Vì sao cuộc đời vẫn đẹp sao?

Bùi Minh Quốc

 

Thế là anh đã ra đi; anh Phan Huỳnh Điểu, người anh, người đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp cùng chi bộ cùng cơ quan Tiểu ban Văn Nghệ (Ban Tuyên huấn khu 5) thân yêu của tôi thời chiến tranh.

Tôi mở “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong – bí thư chi bộ của chúng tôi –, đọc lại và bồi hồi sống lại những năm tháng ấy

Thứ Hai 12-8-68

Hôm nay mình vẫn ngây ngấy muốn lên một cơn sốt, phải uống Delaguine anh Phan Huỳnh Điểu cho, thuốc đã nát thành bột, phải gói trong giấy hút để uống, không theo một liều lượng nào cả. Buổi sáng họp chi bộ. Ở ngoài gió lùa trong rừng.

Thứ Bảy 28-9-68

Hôm nay Thăng Giai, Thu Hoài, Thảo đi cõng gạo XHCN. Một tốp khác, Thanh Đính, Phan Huỳnh Điểu, Chất, Tam đi chuyển nốt bắp, muối ở Đội 5 về.

Chủ Nhật 3-11-68

Sáng nay đi ra mình và anh Phan Huỳnh Điểu mệt quá muốn xâm và mửa. Mất hai tiếng rưỡi đồng hồ mới đi được đoạn đường đáng ra chỉ đi có một tiếng. Mình có mang nặng đâu, chỉ cõng có 31 lon bắp và một ít đồ đạc cá nhân. Thế mới biết mình đã yếu đi nhiều. Nhìn khuôn mặt đầy những hốc hác của anh Điểu thật thương, nước da tái xanh, xương hàm nhô ra nhọn hoắt, chỉ có cặp lông mày là rậm rạp, tươi tốt. Có lẽ khuôn mặt mình còn đáng thương hơn, râu tua tủa lởm chởm vàng hoe, đôi môi không còn đỏ nữa, xương gò má nhọn hoắt… Anh Điểu phải lấy ra một củ sâm hai anh em nhai mới đi được đến một giờ rưỡi chiều.

Tối nay nằm giữa rừng, đúng ngay cái chỗ mà một năm trước đây, trong một cuộc hành quân, mình đã bị xâm, ngất đi, mình và anh Phan Huỳnh Điểu nằm nhịn đói trên những hòn đảo.

Thứ Ba 5-11-68

Bữa cơm chiều hôm qua là bữa cơm cuối cùng. Còn được mấy lon gạo để dành cho chú Khánh và anh Phan Huỳnh Điểu, hai người đau dạ dày. Chúng mình ăn bắp cả ba bữa. Lại hết dầu, hết muối. Chỉ có thể ăn bắp với canh môn dóc. Không biết kéo dài tình trạng này đến lúc nào.

Thứ Tư 20-11-68

Mưa từ đêm qua. Mình bị sốt và ăn cháo. Tỉ lệ người ốm trong cơ quan có lẽ lúc này là cao nhất, ở nhà 7 người ốm cả 7. Mình, anh Vương Linh, Phan Huỳnh Điểu, chú Khánh, Thảo, Quý và Tam (Thảo, Quý, Tam có đỡ hơn).

Thứ Năm 16-4-70

[] nay mai anh em văn học phải lo làm tạp chí, anh em khác lo gieo trỉa, rồi phải đi khu B lo sản xuất ngoài đó, phát rẫy trồng 10.000 gốc sắn, đi công tác, v.v. Anh em đã ra ở ngoài nhà mới. Nhân dịp ra nhà mới và tiễn anh Phan Huỳnh Điểu, làm thịt một chú gà trống. Suốt một tháng ăn nưa, ăn thân cây dớn, bữa nay có thịt gà thật thấm thía!

