Đêm chạy trốn (kỳ 7)

Tiểu thuyết Thái Sinh

TS (3)

Chân dung nhà văn Thái Sinh

Cô chợt sững lại, trong ánh lửa chập chờn hiện lên trước mặt cô là một con vật có hình dạng người. Không, đó là một con người thì đúng hơn. Tóc trùm kín hai vai, râu xoắn bết lại, hắn ngồi cúi rũ bên đống lửa. Thấy Sao hắn ngẩng lên, gương mặt cáu bẩn nom vô cùng hoang dã nhìn Sao ngơ ngác. Sao rùng mình, rú lên kinh hãi.

– Mẹ ơi!…

Đôi chân cô khuỵu xuống, hai tay ôm lấy mặt tưởng như mình đang rơi vào chỗ tăm tối không cùng…

Lâu lắm Sao mới hết kinh hoàng, mở mắt ra, lúc này gã “người rừng” đã nằm vật bên đống lửa, một tay úp vào chỗ vết thương trên ngực gần bả vai, đôi mắt hắn nhìn Sao như cầu khẩn. Trong óc cô thoáng hiện câu chuyện về nàng Ban mà người dân Ta Khao kể cho nghe từ khi cô bước chân tới lâm trường. Có lẽ nào đây là con trai của nàng Ban, kẻ đã gieo rắc bao nhiêu tai hoạ cho người dân vùng này? Kẻ đã thiêu cháy bảy mươi ba ha rừng thông và thiêu cháy luôn cả Hưng của cô?

Lòng hận thù ngùn ngụt bốc cháy trong Sao. Chắc hắn bị người dân Ta Khao bắn bị thương, còn cô, giờ cô phải kết liễu đời hắn.

Sao vớ chiếc gậy bên mình vung lên, nhằm vào cái đầu bù xù tóc của hắn. Tên người rừng nhắm ghiền mắt lại, rồi vội mở ra, ú ớ nói với Sao câu gì đó. Cô không hiểu, nhưng qua đôi mắt đau đớn và tuyệt vọng, Sao cảm nhận được điều hắn nói. Hai con người nhìn nhau và cuộc đối thoại không lời trong im lặng.

– “Hỡi con người, sao lại giết ta? Ta cũng là con người, nhưng lại bị con người ruồng bỏ. Ta có tội tình gì mà các người ghét bỏ, săn đuổi, hãm hại ta?”.

– “Bởi mi đã tàn phá núi rừng, ruộng nương, gieo rắc bệnh tật cùng bao nhiêu nỗi bất hạnh cho con người”.

– “Mẹ con ta trốn chạy con người bao nhiêu năm rồi, con người săn đuổi ta tới tận xó rừng, hốc núi này, làm sao ta hãm hại con người được?”.

– “Ai đốt bảy mươi ba héc ta rừng thông, thiêu cháy người yêu của ta, nếu không phải mi?”.

– “Không, ta không biết chuyện đó. Đã lâu rồi ta không xuống Ta Khao”.

– “Ta sẽ giết mi!”.

– “Người định giết ta ? Nhưng ta có tội tình gì ? Lẽ ra người phải cảm ơn ta. Nếu không có căn lều tràn ánh lửa này để chạy vào thì người đã bị lũ chó sói phanh thây xé xác. Ta chính là ân nhân của ngươi, người có biết điều đó không mà cố tình giết ta?”.

Bàn tay Sao chợt mỏi rã rời, cô hạ chiếc gậy xuống.

– “Mi là ân nhân của ta thật sao?”.

– “ Ngươi không nên hỏi điều đó, bởi lúc này người đang ở trong lều của ta, còn ngoài kia là lũ sói đang lượn lờ”.

– “Mi bị thương sao thế?”.

– “Ta bị con người đuổi bắn và suýt bị lũ chó sói khốn kiếp kia xé xác. Với vết thương này cộng với tuổi già, ta biết mình không sống được bao lâu nữa. Ta sẽ chết ở đây hay bất cứ nơi nào trên núi Ta Khao. Lũ chó sói khi ngửi thấy mùi tử khí chúng sẽ tới xé xác ta, nấm mồ của ta là trong bụng lũ chó sói. Thật khủng khiếp! Ta không muốn nhận cái chết ấy… Thôi, đằng nào cũng chết, thà ta chết bởi bàn tay con người. Giết ta đi…”.

– “Ta sẽ không giết mi”.

– “Tại sao?

– “Bởi ta là con người nên sẽ không giết đồng loại của mình”.

– “Ta là đồng loại của con người thật sao ?

Tên “người rừng” nhổm dậy, quì sụp xuống chân Sao. Hắn ngước gương mặt đau khổ nhìn cô với cái nhìn cầu cứu, từ hai hố mắt của hắn ứa ra hai dòng nước mắt.

Sao cúi xuống đỡ hắn nằm ngay ngắn lại. Cô bỏ thêm củi, cời cho ngọn lửa cháy to hơn rồi quáng quàng cầm một thanh củi đang cháy chạy ra ngoài, dứt những lá cây mà cô quờ nắm được bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Cô vào quì xuống bên “người rừng”, đắp những bã lá vào vết thương đã bắt đầu bốc mùi, lẩm bẩm.

