiên đã chính thức và không chính thức mất đi nhiều phần rồi. Cuống lên cũng chẳng giải quyết được gì vì kế sách của họ đã ấp ủ cả nghìn năm. Qua nhiều lần thất bại và cả những lần ảo tưởng chiến thắng, ta vẫn đi đúng kế hoạch của họ. Chính quyền này có bị lật đổ, họ đã chuẩn bị sẵn một chính quyền khác lên thay thế và dân tộc ta vẫn tổ chức ăn mừng nhưng không biết họ cũng đang tổ chức ăn mừng vì lại lừa được mình một vố nữa. Và chúng ta vẫn không nhìn thấy kẻ thù thực sự. Kẻ thù của chúng ta không phải là ngoại bang mà là sự lười biếng, thiếu tư duy sâu sắc và đặt lòng dũng cảm vào sai chỗ. Nếu chuyển ngược được ba điều trên, thử hỏi ai có thể xâm phạm được chúng ta? Tôi dũng cảm khi nói ngược lại đám đông rằng: Tôi không cần tự hào dân tộc, tôi không tranh cãi với chính phủ bù nhìn. Tôi thậm chí còn không quan tâm đến quốc hiệu hay cờ ba sọc hay cờ sao vàng đang bay trên nóc nhà, tôi quan tâm đến tôi và phẩm chất của tôi. Tôi không quan tâm đến đất dưới chân tôi thuộc lãnh địa của quốc gia nào, tôi đứng ở đâu thì tôi phải có trách nhiệm hết mình với chỗ đó. Tôi không quan tâm đến tôi có bao nhiêu tự do, một mét vuông nhà tù cũng đủ để tôi ngồi xuống và suy tư được một điều sâu sắc. Và thế đấy, tôi đang thi hành thượng sách của tôi, tôi làm cho anh không có đối thủ vì tôi không thù hận anh, không bức xúc anh; tôi không cần đấu tranh với anh thì anh đấu tranh với ai? Anh có thể lấy tất cả mọi thứ của tôi trừ sự tự do vì tự do của tôi luôn ở trong miền tinh thần bất diệt, anh xâm lăng tôi kiểu gì? Nếu ta có thể bảo vệ được chủ quyền và tự do của cá nhân mình như vậy, ta mới xứng đáng là một người xây dựng và bảo vệ nước nhà. Còn không chúng ta vẫn loay hoay và không biết làm gì ngoài việc cãi nhau với những con rối bởi vì chúng ta cũng là những con rối.

Tự do là thứ không bao giờ nên kêu gào người khác đem đến cho mình. Yêu cầu người khác đem tự do đến cho mình là minh chứng của kẻ không bao giờ có tự do. Ví dụ khi đám đông đang nhốn nháo về vấn đề an ninh mạng, tôi tự thấy mình chẳng phải giấu diếm bất cứ điều gì để mà phải hốt hoảng và bức xúc. Thậm chí tôi còn nghĩ ngay đến chuyện nếu bớt được truy cập internet lại là một chuyện đại hỷ; tôi sẽ đọc sách giấy nhiều hơn, sẽ đi thăm hỏi bạn bè nhiều hơn và nói chuyện không thông qua bàn phím. Tôi đã sẵn sàng cho cả đến ngày nước ta bị cắt toàn bộ internet chứ không chỉ riêng Facebook. Người tự do phải luôn sẵn sàng cho mọi thứ xảy đến để thay vì nhìn nó như những lí do để than phiền và trách móc thì lại thấy chúng là những tiềm năng mới. Sao chúng ta không kiến nghị một điều luật để toàn dân ngưng dùng internet trong vài ngày trong tuần nhỉ? Chết ai đâu, ngày xưa chưa có internet nhưng sao lại có nhiều triết gia và nhiều tác phẩm đồ sộ đến thế? Tại sao bây giờ nghĩ đến chuyện giảm thiểu chút chút mà ta lại run sợ như vậy? Tinh thần dân tộc phải là: Không có internet vẫn sống tốt và thậm chí tốt hơn. Tôi nhắc lại kẻ xâm lăng sẽ đến với chúng ta trong những bước đầu rất ngọt ngào để làm cho chúng ta ngày càng biếng lười và mộng mị. Internet chính là kẻ cứu rỗi lại cũng chính là kẻ xâm lăng tùy thuộc vào “tinh thần dân tộc” của chúng ta. (Internet được lấy làm ví dụ để minh họa cho thái độ cụ thể tôi muốn nói chứ tôi không chủ trương ủng hộ luật an ninh mạng hay bài trừ internet.)

Trong quá khứ, chúng ta đã có những quãng lười biếng, thiếu tư duy sâu sắc và đặt lòng dũng cảm vào sai chỗ nên sự thể ngày hôm nay mới bê bết như vậy. Nhưng từ ngày hôm nay chúng ta có thể làm khác. Chúng ta hãy học hỏi người Nhật dạy con cháu rằng chúng ta không có gì cả ngoài một tinh thần bất bại. Chúng ta có thể nói tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn nhưng chúng ta có một lối hành xử riêng, lối hành xử của một kẻ đã đi qua quá nhiều đau thương từ sự ngu dốt và bị thống trị; chúng ta đã từng vùng dậy nhưng thay vì giải phóng được dân tộc thì ta chỉ giải phóng được sự dã man, tàn ác của con người; và chúng ta sẽ không hành xử như thế nữa vì chúng ta đã hiểu sâu sắc thế nào là đau khổ và thất bại rồi. Và thế đấy, dù là hạ sách, nhưng hãy chuẩn bị cho một phản công từ một kẻ đã mất tất cả. Đây là giờ phút để nói thật: Hãy nghĩ luôn là chúng ta đã mất nước rồi đi. Mất rồi thì còn sợ mất gì nữa. Chỉ khi chấp nhận là mất rồi, ta mới có sự sáng suốt của kẻ không sợ mất và phát hiện ra ta chỉ mất đi nỗi sợ hãi và bắt đầu xứng đáng với vài thứ thực sự thuộc về mình. “Đàn bà ba mươi mới đẹp” – đàn bà mất trinh mới đẹp. Lúc đó cuộc phản công sẽ bắt đầu. Đó sẽ là một cuộc phản công không thể chống đỡ nổi. Chúng ta phản công bằng cách kiên quyết sống tốt dù bất cứ điều gì xảy ra. Chúng ta sẽ cần mẫn sản xuất một con ốc vít tốt nhất thế giới chứ không phải một tiến sĩ ngu nhất thế giới. Họ có dọa đánh, dọa giết, mua chuộc, chúng ta vẫn kiên quyết làm bằng được một con ốc vít thật tốt. Nếu không được làm tốt, chúng ta sẵn sàng tự tử! Ai làm được gì ta nào? Đó là tinh thần dân tộc, đó thực sự là một cuộc phản công.

Tôi chẳng bao giờ chờ đợi bất cứ điều kiện nào đến để bắt đầu làm những gì tôi muốn. Và tôi cũng mong bạn như vậy nhưng nếu bạn vẫn còn lúng túng thì…

_ Cụ thể chúng ta sẽ bắt đầu như thế nào?
_ Tôi đã bắt đầu viết và bạn đã bắt đầu đọc và chúng ta đã bắt đầu cùng suy nghĩ.
_ Nhưng chúng ta sẽ tiếp tục như thế nào?
_ Tôi sẽ viết tiếp và bạn sẽ đọc tiếp và chúng ta cùng nhau thực hành.
_ Chỉ viết và đọc là đủ ư?
_ Không phải Chúa cũng sáng thế từ Lời hay sao?

Comments are closed.