(Hôm ấy tiễn anh Phan Huỳnh Điểu ra miền Bắc, đó cũng là lần cuối cùng anh và Chu Cẩm Phong được ở bên nhau – Bùi Minh Quốc ghi chú)

Tôi không bao giờ quên được hình ảnh anh Phan Huỳnh Điểu giữa hai cơn sốt rét hoặc đau dạ dày, cố gượng ngồi dậy trên võng, trong cái bóng mờ tối của chiếc lán lụp xụp lợp tạm bằng lá dong dưới tán rừng già, ôm cây đàn măng-đô-lin lần tìm định âm những giai điệu đang xáo động tâm hồn đòi được cất lên.

Tâm hồn tôi lặng lẽ trào dâng những câu thơ này:

Xin cám ơn những ngày gian khổ…

Ngày giá lạnh khiến ta tìm ra lửa

Những ngày đau ta lại có nụ cười

Giữa rừng buồn ta trải tấm lòng vui

Những ngày đói, ta tìm ra tiếng hát

Trong miếng rau rừng ta bắt gặp tình yêu

Đồng đội cùng nhau san sẻ mỗi mai chiều

Hơn một năm trước đó, tôi viết :

Cuộc đời vẫn đẹp sao

Tình yêu vẫn đẹp sao

Dù đạn bom man rợ thét gào

Ôi trái tim Việt Nam

Như mặt trời trước ngực

Cuộc đời vẫn đẹp trái tim Việt Nam luôn rực cháy ngọn lửa KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO – Độc Lập của Tổ Quốc Việt Nam và Tự Do của mỗi con người Việt Nam.

Cuộc đời vẫn đẹp vì tình yêu của những lứa đôi dù xa cách càng quyện chặt hơn trên tuyến đầu hết sức ác liệt trong cuộc chiến đấu cho Tổ Quốc và Tự Do

Cuộc đời vẫn đẹp vì tình yêu của những người đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp nghệ sĩ – chiến sĩ dành cho nhau trong gian khổ.

Cuộc đời vẫn đẹp vì phẩm chất cao đẹp của những người chiến sĩ cách mạng bất chấp đói khổ, bệnh tật, đạn bom chết chóc, bất chấp bị bắt bớ, tù đày, tra tấn, luôn đứng ở vị trí tiên phong, luôn giữ được sự gương mẫu gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin yêu, kỳ vọng. Ngày 08 tháng 01 năm 1970, kỷ niệm 7 năm anh vào Đảng, Chu Cẩm Phong ghi: “Dẫu ngã xuống một giờ, nửa giờ trước khi ta giành thắng lợi hoàn toàn cũng Hạnh phúc lắm thay!” (hơn một năm sau khi ghi những dòng nhật ký trên đây, nhà văn Chu Cẩm Phong anh dũng hy sinh dưới hầm bí mật trong một cuộc chiến đấu tuyệt đối không cân sức vì bị lộ hầm, năm 2010 Chu Cẩm Phong được phong anh hùng, là nhà văn đầu tiên trong Hội Nhà Văn Việt Nam nhận danh hiệu này).

Vẻ đẹp ấy không chỉ sáng lên trong thời chiến.

Vẻ đẹp ấy hôm nay hiện ra ngời ngời trong khí phách hiên ngang của các bạn trẻ sát cánh cùng lớp chiến sĩ già mà một trong những gương mặt tiêu biểu nhất là nhà văn Nguyên Ngọc – nguyên Phó Bí thư Đảng đoàn Văn Nghệ Giải phóng Trung Trung bộ (Khu 5), nguyên Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà Văn Việt Nam – trong các cuộc xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, bất chấp bị đánh đập, bắt bớ, tù đày, tra tấn.

Họ hát:

Cuộc đời vẫn đẹp sao

Tình yêu vẫn đẹp sao

Dù xiềng gông man rợ rú gào

Mãi mãi đẹp những con người như thế.

Hôm nay, qua giai điệu sôi nổi của anh, tôi cất lời ngợi ca những con người hiên ngang dấn bước chiến đấu cho Tổ Quốc và Tự Do thay nén hương lòng tiễn đưa anh, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu yêu mến của tôi, của nhân dân mà chúng ta trọn đời mang nặng ơn sâu.

Đà Lạt 01.07.2015

Comments are closed.