– Cầu trời đất cho vết thương của cái người khốn khổ này chóng lành. Người bao nhiêu tuổi, sáu mươi hay bảy mươi?

Gương mặt “người rừng” hiện lên nhập nhoà trong ánh lửa, trông dúm dó và thảm hại. Sao vành đôi mắt của hắn ra, vừa hà hơi vừa day cùi tay lên ngực quanh vết thương hắn, giọng cô lắp bắp mặc cho dòng nước mắt chảy tràn trên đôi gò má rơi xuống vết thương của hắn. Đêm ấy Sao thức suốt đêm canh cho đống lửa không lụi tàn, sớm hôm sau Sao trở lại chiếc lều của những người chăn bò ở thung lũng Hua Lanh, cô kể lại tất cả những gì đã xảy ra với cô đêm qua cho Tơn nghe. Hết sức kinh ngạc, Tơn cuống cuồng giục:

– Hãy đến với hắn ngay đi. Đúng là con của nàng Ban rồi, hắn không phải là kẻ tàn ác, chỉ có chúng ta mới tàn ác. Hắn chưa chết, chị có linh cảm như thế. Ôi cái thế giới khốn nạn chả phải hẹp gì!

Sao vội vàng quay trở lại chiếc lều của tên “người rừng”, cô đun nước sôi rửa vết thương rồi băng cho hắn. Tên “người rừng” bị suy kiệt quá nhiều nên hắn nằm bất tỉnh, thỉnh thoảng hắn mới mở đôi mắt đờ dại nhìn Sao như nhìn vào chốn vô định. Cô nấu cháo đổ cho hắn, thay tấm vỏ cây bằng tấm chăn chiên rồi mặc thêm cho hắn bộ quần áo cũ của Kham bỏ lại. Vừa đổ cháo cho hắn cô vừa nói những lời âu yếm như lời mẹ nói với con, cô biết hắn không nghe được những lời của cô, nhưng cô cứ nói, cứ dỗ dành. Có lẽ chỉ có trái tim đau khổ của hắn mới hiểu được lời của cô.

– Hãy cố nuốt thêm một chút nữa, một chút nữa thôi. Người có nghe được lời ta nói không, cớ sao người lại cứ im lặng như thế?

Tên “người rừng” hé mở đôi mắt mệt mỏi nhìn Sao. Tay cô rung run đặt vội chiếc bát xuống bên đống lửa, giọng lạc đi.

– Người mệt lắm phải không? Gắng ăn thêm một chút nữa. Nhìn thần sắc người đêm qua ta lo quá. Có lẽ người là kẻ cuối cùng của thế giới này bị con người ruồng đuổi? Không, người không thể chết, ta sẽ đón người trở về thế giới của con người. Dẫu thế giới ấy cay đắng bao nhiêu, đểu giả và tàn ác bao nhiêu nhưng chắc chắn người sẽ không phải cô đơn giữa thiên nhiên như thế này. Nào, ăn thêm chút nữa…

Sao không nhớ mình ở bên cạnh “người rừng” ấy năm ngày hay mười ngày, cho đến một hôm khi gạo và thức ăn đã cạn, cô phải trở về thung lũng Hua Lanh lấy thêm. Khi cô quay lại thì “người rừng” đã bỏ căn lều đi mất. Hắn vứt lại bộ quần áo của Kham cùng tấm chăn và tất cả những gì Sao mang tới. Cô sững sờ trước sự trống vắng hoang tàn của căn lều. Đống lửa đã lụi tự bao giờ, ngọn khói ngún lên lên chỉ mảnh mai như sợi chỉ. Sao thọc tay vào lớp lá lót ổ của “ người rừng”, thấy còn chút âm ấm, nghĩa là hắn chỉ mới bỏ căn lều này được ít lâu.

Cô chạy ra khỏi lều. Mặt trời đã lên cao, sương mù đã tan, nhưng cô không biết hắn đi về phương nào. Ngẩn ngơ một lúc, rồi bằng linh cảm Sao cứ nhằm hướng đỉnh núi Ta Khao, nơi còn sót lại những mảng rừng nguyên sinh mà băng tới. Cô nghĩ, thế nào cũng gặp hắn ở phía sau ngọn núi xanh mờ kia. Cô không biết tên hắn, nhưng hắn là một con người, hắn là niềm khát khao của nàng Ban, mong hắn trở về với cộng đồng con người.

Cốn, tiếng Thái là người. Sao gọi hắn là Cốn. Mẹ con hắn bị con người ruồng đuổi quá lâu, nên bây giờ hắn căm thù con người, trốn chạy con người. Sao loa tay lên miệng, vừa chạy cô vừa gọi.

– Cốn ơi… Con người… ơi… Cốn ơi… ơi…

Tiếng cô dội vào vách núi, núi đáp lại cô bằng một chuỗi âm thanh nghe hoang rợn.

