Giao tranh ác liệt giành lại Cao điểm 685 (Lò vôi thế kỷ) – Vị Xuyên-Hà Giang 4 ngày giáp tết Ất Sửu-1985 (Kỳ 1)

Ký ức của Thượng sĩ Phạm Ngọc Quyền

(Đại đội 6- Tiểu đoàn 2-Trung đoàn 876-Sư 356)

clip_image002

Cao điểm 685-Ảnh P.V.Đ chụp 1996

Thưa quý vị và các bạn

Bắt đầu từ hôm nay, ngày 6/2/2015 tức ngày 18 Tết Ất Mùi, blog Phạm Viết Đào xin giới thiệu hồi ức của Thượng sĩ Phạm Ngọc Quyền kể về trận đánh  vào những ngày giáp Tết Ất Sửu-1985, cách đây 30 năm nhằm dành lại Cao điểm 685, nằm tại khu vực ngã ba Thanh Thuỷ, Vị Xuyên, Hà Giang bị Trung Quốc lấn chiếm.

Sau chiến dịch quân ta huy động 5 trung đoàn của các Sư đoàn 356, 312, 316, 314 và 313 ( có trung đoàn pháo tham gia) mở màn vào rạng sáng ngày 12/7/1984 nhằm dành lại Cao điểm 772, ngã ba Thanh Thuỷ, Vị Xuyên Hà Giang không thàng công. Sau chiến dịch này, lính Hà Giang đã mệnh danh Cao điểm 772 là “Đồi thịt băm” vì trong một ngày đêm 4 trung đoàn của ta đã hy sinh hơn 1000 bộ đội…

Sau trận 12/7/1984, phía Trung Quốc tiếp tục cho quân lấn chiếm sang đất ta; Để phản công lại, không để quân Trung Quốc lấn tới, quân ta đã thay đổi chiến thuật chuyến sang đánh lấn, lính Hà Giang thời đó gọi là “lấn dũi”, thay cho chiến thuật “biển người” bất thành trước đó…

Với chiến thuật áp dụng từ chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, tại Vị Xuyên-Hà Giang đã xảy ra những trận đánh công kiên, ta và địch dành nhau tưng mỏm đồi, mỏm đá; một trong những trận đánh ác liệt, đẫm máu đó là trận xảy ra vào những ngày giáp Tết năm Ất Sửu 1985 từ 26 tết tới 29 tết tại Cao điểm 685…

Thượng sĩ Phạm Ngọc Quyền là người tham gia trận đánh và cũng từng tham gia trận 12/7/1984 đánh Cao điểm 772.

Ai đã đến khu vực Thanh Thuỷ, Vị Xuyên, Hà Giang, thăm những mỏm núi, đồi mà chiến sĩ ta phải đổ biết bao xương máu ra để dành giật với quân Trung Quốc sẽ thấy: phần lớn là đồi đá vôi, người không thể ở và canh tác nhưng do là lãnh địa, biên cương của Tổ quốc thì phải đổ máu xương ra mà bảo vệ.

Đọc những dòng hồi ức dưới đây của Phạm Ngọc Quyền, chúng ta không thể không xót xa vì hiện không ít kẻ đang phung phí, chà đạp thậm chí còn bán rẻ cho Trung Quốc đất đai, tài nguyên của Tổ quốc mà không nhớ rằng: bao con người đã phải đổ máu hy sinh dành giữ, bảo vệ.

Cao điểm 685 là cao điểm được lính Hà Giang mệnh danh là “Lò vôi thế kỷ”; Bởi ngày đêm cả pháo ta và pháo Trung Quốc bắn phá dữ dội đã khiến cho những dãy đá xanh của mỏm núi này trắng xoá như những lò vôi…

Đưa lại những dòng hồi ức này như một cử chỉ nhằm tri ân, trân trọng và nhớ tới những người lính như Phạm Ngọc Quyền; những người đã chiến đấu, đã ngã xuống tại các giải đất biên cương của tổ quốc và cả những người may mắn sống sót để trở về với đời thường.

