Thuật ngữ chính trị (10)

Phạm Nguyên Trường

Political Dictionary – The Bridge

Chữ cái B

1. Ba’athism – Ba’athism có nghĩa là “phục hưng”, một ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa của người Arab, thúc đẩy việc hình thành và phát triển nhà nước duy nhất trong thế giới Ả Rập dưới quyền lãnh đạo của đảng tiền phong. Xã hội theo ý thức hệ Ba’athism tìm kiếm sự khai sáng và phục sinh văn hóa, giá trị và xã hội Ả Rập. Ý thức hệ này ủng hộ việc thiết lập nhà nước độc đảng và bác bỏ chủ nghĩa đa nguyên chính trị. Ba’athism dựa trên các nguyên lí của chủ nghĩa dân tộc Ả Rập, chủ nghĩa Đại Ả Rập và chủ nghĩa xã hội Ả Rập. Đây là hệ tư tưởng thế tục. Nhà nước Ba’athist ủng hộ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, ủng hộ việc nhà nước nắm các đỉnh cao chỉ huy trong nền kinh tế, nhưng phản đối tịch thu tài sản tư nhân. Trong ý thức hệ Ba’athist, chủ nghĩa xã hội không có nghĩa là chủ nghĩa xã hội nhà nước hay bình đẳng về kinh tế; những người Ba’athists khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất để làm phát triển thế giới Ả Rập thành khu vực tự do và thống nhất.