– Con… người…ngừ…ời…

Tiếng của Sao và tiếng vọng của núi như hai người đang hú gọi nhau. Những lớp âm thanh dồn xô, chồng lên nhau, lấn át nhau khi náo loạn, khi lại rền rĩ như bị đuối hơi. Sau những chuỗi âm thanh ấy, núi rừng lại trở về với sự trầm mặc lạnh lùng.

Sao cứ đi, cứ gọi, mà không có lời đáp. Núi chỉ nhại lại cô như kẻ đùa dai. Vượt qua ngọn núi xanh mờ trước mặt, lại tiếp một ngọn khác cao hơn, xanh hơn sừng sững hiện ra. Mệt mỏi và thất vọng, Sao ngồi bệt xuống đá. Giữa cái mênh mông hoang vắng của núi rừng, Sao không biết hắn đi về phương nào. Cô kêu lên giọng buồn bã.

– Rừng ơi… Núi ơi…!

Núi đáp lại cô.

– Rừng ơi…Núi… ơ…ơ…ơi…

Bực tức như bị trêu đùa bỡn không phải lối, Sao gầm lên:

– Mi là kẻ khốn nạn!

Lập tức núi đáp lại

– Mi là kẻ khô…ốn…na…ạn…

Bất lực, Sao nhổ nước bọt về phía “hắn”. Cô quay lại, lủi thủi trở về căn lều. Trời đã nhá nhem tối, cô không thể trở về thung lũng Hua Lanh được. Đêm ấy, cô ngủ lại trong căn lều của “người rừng”.

Cô đốt một đống lửa thật to. Với cô lúc này, chỉ có ngọn lửa là bạn duy nhất. Cô vịn vào nó để chống chọi qua cái đêm hoang lạnh đơn côi nhất trong đời mình.

Ngọn lửa khi mềm mại như thiếu nữ đang trình diễn một vũ khúc trữ tình, khi đỏ bầm nhăn nhó như kẻ say rượu tàn ác, khi xanh lét như con mắt của lũ quỉ… Sao rùng mình, vội xua đi những suy nghĩ ma quái ra khỏi tâm trí. Cô ngồi bó gối, mắt đăm đăm nhìn ngọn lửa reo phập phù. Cô hỏi ngọn lửa.

– Mi có mặt từ bao giờ trên cõi đời này hả lửa?

– Ta sinh ra đồng thời với trái đất này- Ngọn lửa đáp.

– Như vậy tuổi của mi đã hơn bảy tỷ năm rồi?

– Còn hơn thế nữa…

– Vậy hả. Thế ai đã sinh ra lửa?

– Mặt trời.

– Còn trái đất là con của lửa, nước và không khí?

– Điều ấy ngươi hãy đi hỏi trái đất. Còn ta, ta biết mình là con của mặt trời. Con người cũng vậy, tất cả đều là con của mặt trời.

Nước mắt của Sao tự nhiên túa ra, giọng cô nghẹn lại.

– Chúng ta đều là con của mặt trời. Vậy mà… lửa ơi, lửa đã thiêu cháy của con người biết bao nhiêu cánh rừng, thành quách. Con người kinh hoàng khi nhìn thấy lửa từ họng súng chiến tranh, lửa đã tàn phá khắp hành tinh này, từ thượng cổ cho tới hôm nay, từ căn lều của dân du mục tới cung điện nguy nga mà con người đã đổ ra bao mồ hôi, nước mắt, tâm trí và cả xương máu hàng mấy trăm năm để tạo dựng. Vậy mà lửa đã thiêu cháy chỉ trong chốc lát. Sau chiến tranh, mặt đất cũng ngổn ngang những đống tro tàn….

– Hỡi con người nhỏ bé, ngươi oán hận ta làm gì. Ngươi nên biết rằng nhờ tìm thấy ta mà con người mới tách ra khỏi thế giới động vật. Ta là con của mặt trời, mang ánh sáng soi rọi vào chốn tăm tối để con người nhìn rõ mặt nhau, yêu thương nhau…Ta trở nên tàn ác là bởi chính bàn tay của con người. Trong bàn tay của kẻ ác, ta trở thành kẻ tàn ác. Người hiểu ta chứ?

– Lửa ơi, bây giờ…Giọng của Sao nghe khẩn thiết hơn.

– Ta vẫn là ngọn lửa của triệu triệu năm về trước… Còn lúc này, ta là bà mẹ hiền từ, sưởi ấm tấm thân giá lạnh của ngươi. Hãy ngủ đi, ngủ đi…

Đêm ấy Sao ngủ trong chiếc ổ của “người rừng” bên cạnh đống lửa. Trong giấc mơ cô thấy hắn trở về, mặc bộ quần áo của Hưng, râu tóc đã cắt nom hắn trẻ ra hàng chục tuổi. Hắn mỉm cười nhìn Sao, ngỡ ngàng trong giây lát cô mới nhận ra. Hắn cao lớn và cường tráng hơn Hưng, đôi mắt sáng long lanh tưởng nhìn thấu màn đêm. Dẫu vậy, trên gương mặt hắn vẫn phảng phất nét hoang dã. Sao ngập ngừng.

