Thương tiếc Mai Sơn

 Nhà văn – Dịch giả Mai Sơn đã qua đời vào lúc 00 giờ ngày 25.12.2023 (nhằm ngày 13.11 năm Quý Mão) sau thời gian dài trọng bệnh.

Mai Sơn có tên khai sinh là Nguyễn Minh Sơn, sinh ngày 10.9.1956, là một gương mặt sáng giá, một văn hữu tử tế của làng văn Sài Gòn.

Mai Sơn cũng là một trong những thành viên đầu tiên của Ban Vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập, là một cộng tác viên thân thiết của trang Văn Việt và đã nhận Giải Văn – Giải Thưởng Văn Việt năm 2018.

Chúng tôi vô cùng thương tiếc một bạn văn tài năng, đã dấn thân hết mình cho văn học/văn hóa, kể cả ngoài trang viết.

Xin gởi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình anh và nguyện cầu cho Mai Sơn sớm siêu sinh Cõi An Lạc.

VĂN VIỆT

 

***

TÁC PHẨM CỦA MAI SƠN

*Sáng tác:

Thị trấn ven biển (truyện ngắn, in chung với Võ Hoàng Minh), NXB Thanh niên, 1985

– Vật lạ ở trên đầu (truyện ngắn), Nxb Trẻ, 1996

Hư cấu (truyện ngắn), NXB Hội Nhà văn, 2006

101 triết gia (biên soạn), Nhà xuất bản Tri Thức, 2007

Đắm và những truyện khác (truyện vừa), NXB Hội Nhà văn, 2012

Sự quyến rũ của chữ (tạp văn), NXB Văn hóa – Văn nghệ TP HCM, 2017

Tháng Năm ở Đại trại (tiểu thuyết; Vănviet online; Domino sẽ xuất bản sách giấy, 2018)

*Tác phẩm dịch: khoảng 12 dịch phẩm:

Câu chuyện triết học (Bryan Magee), NXB Thống kê, 2007

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại (Mortimer Adler, dịch chung với Phạm Viêm Phương), NXB Văn hóa – Thông tin, 2008

– Madam Nhu Trần Lệ Xuân – Quyền lực Bà Rồng (Monique Brinson), NXB Hội Nhà văn, 2016

Vũ trụ trong một nguyên tử (Đạt Lai Lạt Ma), NXB Lao động, 2008

Nhập môn triết học lục địa (Simon Critchley), NXB Đà Nẵng, 2013

Hãy khát khao, sẽ được (Esther Hicks), NXB Văn hóa Văn nghệ, 2018

Cửa hiệu triết học (Peter Worley chủ biên), NXB NXB Tổng hợp TP.HCM, 2018

***

image

Chân dung Mai Sơn, với nét quyết liệt trên gương mặt.

image

Mai Sơn trong lễ trao Giải Thưởng Văn Việt năm 2018, bên hai chiếc ghế trống vì hai nhà văn được giải không thể có mặt.
Mai Sơn, Phạm Nguyên Trường, Khuất Đẩu, Hoàng Tuấn Công, Phapxa Chan, Hoàng Dũng, Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng (từ trái qua)

image

Mai Sơn và Phápxa Chan trong lễ trao Giải Thưởng Văn Việt năm 2018

image

Văn Việt đi thăm Mai Sơn khi nghe tin anh phát bệnh, tháng 12.2021.

Vũ Thành Sơn, Ngô Thị Kim Cúc, Ý Nhi, Hoàng Dũng, Mai Sơn, Nguyễn Viện, Lý Đợi (từ trái qua)

image

Văn Việt đi thăm Mai Sơn, tháng 12.2021
Lý Đợi, Vũ Thành Sơn, Ý Nhi, Mai Sơn, Hoàng Dũng, Anh Nguyen, Bùi Chát(từ trái qua)

image

Văn Việt đi thăm Mai Sơn, tháng 2.2023

Thời gian này, sức khỏe Mai Sơn đã cải thiện. Cả mai Sơn và mọi người đều mừng vui, chờ mong anh trở lại văn đàn.
Nguyễn Thị Khánh Trâm, Hoàng Dũng, Lê Học Lãnh Vân, Vũ Ngọc Tiến, Mai Sơn (từ trái qua)

image

Thăm Mai Sơn, tháng 2.2023. Mọi người đều vui, cười…

Lê Học Lãnh Vân, Vũ Ngọc Tiến, Mai Sơn (từ trái qua)

image

Ngô Thị Kim Cúc, Mai Sơn

image

Văn Việt đi thăm Mai Sơn, tháng 11.2023.
Mai Sơn còn bảo với chị Ý Nhi: “Em đang cố làm việc lại”.
Nguyễn Viện, Lê Học Lãnh Vân, Nguyễn Thị Khánh Trâm, Ý Nhi, Hoàng Dũng, Mai Sơn, Trần Lê Sơn Ý (từ trái qua)

image

******************************

 

Xin đăng lại phát biểu của Mai Sơn trong Lễ trao Giải Thưởng Văn Việt năm 2018:

TẢN MẠN VỀ TRUYỆN NGẮN

Cám ơn nhà văn Nguyên Ngọc và Văn Việt đã ưu ái trao giải thưởng cho tôi.

