Lại Nguyên Ân
sưu tầm và biên soạn
9. VŨ ÐỨC PHÚC
Tranh luận về tập thơ Việt Bắc: Hoàng Yến chưa nắm vững vấn đề hiện thực
Ý chính trong bài phê bình của Hoàng Yến (đăng trong Văn nghệ số 65) là: "Tập thơ Việt Bắc có hiện thực không?" Vấn đề quan trọng ở điểm này.
Sở dĩ tôi phải nhắc lại vấn đề và nhấn mạnh là vì theo tôi hiểu, Hoàng Yến trong khi phê bình thơ Tố Hữu, đã nhiều lần rơi vào chủ nghĩa tự nhiên hoặc chủ nghĩa lãng mạn. Ðó là việc tôi sẽ chứng minh sau.
Ngay cách Hoàng Yến đặt vấn đề "Tập thơ Việt Bắc có hiện thực không?" cũng chưa được rõ. Bởi vì có hai thứ hiện thực: Hiện thực phê bình và hiện thực xã hội chủ nghĩa (còn gọi là hiện thực mới nữa).
Trong bài này, để bạn đọc dễ liên hệ ý của tôi với ý của Hoàng Yến, tôi cũng tạm dùng hai tiếng "hiện thực" không thôi, nhưng xin hiểu là "hiện thực xã hội chủ nghĩa".
Vấn đề thứ hai cần phải nêu lên khi phê bình một tác giả, không thể dựa vào một ý muốn chủ quan của mình rồi bắt buộc người được phê bình phải có thêm những cái mà họ không thể có. Mở đầu cho bài phê bình, Hoàng Yến nêu lên: "Tập thơ Việt Bắc chủ yếu là tập thơ kháng chiến. Sự sống trong thơ là sự sống nhiều mặt của cuộc kháng chiến toàn diện, toàn dân. Tình cảm trong thơ là những tình cảm lớn của con người kháng chiến đồng thời cũng là những tình cảm lớn của thời đại". Nếu sau khi đọc tập thơ mà có cảm tưởng như vậy (như anh Xuân Diệu) thì đó là quyền của người ta. Nhưng đặt một cái nhiệm vụ rất to lớn ấy cho tập thơ, trước khi đi vào phê bình, dựa vào đó mà phê bình như ta kiểm thảo việc thực hiện nghị quyết, như vậy là một phương pháp phê bình hết sức chủ quan. Ta không nên đòi hỏi một chiến binh có tài phải là một chỉ huy có tài nữa, cũng như không thể nói rằng khuyết điểm của đại tướng Võ Nguyên Giáp là không bắn được "bách phát bách trúng". Người ta hay đòi hỏi nhà văn nghệ những đức tính mà họ không thể có, những điều mà họ không thể biết, do chỗ khả năng con người nói chung và những cá nhân nói riêng, dù có phát triển tột bực và đúng hướng, cũng chỉ có hạn. Nếu theo ý muốn của mình mà phê bình thì có thể chỉ trích "bạt mạng" bất kỳ một nhà văn siêu việt nào.
Riêng về Tố Hữu, mặc dầu người ta vẫn ca tụng anh như thế nào cũng chưa từng biểu lộ tham vọng gói ghém "tất cả tình cảm của thời đại" vào trong một tập thơ rất là mỏng. Ðứng về phía độc giả mà nói, thì được đọc một bài thơ hay, nói lên một tình cảm sâu sắc gì đó, ta cũng đủ cám ơn tác giả rồi. Dù Tố Hữu có là thánh đi chăng nữa, cũng không thể quan niệm đọc Tố Hữu là không cần đọc ai nữa cũng đủ cho tất cả buồng tim, thớ thịt của mình rung chuyển theo thời đại.
Dựa trên hai quan niệm căn bản ấy tôi xin góp ý kiến về tập thơ Việt Bắc đồng thời chống lại một vài nhận xét của Hoàng Yến mà tôi cho là không đúng.