-“Người đi đâu để tôi đi tìm khắp đầu nguồn ngọn suối, gọi khản cả hơi mà chẳng nghe thưa?”.

– “Ta đang ở bên người đó thôi”.

– “Thật sao, người không đùa tôi chứ?”.

– “Ta đang ở bên người, nhưng thế giới của ta không có lửa nên lạnh lắm, người cho ta sưởi nhờ qua cái đêm dằng dặc này”.

Sao giơ đôi bàn tay chới với như thể níu lấy cái bóng trước mặt.

– “Anh đấy ư, Hưng… ? Thế mà em cứ nghĩ đó là người rừng khốn khổ trở lại đây tìm lửa…”.

– “Ta không phải Hưng, cũng không phải “người rừng”. Ta là một người không tên tuổi, vừa hư vừa thực. Ta có mặt trên cõi đời này và cũng không có mặt trên cõi đời này… “ .

– “Thế người là ai? Có phải người đã cướp mất Hưng của ta không?”.

Người đó lắc đầu cúi xuống. Khi ngẩng lên Sao không thể ngờ được, đó lại là Hưng. Anh nhệch miệng cười rồi thở dài.

– “Lửa đã cướp Hưng thân yêu của người. Còn ta chỉ là cái bóng của Hưng thôi…”.

Nói xong mấy tiếng ấy, con người kỳ lạ đó bước vào đống lửa. Ngọn lửa ngút lên nuốt chìm hắn.

Sao vùng dậy hoảng hốt, trước mặt cô không một ai ngoài đống lửa đang lụi tàn. Cô dụi mắt nhìn trân trân vào đống lửa cố tìm kiếm dấu vết của con người vừa bước vào đó. Cô dùng cây bới lửa ra, chẳng có gì ngoài những cục than đỏ hồng. Sao cúi xuống gục đầu vào hai đầu gối, cô kêu lên khe khẽ.

– Hưng ơi, có lẽ nào anh đã hiện về trong giấc mơ của em? Không, em không tin được anh lại có gương mặt của “người rừng”. Lẽ nào anh nhập vào hắn để hành hạ em?

Từ đó đến sáng Sao ngồi lặng phắc nhìn ngọn lửa bập bùng. Trước lúc trở về thung lũng Hua Lanh, Sao gom những mẩu củi cháy dở lại rồi tấp tro bếp lên như mọi ngày trước lúc lùa bò ra bãi. Bọn cô vẫn làm thế để nuôi ngọn lửa qua ngày này tháng khác. Cô hy vọng đêm nay hay ngày mai “người rừng” sẽ trở lại đây.

Ba ngày sau Sao trở lại, căn lều của “người rừng” vẫn như lúc cô ra đi. Than đã vạc nơi đống lửa chỉ còn âm ấm.

Một tuần sau cô lại đến, căn lều vẫn thế, đống tro nguội tanh nguội ngắt, không một dấu chân người. Thay vào đó là những dấu chân chó sói.

Nhìn những dấu chân của chúng, Sao đoán chúng chỉ lảng vảng quanh lều vài ba bận, khi thấy căn lều trống không thì chúng bỏ đi.

11.

Con tàu giảm tốc độ, từ từ trườn qua một vạt đồi. Phía trước là cánh đồng, mấy người đi đào vàng chợt tỉnh giấc hỏi nhau.

– Tàu sắp vào ga nào đấy?

– Chả vào ga nào cả- Có tiếng người trả lời – Phía trước đang sửa cầu. Chỗ này tháng trước tàu patilê, giữa đồng không mông quạnh không nhà cửa, quán xá tao bị một trận đói mờ mắt, nhớ đời…

Cô gái chạy theo chàng trai khi nãy giờ mới quay lại, nét mặt buồn rượi ngồi xuống bên Sao. Chị ngước đôi mắt u buồn nhìn cô bé, thở dài. Hai bên đường tàu những chiếc lều lụp xụp dựng vội vã của công nhân đường sắt trông giống những đống đá hiện lờ mờ trong bóng đêm, nom nhớp nhúa, hiu quạnh.

Ngọn đèn vuông bốn mặt của người gác đường lắc lư theo bước chân của họ. Tàu đã vượt qua đoạn đường đang sửa, lại rùng rùng lao đi. Phía trước hừng đông đang lên.

Cô gái chợt nắm bàn tay Sao, thổn thức.

– Anh ấy đi mất rồi cô ạ…

– Cháu cũng chẳng nên nuối tiếc làm gì… – Sao im lặng khi cảm thấy mình lỡ lời. Chị thở dài – Bây giờ cháu xuống đâu?

– Cháu cũng xuống ga Rừng cô ạ…

Cô gái gục đầu vào ngực Sao khóc nức nở, tiếng khóc đã bị ghìm nén nghe vừa uất ức vừa xót xa. Sao im lặng đặt bàn tay giá lạnh của mình lên vai cô gái, chị hiểu chỉ có tiếng khóc mới làm vợi đi nỗi đau trong lòng cô.

