“Giá sách túi chữ” và “cầm tri thức”

Nguyễn Hoàng Văn

Mới đây một đạo diễn sân khấu đã dõng dạc với các đạo diễn đàn em trong một sinh hoạt của Hội Nghệ sĩ sân khấu ở Hà Nội rằng công việc của họ là công việc của những “trí thức tầng bậc cao”: "Bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo… cũng là trí thức. Nhưng đạo diễn là trí thức tầng bậc cao. Người ta minh định rằng đạo diễn còn là một nhà văn hóa.” [1]

Chỉ trần trụi là “trí thức” thôi mà đã gây ra bao nhiêu là tranh cãi rồi vậy mà vẫn chưa chán, còn cao với thấp. Nếu ông đạo diễn to mổm này thực sự có tầm vóc của một “nhà văn hóa” thì, không chừng, mai này chúng ta sẽ còn rối lên với trò rởm giai tầng hóa trí thức, với nào là “trí thức đệ nhất cấp” rồi “đệ nhị”, “đệ tam”, v.v. hay “trí thức loại một”, “loại hai”, loại ba”, “loại bốn”, v.v.

Tôi đang sống tại Úc và mấy tuần trước công luận nước này đã phản ứng gay gắt với ông John Keane, Giáo sư tại Đại học Sydney, một người mà, lẽ ra, cũng là một “trí thức tầng bậc cao”. Là một lý thuyết gia chính trị với danh tiếng toàn cầu, ông Keane lên lớp công dân các nước ngoài Trung Quốc rằng chế độ hiện hành ở Trung Quốc là một chế độ dân chủ, chỉ những kẻ sai lầm, không thấy được vấn đề mới cho đó là một chế độ độc tài: “Seriously, China uses opinion polling, so it doesn’t need to hold the one opinion poll that counts most, an election.” (Nghiêm túc mà nói thì Trung Quốc sử dụng các cuộc thăm dò dân ý, do đó họ không cần tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ở mức cao nhất là bầu cử). [2]

Thực ra thì Keane đã trình bày ý tưởng này từ năm năm trước, trong cuốn When Trees Fall, Monkeys Scatter: Rethinking Democracy In China, cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc không tích tụ quá nhiều quyền lực trong họng súng mà còn sử dụng các cuộc thăm dò công luận, bầu cử tại các thôn làng và mạng xã hội để nắm bắt ý nguyện của dân.

Keane bị tẩu hỏa nhập ma chăng?

Ông ta hoàn toàn thoát ly với thực tế, không hề biết đến Thiên An Môn, không biết đến Ngụy Kinh Sinh, Lưu Hiểu Ba và nhiều, rất nhiều nhân vật bất đồng chính kiến khác trong đó có người rất mới và rất trẻ như Hoàng Chi Phong, chăng?

Và cuốn sách địa lý của ông ta không có những địa danh như Tây Tạng, Tân Cương và Hồng Công chăng?

Nhưng điều rõ ràng là, qua những gì đã xuất bản và rao giảng, ông ta đã và đang a tòng với cả một guồng máy đồ sộ hằng tiến hành những chiến dịch kéo dài hàng thập niên chỉ để chống lại ý nguyện của nhân dân mình, hay, khái quát hơn, là chống lại con người, chống lại nhân loại.

Đã có nhiều tranh cãi về cách nhận diện hay xác định khác nhau về “trí thức” nhưng, căn bản nhất, cái chính vẫn là yếu tố con người, như một mẫu số chung. Để là trí thức thì phải đứng về phía con người, không được dửng dưng mà phải chống lại, phải phê phán những hành vi và những thế lực chà đạp con người, đừng nói là a tòng.

Nhà khoa bảng này khiến tôi nghĩ đến một biến tấu khác của “giá áo túi cơm” bởi, xét ra, ông ta, như một cái túi chứa đựng rất nhiều tri thức nhưng lại không sử dụng đúng mức cái năng lực học thuật của mình, ông ta có khác gì một cái “giá sách” và một cái “túi chữ” chứ không phải là một bậc trí thức.

Vào cuối thế kỷ 19, khởi đi từ hành động dũng cảm của Emile Zola, khái niệm “trí thức” mới được nghiêm túc đặt ra khi nhà văn này đứng ra kết tội guồng máy chính trị – thư lại Pháp trong vụ án Alfred Dreyfus, một sĩ quan gốc Do Thái bị mang ra làm dê tế thần cho một sĩ quan khác trong một vụ án gián điệp bất kể những bằng chứng rành rành. Chính trong cuộc chiến đấu không cân sức này mà tư cách trí thức của nhà văn mới bộc lộc, trui rèn. Và đó chính là yếu tố khiến tôi, mười ba năm trước, trong tiểu luận “Cầm quyền và cầm tri thức” đăng tải đồng loạt trên trang talawas và Tiền vệ, đã mạo muội đề nghị một cách gọi mới thay vì từ danh xưng “trí thức” khiến nhiều kẻ thèm thuồng mà cũng gây rất nhiều tranh cãi. Trong tiểu luận này, tôi giải thích:

‘Đây không đơn thuần là trò chơi chữ. Lẩn quẩn mãi với những bắt bẻ lắt nhắt theo tự vị Tây – Tàu trong cuộc tranh luận bất tận quanh đề tài “trí thức” thì chúng ta nên nghĩ đến một cách tiếp cận khác hơn để may ra loại bỏ xác suất gây nhiễu xạ, lạc đề. Thay vì bơm vào cái “túi” ấy những ưu tư rồi nhét vào đó những nghĩa vụ cao cả theo đòi hỏi khắt khe của danh từ “trí thức” đỏng đảnh thì tại sao chúng ta không thể, ngay từ đầu, giản dị hoá vấn đề bằng cách xem đó như là kẻ “cầm tri thức”? Nếu “nhà cầm quyền” là một khái niệm trung tính thì lớp người này cũng nên là như thế. Khoan nói đến những tiêu chí khó khăn như sự “lương thiện / dũng cảm / trách nhiệm” của “người trí thức”, v.v., họ cần phải bình thường trước đã, không xấu không tốt trước đã, chuyện phong thần hãy để hạ hồi.