Bắt đầu ngay vào bài “Phá đường”, Hoàng Yến cũng bắt đầu phê bình với tình cảm phá đường trong bài thơ đó. Bài thơ “Phá đường” được phổ biến từ Bắc chí Nam. Riêng một điều đó cũng nói đủ rồi. Bài “Phá đường” không tả chàng thanh niên mà lại tả một phụ nữ nông dân có con mọn, việc nhà neo bấn. Từng ấy nét là những nét rất điển hình, rất dân tộc, rất hiện thực. Cũng vì vậy nên bài “Phá đường” không phải chỉ có tác dụng động viên người ta đi phá đường mà thôi; mà anh cán bộ, anh đội viên, người dân công đi phục vụ, v.v… nói tóm lại tất cả những người phải "tranh đấu tư tưởng" ít hay nhiều, để phục vụ cách mạng, để thanh toán những thắc mắc phổ biến như gia đình, vợ con, việc nhà neo bấn… những người đó cũng thấy bài thơ gần gụi với mình. Ngay bây giờ bài thơ cũng còn truyền cảm và có tác dụng. Ðó là chỗ đạt của bài thơ, không phải là khuyết điểm.
Ðó là tác dụng nâng cao trình độ tư tưởng của văn nghệ hiện thực.
Hoàng Yến có nói một người anh em nào đó có làm bài thơ “Ðắp đường” na ná như bài “Phá đường” rồi kết luận: "Tôi tự hỏi như thế thì tình cảm của con người "phá đường" trong kháng chiến và "đắp đường" trong hòa bình khác nhau ở chỗ nào?" Nhưng trước khi đối chiếu hai bài, Hoàng Yến quên không nghĩ tới một vấn đề căn bản là bài “Ðắp đường” nào đó là một bài thơ "tồi". Hai nữa, Tố Hữu không làm một bài “Ðắp đường”, nhưng khi hòa bình được lập lại, anh làm bài “Ta đi tới”:
Ðường ta rộng thênh thang tám thước.
Nếu nghiên cứu bài “Phá đường” và bài “Ta đi tới” sẽ trả lời được câu hỏi của Hoàng Yến. Một bài nói về phá đường, chờ giặc Pháp tấn công; một bài nói về những con đường rộng thênh thang mới đắp, đi đến độc lập, tự do, thống nhất. Hai bài, hai giai đoạn lịch sử, tình cảm làm sao giống nhau được? Ngay bây giờ, thí dụ Hoàng Yến cần đọc bài thơ “Phá đường” cho một người lạ nghe, tất nhiên cũng phải nói đến tới hoàn cảnh nào, thời kỳ nào mới có con người ấy, tình cảm ấy trong thơ Tố Hữu. Một bài như vậy có tác dụng trong các công tác khác như đắp đường trong thời bình chẳng hạn, thì chỗ đó chỉ chứng tỏ tính chất hiện thực của nó. Nhưng nếu theo kiểu "bài hát ta theo điệu tây" trong thời kỳ 1936-1940 rồi viết ra một bài “Ðắp đường” như người anh em nào đó thì bỗng đâm ra nhạt phèo. Lấy một tỉ dụ: trong thời kỳ hòa bình hiện nay, nếu cần phải đắp đường, cái thắc mắc về neo bấn, về vợ mọn con thơ v.v… có thể là thứ yếu và nhiều khi không thành vấn đề, mà tinh thần vui vẻ xây dựng, quyết tâm phấn khởi đi tới thống nhất, độc lập, tinh thần căm thù Mỹ có thể là tình cảm nổi bật. Thực tế trong hoàn cảnh hiện nay Chính phủ tổ chức mọi người đi công trường kiến thiết đường giao thông, nói chung là có áo rét hẳn hoi, mà nếu lại hạ câu "Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế" thì thật là lạc điệu và dớ dẩn.
Cách nhằm vào một bài thơ đã được nhân dân cách mạng hưởng ứng lâu rồi mà phê phán như Hoàng Yến, không nâng cao quan niệm của anh về nghệ thuật chút nào và chỉ tỏ ra vụng về. Theo ý tôi, nếu ta hiện thực một chút, nếu ta quả là "thực sự cầu thị", thì phải nghiên cứu, phân tách một bài thơ đã trải qua thử thách như bài “Phá đường” để học lấy kinh nghiệm làm thơ thì phải hơn.
Hoàng Yến lại đưa ra mấy câu thơ sau này để đề cao và đối chọi với bài “Phá đường”:
Lấy búa mà bửa chân trời
Lấy dao mà chặt lìa đôi nhịp cầu
Thà rằng cách trở sông sâu.
