Nhà văn, dịch giả Nhượng Tống – ai nhớ, ai quên?

 

clip_image001

TƯỜNG THUẬT CUỘC TỌA ĐÀM VỀ NHƯỢNG TỐNG

MỘT DỊCH GIẢ, NHÀ VĂN TÀI HOA, LÃNH TỤ VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG,

SAU BỊ CÔNG AN HN THỦ TIÊU NĂM 1949 TẠI CHỢ HÔM

Nguyễn Lâm Khang

.

Chiều nay (09.12.2015), trong không gian ấm cúng của Thư viện Trung tâm VH Pháp, cuộc tọa đàm Nhượng Tống – Nhà văn, nhà báo, dịch giả do Nhã Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace tổ chức đã diễn ra với sự hiện diện của khoảng 50 cử tọa, trong đó có nhiều nhà chuyên môn, nhà báo, và các con cháu của Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân.

Với sự dẫn dắt lịch lãm của TS Mai Anh Tuấn (ĐH Văn hóa HN), các diễn giả Lại Nguyên Ân, Trần Trọng Dương trình bày những ý kiến của mình về cuộc đời và sự nghiệp trước tác của Nhượng Tống. 

Cả hai diễn giả đều bắt đầu bằng việc kể lại mình đã được đọc các bản dịch tài hoa của Nhượng Tống, mặc dù tên ông chỉ được in bằng chữ hai chữ N.T (bản dịch của N.T), nhưng các ông được các thầy dạy của mình nói đấy là Nhượng Tống. Nhà phê bình Lại Nguyên Ân nhấn mạnh về việc sử dụng tiếng Việt trong văn chương Nhượng Tống mà ông cho rằng một thứ tiếng Việt thiên tiên rất khó giải thích. Tiến sĩ Trần Trọng Dương khẳng định vị trí của Nhượng Tống với vai trò của một dịch giả (mà theo ông là có 3 người tiêu biểu đầu thế kỷ XX: Nhượng Tống, Trúc Khê Ngô Văn Triện và Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha), một nhà thơ, một nhà báo, và trước hết là một nhà ái quốc.

Phần tọa đàm trao đổi, đáng chú ý là các ý kiến của TS. Nguyễn Văn Thành, Thạc sĩ Đào Tiến Thi, Nhà báo Kiều Mai Sơn, TS Nguyễn Xuân Diện….

TS Nguyễn Văn Thành cung cấp một số thông tin quan trọng quanh cuộc đời và sự nghiệp của Nhượng Tống. Ông cho biết Nhượng Tống có để lại cuốn hồi ký rất có giá trị để có thể hiểu về con người và hoạt động văn hóa và chính trị của Nhượng Tống. Ngoài tư cách là một dịch giả, một nhà văn, nhà báo, nhà cách mạng, thì Nhượng Tống còn là một tác gia sân khấu, đồng thời ông cũng là người đi tiên phong của phê bình văn học.

Thạc sĩ Đào Tiến Thi đánh giá Nhượng Tống là một chí sĩ yêu nước, xả thân cho lý tưởng. Và điều này thể hiện ở chỗ ông là một trong 4 lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân đảng, là bạn đồng chí của Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Triệu Luật. Cuốn sách Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống được viết năm 1945, để kỷ niệm 15 năm Khởi nghĩa Yên Bái là cuốn sử liệu do một người trong cuộc viết ra, và độ lùi thời gian chỉ mới 15 năm, là một cuốn sách quý, chân thực về lãnh tụ Nguyễn Thái Học và Cuộc khởi nghĩa Yên Bái.

Nhà báo Kiều Mai Sơn nêu ra một số lỗi của bản sách Nguyễn Thái Học do Nhã Nam & Nxb Hội Nhà văn tái bản năm 2014. Trong đó ghi năm mất của Nguyễn Thái Học không nhất quán, hình ảnh làm bìa và được in trong sách bị chú thích sai nhầm.

Kiều Mai Sơn cũng cho biết Nhượng Tống vì tham gia Quốc Dân đảng nên bị kết tội là Việt Gian và giao cho công an Hà Nội lập hồ sơ và tiến hành xử bắn Nhượng Tống tại khu vực Chợ Hôm ngày nay. Giám đốc Công an HN lúc đó là Nguyễn Tài và hai Phó giám đốc Công an HN thực thi việc này nay hãy còn chưa chết, sao không mời (hay là triệu tập) các vị đó đến để bạch hóa về cái chết của Nhượng Tống, xóa đi những đám mây hư hư thực thực về cái chết của một nhà văn, dịch giả tài hoa.

Trong phát biểu của mình, TS Nguyễn Văn Thành đặt câu hỏi với các diễn giả: Bút danh Nhượng Tống của Hoàng Phạm Trân nghĩa là gì? Nhưng cả ba diễn giả đều không trả lời được.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện ức đoán rằng Nhượng Tống sinh ra ở vùng quê Ý Yên, nơi có đền thờ ông nghè Tống Trân. Trong tâm thức dân gian Tống Trân là hình tượng một kẻ sĩ tài hoa, trung quân ái quốc, thủy chung và hiếu hạnh. Tên ông là Hoàng PHẠM TRÂN, tên trùng với TỐNG TRÂN. Ông đặt Nhượng Tống, có lẽ là ẩn ý: Tên cùng là Trân, nên ông chỉ chịu nhường chữ TỐNG mà thôi!