Blog Phạm Viết Đào.

clip_image004

Những vị trí xảy ra giao tranh ác liệt tại khu vực cửa khẩu Thanh Thuỷ, Vị Xuyên, Hà Giang giữa bộ đội ta và quân Trung Quốc xâm lược giai đoạn 1984-1989…

Xem thêm:

· Chỉ thị của Thủ tướng có 1 nội dung của ” Bản kiến nghị 5 điểm do Tướng Lê Duy Mật-Nguyên Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng Quân khu 2; Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Giang…

· Sư 313 đánh thiệt hại nặng Sư 199 của Đại quân khu Bắc Kinh…

Ký ức của Thượng sĩ Phạm Ngọc Quyền

(Đại đội 6- Tiểu đoàn 2-Trung đoàn 876-Sư 356)

clip_image006

Dưới đây là toàn bộ những điều tâm huyết của bản thân tôi sau 30 năm vẫn còn lưu đọng trong tâm trí ! Nay tôi viết ra thành lời trên trang giấy, tuy có sai sót về từ ngữ, cú pháp, câu văn, chính tả..…nhưng về lịch sử, sự kiện, nhân vật là không sai và vĩnh viễn không bao giờ sai…

Kính mong toàn thể anh em, đồng đội và bạn đọc hãy coi đây là lời kể chân thật của một người lính trong cuộc chiến, được may mắn trở về kể lại, không phải là nhà văn vì vậy không coi đó là tác phẩm văn học .

Tôi xin chân thành cảm ơn những đồng đội, đồng chí, những người bạn trên khắp mọi miền của tổ quốc, những người bạn đang ở xa tổ quốc,đã theo dõi, động viên, khích lệ như tiếp thêm sức mạnh, để tôi có thêm nghị lực, cố gắng viết lại những dòng hồi ức này !
Tôi xin giành toàn bộ bài viết này, như một món quà TRI ÂN các anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì độc lập tự do,vì chủ quyền dân tộc, vì sự toàn vẹn của biên cương tổ quốc..
              Xin Kính Dâng lên Hương Hồn Các Anh  !!!
                                                          Đồng đội : Phạm Ngọc Quyền

                                                              đ/v : C6-D2-E876-F356

Ngày 26 tết năm Ất Sửu- 1985

…Ngày này cách đây 30 năm, năm 1984. Đã là ngày 26 tết, trong khi nhân dân cả nước đang hối hả, cập rập lo cho những công việc cuối cùng để chuẩn bị đón năm mới thì tại Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang, những người lính biên cương lại hoàn toàn ngược lại; chúng tôi chẳng những không được lo đón tết mà lại phải căng mình chống chọi, giao tranh với các cuộc xâm lấn của quân Trung Quốc.

Tình hình chiến sự lúc này đã lên tới đỉnh điểm. Thời điểm này, tất cả từ sở chỉ huy xuống tới anh em lính tráng đều rất lo lắng, nguy cơ địch thừa thắng tràn xuống rất cao! Nhưng việc lo vẫn cứ lo, tuy rằng E 153 – F356 sau 3 tháng đánh lấn dũi E1 và E4 đến nay sức đã cạn kiệt, nhưng vẫn còn một số anh em bám trụ lại được một bên sườn của E1. Ngay phía sau (khoảng cách trên dưới 30m) là lực lượng D2 – E876 đang chốt chặn địch; nối tiếp ngay sau D2 – E876 đã có D1 phòng ngự. Và D3 trườn mình vận tải cho tuyến trên. Bên 400 vẫn còn lực lượng của D8 E149 chốt chặn…

(Thực chất gọi là D,C  chứ thực tế quân số một C lúc này chỉ có hơn 30 anh em thôi ).
Như vậy, địch muốn tràn sang hang Làng Lò, thì chúng phải vượt qua được các chiến sĩ của E153 còn sót lại, rồi qua các anh em D2…D1…D3 của E876. Sau đó mới trườn theo vách đá, thang dây, xuống hang cụt, rồi bì bọp lội theo suối cụt mới leo lên đỉnh hang rồi mới xuống được hang Làng Lò. Tuy nhiên vì lúc này địch dồn sức quá mạnh mà ta thi đã quá mệt mỏi sau gần 100 ngày đêm bám đá, chiến đấu kiên cường. Do đó sở chỉ huy nhận định và nâng mức độ nguy hiểm lên tột cùng cũng là điều dễ hiểu …
Có một điểm rất mừng lúc này là: Thay cho chuyển quà tết lên 685 cho chúng tôi, thì lại là hàng ngàn quả lựu đạn các loại, hàng ngàn quả đạn M79, hàng trăm quả đạn B40 B41 cùng nhiều vũ khí đạn dược được chuyển tới tay chúng tôi.