Ðưa ra mấy câu thơ như vậy làm tiêu chuẩn thực là nguy hiểm cho nền thơ dân tộc. Mấy câu đó có gì là hiện thực hơn bài thơ Tố Hữu. Dù gọi là một kiểu tìm "hình ảnh" theo đúng "mỹ từ pháp" [1] cũng không thể tưởng tượng, so sánh việc phá đường với lấy búa bửa chân trời, hoặc một cái cầu trên sông sâu mà có thể cầm dao chặt lìa đôi như một cây ta bắc qua lạch được. Cái kiểu nói "quá đi một tý" theo những câu trên, dù phân tách thế nào cũng không thể tìm thấy "hiện thực" ở chỗ nào được. Tình cảm giả tạo của nó biểu lộ rõ ràng.
Một câu thơ nữa mà Hoàng Yến đưa ra để chọi với bài “Phá đường”:
Con đường số Bảy của tao
Nó đi theo giặc tao đào nó đây
Ðồng chí du kích nào sáng tác ra câu đó mà hò, cũng không ai kiểm duyệt. Nhưng để đối chọi với bài “Phá đường”, chỉ tìm được những câu như thế, đề cao lên là thơ hiện thực thì không hiểu quan niệm về thơ hiện thực của Hoàng Yến như thế nào? Con đường mà ta phá đi cho giặc không lợi dụng được, không mấy người quan niệm là "nó đi theo giặc". Nói hẳn rằng quan niệm như thế sai. Ðã sai sao gọi là hiện thực? Hai câu đó chỉ là một cách ví von ấu trĩ. Nhân dân sáng tác truyền khẩu từ khi lập quốc đến nay có đến hàng triệu triệu bài như những câu thơ trên, trong đó cái số ca dao còn lại và được truyền tụng chỉ là một số ít thôi. Còn như hai câu mà Hoàng Yến ca tụng chỉ là đọc ra rồi để quên đi. Mặc dầu người đọc rộng lượng đến thế nào chăng nữa, giàu óc tưởng tượng đến đâu nữa, cũng rất ngạc nhiên khi thấy Hoàng Yến gán ghép cho hai câu trên là "thấm thía xót xa", "phản ảnh được cuộc sống sinh động muôn vẻ muôn màu".
Trong vở hài kịch của Mô-li-e nhan đề là “Phụ nữ kiểu cách lố bịch” có tả một đoạn một anh đầy tớ giả làm quan lớn tên là Mát-ca-ri đến đọc thơ cho hai cô ả kiểu cách là Ca-tốt và Ma-đờ-lông nghe. Tôi xin tạm dịch đoạn văn "điển hình" đó ra đây:
"MÁT-CA-RI (đọc thơ):
– Chao ôi, chao ôi! Tôi không chú ý đề phòng:
Trong khi, không có tình ý gì, tôi nhìn cô
Con mắt của cô, rình mò, chộp ngay quả tim tôi
Ô kẻ trộm! ô kẻ trộm! ô lũ trộm! ô kẻ trộm!
CA-TỐT. – Trời! Thật là diễn tả việc ca tụng đến tột bậc của nó.
MÁT-CA-RI. – Tất cả những cái tôi sáng tác đều có vẻ khoáng đạt tự do, không có gì là sách vở cả.
MA-ĐỜ-LÔNG. – Thật là xa sách vở đến hai nghìn dặm ấy chứ lại.
MÁT-CA-RI. – Các chị có chú ý đoạn ra mở đầu "Chao ôi, chao ôi!" chăng? Như thế mới là khác đời: "Chao ôi, chao ôi!" như là một người bỗng nhìn chợt nhận ra. "Chao ôi, chao ôi!" đó là cách diễn tả sự ngạc nhiên. "Chao ôi, chao ôi!".
MA-ĐỜ-LÔNG. – Phải, tôi nhận thấy chữ "Chao ôi, chao ôi!" đó thật đáng khen ngợi.
MÁT-CA-RI. – Thoạt nghe, tưởng chừng như đáng chú ý.
CA-TỐT. – Trời! Sao lại nói thế? Những câu thơ như thế thật là quý vô giá!
