Lan man từ một án tử hình

Lê Học Lãnh Vân

1) Một phụ nữ trẻ bị tuyên án tử hình!

Dù rất căm phẫn hành vi tàn ác quá mức của người phụ nữ đó đối với cháu V.A., con riêng của tình nhân, tôi vẫn tự hỏi giết một người trong hoàn cảnh này có ích gì không trong việc ngăn chặn tội ác được tiếp tục?

Rất đau lòng về chuyện cháu bé V.A., đau lòng tới mức tôi không thể nghe thuật lại chi tiết của việc hành hạ cháu. Nay, lại đau lòng khi nghe án tử hình! Nói thật, đau lòng tới mức không thể viết nổi tên người phụ nữ!

Vài người bạn tôi nói anh ba phải quá, đúng là lòng dạ đàn bà!

2) Không ít người phê phán tội ác của người phụ nữ đối với cháu bé V.A. ngoan hiền! Cái ác đó chỉ có thể có ở ác thú!

Người kết tội như vậy có cơ sở cho lập luận của mình. Nhưng, có bao giờ chúng ta nghĩ xã hội có trách nhiệm trong đó không? Xã hội gì có thể ngồi im khi đứa bé bị hành hạ tới mức đó? Tôi tin chắc rằng việc hành hạ phải có người biết, người thân, bà con, làng xóm, trường học, bịnh viện… Sao tất cả có thể im lặng? Hay nếu từng có tiếng nói cất lên, sao tiếng kêu trước sự việc kinh tâm động phách như vậy có thể rơi vào im lặng? Xã hội đã hoá đá rồi chăng?

Bài viết này căm phẫn hành vi của người phụ nữ ấy và ghê sợ cái xã hội hoá đá kia! Người phụ nữ chỉ mang tâm ác của cá nhân, còn xã hội như thế mới huỷ hoại lòng nhân của bao người! Huỷ hoại từ đời này sang đời khác!

Khi một xã hội trơ trơ trước những việc xâm phạm quá nặng tới tình người, xã hội đó hẳn phải trải qua một thời gian dài trong những điều kiện khiến lòng người chai sạn. Điều kiện đó có thể là sự bất bình đẳng, bất công kéo dài, là sự dối trá nghênh ngang cùng khắp, là suy thoái đạo đức và bạo lực tràn lan, là hệ thống xét xử bị nghi ngờ thiếu công tâm, thiếu minh bạch, không độc lập… Xã hội chúng ta có những điều kiện đó không? Nếu có thì mỗi thành viên trong xã hội có trách nhiệm cộng đồng không?

3) Người phụ nữ hành hạ con chồng bị kết án tử hình. Còn người chồng, cha ruột cháu bé, nhìn, tiếp tay người tình hành hạ con ruột, rồi xoá vết tích của buổi hành hạ ghê gớm và kéo dài khiến cháu bé chết trước khi được đưa tới bịnh viện, người cha đó chỉ bị tuyên án 8 năm tù!

Bài viết này không đồng ý với án tử hình, nhưng sự chênh lệch quá lớn giữa hai bản án cho thấy sự phán xử không nhắm vào bản chất của sự việc. Có phải, xét về bản chất, tội của người chồng không thua người phụ nữ tình nhân của anh không? Tình tiết có thể tăng nặng hơn vì anh là cha ruột, chịu trách nhiệm chính nuôi dạy, bảo vệ cháu bé! Khi không nhìn thấy rõ bản chất của tội ác, sự phán xử có sẽ góp phần hữu hiệu ngăn chặn tội ác không?

4) Án tử hình này được tuyên với nhận xét của hội đồng xét xử rằng “tại phiên tòa, lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập trong hồ sơ vụ án” (tuoitreonline, ngày 25/11/2022). Trong khi đó, một vụ án tử hình khác kéo dài 14 năm khiến dư luận xôn xao. Trong tiến trình điều tra và xét xử có những vi phạm pháp luật nặng nề như lời khai của bị cáo bị rút đi, hồ sơ vụ án bị thay đổi, tang vật thật bị tiêu huỷ, tang vật tái lập bị mua từ ngoài chợ… Dù dư luận không đồng tình, dù hệ thống xét xử không bác bỏ được bằng chứng của những vi phạm pháp luật rõ ràng nói trên, cái án tử này cứ treo lơ lửng trên sinh mạng một con người vẫn còn bị giam giữ như tử tù trong suốt 14 năm qua!

5) Trong khi không đồng tình với án tử hình, bài viết này biết không ít người tán đồng phán xử đó vì người phụ nữ “quá tàn nhẫn, không còn nhân tính nên cần loại bị cáo vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội mới tương xứng” (tuoitreonline, ngày 25/11/2022)! Chỉ xin cùng nhau suy ngẫm, có phải lý do tờ báo nêu ra dựa trên tâm lý trả thù hay ít ra là trả đũa không? Bởi vì cá nhân “quá tàn nhẫn, không còn nhân tính” nên cần bị giết đi thì “mới tương xứng”!

Có người nói tội ác không bị trừng phạt thích đáng thì tội ác sẽ nảy sinh! Bài viết này cho rằng lập luận đó đã lỗi thời. Hệ thống pháp luật tiến bộ văn minh góp phần quan trọng tạo nên xã hội minh bạch, bình đẳng, khách quan và qua đó tạo xã hội lành mạnh, trong đó tính lương thiện, trung thực, nhân đạo của xã hội được nâng cao, tính bất lương, gian trá, độc ác bị đẩy lùi… Đây mới là cái gốc mà sự xử lý cần phải hướng tới để quốc gia phát triển lâu dài.

Không sửa cái gốc, chỉ nuôi dưỡng quan điểm “mắt đền mắt, răng đền răng” với hy vọng người dân vì sợ hãi mà ngoan ngoãn hiền lương, chỉ e quan điểm cũ kỹ đó chẳng những không hiệu quả để ngăn chặn tội ác mà sẽ dìm xã hội ngày càng sâu hơn vào vùng xoáy thiếu nhân đạo, thiếu văn minh!

Ngày 27 tháng 11 năm 2022

Comments are closed.