Quân số theo cách đánh thì mỗi mũi tấn công chỉ dùng từ 20-30 đồng chí, còn nằm sát các tuyến nối đuôi nhau phía sau, sẵn sàng chi viện kịp thời, do đó tâm lý anh em yên tâm hơn, không lo bi cô lập. Mặt khác, trong số tất cả các anh em đang đánh địch phản kích hay đang phòng ngự nếu bị thương, dù chỉ bị thương nhẹ cũng được lệnh cho rút về hang Làng Lò và thay ngay người khác vào vị trí để đảm bảo tinh thần, cũng như sức mạnh chiến đấu. Hiện lúc này chúng tôi có trong tay khá nhiều lợi thế:

-Thứ nhất: chúng tôi đã nằm phòng ngự trên 685, đã hứng chịu quá nhiều pháo đạn hàng trăm ngày đêm, nên độ lì rất cao. 

-Thứ hai do ở đây lâu nên chúng tôi nắm bắt được các đường tấn công của địch rất rõ. Nhưng cũng có một bất lợi vô cùng lớn là: Công sự hầm hào đến lúc này là hoàn toàn nát bét! Vậy chỉ còn tùy quan sát để lợi dụng địa hình, hang, vách, mép đá để đánh địch…

Sau hai ngày đêm tấn công, địch đã lấy lại được E4 và một phần của E1 của 685. Bên cao điểm 400 địch cũng làm chủ được 2/3 cao  điểm. Có thể nói lúc này toàn bộ 685 đã bị địch khống chế ? Trước tình hình này, D2 E876 chúng tôi được lệnh phản kích địch nhằm giành lại thế chủ động trên cao điểm 685.
Nhiệm vụ của C6 chúng tôi là đánh phản kích giành lại E2 cao điểm 685-phát triển lên đẩy lùi địch ra khỏi E4 –đồng thời cô lập địch tại E1 kết hợp cho số còn lại E153 đánh lên giành lại E1. Chỉ huy mũi này là Tiểu đoàn phó Trần Đức Hiệp. Đại đội trưởng C6 đ/c Cảnh…
Nhiệm vụ của C5 là đánh phản kích địch giành lại  E5- phát triển sang trái kết hợp cùng C6 đánh địch tại E4 –sau khi làm chủ,chốt giữ đánh chặn địch từ 300 tràn sang giúp D8 E149 đòi lại 400. Chỉ huy mũi này là Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 Hồ Xuân Tuân. Đại đội trưởng C5 đ./c Thái Khắc Ba. Còn lại C7 làm thê đội dự bị số 1 cho C5 và C6…
Ngay sát phía sau là lực lượng của D1 E876 làm thê đôi dự bị và sẫn sàng vào phòng ngự khi D2 lấy lai được mục tiêu. D3 vẫn làm công tác vận tải trên mặt trận.
-Chỉ huy toàn trận đánh là Sư đoàn trưởng Điếm
-Tham mưu trưởng là đồng chí Cây…
-Sở chỉ huy sư đoàn nằm tại hang Làng Lò;
– Sở chỉ huy trung đoàn nằm tại cao điểm 468;
Cũng tại cao điểm 468 ta đặt 2 ụ súng bắn tỉa, hỏa lực ĐKZ, cối 120ly,cối 82ly, bên giông đất của 468 là 12 ly 7, bên 600 là hỏa lực của tiểu đoàn….Hỏa lực mạnh của cấp trên; các trung đoàn pháo binh-hỏa tiễn sẽ bắn tối đa để chi viện cho 685-400…
Về phía địch: Tại E2, địch bố trí khoảng 1 trung đội thường trực, bên cạnh vào ra và dự bị nhảy vào đánh là khoảng một đại đội phía sau.Tại đây, chúng thường xuyên dùng súng bắn tỉa, cùng 4 ụ súng hỏa lực, bên cạnh đó từ các khe đá mà ta chưa xác định được chúng thường xuyên phun 14 ly 5 sang ta. Bên E5 chúng cũng bố trí khoảng gần một đại đội bộ binh, chúng dùng súng bắn tỉa và 6-7 ụ hỏa lực. Trên E4, chúng đặt 14 ly 5 ĐKZ bắn thẳng. Phía chân 400 chúng dùng khoảng 1 trung đội hỏa lực nằm ép sát chân của mỏm đá tai mèo. Bên Đ2 của 772 gần sát E4 của 685, chúng bố trí trận địa cối 82ly và ĐKZ. Bên Đ1 của 772 chúng bố trí 14ly5 ĐKZ, B các loại. Phía 300 chúng thường xuyên có cấp đại đội sãn sàng ứng cứu …