MA-ĐỜ-LÔNG. – Ðúng rồi còn gì nữa; tôi ước mong sáng tác được mấy chữ "Chao ôi! Chao ôi!" đó hơn là làm một thiên anh hùng ca…"
Hai câu:
Con đường số Bẩy của tao
Nó đi theo giặc tao đào nó đây.
mà Hoàng Yến đã tán tụng là "… phản ảnh đúng được cuộc sống sinh động muôn vẻ muôn màu: Có thế mới gợi lên được những tình cảm vĩ đại kết tinh từ trong máu lửa, nước mắt mồ hôi, rèn luyện qua bao nhiêu thử thách trong cuộc kháng chiến anh dũng trường kỳ". Hai câu trên và ý kiến của Hoàng Yến làm tôi nhớ lại đoạn văn trên của Mô-li-e và tôi có nhận định chắc chắn rằng Hoàng Yến đã rơi vào lập trường của ả Ma-đơ-lông, cách xa hiện thực xã hội chủ nghĩa đến ba thế kỷ, và có lẽ lại còn cũ kỹ hơn cả Ma-đơ-lông nữa.
Nói về anh bộ đội, mặc dầu Tố Hữu đã nói tới trong nhiều bài: “Bà mẹ Việt Bắc”, “Lên Tây Bắc”, “Bao giờ hết giặc”, “Bắn”, “Voi”, “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”, v.v… và nhiều bài thơ dịch của anh; mặc dầu là đã nói nhiều như thế, cũng chỉ nói được phần nào về anh bộ đội của ta, không thể nói hết được. Chúng ta muốn đòi hỏi phải nói hết, cũng không được. Anh em bộ đội chờ đợi, đòi hỏi Tố Hữu nói nhiều chỉ là vì thơ của Tố Hữu đã đi sâu vào lòng anh bộ đội, không phải là khuyết điểm. Tố Hữu chưa thấm thía mối tình đồng đội thì anh không thể viết ra được. Nhưng về phía khác, những bài thơ của anh tả tình cảm bà mẹ nhớ con đi bộ đội, tả bộ đội nhớ mẹ già, thật là thấm thía, chưa ai viết được như anh. Về mặt ấy, chính Hoàng Yến cũng phải công nhận là Tố Hữu đã thành công. Nhưng Hoàng Yến có nêu lên mấy câu thơ sau đây trong bài “Lên Tây Bắc” của Tố Hữu:
Lại những ngày đi vắt với sương
Ngô bung xôi nhạt, nước lưng bương
Ðêm mưa rình giặc tai thao thức
Mùa lại mùa qua, rét nhức xương
Nêu lên như vậy, Hoàng Yến nhận định là mấy câu thơ đó "bàng quan và bất lực". Cách nhặt mấy câu trong một bài thơ chủ yếu không phải là tả cảnh khổ của bộ đội, mà là tả tình cảm một người đi theo bộ đội đánh giặc, cách nhặt mấy câu như trên rồi kết luận là "bàng quan và bất lực", là chưa nắm được nội dung chính của bài thơ. Bài thơ không phải như một cuốn tiểu thuyết có thể nói lan man kỹ lưỡng về nhiều vấn đề. Nội dung chính của bài “Lên Tây Bắc” là nói lên tình cảm tin tưởng, ngưỡng mộ, phấn khởi của người đi theo bộ đội:
Tôi ngồi không ngủ nghe anh thở
Khe khẽ lòng ngân lên tiếng thơ
Không thể đòi hỏi một bài thơ như thế đi sâu vào tả cảnh chịu đựng gian khổ của bộ đội. Ta phải đòi hỏi ở tác phẩm khác, tác giả khác, hoặc chọn lọc trong số thơ của bộ đội. Không phải cái gì cũng hỏi anh Tố Hữu. Nếu đòi hỏi đi sâu vào những ý phụ, bài thơ có thể lại mất nội dung chính của nó và như thế là hỏng.