Cô bé vẫn còn may mắn lắm, bởi nước mắt cô còn chảy được, có nghĩa là nỗi đau của cô rồi sẽ vơi cùng với nước mắt. Còn Sao đã bao nhiêu năm rồi, nước mắt chị không còn chảy được, nó đã lặn sâu vào trong tim, vào mỗi nếp nhăn, vào từng sợi tóc bạc trên đầu.

Con tàu vẫn phầm phập lao đi, không hề biết đang chở trên mình bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu số phận.

Sao nối lại dòng hồi ức vừa đứt.

Năm ấy, sau Tết âm lịch được ít ngày, một đợt rét kéo dài chưa từng thấy ở Ta Khao. Thung lũng Hua Lanh chìm ngập trong mưa phùn gió bấc, đống lửa trong lều của những người chăn bò không lúc nào tắt. Sao lấy thêm cỏ khô trải lên giường thành một cái nệm dày khá ấm áp. Đàn bò tuy đã có cỏ khô dự trữ cho cả mùa đông nhưng Sao vẫn phải đuổi bò ra bãi cho chúng đỡ cuồng cẳng.

Quanh lều ngập ngụa bùn đất lẫn phân rác, rét tê tái. Mỗi lần ra khỏi lều đôi chân của Sao như muốn rụng rời. Cô trùm áo mưa ngồi thu lu trên tảng đá khuất sau lùm cây tránh gió, nhìn đàn bò co ro dầm mình trong mưa bụi, kiên nhẫn gặm những cọng cỏ già còn sót lại.

Đêm nào Sao cũng ôm cỏ cho chúng, nhưng nom chúng cóm róm thảm hại quá. Mấy con bò già không chịu nổi rét lần lượt đổ, giám đốc lâm trường đã lên tiếng phàn nàn, nhưng làm gì còn cách nào nữa.

Sao đang lo nếu mưa rét kéo dài thêm nữa, mấy con bò đang chửa trông có vẻ sắp xuống dạ kia rồi sẽ thế nào?

Chị Tơn hướng dẫn Sao cách đỡ đẻ cho bò. Đã đỡ cho mấy con rồi nhưng cô vẫn còn lúng túng lắm. Nhìn con bò khoang già đi lặc lè sau cùng Sao luống cuống, cô lùa bò về sớm hơn mọi hôm, vừa vuốt ve con bò già Sao vừa thủ thỉ :

– Trông mày mệt mỏi lắm, sắp trở dạ rồi phải không? Trời còn mưa rét thế này tao lo cho mẹ con mày lắm khoang ạ…

Sao ôm cỏ cho suốt hai dãy chuồng, lúc trở vào lều cô thấy Tơn đang đứng vịn chiếc cột cái giữa nhà, lưng vặn vẹo một cách đau đớn. Cô khẽ vạch áo chị lên.

– Chị có thấy bụng xuống không?

Mặt Tơn nhợt nhạt, chị gật đầu. .

– Hơi xuống thôi, nhưng chắc còn lâu mới đẻ em ạ. Bữa nay chị thấy mỏi hai bên hông, mỏi ghê lắm. Đứng thế này thấy đỡ hơn.

– Con khoang già trở dạ rồi, sớm muộn gì tối nay là nó cũng đẻ chị ơi…

Buổi tối Sao bắc sẵn hai nồi nước, cô đi tua vài lượt suốt hai dãy chuồng bò trước lúc đi ngủ. Con khoang nghếch cái mõm lên gióng chuồng, đôi mắt mở thao láo. Mỗi lần Sao soi đèn đi tới, nó liếm cái lưỡi ram ráp, nóng hổi vào tay cô.

– Chưa ngủ à bạn? Vừa rét lại vừa khó ngủ phải không?

Chị Tơn đi nằm một lúc thì dậy, Sao dọn chăn sang giường Kham. Mấy tháng không có người nằm, chiếu giường ẩm mốc hôi hám. Cô hơ đóm đập chiếu rồi thay một lớp cỏ khô khác.

Mỗi lần Tơn trở dậy Sao lại hỏi.

– Chị thấy trong người thế nào rồi?

– Vẫn thế thôi… Ôi, mỏi lưng lắm. Sao ơi…

Tơn thầm thì.

– Chị có linh cảm Kham sẽ trở lại đây vào một ngày nào đó…

– Xin chị đừng bao giờ nghĩ đến hắn nữa…

Sao xua tay, mặt cô hơi biến sắc. Hôm về lâm trường lấy gạo, cô được biết sau khi hắn ra viện lâm trường phiên chế Kham vào đội tự vệ. Rất có thể hắn sẽ trở lại đây. Hắn sẽ làm gì Tơn và đứa trẻ sắp ra đời? Không thể biết được. Nhưng nếu hắn trở lại đây sẽ là một tai hoạ đối với Tơn. Những ngày tháng sống với hắn, Sao thừa biết hắn là kẻ luôn gây ra căng thẳng. Nhưng rồi cô tự trấn an: lẽ nào hắn trở lại đây, nỗi nhục nhã chưa đủ đối với hắn sao? Cô không thể nào quên đôi mắt chị Tơn sớm ấy đầy vẻ hung dữ, chị đủ can đảm để bập lưỡi dao vào họng hắn nếu một lần nữa hắn đến hành hạ chị.