Đây là một vinh dự, và là một niềm vui lớn.Như một làn gió mát trong những ngày nóng nực này.Và tôi lại còn được ban tổ chức dành cho vài phút để trình bày một vài ý nghĩ tản mạn liên quan đến truyện ngắn.

1.

Tôi phải nói ngay rằng tôi thấy không có gì lấn cấn khi trước hết nhắc đến một truyện ngắn rất hay của nhà văn Nguyên Ngọc, đơn giản là vì vẻ đẹp của nó còn mãi trong tôi suốt mấy chục năm qua. Đó là truyện ngắn “Rẻo cao”.

Đại khái “Rẻo cao” kể chuyện một nhân viên bưu tá người dân tộc mù chữ. Trước mỗi lần đi đưa công văn, anh cuộn tròn từng cái lại và thắt nơ bên ngoài để biết địa chỉ người nhận. Ví dụ, nơ màu đỏ là công văn đến chủ tịch xã Ngọc; màu tím là chủ tịch hội phụ nữ Kim Cúc; màu xanh lá cây là xã đội Trưởng Sơn… Rất ấn tượng. Nhớ mãi.

Nhà văn Nguyên Ngọc đã để lại sau truyện ngắn này cái quan trọng nhất của nghệ thuật viết truyện ngắn, như ông tổ viết truyện ngắn người Mỹ Edgar Allan Poe đòi hỏi và nêu gương: một ấn tượng, một ấn tượng duy nhất.

Truyện ngắn là một lát cắt về con người. Đọc truyện ngắn là đọc cái lõi cây, cái vỏ cây, chiếc lá, cành nhánh, bông hoa mà vẫn có thể hình dung ra một cái cây – một cuộc đời.

Nó không phải là một công trình tâm lý học đúc kết toàn diện về một con người như Dostoievsky từng làm trong các tiểu thuyết của ông, khiến cho triết gia Nietzsche ngạo mạn nhất trong lịch sử tư tưởng cũng phải thừa nhận là đáng học hỏi.

Không như Dos. và các nhà tiểu thuyết có trong tay rất nhiều công cụ để trình bày một cuộc hiện sinh trọn vẹn, nhà văn viết truyện ngắn chỉ có thể được chọn một thủ pháp thích hợp nhất. Không nên nhiều hơn. Không thể nhiều hơn.

Trong viễn tượng đó, khi đã chọn truyện ngắn để làm văn chương, nhà văn biết phải làm gì với những giới hạn vài ngàn từ, một hai nhân vật, một xung đột, một bối cảnh.

2.

Dù hiện thực có mênh mông ngập lụt cách mấy, truyện ngắn cũng có cách chưng cất nó thành những tình huống cá biệt. Truyện ngắn tự bản thân nó có sức mạnh cưỡng chống lại hiện thực quá hạn (hyper-reality) không cho nó tràn lên xóa tan hay làm bá chủ cấu trúc nhỏ gọn của mình. Thấy được điều này là nhà văn viết truyện ngắn đã đi được một nửa đoạn đường nghệ thuật của thể loại.

Nhưng mặt khác, viết truyện ngắn, là nỗ lực vượt thoát cái khuôn khổ chật hẹp đó, để bằng cách nào đó mở rộng thêm cương vực của một nghệ thuật lâu đời theo đòi hỏi của người đọc ngày hôm nay mà không phá bỏ luật chơi của nó.

Luật chơi của truyện ngắn là: kể những câu chuyện chất chứa, bùng nổ, hàm súc, âm vọng, ám ảnh… Thường khi là những công án để chiêm nghiệm.

Câu chuyện trong truyện ngắn “Chỉ cạo râu thôi” của Hernando Tellez (Columbia) diễn ra trong một tiệm hớt tóc nhỏ. Người thợ hớt tóc đồng thời là một du kích quân nằm vùng. Người khách vào hớt tóc cạo râu hôm đó là một đại úy, vốn đã giết rất nhiều du kích quân. Và người thợ hớt tóc được giao nhiệm vụ trả thù.