Cũng như đối với bài “Bắn”, thì phê bình của Hoàng Yến cũng không hiện thực chút nào. Tố Hữu có tả người lính khi chuẩn bị nhìn đồn địch trên khoảng đất đỏ, thèm thuồng thấy "ngon như một đĩa thịt bò tươi". Hoàng Yến căn cứ vào chỗ bộ đội ít được ăn thịt bò tươi, bảo rằng câu thơ đó xa lạ đối với chiến sĩ. Thực tế người ta thèm thuồng những cái gì ít khi được hưởng thụ. Chính vì ít khi anh bộ đội được ăn thịt bò tươi, anh thèm thịt, nên ví cái đồn địch như một đĩa thịt bò tươi là rất đúng. Cái cảm giác "thèm thuồng đồn địch" mà chiến sĩ cần phải có đó, cũng là tính chất hiện thực mới. Vì nó có tác dụng nâng cao tư tưởng người đọc ở chỗ thèm thuồng diệt địch cho nên nó mới. Anh bộ đội hay ao ước "chất" nhất, mà "chất" nếu không là thịt lợn thì thường là "thịt bò", cho nên câu thơ đó hiện thực. Lời phê bình của Hoàng Yến làm cho người ta có cảm giác rằng chính tư tưởng Hoàng Yến mới xa lạ với tình cảm của bộ đội mặc dầu trong thực tế Hoàng Yến có thể gần anh bộ đội hơn.
Cũng trong bài “Bắn” có mấy câu sau:
Bao đồng chí của ta bay đã giết
Chặt đầu cắm cọc phơi khô
Chị em ta, bay căng thịt lõa lồ
Con em ta bay quăng chân vào lửa
Lúa ngô ta bay cướp về cho ngựa
Xóm làng ta bay đốt cháy tan hoang!
Hoàng Yến trích mấy câu đó, rồi phê phán: "tác giả đã tổng kết sự việc trên tài liệu". Nói như vậy trước hết là thiếu "thực sự cầu thị", tức là không hiện thực chút nào. Ðọc một bài “Em bé Triều Tiên” cũng hiểu tác giả có một mối căm thù rộng lớn và sâu sắc. Ngay bài “Bà mẹ Việt Bắc” cũng tả rất cụ thể tội ác của giặc. Ngay dưới mấy câu thơ trên đây, Tố Hữu còn viết một câu kết tinh lòng căm thù mà Hoàng Yến đã cắt nghĩa một cách độc đoán:
Chúng bay cười?
– Ðến giờ chưa đồng chí?
Một người đã vào sinh ra tử trong bao nhiêu năm trời, nếm trải mọi mùi tàn ác của đế quốc, chứng kiến bao nhiêu cảnh dã man mà chúng gây ra, một người như Tố Hữu phải đâu là người không cảm thông được nỗi căm hờn giặc, dù là chỉ nghe chuyện mà hình dung ra sự việc. Một người như vậy nếu ta kết luận là "tổng kết sự việc trên tài liệu", thì cũng nên suy nghĩ một chút.
Hai nữa, cũng như bài “Lên Tây Bắc”, nội dung chính trong bài “Bắn” không phải là tả lan man về mối căm thù của anh bộ đội. Nếu trong lúc bắn pháo, mà anh bộ đội lan man như thế thì anh bộ đội bắn trượt mất, mà người tả như thế là một nhà thơ mơ mộng chứ không hiện thực chút nào. Anh bộ đội sắp bắn, phải hết sức chú mục vào việc bắn. Cảm giác chính là thèm thuồng, bồn chồn, những hình ảnh căm thù chỉ thoảng qua và thúc đẩy anh nóng ruột thêm.
Chúng bay cười?
– Ðến giờ chưa đồng chí?
Bồn chồn như vậy, căm thù như vậy mà vẫn phải cẩn thận, bình tĩnh để "còn trông còn ngắm từng ly", để "sửa lại cho ngay nòng súng". Hình ảnh bọn địch chắc chắn sẽ bị tiêu diệt làm cho anh càng sốt tiết thêm, đầu "cháy bùng lên như cục lửa". Tất cả những tình cảm đó, Tố Hữu đã nhận xét rất tinh, rất thực tế. Ðọc xong bài thơ, chúng ta hình dung ngay được một cảnh khoái trá là một tràng đạn đại bác oàng oàng rơi vào đầu địch. Một bài thơ như vậy, không thể trích một vài câu như trên, một vài câu khía cạnh, rồi kết luận là tác giả "tổng kết sự việc trên tài liệu" được.
Ðể nêu lên cái tình đồng đội, Hoàng Yến có nhắc tới mấy câu thơ sau của một chiến sĩ:
Ðêm nay gió rét lạnh lùng
Cắt tầu lá chuối lót lưng đỡ đầu
Anh ơi! ôm lấy lưng tôi
Chúng ta đùi cặp lấy đùi cho nhau.
