Hoàng Ngọc Hiến
Tôi lấy câu châm ngôn này của Bertold Brecht làm nhan đề cho bài tham luận vì nhân dịp này suy nghĩ về con đường đi của mình và các bạn đồng nghiệp tôi chợt nghĩ ra rằng nhà văn cũng như mọi người có “hai bàn chân”.
Trong tiếng Việt, đứng lâu quá gọi là đứng “mọc rễ”, ngồi chờ lâu quá gọi là ngồi “mọc rễ” và người nào ngồi ở một chức vụ lâu quá được gọi là “mọc rễ” trên ghế, trong câu dẫn ở trên chắc là Brecht muốn nói đến “loại rễ chôn chân người ta lại”, “loại rễ đã neo đính ở đâu thì chết dí luôn ở đấy”. Con người có “cội rễ”, đó là một điều hiển nhiên.
Cội rễ của tôi là tiếng Việt. Nếu ai hỏi tôi tổ quốc tôi ở đâu tôi sẵn sàng trả lời tổ quốc của tôi ở tiếng Việt, là tiếng Việt. Suốt ngày và hàng ngày, suốt ngày và suốt đời tôi nói tiếng Việt, đọc tiếng Việt, nghĩ bằng tiếng Việt. Tổ quốc này luôn luôn ở bên tôi và trong tôi. Dù đi Nga, đi Mỹ, sống ở Paris hay London, dù có xa đất Việt ngàn vạn dặm, tiếng Việt với tôi lúc nào cũng như hình với bóng, nó là tổ quốc gần gũi nhất của tôi.
Tiếng Việt là một nguồn sướng thường xuyên của tôi. Nghe một câu tiếng Việt dí dỏm, sướng; đọc một trang tiếng Việt ngon lành, sướng; tìm được một từ Việt đích đáng, sướng… Nhờ thanh khí tiếng Việt tôi có bạn tri âm khắp nơi. Không những ở trong nước mà cả ở ngoài nước, đâu cũng có những người yêu tiếng Việt và văn chương tiếng Việt. Tôi dạy văn và viết văn, làm cả hai việc đều phải bơi trong dòng tiếng Việt. Dòng sông này chở cơ man tài nguyên phong phú, cả một kho tàng vô giá.
Sự tiếp nhận tài nguyên này ở trẻ em thật là kỳ diệu! Trong đợt B52 Mỹ đánh phá Hà Nội, vợ tôi với đứa con sơ sinh đi sơ tán một nơi, đứa nhớn 5 tuổi gửi cho bà ngoại sơ tán ở một nơi khác. Bà lại phải trông một đứa cháu nữa, mệt quá, được tin tôi trở về Hà Nội, bà nhắn tôi đến đưa con nhớn về với mẹ nó. Bố con từ biệt bà đi được một quãng, tôi hỏi con gái ngồi đèo sau xe đạp: “Con đi thì bà vui hay buồn?” (vốn từ của tôi [cuả chúng ta?] quả là nghèo nàn, đời sống tình cảm trở đi trở lại chỉ có mấy từ: vui, buồn, yêu ghét…). Con gái tôi trả lời: “Bà mừng, bố ạ”. Tôi nghe câu nói hơi là lạ. Tôi đưa cho nó hai từ để chọn một: “vui” hay “buồn”… Nó dùng từ của nó: Bà mừng bố ạ. Tôi cũng chỉ nghĩ vậy thôi, lời con trẻ… Mấy năm sau, đất nước hoà bình, vào Sài Gòn, tôi gặp một bà chị họ, bà nói với tôi: “… nước nhà thống nhất, chị mừng nhưng không vui, mừng vì khỏi đạn bom, loạn lạc nhưng không vui vì gia đình ly tán…”. Nghe bà nói tôi sửng sốt: hoá ra trong tiếng Việt, mừng khác vui. Tôi nhớ lại câu nói của con gái về bà ngoại, nó không nói “Bà vui” mà nói “Bà mừng, bố ạ”. Nó mới có 5 tuổi, chắc chắn không ai giảng cho nó “mừng” khác “vui”, trực giác nào mà thần tình như vậy… Ðời sống của ngôn ngữ và sự tiếp nhận ngôn ngữ chứa đựng những điều bí ẩn vô cùng kỳ diệu.
