Chuyện chính tả

Hoàng Dũng

1. Báo Tuổi trẻ ngày 4/12/2016 viết chiều chồng, một số độc giả viết thư nói chìu chồng mới đúng. Thử giở từ điển xem sao: trong tất cả các từ điển của Hoàng Phê (Từ điển tiếng Việt, nxb Đà Nẵng, 2003), Lê Văn Đức (Tự-điển Việt-Nam, Khai Trí, 1970), Văn Tân (Từ điển tiếng Việt, nxb Khoa học Xã hội, 1977), Nguyễn Kim Thản – Hồ Hải Thụy – Nguyễn Đức Dương (Từ điển tiếng Việt, nxb Văn hóa Sài Gòn, 2005), … đều không tìm thấy chìu dù với nghĩa gì. Trái lại các từ điển trên đều ghi chiều, ở đây là động từ với nghĩa “làm theo hoặc đồng ý cho làm theo ý thích để được vừa lòng”, còn xuất hiện trong chiều chuộng, nuông chiều. Việc ghi nhận chiều, chứ không phải chìu, là phản ánh thực tế phát âm ở những vùng có phân biệt hai vần –iêu và –iu. Trong khi đó, ở miền Nam, –iêu lẫn lộn với –iu (và cả với –êu), cho nên các từ điều (kiện), đìu (hiu) (và đều) trở thành đồng âm. Đó là lý do một số người miền Nam cho rằng chìu (chồng) là đúng chính tả.

Hễ có băn khoăn gì về chính tả, thì lấy từ điển làm trọng tài. Giải pháp này giải quyết gần 100% trường hợp nghi vấn. Đây là giải pháp nhanh và tiện nhất.

2. Nói như thế, cũng có nghĩa là từ điển không phải giải quyết được tất cả. Quả vậy, vẫn có một số ít từ không thống nhất. Lê Văn Đức viết lai căn, trong khi Văn Tân, Hoàng Phê, Nguyễn Kim Thản – Hồ Hải Thụy – Nguyễn Đức Dương, … đều viết lai căng. Đó là do quan điểm chính tả của các tác giả có khác nhau: Lê Văn Đức chịu ảnh hưởng của Lê Ngọc Trụ (vả chăng chính Lê Ngọc Trụ hiệu đính từ điển Lê Văn Đức), chủ trương theo từ nguyên, giải thích căn ở đây là tiếng Hán Việt, nghĩa là “gốc, rễ”, nên viết không có -g; còn các tác giả khác cho rằng cần phải theo cách phát âm thực tế: ở những phương ngữ có phân biệt âm cuối -n/-ng, như Hà Nội, (lai) căng bao giờ cũng phát âm với -ng.

3. Mặt khác, vẫn tồn tại một số từ có nhiều cách viết. Từ điển Hoàng Phê ghi cả hai hình thức: giậm / dậm (chân), (cái) giậm / dậm, giũa / dũa; hoặc ghi cả hai nhưng chuyển chú về một hình thức được coi là chuẩn hơn hoặc phổ biến hơn (a xem [x.] b): giông x. dông (tố), giẫy x. giãy, (chim) dang x. giang, (cây) dang x. giang, (rau) giền x. dền, rặm (mắt) x. nhặm, () giếc x. diếc, … Dẫu sao, trong trường hợp này, người viết có quyền chọn một trong hai hình thức, mà không bị xem là sai chính tả.

4. Đa số trường hợp sai chính tả liên quan đến cách phát âm địa phương. “Địa phương” ở đây không chỉ là cách phát âm khác với miền Bắc – tiêu biểu là Hà Nội – như (tổng) cọng thay vì cộng, (con) hàohàu ở miền Nam, mà ngay Thủ đô cũng tồn tại cách phát âm “địa phương”, như giồng giọttrồng trọt, con giaicon trai.

Tuy thế, vấn đề không đơn giản. Chẳng hạn, chính phủ được coi là chuẩn, còn chánh phủ là địa phương nhưng cả nước đều nói và viết chánh văn phòng, chánh thanh tra, chứ không ai chính văn phòng, chính thanh tra. Hay ai cũng biết có một số chữ Hán có hai cách đọc – miền Bắc và miền Trung / Nam – như , hoànghuỳnh,… nhưng đối với tên riêng, thì buộc phải tôn trọng cách đọc do chủ nhân của cái tên ấy lựa chọn. Vì thế, ai cũng đọc và viết Võ Nguyên Giáp, Huỳnh Thúc Kháng, chứ không phải Vũ Nguyên Giáp, Hoàng Thúc Kháng. Phan Chu Trinh phải xem là cách đọc và viết không đúng: Chính cụ nói tên cụ là Châu Trinh trong thư gửi quan ba Caron – quan sơ thẩm Tòa án binh Paris – khi ông bị bắt giam trong ngục Santé vào năm 1915: “Quan lớn bảo nó đừng có khêu gan chọc tức thằng Phan Châu Trinh này. Thằng Phan Châu Trinh thà chết thì nó xách cái đầu của nó quăng xuống đất như chơi, nó chẳng sợ giam đâu, nó chẳng chịu làm thân trâu ngựa để người ta cưỡi lên đầu lên cổ nó đâu” (Lê Thị Kinh, Những tư liệu mới về Phan Châu Trinh, quyển II, nxb Đà Nẵng, 2001, tr. 97). Cho nên, xử lý vấn đề chuẩn / địa phương có khi phải căn cứ vào từng trường hợp một, chứ không thể giải quyết nhất loạt.

5. Nhưng chuyện chính tả còn là chuyện phong cách văn bản. Khi viết, đặc biệt trong một số văn bản nghiêm ngặt như hành chính, khoa học, cần phải theo cách viết phổ biến; nên tránh những cách viết cũ (không viết giẹp, giụi,… mà nên dẹp, dụi,…), hay theo cách phát âm địa phương. Trái lại, trong văn chương, một cách viết cũ hay đặc sệt địa phương có khi lại tạo nên một hiệu quả nghệ thuật không thể thay thế. Đây là đoạn đối thoại giữa một bà mẹ quê với con trai, nay đã thành đạt về làng: “Mụ bảo con dâu: – Nhà mi lên một tí, coi hắn nhủ chi. […] Mụ Chuồng hỏi trống không: – Định đi mô giừ đó?. Chương đáp: – Dạo xem làng một chút. Ghé ra chợ, lên chùa rồi về ngay. Mẹ bảo con Thơi làm cơm nhanh nhanh.” (Bùi Hiển, Về làng). Ngôn ngữ bà mẹ quê kệch, đối lập với con trai, ăn nói hoàn toàn thị thành.

Comments are closed.