Ai lại “thế chấp” như thế, thưa ông!

Hoàng Dũng

  

Chủ đầu tư ở Lộ Diêu là Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ. Đây là công ty thành lập ngày 5/7/2021 để thực hiện dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và chỉ vài tháng sau, được UBND tỉnh Bình Định quyết định chấp thuận chủ trương cho đầu tư dự án.

Với số vốn điều lệ là 100 tỉ đồng, Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ dự định triển khai dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn (ban đầu dự định xây dựng ở Phù Mỹ, vì thế mới có địa danh Phù Mỹ trong tên của công ty) bao gồm cả cảng quốc tế có tổng vốn đầu tư lên đến 62.470 tỉ đồng; còn theo thông tin mới nhất, là 66.757 tỉ đồng – Khu liên hợp Gang thép: 56.257 tỉ đồng; Cảng: 10.500 tỉ đồng) (xem: https://binhdinh.gov.vn/…/ubnd-tinh-binh-dinh-thong-tin…). Người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ là ông Trịnh Quang Hải, đang là Giám đốc và là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Long Sơn – công ty góp đến 96% vốn điều lệ cho Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ. Mà chính Công ty TNHH Long Sơn đến đầu tháng 11/2022, vốn điều lệ cũng chỉ 2.213 tỷ đồng. (Xem: https://danviet.vn/lo-dien-ong-chu-thuc-su-cua-khu-lien…). Toàn bộ số vốn điều lệ của Công ty TNHH Long Sơn cộng với Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ còn nhỏ hơn nhiều so với số lẻ của tổng vốn đầu tư (66.757 tỉ đồng) cho Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng biển.

Đã đành Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ vì mới thành lập, nên không có kinh nghiệm gì về sản xuất sắt, thép, gang, nhưng chính công ty Công ty TNHH Long Sơn cũng chẳng có nốt. Theo giấy phép kinh doanh (xem: https://masothue.com/2700271520-cong-ty-tnhh-long-son), trong 40 ngành nghề kinh doanh mà Công ty TNHH Long Sơn đăng ký, có dính gần nhất tới sắt thép là hoạt động khai thác quặng sắt, chứ không phải sản xuất sắt, thép, gang – một ngành khác hẳn.

Chỉ trong năm 2022, Công ty TNHH Long Sơn đã bị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt hai lần vì đã có hàng loạt vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản với số tiền tổng cộng 1,2 tỉ đồng (xem: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thanh-hoa-cong-ty-tnhh…).

Trước đó, năm 2019, công ty này bị UBND tỉnh Ninh Bình xử phạt 524 triệu đồng vì có nhiều vi phạm, đặc biệt là hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật (xem: https://baotainguyenmoitruong.vn/ninh-binh-cong-ty-tnhh…).

image

Khi Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng dõng dạc tuyên bố trước 500 người dân Lộ Diêu rằng “Nếu sau này nhà máy thép có m3 nước thải nào đổ ra biển, tôi sẽ chịu trách nhiệm.” (xem: https://vnexpress.net/bi-thu-binh-dinh-toi-chiu-trach…), ông có biết Công ty TNHH Long Sơn từng bị “bắt được tay day được cánh” đã xả thải ra môi trường hay không. Mà thông tin ấy không có gì bí mật, đều đã được báo chí nhà nước đăng tải, chỉ cần bỏ 30 phút tìm trên mạng là có.

Hay là ông bận bịu quá, đến nỗi không bỏ ra được 30 phút?

Hay là ông chẳng lạ gì thông tin ấy, nhưng vẫn cứ cam kết bừa? Và nếu thế, thì vì sao?

Ai đi vay ngân hàng đều biết: muốn vay phải có tài sản để thế chấp; cán bộ ngân hàng đến tận nơi, khảo sát chán chê, và chỉ dám cho vay sau khi biết chắc nếu người vay không trả được, thì ngân hàng vẫn không lỗ vì có tài sản thế chấp có giá trị. Ông chỉ có cái chức bí thư làm vật thế chấp, nếu ngộ nhỡ cái anh đã từng xả thải kia nay lại quen thói, xả thải lần nữa, thì nhân dân Lộ Diêu làm gì được cái chức bí thư của ông? Mà lúc đó, đã chắc gì ông còn chức bí thư để thế chấp?

Comments are closed.