Để đi đến chỗ hạ hồi thì phải trải qua những va chạm cọ xát và cách tiếp cận này không chỉ là một biện pháp tu từ mà còn là một ý hướng phương pháp luận. Với một điểm xuất phát bình đẳng như thế, với hai quân bài “tri thức” và “quyền lực” như thế, chúng ta có thể xem va chạm ấy như là một canh bạc. Và với những canh bạc như thế, chúng ta có thể nhận ra tư cách của từng tay chơi qua từng cách cọ xát một khi họ đã theo đuổi ván bài.’ [3]

Như trong trường hợp của Zola và guồng máy thư lại Pháp, canh bạc đã diễn ra giữa một nhà văn “cầm tri thức” và hệ thống những quan chức “cầm quyền”, qua đó tư cách trí thức của Zola đã rực sáng. Hay mới nhất, và hoàn toàn trái ngược, là ván bài của nhà “cầm tri thức” Vương Hỗ Ninh và kẻ cầm quyền Tập Cận Bình. Ninh là một học giả uyên thâm còn Bình là một nhà độc tài, với tham vọng để lại một di sản về tư tưởng của riêng mình. Trong canh bạc đổi chác, Ninh đã cho Bình cái Bình cần và Bình đã cho Ninh cái mà chưa học giả nào của Trung Quốc từng dám nằm mơ, một cái ghế trong Bộ Chính trị với những “tiêu chuẩn” quyền lợi vật chất ở mức cao nhất. Ninh có thế học vấn đầy người nhưng, qua việc mang tri thức của mình để đổi lấy quyền lực từ một nhà độc tài như Bình, trang sức lý luận cho chính sách diệt chủng của Bình.

Nhưng còn Keane? Ông ta không hề đọ sức với guồng máy cầm quyền nào mà, thậm chí, còn được hệ thống chính trị Úc bảo vệ bằng quyền tự do học thuật và ngôn luận nên, có lẽ, không ai mà không tưởng tượng đến cái hậu một khi ông ta đến Trung Quốc để làm người Trung Quốc, rồi thẳng thắn góp ý với nhà nước Trung Quốc theo cái cách ông ta đang sử dụng quyền học thuật và ngôn luận của mình.

Keane làm chúng ta nghĩ đến giới khoa bảng thiên tả, sống trong môi trường dân chủ nhưng luôn đả kích chúng, một điều hai điều ca ngợi các chế độ độc tài. Họ sống ở Mỹ, ở Anh hay ở Pháp hay Đức và sử dụng toàn bộ vốn liếng tri thức để tấn công vào những nhược điểm của xã hội này và, xét ra, việc này cũng không có gì sai bởi các thiết chế chính trị Tây phương cũng đầy khiếm khuyết. Nhưng vấn đề là dù lý tưởng hóa những chế độ độc tài như Trung Quốc hay Bắc Hàn, chẳng một ai trong số họ dám từ bỏ quốc tịch của mình để hoàn toàn hòa mình vào những “thiên đường chính trị” như thế!

Đạo diễn lừng danh Sergio Leone, trong The Good, the Bad and the Ugly, phân chia cái xã hội trong câu chuyện làm ba hạng mà có người dịch là Thiện, Ác, Tà. Những kẻ như Keane làm tôi nghĩ đến một cách phân chia khác, như là The Good, the Bad and the Silly: dù nắm trong đầu những hiểu biết ngất trời về chính trị thì, ngay chính trong địa hạt chính trị, ông ta cũng chỉ là một gã khờ, nếu không sử dụng những từ khác nặng hơn.

Trở lại với ông đạo diễn chẳng mấy ai biết tên tuổi tiếng nhưng tự xem mình cùng cỡ với những nhà văn hóa như Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn hay Phạm Quỳnh; ông không làm tôi nghĩ đến cách phân hạng trên mà chỉ nghĩ đến những con ếch trong ngụ ngôn. Ếch ngồi đáy giếng xem trời bằng vung đã đành. Thời đại này thông tin này thì ếch có thể dễ dàng bò lên miệng giếng thế nhưng lại vẫn tiếp tục nhìn trời bằng vung. Và còn có một ngụ ngôn khác về con ếch muốn to bằng con bò nên hít vào, tộng càng nhiều không khí vào nội tạng mình, tộng đến mức banh xác, nổ tung…

Tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/loi-giang-cho-lop-dao-dien-tre-dao-dien-la-tri-thuc-tang-bac-cao-20221003184151511.htm

[2] https://www.youtube.com/watch?v=75uzHcGN7O4

[3] http://www.talawas.org/?p=15119

Hay:

https://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=9606

Bài đã in trong cuốn Ngôn ngữ & Quyền lực, Người Việt 2014

[4] Ranjit Kulkarni, một nhà văn Ấn Độ, đã xuất bản một tác phẩm với nhan đề này.

Comments are closed.