Việc sử dụng tiếng Việt và khai thác những khả năng kỳ diệu của nó đương là một vấn đề nghiêm trọng trong đời sống văn hoá nước ta. Những người cầm bút viết kỹ lưỡng, quan tâm đến sự chính xác của từ, sự chính xác của âm hưởng và cấu trúc nhằm diễn đạt thật chính xác những suy nghĩ và cảm xúc thực của mình ngày càng ít đi, trong khi một số khá đông cắm cổ viết nạp bài ăn tiền với một tiếng Việt nghèo nàn, nhợt nhạt, sáo nhàm, thậm chí cẩu thả, nhếch nhác… những dòng chữ của họ bò trên trên trang giấy giống như “bầy kiến, không hồi hộp, không vang động” (Hoàng Phủ Ngọc Tường).
Tổ quốc của tôi, gốc rễ của tôi là tiếng Việt. Gốc tiếng Việt có nhiều rễ. Rễ gộc là tiếng Việt, những rễ nhánh cắm vào những “ngôn ngữ và văn minh” ngoài Việt góp phần hết sức quan trọng bồi bổ cho gốc tiếng Việt, tuy nhiên để làm được chức năng này, chúng phải cắm thật sâu vào những vùng ngoại lai, nếu chỉ loà xoà, nông cạn mặt đất thì chẳng ích gì cho gốc. Không có công lao của những trí thức ưu tú nhà trường Hán học và nhà trường Pháp học làm sao có được sức sống hồn hậu và thần thái phong nhã của tiếng Việt ngày hôm nay. Một đặc điểm của văn học hiện đại Việt Nam là tuyệt đại đa số tác giả chủ lực của văn học không biết ngoại ngữ (bao gồm cả Hán học). Và chính họ, trước hết là những tác giả ưu tú, bằng tài năng và sự nhạy cảm với tinh hoa tiếng Việt họ đã đã làm ra nhung tuyết, lụa là, sự uyển chuyển và sự rỡ ràng của tiếng Việt văn học ngày hôm nay. Tuy nhiên so với lớp tác giả thế hệ trước họ như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Ðình Thi… trong văn chương của họ thấy thiếu cái gì đó, là người có tham gia làm sách giáo khoa, tôi thấy với những vị lớp trên chọn được những đoạn trích giảng đưa vào sách giáo khoa cảm thấy yên tâm, còn đọc những tác giả lớp sau, ngay ở những trang sáng loáng tài năng, thấy rất khó chọn, phải chăng “cái gì đó” thiếu ở họ là “bề dày văn hóa” của ngôn ngữ văn học. Ðọc một tác giả có ngôn ngữ văn học “chững chạc” (tôi hiểu “chững chạc” là “có bề dày văn hóa”) có thể đoán không sai người này có chữ Hán hoặc thành thạo một ngoại ngữ (hoặc có cả hai). Một nhà văn có tài tiếng Việt không cần biết ngoại ngữ cũng có thể viết những câu văn tuyệt vời mà những người giỏi hai ba ngoại ngữ không tài nào viết được. Tuy nhiên có chữ Hán hoặc thành thạo một ngoại ngữ thì ngòi bút dễ tung hoành, tự do sử dụng những khả năng kỳ diệu của tiếng Việt.
Phạm Hải Anh là một nhà văn ngôn ngữ văn học có “bề dày văn hoá”. Về năng khiếu tiếng Việt không thua gì Ðỗ Chu, Nguyễn Huy Thiệp, nữ tác giả trẻ này (sinh 1970) có ưu thế là khá thành thạo hai ngoại ngữ phương Tây (tiếng Anh, tiếng Hà Lan) và có chữ Hán (đã từng dạy văn học Trung Quốc tại khoa Ngữ văn Ðại học Sư phạm Hà nội 1991-1998). Nếu như Nguyễn Huy Thiệp là ngôi sao sáng trôi qua bầu trời Văn học Việt Nam hai thập kỷ cuối thế kỷ XX thì Phạm Hải Anh là tinh cầu tháp thoáng mới mọc đâu đó phía chân trời buổi bình minh của thế kỷ XXI. Một đặc điểm của văn học nước ta những thập kỷ gần đây là những tác giả, tác phẩm hoặc trực tiếp hoặc cạnh khoé động chạm đến những vấn đề chính trị, xã hội gai góc thường dễ nổi lên trước công luận. Phạm Hải Anh chẳng mấy quan tâm đến những vấn đề này và cách viết này. Những tác phẩm của chị không nổi lên như một “hiện tượng” văn học, nhưng với ngôn ngữ văn học “có bề dày văn hoá” chúng có cơ đứng được và chắc là vẫn còn lạỉ những năm tháng sau này.
