Tô Hoài, đứa con của người mẹ họ lại làng Nghè

Lại Nguyên Ân

Người ta đã viết nhiều và hẳn sẽ còn viết nhiều nữa về nhà văn Tô Hoài, nhưng có một điều hầu như chưa ai viết tuy không ít người biết, – ấy là chuyện Tô Hoài là con của một bà mẹ họ Lại làng Nghè, chuyện Tô Hoài sinh ra và lớn lên ở làng Nghè, trong nhà ông bà ngoại…

Tôi biết chuyện này một cách tự nhiên, mặc dù tôi không phải quê quán ở đây, nhưng họ Lại làng Nghè, tức là thôn Trung Nha, làng Nghĩa Đô, là cùng một họ với tôi. Từ khoảng năm 1958, ba tôi, – một người nghiên cứu phả hệ họ mình, – đã tìm đến Nghĩa Đô, tìm đến gia đình cụ Lại Phú Be và con trai cụ là Lại Phú Bàn; qua đối chiếu nguồn gia phả chi phái mình với nguồn gia phả họ Lại nơi đây, cả hai bên đã nhận ra cư dân họ Lại làng tôi (ở Phù Đạm, Phù Vân, Kim Bảng, Hà Nam) và cư dân họ Lại làng Nghè (Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Đông, sau thuộc Hà Nội) đều là hâu duệ của mấy anh em ruột thuộc đời thứ 9 của dòng họ Lại có xuất xứ ở đất Hà Trung (Thanh Hóa) đã “Bắc tiến” từ thời nhà Lê.

Còn nhớ, khi tôi nhận được giấy báo thi đỗ vào ngành Văn, khoa Khoa học xã hội của Đại học tổng hợp Hà Nội, ba tôi bảo sẽ kết hợp đi công tác lên Bộ (Bộ Tài chính) để đưa tôi tựu trường, nhân thể, sẽ đưa tôi lên Nghĩa Đô thăm cụ Be, bác Bàn… “Trên ấy bảo có ông nhà văn Tô Hoài là cháu ngoại họ Lại ta ở Nghĩa Đô đấy!”

Trong họ tôi, người ta ghi nhớ không chỉ những người nổi tiếng là nội tộc mà còn ghi nhớ cả những người cháu ngoại, – những người mà thường là chỉ trong nội tộc mới biết đó là con của những bà mẹ họ mình.

Những người quê làng Nghĩa Đô đều biết Tô Hoài sinh ra và lớn lên tại làng này, tại nhà ông bà ngoại là cụ Trương Thuận (Lại Phú Thuận). Cụ ông Lại Phú Thuận từng làm chức trương tuần hay đấy chỉ một hư vị mà sống theo thời thì phải mua lấy để đừng bị gọi bằng những danh xưng khinh mạn, – điều này không ai biết chắc. Chỉ nhớ nhà cụ chính là ngôi nhà hầu như duy nhất xây bằng gạch vồ ở làng Nghè còn lại tới ngày nay, dù đã thuộc chủ khác. (Gạch vồ, là gạch tường thành bị phá dỡ sau khi Thăng Long không còn là kinh đô, và được vua Nguyễn đổi tên thành Hà Nội).

Hồi tiền khởi nghĩa 1944, Tô Hoài và Nam Cao từng đưa những Trần Huyền Trân, Như Phong, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Quốc Hương… về ngôi nhà này họp hội nghị Văn hóa Cứu quốc, nghe Trần Độ phổ biến ‘Đề cương về văn hóa Việt Nam’, 1943, của Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương và ‘Chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa’, 1944, của Tổng bộ Việt Minh. (Tô Hoài: ‘Những năm 1943-45’, trong sách ‘Những gương mặt’, H.: Nxb. Hội nhà văn, 1995, tr. 276-301).

Cụ Lại Phú Thuận có tới 6 người con, nhưng vợ chồng cụ lại sinh con một bề, tất cả đều là gái; trong số các con cụ Thuận có bà Lại Thị Lại là mẹ Tô Hoài. Bà không phải con đầu lòng, cũng không phải con út. Không ai còn nhớ bà đi làm dâu quê chồng rồi mới cùng chồng trở về ở nhà cha mẹ đẻ hay chồng bà đến ở rể ngay từ đầu. Dân làng không ai còn nhớ tên bà, chỉ gọi bà theo tên con trai: bà Sen (họ tên thật của Tô Hoài là Nguyễn Sen); người ta biết rõ Tô Hoài sinh ra và lớn lên chính tại làng Nghè, tại chính ngôi nhà của ông bà ngoại, và vì là đứa cháu trai duy nhất có mặt trong nhà nên rất được yêu quý. Tô Hoài có một cô em gái, đã mất vì bệnh lao, trước hay sau 1945 (như ông thoáng cho biết trong bài hồi ký kể trên).