Qua nắm tình hình, chúng tôi nhận thấy địch đã học được ở chúng ta cách đánh lấn dũi: Chúng cho đào hào dẫn từ 233-226-lên chân của 772 qua A5- vòng trái 300 –phát triển lên E4 của 685 và sang E5 –E3 .bên hướng lên 400 chúng dào hào dẫn theo từ 233-226-qua 6ab – vòng trái đồi Cây Khô lên 400.
Phía tây nam của 685 chúng cũng đào hào đẫn từ Đ1 -772 sang E1 của 685 .phía tây bắc chúng đào nhiều đường dẫn từ Đ2 -772 sang E4  685…
Tất cả chúng tôi đã sẵn sàng chờ lệnh của cấp trên và chờ pháo  phát hỏa  ngay trong đêm nay 26 tết 1985…

Lại một đêm nữa trên cao điểm 685. Nó vẫn như hàng trăm đêm đã trôi qua …Nhưng không! đêm nay hẳn là khác các đêm trước. Trời đêm cuối tháng chạp có rét hơn, màn đêm đen đặc quánh, tối đen như đêm ba mươi, thỉnh thoảng những quả đạn pháo sáng của địch dội xuống như những bóng đèn điện có dây treo lơ lững trên đầu những đoàn quân đang ép mình chờ nổ súng… (Vâng câu thơ trong bài thơ đã được phổ nhạc: “Đêm nay rừng khuya sương xuống; Nằm kề bên nhau chờ giặc tới; Đầu súng trăng treo …” Ở đây,  gần đêm ba mươi không trăng… mà đầu súng pháo sáng treo !!!).

Rồi màn đêm được xé toang bởi tiếng pháo nổ, mặt đất rung chuyển, đất đá bay tơi tả cùng ảnh lửa chói lòa, sáng rực cả khu đồi…Pháo bắn vẫn như thường ngày, về đêm chúng có vẻ bắn ít hơn, dưới làn đạn pháo, anh em D3 E 876 nhanh nhen như con sóc chuyền tay nhau nhũng ba lô đạn dược, bông băng, lương khô và cả những can nước… Còn chúng tôi,cũng không kém, vận động hết ụ súng nọ, đến điểm chốt kia để vừa chuyển thêm đạn dược cho anh em, vừa kiểm tra xem còn thiếu sót gì nữa không? Tất cả chỉ nhìn nhau bằng ánh mắt trong đêm, tuyệt nhiên không một lời chào, không một cái vỗ về hay cái bắt tay… Bởi vì chúng tôi đã ngầm quy đinh với nhau là thực hiện 10 KHÔNG…
Những công việc vội vã cuối cùng cũng đã được chúng tôi thưc hiện xong trước 1h sáng ngày 27 âm lịch. Tinh thần anh em chúng tôi đã lên rất cao, bởi vì tất cả chúng tôi đều có chung một tâm trạng: Nằm đây quá lâu, quá khổ. ..thà rằng sống mái một mất một còn…chứ nằm đây mãi thì sớm muộn cũng chết…Ngay cả cánh anh em D3 cũng nhiều đồng chí xin được vào vị trí chiến đấu, chứ không muốn suốt ngay đêm căng mình trên bề mặt của mặt trận..Họ không có vị trí ẩn nấp pháo đạn địch nên họ bị thương vong và hy sinh nhiều hơn chúng tôi nhiều lần…

P.N.Q.

(Còn nữa…)

Nguồn: http://nvphamvietdao.blogspot.com/2015/02/giao-tranh-ac-liet-danh-lai-cao-iem-685.html

Comments are closed.