Mấy câu thơ đó có thể làm bộ đội bật cười về cái hình ảnh "đùi cặp lấy đùi". Nhưng cũng không thể đặt mấy câu đó lên trên thơ Tố Hữu và gọi nó là hiện thực mới được. Chỗ này Hoàng Yến đã lầm lẫn "chủ nghĩa tự nhiên" với "hiện thực mới". Rét quá lại thiếu chăn thì anh nào dù không có cảm tình với nhau mà chẳng phải quặp lấy nhau mà ngủ, mà chẳng phải kiếm một thứ rơm, rạ, lá lẩu gì đó mà lót lưng, cứ gì phải có "tình đồng đội", phải "gắn bó keo sơn" hơn là Lưu, Quan, Trương, mới biểu hiện ra như thế. Trong hàng vạn bài thơ, ca dao của chiến sĩ, chọn mấy câu thơ ấy đặt lên trên thơ Tố Hữu, làm cho người ta có thể hiểu nhầm thơ bộ đội toàn thế cả. Ðó là việc đuổi ruồi cho bạn ngủ ngon bằng cách ném tảng đá vào con ruồi đậu trên mũi bạn. Mấy câu thơ đó nâng cao tư tưởng ở chỗ nào mà bảo là "hiện thực mới"?
Hoàng Yến còn nói: “Nội thi phẩm phản ánh được thời đại phải trào lên những giòng thơ hừng hực[2] chiến đấu, đỏ rực[3] căm thù, có mãnh lực động viên kích thích hàng triệu người ra mặt trận đấu tranh.
Ðọc xong Việt Bắc, hình ảnh để lại trong lòng ta là những hình ảnh đèm đẹp, ý nhị, nhẹ nhàng, khía rung động sâu sắc nhất là khía mến thương thắm thiết, tâm tình. Phần lớn các câu thơ đều có dáng dấp hiền lành, dìu dịu.
Ðối chiếu với cuộc sống mãnh liệt đi băng băng như con ngựa phi, cuồn cuộn như giòng thác đổ [4] , thơ Tố Hữu còn bước đi thong thả, giòng thơ còn trôi chảy lặng lờ. Ðôi lúc cũng có sóng xao nhưng đó chỉ là những sóng nhỏ vỡ bờ”.
Ðoạn văn phê bình trên đây chứa đựng nhiều sai lầm. Hoàng Yến muốn Tố Hữu phải là một người làm những thiên anh hùng ca thật là kêu gào. Ðiều đó không phải là nên khuyến khích. Những bài kêu gào, rất nhiều hình dung từ chồng chất, vị tất đã đi sâu vào lòng con người như những bài thắm thiết, sâu sắc. Thời đại chúng ta anh hùng thật; nhưng mà tả nó trước hết phải chống lại xu hướng lãng mạn đã hết thời (không phải là lãng mạn cách mạng không mâu thuẫn gì với hiện thực xã hội chủ nghĩa mà còn nằm trong đó) và xu hướng kêu gào, gầm thét rỗng tuếch. Thử đọc những bài thơ tuyệt tác của Si-mô-nốp, những bài Tố Hữu đã dịch cũng như bài dân ca Nam Tư, những bài đó nói tới chuyện nhớ nhung, chuyện nhớ của cha mẹ, vợ chồng, con cái, rất thắm thiết, cho nên cũng rất anh hùng. Tố Hữu, theo tôi, đã có những bước tiến bộ về mặt ấy. Ta thử đọc lại bài “Ly rượu thọ” cũ của anh (1935) sẽ thấy hình ảnh Mã Chiếm Sơn ít nhiều còn nhuốm màu anh hùng chủ nghĩa: tác giả tả Mã Chiếm Sơn như một vị thiên thần. Giai đoạn lịch sử đó thực tế có phải như chuyện "thần thoại" đó đâu? Rứt bỏ được khuyết điểm cũ đó Tố Hữu đã chắc chắn vững vàng hơn xưa nhiều.