2. Back – Bencher – Ghế sau trong Viện Thứ dân của Anh, dành cho các thành viên bình thường của Quốc hội, những người không có bất cứ chức vụ gì trong chính phủ và hay trong các đảng đối lập.
3. Balance of Power – Cân bằng quyền lực. Cân bằng quyền lực là một trong những thuật ngữ lâu đời nhất của trường phái hiện thực trong quan hệ quốc tế. Thuật ngữ này có ảnh hưởng quan trọng đến việc hoạch định chính sách đối ngoại của các quốc gia, đồng thời cũng giải thích nguyên nhân dẫn đến sự thiết lập những trật tự thế giới mới. là một trong những thuật ngữ lâu đời nhất của trường phái hiện thực trong quan hệ quốc tế. Khi tiếp cận theo nghĩa là một nguyên tắc, thì “cân bằng quyền lực” là trạng thái của hệ thống quốc tế mà ở đó không có một quốc gia nào có sức mạnh áp đảo so với các quốc gia khác. Trạng thái này có thể được thiết lập thông qua việc tạo ra một thế đối lập với quốc gia hoặc nhóm quốc gia mạnh nhất bằng việc hình thành một đối thủ hoặc một liên minh có sức mạnh tương đương. Ý tưởng đàng sau cân bằng quyền lực khá đơn giản. Các nước sẽ lưỡng lự trước việc khởi động chiến tranh với một đối thủ có khả năng chiến đấu và chiến thắng ngang bằng (đối xứng) với mình vì nguy cơ thất bại là khá cao. Khi một nước hoặc liên minh các nước mạnh hơn hẳn so với các quốc gia thù địch (bất đối xứng), xác suất xảy ra chiến tranh là khá cao.
4. Balkanization – Balkan hóa hay đọc theo phiên âm tiếng Việt Ban-căng hóa, là thật ngữ địa chính trị để chỉ quá trình chia cắt một vùng hay một nước thành những vùng hay nước nhỏ hơn, mà thường thù nghịch hay không hợp tác với nhau. Từ này cũng được dùng để chỉ sự tan rã của một tập thể như công ty, trang mạng…
Thuật ngữ Balkan hóa xuất phát từ việc bán đảo Balkan vốn hầu hết nằm dưới quyền cai trị của Đế chế Ottoman bị phân tách trong thời kỳ từ đầu thế kỷ XIX thành những quốc gia nhỏ độc lập. Năm 1829 Hi Lạp tuyên bố độc lập; năm 1878 đến lượt Montenegro, Serbia và Rumani; năm 1908 là Bungari. Từ Balkan hóa xuất hiện trong thời gian này. Nam Tư sau các cuộc nội chiến, cuối thế kỉ XX, lại chia ra thành Bosna và Hercegovina, Croatia, Macedonia, Montenegro, Serbia, Slovenia, nhà nước Kosovo cũng đã được một số quốc gia công nhận.
Balkan hóa cũng đã xảy ra ở các vùng đất khác, như ở châu Phi trong những năm 1950 và 1960 sau khi các đế chế thuộc địa của Anh và Pháp ở đây tan rã. Đầu thập kỷ 1990, quá trình Balkan hóa diễn ra ở Liên Xô, dẫn tới việc thành lập các quốc gia như Armenia, Azerbaijan, Belarus, Estonia, Gruzia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Litva, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraina, Uzbekistan, trong đó có nhiều quốc gia bất ổn do có sự pha trộn sắc tộc, dẫn tới bạo lực giữa các sắc tộc.
5. Ballot – Lá phiếu. Lá phiếu được sử dụng trong cuộc bầu cử, đây là một mảnh giấy hay một quả bóng nhỏ được dùng trong cuộc bỏ phiếu kín. Mỗi cử tri có một lá phiếu. Trong các cuộc bầu cử đơn giản nhất, một lá phiếu có thể là một mẩu giấy đơn giản mà mỗi cử tri viết tên một ứng cử viên, nhưng các cuộc bầu cử vào các cơ quan nhà nước, hoặc cơ quan công cộng, người ta thường sử dụng các lá phiếu được in sẵn để bảo vệ bí mật phiếu bầu. Cử tri bỏ phiếu bầu vào hòm ở địa điểm bỏ phiếu.
6. Banana Republic – Cộng hòa chuối là thuật ngữ khoa học chính trị dùng để chỉ quốc gia có nền chính trị bất ổn ở Mĩ Latin với nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào việc xuất khẩu một loại sản phẩm nhất định nào đó, ví dụ như chuối, khoáng sản,…. Xã hội trong nước cộng hòa chuối thường phân hóa thành tầng lớp lao động đông đảo nhưng nghèo khổ và một tầng lớp thống trị gồm các thương gia, chính trị gia và tướng lĩnh giàu có. Bọn quả đầu thống trị này kiểm soát khu vực khu vực sản xuất sơ khai của nền kinh tế bằng cách bóc lột sức lao động của nhân dân; như vậy, cụm từ cộng hòa chuối là một thuật ngữ mang thái độ miệt thị đối với nền độc tài hèn hạ, xúi dục và ủng hộ cho văn hóa lót tay, lại quả, bóc lột các đồn điền nông nghiệp diện rộng, đặc biệt là trong khai thác chuối.
Trong lãnh vực kinh tế, cộng hòa chuối là quốc gia có nền kinh tế theo chủ nghĩa tư bản nhà nước, mô hình kinh tế mà đất nước đang hoạt động như một doanh nghiệp thương mại tư nhân để tìm kiếm lợi nhuận độc quyền của giai cấp thống trị. Sự bóc lột như vậy được thực hiện bằng sự thông đồng giữa Nhà nước và những công ty độc quyền kinh tế được hưởng ân huệ, trong đó lợi nhuận thu được từ việc khai thác theo lối tư nhân đối với các vùng đất công cộng là sở hữu tư nhân, trong khi nhà nước phải thanh toán các khoản nợ phát sinh từ đó.
7. Banzhaf index – chỉ số Banzhaf. Chỉ số Banzhaf hay còn gọi là chỉ số quyền lực Banzhaf, được đặt theo tên John F. Banzhaf III, đôi khi cũng được gọi là chỉ số Penrose–Banzhaf; hoặc Chỉ số Banzhaf–Coleman, là chỉ số được xác định bởi xác suất thay đổi kết quả của cuộc bỏ phiếu/biểu quyết trong trường hợp quyền biểu quyết không nhất thiết được chia đều giữa những người biểu quyết hay các cổ đông. Để hiểu phương pháp chỉ số Banzhaf, xem Leech (1988, 2003), Crama và Leruth (2007), Levy (2009, 2011), Levy và Szadfarz (2012).