Cụ bà Hoàng Lương Minh Viễn, người con gái duy nhất của Nhượng Tống cũng có mặt trong buổi tọa đàm. Cụ năm nay 76 tuổi, là một nhà giáo hưu trí, dắt theo các con cháu, dâu rể, chắt nội ngoại đến với buổi tọa đàm với tấm lòng tưởng nhớ người xưa trong niềm xúc động. Cụ được sinh ra thì chỉ sau một ngày là cha mất. Cha cụ mất khi cụ vừa 10 tuổi (cụ sinh năm 1939). Khi cha mất, cụ vẫn đang ở với mẹ ở quê. Những gì cụ biết về người cha là qua lời kể của mẹ. Cụ cho biết, về bút danh Nhượng Tống thì trong Hồi ký Nhượng Tống cũng không tiết lộ, mà cũng không ai kể cho cụ biết, và đến nay, với cụ và nhiều bà con họ hàng nội ngoại thì vì sao cha bà lấy bút danh Nhượng Tống vẫn là một bí ẩn.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng điều đáng tiếc nhất, khó cảm thông của cuộc tọa đàm là cả ba diễn giả không một ai đưa ra một “bản lý lịch”(CV) vắn tắt về tiểu sử Nhượng Tống và cung cấp các tư liệu về cái chết của Nhượng Tống. Tại sao chúng ta phải né tránh? Có ai cấm chúng ta nói đâu! Đó là do các nhà học giả cứ tự trói mình trong những vòng kim cô vô hình đó chứ! Về cuộc cải cách ruộng đất, đảng CSVN sau này đã thừa nhận có đến 172 ngàn người bị chết và mất tích trong cuộc cách mang “long trời lở đất” đó. Hơn nữa, Nhượng Tống – nhà chí sĩ (lời Đào Tiến Thi), nhà ái quốc (lời Trần Trọng Dương) sống ở thời đó đa đảng có thế nào thì ta viết và nói vậy, sao phải tự trói ngôn luận mình lại?

Việc hạn định chỉ có 3 dịch giả nổi bật xếp hạng cùng nhau vì có đóng góp lớn lao cho việc kiến tạo văn hóa thông qua công việc dịch thuật hồi đầu thế kỷ XX là Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân, Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, Trúc Khê Ngô Văn Triện thì cần phải xem lại. Vì nếu như vậy ta sẽ bỏ quên Tân Nam tử Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Đỗ Mục, Phan Kế Bính,… và cả Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Ngô Tất Tố… Và nếu chỉ tính đến các tác gia dịch Hán văn sang Quốc ngữ thì cũng chưa bao quát tình hình dịch thuật lúc đó, vì như vậy để sót các tác gia, tác phẩm dịch từ chữ Phương Tây hoặc văn bạch thoại sang chữ Hán Nôm (như trường hợp Nam nữ giao hợp phụ luận) hay dịch từ Hán văn sang Nôm đối với Thơ Đường (bản dịch thơ Đường sang chữ Nôm của Tú Xương)….Tóm lại đóng góp của Nhượng Tống là đa diện, nhưng cần nhìn nhận trong một tinh thần khách quan, khoa học và công bằng. Nhã Nam cần cố công sưu tầm thêm các tác phẩm của Nhượng Tống để tiến tới xuất bản trọn bộ Nhượng Tống toàn tập, làm nền tảng cho các cuộc hội thảo khoa học để đánh giá toàn diện về nhà văn hóa Nhượng Tống; cần công bố minh bạch về cuộc đời và sự nghiệp (cả sự nghiệp trước tác lẫn sự nghiệp chính trị) của Nhượng Tống một cách khách quan, tiến tới những hoạt động tôn vinh xứng đáng với huyết hãn mà một nhà văn hóa hiến dâng cho đất nước và văn hóa nước nhà bằng cách thức: đặt tên đường phố, tên trường học, v.v.

Cuộc tọa đàm bắt đầu lúc 18h và kết thúc vào lúc 20h40, trong không khí bàn luận phóng khoáng, thẳng thắn và để ngỏ rất nhiều vấn đề. Đại diện gia đình hậu duệ Nhượng Tống lên phát biểu – vừa có cảm xúc buồn vì quá khứ bị thành kiến bởi nhà cầm quyền, vừa có cảm xúc vui và tự hào được thấy người xưa được tôn vinh lần đầu và tại đây. Tuy nhiên, một số vị phát biểu có phần thái quá, mà nếu lịch thiệp và ý nhị thì không nên mắc phải.

Mỗi lời phát biểu, mỗi một đánh giá, mỗi lời tri ân đối với Nhượng Tống của diễn giả và cử tọa hôm nay, có thể xem như là một bông hoa nhỏ kết thành một tràng hoa cùng tuần rượu “sơ hiến” dâng lên anh linh Nhượng Tống – một người tài hoa mà bạc mệnh, bày tỏ tấm lòng hậu thế đối với một người đã dâng tâm huyết góp phần xây nên đài văn hiến mà bị người đời phụ bạc, lãng quên…

Viết xong lúc 22h cùng ngày.

Một số hình ảnh của buổi tọa đàm:

clip_image001[1]

clip_image002

Các diễn giả: Lại Nguyên Ân, Trần Trọng Dương và MC Mai Anh Tuấn.

.

clip_image003

Cụ bà Hoàng Thị Viễn – người  con gái duy nhất của Nhượng Tống.

.

clip_image004

clip_image005

Thạc sĩ Đào Tiến Thi chụp hình kỷ niệm với Cụ bà Hoàng Thị Viễn.

clip_image006

_________________

Nguồn: http://xuandienhannom.blogspot.com/2015/12/18h-hom-nay-toa-am-ve-nha-van-dich-gia.html

Comments are closed.