Do nhận xét đó, mấy câu thơ sau đây của Tố Hữu trong bài “Việt Bắc”, dù chưa phải là hay nhất, nhưng cũng không thể bắt tội là "khí thơ đoản, hơi thơ đuối" như Hoàng Yến hạ bút phê phán được:
Những đồng Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc những đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Tả như trên là thấm thía. Nếu theo Hoàng Yến cần phải tả: "Việt Bắc oai hùng, cái đất thần thánh thiêng liêng [5] của cách mạng" không khéo chỉ là thêm một số hình dung từ ồn ào mà thôi. Nhiều người quan niệm các vị lãnh tụ cách mạng, các anh hùng chiến sĩ của ta một cách rất "lãng mạn", đến khi gần gũi các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm, lại không thấy gì là giản dị hơn, thân mật hơn. Thực tế như vậy, phải thức tỉnh các nhà văn nhà thơ lãng mạn tưởng tượng những chuyện lay trời chuyển đất như chuyện Lý Nguyên Bá tung đôi trùy nặng tám trăm cân lên đánh trời.
Xuân Diệu, theo ý tôi, cũng đòi hỏi Tố Hữu những cái mà Tố Hữu không thể có, hay Tố Hữu đặt xuống hàng thứ yếu. Xuân Diệu có phê bình nhược điểm thơ Tố Hữu là nhẹ về tình cảm cá nhân mà nặng về tình cảm xã hội. Theo ý Xuân Diệu, tình cảm cá nhân (căn cứ theo bài phê bình của anh) là tình yêu và sự chết.
Trước hết, quan niệm về thơ trữ tình, bó hẹp tình cảm cá nhân trong tình yêu, thiên nhiên và sự chết như kiểu Guýt-sta-vơ Lăng-xông (Gustave Lanson) đó đã cũ lắm rồi. Tình yêu Tổ quốc, yêu nhân loại, yêu giai cấp, cùng với tình yêu gia đình vợ con, bè bạn, bố mẹ v.v… theo đúng hướng của nó cũng đặt vào phạm vi thơ trữ tình. Theo quan niệm hiện thực xã hội chủ nghĩa mà nói, rất khó phân biệt tình cảm xã hội và tình cảm cá nhân. Chỉ có tình cảm tiến bộ và tình cảm lạc hậu. Ái tình cũng có hai mặt đó. Chính Xuân Diệu cũng nhận là "tình cảm từng cá nhân khi đã đúng hướng tiến bộ của toàn xã hội, cần được diễn tả vào sâu đến khía đặc biệt, vì những tình cảm đó đều tiềm tàng một ý nghĩa xã hội".
Như vậy là trong chỗ này, Xuân Diệu công nhận khó phân biệt tình cảm cá nhân và xã hội, nhưng ở trên, anh lại phân tách độc đoán ra hai loại tình cảm khác nhau và trách Tố Hữu nặng mặt nọ nhẹ mặt kia.
Riêng về Tố Hữu, nhận định như Xuân Diệu cũng không đúng. Tố Hữu có tả tình cảm mẹ con một cách rất sâu sắc như bài “Bà mẹ Việt Bắc”, “Bầm ơi”, “Em bé Triều Tiên”… Về ái tình, có những nhà thơ nói sâu sắc hơn Tố Hữu, như Si-mô-nốp, thì khi anh dịch anh đã để hết cả tình cảm của mình vào đó. Ðối với một người dù đã có gia đình và là một người chồng gương mẫu (nói thí dụ) nhưng đứng trước nhiệm vụ đã tuyên bố "lòng không vướng nợ bén duyên gì", ta cũng không nên đòi hỏi đi sâu vào ái tình, vào sự chết nhiều quá.
Viết đến đây, tôi đã nói hết về hiện thực mới trong thơ Tố Hữu. Tôi cũng có thể nói về những thiếu sót của thơ anh. Nhưng những thiếu sót ấy không liên quan gì đến tính chất hiện thực mới của thơ Tố Hữu.
Gia Lâm, 3-1955
Nguồn: Văn nghệ, số 67 (1.4.1955)
[1]“mỹ từ pháp”: cách nói cho đẹp lời (nguyên chú của VÐP).
[2]Do tôi gạch dưới (in ngả) để độc giả chú ý cách dùng chữ (V.Ð.P.).
[3]Do tôi gạch dưới (in ngả) để độc giả chú ý cách dùng chữ (V.Ð.P.).
[4]Do tôi gạch dưới (in ngả) để độc giả chú ý cách dùng chữ (V.Ð.P.).
[5]Do tôi gạch dưới (in ngả) để độc giả chú ý cách dùng chữ (V.Ð.P.).