Sao nằm đấy nhưng cô không dám ngủ. Rét ghê gớm, ngoài trời mưa gió vẫn cứ rền rĩ, tiếng chó sói tru ngoài rừng nghe càng man rợ hơn. Sao treo một chuỗi gồm mõ, ống bơ, kẻng xung quanh trại, lát lát cô lại ra giật dây làm cả thung lũng náo động.

Chừng đã khuya, Sao trở dậy lần nữa tới chỗ con khoang già, nó vẫn đứng nghênh nghếch cái mõm lên gióng chuồng, nhìn bụng nó cô áng chừng phải sáng mai nó mới đẻ. Từ tối đến giờ chị Tơn mới chợp mắt, Sao yên tâm là chị không thể đẻ trong đêm nay. Cô lên giường và giấc ngủ mau chóng đến với cô.

Suốt đời Sao nguyền rủa cái đêm khủng khiếp ấy.

Mấy đêm cô chập chờn không ngủ vừa bóp lưng cho chị Tơn vừa lo nếu chị Tơn và con bò khoang cùng đẻ một lúc thì biết làm thế nào. Còn đêm nay cô vừa đặt lưng xuống là ngủ, ngủ mê mệt, không nghe được tiếng kêu rên của chị Tơn.

Khi tỉnh dậy cô thấy chị Tơn nằm sấp trên giường, tay đang bóp cổ đứa bé vừa chào đời còn đỏ hỏn.

Sao lao tới gỡ tay chị ra, xốc chị ngồi dậy. Mặt Tơn trắng bệch ngây thuỗn như đổ sáp.

Tơn đã tắt thở, máu chảy lênh láng trên giường. Sao rú lên kinh hãi, cô không thể hiểu nổi việc gì vừa xảy ra.

Đứa trẻ trên tay cô còn ngọ ngoạy. Chị Tơn không đủ sức bóp chết đứa trẻ, bắt nó phải cùng chết với mình.

Sao cuống cuồng cời lửa lên, cố làm mọi việc có thể cứu đứa trẻ.

Thằng Núi ra đời trong cái đêm như thế.

Con bò khoang cũng trở dạ đẻ trong cái đêm ấy.

Bầu sữa của nó một phần dành nuôi thằng Núi…

12 .

Mùa đông rồi cũng qua, cái lạnh chẳng còn nấn ná được bao lâu khi mặt trời chọc thủng lớp mây mù đặc quánh trong các thung lũng, lòng khe.

Mỗi sớm ngủ dậy Sao đều hướng về phía thung lũng Hua Lanh. Mùa khô, cây cỏ khô xác, lửa cháy nham nhở. Sau mấy trận mưa mặt đất trở nên nhuần nhị, hơi nước bốc lên nghi ngút khi mặt trời trải những tia nắng vàng tươi xuống mặt đất ẩm ướt. Bắt đầu từ những chấm xanh thưa thớt, mỗi sớm những chấm xanh non ấy dày hơn, từng đám từ thung lũng Hua Lanh tràn lên khắp các triền núi.

Lũ bò bị tù chân trong những ngày mùa đông rét mướt, giờ chúng lồng lên chạy nhông nhổng khắp nơi khi mỗi sớm Sao tới mở các gióng chuồng. Lâm trường vẫn chưa điều được người lên thay Kham và Tơn, bởi vậy Sao vẫn phải đảm đương công việc của cả ba người, chẳng còn cách nào khác.

Cô phải địu thằng Núi ra bãi chăn thả. Sang Xuân lũ bò hăng hái gặm cỏ hơn, chúng dàn hàng ngang gặm rào rào, mải mê như để bù lại lúc mùa đông phải nhai những cọng cỏ già. Trông chúng mỗi ngày càng mượt lông, thắm da hơn.

Con khoang già mỗi ngày Sao nấu cho nó một nồi cháo, tuy vậy nó vẫn không thể béo lên được, bởi mỗi ngày Sao vắt của nó gần một lít sữa để nuôi thằng Núi.

Hôm nào cũng thế, sau khi lùa bò ra bãi thả, Sao chọn một chỗ kín gió, cô buộc túm hai đầu chiếc chăn chiên vào hai thân cây làm võng rồi đặt thằng Núi nằm đó. Xong xuôi, cô mới hì hục nổi lửa nấu cháo vừa hong hóng canh giữ đàn bò. Có nhiều con mải ăn tách ra khỏi đàn ra ngoài bãi thả, Sao lại phải hộc tốc đi tìm, khi quay lại thằng Núi khóc lặng, đái ỉa ướt sũng cả võng. Sao vội ôm lấy con vào lòng, nước mắt của cô tự nhiên túa ra, cô xót xa.

