2000 thuật ngữ Tâm lý học (63)

Hoàng Hưng

631. Fragmentation of thinking: (sự) Vỡ vụn tư duy

Một rối loạn liên kết được coi như triệu chứng chính yếu của bệnh tâm thần phân liệt. Diễn trình tư duy trở nên lẫn lộn đến mức không thể có được các hành động hay ý nghĩ hoàn chỉnh. Hình thức nhẹ hơn là chỉ có thể trả lời các câu hỏi một cách chung chung hơn là cụ thể.

632. Free love: Tình yêu tự do

Thói quen dấn thân vào những quan hệ tính dục không có ràng buộc về pháp lí hay bất kì cam kết chung thuỷ hay thường trực nào. Những người biện hộ cho tình yêu tự do nhấn mạnh quyền biểu hiện tính dục của cá nhân và đôi khi biện minh cho những hình thức chọn lựa khác nhau về hôn nhân và gia đình.

633. Free recall: Hồi ức tự do

Sự tìm lại thông tin từ kí ức mà không có sự giúp đỡ của các manh mối, và do đó thường tương phản với hồi ức có manh mối (cue recall). Thuật ngữ cũng được dùng cho việc tìm lại một số khoản mục thông tin theo bất kì trật tự nào, trái với hồi ức theo chuỗi (serial recall).

634. Free response: Đáp án tự do

Trong phép đo lường tâm lí (psychometrics), là đáp án cho một khoản mục đo nghiệm mà người trả lời không bị bắt buộc, trái với đáp án mà người trả lời chọn giữa một loạt lựa chọn.

635. Freudian slip: (sự) lỡ, nhịu (nói, viết, hành động) theo Freud

(trong cách hiểu của đại chúng về thuyết phân tâm) Một lỗi hay sơ sót vô thức trong khi nói, viết hay hành động được cho là có nguyên nhân từ những thôi thúc không thể chấp nhận, đột phá khỏi những sự phòng vệ của Cái Tôi và bộc lộ những mong muốn hay tình cảm thật của cá nhân.

636. Fringe consciuosness: Ý thức lề

Các khía cạnh trải nghiệm thiếu những phẩm chất giác tri (tri giác) tập trung (màu sắc, cấu tạo bề mặt, mùi vị) nhưng được tường trình với độ tự tin và chuẩn xác cao. Các trải nghiệm lề hết sức đa dạng, từ những cảm nhận về sự nỗ lực, hiện tượng đầu lưỡi (tip-of-the-tongue phenomena: biết rõ về cái gì đó nhưng không nhớ ra là cái gì) và cảm nhận biết những cảm nhận huyền bí.

637. Frotteurism: (sự) Cọ xát tà dâm

Một tật chứng tà dâm có đặc trưng là những phóng (huyễn) tưởng, sự thôi thúc hay hành vi tính dục mãnh liệt lặp đi lặp lại liên quan đến việc sờ soạng hay cọ xát vào những người không thuận tình, thường là ở những nơi công cộng đông đúc.

638. Frustation-aggression hypothesis: Giả thuyết thất vọng-hung hãn

Một phỏng đoán, thoạt tiên được đưa ra bởi nhà Tâm lý học Mĩ John Dollard (1900-80) và bốn đồng nghiệp trong sách Thất vọng và hung hãn (Frustration and Aggresion) năm 1939, hình thức mạnh mẽ nhất là sự xúi giục hành vi hung hãn luôn luôn bao hàm sự thất vọng và sự thất vọng luôn dẫn đến sự hung hãn.

639. Frustration tolerance: Sức chịu đựng cản trở

Năng lực chịu đựng sự căng thẳng, giữ tương đối bình thản khi gặp các cản trở và đợi chờ phần thưởng. Sự gia tăng sức chịu đựng thất vọng thích đáng là nét nổi bật của sự phát triển bình thường về thức nhận (nhận thức) và tình cảm; sự kém chịu đựng trở ngại là chỉ dấu điển hình sự yếu kém về phát triển hay sụt giảm và mất mát ở những trình độ thích nghi cao hơn, có thể được tăng cường hay phục hồi thông qua trị liệu.

640. Fugue: Thời kì bán ý thức

Một thời kì ngắn trong đó cá nhân có vẻ rơi vào trạng thái bán ý thức (semiconscious state), đôi khi dấn vào hoạt động theo lối mòn, và hậu quả là không nhớ những việc xảy ra trong thời kì ấy. Điều kiện này được liên kết điển hình với chứng động kinh nhưng có thể xảy ra trong những điều kiện khác, như ngộ độc do rượu và kích thích giảm trương lực (catatonic excitement).

Comments are closed.