Một trong nghề thủ công chính của cư dân làng Nghè cũng như cư dân vùng tây nam Hồ Tây (3 làng Yên Thái, Đông Xã, Hồ Khẩu thuộc tổng Bưởi) là làm giấy. Riêng họ Lại làng Nghè từ thời Lê đã được độc quyền làm giấy sắc, chủ yếu là để bán cho triều đình. Theo truyền tụng trong dòng họ, vị thủy tổ sinh ra chi họ ở đây làm rể của Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1623-57). Có thể chính mối quan hệ thông gia với họ nhà chúa (chúa Trịnh) đã giúp chi họ Lại ở đây được kế tiếp nhau (từ Lê Trịnh qua Tây Sơn đến đầu Nguyễn) giữ chức Ngự dụng giám Kim tiên cục, đặc trách chế biến và cung cấp giấy sắc cho triều đình.

Cái tên nôm của làng Nghè dường như cũng mô tả một trong những công đoạn nhiều người tham gia nhất trong việc làm giấy sắc: nghè giấy, – giải thích đơn giản là dùng búa nện đều lên mặt giấy để tăng độ kết dính bền chắc cho tờ giấy. (giấy sắc để làm những sắc phong của triều đình là loại giấy dày, được tạo ra bằng cách xếp chồng nhiều lớp giấy dó mỏng lên nhau rồi nghè, tức nện nhiều lần bằng búa cho dính chắc vào nhau tạo thành tờ giấy dày cứng, có thể giữ nguyên hàng trăm năm).

Đến thời Nguyễn, nhất là từ khi Pháp đô hộ (1858), chức vụ nói trên bị phế bỏ để thay bằng các nhà thầu. Tuy vậy riêng giấy sắc thì nhà thầu vẫn phải mua của họ Lại ở Nghĩa Đô. Thời điểm rầm rộ nhất là dịp vua Khải Định làm tứ tuần đại khánh (1924), ban sắc cho bách quan bách thần cả nước nên cần tới trên 10.000 tờ giấy sắc các loại, cả chi họ làm liên miên suốt mấy tháng ròng.

Gia đình ông Lại Viện còn làm giấy sắc cho đến năm 1944; hãng của ông cũng làm các loại giấy khác, kể cả giấy in. Ngày nay ai xem kỹ những cuốn sách in trước 1945, sẽ gặp một số cuốn sách mà ở trang signet (xi-nhê, tức trang đánh dấu sách) cuối sách còn ghi rõ: sách được in bằng “giấy Lại Viện”, kèm mấy chữ Pháp “papier royal” giấy hoàng gia!), – cho thấy nhà sản xuất muốn lưu vào đấy cái oai thừa của tiền nhân.

Đầu thời đổi mới mở cửa, nghề giấy sắc được khuyến khích phục hồi, tất nhiên chỉ như một nghề thủ công mỹ nghệ, ít người làm nhưng nên duy trì. Đầu những năm 1990, mỗi lần tôi lên thăm đều thấy bác Lại Phú Bàn đang ngồi làm giấy sắc; bác không làm công đoạn nghè giấy — công đoạn ấy nay cũng đã chuyển giao cho người vùng khác được rồi –, bác chỉ ngồi tô vẽ nền giấy của tờ giấy sắc. Vẽ mây, vẽ rồng ẩn hiện trong mây, cũng phải có tay nghề riêng. Không ngẫu nhiên cuối đời bác Lại Phú Bàn được phong là nghệ nhân nghề giấy sắc. Sau bác, các con bác, chị Hà, anh Phú Thạch đều làm nghề gắn với giấy sắc.

Thời Tô Hoài mới bước vào nghề văn, quanh vùng Bưởi cũng có không ít người thử tài thử vận may trong nghề văn (gần đấy có Vũ Trọng Can), rốt cuộc thì Tô Hoài thành công nhất, điều ấy đã quá rõ.

Tôi biết, hồi những năm 1970-80, ở ngay đầu chợ Bưởi vẫn có một ông thợ cắt tóc kiêm viết văn; ông viết khá đều những bài ngăn ngắn, bài ca dao, mẩu chuyện nhỏ,… gửi các báo ‘Thời mới’, ‘Hà Nội mới’, đôi khi được báo đăng, được một khoản nhuận bút nho nhỏ.

Khách hàng thường được nghe ông nhận xét về văn chương Tô Hoài, đôi khi ông khoe Tô Hoài vừa ghé thăm ông, trò chuyện với ông về quyển văn xuất bản mới nhất của mình. Khách hàng có người chăm chú tán thưởng câu chuyện của người thợ cạo có nghề phụ là viết văn kia, cũng có người vừa nghe vừa lặng lẽ mủm mỉm cười, như thể đã nghe nhiều lần lắm, “biết rồi, biết rồi”.