8. The Barnett formula là cơ chế được Bộ Tài chính Vương quốc Anh sử dụng để tự động điều chỉnh chỉnh lượng các khoản chi tiêu công được phân bổ cho Bắc Ireland, Scotland và xứ Wales nhằm phản ánh những thay đổi về mức chi tiêu được phân bổ cho các dịch vụ công cộng ở Vương quốc Anh. Công thức áp dụng cho nhiều lĩnh vực, nhưng không phải tất cả, trong ngân sách của các chính phủ trong năm 2013-2014, nó áp dụng cho khoảng 85% tổng ngân sách của Quốc hội Scotland.
9. Base-Superstructure – Cơ sở hạ tầng – Thượng tầng kiến trúc. Cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng là những yếu tố có quan hệ biện chứng với nhau trong phép duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đây là hai yếu tố quan trọng trong học thuyết về hình thái kinh tế-xã hội.
Cơ sở hạ tầng trong chủ nghĩa duy vật lịch sử, là tổng hợp những quan hệ sản xuất tạo thành cơ cấu kinh tế của một xã hội nhất định. Thông thường, cơ sở hạ tầng của một xã hội ở một giai đoạn lịch sử nhất định bao gồm ba loại quan hệ sản xuất: quan hệ sản xuất thống trị, quan hệ sản xuất tàn dư, quan hệ sản xuất mầm mống (tương lai) – trong đó, quan hệ sản xuất thống trị quy định, chi phối các quan hệ sản xuất còn lại.
Cần phân biệt thuật ngữ cơ sở hạ tầng này với tư cách là phạm trù triết học với thuật ngữ cơ sở hạ tầng thường sử dụng, đó là cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng trong đời sống như điện, đường, trường, trạm… chúng chủ yếu sử dụng là nền tảng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và nó thuần túy là vật chất hữu hình.
Kiến trúc thượng tầng hay Thượng tầng kiến trúc là một khái niệm trong chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx và Ph .Ăng-ghen đưa ra dùng để mô tả toàn bộ hệ thống kết cấu các hình thái ý thức xã hội cùng với các thiết chế chính trị-xã hội tương ứng, được hình thành trên một cơ sở hạ tầng nhất định. Theo đó, kiến trúc thượng tầng là toàn bộ những quan điểm chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật, v.v. cùng với những thiết chế xã hội tương ứng như nhà nước, đảng phái, giáo hội, các đoàn thể xã hội, v.v.
Cơ sở hạ tầng quyết định
Cơ sở hạ tầng quyết định nội dung và tính chất của kiến trúc thượng tầng, nội dung và tính chất của kiến trúc thượng tầng là sự phản ánh đối với cơ sở hạ tầng. Tương ứng với một cơ sở hạ tầng sẽ sản sinh ra một kiến trúc thượng tầng phù hợp, có tác dụng bảo vệ cơ sở hạ tầng đó.
Tính chất của kiến trúc thượng tầng là do tính chất của cơ sở hạ tầng quyết định. Trong xã hội có giai cấp, giai cấp nào thống trị về kinh tế thì cũng chiếm địa vị thống trị về mặt chính trị và đời sống tinh thần của xã hội.
Các mâu thuẫn trong kinh tế, xét đến cùng, quyết định các mâu thuẫn trong lĩnh vực chính trị tư tưởng; cuộc đấu tranh giai cấp về chính trị tư tưởng là biểu hiện những đối kháng trong đời sống kinh tế. Tất cả các yếu tố của kiến trúc thượng tầng như nhà nước, pháp quyền, triết học, tôn giáo, v.v. đều trực tiếp hay gián tiếp phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, do cơ sở hạ tầng quyết định.
Vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng đối với kiến trúc thượng tầng còn thể hiện ở chỗ: cơ sở hạ tầng thay đổi thì sớm hay muộn, kiến trúc thượng tầng cũng thay đổi theo.
Cơ sở hạ tầng quyết định sự biến đổi của kiến trúc thượng tầng, những biến đổi trong cơ sở hạ tầng tạo ra nhu cầu khách quan phải có sự biến đổi trong kiến trúc thượng tầng; do đó sự biến đổi của kiến trúc thượng tầng là sự phản ánh đối với sự biến đổi của cơ sở hạ tầng. Tính chất phụ thuộc của kiến trúc thượng tầng vào cơ sở hạ tầng có nguyên nhân từ vai trò quyết định của kinh tế đối với toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của xã hội.
Tuy cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, kiến trúc thượng tầng phù hợp với cơ sở hạ tầng, nhưng đó không phải là sự phù hợp một cách giản đơn, máy móc. Toàn bộ kiến trúc thượng tầng, cũng như các yếu tố cấu thành nó đều có tính độc lập tương đối trong quá trình vận động phát triển và tác động một cách mạnh mẽ đối với cơ sở hạ tầng.
Tác động trở lại
Sự tác động của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng diễn ra theo hai chiều. Nếu kiến trúc thượng tầng tác động phù hợp với các quy luật kinh tế khách quan thì nó là động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, nếu tác động ngược lại, nó sẽ kìm hãm phát triển kinh tế, kìm hãm phát triển xã hội.
10. Bay of Pig – Vịnh Con Lợn. Sự kiện Vịnh Con Lợn (còn có tên là La Batalla de Girón, hoặc Playa Girón ở Cuba), là chiến dịch đổ bộ thất bại ở bờ biển phía tây nam Cuba năm 1961 do những người Cuba lưu vong có tư tưởng chống Cộng được CIA huấn luyr65n nhằm lật độ chính phủ của Fidel Castro.
Kế hoạch được tiến hành vào tháng 4 năm 1961, chưa đầy ba tháng kể từ khi John F. Kennedy nhậm chứ tổng thống Hoa Kì. Quân đội Cuba, được sự huấn luyện và trang bị từ các quốc gia thuộc Cộng sản, đã đánh bại đội quân lưu vong trong vòng ba ngày. Quan hệ Cuba – Hoa Kì đã xấu còn tiếp tục tồi tệ hơn sau đó với Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Comments are closed.