Mùa hè năm 2004 tôi đến thăm Hải Anh ở Amsterdam, nơi chị đương sinh sống và làm việc. Hải Anh không chỉ biết làm tác phẩm văn học, chị còn biết làm thiết kế trang Web (một kế sinh nhai của chị), và điều tôi ngạc nhiên hơn cả là chị còn biết làm nhà. Căn nhà nhỏ xíu của chị lúc mua còn tuềnh toàng. Tự tay chị quét vôi, làm trang trí nội thất, chị mua gỗ ván, tự tay ghép những miếng ván làm sàn, một cái sàn nhà ra sàn nhà. Hải Anh còn biết làm tiểu sử nữa (theo tôi, đối với nhà văn, biết làm tiểu sử ‘của chính mình’ có khi còn quan trọng hơn biết làm tác phẩm).
Hải Anh tốt nghiệp đại học xuất sắc và rất trẻ, được giữ lại ở trường làm cán bộ giảng dạy, sau năm năm chị bảo vệ luận văn tiến sĩ, có bài đăng báo và có sách, chị là một giảng viên có nhiều triển vọng, cứ cái đà này, học hàm đại học trong tầm tay của chị. Ðối với lớp giảng viên trẻ hoàn cảnh và địa vị của Hải Anh gần như là lý tưởng, một con người mà “chuỗi những ngày đẹp” không chỉ là ước mơ. Ðùng một cái, Hải Anh theo chồng ra nước ngoài sinh sống, bỏ tất cả: quê hương, gia đình, sự nghiệp đại học và con đường công danh…
Một quyết định đột ngột nhưng có thể hiểu được, Gide có nói đến một tâm lý oái ăm ở con người: “Mọi thứ trên dời này đều có thể chịu đựng được, ngoại trừ cái chuỗi những ngày đẹp”. Những năm sống ở nước ngoài, chị làm nhiều nghề, hoàn thiện hai ngoại ngữ phương Tây đồng thời trưởng thành về văn nghiệp, ra được mấy tập truyện đặc sắc (có tập được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam)… Hải Anh có hai bàn chân đi khoẻ, chị đã đến Mỹ và đi nhiều nước châu Âu… Hôm tôi đến nhà Hải Anh ở Amsterdam, tôi thấy ở ngoài cửa treo một cái bảng rao bán nhà. Chị quyết định dứt khoát trở về nước dạy học và viết văn. Tôi phục tất cả những người làm nhà, nhưng có những người bán nhà tôi phục hơn một trăm lần: họ không cam chịu bị chôn chân, bị chết dí ở một nới.
“Con người không có rễ, nó có hai bàn chân”. Tôi hiểu “hai bàn chân” của Brecht theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Theo nghĩa bóng là “di chuyển” trong “thế giới văn hoá”. Hai bàn chân tôi không khoẻ lắm, nhưng tôi thích đi, thích di chuyển. Ðương lặn lội trong văn hoá phương Tây, tôi lóp ngóp trở về văn hoá phương Ðông; đương làm văn học Nga, tôi rẽ sang văn học Việt Nam lúc nào không biết, tôi đi từ triết sang văn, từ văn sang triết, từ lĩnh vực Pháp sang lĩnh vực Nga, nhảy sang lĩnh vực Mỹ, lại quay trở về lĩnh vực ban đầu… Tôi nhớ lại ngay từ thời học chuyên khoa, tôi đương học ban Toán Lý đến năm thứ ba chuyển phắt sang ban Sinh ngữ.
