Tôi đi học

Lê Công Tư

 

“Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường”.

Gần như không ai mà không biết câu văn được trích dẫn ở trên là của Thanh Tịnh. Cũng dễ dàng nhận ra cái cảm giác nhẹ nhàng, trong sáng đó chỉ có thể có được ở một môi trường giáo dục mà tình thầy trò, tình mẫu tử, tình của một sân trường, của một tán lá xanh… là những gì êm ả nhất. Những thứ mà một con người có thể mang theo vào cỗ áo quan như là một trong những kỷ niệm đẹp nhất lúc còn ở trần gian. Đã trôi qua không biết bao nhiêu mùa tựu trường với những mùa hè đã ra đi biệt tích, những sân nắng đã chìm sâu, những đất trời đã vỡ nát, những nụ cười của thầy cô cùng những người bạn cũ đã trôi dạt xuống chân mây. Đã bao nhiêu nước chảy qua cầu.

Chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày tựu trường. Nó cho phép tôi nhìn lại một nền giáo dục mà các em đang thụ hưởng cùng với những đặc thù của chúng.

Sự kiện một em học sinh 14 tuổi phê phán nền giáo dục của Việt Nam chưa kịp lắng xuống thì cuộc thi tuyển đại học vừa qua như lửa dổ thêm dầu. Nó cho phép người ta nhìn lại toàn bộ hiện trạng nền giáo dục của một dân tộc.

Cái căn bệnh chuộng thành tích, chuộng báo cáo đã trở thành một căn bệnh mãn tính, vô phương cứu chữa. Đã trở thành một thứ bệnh cuồng. Nó cũng lý giải luôn tại sao khoảng 70% sinh viên Việt Nam ra trường không có việc làm, hoặc phải làm một công việc không đúng với ngành mình học.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà cả dân tộc này đều nhìn những tấm bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ của Việt Nam với một thái độ coi thường, xem nhẹ, nếu không muốn nói là rẻ rúng. Đó là những Tiến sĩ, Thạc sĩ với những luận án không nuôi nổi người đã viết ra nó, nói chi đến chuyện nuôi nổi ai. Đó là những học vị học vội, học vàng, cấp vội, cấp vàng cho những quan chức chưa từng đến trường. Tôi biết có những vị, mà trình độ yếu kém ngang bằng một thảm họa, cái thảm họa mà cả một dân tộc phải gánh chịu khi họ nắm vai trò lãnh đạo.

Chương trình học của học sinh, sinh viên Việt Nam cũng là một chương trình không giống ai. Các em phải tốn quá nhiều thời gian để học những thứ mà giá trị của chúng đã được xác định là vô giá trị, đã bị đào thải. Dưới cái nhìn của Duy vật sử quan, lịch sử của nhân loại bị bẻ cong đến tật nguyền. Một chuỗi dài lịch sử nhân loại chỉ còn là lịch sử của đấu tranh giai cấp. Lịch sử của cả nhân loại được nhìn lại từ một cái nhìn cân, đong, đo, đếm, nuôi no thù hằn lẫn cay đắng, chẳng bao giờ có được một cái nhìn thoáng đãng như hai câu thơ dưới đây của Phạm Thiên Thư:

Được thua một trận cười khàn

Ván cờ xí xóa theo làn bụi bay

Không khó để nhận ra môn lịch sử là môn học gần gũi với văn chương nhất, bởi nó cho chúng ta những cảm xúc mà chỉ có ở văn chương. Đọc Hoàng Lê nhất thống chí viết về thời Trịnh Nguyễn phân tranh, đến đoạn một ông vua đời Hậu Lê bị kiêu binh của chúa Trịnh rượt, qua sông không có tiền để trả tiền đò, dễ khiến ta trào lệ. Cuộc lên voi xuống chó đến vậy là cũng đã tận cùng, trò dâu bể cũng đã đụng đến đáy. Lịch sử mở ra những bờ bãi tang thương đến ngậm ngùi.

Còn lịch sử mà học sinh trên đất nước này đang học là một thứ lịch sử khô như đá cuội. Học là chỉ để đối phó. Và cái tình trạng đối phó này đã kéo dài bao nhiêu năm rồi?

Và đây là kết quả mới nhất của sự đổi mới: “Bước vào trận đánh, từ tướng lĩnh đến binh lính phải quyết tâm, tin và­­o chiến thắng, sẵn sàng trả giá. Tôi coi thực hiện để án đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn”. Và chỉ mới ra quân thôi, người bày ra trận đánh lớn này bị hàng ngàn người đề nghị từ chức đi cho rồi, vì làm không được việc, vì không lường được hết những hệ quả nảy sinh. Vẫn là hệ quả của một tầm nhìn ngắn.

Hãy giả định rằng Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận từ chức. Một ai đó thay ông, thì liệu nền giáo dục Việt Nam có khá hơn không? Câu trả lời là không. Trước ông cũng đã có nhiều vị có tâm với nền giáo dục của đất nước này mà cũng bó tay. Có thể nhận ra đây là lỗi của một cơ chế, của một guồng máy hơn là lỗi của một cá nhân. Không một cá nhân nào có thể vực dậy được nền giáo dục này, trừ phi nó dám chấp nhận một cuộc cách mạng triệt để.

Mục đích cuối cùng mà tất cả những nền giáo dục trên thế giới muốn hướng đến từ hàng ngàn năm nay là: bên cạnh giáo dục những kỹ năng, tay nghề, để kiếm sống nuôi thân, là hoàn thiện con người theo chiều hướng nhân bản nhất mà loài người có thể hình dung ra được, vì cho mãi đến hôm nay con người vẫn còn là một thứ sinh vật bất toàn. Trong một cuốn nào đó của Niezsche có một câu như vầy: “Con người là một sinh vật đã vượt qua được cái tình trạng của thú vật nhưng chưa bao giờ là một con người theo đúng cái nghĩa của nó”.

Và giáo dục nhìn theo chiều này cũng đồng nghĩa với sự gột rữa những thú tính cuối cùng để con người có thể hiện nguyên hình với hình dáng trọn vẹn nhất mà đúng ra nó phải là.

Và đây cũng là mơ ước cuối cùng của người viết bài này trước ngày mấy em nhỏ tựu trường.

Đà lạt, 31-8-2015

Comments are closed.