– Mẹ cha anh, hư vừa chứ…

Rồi một hôm, cô lùa đàn bò quay lại bãi thả, trở lại chỗ gốc cây buộc võng thằng Núi, cô bỗng thấy “người rừng” đang đứng cạnh đấy, đang cúi xuống nhìn đăm đăm vào mặt thằng bé. Mái tóc đốm bạc cùng bộ râu dài như rễ tre của hắn xoã xuống che gần kín gương mặt nửa người nửa thú, cái dáng cao lớn của hắn nghiêng về trước như sắp cắn xé thằng bé.

Sao giơ chiếc gậy đuổi bò lên, toan bổ xuống đầu “người rừng”. Nhưng rồi cô trấn tỉnh được, cô lùi lại một bước, đầu chiếc gậy trên tay chúc xuống, cô ngơ ngác nhìn “người rừng” nửa kinh ngạc nửa mừng rỡ.

Hắn chui lủi ở đâu giờ mới xuất hiện? Hắn có thù hằn cô không mà đến đây như sắp bắt đứa bé kia đi? Hắn có nghe được tiếng gọi của cô trong cái ngày cô lặn lội đi tìm hắn?

“Người rừng” chợt ngẩng lên, bắt gặp cái nhìn hoảng hốt của cô, hắn vội lùi lại, bàn tay khẽ đẩy chiếc võng về phía trước rồi quay gót lặng lẽ bước đi.

Sao đứng lặng như hoá đá. Cô không thể tin vào mắt mình, nhìn hút theo cái bóng cao lớn của hắn khuất dần sau những đám cây. Lúc đó cô mới chợt tỉnh, vùng đuổi theo.

– Cốn ơi… Người ơi…

Thằng Núi giật mình bởi tiếng gọi của cô, khóc thét lên. Sao vội quay lại nhào tới bên chiếc võng bế thốc thằng Núi lên tay, tâm trí của cô lại hiện lên câu chuyện về nàng Ban- ma cà rồng. Cô hấp tấp vạch áo nhìn khắp thân hình thằng bé cố tìm dấu vết lạ. Rồi cô bật cười.

– Thằng cún con, mày có biết ai vừa đến thăm mày không? Bố mày đấy. Lão làm tao chết khiếp, cứ ngỡ lão xé xác mày như lũ chó sói xé con bò non ấy… Nín đi, nín đi nào, thằng cún con của mẹ…

Sau hôm ấy, Sao không dám rời thằng bé đi xa, biết đâu lũ chó sói chẳng đánh hơi thấy, lẻn tới…

Nhưng cũng từ hôm ấy, lũ bò chẳng con nào còn lén ăn xa, con nào tách khỏi đàn sẽ tự quay lại như có kẻ chặn đầu.

Một hôm, cô phát hiện chính “người rừng dồn những con bò ăn xa quay lại. Một ngày, hai ngày rồi những ngày tiếp sau, hắn thành kẻ trông nom đàn bò một cách tận tuỵ. Tuy vậy, Sao vẫn không thể tới gần hắn được, hắn chỉ xuất hiện khi ở cách xa cô.

Đã mấy tháng giữa bốn bề núi rừng hoang vắng, Sao không được cùng ai trò chuyện, giãi bày nỗi lòng. Bao lần cô chạy theo hắn, nhưng hắn vội vã trốn ngay.

Rồi một hôm thằng Núi bị sốt. Bực với hắn và bực với chính mình, suốt một tuần cô không bước ra khỏi lều, mặc đàn bò ra sao thì ra.

Bao nhiêu lần cô đề nghị lâm trường cử người lên thay, nhưng họ tảng lờ như không nghe thấy. Họ lại còn phàn nàn về số lượng bò đang bị teo dần. Họ hăm doạ cô sao? Thì đấy, cô chỉ làm được vậy thôi. Cô không phải là hạng người để họ muốn làm gì cũng được.

Giờ cô lại cầu cho lũ chó sói về thung lũng Hua Lanh bắt hết những con bò mà cô đã ra công chăm sóc bấy lâu. Đàn bò kia có bị lũ sói lôi đi hết thì cô cũng chẳng thiệt gì.

Nhưng khi cô bỏ mặc đàn bò thì “người rừng lại” tận tuỵ với công việc. Sớm hắn lùa đi chiều hắn lùa bò về. Một chiều, hắn vác nửa con bê bị lũ sói ăn thịt đặt ngoài cửa lều, nửa đêm hắn quay trở lại với một con chó sói đã bị hắn đập vỡ sọ. Nhìn hắn thân hình cao lớn nhưng quần áo rách tả tơi, Sao thấy nghèn nghẹn ở trong cổ. Cô nhào tới níu lấy cánh tay hắn, giọng cô gần như lạc đi.

– Người ơi, sao người cứ trốn chạy tôi, tự đày đoạ mình như thế? Hãy vào đây, về với con người, đừng trốn chạy nữa…

Người rừng ngơ ngác, không hiểu Sao nói gì. Hắn nhìn Sao với gương mặt đầm đìa nước mắt. Vừa gỡ tay cô hắn vừa ấp úng một thứ tiếng nghe như tiếng vọng của núi. Sao không thể nào hiểu, nhưng nhìn mặt hắn cô đoán hắn không dám ở đây vì hắn sợ, nỗi sợ mấy chục năm trốn chạy con người.