Quanh vùng Bưởi này, ai thích đọc báo đọc sách thì đều thường hay truyền tai nhau tin tức về sáng tác của nhà văn Tô Hoài, là vì người ta biết ông là “người vùng này”. Tại những đám giỗ chạp trong vùng đất ven thành này, người vẫn ở làng với người đã ra ở phố gặp nhau, trong đám viên chức có chút Tây học hay trong đám thanh niên háo hóng chuyện thời sự, Tô Hoài và sáng tác của Tô Hoài vẫn thường là đầu đề để người ta trò chuyện. Và nếu như Tô Hoài có mặt trong một đám như thế, chẳng hạn tại một nhà họ Lại nào đó, câu chuyện sẽ càng rôm rả. Đừng tưởng rằng người ta đã phục tài nhà văn này thì khi gặp mặt, tác giả sẽ chỉ được nghe thuần có lời khen ngợi đâu! Trái lại, càng trong chỗ người quen, người ta lại càng hay chất vấn, sao anh viết chỗ này thế kia, chỗ kia thế này, như thế là ý gì… Và tác giả, giữa những người họ ngoại này, tốt nhất là cười trừ, trong khi những độc giả quen biết lại được dịp cao giọng.

Tô Hoài có làm gì để ‘trả nghĩa’ cho làng Nghè hay chăng? – có người hỏi tôi thế. Tôi bảo chắc chắn là có, nhưng một cách lặng lẽ thôi. Hồi năm 1958, khi giới nhà văn được đưa đi thực tế công nông trường, có mấy nhà văn (Quang Dũng, Trần Lê Văn, v.v…) được ‘đi thực tế’ ở các làng ven Hồ Tây; ngay sau đó thấy xuất hiện những bút ký về vùng này, nhấn mạnh đặc sản nông nghiệp và thủ công nghiệp, trong đó có nghề làm giấy. Chẳng biết có phải do Tô Hoài, một trong những cốt cán của Hội nhà văn, đã ‘vẽ đường’ cho Quang Dũng, Trần Lê Văn, – những người đầu tiên trở lại viết loại bút ký phong tục dân sinh này? Chính loại bút ký dân sinh phong tục này sau đó đã trở thành một mảng đề tài cho nhiều cây bút trong Hội văn nghệ Hà Nội, nơi Tô Hoài sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch trong nhiều năm; họ không chỉ viết bút ký, họ còn viết những sách khảo sát mang tính địa chí văn hóa. Những hồ sơ để vinh danh các làng nghề, các nhân vật văn hóa trong các vùng đất ven đô, tiến hành đầu những năm 2000, theo tôi, đã được gợi ý từ những trang văn ghi chép văn vật phong tục từ những năm 1960.

… Ngày 28/9/2006, Bộ Văn hóa Thông tin ra quyết định số 79/2006/QĐ-BVHTT xếp hạng di tích quốc gia nhà thờ tổ nghề giấy sắc thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Một ngày tạnh ráo trong tháng 10/2006, họ Lại phường Nghĩa Đô làm lễ đón bằng di tích. Khi các phần nghi lễ hoàn tất xong xuôi, người trong họ và các khách thân lưu lại từ đường, cùng nhau uống chén rượu ‘thụ lộc’. Tôi bước vào sân ngôi từ đường họ Lại Nghĩa Đô mà từ nay đã được nhà nước công nhận là di tích của tổ nghề giấy sắc. Các vị ở ban tổ chức vội dẫn tôi len qua các dãy bàn ăn đầy chật người để vào trong nhà từ đường, tới gian bên phải. Ở đó, cùng với ông Lại Đạt, người vừa thay mặt các thế hệ hiện tại của họ Lại ở Nghĩa Đô đọc bài cáo với tổ tiên về vinh dự mà cả họ vừa được nhận, ngồi quanh mâm này còn có chuyên gia biên soạn phả Lại Cao Nguyện và hai vị khách từ trung ương: GS Vũ Khiêu và nhà văn Tô Hoài!

Tất nhiên người trong họ Lại Nghĩa Đô không coi Tô Hoài là khách. Từ lâu tuy Tô Hoài ra ở ngoài phố (nhà ông ở phố Đoàn Nhữ Hài, gần hồ Thiền Quang) chứ không ở trong làng, nhưng ông thường vẫn về đây thăm thú người thân. Hôm ấy ông tham gia lễ đón bằng di tích vừa như một thành viên cộng đồng được vinh danh, vừa như người trong hàng những cháu ngoại họ Lại đến chia vui với bà con họ Lại Nghĩa Đô.

10/9/2010

Nguồn: FB Lại Nguyên Ân

Comments are closed.