Những sự di động, những bước chuyển, bước ngoặt trong tiến trình tìm tòi nghiên cứu của tôi có vẻ bất ngờ nhưng thực ra đều có cơ sở, có sự chuẩn bị và tất nhiên chuyển được hay không, rẽ ngoặt được hay không còn phải có duyên nữa. Tôi đương ra một loạt công trình về Maiakovxki, về văn học xô-viết thì bỗng dưng ném ra công luận văn học một bài “điểm huyệt” văn học đương đại Việt Nam gây chấn động dư luận (bài viết về chủ nghĩa hiện thực phải đạo và sau bài báo “lăng-xê” (lancer) Nguyễn Huy Thiệp tôi viết một loạt bài giới thiệu những tác giả đương đại khác… Thực ra trước khi là một chuyên gia về Maiakôvxki tôi là một giáo viên chín năm dạy Việt văn ở trường Phổ thông, và lần ngược trở lên thời thơ ấu, trong gia đình tôi, ngoài cái hòm sách tiếng Pháp của bố tôi còn có tủ sách tiếng Việt của mẹ và chị tôi, bố tôi chỉ cho tôi đọc sách tiếng Pháp, nhưng những lúc bố tôi đi vắng tôi đến tủ sách của mẹ và chị, đọc ngấu nghiến, cái gì cũng đọc, Phong Hóa, Ngày Nay, Tao đàn, Tiểu thuyết thứ bảy, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, rồi Thơ mới, Lê Văn Trương, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân…, thượng vàng hạ cám, đọc tất, cái vốn này tích luỹ thời thơ ấu và niên thiếu vô cùng quan trọng, gốc rễ của tôi trước hết được vun trồng, bồi bổ ở đây. Việc tôi chuyển từ lĩnh vực Nga sang lĩnh vực Mỹ cũng có sự chuẩn bị từ thời niên thiếu.
Một tác giả làm thơ lục bát về tôi có câu thơ đại ý: thời thế đổi thay, Hoàng Ngọc Hiến “bỏ tiếng Nga, học tiếng Anh”. Không phải như vậy. Tôi học tiếng Anh năm tôi học lớp nhất tiểu học (tương đương lớp 5 hiện nay). Bấy giờ tôi ở thành phố Nam Ðịnh, bố mẹ tôi lập nghiệp ở đấy. Mẹ tôi bị bệnh phụ khoa, hàng tuần phải lên Hà Nội chạy “điện”. Ở Hà Nội, bà ở nhà người bà con là bác sĩ Phạm Quang Anh có mở bệnh viện tư. Một lần đi Hà Nội về bà nói với tôi: “Tao thấy mấy đứa con ông Anh học trường Ly-xê, chúng nó biết cả tiếng Pháp, tiếng Anh, mày phải học tiếng Anh”. Cả thành phố Nam Ðịnh lúc bấy giờ chỉ có một trường tư thục do ông Phạm Văn Ðương, tú tài Tây làm hiệu trưởng có mở lớp tiếng Anh. Tôi được đến học ghé, một tháng ba đồng học phí (bằng giá một tạ gạo). Lớp tiếng Anh lại học ngay sau giờ tan buổi học chiều của tôi. Ðể đến kịp buổi học tiếng Anh, bố tôi phải cậy cục xin thầy giáo lớp nhất cho tôi về sớm nửa tiếng, và mẹ tôi sắm cho tôi một chiếc xe đạp con để đi lại cho nhanh. Cái vốn tiếng Anh học ngoài giờ năm lớp nhất không được bao nhiêu, nhưng nó là cái cơ bản để những năm sau này tôi tự học. Tôi nhớ lại, sau ngày toàn quốc kháng chiến, tôi ở lại thành phố Nam Ðịnh làm tuyên truyền kháng chiến, trong ba lô của tôi có một cuốn Trigo (lượng giác học) và một cuốn học tiếng Anh Vocabulaire Milhaud, cuốn này cứ rảnh rỗi là tôi lôi ra để học từ, mỗi ngày học ít nhất được hai chục từ. Cứ thế, túc tắc và quyết liệt, đến năm tôi tốt nghiệp trung học chuyên khoa tôi đọc thoải mái David Copperfield, Macbeth, Vanity Fair, Wuthering Heights… Ðây là một vốn quan trọng để sau này đến khi thấy sự sụp đổ của văn minh xô-viết là nhỡn tiền tôi có phương tiện để tìm hiểu văn minh Hoa Kỳ. Lúc này tôi mới thấy mẹ tôi nhìn xa, bà không phải là một trí thức, cũng không phải là một người làm lãnh đạo, bà chỉ là một phụ nữ quanh quẩn việc nội trợ, biết đọc, biết viết, biết cộng, trừ, nhân chia và làm tính nhẩm rất giỏi.