Từ hôm ấy, hắn lởn vởn quanh lều của Sao, giúp cô chăn dắt đàn bò, Sao nấu cơm đặt bên gốc cây thông già mà đêm đêm hắn về đấy ngủ. Rồi một hôm cô bị sốt rét nằm liệt, hắn phải thay cô nuôi thằng Núi.

Không rõ hắn theo dõi cách cô chăm thằng Núi từ bao giờ. Hắn cũng biết vắt sữa bò, nấu cháo cho thằng Núi ăn, ru thằng Núi bằng một thứ tiếng rất lạ.

“Phải đưa hắn về với xã hội loài người”. Sao nung nấu ý nghĩ ấy, cô tìm mọi cách để dụ hắn về ở gần mình. Cô may một bộ quần áo cho hắn, nhưng hắn lắc đầu không nhận, cô ra hiệu cho hắn cắt tóc cạo râu, hắn bỏ chạy.

Cô dạy hắn tập nói, hắn chỉ bập bẹ nói được vài ba câu. Cô mừng lắm, mong hắn chóng biết nói để trò chuyện, chỉ có tiếng nói may ra giúp hắn thực sự trở về với xã hội loài người…

Nhưng một hôm, Kham bất thần trở lại thung lũng Hua Lanh với khẩu súng săn do đội tự vệ lâm trường trang bị vào một buổi chiều mưa, bóng tối loè nhoè lẫn lộn với những ánh chớp xa vời. Lúc đó “người rừng” đang giúp Sao xua lũ bò từ bãi thả trở về. Chợt tiếng súng chói tai vang lên, đàn bò xô nhau chạy náo loạn.

Sao sững lại, chưa hiểu chuyện gì thì tiếp theo là phát súng thứ hai.

Cô nhìn về phía “người rừng”. Trong ánh chớp, cô thấy hắn lảo đảo rồi khuỵu xuống, rú lên một tiếng kinh hãi.

Sao lao về phía đó. Kham đang cười nhăn nhở, chỉ vào “người rừng” thân mình đẫm máu đang nằm sõng soài trên mặt đất.

– Cuối cùng ta cũng tiêu diệt được hắn, con quái vật đã thành tinh ở núi rừng Ta Khao. Hắn đốt bao nhiêu cánh rừng, phá bao nhiêu lúa và hoa màu của nhân dân, bắt bao nhiêu lợn gà và bò của lâm trường…

Sao quì xuống bên cạnh xác “người rừng”. Đôi bàn tay run rẩy của cô đặt lên ngực hắn, từ đó một dòng máu đang phun ra.

Không thể cứu hắn được, viên đạn đã phá nát ngực hắn.

Sao cởi dây địu, xoay thằng Núi từ phía sau lưng lại. Cô cầm bàn tay nhỏ xíu của nó đặt vào bàn tay của “người rừng”, hắn gật đầu. Đôi mắt hắn ứa ra đôi giọt nước rồi từ từ nhắm lại, miệng hắn lắp bắp mấy tiếng mới được Dao dạy cho.

– Mẹ… Con người…

Sao oà khóc, cô gục đầu vào ngực hắn.

– Phải, con người là giống thú… Giống thú…

Một lúc sau Sao mới ngẩng lên, hỏi Kham:

– Lâm trường cử anh lên đây săn đuổi người này?

– Đúng! Kham gật đầu- Nhưng ai bảo nó là người?

Sao vụt đứng dậy. Một tay bế thằng Núi, một tay cô túm cổ áo Kham giật liên hồi, gầm lên.

– Anh mới không phải giống người. Anh là tên khốn nạn. Khốn nạn! Bao nhiêu tháng anh bỏ mặc nơi này, giờ anh về để gây thêm tội ác. Cút đi! Cút ngay đi, kẻo tôi đập vỡ sọ…

Kham hoảng hốt rứt khỏi tay Sao, lao mình vào trong bóng tối, biến mất.

Đêm ấy Sao bê xác “người rừng” vào lều. Cô tắm rửa, cắt tóc rồi mặc bộ quần áo mới cho hắn, đặt hắn lên chiếc giường của Kham trước đây.

Suốt đêm ấy cô thắp đèn ngồi bên hắn. Nhìn gương mặt già nua của hắn, Sao bật khóc nức nở.

– Đến lúc này người mới được làm người… Nhưng con người cũng chỉ là giống thú…

Sớm hôm sau, Sao chôn con người khốn khổ ấy bên cạnh nấm mộ của Tơn.

Cô đẽo một mảnh gỗ thông rồi viết lên dòng chữ “Đây là nấm mộ của một con người”.

Hai tháng sau, lâm trường điều cô về đội tu bổ rừng.

Khi ấy thằng Núi đang tập bò.

Comments are closed.