Trung Bảo
Cho đến lúc này, kết thúc câu chuyện Tấm Cám với các con tôi đó là Tấm sống hạnh phúc đến cuối đời với hoàng tử. Kết thúc câu chuyện này với các cô bạn gái của tôi thì được thêm vào: “… cho đến khi Tấm già và nói nhiều thì hoàng tử đi kiếm Tấm mới”.
Tôi bỏ đi cái kết thúc luộc con làm mắm gửi mẹ ăn của dân gian để giữ cho các con tôi yên lành. Cái kết thúc mà tôi phải đem ra hỏi cô giáo văn lớp 7 của mình: “Răng Tấm ác rứa cô?”. Câu trả lời: “Đó là phản kháng của kẻ bị dồn vào đường cùng”.
Không đếm nổi những lời kêu gọi xử giảo nghi phạm trong clip bạo hành cháu nhỏ 2 tuổi ở Cambodia. Tôi im lặng từ đầu và chỉ đưa lại thông tin, phần nào đó trong tôi cũng cảm thấy hả hê khi kẻ tàn ác sắp phải trả giá. Cho đến khi nhìn thấy hình ảnh và clip các phóng viên VTV, An Ninh TV với lỉnh kỉnh máy quay tràn vào phòng hỏi cung. Trong đoạn clip tôi dẫn lại đêm qua, nụ cười nhoẻn của cô phóng viên xinh xắn ANTV làm tôi mất ngủ.
Nụ cười vô thức đó là nụ cười của một con người đứng ngoài song sắt quan sát con thú dữ đang bị giam cầm, lột da.
Mọi thông tin báo chí khai thác trong phòng hỏi cung và giới tính của nghi phạm hoàn toàn không có giá trị với xã hội. Ngược lại, nó kích thích và thoả mãn trí tò mò của đám đông đang giận dữ với kẻ bị cho là có tội.
Mọi giá trị cơ bản nhất của nhân quyền chống lại sự hả hê này. Mọi nguyên tắc cơ bản của nghề báo đi ngược lại cách hành nghề này. Pháp luật hiện hành không cho phép làm điều này.
Tấm Cám giờ đây đã có những kết thúc khác trong các tập truyện cổ tích. Đó là thành quả của sự đi lên của mặt bằng dân trí. Thế nhưng, đâu đó trong chúng ta vẫn lẩn khuất một cô Tấm lăm lăm con dao với hũ mắm để đòi cho được “công lý báo thù”. Báo thù theo cách man rợ nhất mà lòng căm thù có thể nghĩ ra. Nếu không để “cô Tấm” này ra đi thì chúng ta chẳng có tư cách gì mà lên án những kẻ giết trộm chó rồi đốt xác cháy đen.
Còn tôi, chỉ mong các cô Tấm của mình đừng già đi vì tìm kiếm khi nào cũng nhọc nhằn.
Nguồn: FB Trung Bảo