Chuyên môn của tôi là nghiên cứu văn học. Con đường riêng của tôi trong nghiên cứu là dò dẫm và lần bước chỗ giáp ranh giữa Văn và Triết, tôi có thể di chuyển thoải mái từ văn sang triết, từ triết sang văn. Cơ duyên nào đã đưa tôi đến với triết học? Sau Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), tôi làm tuyên truyền kháng chiến được ba tháng ở Nam Ðịnh, đến lúc quân Pháp ở trong thành nống ra, tôi chạy vào Thanh Hoá, đi lang thang vài tháng rồi về quê ở Ðức Thọ, Hà Tĩnh (cả gia đình tôi đã dọn về quê ngay sau Cách mạng, do bà mẹ bị trọng bệnh, biết không qua khỏi, bà muốn về mất ở quê nhà). Về quê được mươi ngày thì cảm thấy sống vật vờ, không có sách đọc, không có việc làm, may quá, một hôm, bố tôi đưa về cho tôi một cuốn sách dày cộp, nói rằng ông Vương Ðình Lương, hiệu trưởng một trường trung học Công giáo cho mượn để đọc. Ðây là một cuốn sách giáo khoa triết học dùng cho học sinh Pháp ban Tú tài triết, tác giả là linh mục Lahr. Tôi đọc say sưa cuốn sách này, đọc đi đọc lại, lấy một cuốn vở riêng để ghi chép, làm lược thuật kỹ càng từng đoạn, từng chương, tôi có thể thuyết trình trôi chảy từ đầu chí cuối… Tác giả triết luận rất tốt, đọc công trình của ông những thao tác sơ đẳng của tư duy triết học của tôi được rèn luyện và tinh luyện. Một kinh nghiệm tâm đắc của tôi là trên con đường học tập nghiên cứu may mà “vớ” được một cuốn sách hay thì đọc thật kỹ, không tiếc công sức. Căn cốt của học thuật một người tóm lại là những cuốn sách hay được đọc kỹ (loại sách này bao giờ cũng hiếm). Nắm được giáo trình Triết học của Lahr tôi có cơ sở để tự học triết học, tôi đọc sách triết thoải mái hơn, chủ động hơn, thích đọc triết và năm tôi ngoài hai mươi đi dạy học ở trường phổ thông, khi môn triết được đưa vào lớp cuối cấp, tôi nhảy ngay lên bục giảng bộ môn này. Những bài giảng cuả tôi có tiếng vang.
Lẽ ra triết học mới là lĩnh vực của tôi, nhưng tôi đã đi vào nghiên cứu văn học. Thế lại hoá may. Bốn năm trước đây, triết gia Pháp FranÇois Jullien đến thăm Hà Nội, bức thư đầu gửi cho tôi (lúc bấy giờ tôi ở Mỹ) ông phát biểu cảm tưởng là “Ở Việt Nam không có triết học”. Thực ra ở ta có một thứ triết học được xem là chính thống, đó là triết học Mác-Lênin có bài bản được giảng dạy ở các nhà trường, có một thời bất cứ triết luận nào đi chệch bài bản dễ bị quy là “xét lại”, “phản động”, có khi bị nghiêm trị. Ông F. Jullien có nguyện vọng tiếp xúc với những nhà văn trẻ. Sau khi gặp Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà ông nói với tôi “Ở Việt Nam có triết học nhưng nó lẩn trong văn chương”. Hoá ra con đường đi của tôi lại đúng: tôi có triết học riêng của tôi và lẩn vào trong văn chương nó đã có thể lên tiếng.
“Hai bàn chân” của Brecht còn có nghĩa đen là “di chuyển trong không gian địa lý”, thực ra, một không gian địa lý rộng bao giờ cũng phân hóa thành nhiều vùng văn hoá, những chuyến đi xa thường là chuyển vùng văn hoá, đi từ nước này sang nước nọ là đi từ nền văn hoá này sang nền văn hoá khác, đi là mở rộng chân trời văn hoá, đọc sách thì biết nhiều nhưng có thể không “thấy” gì cả, đi thì mở rộng “kiến văn” và nhiều khi phải nhìn tận mắt, tự mình trực tiếp nghe thì mới “mở mắt” ra được. Phải đi mới phát hiện ra châu Mỹ và trong lịch sử hiện đại Việt Nam những người có chí lần lượt ra đi để tìm đường (có những người trở về, có những người sẽ trở về, có những người không bao giờ trở về). Càng ngày tôi càng thấy rõ ở một nước lạc hậu như nước ta thanh niên mà không có mộng du học chưa phải là thanh niên.
Nguồn: http://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/HoangNgocHien/ConNguoiCoHaiChan-HNHien.htm