Cái gáy của kẻ thù hôm ấy nằm ngon lành dưới lưỡi dao cạo sắc lẻm của mình, nhưng người thợ hớt tóc không thể làm gì được hắn ta. Và tác phẩm hoàn tất của người thợ hớt tóc là một cái đầu tóc và khuôn mặt đẹp chứ không phải là một vụ sát hại.

Giết người không phải dễ, nhất là khi nó xung đột với việc thực hiện thiên chức của ta.

Một truyện ngắn của Bùi Ngọc Tấn (mà tôi không nhớ tên) cũng có sức ám ảnh tương tự. Theo tôi đây là truyện ngắn đặc sắc tầm cỡ thế giới. Truyện kể về một người lính giữ tù trong buổi chiều lạnh lẽo ngồi đốt lửa để sưởi ấm; cuối truyện, tôi nhớ đại khái, “anh ta đứng dậy, khoác súng, dứt khoát đi sâu hơn vào cánh rừng phía sau các lán trại”.

Mùi khói làm anh ta nhớ nhà, khiến anh ta trở nên rất con người; nhưng công việc khiến anh ta có dáng dấp của một con thú, với bản năng thích chui sâu vào trong rừng.

Đọc truyện này thì không dưng liên tưởng đến truyện “Bản đồ nước Pháp” của Albert Camus. Đọc lâu lắm rồi, tôi không nhớ rõ, nhưng đại để truyện kể một sĩ quan dẫn giải một tù bình về trại giam. Qua mấy ngày đi đường, viên sĩ quan có vẻ “cảm thông” với người tù binh. Và khi sắp đến ngã ba, từ trên cao có thể nhìn thấy một con đường mòn nhỏ dẫn về trại giam, một con đường khác lớn hơn dẫn đến… cuộc sống tự do, viên sĩ quan quyết định cho người tù một cơ hội. Anh thả y. Từ trên mỏm dốc cao, viên sĩ quan lòng nhẹ nhõm đứng nhìn y bước đi. Nhưng, chưa hút xong điếu thuốc, viên sĩ quan sửng sốt thấy người tù binh lầm lũi đi vào con đường mòn nhỏ.

Bản năng trở lại rừng, chịu làm nô lệ để được an toàn không dễ gì rời bỏ con người, đặc biệt khi chiến tranh và những hoàn cảnh nghiệt ngã bao vây nó.

Bản năng của con người là cúi xuống để yên thân… Sử gia Mỹ Will Durant viết về thời Cách mạng Pháp: Những cái đầu cúi xuống thì sống lâu.

Khi đã rút ra những chiêm nghiệm như vậy sau mỗi truyện ngắn có chất chứa trí lự, mà không biết là có đồng nhất với sự chiêm nghiệm của tác giả hay không, tôi đi đến chỗ nghĩ rằng truyện ngắn là hư cấu hóa (fictionalize) những tư tưởng hệ trọng có liên quan đến thân phận con người, làm cho nó sống động trong những câu chuyện nhân thế.

Nhưng dù hệ trọng đến đâu, những tư tưởng này không bao giờ có ý định mở rộng thành hệ thống logic, càng không có ý định phát triển thành chân lý. Nó dừng lại trong khuôn khổ của nó, với tác giả của nó lúc ấy cũng không muốn lý giải gì thêm nữa. Trong viễn tượng đó, mỗi truyện ngắn là một động thái tóm bắt một khoảnh khắc hiện sinh, một trạng thái nhân sinh, một tư tưởng, một thái độ trong một tình huống nhất định.

Theo tôi, những truyện ngắn thành công như những công án chiêm nghiệm đó sẽ trở thành những giá trị văn học, thậm chí là giá trị tư tưởng đạo đức của nhân loại, chứ không phải chỉ là những đóng góp như là đặc sản của quốc gia, dân tộc, tôn giáo.

Cần có nhiều truyện ngắn hay để tất cả sắc màu cuộc sống trần gian được phô diễn. Để thấy cuộc sống mênh mông và đa tạp như thế nào và chắc chắn là không có một hệ thống nào, dù là triết học, chính trị, tôn giáo, khoa học có thể thâu tóm được nó. Con người cá nhân luôn có chỗ đứng sống động đặc biệt trong truyện ngắn.

Mỗi người là một cõi riêng. Và thể loại truyện ngắn được sinh ra để làm nhiệm vụ trình bày cõi riêng đó.

Comments are closed.